WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bài học Chiến Quốc và cuộc chiến chủ quyền Biển Đông hiện nay

Mở Đầu

Thời đại Chiến Quốc kéo dài từ khoảng thế kỷ 5 TCN tới khi Trung Quốc thống nhất dưới thời Tần Thủy Hoàng năm 221 TCN.

Giả sử nước Tần không thống nhất được 6 nước nhỏ, thì Trung Quốc ngày nay khó có thể có hình dáng địa lý to lớn như hôm nay. Kề sát biên giới Việt Nam có thể không phải là một nước bá quyền Đại Hán mà là một nước yêu hòa bình, chung sống hữu nghị láng giềng. Nước Việt Nam ta sẽ đỡ khổ về các mưu độc, kế hiểm của Đại Hán Trung Quốc.

Sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam năm 1954, theo lệnh Chu Ân Lai ký hiệp định Genève chia cắt đất nước Việt; sự kiện Việt Nam không đấu tranh, phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa; sự kiện chính phủ Việt Nam im lặng để Trung Quốc gặm nhấm các cao điểm biên giới, các cánh rừng biên giới phía bắc 1984-1990; sự kiện chính phủ Việt Nam không chống trả quyết liệt năm 1988, để đến nay mất 9 hòn đảo tại Trường Sa… tất cả các sự kiện ấy đã đặt trí thức Việt Nam trước một trách nhiệm lớn lao: Thức tỉnh cảnh giác của dân tộc Việt Nam trước hiểm họa Trung Hoa mặc dù đàn áp, vu cáo của Đảng cộng sản Việt Nam, đảng cầm quyền hiện nay.

Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ dân tộc Việt Nam mất cảnh giác với bành trướng phương bắc như hiện nay. Chưa bao giờ người dân vô cảm trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc như hiện nay.

Chưa bao giờ giặc phương bắc lại thành công chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam như hiện nay.

Chưa bao giờ tầng lớp lãnh đạo dân tộc lại xa rời nhân dân và đồng hành với bọn hòng xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải mà tổ tiên Việt Nam hàng nghìn đời hi sinh xương máu bảo vệ gìn giữ, đã trao cho lại chúng ta với lời dặn: Những ai mang một tất đất, tất biển cho Trung Quốc thì đáng tội tru di. Chưa bao giờ lòng yêu nước Việt Nam bị Đảng cộng sản Việt Nam làm thoái hóa trở thành lòng yêu nước của những kẻ gần khùng vì căm giận: anh chỉ được phép đánh giặc phương bắc khi chúng đốt nhà anh, khi chúng hãm hiếp vợ anh, khi chúng giết con anh (1979). Ngoài ra, nếu anh muốn thức tỉnh dân tộc, báo trước thảm họa diệt vong, anh chỉ cần trương 1 dòng khẩu hiệu HS-TS-VN là Đảng cộng sản Việt Nam sẽ bắt anh vào tù ngay lập tức, và có thể tra tấn anh đến thương tật.

Sau hội nghị Genève 1954, sau hải chiến 1974 tại Hoàng Sa, sau cuộc chiến biên giới 1979, sau chiến tranh Tây-Nam 1978-1986, sau cuộc chiến biên giới phía bắc thầm lặng 1984-1990, sau hải chiến 1988 tại Trường Sa… máu Việt Nam đã đổ, nhân dân Việt Nam đã “ân đoạn, nghĩa tuyệt” với chính phủ bành trướng Trung Quốc, với Đảng cộng sản Trung Quốc.

Xem xét những bài học của thời Chiến quốc càng cần thiết hơn bao giờ hết trong tình hình bành trướng quyết liệt của Trung Quốc ra Biển Đông, sau các sự kiện tầu Bình Minh02 và VIKING II tháng 5 và 6/2011, để nhận ra chân tướng, các thủ đoạn, các ý đồ chiến lược của  bành trướng Bắc Kinh mà vô hiệu hóa nó.

Tình hình Biển Đông hiện nay có nét tương đồng như tình hình thời Chiến quốc. Ngày xưa Tần là một nước mạnh, muốn thôn tính 6 nước nhỏ khác. Ngày nay, Trung Quốc là một nước mạnh, muốn độc chiếm Biển Đông.

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển. Vùng biển trong khu vực Biển Đông là đối tượng tranh chấp, với lợi ích mà các quốc gia quan tâm gồm: ngư trường, khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu khí và kiểm soát của một vị trí chiến lược quan trọng.

1. Những yếu tố nào làm nước Tần hùng mạnh?

Thời Xuân Thu, nước Tần chỉ là một nước yếu, nằm hẻo lánh ở phía tây. Sau trò “Đốt lửa đùa chư hầu” của vua Trụ, khi kinh đô nhà Chu bị các tộc thiện chiến Khuyển Nhung xâm phạm, không nước chư hầu nào giúp nhà Chu. Nhờ có công hộ giá, Tần Tương Công đã được Chu Bình Vương cho phép: đánh Khuyển Nhung đến đâu, được giữ đất đến đấy. Nhờ lệnh này, Tần mở mang bờ cõi rộng lớn về phía tây.

