WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Miền hư ảo [15]

Tiếp theo các chương:  IIIIIIIVVVIVIIVIIIIXXXIXIIXIII và XIV

Chương 15: Giang blog – Sinh viên là phóng thể

 

Ăn.

Ăn.

Ăn.

Mặc dù tôi ghét Khánh cay đắng nhưng vẫn nhận lời đi ăn hủ tiếu mì với gã. Khánh là loại sinh viên quý tộc, thuộc về một thế giới khác. Trưởng giả, no đủ, vô lo và kệch cỡm.

 

Hủ Tiếu

Mùi hủ tiếu mì theo làn hơi nước bốc lên từ nồi nước lèo riu riu lửa, toả một làn sương mỏng đong đưa trên miệng nồi, toả đi lan man qua cánh mũi phập phồng, toả ra, toả ra… thơm kỳ lạ. Tôi mở rộng hai cánh mũi cho hương hủ tiếu tràn vào, bàn chân tôi ngọ ngoạy liên hồi dưới gầm bàn, cái mông xương xẩu dán chặt trên mặt ghế đẩu ọp ẹp long chân, hai con mắt đeo cứng lên gánh hàng của dì Tư.

Khánh với Pháp phì phèo thuốc thơm, châm hết điếu này tới điếu khác, họ hào phóng đẩy nguyên gói thuốc lá qua bên tôi, nhưng tôi kiên quyết từ chối. Tôi không muốn hút thuốc chỉ muốn ăn mì, hơn nữa thuốc lá là thứ xa xỉ vô bổ mà tôi cần phải xa lánh. Tôi mơ màng nghĩ tới tô mì nóng, cánh mũi tôi phập phồng không cách chi giữ yên được, đành để mặc tâm hồn mình ngây ngất đong đưa trong làn hương êm dịu mà từ nhiều tháng qua tôi cứ phải chạy trốn nó. Trong suy nghĩ của tôi hình ảnh tô mì hiện ra rõ mồn một với hai lát thịt đùi mỏng có viền một vành mỡ trắng, mấy khúc hẹ xanh, hành ngò, vài cánh hành tím phi vàng ươm, bên dưới nhúm sợi mì vàng dai mịn là mấy cọng giá trắng. Hôm nào dì Tư chơi sang thì sẽ có thêm hai con tôm khô nở mềm.

Dì Tư làm chi lâu dữ tề. Trụng mì xong rồi thì bỏ thịt, chan nước lèo.

Tôi không ưa Khánh nhưng cố tế nhị giấu đi ác cảm của mình. Chẳng phải vì ghen, chẳng phải vì ganh tị cũng chẳng hiểu vì răng. Khánh đeo đuổi Bắc ráo riết, thả bọn đàn em ra dò la tin tức nên biết là tôi chơi thân với Bắc, biết tôi là đứa từng cõng Bắc ra trạm xá cấp cứu. Tôi rút bàn tay lạnh đang kẹp giữa hai bắp đùi, lọng cọng cầm cái muỗng lên. Miếng nước lèo đầu tiên chui qua cuống họng ấm áp lạ lùng, tôi nuốt ừng ực, nhai ngấu nghiến, tô mì không kỳ vĩ như tôi vẫn hình dung, nó chỉ là một thứ hỗn tạp dễ biến đi mất tích trước khi tôi kịp suy nghĩ xem nó ngon ngọt thơm tho đậm đà tới cỡ nào. Tôi húp lia húp lịa, chẳng còn quan tâm gì tới hai thằng bên cạnh, cái phần cao lương mỹ vị trong tô chỉ là một thoáng hư vô, một thoáng dại khờ. Răng rứa hè. Răng nhanh như rứa. Nhanh lạ lùng, nhanh tới độ chẳng biết bây chừ nó nằm đâu. Tôi thẫn thờ nhìn cái tô không cảm thấy luyến tiếc vô hạn và tự trách mình vội vã đến độ ngu ngốc. Một ít tiêu đen lợn cợn ở đáy, một chút váng mỡ bám bên thành, một khoanh hành lá mỏng dính vướng trên vành muỗng, đó là những thứ di vật còn sót lại.

Khánh kêu thêm cho ba đứa lượt mì thứ hai. Bọn họ mới vừa đi thực tập từ Cao Nguyên về, người ngợm còn phủ đầy đất cát, bụi đỏ, tóc tai bù xù dài quá cổ áo. Khánh chậm rãi châm thêm điếu thuốc, nhìn dì Tư cười.

“Tụi con đói rã ruột. Ba tháng ở rừng ăn cơm hẩm muối khô nhớ dì Tư kinh khủng.“

Dì Tư chùi tay lên vạt áo rách cười xoà.

“Bây giờ còn nói vậy chứ ra trường rồi là quên dì tuốt luốt.“

“Thỉnh thoảng tụi con về thăm gánh hủ tiếu mì của dì.“

Mặc kệ cái thằng ba hoa phét lác, tôi chỉ quan tâm tới tô mì, lần này rút kinh nghiệm nên ăn thật chậm tô mì thứ hai. Cả Khánh và Pháp cũng vậy, cũng thong dong ăn hút. Từ đây đến chiều vẫn còn dư thời gian để tụi nó tắm rửa sạch sẽ, thắng bộ tử tế rồi nhởn nhơ ra quán nước đầu đường chờ Bắc tan trường. Tôi căm ghét tọng nguyên miếng thịt đùi vào miệng, miếng thịt này dì Tư tốt bụng xắt hơi nhẹ tay, nó dày mềm và nhiều mỡ. Mỡ béo ứa tận chân răng, bám lên vòm họng, tan ra trên lưỡi. Thay vì nuốt vội vàng, tôi thận trọng nhai đi nhai lại.

