WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lê Mạnh Chiến: Hai quyển tự điển rất có hại cho tiếng Việt

I. Vài lời của tác giả nhân việc đăng bài lên mạng Internet

Bàì viết về hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt mà quý vị độc giả sẽ đọc dưới đây được viết theo lời nhắn nhủ từ một biên tập viên của báo Người Đại biểu Nhân dân (nay là báo Đại biểu Nhân dân). Trước đó, tác giả đã viết bài 170 sai lầm trong một cuốn từ điển và đã gửi cho tạp chí Thế Giới Mới để đăng nhiều kỳ, nhưng chỉ mới đăng được 6 kỳ (từ số 582 ra ngày 26/4/2004 đến số 587 ra ngày 31/5/2004) với 67 ví dụ thì bị dừng lại. Tác giả đã đến Văn phòng đại diện của tạp chí Thế Giới Mới ở Hà Nội để tìm hiểu sự tình và được một biên tập viên ở đó cho biết, đại ý như sau: “Bài này được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt vì đã vạch rõ những cái sai nghiêm trọng trong một cuốn từ điển từng được nhiều người “có tiếng” ca ngợi. Tuy nhiên, dẫu chưa nêu rõ ai là tác giả của quyển từ điển có hại kia nhưng nhiều độc giả đã phát hiện ra GS Nguyễn Lân, mà như ông đã biết, GS Nguyễn Lân được coi là một ngôi sao sáng của ngành giáo dục Việt Nam, còn tạp chí Thế Giới Mới là cơ quan thuộc Bộ Giáo dục, cho nên, nếu “vạch áo cho người xem lưng” một cách kỹ quá thì cũng có phần “bất tiện”. Nghe vậy, tác giả rất thông cảm và biết ơn tạp chí Thế Giới Mới.

Giáo sư Nguyễn Lân 1906-2003

Giáo sư Nguyễn Lân 1906-2003

Dường như hiểu được khó khăn của tác giả trong việc công bố một bài mà một biên tập viên đáng kính của báo Đại biểu Nhân dân cho là “rất cần phổ biến rộng rãi”, người này đã nhắn tin qua nhà văn Vương Trí Nhàn và nhắc rằng do chức năng và khuôn khổ của báo Đại biểu Nhân dân, nên chỉ có thể đăng được bài ngắn mà thôi. Thế là tác giả phải gói ghém lại trong khoảng 4000 chữ, với 20 ví dụ về những lầm lỗi của GS Nguyễn Lân. Vì phải đụng chạm với một ngôi sao trong làng từ điển tiếng Việt (được trao tặng Giải thưởng nhà nước năm 2001 về khoa học và công nghệ cho “Cụm công trình về giáo dục học từ điển tiếng Việt”) nên tác giả phải “dè dặt”, bèn đặt tiêu đề là “Những quyển từ điển có rất nhiều sai lầm”. Trong khi đó, tác giả cũng gửi bài gần giống bài này (lấy những ví dụ khác) cho tạp chí Nghiên cứu và Phát triển với tiêu đề Hai quyển từ điển có hại cho tiếng Việt thì được BBT tạp chí này thêm một chữ rất (trở thành Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt) và đăng ngay. Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 56 (tháng 01/2005) cũng đăng bài này với tiêu đề ấy. Tác giả rất cảm ơn và thấy đúng là phải đặt tiêu đề như thế. Bởi vậy, ở đây, tác giả xin lấy tiêu đề như tạp chí Nghiên cứu và Phát triển đã sửa chữa giùm.

Cũng xin nói thêm về “số phận” của bài này sau khi được đăng trong hai số báo Người Đại biểu Nhân dân (số 67 và 68, ngày 27 và 29 tháng 4 năm 2005).

Sau khi bài này được đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân chừng hai tháng, nhân khi tác giả đến tòa soạn để nộp một bài khác (hình như là bài Chớ nên bịa đặt cứ liệu lịch sử nói về việc bịa đặt cứ liệu lịch sử trong sách Lịch sử Hà Tĩnh (nói rằng sách Đường thư đã ghi chép việc “Mai Thúc Loan từng làm phu gánh quả vải tươi sang kinh đô Trường An”, mà tất cả các nhà sử học hàng đầu, được gọi là “tứ trụ” của giới sử học đều phạm phải) nên đã hỏi thăm về phản ứng đối với bài Những quyển từ điển… Tác giả được biết rằng tình hình ở đây tuy giống như ở tạp chí Thế Giới Mới (bài báo được hoan nghênh) nhưng có hơi khác một chút xíu. Số là ngay trong ngày 27/4/2005, nghĩa là khi bài báo mới in được một nửa, GS Nguyễn Lân Dũng đã gọi điện thoại đến tòa soạn (vì ông là đại biểu Quốc hội, được phát báo đến tận tay), cực lực phản đối việc đăng bài này, với lý do đại để nói rằng ”GS Nguyễn Lân là một nhân vật nổi tiếng đã “thành danh”, sao dám làm mất uy tín của ông? Ban biên tập đã trả lời đại ý là: “Vì thấy bài này viết rất chặt chẽ, có chứng cứ đầy đủ, rất có trách nhiệm và rất bổ ích nên chúng tôi đăng. Còn nếu đồng chí thấy có gì sai thì cứ viết bài phê phán, chúng tôi sẽ đăng ngay”. Từ đó đến nay đã gần 8 năm trôi qua mà vẫn không thấy GS Nguyễn Lân Dũng hoặc bất cứ ai vạch được điều gì sai trái của tác giả. Điều đó chứng tỏ rằng những sai lầm nghiêm trọng của GS Nguyễn Lân mà tác giả Lê Mạnh Chiến đã phê phán là hoàn toàn chính xác, không thể bác bỏ. Sự im lặng của GS Nguyễn Lân Dũng và của những người mê tín GS Nguyễn Lân là bằng chứng hùng hồn nhất để khẳng định điều đó.

Mặc dầu những người muốn phản đối bài báo này đều đành phải bó tay nhưng tác giả vẫn cảm thấy rất đáng buồn, bởi vì, tuy người ta vẫn luôn mồm nói câu “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nhưng báo Giáo dục và thời đại thì từ chối, không đăng bài nói về mối hại đối với tiếng Việt, Bộ Giáo dục thì coi như không có vấn đề gì xảy ra. Đặc biệt, GS Nguyễn Lân Dũng, một đại biểu Quốc hội được tiếng là thẳng thắn, cương trực, vì dân, v.v. thì lại cực lực phản đối bài báo rất cần cho dân, sau đó, liên tục cho tái bản hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt mà vẫn không có ai lên tiếng. GS tiêu biểu, được coi là chuyên gia hàng đầu về tiếng Việt, ngôi sao của ngành giáo dục thì như vậy, GS Đại biểu Quốc hội thì như vậy, Bộ Giáo dục thì như vậy, các trường đại học và cả một đội ngũ giáo sư đông đảo… tất cả đều thờ ơ với số phận của tiếng Việt như vậy, thử hỏi, làm sao mà nền giáo dục không “xuống cấp”, văn hóa không lụn bại, đạo đức không suy đồi? Tác giả tuy có quyền tự hào nhưng vẫn mang trong mình một nỗi đau khôn nguôi.

Bao giờ nền giáo dục nước ta mới hồi sinh?

Bài này được viết đã lâu nhưng chưa hiện diện trên mạng Intternet. Nhận thấy nó còn giữ nguyên ý nghĩa thời sự, tác giả mong được các blogger cho phổ biến tới đông đảo độc giả. Sau đây là bài mà báo Người Đại biểu Nhân dân đã đăng ở số 67 và 68, ngày 27 và 29 tháng 4 năm 2005.

II. Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt

Mùa thu năm 2003, thầy giáo về hưu H.H.Phúc ở Hà Tĩnh có đưa cho chúng tôi xem một quyển từ điển giải nghĩa các từ Hán-Việt dày hơn 860 trang, mà theo thầy thì nó rất tồi tệ, rất có hại cho người sử dụng vì nó có quá nhiều sai lầm nghiêm trọng. Thầy đề nghị chúng tôi đọc và phân tích, phê phán những chỗ sai để cảnh báo trước toàn xã hội về tai hại của nó. Chúng tôi liền mở ra xem, lướt qua vài chục tờ ở vần A thì giật mình khi thấy ở từ ác ôn, soạn giả giải thích rằng ôn nghĩa là bệnh dịch. Thực ra, vốn là 惡 棍 ác côn, do sự biến âm chút ít mà thành ra ác ôn. Chữ côn có nghĩa gốc là cái gậy và nghĩa mở rộng là kẻ hư hỏng; nó có mặt trong các từ du côn, côn đồ. Do đó, ác ôn là kẻ hư hỏng, gây nhiều tội ác. Lướt qua vài trang, gặp từ anh hùng thì thấy giải thích rằng hùng nghĩa là loài thú khỏe nhất. Tuy từ điển này không ghi chữ Hán, nhưng qua cách giải thích như vậy thì ta biết rằng soạn giả nghĩ đến chữ hùng (熊) nghĩa là con gấu. Nhưng, trong từ anh hùng 英雄 thì hùng (雄) nghĩa là người có tài trí kiệt xuất. Cách giải thích các từ tố ôn và hùng như thế chứng tỏ rằng soạn giả không hề biết chữ Hán (mặc dầu có thể đã từng đi học chữ Hán, nhưng “chữ của thầy đã trả hết cho thầy” rồi), mà chỉ đem lời đoán mò để giảng giải các từ ngữ Hán-Việt, may ra thì đúng. Lật vội mấy trang nữa, liếc vào từ đại sứ 大使, một từ rất quen thuộc, ta lại phải kinh ngạc vì ở từ này, chữ đại nghĩa là lớn (大) thì soạn giả lại giảng rằng đại nghĩa là thay thế (代).

Chỉ với ba ví dụ vừa nêu cũng đủ để kết luận ngay rằng quyển từ điển này không đáng tin cậy và rất có hại cho người sử dụng nó. Lúc bấy giờ, chúng tôi chưa biết ai là người biên soạn, vì quyển sách bị xé mất mấy trang đầu và vài trang cuối. Thầy H.H. Phúc bảo tôi: “Rồi ta sẽ biết tên sách và tên tác giả thôi, nhưng trước mắt, ông nên chiu khó đọc và phát hiện thêm nhều sai lầm trong đó để cảnh báo trước công luận về mối nguy hại do nó gây ra”. Tôi đồng ý với thầy vì thấy điều đó là cần thiết, hơn nữa, tôi cũng có chút tò mò, muốn biết soạn giả này liều lĩnh và vô trách nhiệm đến mức nào. Thế là tôi phải đọc tương đối kỹ hơn, và bước đầu đã phát hiện được khoảng 170 sai lầm trong cuốn từ điển này.

Tạp chí Thế Giới Mới từ số 582 đến số 587 (từ ngày 26.4. đến 31.5.2004 ) đã công bố bài 170 sai lầm trong một cuốn từ điển nhưng độc giả chưa biết tên cuốn từ điển đó. Bài ấy đã được đăng liên tiếp trong 6 kỳ mà chỉ mới nêu được 68 từ phạm sai lầm. Nhưng, như thế cũng đủ cho thấy nhiều sai lầm rất đáng sợ mà soạn giả đã phạm phải.

hinh-bia-tu-dien-tu-va-ngu-VN
Sau đó, được một số độc giả mách bảo, chúng tôi đã xác định được rằng quyển sách chứa hàng đống sai lầm kia chính là Từ điển từ và ngữ Hán Việt của GS Nguyễn Lân (bản mà chúng tôi đã đọc là của Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, HN, 2002). Một số độc giả còn cho biết thêm rằng những sai lầm mà chúng tôi đã nêu đều có mặt đầy đủ trong quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000), mà người biên soạn cũng chính là GS Nguyễn Lân. Chúng tôi đã đối chiếu hai quyển với nhau thì thấy rằng Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2112 trang) chứa gần như trọn vẹn cả Từ điển từ và ngữ Hán Việt (867 trang), cho nên, những từ bị giảng sai trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt thì đều có mặt trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng được đọc bài Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, trong quyển Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm của tác giả Huệ Thiên (do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào quý 3 năm 2004; bài này được in lại từ tạp chí Văn ở TP Hồ Chí Minh , số 6, tháng 9 và số 8, tháng 11 năm 2000), trong đó, tác giả chỉ mới ‘’đọc lướt’’ các vần A, B, C (chiếm 1/5 quyển sách) mà đã vạch ra được 117 điều “chưa ổn’’. Những ý kiến phê bình của ông Huệ Thiên rất xác đáng. Tuy nhiên, vì chỉ mới “đọc lướt’’ cho nên trong phần mà ông đã đọc qua vẫn còn những sai lầm nghiêm trọng chưa bị phát hiện. Từ đó, chúng ta biết rằng ngoài những sai lầm giống như ở Từ điển từ và ngữ Hán Việt (mà chúng tôi đã tìm thấy hơn 200 trường hợp), Từ điển từ và ngữ Việt Nam còn chứa vô số sai lầm khác nữa, rất có hại cho việc học tập và giảng dạy tiếng Việt.

hinh-bia-tu-dien-tu-va-ngu-han-vn
Như vậy, riêng GS Nguyễn Lân đã biên soạn ra hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt. Điều này làm cho nhiều người đau lòng, nhưng đó là sự thực không thể chối cãi. Với số lượng sai lầm nhiều đến mức ấy thì phải in thành sách hoặc đăng nhiều kỳ liên tiếp mới có thể tải hết được. Trong phạm vi một bài viết cho một lần đăng báo, chúng tôi chỉ có thể nêu vài chục ví dụ về những sai lầm nằm trong cả hai quyển từ điển kể trên để độc giả chứng giám.

1. ẩn lậu 隱漏

Theo soạn giả thì ẩn = giấu kỹ, lánh đi, ngầm; lậu = rỉ ra ngoài, và ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra. Quả thật, trong chữ Hán, chữ lậu 漏 này có nghĩa là rỉ ra ngoài. Nhưng như thế thì các từ tố ẩn và lậu có vẻ như trái nghĩa với nhau, bởi vậy, giải nghĩa như vậy là không thoả đáng, mà có thể nói là sai. Chữ lậu còn có vài nghĩa khác nữa, mà trong trường hợp này nó có nghĩa là lọt, là thoát (lậu võng nghĩa là lọt lưới), cũng là trốn tránh mà thôi. Vậy ta có thể nói rắng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, là lẩn tránh. Soạn giả định nghĩa rằng ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra là để “khắc phục” điều mâu thuẫn mà ông cũng nhận thấy như chúng tôi chăng, nhưng, không thẳng thắn nói ra nghĩa là nói một cách ấp úng vì sợ sệt, hoặc là ở trong tình thế không thể giấu giếm được nên đánh phải nói ra chứ đâu có phải là ẩn lậu.

2. bàn hoàn 盤桓

Từ bàn hoàn có hai nghĩa: a) quanh quẩn không dứt ra được; b) quấn quýt với nhau. Giải thích như thế cũng tạm được. Về các từ tố, soạn giả cho rằng bàn là quanh co, hoàn là uốn éo. Thực ra, bàn 盤 nghĩa là vòng vèo, còn chữ hoàn 桓 này có các nghĩa như sau: a) cột gỗ dựng bên cạnh các dịch trạm (tức là trạm chuyển công văn) hoặc các công thự để quy định vị trí đứng đợi. Như vậy, từ bàn hoàn 盤桓 có nghĩa ban đầu là đi lại quanh quẩn cái cột mốc để mong ngóng. Về sau, nó có nghĩa mở rộng là bồi hồi, vương vấn, và quấn quýt.