Ý thức được vị trí lạc hậu của mình so với Tề, Lỗ, Hàn, Triệu… từ Tần Mục Công, các vua Tần rất coi trọng hiền tài. Bách Lý Hề, vị quan đại phu mà vua Tần mua bằng 5 bộ da dê, đã cải cách giúp Tần cường thịnh. Các đời vua sau như Tần Hiếu Công trọng Thương Ưởng, hay Tần Thủy Hoàng trọng Lý Tư, đã đem lại kết quả là nước Tần có nền chính trị tiên tiến nhất thời Chiến quốc, quan hệ sản xuất tiên tiến nhất trong 6 nước bấy giờ. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong các cải cách của Thương Ưởng. Ông đe doạ bắt làm nô lệ bất kỳ một người nào đủ sức khoẻ mà không chịu làm việc. Ông giải phóng nô lệ thành nông dân tự do và đất đai nhà Tần được chia cho nông dân trồng trọt chứ không để hoang hóa trong tay chủ nô, địa chủ. Tần là nhà nước đầu tiên sử dụng chính sách ngụ binh ư nông trong lịch sử. Thương Ưởng khuyến khích nhập cư: nước Tần thu hút những người tài năng và học thức từ nước khác đến, trao cho những người nông dân tới từ nước khác một mảnh đất hoang, hứa miễn đi lính cho họ. Vua Tần giảm bớt quyền lực của giới quý tộc phong kiến nhà Tần. Vua Tần chia các lãnh địa của mình thành các quận huyện, được quản lý bởi các quan chức do vua chỉ định chứ không phải bởi các đại diện của tầng lớp quý tộc. Nước Tần cuối Chiến quốc, nhờ quyết tâm trọng dụng nhân tài, cải cách chính trị, cộng với đất đai rộng lớn, mầu mỡ, dân cư đông đúc đã trở thành một nhà nước phong kiến manh nha trung ương tập quyền, và trở thành trung ương tập quyền vào thời Tần Thủy Hoàng.

2  Các thủ đoạn chính trị trước chiến tranh Tần diệt 6 nước chư hầu

Trong thời gian cuối Chiến quốc, nước Tần hùng mạnh và trở nên bá đạo làm các nước khác lo sợ.

2.1. Thuyết Hợp tung ra đời.

“Hợp chúng nhược, dĩ công nhất cường” nhằm liên kết 6 nước chư hầu đoàn kết chống Tần. Cái lý đoàn kết các nước yếu hơn chống nước Tần bá đạo là thuận lẽ sinh tồn. Hợp tung đã 6 lần huy động các nước chư hầu dùng chiến tranh đánh Tần. Đại diện của Hợp tung là Công Tôn Diễn tướng quốc nước Ngụy, và Tô Tần, người đeo ấn tướng quốc 6 nước.

Ngược lại, để chia rẽ các nước chư hầu, đồng thời làm mình mạnh lên, nước Tần sử dụng thuyết Liên hoành nhằm liên kết với những nước nòng cốt của Hợp tung như Sở, Tề.., chia lẻ từng nước chư hầu và tiêu diệt dần từng nước. Cốt lõi của Liên hoành là nhử lợi từng nước một, tùy theo nhu cầu của nước đó. Chạy theo lợi riêng là điểm yếu của các nước chư hầu.

Đối với nước Sở, Trương Nghi nhử lợi hứa cắt 600 dặm đất Thượng Ư của Tần cho Sở với điều kiện Sở từ bỏ Hợp tung với Tề. Đối với nước Tề thì Tần hứa cùng nhau xưng Đế hiệu…

Liên hoành đã phá hoại Hợp tung. Nước Tần đã có thể xâm lược từng nước chư hầu mà các nước còn lại không hề có phản ứng.

Đại diện cho Liên hoành là Trương Nghi.

Liên hoành cũng có nhiều thành công như xây dựng được các liên minh Tần-Tề hay sau đó Tần-Tề-Sở… làm yếu Hợp tung.

2.2. Nguyên nhân thất bại cuả Hợp tung.

Nguyên nhân chính là các nước chư hầu không tích cực cải cách xã hội, duy trì chế độ cát cứ công hầu phong kiến. Tề, Sở từ những nước hùng mạnh ngang với Tần, do hủ lậu về chính trị mà tụt hậu hơn so với Tần. Sở sau khi Ngô Khởi bị chết, cải cách của Sở bị dừng lại. Thời Sở Hoài Vương, nhà vua đã để cho Lệnh doãn Tử Lan và Đại phu Cận Thượng lũng đoạn chính trường, nhận hối lộ của Trương Nghi phá vỡ Hợp tung với Tề.