Khánh hỏi tôi.

“Mấy giờ lớp Giang tan học.“

“Khoảng bốn giờ.“

Hôm nay lớp tôi có ba tiết Thổ Nhưỡng, thầy đứng lớp là kỹ sư trẻ, hơn bọn tôi năm bảy lớp chi đó vừa ra trường được vài năm. Thầy dạy đàn em khoá sau theo kiểu biết chi nói nấy, kể con cà con kê mấy giai thoại ở nông trường mía, vài tháng kinh nghiệm ở đồng bằng sông Cửu Long, chêm thêm vài đoạn tấu hài châm biếm phái nữ. Chẳng biết hồi đó thầy yêu đương học hành ra răng, bây chừ lại cứ hay bêu rếu phụ nữ và dị ứng kinh khủng với chuyện nữ sinh ngủ gật ở giảng đường. Trưa nắng xốc bụi, dãy nhà mái tôn thấp lè tè nóng ngốt nằm chơ vơ trên đồi trống, một đám nửa người nửa ngợm vừa mệt vừa buồn ngủ vừa đói. Em nào lỡ ngủ gục là bị thầy lôi ra làm trò hề cho cả lớp, cười cho đã rồi thì nhục mạ không thương tiếc. Hôm nay trời nắng đỏ mắt, tôi tự biết thân mình không kham nổi không khí tra tấn của thầy nên đành trốn học.

Khánh nhìn tôi cười, tôi cũng gượng gạo cười đáp lễ, một chút cảm thông bất ngờ sau khi ăn tô mì thứ hai không làm tôi ngạc nhiên. Khánh không hỏi làm răng tôi trốn học, gã chỉ rút cho tôi điếu thuốc rồi tận tình châm lửa. Tôi tham lam rít một hơi dài cảm thấy dây thần kinh mình giãn dần ra, khoan khoái lạ lùng.

Thằng người rừng này nhất định theo đuổi Bắc, gã có đủ tất cả, chỉ còn thiếu loại gái nhà lành để thêm gia vị cho cuộc đời phóng đãng. Tôi không ưa loại chuyện tình bốc hốt, không ưa hai thằng hoang đàng đang ngồi chung bàn. Đây chỉ là một trò đùa quái ác của bọn dư tiền, một cuộc vui vớt vát trước khi ra trường. Tôi buồn rầu trút hết dĩa ớt bằm vào tô hủ tiếu thứ ba, dân miền Trung sợ chi ớt. Hơi cay xộc lên suýt nữa thì tôi sặc ho. Khánh thong thả phì khói ra mũi, thong thả lắng nghe Pháp Sư thao thao kể chuyện ở lâm trường.

Thằng Sỏi đi lùi lũi từ giảng đường về, chắc nó không chịu nổi ba tiết tra tấn, phải trốn ra sớm. Thằng Sỏi siêng học, mê học, nhưng ốm yếu còi cọc thiếu sức chịu đựng. Nó là đứa bị cái đói đe doạ thảm khốc nhất phòng. Quê nó ở Đông Hà, ba mạ nó chắc không cần suy nghĩ chi nhiều khi đặt tên con là Sỏi. Làng nó, làng tôi, làng thằng Lũ, nếu người ta không chọn những cái tên văn hoa mỹ miều đặt cho con thì cũng có sẵn mấy cái tên dễ kêu mà cũng dễ hiểu. Đá, Cát, Nắng, Hạn, Bom, Mìn… Nghèo, Đói. Thằng Sỏi đói quanh năm, da nó xanh mướt như mướp khía, triệu chứng suy dinh dưỡng lòi ra trên hai bàn tay, phòi ra trên làn da bủng thành đám mụn nhọt ghẻ lở. Vào lớp học là nó ngồi chui rúc trong góc sau, nép giữa bầy con trai. Nó không bao giờ dám ngồi kế bên con gái, sợ phải khoe bàn tay cẩn xà cừ.

Thằng Sỏi đi băng qua sân bóng chuyền, hai tay đút túi quần, mấy cuốn tập cong mép kẹp cứng ở nách. Cái dáng còm cõi co rút của nó tương phản thảm hại với cái kiểu bất cần đời xỏ tay túi quần. Nó cúi gằm đầu nên không thấy tôi. Chiếc bóng mỏng manh xiêu vẹo biến vào cửa cư xá. Mãi về sau này, mỗi khi nhớ đến thằng Sỏi, hình dáng vật vờ bên đường nắng của nó lại hiện ra trong vùng ký ức buồn bã. Tôi với Thung quỳ bên nấm mồ Sỏi trong niềm đau thương uất hận nung sôi nước mắt. Những nỗi uất hận của đám sinh viên nghèo cùng cực không biết gửi đi đâu, không biết giải thích làm sao đành thả theo cơn gió thổi qua ngọn đồi Thủ Đức ghẻ lở tật nguyền. Gió khô ngốt đưa hương hồn thằng Sỏi về lại miền quê hương Đông Hà liên miên nắng đỏ.