3. bắc thần 北辰

Bắc thần nghĩa là sao bắc cực. Chữ thần 辰 này có nhiều nghĩa, trong đó, có nghĩa là thiên thể, là tinh tú, là ngày tháng, là đế vương (khác hẳn với chữ thần 臣 nghĩa là kẻ bề tôi hoặc chữ thần 神 trong từ tinh thần 精神). Trong trường hợp này, thần 辰 có nghĩa là ngôi sao. Nó còn có âm là thìn để chỉ ngôi thứ 5 trong 12 ngôi địa chi (tí, sửu, dần, mão, thìn, tị…). Soạn giả đưa ra một định nghĩa rất dài dòng: bắc thần là ngôi sao sáng hình như đứng yên một chỗ trên bầu trời và giúp ta xác định hướng chính bắc. Ðịnh nghĩa này không sai nhưng quá rườm rà. Ðiều không thể tha thứ được là ông đã “phán” bừa rằng thần nghĩa là tinh thần.

4. bị cáo 被告

Bị cáo là người bị tố cáo và bị toà án đem ra xét xử. Soạn giả đã hiểu đúng nghĩa của từ này, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thấy ông giải thích rằng cáo nghĩa là báo cho biết! Nếu đúng như vậy thì từ bị cáo chẳng liên quan gì với việc báo cho biết. Ðành rằng chữ cáo 告 cũng có nghĩa là báo cho biết, nhưng nó còn có một số nghĩa khác nữa, mà cụ thể ở đây làbuộc tội, vạch tội.

5. bức xạ 輻射

Theo soạn giả, bức nghĩa là bắt buộc, xạ nghĩa là bắn; bức xạ là sự phát và truyền năng lượng dưới dạng sóng và dạng hạt. Có thể chấp nhận định nghĩa này về bức xạ. Nhưng soạn giả đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi ông đoán liều rằng bức nghĩa là bắt buộc. Chữ bức 輻 ở đây (khác hẳn chữ bức 逼 là bắt buộc) có nghĩa gốc là nan hoa ở bánh xe, và có nghĩa mở rộng là toả ra khắp mọi phía xung quanh.

6. cử tọa 擧座

Về từ tố cử, soạn giả nêu ra các nghĩa: cất lên, đưa lên, nổi dậy, thi đỗ; còn tọa thì có nghĩa là ngồi. Thực ra, chữ tọa 座 ở đây có nghĩa là chỗ ngồi (khác với chữ tọa 坐 nghĩa là ngồi). Về chữ cử, ngoài vài nghĩa mà soạn giả đã nêu, còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có nghĩa là tất cả., và đó chính là nghĩa của nó trong từ cử tọa. Vì thế, cử tọa nghĩa là tất cả những người ngồi dự một cuộc họp

7. dạ hợp 夜合

Theo lời soạn giả thì dạ = ban đêm; hợp = thích hợp; và dạ hợp là một loài cây cùng họ với ngọc lan, hoa trắng rất thơm, nở về ban đêm. Cách cắt nghĩa từ tố hợp như trên đã khiến ông tin rằng dạ hợp nghĩa là thích hợp với ban đêm nên loài hoa này ắt phải nở về đêm! Ðó là một điều sai nghiêm trọng. Ðúng là chữ hợp 合 có một nghĩa là thích hợp, là phù hợp, nhưng nó còn có nhiều nghĩa khác nữa. Trước hết, nghĩa ban đầu của nó là khép lại, mà đó cũng chính là nghĩa cụ thể trong từ dạ hợp 夜合. Từ điển Từ nguyên nói về cây dạ hợp như sau: “mộc bản, diệp trường, hoa thanh bạch sắc, hiểu khai dạ hợp, cố danh”. Nghĩa là: thân gỗ, lá dài, hoa màu trắng xanh, trời sáng thì nở, ban đêm thì cụp lại, do đó mà có tên ấy. Như vậy, vào ban đêm, hoa dạ hợp không thể nở được, dẫu đã nở rồi cũng phải cụp lại.

8. Ðịa Trung Hải 地中海

Ðịa là đất, là lục địa; trung là ở trong, ở giữa; hải là biển. Ðịa Trung Hải là biển ở trong lục địa. Tuy nhiên, từ này đã trở thành tên riêng để chỉ một biển cụ thể, có diện tích 25 triệu km2, nằm ở phía nam Châu Âu, phía bắc Châu Phi, phía tây Châu Á, thông với Ðại Tây Dương qua eo biển Gibraltar và thông với Biển Ðỏ qua kênh đào Suez. Ðiều đáng ngạc nhiên là sau khi giải thích rằng Ðịa Trung Hải là biển ở giữa lục địa, soạn giả đưa ra một câu ví dụ: Biển Caxpiên của Liên xô là một địa trung hải. Như vậy, ông đã không định nghĩa được từ Ðịa Trung Hải, lại còn dùng từ này như một danh từ chung, với nghĩa là cái hồ lớn. Hơn nữa, biển Caxpiên còn có 43.200 km2 thuộc chủ quyền của Iran chứ không hoàn toàn thuộc Liên Xô trước đây.

9. đồng lõa 同伙

Có lẽ ai cũng biết rằng từ đồng lõa có hai nghĩa: 1) người trong cùng một nhóm để làm một việc bất chính (danh từ), và 2) cùng tham gia một nhóm làm việc bất chính (động từ). Soạn giả dạy rằng lõa là cái bọc. Thực ra, lõa là âm đọc chệch từ chữ hỏa 火 nghĩa là lửa, là bếp. Theo binh chế thời xưa, mười người lính thì cùng nấu một bếp, tạo thành một hỏa, như một tiểu đội vậy. Đồng hỏa 同伙 (chữ hỏa 火 ở đây thường được viết là 伙 để chỉ người) nghĩa là người trong cùng một bếp ăn, mở rộng ra là bọn người cùng một nhóm “làm ăn với nhau” (thường là bất chính.)

10. giám quốc 監國

Soạn giả cho biết: giám nghĩa là trông coi, quốc là nước. Đúng. Nhưng ông định nghĩa rằng giám quốc là người đứng đầu một nước cộng hoà tư sản thì sai to. Càng sai nữa khi ông viết rằng Ngày nay người ta dùng từ “tổng thống” để thay từ “giám quốc”. Thực ra, giám quốc là người cầm quyền tạm thời khi vua vắng mặt hoặc khi vua còn nhỏ. Ví dụ, năm 1908, Phổ Nghi lên ngôi khi mới hai tuổi, đình thần nhà Thanh đã cử cha của ông ta là Tải Thuần làm giám quốc. Cuối năm 1787, tướng của Nguyễn Huệ là Vũ Văn Nhậm ra Bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi lập Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận (chú của Lê Chiêu Thống ) làm giám quốc vì Lê Chiêu Thống đã chạy khỏi kinh thành để cầu cứu quân Thanh. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm, ông vẫn để Lê Duy Cận làm giám quốc.

11. kinh lạc經絡

Soạn giả cho biết rằng chữ kinh 經 có các nghĩa: sửa trị, đường dọc, sách vở, từng trải, thường. (Chúng ta hiểu rằng trong từ kinh lạc, thì kinh có nghĩa là đường dọc). Còn chữ lạc thì ông cho rằng đó là dây thần kinh, và kinh lạc là hệ thống dây thần kinh nối liền các huyệt. Nhưng, theo từ điển Từ Hải thì kinh lạc là mạng lưới các đường vận chuyển khí huyết (theo quan niện của Đông y, gần có nghĩa như năng lượng) trong cơ thể. Kinh 經là những đường chính chạy theo chiều dọc của cơ thể; lạc絡 là những đường nối ngang giữa các đường dọc ấy; các huyệt châm cứu đều nằm trên mạng lưới kinh lạc. Hệ kinh lạc khác hẳn hệ thần kinh, và các đường kinh lạc không trùng với các dây thần kinh.

12. linh sàng 靈床

Linh là thiêng liêng, là liên quan đến người chết; sàng là cái giường. Các từ tố này đã được soạn giả giải nghĩa đúng. Nhưng ông cho rằng linh sàng là giường thờ người mới chết chưa đem chôn. Nếu như vậy thì phải chăng Nguyễn Du đã dùng sai từ này ở hai câu thơ trong Truyện Kiều:

Sang nhà cha, tới trung đường,/ Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên.