Chính sách thu gom nhân tài của Bình Nguyên Quân, hay Tín Lăng Quân đã làm 6 nước chư hầu thiếu nhân tài. Kết quả là cả 6 nước do chiến tranh liên miên, dân thì nghèo đi và binh lực thì yếu đi, trong khi Tần cường thịnh lên.

Đoàn kết chống Tần là đúng, song Hợp tung luôn bị Tần phá thành công do Tần ngoại giao nhằm kích vào các điểm lợi riêng biệt của từng nước chư hầu. Các nước chư hầu thì luôn tham các lợi nhỏ trước mắt, và hay quên mối họa lớn từ phía Tần.

3. Biển Đông ngày nay

Có ít nhất hơn 1/2 tổng khối lượng hàng hóa giao thương đường biển quốc tế di chuyển trên Biển Đông. Biển Đông cũng là nơi trung chuyển 70-80% năng lượng dầu khí nhập khẩu cho các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Biển Đông còn là điểm nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Ai khống chế Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương sẽ khống chế thế giới trong thế kỷ 21 này.

Trung Quốc muốn khống chế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không thể không khống chế Biển Đông.

Hoa kỳ muốn giữ vị trí cường quốc số 1 thế giới, không thể không có tiếng nói trong các tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Việt Nam là chủ nhân lâu đời của Hoàng Sa, Trường Sa, không thể không đấu tranh gìn giữ hải đảo của Tổ quốc Việt Nam.

3.1. Hoa Kỳ rời bỏ Biển Đông.

Từ 1971, sau hội đàm với Mao Trạch Đông, Hoa Kỳ đã muốn chấm dứt cuộc chiến dai dẳng Mỹ-Việt Nam.

Lợi dụng cơ hội này, 1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.

Năm 1975, Hoa Kỳ thua trận, rời khỏi Việt Nam.

Sau 1975, Hoa Kỳ đóng cửa các căn cứ quân sự ở Thái Lan.

Tháng 11/1992 Hoa kỳ rút khỏi các căn cứ quân sự ở Phillippines.

Lợi dụng sự suy yếu của Liên Xô những năm 80, giai đoạn trước của sự tan rã của phe Xã hội chủ nghĩa, năm 1988 Trung Quốc chiếm của Việt Nam 7 hòn đảo tại Trường Sa và thiết lập vững chãi vị trí của mình tại Trường Sa.

1/2002, Nga rút khỏi Cam Ranh.

Việt Nam thì yếu kém về chiến lược Biển, luôn lùi bước trước Trung Quốc khi Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông. Hải quân Việt Nam vẫn chưa thể cai quản, gìn giữ được an toàn cho Biển Đông.

3.2. Trung Quốc và chiến lược xâm chiếm Biển Đông.

3.2.1. Trước 10/1949,  nước Trung Hoa Dân Quốc không có khái niệm về chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa.

Tại Hội nghị Cairo, Ai Cập năm 1943, nguyên thủ 3 quốc gia đồng minh gặp nhau: Tưởng Giới Thạch, Franklin Roosevelt và Winston Churchill, nhằm bàn kế hoạch tác chiến chống phát xít Nhật tại khu vực Thái Bình Dương. Các đoàn quân sự ba nước cũng họp song song. Sau hội nghị, liên minh ba nước ra tuyên bố (1.12.1943):

“Quyết tâm không từ một nỗ lực nào trong việc phối hợp lực lượng hải, lục, không quân của ba nước nhằm chặn đứng xâm lược của Nhật, tiến tới buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện dù phải chiến đấu lâu dài; quyết tâm giải phóng tất cả các lãnh thổ, hải đảo tại khu vực Thái Bình Dương đã bị Nhật xâm chiếm từ Chiến tranh thế giới I; trả lại cho Trung Hoa các lãnh thổ đã bị Nhật chiếm như Đài Loan, Bành Hồ, vv.; trả lại độc lập tự do cho nhân dân Triều Tiên”. http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn

Trong tuyên bố trên, Tưởng Giới Thạch hoàn toàn không đả động đến Hoàng Sa, Trường Sa. Hiển nhiên, nếu Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong tư duy lãnh thổ của lãnh đạo chính trị Trung Hoa Quốc Dân, thì họ Tưởng chắc chắn phải thêm địa danh 2 quần đảo này vào bản Tuyên bố. Dấu 3 chấm sau Đài Loan, Bành Hồ chỉ nói rằng: giới lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc bấy giờ để lửng để có thể thêm thắt, giải thích, chú phụ sau này. Dấu chấm lửng khẳng định là tại thời điểm hội nghị này, Hoàng Sa, Trường Sa không có trong khái niệm địa lý của giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc. Cả phái đoàn quân sự đông đảo của Tưởng Giới Thạch, cũng không ai có đề nghị gì về Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này chứng tỏ họ Tưởng, cả phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc nói riêng và tư duy địa lý nói chung của người Trung Quốc, không hề coi Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc lãnh hải Trung Quốc. Mặc định  trong trường hợp này là họ công nhận, khi Đồng minh đánh bại Nhật Phát xít thì Hoàng Sa, Trường Sa sẽ trở về với chủ chính thống của nó là Việt Nam.

