WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [32]

 

Tiếp theo phần trước

cafe

Chúng tôi ngồi im, cuộc đối đầu đã trở nên căng thẳng. Tôi cần phân tích xem cơ quan an ninh muốn gì. Họ muốn khép tội để bắt tôi hay khép tội rồi để treo lơ lửng đó khi cần sẽ bắt. Nếu tôi nhận là tác giả cuốn sách, thì rõ hẳn tôi vào thế hoàn toàn bất lợi. Họ có thể khủng bố, bắt bớ, triệu tập hay làm bất cứ thứ gì họ muốn, vì tôi đã vào thế thụ động hoàn toàn. Nhưng nếu tôi cứ căng thẳng chối bay biến, có lẽ với bản tính kiêu ngạo và quyền lực trong tay họ có thể bắt luôn và khép tội chả cần đến tôi có nhận tội hay không. Chỉ với từng ấy bằng chứng gián tiếp tòa án của họ đủ kết tội tôi. Tòa án Việt Nam đầu cần bằng chứng trực tiếp, chỉ cần vài bằng chứng gián tiếp mơ hồ là họ cũng kết tội được. Truyền thông và báo chí sẽ nhào nặn những chứng cớ gián tiếp thành trực tiếp thuyết phục được dư luận.

Tôi quyết định đưa ra lời đề nghị với T.

- Bây giờ tôi nhận cuốn sách này là tôi viết, anh có bảo đảm rằng có phiên tòa xét xử không? Nói thật ra tòa bị xử đi tù tôi không ngại. Tôi chỉ ngại nhất các anh cứ vin vào chuyện này, nay gọi, mai gọi rồi dùng biện pháp này nọ kéo dài thì tôi mệt lắm. Ra tòa tù vì tội viết sách tôi chẳng sợ đâu. Tôi chối vậy là để các anh lựa chọn bắt thì bắt luôn cho rồi. Tôi biết với những chứng cớ gián tiếp này các anh có thể xử được, bao nhiêu vụ vẫn thế mà.

T vẫn ngồi nghĩ. Nói thêm về chứng cứ gián tiếp và trực tiếp rất quan trọng trong luật tố tụng. Chứng cứ gián tiếp ví dụ như một người nhìn thấy anh đi ra khỏi căn phòng, sau đó người ta phát hiện trong căn phòng bị mất đồ đạc. Trong vụ mất đồ này người nhìn thấy anh ra khỏi căn phòng là chứng cứ gián tiếp. Nhưng nếu người đó nhìn thấy anh vào phòng lấy cái vật đó bỏ túi thì lại là chứng cớ trực tiếp. Chứng cớ trực tiếp là bằng chứng buộc tội thuyết phục nhất, còn chứng cứ gián tiếp chỉ là bổ sung cho chứng cứ trực tiếp được chắn chắn. Nhiều người bị cơ quan an ninh hỏi cung, khi an ninh mới đưa ra những chứng cứ gián tiếp thì người đó đã khai nhận ngay. Mà lời khai nhận là chứng cứ trực tiếp thuyết phục nhất sau khi được bổ sung những chứng cứ gián tiếp. Như vụ anh đi ra khỏi căn phòng, có người khai thấy anh đi ra, và anh nhận anh lấy đồ ở căn phòng đó thì khỏi còn gì để nói nữa. Yếu tố khách quan cấu thành tội phạm đầy đủ và rõ ràng. Trẻ con nó cũng kết tội được đừng nói đến tòa án.

T trầm ngâm một lúc, anh ta nói.

- Chúng tôi đang điều tra xem mức độ thế nào. Mới đưa ra tòa hay không. Nếu thấy có đủ yếu tố thì tất nhiên sẽ đưa ra tòa. Theo đúng luật. Giờ mới đang điều tra, anh phải thành khẩn thì có gì khi xét xử, đó là điểm giảm nhẹ tội cho anh.

