WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Vương Trí Nhàn: Cái nạn mừng tuổi

Câu chuyện mồng một đi chúc tết bè bạn, dưới con mắt nhà văn Nguyễn Công Hoan hơn bảy mươi năm trước

Ngòi bút đã viết nên những Oẳn-tà roằn, Đôi giày mất dạy, Cô Kếu gái tân thời…. vốn nhạy cảm với những gì là phi tự nhiên, éo le, kỳ cục.

Trong những sáng tác viết về tết, thói quen ấy vẫn được ông khai thác triệt để.

mung tuoi

Sở dĩ một thiên truyện như Người ngựa và ngựa người để lại trong bạn đọc cái dư vị chua xót là do nó đã nêu lên một nghịch cảnh mà trong những khi bận rộn tết nhất, người ta ít để ý: ấy là giữa lúc thiên hạ náo nức vui tết với gia đình, có những kẻ vẫn phải lang thang kiếm sống. Và tình thế lại càng thê thảm hơn, khi xảy ra cảnh đò nát đụng nhau, tức là trong cơn tuyệt vọng, hai kẻ khốn khổ đó (ở đây là một phu xe ế hàng và một gái nhà thổ không bói ra khách) còn lừa lọc nhau, rút cục là người nọ làm khổ người kia, và đứng ngoài nhìn, chúng ta chỉ có cách cười ra nước mắt.

Trong một truyện ngắn mang tên Năm mới tôi mừng ông (in trong một tập sách tết, 1943) Nguyễn Công Hoan lại trình ra một cảnh trớ trêu khác.
Lần này, ông lấy một chuyện chính ông đã trải để kể với bạn đọc.

Ấy là một lần, đúng mồng một tết, ông tới thăm nhà một đồng nghiệp dạy học tên là Định. Người này với ông không thật thân nên không mấy khi ông đến chơi.

Mà ông lại không nhớ số nhà, chỉ ang áng quãng ấy quãng ấy.

Vào cửa, ông được con sen trong nhà tưởng là khách quen nên mời ngay lên gác để gặp chủ và trong khi đang lên cầu thang, ông được chủ mời làm một chân tổ tôm.

Nghe tiếng, đã hơi ngờ ngợ, đến lúc chủ nhà ngẩng mặt lên, mới biết đã vào nhầm nhà, đành xin lỗi quay ra. Lúc ông xuống thang còn nghe chủ nhà mắng đầy tớ:

- Con ranh con, cửa cứ mở toang, ông Hoan đấy chứ, giá là kẻ gian thì có chết không?

Đến nước này, tự nhiên tác giả cảm thấy bẽ bàng vô hạn: “Như bị một phát đạn nữa, tôi vội vàng trút trả miếng trầu và điếu thuốc lá, cút thẳng một mạch”. 

Kể ra đây cũng là một tình thế trớ trêu, mà người ta ai cũng có thể gặp, nhất là những khi sơ ý. Có điều, đằng sau câu chuyện mua vui, cái dụng ý của Nguyễn Công Hoan trong thiên truyện này  ở chỗ khác.

Mặc dù là một người ghét lý luận, lại càng ghét sự dông dài trong khi thuật truyện, song trước khi kể lại cái “kỷ niệm để đời” nói trên, Nguyễn Công Hoan vẫn để ra một đoạn dài gọi là trữ tình ngoài đề mà chúng tôi muốn chép lại đầy đủ như sau:

Tối ba mươi tết năm ấy, tôi cố xong tất cả các công việc để đến hôm sau, chịu cái tai nạn nó làm mất cả ngày: nạn tiếp bạn đến mừng tuổi và nạn mừng tuổi bạn.

 Việc đi mừng tuổi nhau hôm mùng một đầu năm thật là một cái nạn. 
Còn gì khổ cho bằng phải tiếp những người hoặc đi đến nhà những người quanh năm chẳng gặp nhau lần nào, trừ tết nguyên đán. Chuyện đã chẳng có gì để nói, mà cứ phải cười gượng, nịnh nhau sằng, rồi mắt trước mắt sau chỉ muốn chuồn cho mau đến nhà khác để cũng làm cái công việc nhạt nhẽo ấy. 
 Còn gì dơ dáng cho bằng mình vừa ở nhà một ông bạn chẳng thân gì, đã không có chuyện để nói, mà độ nửa giờ sau, ông bạn ấy đã lại nghễu nghện đến nhà mình cũng chẳng để nói một chuyện gì hơn là để mình khỏi trách là xử quỵt. 
Cho nên, ngày mồng một tết, ở nhà nhưng nói dối là đi vắng, tức là đã làm một việc nghĩa rất to tát. Nhiều ông chỉ cần dò xem mình không có nhà lúc nào là đến tót ngay, để quảng lại trên bàn tấm danh thiếp rồi đi cho mau, để lại quẳng vào nhà khác tấm danh thiếp. 
Đến nhà người ta mừng tuổi mà được chủ đi vắng, nhiều người cho là một sự may. 
Vậy mà lối giao thiệp giả dối này lại rất cần cho những chỗ bè bạn sơ sơ. Vì quanh năm chẳng đến nhà nhau, hôm mồng một tết cũng chẳng đoái hoài đến nhau nốt, ấy là tỉnh bằng hữu đi đứt”.