3.2.2. Trung Quốc bắt đầu có đòi hỏi chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa từ Chu Ân Lai trong và sau Hội nghị San Francissco năm 1951. Thế nhưng hội nghị bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc và công nhận chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.

Đầu tháng 9-1951, các nước Đồng Minh trong Thế chiến hai tổ chức Hội nghị ở San Francisco  (Hoa Kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á-Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến.

Tham gia Hội nghị gồm phái đoàn của 51 nước. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không tham dự Hội nghị.

Nhận lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tham dự Hội nghị.

Ngày 7-9-1951, phát biểu tại Hội nghị, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu nêu rõ: “Chúng tôi cũng sẽ trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị ghi nhận (chứng nhận): Về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Lời xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam- thành viên của khối Liên hiệp Pháp–không hề gây ra một phản ứng chống đối, hoặc 1 yêu sách nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị. Không có sự phản đối nào của các nước tham dự Hội nghị cũng chính là sự thừa nhận của các nước Đồng Minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản được ký kết tại San Francisco ngày 8-9-1951 quy định Nhật Bản phải rút lui khỏi những nơi, mà nước này đã dùng vũ lực để chiếm đóng trong Thế chiến hai. Hiệp ước quy định: “Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và đòi hỏi với quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands)”.

Trung Quốc  không tham dự hội nghị San Francisco, không đưa ra tuyên bố phản đối nào. Tuy nhiên, ngày 15-8-1951, Ngoại trưởng Chu Ân Lai lên tiếng về bản dự thảo Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản do Mỹ – Anh soạn thảo.

Đòi hỏi cho quyền lợi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong Hội nghị San Francisco đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, được phái đoàn Liên Xô nêu lên trong phiên họp khoáng đại ngày 5-9-1951 của Hội nghị. Phát biểu trong phiên họp này, Andrei A. Gromyko – Ngoại trưởng Liên Xô – đã đưa ra đề nghị, trong đó có khoản tu chỉnh liên quan đến việc “Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam”. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thông qua Liên Xô, lúc này chỉ viện dẫn được 1 lý lẽ cho đề nghị tu chỉnh là việc Trung Hoa Dân quốc thừa lệnh Đồng Minh tiếp quản 1 đảo ở Hoàng Sa và 1 đảo ở Trường Sa năm 1946, để làm luận cứ cho rằng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Đây  là một lý lẽ không có chứng cớ pháp lý.

Với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này của phái đoàn Liên Xô.

Với việc bác bỏ đề nghị của Liên Xô, 51 nước tham dự Hội Nghị San Francisco đã chính thức công nhận rằng Trung Quốc không có chủ quyền trên Hoàng Sa, Trường Sa.

Hơn nữa, Điều 2 của Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản đã tái lập sự toàn vẹn lãnh thổ cho những quốc gia bị quân Nhật chiếm đóng trong Thế chiến hai. Do đó, việc Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng có nghĩa là Nhật Bản trả lại chủ quyền của hai quần đảo mà nước này chiếm đóng trong giai đoạn 1939-1946 cho Việt Nam.

Chủ quyền đối với hai quần đảo này hiển nhiên thuộc về Việt Nam.

4. Chiếc lược độc chiếm Biển Đông.

4.1. Chu Ân Lai dụng kế “Vô trung sinh hữu”.

Tuy đã bị Hội nghị San Francisco bác bỏ yêu cầu chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc quyết không từ bỏ âm mưu chiếm 2 quần đảo này.

Lợi dụng việc những người cộng sản Việt Nam dành được chính quyền ở Miền Bắc Việt Nam và đang nhận viện trợ của Trung Quốc, Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc thực hiện mưu kế “Vô trung sinh hữu”: từ trong “không” biến thành “có”.

4.1.1.  Bức công hàm 4/9/1958.

Công hàm 4/9/1958 của họ Chu đã lồng chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa như sau: “Lãnh hải của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung Quốc.”

Sau Hội nghị San Francisco việc Trung Quốc nghiễm nhiên cho rằng có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa chỉ là tưởng tượng của riêng Trung Quốc, không có công nhận của thế giới. Chu Ân Lai cố tình bất chấp luật pháp quốc tế, dùng mưu mẹo để đoạt chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Thủ tướng Bắc Viêt Nam, Phạm Văn Đồng đã có công hàm trả lời ngày 14/9/1958: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”.

Bắc Việt Nam ghi nhận và tán thành “quyết định về hải phận của Trung Quốc” như thế nào? thì câu sau giải thích rõ: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”.