Thật ra, từ linh sàng có hai nghĩa: 1) giường đặt thi thể người chết khi đám tang; 2) cái bàn nhỏ đặt trước bàn thờ, làm “chỗ nghỉ” cho linh hồn người chết khi chưa hết tang. Đó chính là cái “giường thờ”, rồi từ đó, dân ta cũng gọi cái bàn thờ là “giường thờ” khiến nhiều người, kể cả những người biên soạn từ điển tiếng Việt đã định nghĩa: “giường thờ” là bàn thờ tổ tiên, cao và rộng! (Hoàng Phê). Trong hai câu thơ trên đây, linh sàng mang nghĩa thứ hai.

13. lộng hành 弄行, lộng quyền 弄權

Lộng hành nghĩa là hành động một cách coi thường mọi người. Lộng quyền nghĩa là đem quyền hành ra làm trò đùa, muốn làm gì thì làm, chẳng kể gì đến phép tắc luật lệ. Chữ lộng 弄 có một số nghĩa thông thường là: chơi đùa; đem sự vật khác hoặc sự việc khác ra làm trò đùa; khinh nhờn, coi thường. Với nghĩa như thế, người ta còn có từ lộng nguyệt, nghĩa là chơi đùa với trăng, tức là vui chơi dưới ánh trăng, lộng ngôn là nói năng bừa bãi, thích nói gì thì cứ nói, và lộng bút nghĩa là viết lách vô trách nhiệm, không biết cũng viết bừa, coi thường mọi người. Tiếc thay, soạn giả chỉ nắm được nghĩa sơ sài của các từ lộng hành và lộng quyền rồi suy ra rằng lộng nghĩa là lấn át. Chưa kể đến hàng trăm trường hợp giảng giải liều lĩnh khác, chỉ riêng trường hợp này cũng đã đủ cho phép mọi người coi ông là một kẻ lộng bút.

14. lưu chiểu 留照

Soạn giả giảng rằng lưu = giữ lại; chiểu = văn bản; và lưu chiểu là tác phẩm văn nghệ nộp cho cơ quan lưu trữ của nhà nước để làm tài sản chung. Nhưng, chẳng có chữ chiểu nào có nghĩa là văn bản cả. Hơn nữa, chúng ta biết rằng chữ chiểu ở đây chính là biến âm của chữ chiếu 照, tức là đối chiếu, là so sánh để phát hiện thật hay giả hoặc đúng hay sai. Lưu chiểu là giữ lại bản mẫu của văn bản đã lưu hành để so sánh, kiểm tra khi cần thiết. Mục đích chính của việc lưu chiểu là như thế chứ không phải để làm tài sản chung. Soạn giả đã không hiểu chữ chiểu và cũng không hiểu gì về từ lưu chiểu.

14. lỵ sở治所

Lỵ sở là trung tâm hành chính của một địa phương. Nhưng thật là sai lầm khi soạn giả đoán rằng lỵ là đến nơi. (Chữ này có mặt trong từ lỵ nhậm 蒞任, nghĩa là đến nơi nhậm chức). Ông không biết rằng lỵ sở vốn là trị sở治所 nhưng bị đọc chệch đi và đã trở thành thói quen. Lỵ ở đây chính là trị 治, nghĩa là cai quản, điều hành công việc, và cũng dùng để gọi tắt từ trị sở.

15. thôi thúc 催促

Từ này tưởng là quá đơn giản, thế mà soạn giả đã giảng sai. Theo ông, thôi nghĩa là thúc giục, và thúc nghĩa là buộc. Thực ra, chữ thúc 促 này có nghĩa là giục giã, là đòi phải tăng tốc, như trong từ đốc thúc, khác với chữ thúc 束 nghĩa là buộc. Chữ thúc trong từ thôi thúc cũng có âm là xúc, và có mặt trong từ xúc tiến.

16. thế nghiệp 世業

Soạn giả đã giảng rằng thế nghĩa là quyền lực hoặc trạng thái (có dạng chữ Hán là 勢), nghiệp nghĩa là nghề, và thế nghiệp là chức vụ do cha ông để lại trong thời phong kiến. Thực ra thế 世 nghĩa là đời, nghiệp 業 là sự nghiệp hoặc sản nghiệp. Thế nghiệp 世業 là sự nghiệp hoặc tài sản do đời trước để lại. Các bộ từ điển đáng tin cậy đều định nghĩa như thế.

18. trữ tình 抒情

Vì không biết “mặt chữ” mà chỉ phỏng đoán theo cảm tính nên soạn giả đã giảng giải rằng trữ là chứa chất, tình là tình cảm; trữ tình là chứa chất tình cảm. Thật là sai lầm nghiêm trọng. Nên nhớ rằng ở đây, trữ 抒 nghĩa là biểu đạt, là bày tỏ. Trữ tình nghĩa là bày tỏ tình cảm. Cần phân biệt chữ trữ 抒 này với chữ trữ 貯 trong từ tích trữ.

19. vi điện tử 微 電 子

Vi điện tử là hạt điện tử rất nhỏ, đó là cách giải thích của soạn giả, khiến người đọc buồn cười. Điện tử, tức electron, là một loại hạt cơ bản bền vững, là hạt tích điện âm trong mọi vật chất thông thường, có khối lượng bằng khoảng 9,11 x 10-28gram và điện tích khoảng -1,602 x 10-19 coulomb. Như vậy, điện tử có khối lượng và điện tích rất cụ thể, làm gì có thứ điện tử rất nhỏ khác nữa?

Từ vi điện tử vốn được dịch từ tính từ microelectronic(al) trong tiếng Anh (hoặc micro-electronique trong tiếng Pháp), nó chỉ có thể đóng vai trò tính từ, như trong các cụm từ như mạch vi điện tử, thiết bị vi điện tử, v.v. để chỉ mạch điện tử hoặc thiết bị điện tử có kích thước cực kỳ nhỏ bé.

20. viễn phố 遠浦

Soạn giả giải thích rằng viễn = xa; phố = chỗ bán hàng, nhà trạm; và viễn phố = nơi ở xa. Rồi ông trích dẫn câu thơ Gác mái, ngư ông về viễn phố… của Bà huyện Thanh Quan. Ông không hiểu rằng ở đây, phố 浦 nghĩa là bến sông chứ không phải phố 鋪 là cửa hàng. Viễn phố 遠浦 nghĩa là bến sông ở xa. Bà huyện Thanh Quan ở thế giới bên kia hẳn phải nổi giận và vô cùng đau lòng cho đất nước nếu bà biết rằng có một nhà biên soạn từ điển tiếng Việt ở cuối thế kỷ XX đã giảng giải thơ của bà như thế.

Vài chục thí dụ trên đây chỉ là một phần mười của những sai lầm mà chúng tôi đã phát hiện được trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt, mà cũng nằm cả trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân. Đương nhiên, vì Từ điển từ và ngữ Việt Nam chứa trọn nội dung của Từ điển từ và ngữ Hán Việt và còn thêm rất nhiều từ ngữ khác ít liên quan đến Hán ngữ nên nó còn phạm vô số sai lầm khác mà tác giả Huệ Thiên đã cho thấy một phần qua bài Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân.

Qua những thí dụ này, chúng ta thấy soạn giả Nguyễn Lân luôn luôn sẵn sàng “sáng tác” nghĩa cho các từ tố; hơn nữa, ông lại rất thiếu kiến thức về văn hóa, lịch sử và khoa học. Nếu trong đời một giáo viên đứng trên bục giảng mà một hai lần phạm vài sai lầm như những trường hợp kể trên thì cũng trở thành trò cười và mang tiếng cả đời rồi. Huống chi, từ điển là sách cung cấp những hiểu biết chính xác về từ ngữ, ở đây là từ ngữ tiếng Việt, mà phạm đến vài trăm sai lầm lớn như thế, sao có thể chấp nhận được?

