WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Về phong trào phản kháng ở nước Nga

Người viết xin lỗi trước độc giả, bài này có tính nghiên cứu nhiều hơn là chính luận, vì thế chắc sẽ khá nặng nề đối với nhiều bạn đọc, mặc dù chúng tôi đã cố gắng chỉ trình bày sơ lược, không đi sâu vào chi tiết. Nhưng thiết nghĩ, những ai quan tâm đến những vấn đề của đất nước ta cũng nên tìm hiểu về phong trào phản kháng hiện nay của người Nga, bởi lẽ đây là một hiện tượng mới của xã hội dân sự Nga vùng dậy chống chính quyền độc đoán. Mà điều này có thể rất hữu ích cho cuộc đấu tranh cứu nước và giành tự do, dân chủ ở nước ta, nếu chúng ta biết suy ngẫm và rút tỉa kinh nghiệm.

Phong trào phản kháng mạnh mẽ ở Nga hiện nay không phải là một hiện tượng bỗng dưng đột phát, mà nó bắt nguồn từ rất nhiều cuộc vận động, rất nhiều cuộc đấu tranh về những vấn đề khác nhau: đòi hỏi tự do, chống hà lạm, chống chuyên quyền, chống tham nhũng, bảo vệ môi sinh, v.v…, và cuối cùng, đi đến cuộc vận động “Putin phải ra đi”. Qua rất nhiều cuộc đấu tranh nhỏ, lắm khi chỉ có tính địa phương, từ đó tạo điều kiện cho xã hội dân sự hình thành và dần dần lớn mạnh, nâng cao ý thức trách nhiệm và ý thức chính trị của công dân Nga. Mà xã hội dân sự có vai trò to lớn như thế nào trong sự chuyển biến xã hội, nhất là xã hội dưới chế độ độc tài toàn trị, thì chắc mọi người đều đã biết.

Nhiều người nhận xét đúng: các cuộc biểu tình lớn vừa qua ở Moskva và các thành phố khác là của công dân Nga, chứ không phải của riêng của một đảng phái nào. Nhưng để có được những cuộc biểu tình tập hợp đông đảo quần chúng như vậy thì phải có sự hợp sức vận động, tổ chức của nhiều đảng phái, đoàn thể và phong trào thuộc nhiều xu hướng chính trị rất khác nhau đối lập với chính quyền Putin. Trong thời đại điện tử, các mạng xã hội và các phương tiện tối tân đã được sử dụng tối đa cho cuộc vận động này.

Thực ra, cuộc vận động này đã khởi phát từ nhiều năm trước, nhưng chúng tôi xin bắt đầu từ cuộc vận động “Putin phải ra đi”, khởi đầu bằng sự xuất hiện một site trên internet vào ngày 10.3.2010 do một số thành viên các đảng đối lập và mấy nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng của Nga lập ra. Người đề xướng là Andrei Piontkovski, nhà chính trị học, nhà báo, nhà hoạt động chính trị, viện sĩ Viện các quy trinh và công nghệ thông tin quốc tế và là thành viên trong ban lãnh đạo phong trào “Đoàn kết” (Solidarnost). Trong lời kêu gọi, nói rõ “…cơ cấu chính trị-xã hội mà Putin áp đặt cho công dân nước ta đang hủy diệt nước Nga. Chúng tôi khẳng định rằng trong nước Nga ngày nay không thể nào thực hiện được những cải cách có thực chất được, chừng nào Putin vẫn còn nắm thực quyền trong nước. Vì thế việc đầu tiên, bắt buộc phải có là giải thoát khỏi Putinism (chủ nghĩa Putin)”. Trong lời kêu gọi kể rõ những việc làm sai, những cải cách hỏng, v.v… và đặt vấn đề dứt khoát: “Putin phải ra đi”. Các tác giả kêu gọi các cán bộ, nhân viên các cơ quan công lực đừng “chống lại nhân dân của mình” và đừng thi hành “lệnh của các quan chức tham nhũng”. Có 34 người nổi tiếng ký tên đầu tiên, đó là các nhà hoạt động xã hội, bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động chính trị đối lập thuộc nhiều xu hướng khác nhau. Đứng đầu danh sách là bà Elena Bonner (88 tuổi, vừa qua đời năm 2011), nhà đấu tranh nhân quyền rất nổi tiếng từ thời Liên Xô, quả phụ của viện sĩ Andrei Sakharov. Trong tháng đầu tiên đã có 30 nghìn chữ ký. Bọn tin tặc của chính quyền nhiều lần đánh phá site. Song song với việc lấy chữ ký trên mạng, các tổ chức đối lập, nhất là Mặt trận công dân thống nhất (OGF) ở Moskva, Sankt Petersburg và nhiều thành phố khác ở Nga, trong hai năm 2010, 2011 đã liên tiếp tổ chức những cuộc tập hợp ở nơi đông người để lấy chữ ký dưới lời kêu gọi đó. Đáng ghi nhận là ngày 14.6.2010, Boris Nemtsov và Vladimir Milov đã “trình làng” báo cáo “Putin. Tổng kết. 10 năm”, in một triệu bản để phân phát. Trong báo cáo đó, bằng những tài liệu cụ thể, các tác giả vạch trần tình trạng trầm trọng của nước Nga, những căn bệnh nguy kịch của nước Nga, nhất là nạn tham nhũng của các quan chức cao cấp, dưới chế độ của Putin, đồng thời nêu lên những sai lầm lớn và hậu quả của 10 năm Putin cầm quyền. Đây là đóng góp đáng kể vào cuộc vận động này. Tính đến ngày 27.1.2012, đã có 123 752 người ký tên. Cùng với việc vận động ký tên đòi “Putin phải ra đi”, các đảng đối lập còn tổ chức những “Ngày nổi giận” với những cuộc biểu tình không được phép và cảnh đàn áp dữ dội của cảnh sát: nhiều hoạt động viên tích cực đã bị đánh đập, bắt bớ hoặc bị giam cầm. Nhưng cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn không ngừng…

“Putin phải ra đi. Hãy bỏ phiếu trên mạng...”

Đây là những bước chuẩn bị đầu tiên để tiến đến các cuộc mít tinh-biểu tình “Vì những cuộc bầu cử trung thực” diễn ra sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4.12.2011.

Cuộc mít tinh được chính quyền cho phép đã diễn ra ngày 5.12 trên đại lộ Chisty prudy ở Moskva, ngay hôm sau cuộc bầu cử, để tố cáo những gian lận trắng trợn trong cuộc bầu cử, đã có trên 5 nghìn người tham gia. Sau khi mít tinh chấm dứt, có vài trăm người diễu hành (điều này không được ghi trong giấy phép) tiến về trụ sở Ủy ban bầu cử Nga, cảnh sát liền đàn áp, bắt giữ Alexei Navalny và Ilya Yashin, và tòa án phạt giam hai anh này trong 15 ngày. Các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối. “Ân xá quốc tế” công nhận Navalny và Yashin là những tù nhân lương tâm. Ngày 21.12, hai anh được thả ra.