Đối với Trung Quốc, họ cố tình hiểu là Phạm Văn Đồng đã công nhận chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Thế là từ “không có” chút chủ quyền nào đối với Hoàng Sa, Trường Sa sau Hội nghị San Francisco, nay / sau ngày 14/9/1958 / Trung Quốc đã có công hàm Phạm Văn Đồng.

Kế ‘Vô trung sinh hữu” đã được Chu Ân Lai thực hiện là như vậy.

4.1.2. Họng súng Trung Quốc.

Giai đoạn tiếp sau, họng súng Trung Quốc đã biến “có” trên mặt  giấy công hàm, thành “có” thực sự trên toàn bộ Hoàng Sa, 9 đảo Trường Sa.

Trung Quốc kiên trì chờ thời cơ. Khi Hoa Kỳ có ý định rời bỏ Đông Nam Á, 1974, Trung Quốc dùng sức mạnh của họng súng, cướp Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988, lợi dụng Liên Xô đang gặp nhiều khó khăn tại Đông Âu, Àfghanistan, Trung Quốc lại dùng hải chiến chiếm 7 đảo và tới nay là 9 đảo tại Trường Sa của Việt Nam.

4.2. Đường lưỡi bò và lợi ích cốt lõi.

Sau 3 thập niên tăng trưởng kinh tế liên tục, Trung Quốc thấy rằng họ đã có thể thực hiện bước tiếp theo trong chiến lược độc chiếm hoàn toàn Biển Đông.

Ngày 7/5/2009 phái đoàn thường trực Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc chính thức cho lưu hành bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò, đường chữ U) “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng”.

Đầu năm 2010, sự tự tin không có đối thủ đã làm Trung Quốc tuyên bố không cho phép bất cứ nước nào can thiệp vào vùng Biển Đông, vùng biển này đã trở thành cái gọi là “quyền lợi cốt lõi về chủ quyền” của Trung Quốc, tương tự như Đài Loan và Tây Tạng.

5. Liên hoành của Trung Quốc hiện nay

5.1. Chiến lược ngoại giao liên hoành toàn cầu của Trung Quốc hiện nay có thể tóm tắt trong những chữ sau: Bắc-Hòa, Nam-Dụ, Đông-Lấn, Tây-An.

Bắc là phương bắc gồm: cường quốc quân sự hạt nhân nước Nga và các nước Trung á thuộc Liên Xô cũ.

Hòa là hòa hoãn, hòa hảo, hợp tác cho có lợi cho Trung Quốc.

Đường ống dẫn dầu hỏa xuyên Xibiri, tuyến đường sắt Âu-Á… là những đầu tư của Trung Quốc theo chữ Hòa này.

Nam là phương nam gồm Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Myanma.

Dụ là dụ dỗ, dụ vào mưu, dụ vào kế hiểm. Dụ là ngọt nhạt nhưng coi thường, dụ là bôi mật để dính mà không rút ra được. Dụ là phỉnh phờ hứa tăng cường viện trợ, đã được Trung Quốc sử dụng kế này thành thạo như trong việc dụ thành công Việt Nam ký Hiệp định Genève 1954.

Hiện nay, điển hình nhất của Dụ là Giang Trạch Dân tặng Lê Khả Phiêu 16 chữ: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, và 4 tốt: láng giềng tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, bạn bè tốt.

Đông là Biển Đông của Việt Nam, theo hướng đông nam của Trung Quốc.

Lấn là lấn chiếm, là lấn cướp bằng sức mạnh khi thời thế cho phép. Trung Quốc đã cướp của Việt Nam Hoàng Sa, Trường Sa vào những năm 1974, 1988 và hiện nay đang lăm le chiếm nốt Biển Đông bằng tuyên bố đường lưỡi bò là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tây là cụm các nước nằm hướng tây Trung Quốc: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan.

An là trấn an, làm cho an tâm, là lừa phỉnh, là che đậy dã tâm của mình trước Hoa Kỳ, Ấn Độ. Hoa Kỳ là nước Trung Quốc gườm nhất. Hoa Kỳ có khả năng ngăn chặn kế hoạch bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, và Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Điểm yếu của Hoa Kỳ là đang sa lầy trong 2 cuộc chiến tranh và một nền kinh tế đang trượt dài khủng khoảng. Do vậy, Trung Quốc ra sức trấn an Hoa Kỳ về mục đích trỗi dậy một cách hòa bình của họ.

Tuy nhiên Hoa Kỳ là một cường quốc chính trị mà các lợi nhuận kinh kế trải rộng khắp thế giới. Việc Trung Quốc sẽ thách thức vị trí siêu cường của Hoa Kỳ, đã được họ nhận ra. Chữ An lúc đó chắc không có hiệu lực nữa.

5.2. Chiến thuật cụ thể của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Ta thấy trong ngoại giao Liên hoành của Trung Quốc thời bành trướng này, hướng đông và nam đều nhằm phía Việt Nam.

