WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lên Trời tảo mộ

Mất tích bên Lào 1971, tro tàn đem về Newseum 2008

Điện thoại gọi đêm

Vào một đêm cuối năm 2011 tôi nhận được điện thoại từ Huế gọi đến San Jose. Có thể lúc đó ở Việt Nam là buổi sáng nhưng tại Cali thì đã khuya lắm rồi. Vì chuyên làm việc ban đêm nên tôi không quản ngại nghe câu chuyện đã xảy ra 41 năm về trước.

Bà Trương thị Sen năm nay 70 tuổi, nhà ở đường Phan Đình Phùng, Huế xin được người quen số điện thoại, muốn nhờ tôi giúp để đi thăm mộ chồng.

Chồng chị là ai, chết ở đâu, chết bao lâu rồi, làm sao tôi có thể giúp được.

Và từ nơi xa xôi, bà Sen bằng giọng Huế rất Huế kể chuyện tình yêu trong chiến tranh. Từ một thời để yêu cho đến một thời để chết. Từ Mậu Thân 68 cho đến tan hàng 1975. Và cho đến ngày nay mới biết di hài của chồng lại đang ở Hoa Kỳ. Nhà rất nghèo ở Huế, người quả phụ của trung úy phi công trực thăng Việt Nam Cộng Hòa muốn qua Mỹ thăm mộ chồng. Đối với thiên hạ đi Mỹ ngày nay không còn khó khăn nhưng đối với bà Sen thì vẫn khó như lên trời. Và bà muốn lên trời tảo mộ.

Trương Thị Sen và Nguyễn Diêu

Chuyện tình rất Huế

Ngày xưa cả hai anh chị đều là dân gốc Huế. Anh học Quốc Học, chị học Bồ Đề, gặp nhau thương nhau rồi lấy nhau. Mối tình giản dị như con sông Hương Giang. Tết Mậu Thân gia đình đã sinh được một con và cả nhà thoát được đại nạn của Huế năm 1968. Nhưng cuối năm chị Trương thị Sen ở lại nhà, anh Nguyễn Diêu vào Thủ Đức. Khi ra trường anh được cho đi Mỹ học lái trực thăng. Tốt nghiệp về anh phi công trẻ phục vụ tại không đoàn 41 ở Đà Nẵng. Anh chị sinh hạ được thêm một cháu và Nguyễn Diêu lên trung úy lái trực thăng UH-1 Huey.

Du học tại Hoa Kỳ

Du học tại Hoa Kỳ

Trung úy Nguyễn Diêu

Rồi bà Sen kể tiếp. Sống tại Đà Nẵng, mẹ con quanh quẩn bên nhau chỉ biết chờ đợi. Chồng đi bay có khi chiều về. Có khi biệt phái ba bốn ngày. Gia đình phi công ai cũng biết là chờ đợi lo sợ chừng nào.

Đến khi Lam Sơn 119 vào Hạ Lào thì không thấy chồng về. Không đoàn cũng chẳng nói năng gì. Chỉ có anh bạn đến nói rằng: máy bay bị bắn rớt chắc chết cả rồi. Hy vọng mất tích rất ít. Giữa rừng núi Hạ Lào cũng chẳng ai tìm thấy xác. Cả tàu Mỹ Việt là 8 người. Hai ông đại tá, hai anh phi công Việt Nam. Thêm bốn tay nhà báo Mỹ. Tin về chiếc máy bay bị phòng không hạ với bốn nhà báo và hai đại tá đã vang dội cả Đà Nẵng.

Nhưng chẳng ai để ý đến mẹ con bà quả phụ người Huế. Phi đoàn thu xếp cho vợ phi công tử trận làm nhân viên dọn dẹp trong căn cứ để có tiền nuôi con. Sau một thời gian thì bà Sen dọn về Huế kiếm sống qua ngày. Năm 75 nước mất nhà tan nhưng người vợ thời chiến vẫn còn hy vọng mong manh là người chồng mất tích trở về. Trung úy Nguyễn Diêu không bao giờ trở lại. Một thời để yêu và một thời để chết đã qua hẳn rồi. Những ngày sau 75 lại còn thêm khốn khổ. Hai đứa con vẫn còn nhỏ và đời sống ngày càng tối tăm. Đến nay dù đã có điện trên sông Hương nhưng vẫn chưa có ánh sáng trong lòng người vợ lính.