Cuộc mít tinh lớn tiếp theo quy tụ được 80 nghìn người vào ngày 10.12 trên quảng trường Bolotnaya. Ngày 24.12, cuộc thứ mít tinh lớn hơn nữa tập hợp được 104 nghìn người vào trên đại lộ Sakharov ở Moskva. Nếu tính chung cả những cuộc mít tinh-biểu tình ở Sankt Petersburg và các thành phố khác khắp nước Nga, như Novosibirsk, Barnaul, Chita, Khabarovsk, v.v… thì số người tham gia cũng đến vài trăm nghìn người. Chúng tôi đã viết về hai cuộc biểu tình lớn này trong bài trước, nên không nhắc lại đây.

Sau những cuộc mít tinh-biểu tình tháng 12.2011, ngày 16.1.2012, một tổ chức mới đã ra đời: “Liên đoàn các cử tri”, do hai nhà văn nổi tiếng Boris Akunin và Dmitri Bykov đề xướng, cùng với hai nhà báo, hai nhạc sĩ, một người điều khiển chương trình truyền hình, một blogger… sáng lập nên. Phần đông họ là những người đã tham gia các cuộc mít tinh-biểu tình “Vì những cuộc bầu cử trung thực” vừa qua. Ngày 17.1, một số nhà chính trị đối lập và người tổ chức các cuộc mít tinh-biểu tình vừa qua đã thành lập “Phong trào công dân” do dân biểu Ilya Ponomariev đứng đầu, với sự tham gia của nhà hoạt động tích cực của “Mặt trận tả” Sergei Udaltsov (thân cộng sản), nhà đấu tranh sinh thái Evgenya Chirikova, đồng chủ tịch “Đảng tự do nhân dân” Boris Nemtsov (dân chủ), thủ lĩnh phong trào “Những người Nga” Alexandr Potkin (dân tộc chủ nghĩa) và một vài người khác. Nhà hoạt động đối lập nổi tiếng Alexei Navalny hiện chưa gia nhập khối này.

Phe đối lập đang chuẩn bị cuộc diễu hành lớn vào ngày 4.2.2012 sắp tới, chẳng những ở Moskva, Sankt Petersburg, mà còn ở nhiều thành phố khác khắp nước Nga; ngay cả các cộng đồng người Nga ở hải ngoại, như Madrid, Barcelona… cũng đang chuẩn bị hưởng ứng. Ở Moskva, sau những đôi co khó khăn trong đêm 24 rạng ngày 25.1 với ban tổ chức diễu hành, cuối cùng chính quyền thành phố đồng ý cho phép diễu hành và mít tinh, nhưng hạn chế số người tham gia là 50 nghìn và không cho tập trung trên quảng trường Manezh gần điện Kremli.

Cuộc diễu hành lần này (ngày 4.2) giống như mấy lần trước là hành động chung liên hiệp mọi lực lượng phản kháng chính quyền Putin – từ phái dân chủ-liberal, dân chủ-xã hội, dân chủ-dân tộc chủ nghĩa, đến phái dân tộc chủ nghĩa đủ màu sắc, phái cộng sản – dưới khẩu hiệu “Vì những cuộc bầu cử trung thực” và “Putin phải ra đi”. Quan niệm chung của những người lãnh đạo phe đối lập về phong trào phản kháng là một cuộc đấu tranh hòa bình, nhưng có tính cách mạng, vì nó nhằm chuyển đổi một cách bất bạo động từ hệ thống chính trị độc đoán hiện nay sang hệ thống dân chủ, bằng cách trước tiên, thay đổi người đứng đầu Ủy ban bầu cử và bầu lại Quốc hội, sửa đổi luật bầu cử và luật về các đảng chính trị, bảo đảm tính độc lập của hệ thống tòa án và các phương tiện thông tin đại chúng, xóa bỏ những quyết định phi pháp của tòa án về việc đăng ký các đảng, cho phép lập đảng và đăng ký… Từ đó, tiến lên đấu tranh đạt cho được việc xây dựng Hiến pháp mới của nước Nga dân chủ. Những người lãnh đạo đối lập dân chủ không có ảo tưởng đây là một công việc dễ dàng, nhưng đó là mục tiêu chung của phong trào phản kháng hiện nay.

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét những đảng phái, tổ chức và phong trào đối lập nào đã tham gia việc tổ chức các cuộc biểu tình tháng 12 vừa qua? Chúng tôi sẽ không nói đến Đảng cộng sản Liên bang Nga (ĐCSLBN) và Đảng tự gọi là “tự do dân chủ” Nga mà thực chất là một đảng cực hữu bám chân đảng cầm quyền; hai đảng này đã không tham gia các cuộc biểu tình chung tháng 12 vừa qua, mà mỗi đảng tổ chức mít tinh riêng, ồn ào nhưng không đông. Theo tin mới đây, ĐCSLBN đã cử người tham gia ban tổ chức cuộc diễu hành ngày 4.2 sắp tới.

Các đảng phái, tổ chức và phong trào sau đây cùng chung sức thực hiện những cuộc biểu tình phản kháng vừa qua:

1/ Phong trào dân chủ thống nhất “Solidarnost” (Đoàn kết) – đây là khối liên hiệp các tổ chức dân chủ, được thành lập năm 2008, có những nhân vật nổi tiếng tham gia, như nhà bất đồng chính kiến từ thời Liên Xô Vladimir Bukovski (69 tuổi), cựu phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov (52 tuổi), nhà vô địch thế giới môn cờ vua Garri Kasparov (48 tuổi), nhà chính trị trẻ tuổi nổi tiếng lãnh đạo phong trào thanh niên dân chủ Ilya Yashin (28 tuổi), v.v… Ngoài ra, còn có sự tham gia với tính cách cá nhân của những thành viên thuộc các tổ chức hay đảng phái đối lập, như Mặt trận công dân thống nhất (OGF) do Garri Kasparov đứng đầu, Liên minh lực lượng hữu (SPS) (tổ chức này tự giải thể cuối năm 2008), Liên minh dân chủ nhân dân Nga (RNDS) do cựu Thủ tướng Nga (2000-2004) Mikhail Kasyanov (54 tuổi) làm chủ tịch, đảng “Yabloko” (Quả táo) do Grigori Yavlinski (59 tuổi) đứng đầu, v.v… Phong trào “Solidarnost” là một liên hiệp của những người dân chủ và những người liberal (người ta thường dịch là tự do chủ nghĩa, nhưng dịch thế chưa phản ánh đúng thực chất của từ liberalism, nên người viết xin giữ nguyên dạng của từ này), tả phái và trung phái-hữu. Họ chủ trương thiết lập trên đất nước Nga hệ thống chính trị dân chủ, nền pháp trị, tôn trọng quyền công dân và các quyền tự do, triệt tiêu chế độ độc quyền về chính trị, kinh tế và thông tin, tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền và tự do của công dân Nga, thực hiện vô điều kiện Hiến pháp Nga và Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, tuân thủ những nguyên tắc của công pháp quốc tế. Cương lĩnh của “Đoàn kết” gồm 4 điểm: 1/ giải thể chủ nghĩa Putin; 2/ chính quyền của nhân dân; 3/ đấu tranh chống tội phạm; 4/ theo các tiêu chuẩn sinh hoạt của châu Âu, tức là quân đội chuyên nghiệp; trung học miễn phí; đại học hợp sức dân; bảo hiểm y tế hợp sức dân và có hiệu quả; giảm thuế cho những khu vực không phải là kinh doanh nguyên liệu; tăng thuế đối với “Gazprom” (tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga) và các công ty khác kinh doanh nguyên liệu. Phong trào “Solidarnost” có tổ chức ở rất nhiều địa phương trong nước Nga.