Một thực tế rất đáng buồn là Từ điển từ và ngữ Hán Việt chứa nhiều sai lầm nghiêm trọng như vậy nhưng sau lần xuất bản đầu tiên năm 1989 (Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh), nó đã được tái bản nhiều lần. Vì thế nên đến năm 2000, GS Nguyễn Lân lại cho ra đời quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam lớn hơn và càng nhiều sai lầm hơn. Đặc biệt, Từ điển từ và ngữ Hán Việt thì được GS Lê Trí Viễn coi là cuốn từ điển Hán Việt tốt nhất từ trước đến nay, và nó sẽ là công cụ tra cứu không thể thiếu được đối với bất kỳ ai, trước hết là học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các nhà biên soạn, khi muốn nắm được nghĩa chính xác của từ và ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay. Còn về giá trị của Từ điển từ và ngữ Việt Nam thì GS Vũ Khiêu cho rằng “trí tuệ và tâm huyết của tác giả đã tạo ra một tác phẩm rất có giá trị mà cả xã hội đang mong đợi” (theo Lời giới thiệu).

Khỏi phải bàn về tính khả tín của hai vị giáo sư này.

© Lê Mạnh Chiến

Nguồn: Bauxit Việt Nam

29 Phản hồi cho “Lê Mạnh Chiến: Hai quyển tự điển rất có hại cho tiếng Việt”

  1. Phạm Văn Hùng says:

    Tôi đã in tập tài liệu có liên quan được in rải rác trên mang , trong đó có talawas từ cách nay 5-6 năm, thành một tập chung có tên “TỪ ĐIỂN ĐÍNH CHÍNH TỪ ĐIỂN” và để bên cạnh cuốn từ điển Từ và ngữ tiếng Việt. Một chuyện khôi hài nhất nhất nhất thế giới.
    Qua câu chuyện có nhắc đến Ng L D ở trên, tôi thực sự mất hết niềm kính trọng với gia tộc danh giá này. Hóa ra họ cũng chả ra gì ! Buồn thay đất nước tôi tới hồi,,,thế mạt!!

    • Ngô Vĩnh Tường says:

      Tôi thấy rằng bạn đừng nên dùng quyển từ điển này nữa thì hơn. Và với những người quen biết có nhu cầu, bạn cũng khuyên họ không nên dùng. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều từ điển loại đó chính xác và đáng tin hơn nhiều, ví dụ như tác phẩm của các tác giả Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Đức Dương…Nghĩ tới cảnh để tra một từ hay một câu mà bạn phải dùng tới hai quyển từ điển mà vẫn thấp thỏm không biết từ hay câu tra được đó có chính xác hay không thì thật là ái ngại quá!

      • Vũ Thế Phan says:

        Cám ơn bác Ngô Vĩnh Tường đã giới thiệu soạn giả Từ điển Nguyễn Đức Dương; để đáp tạ, kính mời các bác đọc bài ‘bình’ mới toanh này:

        Ai làm hỏng ” Di sản tục ngữ”?
        Hay là những sai lầm của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương trong Từ điển tục ngữ Việt (Hoàng Tuấn Công)

        http://bolapquechoa.blogspot.fr/

      • Ngô Vĩnh Tường says:

        Tôi đã đọc bài theo đường link của bạn Vũ Thế Phan. Tôi xin rút lại lời giới thiệu tác giả Nguyễn Đức Dương. Tôi xin lỗi vì lời giới thiệu không cẩn trọng và cám ơn sự phát hiện của bạn Vũ Thế Phan.

  2. nguenha says:

    Ngoài những sai lầm của cuốn Từ Điển,có một điều it ai “để Ý”,đó là “tính Vô-Học của “trí thức CS”.
    RẤt nhiều cuốn Tự Điển nổi tiếng trên thế giới Từ Larousse đến Wester’s…chẳng có cuốn nào ghi “học
    vị” của người sọạn Từ điển cả.(nếu có thì cũng ở trang trong).Lý do tôn trọng mọi người ! Cụ thể những cuốn từ điển nổi tiếng ở VN thời trước,như Danh từ khoa học của GS Hoàng x Hãn , cũng chỉ đề ” HXH”,từ điển của GS Dào văn Tập cũng chỉ đề “ĐVT”! Nói cho cùng,những việc làm “chưa bắt chuột, mà đả ỉa bếp’,ám chỉ những con mèo “vô tích sự”.! Như Trọng lú,như Bộ trưởng Côn An…họ là những GS Tiến Sĩ ,học vị đi kèm với chức vụ,trong lúc chức vụ một đàng,mà học vị một nẻo! Than ôi cho Đất nước Việt Nam,nền Học Thuật
    đả đến hồi mạt vận ,vì toàn là “ông Nghè tháng Tám” cả.!

  3. Lu Quá Sắc says:

    Trích 2 đoạn:
    “GS Nguyễn Lân Dũng đã gọi điện thoại đến tòa soạn (vì ông là đại biểu Quốc hội, được phát báo đến tận tay), cực lực phản đối việc đăng bài này, với lý do đại để nói rằng ”GS Nguyễn Lân là một nhân vật nổi tiếng đã “thành danh”, sao dám làm mất uy tín của ông?”
    “Đặc biệt, GS Nguyễn Lân Dũng, một đại biểu Quốc hội được tiếng là thẳng thắn, cương trực, vì dân, v.v. thì lại cực lực phản đối bài báo rất cần cho dân”
    …sao dám làm mất… ? Cách suy nghĩ và nói như thế này từ đâu ra vậy?
    … GS … được tiếng là thẳng thắn… SO WHAT? Nói như người Pháp “la preuve par l’absurde” nó nằm ngay đây nè.
    Hèn gì bọn CS chả muốn muôn năm “chừng chị” bọn “chí thích” này. Khặc Khặc Khặc…
    CẨU THẢ = là thả chó ra đấy…

  4. Trực Ngôn says:

    Đọc bài viết mà tôi muốn nổi sùng, văng tục vì sự tắc trách, vô cảm của bộ Giáo dục và tạp chí Thế Giới Mới ở Hà Nội.

    Đã là con người thì ai cũng cái đúng cái sai, cho dù GS Nguyễn Lân ‘được coi’ là một ngôi sao sáng (hay chỉ là tô vẽ) của ngành giáo dục Việt Nam thì ông cũng chỉ là một con người, một cá thể, còn tạp chí Thế Giới Mới là cơ quan thuộc Bộ Giáo dục, là người có trách nhiệm trong việc trồng người, đào tạo chất xám cho dân tộc, đất nước. Vậy trách nhiệm của các người để đâu?

    Bất kỳ cuốn từ điển là của ai, nhưng đã sai thì phải sửa, “vạch áo” (hay quần) để cạo mủ, bôi thuốc, chữa trị mụn nhọt ở lưng (hay ở háng) thì cũng cứ phải làm, không lẽ chỉ vì sợ người ta nhìn thấy mà bưng bít để nó làm độc, ung thối, làm hư đi cả con người (dân tộc) ?

    Trích: “Lướt qua vài trang, gặp từ anh hùng thì thấy giải thích rằng hùng nghĩa là loài thú khỏe nhất“.

    Trời đất! Thưa GS Lân, vậy thì hiểu sao đây khi nói rằng: “Quân Đội NDVN anh hùng” theo từ điển của GS?

    Cám ơn tác giả Lê Mạnh Chiến đã can đảm vạch ra những sai trái, cẩu thả của người soạn từ điển và sự tắc trách của những người trong cơ quan thuộc Bộ Giáo dục!

    • Vũ Thế Phan says:

      [Trích: “Lướt qua vài trang, gặp từ anh hùng thì thấy giải thích rằng hùng nghĩa là loài thú khỏe nhất“.
      Trời đất! Thưa GS Lân, vậy thì hiểu sao đây khi nói rằng: “Quân Đội NDVN anh hùng” theo từ điển của GS? ] (Trực ngôn)
      ________

      - Nếu GS Nguyễn Lân đã giải dạy «(Anh) hùng nghĩa là loài thú khoẻ nhất», thì cách định nghĩa sau đây đâu có gì sai:

      [ Hôm ấy cháu giảng bài văn, có đoạn kể thành tích anh hùng và dũng cảm của nhân dân ta đã đánh gục Tây, đánh nhào Mỹ v.v... Cuối cùng, cháu kêu một em học trò trai lớn nhất lớp, bảo nó cắt nghĩa hai chữ: dũng cảm là gì? Nó đứng lên suy nghĩ một lúc rồi đáp gọn lỏn: “Nghĩa là... là...đéo sợ!”