Rồi đến một ngày câu chuyện tìm xác chồng lại nằm trong tay người Mỹ.

Chuyến bay định mệnh năm 71

Khi miền Nam mở mặt trận Lam Sơn 119 đánh qua Hạ Lào thì phía Hoa Kỳ cấm máy bay Mỹ chở phóng viên vượt biên.

Bốn anh nhà báo Mỹ bèn tìm cách đi máy bay của không quân Việt Nam. Chuyến bay định mệnh chở 8 người. Đại tá Phạm Ri, Đại tá Cao Khắc Nhật. Hai phi công là Nguyễn Diêu và Tạ Hòa. Diêu và Hòa là hai trung úy trẻ tuổi. Bốn anh nhà báo rất hăm hở và liều mạng.

Larry Burrows của tờ Life. Henri Huet của AP. Kent Potter của UPI và anh phóng viên gốc Nhật Keisaburo Shirnamoto của tờ Newsweek. Bay qua đất Lào để bám theo những cánh quân vượt biên thì bị phòng không Bắc Việt bắn trúng. Các phi công bạn còn trên trời cho biết vì máy bay nổ tung từ trên cao nên chẳng còn gì.

Khi Lam Sơn 119 rút về thì tất cả còn ở lại Hạ Lào.

Tảo mộ trên đất Lào

Ba mươi bảy năm sau, vào năm 2008 viên trưởng phòng AP tại Saigon ngày xưa là Richard Pyle mới bay qua Hạ Lào tìm xác các phóng viên tử nạn. Sau nhiều ngày cùng dân địa phương đào xới đã tìm thấy tất cả di hài đã tan nát trộn lẫn cả 8 thành viên Mỹ Việt. Tất cả cho chung vào một thùng với cát bụi, không thể nào mà phân loại.

Sau cùng Mỹ đem tất cả về Mỹ. Vì bốn người hùng của họ là phóng viên nên Hoa Kỳ thu xếp để cho cả tro tàn vào một “Capsul” như là hộp sắt hàn kín và gắn vào bức tường tưởng niệm tại  Newseum ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.

Newseum

Viện Bảo Tàng truyền thông của Hoa Kỳ được hoàn thành năm 1998 là một cơ sở tân kỳ nhất thế giới về báo chí. Diện tích 250,000 sqfeet cao 7 tầng với 14 phòng triển lãm, 15 rạp hát. Chính tại đây di hài của 8 người trên trực thăng của chuyến bay tháng 2-1971 được giữ lại.

Trên bức tường tưởng niệm có danh sách 1843 nhà báo hy sinh trong công vụ từ 1837 cho đến nay, trong đó có 74 người chết trong chiến tranh Việt Nam. Có cả tên 8 người trên trực thăng rớt tại Hạ Lào. Richard Pyle cũng là đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng Lost over Laos viết riêng về  câu chuyện này.

Ngày tưởng niệm

Vào tháng 4 năm 2008 gia đình và thân hữu của 4 nhà báo đã từ bốn phương về dự ngày tưởng niệm thành viên của họ. Một buổi họp mặt rất cảm động đã diễn ra nhưng 4 quân nhân Việt Nam có tro tàn lẫn trong đó thì coi như bị quên lãng.

Truyền thông Hoa Kỳ và thân nhân tưởng niệm 2008

Từ 2008 đến nay đã 4 năm trôi qua, các gia đình của 3 sĩ quan Việt Nam có cơ hội thăm viếng nơi đặt tro tàn của thân nhân, và thấy có tên khắc trên bia đá. Nhưng riêng bà Sen thì không có điều kiện.