Một người trong ban lãnh đạo của phong trào “Solidarnost”, Ilya Yashin, đã nói rõ về sự quan hệ của phong trào với những người dân tộc chủ nghĩa-bolshevich như sau: “Với những người dân tộc chủ nghĩa-bolshevich, chúng tôi có thể cùng đấu tranh trong một số việc nào đó, chẳng hạn, vì những cuộc bầu cử trung thực. Nhưng chúng tôi không cùng họ đấu tranh vì chính quyền. Chúng tôi không đấu tranh để họ lên nắm quyền…”

2/ Đảng tự do nhân dân “Vì nước Nga không có chuyên quyền và tham nhũng” (PARNAS – chữ viết tắt tên đảng), do cựu dân biểu Quốc hội Nga, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Vladimir Ryzhkov (45 tuổi), cựu Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov, cựu phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov đứng đầu. Đây là đảng theo chủ nghĩa liberal thành lập năm 2010, liên hiệp nhiều tổ chức dân chủ khác, như Liên minh dân chủ nhân dân Nga (thủ lĩnh – Mikhail Kasyanov, có vài chục nghìn thành viên), Đảng cộng hòa Nga, bị Bộ tư pháp và Tòa án tối cao Liên bang Nga không cho đăng ký và giải thể (thủ lĩnh – Vladimir Ryzhkov), Phong trào “Solidarnost” (thủ lĩnh – Boris Nemtsov, có 6 nghìn thành viên), Phong trào “Lựa chọn dân chủ” (thủ lĩnh – Vladimir Milov, có 500 thành viên). Mục đích của đảng là để chuẩn bị tham gia các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống. Theo lời tuyên bố của M. Kasyanov, đến ngày 16.4.2011, tổng số thành viên của PARNAS là 50 nghìn người. Nhưng Bộ tư pháp Nga dựa vào luật mới dưới thời Putin đã không cho đăng ký, và bằng cách đó gạt đảng ra khỏi hai cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống.

Xin nói thêm về Đảng cộng hòa Nga: Sau khi phán quyết của Tòa án nhân quyền châu Âu hồi tháng 4.2011 coi quyết định của Bộ tư pháp Nga (2006) và của Tòa án tối cao Liên bang Nga (2007) không cho đăng ký và giải thể Đảng cộng hòa Nga do Vladimir Ryzhkov đứng đầu, là không hợp pháp, thì ngày 23.1.2012 vừa rồi, Tòa án tối cao Liên bang Nga đã xóa bỏ quyết định giải thể Đảng cộng hòa Nga. Theo ý kiến của Ryzhkov, sắp tới, đảng sẽ họp đại hội và có thể đổi tên là “PARNAS”.

3/ Đảng dân chủ thống nhất Nga “Yabloko” (Quả táo), thành lập năm 1993, do Yavlinski, Bondyrev và Lukin sáng lập. Đảng đã từng trúng cử vào Quốc hội Liên bang Nga: kỳ thứ nhất (1993), kỳ thứ hai (1995); kỳ thứ ba (1999), đảng liên danh với tổ chức khác, nên được vào Quốc hội; kỳ thứ tư (2003), đảng không vượt được ngưỡng 5%, nhưng có bốn thành viên của đảng trúng cử ở các khu vực một dân biểu; kỳ thứ năm (2007) và thứ sáu (2011), đảng không được vào Quốc hội, một phần do luật bầu cử mới dưới thời Putin nâng ngưỡng được bầu lên 7%, một phần nữa do sự gian lận của đảng cầm quyền cố tình đánh bại “Yabloko”. Trong Quốc hội, đảng “Yabloko” phản đối cuộc chiến tranh ở Chechnya, đòi tôn trọng nhân quyền, phản đối tư hữu hóa không công bằng… “Yabloko” là đảng theo chủ nghĩa liberal-xã hội, chủ trương nước Nga đi theo con đường phát triển của châu Âu. Đảng có chân trong một số tổ chức quốc tế và châu Âu. Grigori Yavlinski làm chủ tịch đảng từ 1993 đến 2008; chủ tịch hiện nay là Sergei Mitrokhin (58 tuổi). Nhưng năm vừa qua, có nhiều cán bộ lãnh đạo nổi tiếng và nhiều thành viên đã rời bỏ đảng hoặc bị khai trừ khỏi đảng; nhưng cũng có một số người nổi tiếng gia nhập đảng, như Alexei Yablokov là nhà sinh thái, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học Nga, Anatoli Leirikh – doanh nhân, một trong những người đứng đầu tổ chức “Nước Nga kinh doanh”, Sergei Kovalev – nhà đấu tranh nhân quyền, Sverlana Kuznetsova – một trong những người lãnh đạo phong trào “Các bà mẹ lính”.

4/ Đảng dân chủ-xã hội thống nhất Nga, thành lập ngày 24.11.2001, lúc đầu do cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev (70 tuổi) làm chủ tịch. Đảng đã qua bốn kỳ đại hội, đến 13.4.2007 thì Tòa án tối cao Liên bang Nga quyết định giải tán, lấy cớ rằng theo luật mới dưới thời Putin, đảng chính trị bắt buộc phải có tổ chức ở trên một nửa chủ thể của liên bang và các đảng bộ ở vùng phải có trên 500 thành viên mới được đăng ký, mà Đảng dân chủ-xã hội thống nhất Nga thì không đáp ứng được điều kiện đó. Sau khi giải thể, nhiều thành viên đảng này gia nhập đảng chính trị trung-tả “Nước Nga công bằng” (SR). Đảng này được thành lập năm 2006 lấy tư tưởng dân chủ-xã hội và chủ nghĩa xã hội hiện đại hóa làm cơ sở tư tưởng. Năm 2008, Đảng sinh thái Nga “Xanh”, Đảng dân chủ-xã hội Nga và Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Nga đã nhập vào đảng “Nước Nga công bằng”. Từ năm 2011, Chủ tịch đảng (10.2006-4.2011) là Sergei Mironov (58 tuổi), từ 4.2011 đến nay là Nikolai Levichev (53 tuổi), còn Mironov lãnh đạo đảng đoàn tại Quốc hội Nga. Dù làm ra vẻ đối lập với chính quyền Nga, nhưng trên thực tế, Sergei Mironov bỏ phiếu tán thành hầu hết các vấn đề đảng cầm quyền đưa ra! Năm 2011, nhiều thành viên đã bỏ đảng này. Ảnh hưởng của đảng này trong nhân dân khá mờ nhạt.

5/ Phong trào “Bảo vệ rừng Khimki” hình thành từ năm 2007 và Phong trào nhân dân “Phòng vệ sinh thái của tỉnh Moskva” thành lập năm 2008, do nhà đấu tranh sinh thái Evgenya Chirikova (33 tuổi) đứng đầu; chị không tham gia đảng phái chính trị nào.