      Sau đó cháu lại có cuộc tiếp xúc với ông thứ trưởng về định hướng giáo dục xhcn, liền đem chuyện thằng bé học trò đã cắt nghĩa 2 chữ Dũng cảm là: đéo sợ, cho ông nghe. Nghe xong, ông thứ trưởng tỏ vẻ đăm chiêu, ra điều suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng, ông nghiêm nghị nhìn cháu, rồi gật gù như một triết gia uyên bác vừa khám phá ra một chân lý, chậm rãi đáp:

      - Ừ, mà nó cắt nghĩa như thế cũng đéo sai!

      - !!!

      - Ðấy, bây giờ luân lý, đạo đức của con người XHCN như thế đấy. Đất nước kiểu nầy thật là đéo khá!] (theo HLN)

  5. Ngô Vĩnh Tường says:

    Cám ơn sự công tâm và dũng cảm của ông Lê Mạnh Chiến. Về việc nêu ra sai sót của những quyển Từ điển do giáo sư Nguyễn Lân soạn, tôi còn nhớ ông An Chi đã nêu ra trong Kiến thức ngày nay những năm 199x. Khi đó giáo sư Nguyễn Lân còn sống và đã có một loạt bút chiến xung quanh câu “Mài mực ru con, mài son đánh giặc”. Như vậy là những sai sót của những quyển từ điển đó là có, dù cho tác giả của chúng là một người nổi tiếng. Thiết nghĩ rằng chuyện sai sót trong khoa học nói chung cũng như trong công việc soạn từ điển nói riêng là điều khó tránh khỏi. Với một nhà khoa học công tâm, có nhân cách thì không những phải rất thận trọng trong quá trình làm việc, mà khi công trình đã đi vào cuộc sống thì luôn có thái độ cầu thị sẵn sàng sửa sai để cho đứa con tinh thần của mình ngày một có giá trị hơn. Thế nhưng ở Việt nam xưa nay, trong giới khoa học vẫn tồn tại một thái độ mà nhà văn Phan Khôi gọi là “học phiệt”: cho rằng chỉ duy nhất mình là đúng trong học thuật và công trình nghiên cứu, không chấp nhận ý kiến khác biệt, không sẵn sàng đối thoại để tìm ra điều đúng nhất. Dòng họ Nguyễn Lân là một dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở Việt nam, có nhiều đóng góp cho đất nước. Đáng lẽ ra với uy tín tên tuổi của dòng họ, với thái độ toàn tâm toàn ý cho khoa học, những thành viên trong dòng họ phải có thái độ thực sự khoa học và công tâm trong việc tiếp nhận nhưng thông tin liên quan đến các công trình của giáo sư Nguyễn Lân mới đúng, đằng này họ lại không được như vậy. Sự việc này cho thấy tình trạng con người làm khoa học và giá trị thực sự (bỏ qua những đánh giá, ca ngợi phi khoa học) của những công trình khoa học ở Việt nam. Như vậy, rất cần có nhiều người như ông Lê Mạnh Chiến, ông An Chi… để góp phần làm cho môi trường khoa học Việt nam ngày càng lành mạnh hơn.

    • Lại Mạnh Cường says:

      Thưa ông Ngô Vĩnh Tường và bà con,

      Tôi sống trong Nam kô biết gì về giáo sư Nguyễn Lân và con cái ông cho đến thời gian gần đây qua internet mới biết một ít về họ.

      Tôi nghĩ, tác phẩm của ông Nguyễn Lân là một công trinh đồ sộ, cần có sự đóng góp của nhiều người, nhưng ông Nguyễn Lân miệt mài thực hiện một mình. Đó là một thành quả lao động cật lực, đáng ngọi khen và tuyên dương.của một trí thức có trách nhịêm cao.

      Như đã nói, vì quá tải nên sẽ không tránh khỏi những chủ quan, sai sót. Ông An Chi, Lê Mạnh Chiến là những người có công chỉ ra những sai sót đó. Đây cũng là một việc làm đáng khen, do dám mạnh dạn và thẳng thắn đưa ra ánh sáng những điểm yếu trong một tác phẩm vĩ đại của một khuôn mặt lớn trong ngành giáo dục.
      Cần phải tuyên dương và khuyến khích họ góp phần vào sự bổ túc lẫn hoàn thiện công trình trên của giáo sư Nguyễn Lân. Bởi đây là một công trình dài hơi, cần có những góp phần nghiên cúu của nhiều người, nhiều thế hệ.
      Kẻ nào tìm cách ngăn chặn là tìm cách phá hoại thành quả lao động nghiêm túc của giới học giả Việt Nam. Cũng như chỉ có kẻ thiển cận, mới nghĩ là sửa lại sai sót của ấn bản nguyên thủy là mạo phạm, bôi đen uy tín của giáo sư Nguyễn Lân.
      Nhân đây cũng thưa luôn, đừng nên “té nước theo mưa”, mà cần phải thận trọng và cố tỏ thái độ tôn kính người đi trước, khi góp ý sửa sai. Có thế mới vui vẻ cả làng. Các cụ ta đã khuyên: Lời nói kô mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau ! Dùng từ ngữ đao to búa lớn sẽ không có lợi, ngược lại có khi gây ra khẩu chiến vô ích.

      Kinh nghiệm riêng cho tôi thấy, các tự điển luôn luôn được rà soát lại, vừa để hoàn thiện lẫn làm mới. Điển hình như Tiểu Tự điển Larousse, Tự điển Webster v.v…. Chính vì thế mà có những ấn bản mới và cuốn tự điển trở thành sách gối đầu giường cho các thế hệ liên tục nhau, khiến cho tuổi thọ của tự điển chỉ có dài thêm ra, chẳng khác chi loài rắn “lột da sống đời” !

      Kính,
      Lại Mạnh Cường

      • Ngô Vĩnh Tường says:

        Thưa ông Lại Mạnh Cường!
        Tôi rất đồng ý với ý kiến của ông. Và tôi luôn trân trọng thành quả lao động trí óc của bất cứ ai đóng góp vào tiến bộ của loài người. Nhưng tôi rất không đồng ý tồn tại một không khí gọi là “học phiệt” trong khoa học. Nếu vì một thái độ khoa học khách quan, tại sao khi có những thông tin về việc có sai sót trong một quyển từ điển, tác giả, cơ quan xuất bản không tổ chức hội thảo để trao đổi rõ ràng những sai sót đó nhằm tìm hướng sửa chữa mà lại dùng những biện pháp hành chính, những hành động phi khoa học để không cho người khác lên tiếng? Thậm chí những lần xuất bản sau này, những sai sót đã phát hiện vẫn còn nguyên, thử hỏi tinh thần khoa học và trách nhiệm nghề nghiệp của những người trong cuộc để đâu? Phải biết rằng mức độ yêu cầu chính xác của loại sách công cụ gốc như Từ điển cao hơn rất nhiều so với các loại sách khác. Trong các loại sách này, một dấu chấm, dấu phẩy bị đặt sai cũng phải được đính chính liền và phải sửa ngay trong bản chính khi xuất bản lần sau chứ không thể có chuyện hàng trăm lỗi sai đã bị phát hiện mà vẫn nghiễm nhiên xuất hiện qua hết lần xuất bản này đến lần xuất bản khác như trường hợp này. Nếu đây là một quyển từ điển thuộc một chuyên môn hẹp, ít người dùng tới thì không nói làm gì, đằng này, nó là một (hai thì đúng hơn) quyển từ điển về tiếng Việt, liên quan đến ngôn ngữ của hơn 90 triệu người, chưa kể những người nghiên cứu và học tập nước ngoài thì không thể xem thường được.
        Tôi còn nhớ khi GS Nguyễn Lân qua đời, ông Nguyễn Lân Dũng qua trả lời báo chí có kể một câu chuyện: Khi quyển Từ điển Từ và Ngữ Việt nam đang trong quá trình in ấn, GS Nguyên Lân yêu cầu phải để chính ông duyệt lại bản sắp chữ từng trang một chứ không tin tưởng giao cho một ai khác, và nhà in cũng thực hiện đúng như vậy. Chỉ duy nhất trang bìa là GS Nguyễn Lân không duyệt nên sau khi sách in xong, phát hiện thấy chữ “và” ở bìa sách in thành chữ “&”, ông đã không chấp nhận và nhà in phải in lại toàn bộ bìa của lô sách ấy. Như vậy, chính GS Nguyễn Lân chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm về nội dung cuốn sách này. Có ý kiến cho rằng ông soạn quyển sách ấy một mình, khi tuổi đã cao, sức đã yếu thì sai sót là không thể tránh khỏi. Tôi không đồng ý với ý kiến này. Thậm chí tôi còn cho rằng những người khuyến khích ông làm việc trong điều kiện như thế để cho ra một sản phẩm thế này đã phạm tội ác: đó là tội ác đã bắt một người quá tuổi lao động từ lâu phải ráng sức để tạo ra một phế phẩm có hại cho người dùng. Mặt khác, cho dù ông làm việc một mình thì vẫn còn bao nhiêu hội đồng lớn nhỏ, bao nhiêu chuyên gia uyên bác, các vị đi đâu? Hay là các vị ấy cũng chẳng thèm đọc lấy một trang để mà gọi là có ý kiến đóng góp? Bởi vì với những sai sót như thế, một người có trình độ bình thường còn phát hiện ra, làm sao qua mặt được những cây Đa, cây Đề trong làng Ngôn ngữ học Việt nam? Câu hỏi này chỉ có một câu trả lời: đó là sự tắc trách, vô trách nhiệm của hệ thống mà thôi. Và đây cũng chính là điều mà tôi phê bình, thưa ông Lại Mạnh Cường!
        Với tư cách cá nhân, tôi rất kính trọng GS Nguyễn Lân và các thành viên hậu duệ của ông, nhưng như vậy không có nghĩa rằng tôi phải chấp nhận bất cứ sản phẩm nào của họ mà không được có ý kiến gì. Một nhà khoa học được tôn vinh là do giá trị công trình khoa học của họ đối với đời sống con người chứ không phải do bất cứ điều gì khác. Còn chuyện ông Lại Mạnh Cường nói rằng “té nước theo mưa” thì ông nên xem lại xem mình nhận định đã chính xác chưa chứ đừng phát biểu theo cảm tính.
        Vài lời trao đổi cùng ông. Xin gửi đến ông lời chào trân trọng.

      • Lại Mạnh Cường says:

        Thưa ông Ngô Vĩnh Tường và qúi đồng hương,

        Thật thích thú khi đọc phản hồi của ông, làm sáng tỏ thêm vấn đề cho tôi, vốn không theo dõi diễn tiến việc này. Cũng nhân vui câu chuyện, xin thưa lại đôi điều

        1/
        Ngay từ đầu tôi đã khẳng định, việc soạn tự điển là một việc làm trọng đại, cần một tập thể hơn là một cá nhân. Lý do tại sao khỏi cần nêu ra mất thì giờ.
        Tuy nhiên ở ta xưa nay đa số cá nhân thực hiện mộng ước lớn, “một mình một chợ” soạn tự điển (Pháp-Việt; Anh-Việt …). Đó là một thói quen, một thông lệ, theo tôi không hay.
        Nhưng có những cá nhân (uy tín) lại cứ thích soạn tự điển một mình (như giáo sư Nguyễn Lân). Và với thế lực cùng uy tín cá nhân, kèm theo vận động cửa hậu (lobby), họ đi lọt mọi cửa ngõ dễ dàng. Tôi cho đó là trường hợp của ông Nguyễn Lân.
        Sau khi đọc song thư ông, tôi còn đặt giả thuyết, giáo sư Nguyễn Lân cực kỳ kỹ tính, cho nên ổng không thể cộng tác với bất cứ ai trong việc trên chăng ?

        2/
        Nếu đã có những trao đổi ngầm hay công khai, mà tác giả hay cơ quan chịu trách nhiệm vẫn ngoan cố, không sửa chữa hay hiệu đính, cứ thế tiếp tục in ấn dài dài. Theo tôi, thật hết thuốc chữa !
        Sách học ở phương Tây, nhất là loại gối đầu giường, cứ sau vài năm (khoảng năm (05) năm) lại có ấn bản mới ra đời. Nghĩa là người ta duyệt lại toàn bộ từ A đến Z.

        Kinh nghiệm riêng khi còn là sinh viên (nay ra sao tôi không rõ) cho tôi thấy, sách học loại textbook gối đầu giường về y khoa của Mỹ (như về Nội khoa, Nhi khoa, Sản Khoa, Ngoại Khoa v.v…), thường là một tập hợp của nhiều tay cự phách nhất nhì trong ngành chuyên môn, viết bài. Trong khi ở Pháp lại có khuynh hướng một người viết từ A đến Z. Rồi sách Mỹ theo thông lệ là cứ 5 năm lại có ấn bản mới. Trong khi sách Pháp thì không thế. Rất lâu mới có ấn bản mới.

        Xin kể một chuyện vui (nếu xem là vui), có lần tôi cầm quyển sách Bệnh học (Pathology) của một giáo sư Mỹ nổi danh và khen: Chắc hẳn ông này hài lòng lắm về tác phẩm để đời này lắm nhỉ !
        Ông thày ruột của tôi là giáo sư Đào Hữu Anh, thấy thế cười ruồi và bảo: Cậu tưởng thế, chứ thực có lần tôi cũng tình cờ gặp ông và khen y như cậu. Nhưng ông ấy nhăn mặt nhíu mày than phiền: Đây là một sai lầm lớn lớn nhất khi tôi dại dột chủ trì ra sách này đấy !
        Trước sự ngạc nhiên tột độ của tôi, thày tôi nhẫn nha giải thích: Tôi hỏi ngay lại: Tại sao thế ngài (sir) ?
        Ông kể: Tôi cừ phải bận rộn viết thư mời người viết mới khi có người cộng tác đã qua đời hay về hưu (mà các tay tổ thì thường lớn tuổi nên về hưu hay quá vãng là chuyện dĩ nhiên); còn các ông khác thì dục như dục đò, hết thư đến điện thoại, thậm chí mò đến nhà nữa chứ. Rồi hội họp liên miên với nhà in và nhà xuất bản. Chưa kể phải tham dự các hội nghị trong và ngoài nước, để xem có cái gì mới mà mời người viết bài. Chính vì thế mà sách ngày một nặng, phải phân thành hai rồi ba quyển … Phân ra dĩ nhiên giá thành tăng, làm sao phổ biển đây ? Lại phải cho phép các nơi kém tài chính nhưng cần sách cho sinh viên và bác sĩ một số ưu tiên (ở Nhật chẳng hạn), như cho phép họ chụp vi phim và in lại dưới dạng chữ nhỏ, để thành một quyển thay vì hai quyển và giá bán vẫn như cũ, hay mắc hơn một chút !
        Thực tế tôi thấy đúng như lời thày tôi giải thích. Và tôi hiểu sự hy sinh vô bờ bến của người soạn sách, nếu như người này có tinh thần trách nhiệm cao độ, không phải là các vị “học phiệt” (từ ngữ này rất hay) như ông tả.