Bây giờ sau 41 năm kể từ 1971 đến nay, người vợ muốn viếng thăm nơi để di hài của chồng. Có thể là chuyến thăm viếng cuối cùng.

Câu chuyện dài qua điện thoại canh khuya bây giờ được thu ngắn lại.

Đường lên trời để đi tảo mộ chồng có thể rất khó mà cũng rất dễ. Nhưng cần nhiều may mắn.

Tôi viết lại chuyện này gửi đến độc giả để xin chỉ cho người quả phụ cao niên con đường lên trời. Chuyến đi cần được hướng dẫn và cần tài chánh chừng vài ba ngàn. Bay từ Việt Nam qua Cali, ở nhờ nhà bạn rồi bay qua DC. Trên đường bay cần được đón tiếp cho ở trọ vài ngày. Đến DC thăm Newseum là vợ sẽ gặp chồng, không cần phải qua Lào tìm kiếm.

Chúng tôi cũng dùng bài này làm bản báo cáo cho tổng hội không quân, cho các chiến hữu của không đoàn 41 Đà Nẵng. Các bạn tính sao.

Và tôi cũng sẽ viết thư thẳng cho Newseum tại thủ đô nhân danh người vợ đợi chờ 41 năm tại Huế. Hỏi thăm xem cái cơ sở truyền thông lừng danh thế giới đó có thể giúp đỡ được không.

Xem ra cái anh truyền thông Mỹ này khá vô tình. Đã đi nhờ máy bay Việt Nam, và đã cùng nhau đi vào chốn vô cùng. Sau khi tìm xác lẫn lộn thành một đống tro tàn, các bạn chi tiền cho người Lào rồi chẳng hỏi han ai, tự tiện đem tro tàn của cả 4 chiến binh Việt Nam về gắn vào tường kính của museum báo chí Mỹ.

Rồi khi làm lễ tưởng niệm, khóc thương ca tụng lẫn nhau vào tháng 4 năm 2008, các bạn chẳng hề nói đến các linh hồn Việt Nam.

Nào các bạn không quân Việt Nam anh dũng muôn đời. Ta nên tìm cách đưa bà Sen qua tảo mộ chồng rồi mắng cho cái Newseum này mấy mắng cho chừa cái thói cửa quyền. Bộ xương thịt của anh em ta không đáng bàn tới hay sao.

Tôi cũng xin báo cáo cho các thân hữu tại thủ đô Hoa Kỳ. Nhờ các bạn ghé qua Newseum xem tro tàn, xương cốt và linh hồn của chiến hữu có còn ở quanh đấy hay không? Hỏi thăm bà Susan Bennett, the Newseum’s deputy director phó giám đốc Newseum coi có thể bảo trợ cho gia đình các chiến binh VNCH đi thăm chồng vào tháng tư năm 2012. Nào đâu là AP.ABC.NBC hãy xin bảo trợ và quay phim chuyến đi từ Huế của bà Sen, từ Đồng Xoài của bà đại tá Cao khắc Nhật, từ Sài Gòn của bà trung úy Tạ Hòa, từ Canada của bà đại tá Phạm Ri. Phái đoàn quả phụ sẽ qua thăm Newseum trên con đường Pennsylvania tại DC.

Biết đâu đây cũng sẽ là những tin tức đáng kể

Bây giờ tôi xin hân hạnh bàn giao cho các bạn đây.

Địa chỉ bà Trương thị Sen 33/209 Phan Đình Phùng Huế Viet Nam

© Giao Chỉ, San Jose

7 Phản hồi cho “Lên Trời tảo mộ”

  1. nguyen says:

    bác Lộc,
    Tôi có đọc bài viết ” Tại sao tôi mất Huế ……. ” của tác giả Nhất Hướng đăng trong ĐCV info này, nói rất rõ về chiếc máy bay bị bắn rơi này. Bác nói cho thân nhân họ đọc để hiểu thêm về vụ này.

