WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đừng Đốt!

LTG. Nhật ký Đặng Thùy Trâm (Last Night I Dreamed of Peace: The Diary of Đặng Thùy Trâm, do tác giả Andrew Xuân Phạm (Catfish and Mandala và The Eaves of Heaven) dịch ra tiếng Anh, được NXB Random House phát hành năm 2007) đã được dịch ra 15 thứ tiếng và được hàng triệu người trên thế giới đọc. Hiện nay phim Đừng Đốt: Don’t burn, (it has fire in it already) do đạo diễn Đặng Nhật Minh thực hiện vào năm 2008, đã được trình chiếu ờ 14 đại học tại Hoa Kỳ, từ Yale đến Harvard ở miền Đông Hoa Kỳ sang đến Berkeley, đại học USC đến UC Riverside miền Nam của California. Cuối tuần vừa rồi, phim được chiếu ở đại học U.C. Riverside trước khi đạo diễn Đặng Nhật Minh trở về Việt Nam. Phim đoạt giải Hoa Sen Vàng ở Việt Nam; ở Nhật, tại Liên hoan Phim Fukuoka International Film Festival, phim Đừng Đốt đã hạ 22 phim khác để đoạt giải Audience Award (Khán giả Bình Chọn) vào tháng 9 vừa qua. Đừng Đốt cũng là phim được Việt Nam chọn để dự giải Academy Award thế giới lần thứ 82 vào tháng Ba năm nay (2010).

Tối thứ Hai, hơn 7 giờ tối, trời Berkeley vần vũ, cơn giông ào ạt đến, lúc nhặt lúc khoan, gieo rắc mưa sa trên khắp nẽo đường phố. Tôi đội dù rảo bước đến rạp California. Đến trước rạp, dang định hỏi han ở quầy vé thì bất chợt gặp đạo diễn Đặng Nhật Minh đứng ở cửa, giục: “Này, này Khoa (không hiểu sao anh Minh hay gọi tôi bằng Khoa!) vào mau đi, phim chiếu rồi!” Anh đẩy cửa kéo tôi vào.

Bên trong rạp tối om, tôi định thần nhìn quanh quất vài giây, loáng thoáng dưới ánh sáng xanh lơ phản chiếu từ màn ảnh, rạp chiếu bóng đã đầy đẫy những đầu người bất kể mưa gió bên ngoài. Tôi bước sâu về phiá trước, ngồi ở hàng ghế đầu, cách màn bạc chỉ khoảng 30 thước. Ở khoảng cách ưu thế này, tôi có cảm tưởng như có thể quàng tay với được người trong cuộc.

Đi xem phim, tôi thường đi sâu đến 2/3 chiều dài của rạp và ngồi ở giữa, nếu được. Theo đo đạc chuyên môn của điện ảnh, chỗ ngồi tốt là tọa độ tạo nên bởi một đường kéo dài đến và cắt thẳng góc với màn ảnh, giao điểm với hai cạnh tạo thành một góc 120 độ chiếu từ tầm mắt ra đến hai bên màn ảnh, cốt ý để tia nhìn không quét rộng hơn 15 độ ở bìa màn ảnh. Ở góc độ này người ta tiếp thu được hết các hình ảnh và âm thanh nổi chuyển động mà không bị chia trí bởi ngoại cảnh đời thường, như thể bị cuốn hút vào đúng thời điểm và dòng chảy của cuốn phim.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm là những lời than van cho phần số của con người và đất nước. Đó là một chuyện tình ngang trái của một thiếu nữ không được người mình yêu hồi đáp, và từ tình yêu dành cho người bà con xa đó, cô gái trẻ đã dành tình yêu cho lý tưởng cao cả hơn của quê hương và đồng đội. Cô Thùy Trâm thố lộ: “Và mình đã lên đường vào Nam theo tiếng gọi của Tổ quốc và Tình yêu. Mình đã gặp lại M. Ai cũng tưởng hạnh phúc đó không có gì sánh được. Nhưng cuộc đời lắm nỗi éo le.” (Nhật ký Đặng Thùy Trâm tr. 214). Cô nói tiếp:

“Khi xa nhau mình đã thiết tha thầm gọi tên M. trong từng giây từng phút, nhưng khi gặp nhau mình đã để cho lòng tự ái ngự trị lên trên tình yêu. M. không phải tình yêu là của riêng mình, đành rằng M. chỉ dành tình yêu cao nhất cho Đảng, cho nhân dân, nhưng nếu cho mình quá ít yêu thương thì… không thể đáp ứng với trái tim sôi nổi yêu thương của mình. Mình không hề đòi hỏi phải gần nhau, phải cưới nhau mà chỉ mong rằng dù giữa bom rơi, đạn nổ giữa lửa khói chiến trường tình yêu vẫn sáng ngời rực rỡ. M. đã không làm được như vậy và mình đã bắt con tim quên đi những gì đã nuôi sống nó trong hơn mười năm nay.” (ibid).