Ngoài những đảng phái và phong trào có xu hướng dân chủ-liberal và dân chủ-xã hội kể trên, tham gia vận động, tổ chức các cuộc biểu tình phản kháng vừa qua còn có các phong trào dân tộc chủ nghĩa và các tổ chức khuynh tả, thân cộng sản sau đây:

6/ Phong trào giải phóng dân tộc Nga “NAROD”, là một tổ chức dân tộc chủ nghĩa thành lập năm 2007. Họ tự coi mình theo tư tưởng dân chủ-dân tộc chủ nghĩa. Tổ chức này khá phức tạp, gồm đủ loại dân tộc chủ nghĩa cả ôn hòa lẫn cực đoan và cộng sản… Tổ chức này ra Tuyên ngôn, trong đó những đòi hỏi dân chủ xen kẽ những đòi hỏi có tính dân tộc chủ nghĩa, phản ánh tính phức tạp của tổ chức.

Cùng với “NAROD”, còn có “Phong trào chống nhập cư bất hợp pháp” (DPNI), một tổ chức dân tộc chủ nghĩa thành lập năm 2008, tích cực tham gia những “Cuộc diễu hành Nga” của phe dân tộc chủ nghĩa. Tòa án cho đây là một tổ chức cực đoan và quyết định giải thể năm 2011. Tuy vậy các thành viên của tổ chức này vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động phản kháng chung.

7/ “Đội tiên phong của thanh niên đỏ” (AKM), là một tổ chức cộng sản-bolshevich thành lập năm 1999 do Sergei Udaltsov (34 tuổi) làm chủ tịch. Lúc đầu, AKM là một cánh của tổ chức có tên là “Nước Nga lao động” (cực tả), sau đó Udaltsov ra khỏi tổ chức này và đứng vào “Mặt trận tả”. Theo lời của Udaltsov thì AKM có gần 8 nghìn thành viên. Cương lĩnh của AKM là: khôi phục lại Liên Xô, quốc hữu hóa các ngân hàng, thi hành độc quyền ngoại thương. Ảnh hưởng của tổ chức này trong nhân dân không lớn. Nhưng là tổ chức hăng hái, mạnh mẽ đấu tranh phản kháng trên đường phố chống chính quyền hiện nay. Riêng Udaltsov đã rất nhiều lần bị cảnh sát bắt giữ, cầm tù. AKM tích cực tham gia các cuộc đấu tranh của Phong trào bảo vệ rừng Khimki của Evgenya Chirikova và Phong trào dân chủ thống nhất “Solidarnost” do Boris Nemtsov đứng đầu.

8/ Phong trào “Nước Nga khác” do Eduard Limonov (68 tuổi), nhà văn Nga, nhà hoạt động chính trị, đứng đầu. Ông nguyên là chủ tịch Đảng bolshevich-dân tộc chủ nghĩa, một đảng đối lập bị chính quyền cấm. Ông cũng là người đề xướng lập “Ủy ban cứu nguy dân tộc” để vận động những cuộc đấu tranh trên đường phố chống cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống không tự do, không công bằng. Các hoạt động viên của phong trào này đấu tranh trên đường phố rất mạnh, nhưng không có ảnh hưởng mấy vì cái tên “bolshevich-dân tộc chủ nghĩa” không gây được cảm tình trong dân chúng.

Để hiểu rõ chính kiến của quần chúng tham gia phong trào phản kháng “Putin phải ra đi”, chúng tôi xin dẫn ra đây kết quả ngày 25.8.2011 của cuộc điều tra dư luận trên mạng, có 7694 người đã trả lời:

12,54% (965) phái tả (vì: bình đẳng xã hội, vai trò tích cực của nhà nước trong kinh tế, chủ nghĩa quốc tế);

10,75% (827) phái yêu nước-dân tộc chủ nghĩa (vì: giá trị bình đẳng – sự vĩ đại của đất nước, ưu tiên bảo vệ quyền của công dân các dân tộc chinh gốc);

64,34% (4950) phái liberal (vì: quyền cá nhân, các tự do chính trị, phát triển sự hội nhập của Nga vào kinh tế thế giới);

2,91% (224) phái quyền lợi vùng (vì: sự phát triển vùng của tôi, ưu tiên bảo vệ quyền lợi cư dân trong vùng);

4,41% (339) các chính kiến khác;

2,48% (191) không có chính kiến rõ rệt;

2,57% (198) tôi cho câu hỏi này không tế nhị.

Khi hỏi: bạn có biết các tổ chức mà những lời tuyên bố và hành động của họ hợp với chính kiến bạn, thì số người trả lời như sau:

17,91% (1277) biết, tôi định/đã tham gia tổ chức đó;

27,71% (1976) biết, nhưng thấy không cần tham gia;

41,42% (2953) đáng tiếc là không biết;

7,15% (510) không biết, cũng chẳng có vấn đề gì;

5,81% (414) tôi thấy khó trả lời.

Trước khi đưa ra những nhận xét chung về phong trào phản kháng hiện nay, chúng tôi xin giới thiệu vài nhân vật trẻ nổi bật nhất trong phong trào.

Trước hết, xin nói đến một người hiện đang được đông đảo quần chúng phản kháng ngưỡng mộ – Alexei Navalny. Anh là luật sư, nhà hoạt chính tri và xã hội, người đấu tranh kiên cường chống nạn tham nhũng ở Nga. Sinh năm 1976 (35 tuổi). Năm 2001, tốt nghiệp khoa luật học Trường đại học Hữu nghị các dân tộc và khoa tài chính tín dụng ở Viện hàn lâm tài chính trực thuộc Chính phủ Nga.

Về hoạt động chính trị: năm 2000, Navalny đã gia nhập đảng “Yabloko” (Quả táo), một đảng dân chủ do Grigori Yavlinski đứng đầu. Anh đã có cương vị cao trong lãnh đạo của đảng, nhưng đến năm 2007, do bất đồng ý kiến với người đứng đầu đảng, anh bị khai trừ ra khỏi đảng.

Năm 2004, anh thành lập và là một trong những người lãnh đạo “Ủy ban bảo vệ dân Moskva” nhằm chống tham nhũng và những vi phạm quyền công dân khi xây dựng thành phố. Năm 2005, anh cùng với vài người khác khởi động Phong trào thanh niên “DA!” (tán thành), điều phối dự án “Cảnh sát với nhân dân” để chống những lạm quyền của cảnh sát. Năm 2006, anh là người điều phối dự án “Tranh luận chính trị” trên truyền hình được báo chí thông tin rộng rãi.

Năm 2007, anh là một trong những người sáng lập “NAROD” (viết tắt của chữ Phong trào giải phóng dân tộc Nga) và là một trong số 11 người ký tên dưới “Tuyên ngôn” của phong trào dân tộc chủ nghĩa này. Năm 2008, anh hợp tác với “Phong trào chống nhập cư bất hợp pháp” (DPNI) cũng là một tổ chức dân tộc chủ nghĩa. Khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Navalny làm những người dân chủ-liberal e ngại, thậm chí có vài người, như bà Valeria Novodvorskaya và ông Konstantin Borovoi kịch liệt phản đối sự hợp tác với Navalny vì coi anh là người rất nguy hiểm. Còn Navalny thì nói mình là người dân chủ-dân tộc chủ nghĩa bình thường”, ngụ ý ôn hòa, không cực đoan.