Vị trí của Việt Nam là đặc biệt trong ngoại giao Trung Quốc.

Trung Quốc muốn chỉ cho thế giới thấy rằng một nước đã nổi tiếng về hi sinh anh dũng cho độc lập tự do sẽ là một đồng minh dễ bảo của đại cường mới.

Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam sẽ là mẫu, điển hình cho mô hình quan hệ Trung Quốc- nước nhỏ khác trên thế giới.

Trung Quốc thực hiện một chiến thuật kép vừa đấm, vừa xoa đối với Việt Nam.

Họ đã đấm Việt Nam vài quả bằng sự kiện cắt cáp tầu Bình Minh 02, tầu VIKING II, sau đó gọi Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc để xoa dịu.

Trung Quốc liên tục dương cao tình hữu ái giai cấp, cùng mục ti ê XHCN,.. để dụ dỗ lãnh đạo cao cấp Việt Nam.

Kể cả các thủ đoạn hối lộ, mà lịch sử Trung Quốc đã chỉ rõ: người Trung Quốc là bậc thầy trong hối lộ. Văn Chủng, Phạm Lãi hối lộ Bá Hi, quan thái tể nước Ngô, để nước Ngô hùng mạnh bá chủ của Hội thề , bị tiêu vong. Trương Nghi thì hối lộ Tử Lan, quan Lệnh doãn nước Sở và Cận Thượng quan đại phu nước Sở, nhằm xui Sở Hoài Vương phản bội ước Hợp tung với Tề.

Trên thì dụ dỗ lãnh đạo cao cấp, dưới thì o ép ngư dân đánh cá, tầu thăm dò dầu khí…

Trong đàm phán với Việt Nam về giải quyết các tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc một mực chỉ đàm phán song phương.

Đàm phán song phương để lợi dụng thế nước lớn, để lợi dụng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhằm o ép các nước nhỏ, dành lợi về mình.

Hiện nay Trung Quốc đang ngang ngược không chịu đàm phán với Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Việc Đới Bỉnh Quốc, nhân vật cao cấp nhất về ngoại giao của Trung Quốc sang Việt Nam liên tục nói về  tình hữu hảo của Trung Quốc đối với Việt Nam, khẳng định Trung Quốc rất sợ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, Sài Gòn sẽ đem lại sự ủng hộ của thế giới, của Hoa Kỳ đối với chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.

5. Bài học Chiến quốc Hợp tung của Việt Nam. Di chúc của Trần Hưng Đạo.

Hợp tung là một chiến lược khả thi trong tình hình Biển Đông hiện nay. Tuy vậy, giả sử Hợp tung hình thành và thực thi, nhưng tương lai của nó có bền vững hay không, phụ thuộc vào những nước tham gia Hợp tung.

Khi chưa có điều kiện Hợp tung, Việt Nam phải trông cậy vào chính bản thân mình.

Bài học khư khư bám vào quyền lợi tầng lớp quí tộc phong kiến của Tề, Sở, Ngụy, Triệu, Lỗ, Hàn, không cải cách xã hội khiến cho binh yếu, dân nghèo là nguyên nhân chính thắng lợi của nước Tần.

Đối với Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản mà Đảng cộng sản Việt Nam theo đuổi đã làm yếu khối đoàn kết dân tộc.

Sau sự thất bại của chế độ XHCN dựa trên công hữu, tư hữu chưa được chính thức công nhận.

Tư hữu chưa trở về vị trí làm động lực phát triển xã hội.

Cải cách xã hội của Việt Nam lúc này phải là dân chủ hóa xã hội việt nam.

Phải trả lại cho nhân dân quyền tư hữu để kích thích phấn đấu cá nhân, kích thích làm ra của cải cho xã hội.

Cẩm nang để chống lại bành trướng Trung Quốc, đã có từ sự đúc kết các sự kiện lịch sử nước Việt, đã được vị anh hùng dân tộc Việt Nam Trần Hưng Đạo di chúc lại trong lời di chúc bất hủ sau:

“Tháng 6 năm 1300, Hưng Đạo Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”

Hưng Đạo Vương trả lời: ” Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương nam mới mạnh mà phương bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy.

Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp.

Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự.

Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.” Wikipedia- Trần Hưng Đạo.

Kẻ thù của dân tộc Việt Nam, Trung Quốc chưa bao giờ mạnh như hôm nay. Chúng ta, người dân đất Việt, chưa bao giờ bị tầng lớp lãnh đạo phản bội trắng trợn, coi kẻ thù thành anh hai như hôm nay.

Họa mất biển đảo, mất tài nguyên đất nước, họa làm thuộc quốc, chư hầu, đang treo trước mắt.

Học kỹ bài học của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là dân chủ bàn bạc, tìm ra lãnh đạo giỏi chống Trung Quốc bành trướng, là nhiệm vụ số 1 của chính trị Việt Nam hôm nay.

