WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Về thăm lại cánh đồng lúa Miền Nam

Rời vùng đất mà thành phố phần lớn mang tên có tiếp vĩ ngữ là vần AC. Như Thonac, Chirac (tên Cựu Tổng thống Pháp Chirac vốn là tên làng Chirac), Chabrignac, nơi Nam Phương Hoàng Hậu an giấc ngàn thu, chúng tôi vượt Cao nguyên, đi lệch xuống phía Nam tới Montpellier rồi đi ngang qua hướng Đông để tới Marseille dừng chơn nghỉ ngơi. Qua hôm sau, chúng tôi mới bắt đấu thăm viếng vùng đất rộng lớn Camargue vô cùng phong phú về chim muông và cây cỏ do điều kiện thuận lợi về khí hậu và đất đai.

Thành phố Arles chỉ cách Marseille lối 40 km là nơi có nhiều di tích lịch sử như đấu trường thời la-mã, nhà máy xay lúa và nhứt là bảo tàng viện lúa .

Arles và Camargue

Gần ba mươi năm trước, Cỏ May đã có dịp tới Arles và vùng Camargue xem cho biết tận mắt, để thỏa mản cái biết qua sách vở của mình lúc còn ở Sài Gòn. Đọc Cụ Hồ Hữu Tường kể chuyện lúc nhỏ Cụ qua Pháp du học theo “Quỉ Đồng Bạc Du học sanh” vì con nhà nghèo và Cụ theo học Trung học tại Thành phố Arles. Khi đặt chân tới Arles, Cỏ May rảo mắt tìm một ngôi trường để hình dung nơi đó vào những năm 20, có Cụ “Tường Bụng” nổi tiếng là một học trò xuất sắc gốc Nam kỳ Lục tỉnh.

Theo Giáo sư Võ Thành Cứ, người gốc Gò Dầu Hạ, vào thời điểm đó, cũng đang theo học Lớp 1ère và Terminale tại một Trung học ở Toulouse, kể chuyện lại thì Cụ “Tường Bụng”, vừa đậu Bằng Sơ Học, tức Certificat d’Etudes Primaires Supérieures Indochinoises (CEPSI) liền ôm chiếu xuống tàu qua Tây học. Vậy mà, vào 6e (năm thứ I Trung Học) chỉ vài tháng, nhà trường cho lên 5e, rồi lên 4e và sau cùng lên 3e để thi Bằng Brevet Élémentaire kết thúc Trung Học Đệ I Cấp trong một năm. Cụ Tường thi đậu dễ dàng. Lên Đệ II Cấp, Năm 2e và 1ère, Cụ học làm một năm và thi đậu Tú Tài I. Qua năm sau, Cụ phải mất một năm để thi Tú Tài Toán (Mathélem, tức Mathématiques Élémentaires) vì không ai cho phép học ngắn hạn hơn. Cụ qua Marseille học Toán . Dự bi và các chứng chỉ Cử nhơn, Cụ lấy đủ trong hai năm học. Cụ đang sửa soạn làm Thạc sĩ ở Lyon để làm nghề Thầy Giáo dạy học thì bị Tây đuổi về vì lên Paris tham gia biểu tình phản đối vụ án Yên Bái do các cụ Tạ Thu Thâu tổ chức.

Bạn bè Tây hỏi tại sao Cụ học giỏi như vậy? Cụ cười trả lời “Cụ học giỏi nhờ có cái bụng bự”. Mà ngay lúc còn ở quê nhà Cần thơ, Cụ cũng đã có biệt danh là “Tường Bụng” rồi. Và Cụ đôi lúc cũng lấy làm rất hài lòng về cái bụng bự của Cụ vì có lẽ nhờ nó mà Cụ nổi danh chẳng những chỉ trong giới học sanh và sanh viên mà thôi.

Đang mơ màng về Cụ Hồ Hữu Tường đã từng học ở Arles, Cỏ May bỗng sửng sốt đứng nhìn một ngôi kiến trúc cổ, bề thế, tường gạch đỏ loang lở, còn giử lại hàng chữ in lớn trên cửa chánh “Nhà Máy Xay Lúa”.

Nhà máy xay lúa – nhứt là chữ lúa – đã làm cho Cỏ May vụt quay về trong trí xứ sở lúa gạo của mình với một cái nhói tim, tuy vừa mới rời khỏi cách nay không lâu. Nhưng bao giờ sẽ có dịp trở về, hiện vẫn còn là một viển tượng xa vời.

Trước đây ít lâu, Cỏ May có đọc đâu đó được biết vùng Camargue hằng năm sản xuất được lối 80 tấn gạo đủ cho thị trường tiêu dùng của Pháp. Gạo Camargue giống như gạo ở Việt Nam, tức từ lúa trồng trong ruộng ngập nước, cắt, đập, phơi khô và xay ra. Nhưng lúc Pháp cai trị Việt Nam, Pháp vẫn nhập cảng gạo Việt Nam hằng năm để giữ giá gạo trên thị trường và gạo Việt Nam nhập cảng, Pháp đem giúp đỡ các thuộc địa khác của Pháp.