Navalny nổi tiếng là người đấu tranh kiên cường chống nạn tham nhũng. Anh là tác giả của một trong những blog rất nổi tiếng trong Live Journal và người sáng lập và lãnh đạo dự án “RosPil” để tố cáo sự tham nhũng của các quan chức trong các công ty mà nhà nước đóng vai chính. Không những tố cáo, mà anh còn kiện ra tòa án. Nổi tiếng nhất là các vụ vạch mặt và thắng kiện các công ty dầu lửa lớn “Rosneft”, “Gasprom neft” và “Surgutneftegaz” (2008), vụ vạch mặt các cán bộ tham ô ở ngân hàng VTB (2009), vụ vạch mặt các quan chức cao cấp ăn cắp tiền nhà nước khi xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu “Đông Siberia – Thái Bình Dương” (2010)… Mỗi vụ đấu tranh như vậy anh phải mất rất nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu, đối chiếu hồ sơ, và nhất là phải đương đầu với biết bao áp lực, hăm dọa, quấy nhiễu, đánh phá… của bọn quan chức trong chính quyền, nhưng anh vẫn không sợ và đã thắng trong một số vụ, nhờ anh là một luật sư giỏi và thông thạo về kinh tế. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng hầu như đơn độc của anh đã có tiếng vang lớn trong công luận. Năm 2010, Navalny đã báo cáo về tham nhũng trước Ủy ban Helsinki của Quốc hội Hoa Kỳ. Năm 2011, anh bị khởi tố vụ án hình sự theo điều 165 Luật hình sự, nhưng cuối cùng Ủy ban điều tra đã công nhận là anh không có tội.

Hoạt động trong dịp bầu cử Quốc hội Nga năm 2011: Navalny là người đầu tiên tuyên bố trên đài phát thanh “Finam FM” vào ngày 2.2.2011: đảng Nước Nga Thống nhất là “đảng của những kẻ bịp bợm và trộm cắp”. Luật sư Gorgadze nói rằng lời tuyên bố đó xúc phạm các đảng viên thường của đảng Nước Nga Thống nhất và ông sẽ kiện ra tòa. Để trả lời, Navalny liền mở cuộc điều tra dư luận trên blog của mình, đề nghị trả lời câu hỏi: “Đảng Nước Nga Thống nhất có phải là đảng của những kẻ bịp bợm và trộm cắp không?”. Trong số 39 467 người trả lời, có 96,6% đã trả lời “đúng thế!”. Theo yêu cầu của đài “Finam FM”, dân biểu Quốc hội Nga thuộc đảng Nước Nga Thống nhất Evgeni Fiodorov, chủ tịch ủy ban kinh tế, đã tham gia cuộc tranh luận để bác bỏ lời buộc tội đó. Cuối cùng, người điều khiển buổi tranh luận đề nghị bỏ phiếu-SMS: trong số 1354 người tham gia tranh luận thì 99% đồng ý với nhận định của Navalny. Ngày 5.12.2011, sau cuộc mít tinh trên đại lộ Chisty prudy để phản đối cuộc bầu cử gian lận, Alexei Navalny đã bị cảnh sát bắt giữ cùng với Ilya Yashin; tòa án phạt giam hai anh này trong 15 ngày, đến ngày 21.12, mới được thả ra. Anh đã từng tuyên bố sẽ ra ứng cử tổng thống.

Nhận xét về Navalny, cựu bộ trưởng kinh tế Nga, hiện là người lãnh đạo khoa học Trường kinh tế cao cấp Evgeni Yasin cho rằng “hoạt động của Navalny có ích cho sự phát triển kinh tế và xã hội”. Còn nhà xã hội học Igor Eidman coi Navalny là thủ lĩnh chính trị của nhân dân, theo ý kiến ông, “Navalny được nhiều người tin cậy, mà những người này trong nhiều năm qua chẳng tin ai cả. Sự thách thức cá nhân của anh ta đối với chế độ đã được sự ủng hộ của hàng nghìn người”. Cũng có ý kiến cho rằng những phát biểu của Navalny thường có tính populism (mị dân).

Evgenya Chirikova bị cảnh sát khiêng đi trong cuộc biểu tình

Người thứ hai chúng tôi muốn giới thiệu là Evgenya Chirikova, cũng là một trong những gương mặt chói sáng trong phong trào phản kháng. Chị sinh năm 1978 (33 tuổi). Năm 2000, chị tốt nghiệp khoa chuyên môn về kỹ sư động cơ máy bay và khoa kinh tế ở Học viện hàng không Moskva. Ra trường, chị lần lượt đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo nhiều dự án kỹ thuật ở mấy công ty và holding tại Moskva. Đến năm 2004, chị và chồng lập công ty riêng của mình. Như vậy, chị và chồng chị là những nhà trí thức đồng thời là doanh nhân khá thành đạt. Sống ở Moskva ồn ào, không khí bị ô nhiễm, chị chuyển nhà về vùng Khimki ở ngoại thành Moskva, nơi có cánh rừng lớn “để vợ chồng và hai con được hít thở không khí trong lành”, như lời chị nói. Vào mùa hè năm 2007, có lệnh của chính quyền tỉnh Moskva chặt cây ở rừng Khimki để làm đường mới Moskva – Sankt Petersburg, chị liền bắt đầu viết và in lời kêu gọi những ai quan tâm bảo vệ rừng Khimki hãy tập hợp lại và lập thành nhóm bảo vệ khu rừng đó. Chị còn đưa lời kêu gọi lên mạng internet. Chẳng những nhân dân trong vùng hưởng ứng sôi nổi, mà cả những nơi khác ở thành phố Moskva cũng ủng hộ. Một phong trào sôi nổi được dấy lên. Nhà cầm quyền liền đàn áp bằng bạo lực. Anh Mikhail Beketov, chủ bút báo “Sự thật Khimki” bị đánh gần chết vì anh đã phê phán trên báo việc làm sai của chính quyền. Chị là một trong những nhân chứng trước tòa án xử vụ này. Năm 2008, Chirikova vận động gây phong trào nhân dân “Phòng vệ sinh thái của tỉnh Moskva” mà chị là người đứng đầu phong trào. Vì phong trào bảo vệ rừng Khimki gây trở ngại cho việc làm con đường mới, nên tháng 11.2009, Thủ tướng V. Putin ký lệnh chuyển đất ở khu rừng-công viên thành đất công nghiệp và giao thông. Lệnh này là bất hợp pháp, vì trái với quyết định vốn có của nhà nước trước đây không cho phép thay đổi chức năng của rừng-công viên. Chirikova liền gửi thư lên Tổng thống D. Medvedev đòi cách chức thủ tướng của V. Putin và coi lệnh đó là không có hiệu lực, đồng thời yêu cầu Tổng thống lập ủy ban điều tra về việc này. Tháng 1.2009, dân chúng ở Khimki ủng hộ chị ra ứng cử thị trưởng thành phố Khimki. Chính quyền tìm mọi cách gạt chị ra khỏi danh sách ứng viên, chị phải kiện mới được ghi danh lại, nhưng trong lần bầu cử đó chị bị thất cử vì sự gian lận của kẻ cầm quyền. Sau đó, xảy ra vụ ám sát người luật sư đã bênh vực chủ bút Beketov bị buộc tội vu khống cho thị trưởng mới bầu lên, chị lại phải ra làm nhân chứng trước tòa án.