Trên kia tiếng nói thanh tao của Đặng Thùy Trâm (qua giọng nói của diễn viên Minh Hương) pha một ít âm hưởng Hà Nội đời nay. Lời cô chậm buồn reo vào lòng người tâm tư ray rứt không nguôi của một người con gái sôi nổi, đầy ắp tình yêu quê hương và trang lứa, phải tội sinh vào thời ly loạn, đành rời xa tổ ấm gia đình, chạy theo tiếng gọi tình yêu của quê hương và trang lứa, vào Nam năm 1968, công tác (chiến đấu) và hy sinh ngày 22 tháng 6, 1970.

“Một buổi sáng như sáng nay, rừng cây xanh tươi sau một trận mưa rào. Không gian trong lành mà sao lòng mình lại tràn ngập thương nhớ, nhớ miền Bắc vô vàn. Nhớ từ những hàng cây bên đường phố, những cây bàng, cây sấu lá xanh bóng sau những cơn mưa và con đường nhựa sạch sẽ vào những buổi sáng. Nhớ một căn phòng đơn sơ nhưng đầm ấm, buổi sáng râm ran tiếng cười nói chen lẫn thiếng phát thanh từ chiếc radio để giữa nhà. Nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ Phương và tất cả những người thân yêu ngoài ấy. Bao giờ tiếng súng chiến tranh chấm dứt để ta trở về với miền Bắc yêu thương?”

Đây là câu chuyện thương tâm của Đặng Thùy Trâm, một nữ bác sĩ trẻ, hăm-tư (24) tuổi đầu, tốt nghiệp trường y khoa Hà Nội năm 1966, hai năm sau đã tình nguyện đi B (chiến khu I), vùng khói lửa của Quảng Ngãi, làm lương y cứu thương cho dân tình Đức Phổ và đồng đội. Người viết có cơ duyên đọc Nhật Ký của cô 4 năm trước đây nhân một chuyến du lịch bằng xe từ Nam ra Bắc, tình cờ theo ráng cầu vồng, dừng chân ở bãi biển Sa Huỳnh, một trận địa mà cô và chiến hữu đã đi qua. Trưa Hè hôm ấy, tôi uống nước dừa, nhưng lại nếm được vị mặn của nước mắt quê hương (hay chính nước mắt mình trộn với vị ngọt của nước dừa?) chảy ra cho cô cũng như hàng triệu vong linh Việt khác đã nằm vương vãi suốt cả hai miền Nam Bắc!

Vì thiên mệnh hay một cơ duyên nào đó dun rủi, nhật ký của cô Thùy (trong nhật ký, cô cũng thường viết tắt tên mình là Th. Ở nhà, từ mẹ cho đến các chị em đều có tên là Trâm) đã được phiá Việt Nam Cộng hoà và Hoa Kỳ tìm được. Quyển đầu tiên lọt vào tay Trung sĩ Nguyễn Trung Hiếu, anh trao lại cho Fred Whitehurst và căn dặn: “Đừng đốt, trong đó đã có lửa  rồi!” Là sĩ quan tình báo, anh Fred được lệnh đốt tất cả các tư liệu địch, những thứ không có giá trị tình báo. Ít lâu sau quyển thứ hai cũng từ tay thượng sĩ Hiếu đưa đến tay anh Fred. Anh Fred đã chăm sóc và lưu giữ chúng cả 35 năm trời, bất kể lời cảnh báo của mẹ anh: “Cẩn thận nhé, mẹ sợ rồi quyển nhật ký này sẽ đốt cả con đấy thôi!” Sau này nhật ký Đặng Thùy Trâm được anh Fred biếu cho văn khố Việt Nam ở đại học Texas Tech, thành phố Lubbock, Texas. Mãi đến năm 2005, Ted Engelman một nhiếp ảnh gia quen biết anh Fred, sau một thời gian lặn lội ở Hà Nội đã tìm được và giao lại cho gia đình của cô Thùy Trâm CD bản sao của nhật ký.