Nắng soi nghiêng nghiêng qua quán lá thưa, vài đốm sáng đọng trên mặt bàn sứt sẹo. Tôi úp bàn tay che lên đốm sáng lại thấy nó hiện ra trên mu bàn tay mình. Tôi nghĩ tới thằng Sỏi đang nằm ngủ chèo queo trong phòng. Kỳ lạ. Tôi cố nghĩ về nó, nghĩ về cái đói cồn cào khốc liệt mà những thằng sinh viên nghèo phải gánh chịu. Tôi cố nghĩ nhưng rồi bất lực. Kỳ lạ? Tại sao khi no nê, khi đầy bụng người ta không thể tư duy mạch lạc về sự tồn tại khốc liệt của cái đói? Tại sao khi vừa thoát khỏi sự hành hạ tàn nhẫn đó, người ta có thể quên ngay đi không còn cảm xúc? Có phải vì vậy mà kẻ no đủ không bao giờ hiểu được kẻ đói khát?

Pháp nói vu vơ.

“Tao còn lấy thêm dữ liệu bên Đức Trọng nữa là xong. Bắt đầu viết luận án tốt nghiệp.“

Khánh nhả thuốc, giọng hắn kéo dài ra, dường như là bâng khuâng.

“Nhanh quá. Không ngờ năm năm đại học qua cái vèo.“

Họ luyến tiếc những ngày vui. Pháp cười sằng sặc, lại ba hoa nhắc mấy kỷ niệm quậy phá ở giảng đường, ở cư xá nữ. Bọn trưởng giả – tôi căm ghét nghĩ.

Trời nắng như điên loạn, hơi nóng từ lò hủ tiếu nung hầm hập bên mé trái. Tôi ăn xong tô mì thứ tám, no cành hông. Mùi nước lèo ngầy ngậy dâng lên nhộn nhạo, bụng tôi căng cứng ấm ách khó chịu vô cùng. Mắt tôi ríu lại trong cơn buồn ngủ đang sồng sộc kéo tới. Dòng nước ao tù chua đọng bốc hơi dưới nắng nóng. Hình ảnh anh Tranh xanh xao tả tơi từ nơi nào trong miền ký ức bỗng lại hiện ra. Từ sau cái chết của anh, đây là lần đầu tiên tôi được ăn lại món mì. “Mì dây thun, hà hà, mì dây thun. Chỉ nhai đi nhai lại, rửa tới rửa lui, sau năm năm là thành kỹ sư.“  Bao tử tôi quặn thắt như có ai bóp chặt, chất lỏng hăng loét trào lên cuống họng. “Mì dây thun.“

Tôi lao ra bãi rác mửa thốc mửa tháo những thứ vừa nuốt vào bụng. Một đống mì vàng, một phần gãy bét, một phần còn nguyên do bị tôi nuốt trọng. Miệng tôi khô khốc chua đắng. Con chó cò chờ sẵn bên hiên vội vàng nhào tới đớp tờm tợp, cái đuôi xà mâu rụng lông của nó quẹt qua mũi tôi. Cơn buồn nôn tưởng chấm dứt lại ào ào kéo tới, tôi bò ra đất mửa cả mật xanh lẫn mật vàng. Khánh nắm vai tôi lôi ngược vào quán. Pháp nhấc hai chân tôi lên, nói.

“Tụi mình đưa nó lên cư xá. Thằng này chắc say nắng.“

Tôi lảo đảo bám vai Khánh gượng đứng dậy, cười ngượng ngùng.

 

“Có chi mô, không sao đâu. Tôi ăn no quá, lại cứ bị ám ảnh bởi chuyện mì dây thun.“

Khánh dìu tôi ngồi lên cái ghế ọp ẹp khi nãy. Tôi lao đao gục đầu lên mặt bàn thấp, dường như là có dễ chịu hơn một chút, dường như là không còn gì. Không no, không đói. Nhưng lại rơi vào một vùng buồn chán và tủi nhục. Khánh gọi với qua quán chị Phụng cạnh bên. Gã kêu hai ly cà phê đá và một ly cà phê sữa đá loại đặc biệt cho tôi. Gã chậm rãi hỏi.

“Chuyện mì dây thun của thằng Tranh phải không?”

Tôi ngẩng lên, uể oải gật đầu. Khánh nhìn Pháp chăm chăm. Pháp cũng thận trọng nhìn lại. Giữa hai thằng này có một điều gì căng thẳng khó chịu lắm. Nắng vàng quánh bên đường, trời vẫn không trở gió nóng oi oi. Dì Tư hạ lửa nồi hủ tiếu, cầm cái nón lá rách quạt phe phẩy. Tôi nhấp ngụm cà phê sữa đá béo ngọt, thơm mát, sảng khoái cả người. Cơn buồn ngủ tan biến đi dần dà. Khánh hỏi tôi khoẻ chưa, rồi gã bắt đầu kể.

“Hôm thằng Tranh chết, bọn mình đang ở lâm trường Đức Trọng.” Khánh nhấp ngụm cà phê, bâng khuâng rít một hơi thuốc. “Thằng Lân về trường báo cáo số liệu đúng ngay đêm thằng Tranh tự tử, tận mắt chứng kiến cái xác thằng Tranh nắm sóng soài trên sân giảng đường. Ngày hôm sau nó trở lại lâm trường, vừa bước vô tới lán thực tập là oà lên khóc. Cả lớp đều sốc. Đêm đó, giữa bọn mình nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt. Lần đầu tiên bọn mình ngồi lại với nhau để mổ xẻ phân tích vấn đề, tranh luận, mắng chửi nhau té tát và cùng đau đớn.”

Pháp ngồi bên đột ngôt cười khẩy, gã cay cú cắt ngang.

“Mày nên nói rõ, lần đầu tiên những cái đầu đặc như hột mít, chai như vỏ bánh xe, chịu khó suy nghĩ tranh luận, thôi nghĩ đến bài bạc, bia rượu và gái điếm. Lần đầu tiên thanh niên có cuộc tranh luận đích thực mà không chạy theo phong trào, không bị cán bộ đoàn định hướng.”