Từ việc đấu tranh vì sinh thái, Chirikova thấy rõ hơn sự tham nhũng trầm trọng của kẻ cầm quyền và nhận thức rõ ràng nếu không thay đổi được chính quyền hiện có thì không có thể làm việc gì tốt được cho đất nước. Ngày 10.3.2010, chị ký tên vào lời kêu gọi của phe đối lập đòi “Putin phải ra đi”. Cũng trong năm này, người ta bắt đầu chặt cây, phá rừng, Chirikova lại vận động dân chúng dựng lều, lập chướng ngại vật… Chính quyền dùng thủ đoạn cho bọn người đeo mặt nạ tấn công, chị bị cảnh sát vũ trang đặc nhiệm bắt giữ, các lều bị phá dở, và người ta tiếp tục phá rừng. Chưa hết, chị còn bị phạt tiền vì tổ chức biểu tình trái phép và bất tuân lệnh của cảnh sát. Sau cuộc bầu cử Quốc hội với những trò gian lận của Đảng Nước Nga Thống nhất vừa qua, chị đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối, chị đã bị bắt rồi lại được thả ra. Đến hai cuộc biểu tình lớn trên quảng trường Bolotnaya và đại lộ Sakharov tháng 12 năm vừa qua, chị là một trong những người lãnh đạo phong trào phản kháng. Chị không có chân trong một đảng phái nào.

Sau đây là lời chị nói với nhà báo Marcin Wojciechowski của tờ Gazeta Wyborcza sau cuộc biểu tình lớn trên quảng trường Bolotnaya (người viết xin mạn phép sắp xếp lại trật tự các câu trả lời của chị, nhưng vẫn giữ đúng nguyên văn): “…Tôi đặt niềm tin vào tầng lớp trung lưu. Họ nộp thuế, họ đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Tôi cũng là một thành phần như họ và không nghĩ rằng mình là một người ưu tú. Tôi và chồng tôi làm chủ một công ty đang hoạt động tốt. Chúng tôi, một người có bằng tiến sĩ, một người có bằng MBA. Công ty chúng tôi chế tạo các thiết bị phức tạp bảo vệ an toàn cho các máy biến thế điện dùng trong công nghiệp và tầu hỏa. Chúng tôi có thể sống đầy đủ và ổn định, nhưng cuộc sống sẽ ra sao nếu ta có tiền mà không có quyền hạn gì trong xã hội? Chính vì vây mà tôi tham gia vào các hoạt động xã hội…” …” Tôi đã không quan tâm đến chính trị, tôi đã không đi bỏ phiếu, giống như phần lớn những người dân Nga. Tôi đã nghĩ rằng, kiếm nhiều tiền là được. Hệ thống y tế công cộng tồi tệ thì mình tự giải quyết bằng cách đi bác sĩ tư, giáo dục của nhà nước kém cỏi thì mình tìm các trường tư tốt cho con cái học. Bước ngoặt làm thay đổi suy nghĩ của tôi là khi họ chặt cây trong khu rừng thân yêu, nơi chúng tôi thường dạo chơi. Anh có thể làm gì khi người ta lấy đi môi trường thiên nhiên của anh? Anh không thể mua được rừng! Một sự đổ vỡ đã xẩy ra trong suy nghĩ của tôi.” …

Vụ đánh đến gần chết chủ bút tờ “Sự thật Khimki” Beketov đã gây chấn động mạnh cho chị. Khi được hỏi: “Thế chị không sợ sẽ gặp tai họa như Beketov ư?” Chị trả lời: “Quan trọng nhất là đừng nghĩ về sự sợ hãi. Nhờ đó mà sợ hãi sẽ qua đi. Chồng tôi rất lo sợ cho tôi. Lúc đầu chồng tôi không hiểu tôi muốn gì, nhưng sau anh luôn luôn đứng về phía tôi”. Về cuộc biểu tình lớn trên quảng trường Bolotnaya, chị nói: “Cuộc đấu tranh phản đối ở Khimki là cuộc phản đối địa phương. Còn cuộc phản kháng hiện nay của 80 thành phố là của người dân trong toàn nước Nga đã xuống đường. Cuộc phản kháng lần này liên quan đến mỗi người chúng tôi. Nếu chúng tôi có những cuộc bầu cử lương thiện, thì sẽ không có vấn đề chặt cây rừng như ở Khimki. Khi có các cuộc bầu cử lương thiện, chúng tôi sẽ có những người tin cậy để đề nghị xem xét và giúp đỡ, không cần phải xuống đường. Hiện nay, các đảng không được đăng ký tự do, các đảng không được tham gia bầu cử trong luật pháp công bằng, các nhà chính trị đối lập không được tiếp cận với các phương tiện truyền thông nhà nước. Hệ thống chính trị của chúng tôi không được vận hành như ở các nước dân chủ. Rừng ở Khimki chỉ là chỉ là một vấn đề nhỏ riêng lẻ, nhưng tương trưng cho tình hình hiện nay ở nước Nga. Có  biết bao những sự việc tương tự như vậy ở các địa phương. Ai muốn đấu tranh với những kẻ không cần luật pháp, chúng ngồi trong những chiếc xe hơi đắt tiền. Ai muốn đấu tranh với tham nhũng, với những kẻ ăn cắp trong kinh doanh. Để giải quyết những vấn đề trên đây, cần thiết phải tạo ra hệ thống chính trị lành mạnh, không phải như hệ thống giả dối hiện nay. Nhưng bây giờ đã có thay đổi trong nhận thức của chúng tôi rồi. Đã đi đến ý tưởng, rằng tương lai của nước Nga phụ thuộc vào chúng tôi, những người đã biết thu xếp tốt cuộc sống. Chúng tôi cung cấp hoăc thực hiện công việc, chúng tôi nộp thuế, sinh đẻ và giáo dục con cái. Khi nói về sự phản kháng hiện nay ở Nga là nói về sự nổi giận của tầng lớp trung lưu. Tham gia cuộc biểu tình ngày thứ bẩy vừa qua đa số là những người có con nhỏ. Tất nhiên, có những người già và trẻ tuổi, nhưng bố mẹ của những trẻ em vài ba tuổi chiếm số đông. Điều đó chứng tỏ rằng, tương lai nước Nga đối với chúng tôi rất quan trọng, không những chỉ đối với chúng tôi, mà còn đối với con cái chúng tôi nữa. Chúng tôi muốn sống trong một nươc Nga tốt đẹp hơn…”. Nói về cuộc biểu tình vừa qua ở Moskva: “Trong ngày thứ Bẩy, tôi đã gặp những người đi biểu tình lần đầu tiên trong đời. Không phải tất cả đều là những người trẻ. Họ là những người nội trợ, các bà già, còn có các bà mẹ để con ở nhà cho chồng, đi tham gia biểu tình. Có những người chuẩn bị thức ăn cho gia đình vài ba ngày, mang theo mình thuốc chữa bệnh và sô cô la, vì không biết cái gì sẽ đến với họ, có thể thay vì trở về nhà, họ sẽ phải vào đồn công an. Nếu họ mất tích, họ nghĩ rằng chồng và những người thân của họ sẽ không để họ đơn độc. Không ai có thể bắt họ im lặng”, chị nhận xét: “Cuộc biểu tình này không còn là của riêng những người theo một đảng phái nào, mà nó là của các công dân. Trước đây, trong một cuộc biểu tình, không thể tập trung được những người có các quan điểm chính trị khác nhau, đến hôm nay thì có thể. Tôi rất tự hào, đó là cuộc biểu tình rất văn minh trên thế giới ngày nay. Khó có thể có cuộc biểu tình nào của phương Tây để so sánh về trật tự. Không có một miếng kính nào bị vỡ, cũng không có một chiếc ô tô nào bị lật, như ở Aten, Luân Đôn hay Paris”.