Cỏ May rời khỏi thành phố, đi lần ra đồng ruộng để xem ruộng lúa Camargue. Những cánh đồng mênh mong phân chia từng thửa ruộng bằng những con bờ đê đất phủ đầy cỏ xanh, hoàn toàn không khác đồng ruộng ở Việt Nam. Nếu có khác, thì ở đây không thấy bóng dáng nông dân lui tới trên bờ đê hay không có vài con trâu thả đi chậm rải trên bờ đê gặm cỏ. Cỏ May vẫn không làm sao quên được hình ảnh con cò trắng đứng một chân trên lề bờ ruộng, nhìn xuống ruộng ngập nước như để tìm mồi.

Ở Việt nam từ khá lâu, những vùng cách Sài gòn, Gia định chừng vài chục cây số, cũng khó trông thấy con cò trắng đứng trên bờ ruộng. Có lẽ vì chiến tranh, tiếng súng đã làm cho giống chim quen thuộc này đã di tản đến nơi khác an lành hơn hay vì làm ruộng sau này, để thu hoạch cao, người ta dùng nhiều phân hóa học, sinh thái bị hủy diệt, cá tôm cạn kiệt, mà giống chim cò phải tha phương cầu thực?

Nay trở lại Arles sau gần ba mươi năm dài, Cỏ May cảm thấy bồi hồi xúc động. Như trở về cố hương. Cỏ May tìm lại Nhà Máy Xay Lúa đã một lần trông thấy. Nhưng không gặp lại được vì lần trước vì mải say mê ngắm nhìn và trong trí, miên man nghĩ đến người xưa và chuyện xưa, mà không kịp nghĩ phải ghi nhớ tên đường phố. Cỏ May dò la tìm dân địa phương lớn tuổi để hỏi thăm, sau khi tới Phòng Du lịch của Arles hỏi thăm, nhưng nhân viên tỏ vẻ ngạc nhiên và không biết. Cỏ May hỏi người chủ một tiệm Cà-phê lớn tuổi. Sau một hồi suy nghĩ, như nhớ ra, ông chỉ đường đi tới Nhà Máy Xay Lúa. Nhưng Cỏ May đi loanh quanh rồi sau cùng cũng không tìm ra được.

Chịu thua và hẹn một dịp khác vì Cỏ May nghĩ  sẽ phải trở lại vùng này trong một ngày gần đây để thăm viếng nhiều nơi nữa.

Arles và Nîmes là nơi nổi tiếng những màn đấu bò mộng. Khi đi tìm Nhà Máy Xay Lúa, Cỏ May đi lần ra gần bờ sông mà không biết. Dừng lại trước một kiến trúc cổ đổ nát nay được bảo quản làm di tích lịch sử và được UNESCO nhìn nhận là di sản văn hóa thế giới. Đó là đấu trường thời la-mã còn sót lại với vài bức tường, một phần nhỏ kiến trúc và khoảng trống là đấu trường trước kia. Di tích này xây cất vào năm 90 sau Tây lịch, có sức chứa 25 000 khán giả xem các màn giác đấu, và sau đó, những màn kịch. Phải nói ở Arles có nhiều di tích văn hóa cổ rất đáng thăm viếng.

Nhắc tới Arles và Nîmes là nơi tổ chức những màn đấu bò mộng nổi tiếng cả thế giới bỗng làm cho Cỏ May nhớ lại một câu chuyện vui của địa phương liên quan đến kết quả trận đấu. Ở đây món súc-xích bò mộng rất phổ biến và rất nổi tiếng. Ngoài ra còn có một nhà hàng chuyên bán món ăn nổi tiếng cho khách mộ điệu là món trứng dái bò mộng hầm. Cũng giống như món trứng dái dê cho các tay bợm nhậu. Người ta ăn chẳng những khoái khẩu mà còn để tăng cường sinh lực. Dái dê đã mạnh thì dái bò mộng phải mạnh hơn vạn lần. Một người đàn ông ăn diện bảnh bao thường tới tiệm ăn sau trận đấu và gọi đúng món dái bò mộng. Một hôm, ông khách quen ấy  nhìn đĩa thức ăn vừa được nhà hàng đặt lên bàn, ngạc nhiên, liền hỏi:

- Sao hôm nay nó nhỏ quá vậy?

- Ông ơi. Bộ ông nghĩ bò cứ đấu thua hoài sao?

Chuồn chuồn có cánh không bay

Chúng tôi rời thành phố Arles, đi lần về hướng Nîmes theo tỉnh lộ chạy dọc theo biển ở phía trái của chúng tôi. Đồng lúa mênh mong và lúa đang trổ bông khá cao. Có những nơi, lúa vừa ngậm sữa, nơi khác, lúa vừa ửng chín, hạt no tròn. Cỏ May bước xuống đám ruộng, đưa tay vuốt từng bông lúa mà nhớ những thửa ruộng ở quê nhà. Vạch những bụi lúa để nhìn xem mức nước sâu hay cạn và lúa cấy từng bụi hay do rải lúa giống như lúa xạ ở Miền Tây Nam Việt .