Tôi cười thầm, thế là chả có chuyện đưa tôi ra tòa vì viết cuốn sách này. Nhìn tập giấy vạch xanh đỏ của bên an ninh văn hóa tư tưởng nào đó đưa cho cơ quan an ninh điều tra tưởng sẽ là căng. Nhưng kiểu này có lẽ cơ quan an ninh điều tra cũng chưa muốn đưa tôi vào tù vì vụ sách vở này. Thủ trưởng của các cơ quan an ninh Hà Nội là người thân thiết với Phật Giáo Hà Nội. Hình như ông ta không ưa tôi lắm, vì tôi thân thiết với bên Công Giáo như là một tín đồ. Ông ta cũng ghét thằng Lê Quốc Quân bạn thân tôi. Tôi và Quân nhiều lúc đi cùng nhau từ tỉnh này sang tỉnh khác, đến văn phòng, cơ quan nào tiện thấy tôi rảnh là Quân kéo tôi đi cùng. Cái đám an ninh theo dõi tôi và Quân cùng một đội, đến gần 20 người cứ luân phiên đổi nhau đến mức tôi thuộc cả dáng người. Nghĩ ra thì tôi dây dưa đủ các nơi, an ninh theo dõi hồ sơ tôi cũng mệt. Chỗ nào tôi cũng có mặt, cũng tham gia ít nhiều.

Tôi đã hình đung được cơ quan an ninh điều tra lần này chưa muốn xử gắt với mình. Vậy thì họ đang muốn gì.? Nếu tôi căng thẳng chôi bay biến tất cả, tiếp liệu có đẩy họ phải dùng biện pháp bất chấp pháp luật không.? Xử tù một bloge viết bài chính luận như Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải, Phạm Thanh Nghiên…họ đã xử nhiều. Tôi là bloge nhưng tôi viết truyện nhiều hơn, mà truyện tôi thì nội dung giấy trắng mực đen ra tòa xử cũng khó. Nước Vệ là nước quái nào mà Việt Nam tự nhận vơ vào rồi xét xử người ta nói xấu mình chứ. Xử thế thì quá là nước CHXHCN Việt Nam này tự nhận mình là nước Vệ trong truyện của tôi.

T quay lại những câu hỏi tôi nhận sách ở đâu, được bao nhiêu cuốn, cho những ai. Tôi khai có người tự dưng đến cho 5 cuốn, một cuốn tôi giữ ở yên xe. Một cuốn tặng ông cha bề trên giáo xứ Thái Hà, một cuốn tặng ông Giám mục Ngô Quang Kiệt, một cuốn tặng ông Giám Mục Nguyễn Thái Hợp. Cơ quan an ninh không tin thì triệu tập các vị ấy lên đây hỏi.

Cán bộ an ninh điều tra T gạt đi.

- Thôi, thế ghi là tặng người không quen biết, nhận của người không quen biết. Ông chơi khó thế, chả lẽ vì cuốn sách vớ vẩn này mà chúng tôi viết giấy triệu tập các ông kia lên đây.

Tôi cười thầm, nhớ lại vụ năm 2009 cán bộ an ninh của BCA hỏi tôi về tấm hình tôi chụp cùng với Giám Mục Cao Đình Thuyên, tại sao tôi lại chụp ảnh riêng với cụ Thuyên. Tôi trả lời đang đứng ở sân, nói chuyện mấy người giọng Bắc, cụ Thuyên thấy vậy gọi lại hỏi han. Chắc cụ thấy khách xa đến cụ hỏi thăm về gia đình, con cái. Anh an ninh già của BCA lúc đó đập bàn quát.

- Nói láo, bao người ông ấy không gọi, sao lại gọi anh.?

Tôi đáp.

- Ông đi mà hỏi cụ Thuyên nhé. Còn ông đánh xổ số bao giờ chưa, ông hỏi kiểu này như hỏi thằng trúng số là bao nhiêu người mua vé số không trúng, sao riêng mình mày trúng. Ai chả lời được.