Cũng xin nói thêm, năm 2010 Chirikova đã được trao tặng giải thưởng của tổ chức nhân quyền Helsinki Moskva.

Người thứ ba, chúng tôi muốn giới thiệu vắn tắt với bạn đọc là Ilya Yashin.

Ilya Yashin

Anh sinh năm 1983 (28 tuổi). Năm 2000, là một hoạt động viên tích cực của đảng “Yabloko”, từ năm 2001 đến 2005, anh đứng đầu tổ chức Thanh niên “Yabloko” Moskva. Năm 2005-2006, anh là một trong những sáng lập và điều phối phong trào “Phòng vệ”, một phòng trào của giới trẻ nhằm bảo vệ quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do bầu chính quyền và đòi chính quyền phải làm đúng trách nhiệm của nó; nhằm bảo vệ phẩm giá và danh dự của công dân chống lại sự chuyên quyền của các quan chức. Phong trào được tổ chức ở 20 vùng của nước Nga. Năm 2005, anh đã đến Belorus tham gia cuộc đấu tranh của đối lập dân chủ Belorus chống chế độ độc tài Lukashenko, anh bị bắt bỏ tù, nhờ sự đấu tranh của dư luận quốc tế anh được thả ra sau hai tuần ngồi tù. Năm 2006, anh được bầu vào ban lãnh đạo đảng dân chủ “Yabloko”. Anh đã tổ chức nhiều hoạt động phản kháng chính quyền, đặc biệt là cuộc “Bọn đểu, hãy trả lại cuộc bầu cử cho nhân dân!”, vì thế nhiều lần bị bắt, bị giam cầm. Anh là thành viên trong ban điều hành liên bang của tổ chức “Đoàn kết” (Solidarnost), một trong những nhà hoạt động chính trẻ nổi tiếng nhất hiện nay. Tác giả cuốn sách “Sự phản kháng trên đường phố”.

Trong phong trào phản kháng còn nhiều người nổi tiếng nữa, như Vladimir Ryzhkov, Boris Nemtsov, Garri Kasparov, Mikhail Kasyanov… nhưng chỉ xin đưa ra ba người trẻ tuổi nổi bật mà thôi.

Nhìn chung, phong trào phản kháng hiện nay ở nước Nga rẩt rộng rãi, thu hút được nhiều lớp người, nhất là ở các thành phố, nơi tập trung các tầng lớp trung lưu trong xã hội là lực lượng năng động nhất trong phong trào. Về khuynh hướng chính trị của các người tham gia phong trào thì cực kỳ phức tạp: dân chủ cũng có nhiều màu sắc khác nhau – dân chủ-liberal, dân chủ-xã hội, dân chủ-dân tộc chủ nghĩa; dân tộc chủ nghĩa cũng đủ loại ôn hòa, cực đoan, quá khích, thậm chí gần với phát xít mới; cộng sản cũng vậy có loại bình thường, có loại bolshevich cực đoan… Đó là chưa nói đến một số phần tử vô chính phủ. Tình hình này rất trở ngại cho sự cố kết các lực lượng đối lập, vì giữa các đảng phái, tổ chức đối lập có những mâu thuẫn với nhau, và ngay trong nội bộ mỗi tổ chức, mỗi phong trào cũng có những căng thẳng với nhau, chính vì thế phe đối lập rất dễ bị chính quyền chia rẽ phong trào. Ủy ban tổ chức đấu tranh chủ trương phải có thái độ rất khoan hòa, mềm mỏng để tập hợp được mọi lực lượng chống chính quyền độc đoán hiện nay nhằm tạo nên những thay đổi tích cực về chính trị cho nước Nga. Cố nhiên, trước mắt, các lực lượng đối lập có thể cùng đứng chung trong một mặt trận để chống chế độ độc đoán của Putin, còn sau đây, khi vấn đề chính quyền được đặt ra thì tình hình chắc chắn sẽ đổi khác. Và đó là điều không tránh khỏi: vì đảng phái nào cũng muốn người của mình ra nắm chính quyền cả.

Đến nay phong trào tập trung chủ yếu ở các thành phố, mà chưa lay động mạnh đến quần chúng ở nông thôn, mặc dù người dân ở nông thôn cũng có rất nhiều điều bất mãn với chính quyền. Các hoạt động viên của phong trào biết dựa vào các mạng xã hội là một ưu điểm, nhưng đáng chú ý là: trong số 50 triệu người dùng internet ở Nga thì có trên 29% người dùng là các quan chức, còn ở các vùng nông thôn nhiều nơi vẫn chưa tiếp cận được với internet. Nếu chỉ dựa vào internet mà không có những cách khác để tiếp cận và lôi kéo được quần chúng ở nông thôn thì sẽ là một nhược điểm lớn mà chính quyền có thể lợi dụng được, nhất là khi các kênh truyền thanh-truyền hình nhà nước phủ sóng trên 99% diện tích đất nước, người dân nông thôn chỉ được nghe các luận điệu tuyên truyền của chính quyền.
Mục đích chung của phe đối lập hiện nay là “Putin phải ra đi” để thay đổi hệ thống chính trị hiên có, nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới – dù phong trào chống Putin rất mạnh, nhưng người viết khó tin được là Putin sẽ thất cử. Vì sao?