Khánh nhún vai, gã lại kể.

“Ừ, lần đầu tiên. Chắc Giang cũng biết ít nhiều về thằng Tranh, nó là một đứa thông minh siêu đẳng. Vùng đất gian khổ cày lên sỏi đá miền Trung cứ sản sinh ra những kỳ nhân. Người tài thì ôm nhiều mơ ước. Mơ ước bình dị của thằng Tranh khi mới bước chân vào trường là sẽ đem kiến thức trở về xây dựng miền quê hương nghèo đói của nó. Năm học thứ nhất thằng Tranh đạt điểm xuất xắc tất cả các môn. Năm thứ hai nó trở thành cán bộ ưu tú cấp thành đoàn. Nó đi nhiều nơi, tham dự hội thảo sinh viên ở các trường đại học, ra Hà Nội dự đại hội đoàn thanh niên toàn quốc, lên tới những nông lâm trường biên giới, sục vào tận rừng U Minh xây dựng phong trào khuyến nông cấp cơ sở. Khi đấy bọn mình không nghe nó nói chuyện về quê nữa. Nó hướng tới những hoài bão, những mục tiêu tầm vóc to lớn, nói năng như một nhà lãnh đạo thực sự. Mà thằng Tranh lại có khiếu ăn nói, những lời nó nói xuất phát từ trong tim trong máu, mang đầy nhiệt huyết dễ gây xúc động lòng người. Nhưng, thời gian đấy, cũng là lúc nó bắt đầu thấy được nhiều điều, biết được nhiều chuyện và hiểu được nhiều thứ.”

Pháp lại chen vào, giọng gã xúc động lạ lùng.

“Và cũng bắt đầu nhận ra sự thật thối tha được tô màu loè loẹt.”

Khánh gật đầu rồi kể tiếp.

“Suốt thời gian đấy, nó hầu như không ở trường, không lên lớp ngày nào, chỉ học qua giáo trình và tập vở bạn bè. Vậy mà kỳ lạ, nó vẫn đạt điểm tối ưu trong kỳ thi cuối năm. Đến cuối năm thứ ba, nó trở về trường, đột ngột ngưng các hoạt động của thành đoàn. Chiều chiều, nó đạp xe thơ thẩn về Sài Gòn. Cuối tuần nó ngủ lại đâu đấy trong mấy ký túc xá thành phố. Bạn bè đoán non đoán già là nó dính vào chuyện yêu đương. Hoá ra, thời gian đấy nó lén lút liên hệ với các cán bộ đoàn thanh niên của những trường đại học trên địa bàn thành phố, ngấm ngầm vận động bãi khoá. Nó kêu gọi sinh viên đấu tranh chống tham nhũng, chống ăn chận kinh phí trong hệ thống giáo dục và trường đại học. Nó cô đơn âm thầm theo đuổi mục tiêu đến cả bạn bè cùng lớp, cùng phòng không hề hay biết. Tư tưởng chống đối có kế hoạch của nó làm đám cán bộ đoàn ở các trường đại học khác sợ hãi. Người ta tránh né nó, xua đuổi nó như một thứ dịch bệnh nguy hiểm. Nhưng lại đồng loã bao che cho nó. Bởi vì đấy là một thằng thực sự có hoài bão lý tưởng mãnh liệt, điều ấy chỉ làm cho người ta thương hại chứ không thể nào ghét bỏ.”

Pháp chen vào một câu.

“Nói kiểu khác, những thằng hèn nhát thương hại thằng lý tưởng.”

Khánh không để ý, cứ thản nhiên kể tiếp.

“Mãi đến khi nó chết, một số chuyện tày trời của nó mới dần được rò rỉ ra trong đám thân hữu. Năm học cuối cùng, bạn bè chuẩn bị làm đề án tốt nghiệp thì nó bỏ ngang. Đi lang thang ngơ ngẩn trên đồi, cô độc, câm nín. Một thằng quá lý tưởng như nó, khi hiểu ra cái thế giới đẹp đẽ mà mình tìm tới không hề tồn tại, nó đâm ra mất phương hướng.”

Pháp cay cú lắc đầu.

“Không đúng. Mày đừng làm sai lạc vấn đề, đừng đổ tội cho niềm tin. Niềm tin không có tội. Thằng Tranh đã bị người ta bịt mắt dẫn đi trên một con đường lý tưởng. Người ta kể cho nó nghe về những thứ phổ quát trừu tượng đẹp đẽ mà con mắt đui mù của nó không hề nhìn thấy, chỉ toàn là nghe và tưởng tượng thêm ra. Tới khi nó vấp phải cục đá nhỏ trên đường thì nó hoảng hốt, mò mẫm, hoang mang, nó ngỡ cả con đường phía trước, cả thế giới xung quanh đều là đá, đều đầy chướng ngại vật nguy hiểm khôn lường. Nó lại không đủ sức, hay đủ can đảm để tự tháo bỏ tấm khăn bịt mắt. Bước một bước nữa, nó lại vấp ngã. Tấm khăn bịt mắt tuột ra. Nó lạc vào một thế giới xa lạ, tồi tệ, thối nát và đầy dối trá. Tại sao? Tại sao không bảo cho nó biết, cuộc sống còn có vô vàn những con đường khác nhau, có thể xấu hay tốt, có thể êm đềm hay chông gai. Nhưng những con đường đó luôn mở ra, dẫn người ta đi về nhiều hướng. Và, chúng ta được quyền mở mắt để chọn lựa. Mỗi đứa được quyền chọn cho mình một con đường.”