Không chỉ các nhà nghiên cứu mà trước tiên, bản thân Nguyễn Công Hoan đã chú ý tới một nét tiểu sử bản thân nó quy định tính cách con người ông. Ấy là ông xuất thân từ một gia đình phong kiến có nền nếp, thứ phong kiến thanh đạm, biết giữ đạo trung dung, và thường có một chút bảo thủ trong cách nhìn nhận sự đời.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã khái quát :

Nếu có quan hệ đối lập giữa nam và nữ thì ông đứng về phía nam. Giữa bố mẹ và con cái thì ông đứng về phía bố mẹ. Giữa vợ cả và vợ lẽ thì đứng về phía vợ cả”.

Thế thì giải thích làm sao cái trường hợp phá cách nói trên, nghĩa là thái độ ngán ngầm ra mặt của ông với một nghi lễ thiêng liêng và phổ biến trong ngày tết?

Ở đây, chúng ta phải đối chiếu giữa nghi thức và cái cách người ta thường tiến hành nó để cùng nhận chân ra một sự thực:

–Nghi thức ra đời và tồn tại là để bảo đảm tính chất trang nghiêm của một buổi lễ. Trong những quy định đôi khi rườm rà, cổ nhân cốt lưu ý con cháu rằng đây không phải là một chuyện thông thường mà là một dịp đặc biệt.

Các nhà nghiên cứu về Nho giáo thường nói lễ là để bày tỏ cái thành ý, kính ý.

Trong cuốn sách viết về Khổng Tử, từ con mắt nhìn của con người hiện đại, Nguyễn Hiến Lê cũng nhấn mạnh “các nghi thức mà ngày nay chúng ta cho là phiền phức chính là có mục đích phát dương những tình cảm đôn hậu của ta”.

Tuy nhiên, là một sản phẩm của lịch sử, nghi thức cũng không tránh khỏi một tình trạng mà ngày nay, ta gọi là sự tha hoá, tức là hình thức không đi kèm với nội dung, và ở một số người trong một số trường hợp, sự cảm động thiêng liêng càng ít, thì nghi thức càng trở nên cầu kỳ rắc rối.

Nghi thức trong những ngày tết cũng không tránh khỏi sự biến dạng đó.

Sự thực này không lọt khỏi con mắt quan sát tinh quái của Nguyễn Công Hoan.

Trong ông không chỉ có con người trọng lễ giáo mà còn có con người thực sự cầu thị, chán ghét mọi chuyện phi tự nhiên, giả dối, cho nên ông đã lên tiếng. Mà khi đã nói, thì ông nói hơi trắng trợn , đến mức như là bất chấp tất cả.

Về phần mình, giờ đây đọc lại thiên truyện, chúng tôi cho rằng một mặt nghi thức rất cần, bao giờ cũng cần, mặt khác, những gì quá ư cầu kỳ mà lại vô bổ nên được xem xét lại.

Và nhất là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nên tiến hành nghi thức một cách giả tạo.

Với lối nói có phần cực đoan của mình trong thiên truyện nói trên, Nguyễn Công Hoan còn kể là ông chia bạn bè ra làm bốn loại:

“–Hạng nhất là các bạn quen xoàng hoặc hay giận
– Hạng nhì là các bạn quen xoàng nhưng đại lượng.
– Hạng ba là các bạn thân vừa 
– Hạng bét là các bạn thân”.

Và mỗi năm ngày mùng một tết ông cư xử như sau:

Tôi chỉ cần đi chúc tết các bạn hạng nhất, còn từ hạng nhì trở đi, không tết năm nào tôi xử lại sòng phẳng”.

Chúng tôi chép đoạn văn này ra đây, không phải để… khuyên bạn đọc làm theo, mà là để bạn đọc tham khảo và tìm ra cách đi chúc tết tốt nhất và phù hợp nhất với bản thân.
©  Vương Trí Nhàn

1 Phản hồi cho “Vương Trí Nhàn: Cái nạn mừng tuổi”

  1. maclemao says:

    Bỏ ăn tết đón năm mới là văn minh…hãy học người Nhật .Bỏ ăn tết tránh được mọi tệ nạn xã hội ….góp phần tránh được tham nhũng …nhiễu nhương xã hội…Bỏ tết tránh được thực phẩm độc hại của bạn vàng..

Leave a Reply to maclemao