“Tôi là Frederic Whitehurst. Tôi đã giữ ký ức về chị cô, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ba lăm năm nay. Tôi đã giữ cuốn nhật ký của chị suốt ba lăm năm… Sau bao năm tìm kiếm, điều này giống như một giấc mơ và việc tìm ra gia đình cô khiến tôi bật khóc…” (Frederic, Whitehurst, thư viết cho cô Phương Trâm, người em gái của Đặng Thùy Trâm, ngày 29 tháng Tư, 2005)

Giả sử nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được phía Bắc Việt tìm được thì có lẽ nó đã chìm sâu trong quên lãng qua bao nhiêu tháng năm nay rồi và tất nhiên nó sẽ không có được một số phận xứng đáng, tri thiên mệnh, được nhiều người và nhiều nơi trên thế giới biết đến như hôm nay. Nhưng may thay, nó đã rơi vào tay nhưng người có tâm hồn, vững tin vào tình người, cảm thông được tâm sự đầy ắp tình thương của một người con gái trẻ. Đặc điểm của Nhật ký Đặng Thùy Trâm là những lời văn chân phương, xuất phát tự đáy lòng, rung động được con tim những người bên kia chiến tuyến, đang tranh đấu để bảo tồn quyền tự do phát biểu, dù nó có nói lên những điều ủy mị riêng tư hay thầm kín của một tâm hồn khát khao yêu đương.

Âu đó cũng là đặc tính nhân bản của của con người sống trong các nước tự do, họ không chà đạp tình người, trái lại lại trân quý, bao bọc và nâng niu nó. Theo lời cô Thùy Trâm, cô đã bị cảnh giác trong những buổi họp kiểm điểm. Tác phong và tư tưởng, tình cảm ủy mị, đầy bản năng tiểu tư sản của mình không đạt tiêu chí của Đảng. Tựu trung chuyện cô không được vào Đảng sớm cũng vì những tình cảm ủy mị nhưng “rất người” này.

Tối thứ Hai, hồi ký tang thương của bác sĩ Thùy Trâm trong tôi lại được sống dậy một lần nữa, lần này nó là những hình ảnh hiện thực, rõ ràng trước mắt, không phải hình dung hay tưởng tượng một cách mơ hồ trong trí óc như khi đọc nhật ký. Tôi đắm mình trong sự tái dựng tài tình của đạo diễn Đặng Nhật Minh, cuốn phim phỏng theo cốt chuyện của cô Đặng Thùy Trâm với chính những dòng thơ văn lai láng tình cảm chân thành của cô, từng lời thánh thót chơi vơi, như rót sâu vào con tim, khối óc và giòng máu của những người cùng một nhịp điệu tri âm.

“Không mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dày dạn trong gian khổ nhưng lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là bàn tay chăm sóc của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt.”

Ngoài giá trị đương đại của hai quyển nhật ký, không hiểu do một động cơ hay sự trùng hợp ngẫu nhiên nào mà đạo diễn Đặng Nhật Minh đã chọn thực hiện phim Đừng Đốt. Ở ngoài đời, cha ông cũng là một bác sĩ y khoa và cũng chính là thầy dạy của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Thân phụ ông Đặng Nhật Minh đã hy sinh vì bom Mỹ ở Quảng Trị. Thiết nghĩ vì hiển linh hay thực tế, hữu ý hay vô tình, những sợi dây liên hệ đã trở thành những ràng buộc, gắn bó những kiếp người (Việt hay Mỹ) với nhau. Tôi cũng như nhiều người khác, kể cả những người trong cuộc đã rơi lệ, khóc thầm hay thành tiếng cho một nữ anh thư vắn số, cũng như chia xẻ sự dằn vặt về tinh thần của những người chẳng may đã gắn liền cuộc đời họ với cuốn nhật ký như anh Frederic Whitehurst và gia đình. Khán giả chứng kiến một cuốn phim rất thật, tình cảm sôi động, riêng tôi đã bước thêm mấy bước đến gần với các nhân vật hơn trong cuộc, nhờ hình ảnh và diễn xuất rất thực của các tài tử Việt cũng như Mỹ.

Có lẽ đây là lần đầu tiên những hình ảnh chiến tranh do Việt Nam sản xuất — tuy thu hẹp trong những cuộc càn quét của trung đội Mỹ ở cấp xã, huyện — đã đạt được tầm vóc quốc tế, trở nên rất sống động với những màn tấn công cụp lạc, các cuộc oanh tạc, tiếng nổ của bom đạn đích thực với những chiếc trực thăng HU-1A của Hoa Kỳ. Hình ảnh máu me của thương binh cũng như tay chân bị đứt lìa, nghệ thuật hóa trang đã lên đến mức độ cao, không còn thu hẹp với những hình ảnh chậm và buồn của các phim tình cảm trước đây. Phần âm thanh với những nốt dương cầm buông lơi từng tiếng buồn và thánh thót phù hợp với những lời nói, như rỉ máu bên trong thiết tưởng đã tuyệt vời. Tuy nhiên ở một số đoạn gay cấn, tôi không ưa chuộng những tiết tấu, phối khí mau, lạ lẫm, không thích hợp.