Là mưu kế sống còn của dân tộc Việt Nam lúc này.

© Nguyễn Nghĩa

© Đàn Chim Việt

5 Phản hồi cho “Bài học Chiến Quốc và cuộc chiến chủ quyền Biển Đông hiện nay”

  1. congdanvn says:

    bài viết hay.. cuối bài nói xấu chế độ là chưa hiểu được. con bao thu, co hu.. tac gia nen ho hao doan ket dan toc .thi dung gay chia re noi bo dan toc. .. du la ai cam quyen cung khong bao gio de mat nuoc… Con lai thi tac gia noi dung

  2. khaymouk says:

    nguoi viet hay tu xet minh la minh da lam gi cho dat nuoc va to quoc minh chua,minh da dat quyen loi cua To quoc tren het,da dep lai tu thu de doan ket bao ve To quoc va toan ven lanh tho chua,
    hay van con dau da vi quyen loi ca nhan hay tu thu ma de dat nuoc lam vao be tac?
    neu nguoi viet biet quyen minh, hy sinh vi To quoc thi chang co gi phai so ai
    neu nguoi viet biet hy sinh va nhat tri quyet tam thi khong ai co the xam lan duoc.

    • SOCRATES says:

      Gởi: Khaymouk
      Cái tên nầy có vẻ là Campuchia nhưng lại viết tiếng Việt nên không biết là ngừơi gì.Nhưng cậu bé ơi ! Cậu chắc chắn là con nít nên chả hiểu gì chuyện chính trị đâu.Hơn 30 năm trứơc ,nhưng người vượt biên sang định cư ở các nứơc phương Tây bị xem là phản bội tổ quốc.Cho đến giờ phút nầy, mặc dù không còn bị gọi như thế nửa nhưng nếu người VIệt hải ngọai có dẹp thù riêng và đòan kết để bảo vệ tổ quốc thì củng chẳng ai coi họ là đồng vì chỉ có chính quyền và người dân trong nước mới có quyền yêu nứơc thôi.
      Quyết tâm là yếu tố quan trọng trong giử nứơc.Nhưng yếu tố không phải là quyết định.Nếu nói như cậu thì Hòang Sa và 9 đảo nhỏ của Trừơng Sa đâu có bị Tàu chiếm đọat.mà lịch sử Tàu đả chứng minh rỏ ràng rằng.Khi đất nứơc hay lảnh thổ đả lọt vào tay bọn Tàu ,thì sớm muộn rồi củnh sẻ bị thay tên đổi họ và trở thành một tỉnh,phủ huyện của Tàu mà thôi. Bây giờ Tàu đà đềiu đó rồi và liệu bao giờ VN sẻ giảnh lại được HS ?

  3. Trung Hoàng says:

    CHUYỆN XƯA VÀ NAY.

    “Xưa Mạt Thương phụng gáy non Kỳ.
    Bởi Võ Vương đáng bậc tu mi,
    NAY TRỞ LẠI KHÁC NÀO ĐỜI TRƯỚC”.

    Mạt Thương là thời kỳ cuối cùng cuả nhà Thương, vị vua cuả cuối cùng cuả Thành Thang nhà Thương chính là Trụ Vương; vì đam mê Đắc Kỷ mà giết tôi trung, xa lánh hiền thần, nghe lời kẻ xiểm nịnh, sau cùng phải tự thiêu trên Bá Lạc Đài. Võ Vương là con trai thứ cuả Văn Vương, Văn Vương bị Trụ Vương giam bảy năm nơi Dũ Lý; sau Văn Vương được tha nhờ vào việc giả ngu giả dại, phải ăn thịt con mình từ bánh mà nhưng cuả nó thịt Bá Ấp Khảo-con trai trưởng Văn Vương, bị Đắc Kỷ hại chết vì cự tuyệt thông gian với Đắc Kỷ-. Cũng như bên ngoài, tôi thần Văn Vương dùng cuả hối lộ đút lót cho nịnh thần Vu Hồn Bí Trọng, nói giúp vào nên Trụ Vương mới thả Văn Vương cho về nước là đất Tây Kỳ. (Tây Kỳ xuất chuá Trụ rày mạng vong.)

    Thế nên, phụng gáy non Kỳ Phong nơi đất Tây Kỳ, là điềm báo hiệu cho thời kỳ Mạt Thương đã điểm, cũng như các bậc hiền thánh sẽ xuất hiện trở lại. Khi Võ Vương hội quân ở Mạnh Tân để sang sông phạt Trụ, đoàn chim phụng đáp xuống non Kỳ Phong để gáy chào mừng vị thánh chuá hiền từ đó. Sự cường bạo cuả các ĐCS hiện nay chẳng khác chi sự bạo ngược cuả Trụ Vương trước kia, thời suy vận bỉ cuả Mác Lê Cộng Sản chẳng khác gì thời Mạt Thương ngày trước. (Phải ngóng chờ cho phụng gặp kê,/ Ấy thời đại thánh tiên trổ mặt.).