Tất nhiên là anh an ninh của BCA không thể nào mời được cụ Cao Đình Thuyên đến đối chất là chụp ảnh với tôi kỷ niệm gặp gỡ sau khi hỏi thăm sức khỏe gia đình tôi.

Lần trước hỏi về vụ kêu gọi biểu tình của trang mạng Nguyễn Xuân Diện, tôi đã bắt bẻ T là cán bộ điều tra phải ghi rõ lời khai của đương sự từng dấu chấm, dấu phẩy. Cho nên lần này T không ghi đúng lời khai của tôi, anh ta phải nói trước là sẽ ghi là tôi tặng sách của cho người không quen biết. An ninh Hà Nội nhạy cảm hay biết rõ bản chất lươn khươn của tôi hơn an ninh TP HCM. Ở trong thành phố HCM , khi an ninh hỏi cung tôi. Tôi trả lời rông dài chỗ nọ, chỗ kia làm họ tưởng khai thác được mạch nước ngầm. Cứ thế họ xoáy vào để khai thác mạch nước đi đến đâu. Mạch nước của tôi đi mất mấy ngày đến chỗ bãi cát ngấm xuống đất hết. Trả lời rông dài cần phải có một tư duy phong phú, tưởng tượng ra sự việc, nhưng cần chặt chẽ không sơ hở và có logic. Nếu không sẽ ảnh hưởng, liên quan đến người khác. Nhờ trời tôi có trí tưởng tượng rất oái oăm. Chả thế mà anh an ninh TP HCM sau một tuần hỏi cung liên miên đành thốt lên làm việc với tôi tuy thái độ tôi tốt , nhưng hiệu quả chẳng có gì.

Chắc chắn T đọc kỹ và nghiên cứu kỹ về tôi, nên anh ta không bị tôi dụ vào những câu chuyện vòng vèo tưởng như là có gì đó mà thật ra sẽ không có gì. Cái này tôi bị anh ta bắt được bài, anh ta gạt phắt luôn chuyện ghi tên những vị kia vào biên bản cho chấm dứt ở đó. Quyết định của anh thật sáng suốt, nếu để tên các vị kia thì anh ta sẽ phải hỏi tiếp tôi quan hệ thế nào với các vị ấy, quan hệ từ lúc nào….như thế chắc 3 tháng nữa mới quay lại việc cuốn sách này.

T nói.

- Như vậy qua quá trình làm việc với cơ quan an ninh điều tra, anh Hiếu đã nhận có tán phát cuốn sách này. Anh Hiếu cũng được cơ quan điều tra giải thích việc làm này là sai trái. Hứa sẽ không tiếp tục tán phát. Nếu có ai cho anh sẽ giao nộp cho cơ quan điều tra.?
Tôi chữa.

- Ông phải ghi rõ là tôi thấy nội dung cuốn sách không có gì vi phạm pháp luật Việt Nam, chỉ là những câu chuyện tầm phào của tác giả không rõ tên, đã viết ra. Tôi đọc thấy nội dung của nó là giải trí nên mới đem tặng người khác. Sau khi được cán bộ an ninh điều tra giải thích cuốn sách này về mặt xuất bản không có giấy phép của cơ quan chức năng, tôi nhận thấy việc tán phát một cuốn sách dù nội dung không độc hại, nhưng không có giấy phép xuất bản là điều không đúng. Tôi cam đoan không tán phát nữa.

T gật đầu.

- Được, anh không cam đoan tán phát nữa là được. Những điều anh đề nghị thêm tôi sẽ ghi cho anh.

Anh ta vừa ghi xong, đưa giấy cho tôi đọc lại để k‎i.

- Đm, ông đúng là coi trời bằng vung, vừa viết sách, vừa tán phát, lại còn rao bán công khai trên mạng. Ai mà chấp nhận nổi, ông làm gì cũng phải biết có các cơ quan pháp luật chứ.
-
Tôi cầm biên bản, không đọc lại, kí xoẹt vào những chỗ cần kí, như chỗ giáp lai, chỗ khóa lời khai, chỗ kí chặn. T hỏi.