Khánh nhún vai cười nhạo.

“Và như thế, tao với mày sẽ tiếp tục cãi nhau đến sáng.”

Pháp trợn mắt la lên.

“Tại sao không? Tao có thể cãi nhau, đánh nhau với mày vì quan điểm mỗi đứa khác nhau. Nhưng ngày nào tụi mình vẫn còn chút liêm sỉ để dám nói cho nhau nghe những lời tâm huyết, những suy nghĩ thật lòng, thì giữa tao với mày vẫn còn một thứ, là tình bạn.”

Khánh lại châm thuốc thủng thỉnh nói tiếp.

“Ừ, thì là bạn. Để cho bạn mày nói xong rồi tới phiên mày, muốn nói gì thì nói. Chuyện thằng Tranh làm cả đám bạn bè đều đau đớn, đâu phải riêng tao hay mày. Ngày hôm sau cả lớp LN38 kéo về trường để đưa đám thằng Tranh. Mình định mua cho nó bộ áo quan tử tế, nhưng Pháp và bạn bè cản lại. Tụi nó muốn thằng Tranh nằm giữa bộ bàn học do chính tay bạn bè đóng, do từng đứa bạn tỉ mỉ gõ từng cây đinh. Nó xứng đáng được an táng như vậy. Đưa đám nó xong, buổi tối, bọn mình kéo về khoa đốt lửa ngồi với nhau, bồi hồi kể cho nhau nghe những kỷ niệm về thằng Tranh. Cứ tưởng như nó sẽ về, xà xuống bên bếp lửa để cùng bạn bè tán dóc. Hoá ra, lớp mình có quá nhiều kỷ niệm với nó. Suốt ba năm học đầu, lớp Nông Học 38 và Lâm Nghiệp 38 thường xuyên lên chung giảng đường. Nó lại ở cùng phòng với mình và Pháp, tình cảm gắn bó như anh em. Dạo đấy, phòng mình là căn phòng duy nhất trong cư xá tiến lên được chủ nghĩa cộng sản. Bọn mình góp gạo ăn chung, không phân biệt giàu nghèo, nói cho đúng bài bản, “góp theo năng lực ăn theo nhu cầu”. Thằng Tranh được giao nhiệm vụ nấu cơm sáng cho phòng. Nó là một thằng nguyên tắc cứng ngắc. Thời khoá biểu của nó có ghi ăn sáng lúc sáu giờ. Hôm nào dậy sớm học bài, đói rã ruột, nó vẫn đợi đúng sáu giờ mới nhấc đũa., mặc kệ bọn mình ngồi bên khua chén khua đũa ầm ĩ. Mình vẫn còn nhớ, cái dáng nó ngồi ôm tập học cạnh nồi cơm, nhất định không nhìn ai, chỉ thỉnh thoảng liếc nhìn đồng hồ. Mình với Pháp vừa ăn vừa chế nhạo nó như một thằng hề, từ tính ngăn nắp, kỷ luật, vệ sinh… tới kiểu sống lẩm cẩm. Nhưng nó là một thằng không biết đùa, không có óc khôi hài. Trêu ghẹo nó rất chán. Những kẻ không có óc khôi hài khi tuyệt vọng lại rất nguy hiểm, dễ tìm đến cái chết.”

 

Pháp búng mẩu thuốc hút dở ra đường. Gã khó chịu ngắt lời.

“Mày quan sát sự việc trên một phương diện rồi quy nạp những khả năng khác về một trục đối chiếu. Làm sao mình có thể khẳng định nguyên nhân cái chết của thằng Tranh? Có thể nó bị bịt mắt nên đui mù mà trượt ngã. Có thể nó tự tử để khỏi phải kéo lê cuộc đời nhu nhược rồi chết ngẫu nhiên. Có thể nó định làm cuộc thí nghiệm khôi hài. Từ đỉnh lý tưởng khôi hài trượt sang cái hố hiện thực khôi hài để hiểu cái cảm giác lơ lửng khôi hài mà những kẻ khôi hài đã cấy vào đầu nó. Và cái chết của thằng Tranh đối với xã hội khôi hài này chỉ đáng là một câu chuyện khôi hài.”

Khánh cười ha hả.

“Ê, Pháp sư. Mày là thằng bạn khôi hài lố bịch nhất. Chơi với mày, tao không sợ tốn tiền phúng điếu. Những thằng khôi hài như mày không bao giờ chết lãng.”

“Đúng vậy. Tao rất sợ chết, tao còn phải sống để làm ra tiền. Tao chỉ muốn tranh luận với mày chứ không có ý định gạt bỏ giả thuyết của bất cứ ai. Chúng ta được giáo dục nhìn nhận sự việc thuần tuý một chiều, và một chiều có định hướng. Dì Tư cho con mượn cái nón.”

Dì Tư từ nãy giờ ngủ gà ngủ gật bỗng giật mình, phe phẩy cái nón đuổi ruồi. Pháp với tay sang cầm cái nón lá cũ mốc của dì Tư. Gã nói.