Do dày công truy tìm chất liệu và sự kiện trung thực có thể kiểm chứng được từ nhiều phía, đạo diễn Đặng Nhật Minh (đã ở Mỹ 3 tuần để quay phim) không những đã nói lên được nỗi thương tâm của nhân vật chính, tác giả của hai quyển nhật ký tìm được và lưu giữ, ông còn lột thoát được tình cảm và nỗi ám ảnh miên man của các nhân vật bên kia chiến tuyến. Đó là những người như trung sĩ thông ngôn Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Trung Hiếu; sĩ quan tình báo Hoa Kỳ, ông Frederic Whithehurst; và người anh trai, Robert Whithehurst, cùng người vợ (chị dâu của Fred) Long Xuyên miền Tây Nam bộ, tên Mai.

Giá trị của nhật ký là những tâm tình rất riêng tư, rất dấu yêu của cô Thùy Trâm vì viết riêng cho mình nên chân thật, không ngờ ngày nay nỗi niềm riêng của tác giả lại được bộc bạch cho cả thế giới. Giá trị và cái hay của Phim Đừng Đốt là khả năng lột trần được chất người của các nhân vật trong cuộc, bất kể họ đứng ở phía nào. Đương nhiên vai chính trong phim vẫn là bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nhưng khi nói đến nhật ký hay làm phim về nhật ký của cô, người ta không thể bỏ qua những người có công gìn giữ và mang nó ra ánh sáng. Còn lại sức thu hút của phim Đừng Đốt có phải là cách cấu trúc, cách kết hợp câu chuyện của đạo diễn thế nào nhằm cân bằng bố cục của truyện phim, nói lên được nhân sinh quan của nhiều phía?

Chuyện phim — tuy dựa trên nhật ký của một bác sĩ miền Bắc, do một đạo diễn ưu tú của Hà Nội thực hiện, và được nhà nước tài trợ 100 phần trăm — có lẽ là cuốn phim Việt Nam đầu tiên nói lên được quan điểm trung thực của người Mỹ, điển hình như chuyện cãi vã trong gia đình Whitehurst, cũng như cái tình người của một anh lính Việt Nam Cộng hoà và cô em dâu Long Xuyên, miền Nam của anh Fred. Do đó cuốn phim — vốn được yểm trợ và chấp thuận bởi nhà nước Việt Nam — đã vượt qua một phiếm diện thiếu trung thực và đứng đắn của các phim chiến tranh trước đây. Phim Đừng Đốt do đó đã khoác thêm một chiều sâu rất hiện thực, làm phong phú thêm tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam.

“Thêm một tuổi đời, vậy là cái tuổi đôi mươi đâu còn xa nữa. Vài năm nữa thôi mình sẽ trở thành một chị cán bộ già dặn đứng đắn. Nghĩ đến đó mình thoáng thấy buồn. Tuổi xuân của mình đã qua đi trong lửa khói, chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc trong tình yêu và tuổi trẻ. Ai lại không tha thiết với mùa Xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đời còn ở tuổi hai mươi? Nhưng… tuổi hai mươi của thời đại này đã phải dẹp lại những ước mơ hạnh phúc mà họ phải có…” tr. 206

Phụ đề Việt ngữ được Nguyễn Quí Đức phiên dịch khá chuẩn xác, tuy nhiên, đến gần đoạn cuối khi Thùy Trâm thốt lên lời nói tiên tri: đại để như: “Ngày mai khi khải hoàn về trên quên hương thì mình sẽ không còn đây… thì anh Đức nhà ta lại dịch ngày khải hoàn là ngày tận thế được tiên đoán trước: “Tomorrow, I will not be here to witness the Apocalypse on my country…” Hữu ý hay vô tình?

Nói tóm lại, phim Đừng Đốt cũng như Nhật ký Đặng Thùy Trâm  mà nó được mô phỏng, nói lên sự sôi bỏng của một con tim khắc khoải yêu thương. Nó là một cốt chuyện về nhân văn thấm đẫm tình người, vượt lên trên các ý nghĩ lệch lạc, vặn vẹo về chính trị. Không như lời ta thán của bà chủ nhiệm một tuần báo Việt ngữ ở phía Nam Vịnh trong phần Vấn-Đáp với đạo diễn sau khi chiếu phim. Đây không phải là một phim tuyên truyền cho Cộng sản, để nói lên chuyện xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Mọi ý tưởng cho rằng đây là phim tuyên truyền đều có ác ý hay bị lạc hướng, duy nếu ai tin vào cuộc đấu tranh vừa qua của đảng Cộng sản nhằm giải phóng, giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc thì người ta có thể hỏi: Hy sinh lớn lao cho đất nước như thế quả là một giá quá đắt để ngày nay được gì? Mất nhân quyền và trở vào quỹ đạo của bá quyền Trung quốc?