- Hiếu tin cơ quan an ninh thế, kí chả cần xem, nhiều ông khác soi từng chữ chán chê.

Tôi cười nói.

- Lúc ông ghi, tôi nhìn cây bút chuyển động, mỗi lần ông nhấc lên mà một chữ, tôi đếm lần nhấc bút khớp với từng chữ khai. Nên không cần đọc nữa.

Tôi đẩy trả biên bản làm việc cho T. Anh ta thu xếp giấy tờ, đứng dây nói.

- Mai 8 giờ 30 anh lên đây làm việc tiếp.

Tôi không đứng dậy, ngồi im một chỗ , tôi nói.

- Mai tôi đưa con tôi đi biển Cửa Lò, cháu đang nghỉ hè, nhân dịp ngày nghỉ 1 tháng 5 , tôi đã hứa với cháu. Tôi sẽ không đến đây, ông thích thì chúng ta làm việc tiếp cho đến mai.
T trợn mắt nhìn tôi, anh ta quát.

- Ông phải lên, chúng tôi sẽ viết giấy triệu tập ông.

Tôi cười.

- Ông viết luôn giấy triệu tập lần 3 đi , đưa luôn bây giờ đi ( triệu tập lần 3 không đi là áp giải cưỡng chế ). Mai cứ đúng 7 giờ 30 tôi ra cửa, cho người đứng đó mà bắt. Tôi không đi là không đi.
T nói.
- Được, ông ngồi đó tôi đi viết giấy triệu tập.

T đi một lát quay lại, chắc anh ta xin chỉ thị cấp trên xong. T nói nhẹ nhàng.

- Thế này, mai ông phải lên đây làm việc. Nhưng ông đã nói là đưa con đi chơi, một năm có đúng ngày nghỉ lễ. Tôi cũng không muốn cản trở. Thôi ông viết cho tôi cái cam đoan là mai ông đưa con đi đâu, thời gian nào, đến nơi ở chỗ nào và ông cam đoan thời gian đi nghỉ từ 29 tháng 4 đến 1 tháng 5 không gặp những người đã từng bị cơ quan an ninh làm việc. Đến khi về lên làm việc tiếp với cơ quan an ninh điều tra.

Tôi làm giấy cam đoan xong, về nhà mượn xe ô tô chở luôn con đi trong đêm hôm ấy vào Cửa Lò.

Ngày mùng 2 tháng 5 tôi về đến nhà, đã thấy có giấy triệu tập lên cơ quan an ninh làm việc vào sáng hôm sau.

Nội dung lại về cuốn sách. Người ta quy tội nội dung cuốn sách là phản động. Tôi thì cãi lại là nó không nói đến nước CHXHCN Việt Nam. Tôi bênh vực trên quan điểm của người đọc. Đấu lí mãi , tôi cùn bảo.

- Mà ông bảo sách phản động việc ông, tôi chỉ nêu trên quan điểm người đọc, chứ sách tôi viết đâu mà tôi phải thanh minh.
T nói.

- Ừ thì trên quan điểm người đọc, mà anh đọc anh lại cho người khác, nên anh phải có trách nhiệm làm việc với cơ quan điều tra về nội dung. Nội dung xấu mà anh lại đưa cho người khác xem thì rõ là anh phạm tội còn gì. Chả cần nói đến chuyện anh là tác giả hay không. Chỉ cần thế là đủ.

Cãi nhau cả ngày từng mẩu chuyện , đến mấy chục mẩu chuyện Đại Vệ Chí Dị. Có vẻ nếu cứ thế thì chả bao giờ dứt. Cuối cùng tôi cũng nản quá, tôi đành chấp nhận thua cuộc. Tôi nói.

- Thôi thế này, tôi thấy chuyện này không phản động. Nhưng viết cứ thế này người ta suy diễn, cho nên tôi nghĩ ‘’ người nào’’ là tác giả cuốn sách này không nên viết thế nữa.
-
T sững người, rồi anh ta cười rõ to, ném cây bút lên bàn anh ta thốt.