“Giải thích đơn giản với Giang như vầy. Cái nón lá này có nhiều góc nhìn. Nhìn ngang sẽ gần như hình tam giác. Nhìn từ trên xuống là những vòng tròn từ nhỏ to dần ra. Nhìn mặt trong này, đó là những vòng tròn từ to đi vào nhỏ. Nhìn nghiêng là một hình nón. Hình ảnh nó trong mắt mình là một hình khối to lớn, nhưng thực chất được cấu thành từ những yếu tố mỏng manh…”

“Quân sư quạt mo! Thầy bói mù sờ voi! Thằng lý sự cùn!” Khánh phì cười. “Mày có thể nhìn đủ kiểu, đủ hướng để khai triển tính cách vật thể. Mày có thể tước cái nón lá của dì Tư ra thành những sợi lá chằm để ba hoa, cái nón này thực chất là những đường thẳng. Những thằng kiến thức rách rưới chấp vá, như tao và mày, càng cố lý luận càng làm sai lệch vấn đề . Cứ nghĩ đơn giản, nếu bây giờ trời mưa thì đối với tao, với mày, với Giang, với dì Tư… cái nón lá chỉ có thể là hình nón. Đó là cốt lõi của vấn đề. Tại sao mày cứ chạy lung tung cho mưa ướt? Con nói đúng không dì Tư?”

Dì Tư lo lắng giật lại cái nón.

“Mấy cậu nói gì thì nói, không được xé cái nón của dì ra.”

Tôi bật cười. Khánh vui vẻ hỏi.

“Giang nghe tụi mình cãi nhau có chán không? Mình cứ bị thằng Pháp dụ dỗ tranh luận những chuyện đâu đâu thành ra quen miệng mất.”

Pháp cũng cười xoà.

“Ờ. Tao như Robinson sống trên hoang đảo, dạy dỗ được một thằng mọi chuyên ăn chơi đàng điếm như mày để trò chuyện là đỡ cô đơn lắm rồi. Tao với thằng mọi mò tới ranh giới của nhận thức. Chấp nhận ở lại bên này, mình sẽ là những vĩ nhân bộ lạc. Bước qua bên kia, mình là thằng khôn ranh, khôn vặt. Đi thêm một bước, mình là kẻ bị bộ lạc xua đuổi, ném đá. Đôi lúc tao nghĩ, trong xã hội có định hướng này, lý giải hay đi tìm sự thật đều là chuyện hoang tưởng.”

Khánh nói.

“Có lẽ vậy thôi, cũng như những điều bọn mình tranh luận ở đây chỉ là một mớ kiến thức vụn vặt, không hệ thống và thậm chí là… có thể sai be bét. Sinh viên chỉ được định hướng tư tưởng chứ không hề được dạy dỗ cách tiếp cận vấn đề và tìm cách lý giải chúng. Mình không nên tra tấn Giang nữa. Đám sinh viên thường chỉ cãi nhau những chuyện ăn ở, bếp núc.”

Tôi buột miệng nói.

“Có lần Duyên cũng than như rứa. Sinh viên chỉ đủ sức quanh quẩn với những chuyện nhỏ nhặt, ăn uống, yêu đương, đối phó với thi cử. Duyên nói, sinh viên là loài phóng thể.”

Khánh nhướng mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Gã này thường có vẻ ít ngạc nhiên vì bất cứ chuyện gì.

“Duyên nào? Duyên ca sĩ à?”

Tôi gật đầu.

“Ừ, Duyên ca sĩ.”

Tôi không hỏi tại sao gã biết Duyên. Cả trường này đều biết tiếng Duyên.

“Cô bé nói vậy à? Có bảo phóng thể là gì không?”

“Không. Tôi cũng không biết phóng thể là chi. Duyên hay nói lung tung, còn tôi lại không thích hỏi.”

Pháp bỗng cười ré lên, như một thằng điên. Suốt cả buổi, lần đầu tiên mới thấy gã cười sung sướng như rứa. Mãi sau này tôi hiểu ra, mới có thể gọi đúng tình trạng của gã. Đó là là một thằng cuồng chữ, một thằng đói tri thức bỗng vớ được thứ khoái khẩu. Gã cười khanh khách, đập cả tay lên bàn, lên vai Khánh.

 

„Ê, Khánh! Hoá ra cô em ca sĩ kia chỉ giả bộ khù khờ, đánh lừa hai thằng khù khờ. Sinh viên tụi mình là loài phóng thể. Thật ngộ nghĩnh“

Tôi tò mò nhìn Pháp, cũng không hiểu, tại sao gã khoái chí với định nghĩa kỳ dị đó, cũng không hiểu, tại sao hai thằng mọi rừng này đang theo đuổi Bắc lại khoái chí nhắc tới Duyên. Nhưng tôi đoán, trong khi tôi vật vã tìm cách thoát ra khỏi cái đói thể xác, thì những thằng trẻ tuổi đồng trang lứa, những thằng không bị cái đói và sự thiếu thốn vật chất hành hạ, lại rơi vào một sự đói khát khác. Bọn họ đói kiến thức. Bọn họ và Duyên, những con mọt sách tật nguyền, gặm nuốt tham lam tất cả những thứ giấy vụn rơi rớt bên dòng tư tưởng chính thống. Bụng họ đầy căng, thừa mứa nhưng không cách chi tiêu hóa được. Họ thiếu chất xúc tác để hóa giải được những thứ đồ ăn hỗn tạp đó. Cái cảm giác được ăn đầy bụng mà không no. Cảm giác sung sướng mà không khoái cảm. Cảm giác cồn cào, xót xa không nằm trong thể xác mà hành hạ đay nghiến tinh thần. Cảm giác sợ hãi lạc lõng đó đẩy họ tìm đến với nhau, cảm thông, khắc khoải, đau đớn mà không thể có nhau.

Khánh hỏi Pháp.

“Mày có biết loài phóng thể là gì không?”