  2. Bần-Nông says:

    Kính thưa tg Giao Chỉ,

    Đọc bài của tg tôi cảm thấy bùi ngùi thương tiếc cho những người vì tổ quốc hy sinh & thương cho những người vợ đã mõi mòn chờ đợi tin chống.

    Sau đây tôi có đề nghị xin gửi đến tg. Tg là người hiểu rõ về câu chuyện nầy, thì tg nên viết 1 lá thư (hoặc đơn) gửi đến TNS James Webb và nhờ ông ta tổ chức (organize) việc nầy thì nó tiện hơn.
    1) James Webb là người đăc trách về Châu-Á Thái Bình Dương ở thượng viện Mỹ.
    2) Ông là người có cảm tình với VNCH & có ý trùng tu lại nghĩa trang quân đội VNCH Biên-Hòa. Ông cũng đã nêu ra v/đ nầy với chính quyền CSVN nhiều lần.
    3) Nếu ông tổ chức được điều nầy (có liên hệ đến báo chí Mỹ) thì ông sẽ có cơ hội kiếm phiếu cho kỳ tranh cử tới. Thành thử tôi nghỉ mình có cơ hội để cho ông chấp thuận nhiều hơn.
    4) Nếu ông chịu đứng ra tổ chức, thì ông sẽ biết cách vận động tài chánh, xin phép, lo chỗ ăn chỗ ở cho các quả phụ nầy đến viếng mộ chồng, …vv… & …vv… Đây cũng là những hoạt động của ông trong nhiệm kỳ, thành thử ông dễ chấp thuận.

    Còn điều nầy cũng xin tg thông cảm với các nhà báo có nhân viên tử nạn chung với các chiến sĩ VNCH nầy. Chính sách (policy) của họ là lo cho nhân viên của họ mà thôi, nhưng vì hài cốt của các chiến sĩ nầy lộn trong hài cốt của nhân viên họ, cho nên họ đem về để chung. Vã lại họ cũng ko có ngân khoảng để đi tìm thân nhân của các chiến sĩ nấy. Đừng mắng họ tội nghiệp.

    Tg có thể lên mạng google “James Webb Senator” thì sẽ tìm thấy cách liên lạc với TNS James Webb.

    Đó là góp ý của tôi. Thân ái…

  3. THOMAS CHU says:

    Chuyện xưa như trái đất.Cảm ơn bác Lại Mạnh Cường đã chỉ mách bảo dư luận về chánh quyền Đế quốc u ét xì a:có lợi là làm và lợi ngắn hạn và dài hạn bất kể.VNCH là cái thế chó gì?u ét xì a bẻ cổ Diệm,treo cổ Sadam Hút Xen và còn nhiều thứ nữa.Còn bác Giao Chỉ VVL chỉ nói nữa vời thôi vì bác còn phải lo bảo vệ nồi cơm của bác.Lâu lâu bác xì bác xịt những câu chuyện giựt gân và vân vân…Nào là câu chuyện tướng Kỳ…
    Cộng đồng người Việt hải ngoại có nên nói chánh quyền u ét xì a hãy có can đảm và thành thật nói lên một lời xin lổi chánh thể VNCH vì chúng tôi(u ét xì a) đã đánh tráo bài cào khi xưa.Cũng như chúng tôi (u ét xì a) đã bắt nhốt Japanese American vào trại tập trung vào WW2.Chớ có nên tung hô cờ hoa sao tự do dân chủ một cách u mê say sưa mù oán vì chánh quyền cờ hoa sao u ét xì a chỉ biết có lợi và có lợi to hoặc nhỏ đều ok.
    $$$ là điều tối ưu.Hãy coi chừng.Bài học VNCH khi xưa vẫn còn đó.
    tchu.

    • Lão Ngoan Đồng says:

      Cụ ui,

      Cụ lại daydream rùi.