- Đm hay, ông quá thông minh, cuối cùng ông cũng hiểu chúng tôi muốn gì.? Thông minh thật, quá thông minh.

Trên cương vị người đọc Đại Vệ Chí Dị, tôi phải viết một bản nhận xét đại loại nội dung sách không rõ ràng, không nói cụ thể về đất nước nào, nhưng người đọc dễ hiểu lầm và suy diễn. Theo ‎ tôi tác giả không nên viết sách loại này nữa.

Tôi buông bút nhìn tờ giấy, mặt buồn thiu, như vừa chối bỏ đứa con dứt ruột đẻ ra. T vẫn cười đắc thắng nói.

- Chúng tôi cũng chỉ muốn ông đừng viết Vệ viếc gì nữa, rách việc ra.

T thu tờ giấy tôi viết , cầm đọc, nét mặt vui tươi. Giọng còn giễu cợt nhấn mạnh cái đoạn tôi viết ‘’ trên cương vị người đọc’’. T bảo ông cẩn thận, lắm chữ thế, thôi thế này cũng được rồi. Về lo làm ăn, con cái nhé, viết lách làm quái gì cho nó mệt than. Thiếu gì cái viết mà ông không viết.

Từ đó tôi ít viết Đại Vệ Chí Dị, vài tháng tôi mới viết một bài. Tôi hiểu nick name Tom Cat trên mạng cảnh báo những lời có thật. Tom Cat cảnh báo Cù Huy Hà Vũ, Trương Duy Nhất và tôi làm cơ quan an ninh khó chịu về những hành động, bài viết thế nào. Nếu không chấm dứt sẽ bị xử tội. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị bắt ngay sau khi Tom Cat nói , đúng y trang về những vấn đề mà tiến sĩ Vũ phát biểu. Còn tôi bị Tom Cat cảnh báo về ba hành vi. Một là viết sách Đại Vệ Chí Dị, hai là quan hệ với nhà thờ, ba là hăng hái đi biểu tình. Tôi giảm viết Đại Vệ Chí Dị, giảm ít đến nhà thờ, còn biểu tình thì năm đó chưa xảy ra. Hầu như tôi đã xa lánh những gì cơ quan an ninh cảnh cáo.

Có tin đồn trên mạng ngày x hàng ngàn dân oan sẽ kéo về Hà Nội. Công an đến tận nhà sáng sớm gõ cửa đưa giấy triệu tập và đề nghị tôi theo họ đến cơn quan an ninh.
T nói.
- Dạo này anh có tiến bộ, Đại Vệ Chí Dị vẫn viết, nhưng mà ít, từ hôm ở đây về viết có 2 truyện thôi nhỉ.? Thế cũng đáng ghi nhận. Giờ anh cho tôi biết về quan hệ của anh với Lê Quốc Quân.?
-
Tôi cười nhìn T nói.

- Ông ạ, tôi có thể bỏ cuộc vì nguyên nhân nào đó. Nhưng tôi không bao giờ trở cờ hay phản bội anh em của mình. Dù cho bạn bè của tôi có làm gì đi nữa. Tôi có thể ngừng quan hệ với họ, chứ không bao giờ khai báo gì để họ phải vào tù. Việc tôi làm, tôi chịu, tôi sẽ không đánh đổi án tù của mình lấy án tù của người khác. Ông đừng bao giờ đề cập với tôi chuyện này. Cũng đừng nghĩ tôi không viết Đại Vệ Chí Dị nữa nghĩa là tôi sợ tù, các ông dấn thêm bước nữa ép tôi. Nếu các ông như vậy, tôi sẽ về viết tiếp, đi các nơi tiếp tục. Các ông bắt được thì cứ bắt tù.

T cười nói.

- Anh không làm gì nữa là tốt rồi, chúng tôi đâu cần anh phải trở cờ gì. Thế dạo này gia đình thế nào.?

Câu chuyện loanh quanh về gia đình, T cũng tâm sự về gia đình mình. Đến trưa thì T bảo về. Cuộc làm việc cốt để ngăn chặn tôi không cho ra chỗ dân oan biểu tình.