    Hai người đẹp làm khuynh đão cơ nghiệp to lớn là Bao Tự thời U Vương nhà Chu, và Đắc Kỷ thời Trụ Vương nhà Thương đó vậy. Thường có câu nói là nụ cười Bao Tự, là chỉ việc U Vương muốn cho Bao Tự phải cười, nên cho lệnh đốt Phong Hoả Đài để triệu hồi chư hầu, đến ứng cứu giả dối và để lường gạt mua vui cho Bao Tự, trong khi Vua và Bao Tự thì đang ngự vui chơi trên đài. Khi thấy binh mã quan quân vội vội vàng vàng, chạy thưà sống thưà chết gần như bán mạng để cứu giá, đến nơi thì hoá ra chẳng có chi là phải cứu giá cả. Bởi vì khi thấy lưả cháy trên Phong Hoả Đài, có nghiã là vua đang bị gặp hiểm nạn lớn, đang chờ các chư hầu đem binh giải cứu. Chính sự ngỡ ngàng và lủi thủi rút binh về cuả chư hầu, đã làm cho Bao Tự phải bật cười thành tiếng, đó là sự tích câu chuyện về nụ cười Bao Tự.

    Chuyện Bao Tự là chuyện sau nầy cuả thời nhà Chu, mà khởi đầu sự nghiệp cho nhà Chu là Châu Võ Vương, tên tộc là Cơ Phát, con trai thứ cuả Tây Bá Hầu Cơ Xương, sau khi khỏi tù với Bảy Năm Dũ Lý do Trụ Vương giam giử, lại còn được phong làm Văn Vương bởi nhờ vào cuả lót tay cho hai nịnh thần là Vu Hồn và Bí Trọng. Việc Đắc Kỷ là con hồ ly tinh hoá hình, mê hoặc Trụ Vương trong đắm mê tửu sắc nơi Bá Lạc Đài, là thời trước rồi mới đến thời nhà Chu. Sau khi cơ nghiệp Thành Thang xụp đổ, nối tiếp theo đó mới chính là cơ nghiệp nhà Chu, Châu U Vương và Bao Tự là hậu duệ nối nghiệp sau nầy cuả Châu Võ Vương, vị chuá thánh phạt Trụ mà thường được gọi sự trừng phạt đó là thời Mạt Trụ hay Mạt Thương.

    Đó là sự kiện mà có thể nói là NAY TRỞ LẠI KHÁC NÀO THỜI TRƯỚC. Khi phụng gáy non Kỳ thì là điềm báo hiệu cho thời Mạt Trụ Mạt Thương, sự bạo ngược tàn ác cuả các thể chế độc tài chuyên chính Cộng Sản, sẽ được cáo chung đúng theo chu trình suy thịnh biến đổi cuả cơ tạo hoá (“Khùng toán biết âm dương kết liễu,/ Khùng huyền cơ Khùng đạo Thích Ca”). Vòng tròn không cùng không tận đó sẽ phải được lập lại gần đúng y như vậy, cảnh Tam Phân Tứ Liệt chắc chắn không thể nào tránh khỏi, sẽ luôn được giành cho kẻ cường bạo bá quyền bành trướng ngang ngược rất tàn độc đó. Bạo ác bạo tàn sẽ phải đến, mà hầu như khó tránh khỏi cho kẻ mưu thâm nham hiểm nầy, mộng thâu tóm cướp đoạt theo ý muốn “vô trung sinh hữu” sẽ theo mây theo khói, nên phải bị tan vỡ để rồi sẽ không còn có cơ tiếp diễn trong một thời gian gần đây.

    “Cây ngô đồng hứng vẻ đượm sương,
    Cho chim phụng mặc tình xoè muá.
    Cảnh xum vầy mây lành bay tuả,
    CẢ TRỜI NAM LƯỚI BUẢ THIÊN LA.”

    Lưới trời lồng lộng, một mải tơ hồng cũng e khó mà lọt khỏi để thoát ra được. Cướp nước Thượng nguồn, thâu tóm Hoàng Trường, tham lòng nham hiểm thâm độc đó, sẽ bị luật Trời trừng trị, mà không thể nào có thể tránh khỏi cơ trời đã định sẵn giành cho kẻ cực ác nầy.

    Xin trân trọng.

  4. Nguyễn Nghĩa . says:

    Xin đính chính cùng bạn đọc.

    Trong câu :Sau trò “Đốt lửa đùa chư hầu” của vua Trụ,” thuộc mục 1. Những yếu tố nào làm nước Tần hùng mạnh?
    xin đính chính lại là “Chu U Vương” chứ không phải “vua Trụ”.

    Thành thật cảm phiền bạn đọc.

    Nguyễn Nghĩa.

Phản hồi