      Mọi xin lỗi mình,
      chừng nào mình
      xin lỗi dân tộc Chăm
      cùng dân tộc Miên !
      (mjạ mình chiếm đất,
      đồng hoá họ ko thương tiếc)

      Đời, c’est la vie
      Tình đời vốn thế
      Life is very tough

      Không trách móc
      chỉ rút kinh nghiệm
      để sống xứng đáng!

      Lão Ngoan

  4. vqhn says:

    http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/08/nguoi-than-hy-sinh-39-nam-sau-gia-inh.html

    Người thân hy sinh, 39 năm sau gia đình mới biết chôn ở đâu
    Ðỗ Dzũng/Người Việt

  5. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Kính huynh trưởng Giao Chỉ,

    Xin trân trọng về một nghĩa cử đẹp với (gia đình) đồng đội cũ, cho dù người chiến sĩ ấy đã ra đi về miền viên miễn.

    Người Mỹ vốn bị mang danh xưa nay là thực dụng, cho nên chả trông chờ gì nơi họ, nếu như mình không tìm mọi cách vạch trần cho họ thấy chuyện phải quấy ra sao như trên.

    Chắc hẳn huynh trưởng cũng rõ, họ đem chiến tranh không chính thức vào Lào qua tay CIA. Bởi thế cuộc chiến ở Lào trong tổng thế cuộc chiến Đông Dương lần hai bị Mỹ lờ tịt đi. Báo giới phương Tây từng mai mỉa gọi đó là The Forgotten War !
    Đến như kháng chiến Lào chống Cộng trên đất Mỹ sau 1975, lãnh đạo bởi cựu tướng Mèo (dân tộc H’Mông) Vàng Pao trên đất Mỹ, mà họ còn tìm cách xử tệ với những người từng cộng tác rất mật thiết với họ ngày cũ.

    Chúng ta cần hiểu kỹ về tâm tình người Mỹ, nhất là chính giới Mỹ, để đừng trông cậy gì nhiều nơi họ. Ngay chuyện hiện tại, Mỹ cần CSVN làm phên dậu chống Tàu, cho nên o bế CSVN hết mức. Đó chính là thể hiện cái gọi là CHÍNH TRỊ DUY THỰC (Realpolitik) của họ đó. Cũng như ngày xưa bỏ rơi VNCH, cùng như Lào và Miên, đồng thời cả với Taiwan, để ve vãn mua chuộc Tàu cộng chống Liên Xô, cũng là cái trò “bỏ của chạy lấy người”, khi bị xa lầy quá xá nơi bán đảo Đông Dương.

    Khi làm được việc gì, như vụ cứu anh chàng ký giả địa phương ở những ngày tàn cuộc chiến ở Miên, họ làm ngay phim The Killing Field để bốc thơm chính mình lên tận mây xanh. Thực ra họ đã bỏ rơi anh ta và anh này phải tự mình tìm mọi cách thoát khỏi ngục tù Khmer Đỏ đến được đất Thái đấy chứ. Từ đó mới lớn chuyện ra như ai cũng rõ.
    Thời Kennedy đề cao chiến tranh bèn bật đèn xanh cho Hollywood làm phim The Green Beret (Lính Mũ Nồi Xanh), khiến cho bác sỹ Ngô Thế Vinh quá bức xúc, vội vã hoàn tất tác phẩm để đời VÒNG ĐAI XANH (The Green Belt), đoạt giải thưởng văn học hàng năm của tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, nhưng Ngô Thế Vinh lại phải ra toà án quân sự … để dằn mặt. Cũng bởi cái tội vạch trần tội ác Mỹ ở vùng Tây nguyên, cùng các bài ký sự chiến trường khác.

    Hay khi cần hòa giải, bèn lôi quyền Hồi Ký bác sĩ Đặng Thùy Trâm ra làm rùm beng, cứ y như thật. Rồi Mỹ với CSVN múa đôi với nhau rất ư nghệ thuật. Hà Nội chi tiền ngay cho đạo diễn hạng nhất Đặng Nhật Minh làm phim rồi trao giải thưởng.