Thật ra tôi chẳng biêt Quân làm gì mà an ninh hỏi kỹ vậy. Ngày trước tôi là dân giang hồ xã hội đen. Sư phụ của tôi dặn rằng khi thấy người khác có vẻ gì bí mật hay tránh xa họ, đừng lại gần nghe, đừng nhìn . Trừ khi nào mình cùng làm với họ thì hãy để ‎ hết mọi thứ, tìm hiểu hết chân tơ kẽ tóc. Còn nếu không chung vụ với họ, thì hãy tránh xa luôn. Phòng khi mình lỡ say rượu, lúc cao hứng kể ra chuyện của họ làm gì. Hoặc khi công an bắt mình, tra khảo mình không giữ nổi lại tuôn ra thì hại đến họ. Tôi luôn nhớ lời dặn ấy, không bao giờ lại gần những ai có việc gì mà mình không liên quan đến. Những việc Quân làm tôi không hề biết, khi đi với nhau chỉ nói những chuyện bình thường không có gì nguy hại đến ai.

Dạo đó Quân thuê văn phòng gần nhà tôi. Buổi trưa Quân hay vào nhà tôi ăn cơm cùng. Cơm chỉ có thức ăn xoàng xĩnh nhưng nó chẳng nề hà. Ăn xong nó nằm ngủ, bên ngoài những an ninh theo dõi Quân đứng vật vờ các ngả. Quân bảo tôi làm lái xe cho Quân. Tôi bảo không làm lái xe cho nó, vì tôi cả nó là bạn. Thường tôi vẫn chửi nó ngu, giờ tôi đi làm thuê cho nó. Chả lẽ lái xe chửi sếp thì còn ra gì. Quân bảo.
- Thì ông cứ chửi tôi cũng được chứ sao. Xưa nay có ông chửi tôi mà tôi vẫn chơi với ông, duy nhất ông là thế đó. Con người tôi đàng hoàng, đâu phải để ai cũng chửi tôi được.

Quân làm về tư vấn đầu tư và xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, đôi khi thiếu người đi thẩm định đánh giá công ty nào đó còn hoạt động hay không. Lúc đó Quân nhờ tôi đi, tôi làm khá tốt, hồ sơ, thông tin thu thập đầy đủ. Quân nài nỉ tôi làm cho Quân.

- Ông đằng nào cũng không có việc gì, tôi thì thiếu người. Ông làm gì cũng tốt như lái xe, trợ lí, thẩm tra doanh nghiệp hoạt động. Mà ông đi cùng tôi đỡ lo, vừa rồi bọn nó đánh tôi ông cũng phải lao đến đấy. Giờ có ông làm tôi đỡ lo. Tôi trả lương ông mấy việc luôn.

Tôi lắc đầu nói.

- Ông vẫn ngu, bảo sao tôi chửi ông. Người khác làm cho ông không sao. Mình tôi đã là mối lo của bọn an ninh, mình ông cũng vậy. Giờ hai thằng làm cùng nhau, chúng nó biết được là mình làm gì. Đời nào nó để yên cho thằng Lê Quốc Quân và Bùi Thanh Hiếu sóng đôi với nhau. Chúng nó một mất mười ngờ. Tôi làm cho ông thì nó quy kết công ty ông là hang ổ phản động. Nó cho cả công ty chết mất ngáp luôn.

Quân thở dài không nói nữa. Mấy hôm sau Quân đến nhà lúc tối. Tôi mở cửa sổ nhìn xuống đường, Tí Hớn mở cửa sổ đằng khác rồi gọi tôi.

- Bố ơi, có phải những người kia không.?

Tôi nhìn theo Tí Hớn chỉ, đúng là những người an ninh theo dõi nhà tôi, chắc họ đi theo Quân. Tôi nói với Quân về những gì tôi làm việc với cơ quan an ninh, kể cả chuyện họ hỏi tôi về Quân. Tôi bảo.