Vì, bộ máy bầu cử từ trung ương đến cơ sở do Vladimir Churov làm chủ tịch Ủy ban bầu cử Nga (một người rất trung thành với Putin mà quần chúng đấu tranh đòi cách chức vì những gian lận vừa qua, nhưng chính quyền Putin vẫn cố giữ ông ta lại) sẽ làm tất cả để Putin phải thắng, và phải thắng ngay ở vòng đầu!  Việc trước tiên họ làm là loại các ứng viên có thể cạnh tranh với Putin. Ngày 24.1.2012 vừa qua, Ủy ban bầu cử Nga đã loại Grigori Yavlinski, ứng viên tổng thống của đảng “Yabloko”, lấy cớ là trong số 2 triệu chữ ký giới thiệu ra ứng cử có nhiều chữ ký bất hợp lệ! Theo luật mới dưới thời Putin, các ứng viên các đảng có chân trong Quốc hội không phải lấy chữ ký giới thiệu của cử tri, còn những người khác muốn ra ứng cử tổng thống phải lấy đủ 2 triệu chữ ký (trong một thời hạn rất ngắn!), và Ủy ban bầu cử sẽ kiểm tra các chữ ký đó, nếu số chữ ký bất hợp lệ trên 5% thì Ủy ban bầu cử sẽ loại ứng viên đó. Đây chính là kẽ hở cho chính quyền Putin độc đoán loại các ứng viên. Ông Yavlinski đã tố cáo quyết định mang tính chính trị này của Ủy ban bầu cử. Ông nói: “Những ai không bằng lòng với những gì đang xảy ra ở Nga hiện nay, những ai muốn có một nước Nga khác, cởi mở, dân chủ, Âu châu và tân tiến hơn thì người đó không được ra tranh cử”. Còn một người ra ứng cử nữa là nhà tỷ phú Mikhail Prokhorov cũng đã thu được 2 triệu chữ ký. Theo Sergei Mitrokhin, chủ tịch đảng “Yabloko”, thì Putin gạt bỏ Yavlinski mà thay Prokhorov vào danh sách ứng viên, vì ông này dễ bảo và trung thành với Putin. Mitrokhin vạch rõ scandal này: Tờ “New-Times” cho biết ngày 9.12, Prokhorov đã nói chuyện với Putin và được ông ta cho phép ra ứng cử. Cũng trong ngày đó, Ủy ban bầu cử công bố danh sách ứng viên, trong đó không có tên Prokhorov đã nộp đơn. Mitrokhin nhắc lại: Ngày 9.12 là hạn cuối cùng, không có tên “Prokhorov” trong danh sách đó. Thế rồi Ủy ban bầu cử tuyên bố là tên của Prokhorov bị lẫn ở đâu đó nên … đã đưa Prokhorov vào danh sách ứng viên. Mitrokhin nói rằng đây là thủ đoạn tráo trở cốt để đưa Prokhorov ra ứng cử với tư cách người thuộc cánh dân chủ-liberal. Việc này chứng tỏ tính không trung thực, gian xảo của cuộc bầu cử tổng thống lần này.

Các ủy ban bầu cử chắc chắn sẽ có nhiều thủ đoạn gian lận kín đáo và tinh vi hơn nữa để bảo đảm phần thắng cho Putin. Việc ông Thủ tướng tuyên bố đã chi 15 tỷ rúp để đặt các camera ở khắp mỗi nơi bầu cử chỉ là trò đánh lừa dư luận. Không một cử tri nào có lý trí tin rằng các camera đó sẽ ghi được những mánh khóe gian lận của kẻ cầm quyền. Vả lại, tất cả các camera đó đều ở trong tay họ, họ muốn sử dụng thế nào là tùy họ. Trong lúc đó, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước đều bị đảng của ông Putin chi phối, đám bồi bút ra sức quảng cáo cho ông ta và vu khống phe đối lập là tay sai của Mỹ và phương Tây làm nhiều người Nga kém hiểu biết dễ lầm lạc. Trong tình hình đó, việc thắng cử của Putin hầu như đã định trước. Tuy nhiên, “chiến thắng” kỳ này chắc chắn sẽ không đem lại cho kẻ thắng vinh quang nào, mà lại càng kích động phong trào phản kháng thêm quyết liệt sau ngày bầu cử.
Nhiều người nghĩ rằng, trước cuộc bầu cử, Putin chưa thể dùng “bàn tay sắt” của mình đàn áp phong trào đối lập được, nhưng khi trúng cử rồi thì không ai dám bảo đảm là ông ta sẽ không dùng đến nó. Theo thiển ý của chúng tôi, chưa chắc tình hình sẽ theo kịch bản ấy, vì dùng “bàn tay sắt” với xã hội dân sự đã trưởng thành của nước Nga hiện nay thì chỉ làm bùng nổ sự tức giận của toàn dân và nhất định sẽ đem lại thất bại thảm hại cho kẻ độc tài. Là người thành thạo trong nghiệp vụ KGB, dĩ nhiên, nhà cầm quyền có thể dùng những thủ đoạn thâm độc đối với những người đứng đầu phong trào phản kháng theo bài bản quen thuộc của họ. Nhưng như thế chắc chắn là xã hội dân sự Nga sẽ không để cho kẻ cầm quyền được yên thân! Vì vậy, chỉ có một cách duy nhất đúng mà nhà cầm quyền khôn ngoan phải theo là thẳng thắn đối thoại với phe đối lập, lắng nghe ý kiến và đề nghị của họ, để rồi hai bên có những nhân nhượng cần thiết vì lợi ích của đất nước. Hiện nay, Putin đã tuyên bố với các nhà báo là ông sẵn sàng đối thoại, và phe đối lập cũng nói rằng họ đã sẵn sàng và đang chờ những bước cụ thể từ phía Putin, mà đến hôm nay vẫn chưa thấy gì.

Cuộc đấu tranh của đối lập Nga với chính quyền Putin sẽ còn rất nhiều khó khăn và gian khổ, nhưng hy vọng rằng dưới áp lực mạnh mẽ của xã hội dân sự, nước Nga sẽ chuyển đổi một cách êm ả, hòa bình theo hướng tự do, dân chủ!

Ngày 27.1.2012

Nguyễn Minh Cần

 

2 Phản hồi cho “Về phong trào phản kháng ở nước Nga”

  1. Trần Hữu Cách says:

    Ông Nguyễn Minh Cần đưa ra bài viết vào lúc này thật ý nghĩa.

    Điều chúng ta thấy ở đây là hệ miễn nhiễm của xã hội trở thành dân chủ đang tìm cách trục xuất một lãnh đạo độc tài. Rất tiếc là Việt Nam còn lâu mới đi đến giai đoạn này.

    Nước Nga đã rũ bỏ chế độ cộng sản từ nhiều năm. Tất cả sự phát triển xã hội dân sự như ta thấy ngày nay đã không thể có, nếu sự kềm kẹp từ trên xuống dưới của Đảng Cộng Sản Nga vẫn còn tồn tại.

    Những khuôn mặt trẻ trong giới hoạt động chính trị và xã hội của Nga, qua sự mô tả của ông Cần, thật là dễ mến. Tôi nhận ra một Cù Huy Hà Vũ chiến thắng trong luật sư Alexei Navalny, người vạch mặt thành công và lôi ra tòa rất nhiều nhân vật thối nát. Tôi nhìn thấy sự trong sáng trí thức trong kỹ sư Evgenya Chirikova, căn bản chân chính và vững vàng cho sự nghiệp chính trị từ dân dã đi lên của Ilya Yashin. Không biết rồi đây Ngô Bảo Châu của Việt Nam ta có phát động một sức kéo tương tự như cỗ máy Garri Kasparov?

  2. Minh Đức says:

    Nước Nga ngày nay là Việt Nam ngày mai!

    Nước Nga có vũ khí nguyên tử, kỹ thuật quân sự hiện đại nhưng về bầu cử thì có những trò gian lận như ở các nước Á Phi lạc hậu.

Leave a Reply to Minh Đức