    Trong khi đó nan đề chất độc màu da cam thì lại khề khà, cố tình làm ngơ, bởi tính ra phải chi ra khá bộn, cho nên bọn kỹ nghệ gia xí nghiệp chế tạo chất này cố tình vận động xử cho chìm xuồng. Lẽ ra việc đầu tiên là phải tảy rửa môi trường ở những nơi làm nơi chất chứa chất này, như ở phi trường Chu Lai (và Biên Hòa ?), nhưng mãi mãi mới thực hiện

    Nói thật, chịu khó lục tìm, rồi phân tích để bình luận ra ngô khoai còn nhiều lắm, thưa huynh trưởng.
    Từ “chuyện nhỏ như con thỏ” nói trên đến những đau thương mất mát ở quê hương mình thời nội chiến phải thế không ạ.

    Thân ái,
    Lại Mạnh Cường

    =====

    Ghi chú:

    Ngô Thế Vinh

    Biography
    Ngô Thế Vinh tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn 1968

    Trong ban biên tập, nguyên tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên Tình Thương truờng Y khoa Sài Gòn từ 1963 tới khi báo đình bản 1967.

    Nguyên y sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.
    Tu nghiệp ngành Y khoa Phục hồi tại Letterman General Hospital San Francisco.
    Trở về Việt Nam, làm việc tại trường Quân Y.
    Sau 1975, tù ba năm qua các trại cải tạo Suối Máu, Trảng Lớn, Phước Long, Bù Gia Mập…
    Ra trại, về Sài Gòn, một thời gian sau trở lại làm việc tại Trung Tâm Phục Hồi Bà Huyện Thanh Quan và trường Vật Lý Trị Liệu Sài Gòn.
    Tới Mỹ tám năm sau 1983, cải tạo tự nguyện thêm 5 năm để trở lại ngành y: thời gian đầu làm volunteer đẩy các ở bệnh viện, rồi clinical fellow Đại học USC trước khi trở lại làm bác sĩ nội trú rồi thường trú các bệnh Đại học SUNY Downstate Brooklyn New York.
    Tốt nghiệp ngành Nội khoa American Board of Internal Medicine và hiện làm việc tại một bệnh viện miền nam California.

    TÁC PHẨM NGÔ THẾ VINH

    đã xuất bản:

    mây bão sông mã 63, văn nghệ 93
    bóng đêm khai trí 64
    gió mùa sông mã 65
    vòng đai xanh thái độ 71, văn nghệ 87
    mặt trận ở sài gòn văn nghệ 96
    cửu long cạn dòng biển đông dậy sóng văn nghệ 00, 01
    mekong dòng sông nghẽn mạch văn nghệ mới 3/07, 12/07
    audiobook mekong dòng sông nghẽn mạch 12/07
    cửu long cạn dòng biển đông dậy sóng văn nghệ mới 09

    tiếng anh:

    the green belt ivy house 04 the battle of saigon xlibris 05
    sẽ xuất bản:
    mekong the occluding river
    giấc mơ chàm

    • Lê Dinh says:

      Hoa Kỳ sai lầm trong cuộc chiến Việt Nam nên bỏ của chạy lấy người. Đứng về lập trường người Mỹ thì việc đó cũng phải thôi, nhất là trong bối cảnh TT Nixon bị hạ bệ. Lấy đó để đổ tội cho người Mỹ mà không nhìn lại chính lỗi mình thì thật tình là không công bằng đó huynh trưởng Lại Mạnh Cường. Chung quy chỉ tại ta không có lãnh tụ tài giỏi nên mới xảy ra cớ sự đó thôi. Cứ như Đại Hàn với Pak Chung Hi, hay Đài Loan với Tưởng Giới Thạch cũng vẫn là những “tiền đồn” của Mỹ mà họ vẫn tiến về phía trước đó thôi. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân mới là người biết phải trái.
      Kính.

Phản hồi