- Chúng nó không theo dõi tôi nữa rồi, nhưng ông thì vẫn bị, như thế ông nằm trong chuyên án của chúng nó. Giờ công việc ông thế nào rồi.

Quân kể công ty đang bị thanh tra thuế. Tôi khuyên Quân đóng cửa giải thể công ty, đi vào nhà thờ tu dưỡng một thời gian. Quân nói.

- Mấy cái việc của ông, thì ông nghe chúng nó không làm, không viết chả sao lắm. Chứ tôi còn cả công ty gây dựng bao năm, bỏ sao được.

Tôi hỏi Quân.

- Ông đọc bài ‘’ Nuôi án ‘’ và bài ‘’ Tất cả chúng ta đều ở trong rọ’’ của tôi rồi chứ.?

Quân vỗ đùi khen.
- Hay, hay tuyệt.

Tôi nói rầu rĩ.

- Chúng ta như con gà, họ để chúng ta làm có tiếng với dư luận, cũng như nuôi béo con gà. Rồi nhân dịp lên chức, dịp phục vụ đối ngoại như kiểu nhà có giỗ, có đám cưới. Họ lôi chúng ta ra thịt. Nếu chúng ta trốn trước hôm giỗ, hôm cưới một hôm vào rừng, họ đi tìm thì cũng thấy thôi, nhưng sẽ mất cả ngày. Lỡ mất ngày giỗ, ngày cưới. Họ sẽ bỏ qua và đợi dịp khác. Chẳng bao giờ đang nhiên không dịp gì cả họ bắt chúng ta. Họ cứ để chúng ta nói , viết và làm thế như nuôi béo chờ dịp. Những người cộng sản bản chất họ là vậy. Ông nghe tôi tránh lúc này đi.

Quân ầm ừ cho qua chuyện.

Mấy tháng sau Quân gọi tôi ra quán cà fe, vừa gặp nhau nó hớn hở nói.

- Chúng không theo tôi nữa rồi, sáng nay tôi không thấy đứa nào theo. Đi lượn mấy vòng cũng thế.

Tôi bỏ Quân đó, đi quanh một vòng quan sát. Lúc quay lại gật đầu công nhận không có an ninh bám theo. Quân cười tươi rói nói.

- Đấy, có gì đâu mà ông cứ lo, thuế má tôi giải trình hết với cơ quan thuế rồi.

Tôi lạnh lùng cắt ngang.
- Ông trốn luôn vào nhà thờ đi, dặn vợ con tiền nong, tài sản thế nào thì về dặn luôn đi. Chỉ vài ngày nữa là chúng nó bắt ông, không quá ba hôm nữa đâu.

Quân há mồm ngạc nhiên.

- Sao lúc này ông lại nói thế.?

Tôi nói.

- Mỗi vụ ngừng theo dõi có tính chất khác nhau. Có vụ hồ sơ đã xong, quyết định chuyển giao cho bên điều tra xét xử. Bọn ngoại tuyến không phải theo dõi nữa. Vì chứng cứ đã đủ không cần thu thập. Vụ ông là thế, nên ông đừng nói nhiều nữa, chuồn gấp đi, tôi nói tha thiết với ông đấy.

Quân dãy nảy.

- Chứng cứ cái gì, tôi làm tôi biết, chúng nó không thể có chứng cứ nào bắt tôi.

Tôi lắc đầu.

- Chúng nó xoáy vào những chứng cớ mà nó biết ông sẽ chứng minh được. Để ông chủ quan, còn những chứng cứ khác nó không hỏi ông, hay chứng cứ nó tạo ra, những cái đó chúng nó dùng kết tội khiến ông bất ngờ. Ông làm sao mà biết được. Ông nghe tôi té đi. Vào nhà thờ cho lành, chúng nó không dám xông vào bắt đâu. 6 tháng nữa yên thì mò ra.

Quân bác lại.

- Ông cứ lo xa, tôi vào đó sao được, còn vợ con, gia đình nữa.
Tôi can.