Pháp lắc đầu.

“Không.”

“Không biết sao mày cười?”

 

“Tao cười sự không biết của tao. Tao cười sự ngu dốt bất lực của tao. Mà tao đoán, Duyên cũng chỉ là một con vẹt, đọc sao thì nói vậy chứ không hiểu hết ý nghĩa. Cô ấy cũng như tụi mình long đong đi tìm nhưng sẽ không bao giờ tiếp cận.”

“Đi tìm cái gì? Tiếp cận cái gì?”

“Tao cũng không biết.”

“Không biết sao mày nói?”

“Tao nói về cái sự không biết.”

Hai thằng ngớ ngẩn nhìn nhau. Tôi chán nản nhìn ra con chó nằm ngoài hiên quán. Con chó phễnh bụng vì ăn quá no, nó uể oải cựa mình. Trưa nắng ngoắc ngoải.

Khánh và Pháp uống sang chầu cà phê thứ hai, lại lải nhải tranh luận. Tôi được mời tô mì gói, bù cho phần bị mửa ra lúc nãy. Hình như hai thằng cuồng chữ đang cố gắng tìm hiểu một thứ triết học nào đó. Nó không giống như loại triết mà nhà trường và xã hội vẫn tìm cách cưỡng bức, nhồi nhét vào đầu tụi tôi. Hai đứa nó đang lăn lộn ngụp lặn trong những ý niệm, những phạm trù hoàn toàn xa lạ. Tôi không rõ, họ nói chi. Tôi cũng không thể hiểu nổi. Có thể họ cũng không hiểu hết những điều họ nói. Buổi trưa hắt hơi nóng xuống mái lá. Tôi ngồi ăn mì rồi nghe họ nói, rồi để mặc họ kéo tôi đi. Một thế giới nào khác đang từ từ mở ra, lúc nào không hay. Những con đường mênh mang dẫn mình đi xa lắc. Đi không cần định hướng. Đi không bị buộc phải quay về chỗ đã định. Pháp nói, vì tôi hiện diện mà những con đường kia hiện hữu. Thật vậy sao? Kỳ lạ quá. Tôi phá lên cười.

Khánh cũng nhìn tôi cười.

Nếu họ nói những điều này trước đây vài giờ thì tôi sẽ căm ghét họ. Bởi khi ấy tôi đói, tinh thần chỉ đủ sức vật lộn với cái cảm giác trống không của bao tử. Bây giờ no đủ, tôi bỗng giống họ, thèm khát một cái chi khác hơn những đòi hỏi quen thuộc của dạ dày. Và mãi sau này, khi được sống những ngày no đủ, tôi lại hiểu thêm rằng, còn có những thứ ham muốn khác nữa để con người ta vừa thoát khỏi cái đói này đã hối hả chìm vào cái đói khác. Bản tính con người là sự thiếu thốn. Chỉ đáng thương, cái mà người ta vội vã tìm đến khi bắt đầu no bụng không phải là tri thức, không phải là tư tưởng. Mà là những thứ xô bồ, đơn giản, những thứ có thể mau chóng lấp đầy dục vọng và sự hụt hẫng. Buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều chìm đuối trong miền xao xuyến. Nó pha lẫn giữa niềm phấn khích cảm nhận những cái mới lạ và nỗi lo sợ cố hữu. Một sự bất an trần truồng vô vọng trói chặt lấy cảm thức, lo âu chia xé tâm hồn. Tôi run sợ lùi lại, những điều này đã vượt ra ngoài dòng tư tưởng chính thống độc đoán, sẽ bị chụp mũ, sẽ bị buộc tội là phản động, sẽ bị đánh đập tơi tả. Tôi lùi lại, lùi lại, cả người co rúm không phương tự vệ.

Khánh mồi thuốc cho tôi, từ tốn hỏi.

“Giang nghĩ sao? Khi người ta luôn ca ngợi khái niệm tập thể, kiên quyết bài trừ và lên án cái tôi?“

Tôi sợ sệt nhìn Khánh không dám nói gì, chỉ chậm chạp rít một hơi thuốc. Ngụm cà phê ngọt ngào, thơm tho mát rượi chui dần qua cổ họng. Mấy hột đậu phọng da cá béo ngậy nghiền nát giữa hai hàm răng. Cảm giác no đủ thật là sung sướng và thư giãn. Cứ như không còn bị ràng buộc bởi cái đói cái khổ thì đâm ra hết muốn kiềm chế. Tôi buột miệng nói.

“Mình nghĩ là, ừ, cũng có lúc mình nghĩ…”