        3/
        Tôi chỉ nêu ra những sự việc, chứ không dám phê phán ai cả ở đây, bởi như tôi đã thưa rõ đầu thư, tôi ở trong Nam (chính xác là dân Bắc di cư 54), không rành rẽ các nhà học giả ngoài Bắc, cho nên rất thận trọng khi viết.
        Tuy nhiên theo kinh nghiệm riêng, tôi thấy là trong thời CS hay có hiện tượng mà trong Nam gọi là “bề hội đồng”, như trong vụ án Nhân văn Giai phẩm chẳng hạn; còn hiện nay báo chí lề phải vào hùa đánh hội đồng những ai không đồng chính kiến với đảng và nhà nước CS. Hiện tượng này trở nên phổ biến, đến nỗi bè phái tùm lum, không còn biết thật giả ra sao nữa.

        Tôi cũng từng theo dõi một chút vụ ông Trần Mạnh Hảo đả phá thật thô bạo các vị giáo sư, mặc dù tôi công nhận các ông mũ cao áo rộng này cũng chả vừa gì (hình như là các học phiệt, như ông tả thì phải).

        Riêng ông Nguyễn Lân Dũng tôi không ưa ông này bấy lâu nay, vì tôi thấy ông ta mất nhân cách của một ngừơi tri thức chân chính, khi vào hùa với đảng và nhà nước CS. Tuy nhiên tôi lại có cảm tình với ông anh của ông ta là một nghệ sĩ công huân của Nga (thực ra tôi cũng nghe tiếng ông qua một người quen tình cờ ở Nga thôi).

        4/
        Tôi nghĩ, ông Lê Mạnh Chiến “sát xà bông quá tay” giáo sư Nguyễn Lân, bằng bài viết với tiêu đề như trên, cho nên bị phản cảm từ phía được góp ý.
        Dù sao ông Nguyễn Lân là cây đa cây đề, muốn đánh vỗ mặt để làm bật gốc không phải dễ dàng, mà có khi còn mang hại.

        Sao không thử áp dụng chiến thuật “mưa lâu thấm đất”. Chẳng hạn nhẩn nha trong một thòi gian dài cứ viết một loạt bài phân tích như trên những cái sai từng trang một, từ A đến Z, theo mình nghĩ.

        5/
        Tôi xin thú thực, dốt Hán Việt, Hán Nôm …, cho nên xin nhờ các bậc thức giả xem thử các lý giải của ông Lê Mạnh Chiến chính xác được bao nhiêu phần trăm ???

        Nói tóm lại, đây là một công trình lớn, ta không nên vội vàng mà hư đường hư bột !
        Cần tạo thành một nhóm, rồi bàn luận với nhau thật kỹ, trước khi ra mặt đôi công !

        Đôi lời quê mùa nhưng thành thật xin được góp nhặt dông dài, có sai xin lượng thứ và chỉ giáo dùm. Cám ơn trước thật nhiều.

        A’dam, 07/01/2014
        Kính bái,
        LMC

      • vybui says:

        Ông Lại Mạnh Cường,

        Sao ông “lắm giọng” thế?

        Làm chính trị sai thì ông chửi hết nước, hết cái, còn làm văn hóa sai thì ông “khuyên’ nên tôn trọng thành quả lao động của những người “có trách nhiệm cao”..! ( ông cho toa thuốc, hay chích thuốc bừa bãi cho bệnh nhân thì có trách nhiệm cao không?)

        Ông có nghe người ta nói: ” Làm thầy thuốc mà sai lầm thì giết một mạng người. Làm chính trị mà sai lầm thì hại một thế hệ. Làm văn hoá mà sai lầm thì…?(để ông điền vào chỗ trống nhé!)

        Có lẽ tôi nên “im” đi để …vui vẻ cả làng!
        Bố khỉ!!!

  6. kenny says:

    Tac gia Nguyen Lan lam viec thieu khoa hoc, neu khong muon noi la bua bai.
    Ong that su chang di sau vao y nghia cua tu Han Viet, ma chi hieu mot cach nom na. Toi cho rang nhung su tim toi phat hien cua on Le duy Chien la xac dang ma mot so nguoi mang danh hao la Giao su can phai xem xet cach lam viec cua minh .

  7. nguyenlan says:

    Tiếng Việt và đảng Cộng sản Việt nam !

    Trong tạp chí Hàn Lâm Hoàng Gia Anh quốc năm 1887, nhà nghiên cứu Terien de la Copene có viết: Thái thú Sĩ Nhiếp bắt bưộc người Việt nam chỉ được dùng tiếng Hán. Người Việt nam bị cấm không được dùng tiếng nói cùng chữ tượng thanh của họ”. Sự kiện này cũng từng được nhà nghiên cứu Cémir Loukotca xác nhận trong sách ” Lịch sử chữ viết thế giới”.

    Thời chống Pháp, tổng bí thư Trường Chinh- trên tờ truyền đơn của

    ỦY BAN HÀNH CHÍNH KHÁNG CHIẾN VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
    NĂM THỨ VII
    TỔNG THƯ KÝ ĐẢNG LAO ĐỘNG VN
    SỐ: 284/LĐ ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC

    viết: ” Tại sao lại nhận vào trong nước Việt Nam yêu mến của chúng ta, là một nước biết bao lâu làm chư hầu cho Trung quốc, cái thứ chữ kỳ quặc của bọn da trắng Tư Bản đem vào , ta hãy trở về với thứ chữ của ông bà ta ngày trước, là thứ chữ nho của Trung Quốc “.

    * Trong cuốn sách được in năm 1997 và tái bản năm 2000 với tiêu đề tạm dịch sang tiếng Việt: “Mao chủ tịch của tôi” bởi nhà Xuất bản Trung ương Trung quốc , có ghi : “Mao chủ tịch đánh giá việc Việt Minh đã từng muốn dùng tiếng Trung Quốc thay cho chữ quốc ngữ Việt Nam là một hành động cho thấy trước sau gì Việt Nam sẽ thuộc về chúng ta, ít nhất là về văn hóa”.

  8. ctran says:

    Chỉ có “trí thức” ở nước CHXHCNVN mới dám một người đứng ra “nàm” tự điển mà thôi.
    Bái phục ….

  9. VĂN HÓA VIỆT says:

    BÁO ĐỘNG ĐỎ : Loài Vi-Rút cộng sản đi tới đâu là nó tàn phá tới đó : hãy cứ thấy ở nước Việt Nam chúng ta, nó không những chi tàn phá đất ( đai) nước ( như bâu-xít, phá rừng, biến ruộng đồng mầu mỡ thành chốn ăn chơi sa đọa … ) mà nó còn tàn phá tình người ( đánh đập, giết người không biết gớm tay, rồi cả văn học văn hóa … nghĩa là nó muốn xóa sạch những vết tích, những cái gì không phải của nó ? ) . Tôi có người bạn Trung Hoa ( Đài loan ) cũng cho biết bây giờ đọc sách báo ở Lục-Địa ( TQ ) nhiều từ ngữ mới ( Giản thể, chữ biến đổi một hai nét, stroke ) chẳng hiểu chẳng biết ý nghĩa đã đành, mà ngay cả cách hành văn cũng vậy cũng không biết họ muốn nói gì ! . Thì ta có thể nghĩ hiện tượng 2 cuốn Từ Điển này cũng nằm trong ” âm mưu ” đó thì cũng chẳng phải là ” hư cấu ? ” . Chữ nghĩa đã đành, chừ tác thành chữ tộ có thể cho qua, thế nhưng những mầm non con nít cờ đỏ sao vàng rõ rệt mà lại thành cờ 5 sao ? ( sách mầm non vỡ lòng ! ) thì hẳn phải là vấn nạn, một thủ đoạn chứ không thể đơn giản chỉ là một sự nhầm lẫn, hay ngu dốt ? ” . Vậy ta phải đặt vấn đề để cùng nhau giải quyết ? .

  10. nguyen says:

    Soạn 1 cuốn tự điển là 1 việc làm công phu. Phê bình các sai sót nghĩa từng chữ là có tinh thần tốt nhưng khi tái bản mà không chịu sửa và update lại là do nhà xuất bản và tác giả không liên lạc với nhau.đề nghị tác giả lưu tâm hoạc thêm phụ trang khi tái bản

Leave a Reply to Trực Ngôn