- Ông vào đó, vợ con ông còn đến thăm, nhìn thấy nhau. Ông bị bắt thì có muốn nhìn thấy con cũng chả được. Nghe tôi đi. Chỉ ba ngày nữa là chúng nó bắt ông đấy, hồ sơ giờ đang trình viện kiểm sát cũng nên.
Quân lắc đầu.

- Ông nói thì tôi ghi nhận, để tôi xem thế nào đã.

Chúng tôi chia tay nhau, tôi nhìn Quân leo lên xe ô tô. Tôi biết nó sẽ không nghe theo lời tôi. Những điều tôi nói chỉ là linh cảm theo suy luận của tôi, cũng chẳng có gì chứng minh thuyết phục được Quân nghe theo.

Không phải là 3 ngày như tôi đoán, đến nửa tháng sau Quân bị an ninh Hà Nội bắt vì lí do ‘’trốn thuế’’.

Quân có nhiều bài viết nêu rõ quan điểm chính trị bất đồng với Đảng Cộng Sản, những gì Quân viết và làm đều ôn hòa và dân chủ. Quân vẫn nghĩ nếu bị bắt thì sẽ bị bắt vì tội bất đồng quan điểm với chính quyền. Về thuế má, là một chuyên gia tư vấn, xếp hạng doanh nghiệp, Quân chắc chắc phải làm chu đáo nghĩa vụ nộp thuế của mình cho nhà nước. Nhưng chứng cứ mà an ninh tạo ra thì Quân lại không nghĩ họ có thể bất chấp làm như vậy.

© Đàn Chim Việt

7 Phản hồi cho “Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [32]”

  1. Triều HN says:

    Đang ghiền, bác NBG viết thêm cho bà con đọc … ghiền rồi!!!

  2. Trần Quốc Long says:

    Đã hơn 2 tuần rồi, ngày nào tôi cũng chờ đợi nhưng chưa thấy Người Buôn Gió đăng thêm bài nữa. Có lẽ anh bận. Mong anh dành thời gian viết thêm để vạch trần ra tội ác của chế độ CS cho mọi người xem và cũng để lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Cám ơn anh nhiều lắm. Chúc anh khỏe.

  3. Na says:

    Không biết chuyện này hết chưa, vì cuối bài không thấy ghi (còn tiếp), mà hơn tuần rồi Gió biến đi đâu mất :(

  4. kimthuan trinh says:

    Đọc các tự truyện của anh Hiếu, tôi buồn và xót xa cho những người cầm bút xứ An nam của mình (đã mang lấy nghiệp vào thân). Thế mà thỡi gian gần đây, có các cuộc tranh luận : Văn chương cần có sự sang trọng và cao quí nữa ! Thế mới chết chứ ? Tội cho Điếu Cày, Tạ Phong Tần ….. đôi dòng xin chia sẽ .

  5. Người góp ý says:

    Đọc những bài của Người buôn gió ta thấy bọn công an hiện nay cũng còn chút tình người chứ ngày xưa “giết lầm hơn thả lầm ” có lẽ NBG đi bán muối rồi.Cái gì cũng vậy cứ thành thật khai báo sẽ được nhà nước khoan hồng !

    • Chào ban, không phải bọn công an bỏ câu “giết lầm hơn thả lầm ” đâu. vi NBG là cháu ruột của cụ bà Lê Hiền Đức, nên anh ấy mới được thông thả như thế, Nếu cụ bà Lê Hiền Đức mất di, e rằng NBG không dễ sống với bọn công an

  6. TovanLai says:

    Ngừoi Buôn Gió ơi: Cần xem lại đoạn: anh không cam đoan tán phát nữa là được- Xin sửa lại:anh cam đoan không tán phát nữa là được
    Việc tôi làm, tôi chịu, tôi sẽ không đánh đổi án tù của mình lấy án tù của người khác – Đề Nghị: chữ “lấy” có thể đổi lại chữ “thành” đươc không? Cám ơn.

Leave a Reply to Mạnh Cường