Vậy là tôi tâm sự, tôi kể lể với những kẻ xa lạ vừa cho tôi hưởng thụ khoái cảm vật chất. Những điều nằm im trong tiềm thức bị cơn hưng phấn kích thích đang dập dềnh chuyển động. Tôi hào hứng tuôn ra nỗi lòng mà không hề ý thức rằng, tôi cũng đang khao khát được tự do suy nghĩ, khao khát được thoải mái bày tỏ quan điểm riêng của mình. Và ngu xuẩn hơn được ung dung phơi bày bộ mặt thật của mình ra. Tôi càng nói càng khoái trá. Khoái trá nhận ra một con người khác mang một trắc diện khác đang vùng vẫy trong cái bể cạn, tù đọng. Tôi nói lung tung, nói huyên thuyên, nói ba hoa. Tôi nói tràn lan về mỹ từ tập thể luôn được vinh danh, về cái tôi luôn bị chụp mũ ném đá. Tôi nói cả về sự sợ hãi của mình. Sợ hãi làm tê liệt mọi ý muốn, đẩy con người ta vào thế thụ động. Tôi lớn lên trong sợ hãi và được giáo dục để biết sợ hãi, để luôn phải cẩn thận với những điều mình nói, để buộc mình vào giới hạn được cho phép. Như con chó cò kia, nó chỉ được quanh quẩn nơi bãi rác mà không dám mon men vào quán. Người ta đánh đập nó tàn tệ để nó ý thức được thân phận và vị trí của mình. Nó ngoan ngoãn chờ bên hè để nhận lấy những thứ thừa mứa mà người ta nôn mửa ra cho nó. Tôi nói về thằng Sỏi, về cái sự thật đang mưng mủ, đang xì ra từng ngày trên đôi bàn tay mà nó cố giấu giếm. Tôi nói về định kiến của mình lâu nay chỉ giới hạn ở chỗ, đói là nhục và ghẻ là bẩn. Người ta cố giấu giếm căn bệnh suy dinh dưỡng như một sự thật bị cáo buộc là bẩn thỉu. Người ta căm ghét ghê sợ sự thật đó, chạy trốn nó và tự trở thành những kẻ bị săn đuổi.

Khánh với Pháp lẳng lặng nghe tôi nói. Có thể họ chẳng đồng ý tí nào với suy nghĩ của tôi, có thể họ thấy quan điểm của tôi đầy mâu thuẫn, phi lý hay tầm thường, nhưng họ vẫn để cho tôi nói. Cuộc sống là vậy, có vô khối những suy nghĩ khác nhau. Đó là điều kỳ diệu, lần đầu tiên trong đời tôi bỗng hiểu được. Mỗi người có quyền được suy nghĩ và  chọn cho mình một con đường.

Cả ba đứa không hề ý thức được buổi chiều trôi qua nhanh. Khi tụi sinh viên tan học xôn xao kéo nhau về, nắng chiều đã ngả dần ra sau hàng dương. Chị Mẫn đi cùng anh Bốn, cách xa đúng một mét để người ta đừng dị nghị về mối tình trong sạch đạo đức cách mạng của họ. Thằng Thung, thằng Lũ vừa đi vừa ngoác miệng ra ngáp, ngáp cho đã, ngáp để trả thù ba tiết học tra tấn. Duyên đi cặp kè với chị Sầu, như đôi đũa so le mà không chịu rời nhau. Bắc tách ra khỏi đám đông một khoảng cách, cúi đầu lủi thủi đi một mình.

Khánh xô ghế đứng lên, gã xông ra đường đón Bắc. Tôi nhìn cái dáng cao lớn ngang tàng đứng chắn giữa đường, chợt nhận ra rằng, gã giống một tên cướp rừng, gọi văn hoa là lâm tặc. Bộ đồ dơ hầy vằn vện lem luốc, râu tóc bù xù. Áo sứt nút để phanh cả một khoảng ngực trần vạm vỡ đen trũi. Cuộc tranh luận bất thường làm gã lỡ dịp tân trang, tu chỉnh nhan sắc.

Bắc không nhìn gã, cô nhỏ tránh qua bên kia lề cỏ, băng băng đạp gai mắc cỡ mà đi. Khánh lại không đuổi theo Bắc, gã đứng giữa đường nhìn Duyên cười ngẩn ngơ.

Pháp ngồi lặng lẽ quan sát con chó cò. Gã rút điếu thuốc cuối cùng trong  bao, không đốt, chỉ xe mãi giữa hai lòng bàn tay. Con chó lười nhác nằm giữa đống rác, nó đang bội thực vì ăn phải những thứ nôn mửa.

Pháp nói.

“Lẽ ra diễn đàn tranh luận này nên dành một góc cho con chó cò, một cơ hội cho nó nói về cái thân phận chó má của nó. Nhưng phần phát biểu của con gà trống cụt đã gây quá nhiều ngộ nhận, nên con chó đâm chán. Giữa người và chó khó có thể hiểu được nhau.“

 

Comments (1 total)

 

Thám tử Conan

 Pháp @:

“Có thể nó bị bịt mắt nên đui mù mà trượt ngã. Có thể nó tự tử để khỏi phải kéo lê cuộc đời nhu nhược rồi chết ngẫu nhiên. Có thể nó định làm cuộc thí nghiệm khôi hài…”

Có thể Tranh bị giết chết.

Thời gian đấy, Tranh hóa điên (hay giả điên?) cả đêm sùng sục trên đồi, dưới đồi, lang thang sang tận bên đầm lầy. Tôi nghĩ nhiều đến khả năng, Tranh biết được một bí mật nào đó của nhà thuỷ tạ nên bị thủ tiêu. Cái chết của Sỏi, tai nạn của Bắc, vụ thanh toán Khánh, vụ xử án Rồi… đều không hề ngẫu nhiên. Những kẻ dính líu đến bí mật trại nuôi đỉa, sớm hay muộn, đều lần lượt nhận lấy cái chết thảm thương.

Vào thời điểm đấy, Pháp và Khánh đều không tìm ra nguyên nhân cái chết của Tranh, nhưng lúc này đây, hơn hai mươi năm sau dựng lại vụ án, chắc họ đã có câu trả lời.

Câu hỏi khác nên đặt ra:

1. Ai là kẻ đứng phía sau hàng loạt vụ thanh toán và khủng bố?

2. Ai là kẻ mạo danh Tranh viết entry: “Kẻ tự vẫn” để dựng lại một vụ án?

© Lưu Thủy Hương

© Đàn Chim Việt

 

Phản hồi