© Đàn Chim Việt Online.

4 Phản hồi cho “Đừng Đốt!”

  1. opava CH CZECH says:

    mot cau chuyen co that, rat cam dong va bi thuong. toi khong hieu tai sao nuoc viet nam chung ta ,lai de cho các the luc nuoc ngoai giat day, de roi ban giet lan nhau,chia doi dat nuoc.va su tra giá la bao nhieu nguoi da phai hy sinh ,ca nguoi mien nam lan nguoi mien bac,hoang sa thi ko biet den khi nao chung ta moi co the doi lai duoc. chinh vi vay cho nen toi mong moi nguoi, chung ta deu la nguoi viet nam,mang dong mau viet nam. hay huong ve viet nam ,bang hanh dong thiet thuc cua minh,chung tay giup do nhung canh doi con bat hanh o viet nam,hon la chung ta chi biet chui che do cong san.mac du che do cong san khong phai la che do uu viet nhat ,tham nhung con nhieu,dan chu van con han che.nhung các ban hay thu nhin ra các nuoc” da dang” .vi du nhu.campuchia,philipin,indonisea ….va con rat nhieu các nuoc o chau phi nua cung vay.nguoi dan cua các nuoc do co suong hon hay khong.. chuc moi nguoi mot nam moi.suc khoe,hanh phuc va thanh cong.

  2. ha khac says:

    Tu nhien nho may cau tho cua To Huu
    Rat chan that chia ba phan tuoi do
    Anh danh rieng cho dang phan nhieu
    Phan cho tho va phan de em yeu
    Em xau ho the cungnhieu anh nhi
    Nhung van tho nay ung voi tinh tranh anh bo cua co dang thuy Tram
    Lieu trong doi nay co nguoi yeu Dang hon tinh yeu trai gai khong?? Dung la thoi ky dien loan cua the ky xay ra o Viet Nam…Dieu nay cung giongnhu nguoi dan Bac Han nhao vo can nha dang chay de cuu buu chan dung cua lanh Tu Kim Nhat Thanh !!! Trong che do cong san nguoi ta nhoi so phai yeu Dang yeu lanh tu nhu the do.. That la ghe ron !!!

  3. ha khac says:

    RAT THUONG DANG THUY TRAM NHUNG RAT GHET BON VC DA LOI DUNG CUON HOI KY JNAY DE TUYEN TRUYEN,, BAN HOI KY NAY IN O VN BI CAT XEN SO VOINGUYEN TAC CON NAM O MY,, DIEU DO NOI LEN CHUYEN BON VC GIAN XAO .. KHONG THE CHOI VOI BON VC,, CHI CO NGUYEN KHOA THAI ANH LA THICH BONVC MA THOI

  4. Người Sông Lam says:

    Tôi xúc động, bi thương khi đọc bài nầy. Cả một dân tộc bị lừa dối, cả một thế hệ bị hi sinh, cả một đất nước bị điêu linh, tàn tạ. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nầy !!!???
    Đất nước ta hôm nay ra sao sau cuộc chiến Nam-Bắc tương tàn? -Một lũ tà quyền độc ác, tham lam, quỷ quyệt đang nhảy múa điên cuồng trên nỗi đau thương của dân tộc. Chúng dâng đất, bán biển cho giặc Tàu để được bảo kê chế độ. Chúng toa rập, kết bè, kết đảng để bòn mót, chiếm đoạt vàng bạc, tiền tài, đất đai, vườn tược của đồng bào. Chúng kết án, đày đọa, khủng bố những người yêu nước. Chúng ăn chơi phung phí, ngạo mãn, trác táng giữa thống khổ, nghèo nàn, bần cùng của người dân. Chúng phản bội xương máu, nước mắt của bao thế hệ đã nằm xuống vì độc lập, tự do và hạnh phúc cho tổ quốc.
    BS. Đặng Ngọc Trâm, tôi tiếc thương và ân hận cho cô, cho thế hệ của cô vả cả dân tộc mình, đất nước mình.
    Cô đã trao lầm tương lai đời cô cho bọn ác và mài dao cho bọn bất lương dày xéo quê hương nầy.

    Người Sông Lam

Phản hồi