Ỏ đây lúa cấy từng bụi rất thẳng hàng và khoảng cách giữa những bụi lúa rất đều nhau như được tính toán kỷ bằng máy móc. Trên ruộng ở Việt Nam vùng Gia định, Long An, những bụi lúa cấy cũng thẳng hàng, khoảng cách giửa những bụi lúa cũng đều nhau, nhưng rất tương đối vì do tay người cấy. Ở đây các bụi lúa cấy đều nhau không sai chạy như vậy, phải chăng người ta cấy bằng máy? Và máy chạy trong nước? Nên nhớ ruộng ở đây hoàn toàn không giống ruộng lúa mì, lúa mạch trồng trên cạn ở nơi khác khắp trên đất Pháp và nông dân làm ruộng mang giày .

Cỏ May gốc nông dân đặc sệt nên trông thấy ruộng lúa là mê ra. Có cảm tưởng như mình đang đi trên bờ ruộng của mình vậy.

Ngồi bệt xuống bờ ruộng để thở không khí đồng quê. Bỗng một con chuồn chuồn màu đỏ bay tới đậu trên lá lúa. Rồi nhiều con nữa, đủ màu sắc, từ đâu bay tới đáp xuống cỏ, trên lá lúa. Cỏ May đưa tay nhè nhẹ nắm lấy cánh một con màu đỏ sẫm. Nhưng tay vừa chạm tới cánh mỏng, nó vụt bay lên. Nhớ lại ngày xưa, khi bắt chuồn chuồn, bạn đứng gần thường hát để như đuổi chuồn chuồn hãy bay đi chỗ khác, tránh bị bắt:

“Chuồn chuồn có cánh không bay …đi …

Có đứa nhỏ đang thò tay bắt mày …”

Sự xuất hiện con chuồn chuồn hôm nay không khỏi nhắc lại cho Cỏ May một quá khứ khá dài suốt qua thời gian đó không có dịp trông thấy lại con chuồn chuồn.

Đang miên mang nghĩ về con chuồn chuồn, bổng có tiếng lõm bõm khua nước nho nhỏ gần đây. Cỏ May nhìn xuống cái mương, trông thấy mấy con nhái bầu đang nhảy bắt chuồn chuồn vừa đáp xuống đậu trên ngọn cỏ gần mặt nước. Cảnh đồng quê với ruộng lúa của miền Gia định, Long An chỉ có thể tìm lại được nguyên vẹn ở đây, ở Camargue của miền cực Nam nước Pháp.

Tới đây, cỏ May còn thiếu một món, là con cò trắng đứng một chân trên bờ ruộng mà gần ba mươi năm trước, Cỏ May đã có dịp ngắm nhìn say mê. Nay vì ruộng đang mùa lúa nên cò không tới để kiếm ăn như lúc sau mùa gặt. Hỏi thăm người địa phương, người ta cười vui vẻ và chỉ ra phía xa xa gần bờ biển, nơi có một Khu Bảo tồn Sinh Thực vật quốc gia. Ở đó có nhiều loài chim và có rất nhiều giống cò, không riêng chỉ có cò trắng. Nghe qua, ai cũng lấy làm thích, nhưng không kịp đi vì trời sắp tối.

Trên đường trở về nhà trọ, Cỏ May còn mang theo đầy ấp hình ảnh, hương thơm của ruộng lúa nước, những con chuồn chuồn, con nhái bầu nhảy bắt mồi. Cỏ May nghĩ chẳng lẽ tới cuối đời, mình chỉ được sống lại với đồng quê, với ruộng lúa khi về vùng Camargue?

© Nguyễn Thị Cỏ May

© Đàn Chim Việt

3 Phản hồi cho “Về thăm lại cánh đồng lúa Miền Nam”

  1. TRÙNG DƯƠNG says:

    CỎ MAY VÀ LÚA NƯỚC

    Cỏ May, đồng nội hương ngàn
    Nói cây lúa nước chứa chan nghĩa tình
    Ra đi từ thuở bình minh
    Lúa vào đất Pháp ngát tình quê hương
    Đây Camarque tình ngàn phương
    Con chuồn chuồn đậu vẫn vương nỗi niềm
    Việt Nam cây lúa mênh mông
    Nào ngờ đất Pháp có đồng quê ta
    Nhớ bao người Việt phương xa
    Một thời vào Pháp quả là hồn quê !

    NON NGÀN
    (25/9/11)

  2. vohoan says:

    Sao đồng lúa miền Nam lại không thấy con trâu kìa ? ” Trâu ơi ta bảo trâu nầy trâu ra ngòai ruộng trâu cầy với ta “

Leave a Reply to vohoan