WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cựu tù nhân Trần Tử Thanh: CSVN thi hành chính sách tra tấn thầm lặng trong các tù cải tạo

Nguyễn Quốc Khải

28-1-2014

Hình (NQK): Họp báo tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 16-1-2014. Ông Trần Tử Thanh ngồi ghế thứ ba từ bên trái.

Hình (NQK): Họp báo tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 16-1-2014. Ông Trần Tử Thanh ngồi ghế thứ ba từ bên trái.

Vào ngày 16-1-2014 vừa qua, DB Christopher Smith cùng với BPSOS đã tổ chức một cuộc họp báo trong khuôn khổ của Chiến Dịch Vận Động Xóa Bỏ Chế Độ Tra Tấn Tù Nhân Tại Việt Nam.  Mặc dù CSVN đã phê chuẩn Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention Against Torture) vào 2013, nhưng việc đánh đập và tra tấn những người bất đồng chánh kiến, bầy tỏ ý kiến một cách ôn hòa và tù nhân vẫn tiếp tục.  Ngoài ra CSVN còn dùng thủ đoạn dùng tù trị tù dùng tù xử tù một cách thâm độc như Cô Đỗ Thị Minh Hạnh tố cáo.

Bằng chứng là chỉ cách đây hơn một tuần vào ngày 20-1-2014, nhân dịp Tết sắp đến, một số thành viên của Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự và Hội Bầu Bí Tương Thân gồm có TS Nguyễn Quang A, các Ông Nguyễn Tường Thụy, Vũ Mạnh Hùng, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Kim,  Nguyễn Lê Hùng, và Cô Thảo  đi thăm viếng cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội tại xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội.  Họ đã bị công an mặc thường phục chặn lại và lôi vào Ủy Ban Xã rồi lên Văn phòng Đảng ủy Đảng Cộng sản Việt Nam xã Chương Dương. Tại đây, Ông Nguyễn Kim đã bị công an đánh trọng thương.

Trước đó, vào ngày cuối năm 2013, Ông Huỷnh Ngọc Tuấn cùng một số nhà hoạt động nhân quyền gồm có Bà Lê Thị Công Nhân và chồng là Ông Ngô Duy Quyền, cùng với Ông Phạm Bá Hải đã đến thăm gia đình Ông Phạm Văn Trội tại Hà Tây. Ba người bị công an hành hung là Ông Huỳnh Ngọc Tuấn và vợ chồng Bà Lê Thị Công Nhân. Người bị đánh đập nặng nhất là Ông Huỳnh Ngọc Tuấn.  Một tuần lễ sau, vào ngày 7-1-2014, Ông Tuấn đi khám bệnh vì đau ngực mới biết xương ức bị gẫy.

Buổi họp báo được tổ chức nhắm tố cáo với dư luận quốc tế về chánh sách đánh đập và tra tấn những nhà hoạt động nhân quyền và các tù nhân, đồng thời tạo áp lực với chính quyền Hà Nội để họ bãi bỏ hoàn toàn chính sách này như Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc đã quy định.

Tham dự cuộc họp báo này ngoài DB Smith còn có TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc BPSOS và CAMSA; Ông Trần Tử Thanh, cựu sĩ quan Quân Lực VNCH và cựu tù nhân chính trị; Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, người đang thọ án bẩy năm tù từ năm 2010 vì đã can đảm bênh vực quyền lợi của công nhân và nông dân; Thượng Tọa Danh Tol, tu sĩ Phật Giáo Khmer, cựu tù nhân tôn giáo; và LS Patrick Griffith  thuộc tổ chức phi chánh phủ Freedom Now.

Bài báo này trình bầy kinh nghiệm của cựu tù nhân lương tâm Trần Tử Thanh trong trại tù cải tạo của CSVN trong 15 năm từ tháng 5, 1975 đến tháng 12, 1990. Ông Trần Tử Thanh nói:

Trên 800 ngàn quân nhân quân lực VNCH, cán bộ, cảnh sát, các đảng phái đã trở thành nạn nhân của sự trả thù tàn bạo nhất của quân CS xâm lược bằng các cuộc giết hại và ‘tra tấn thầm lặng’… Nhà cầm quyền Hà Nội đã chủ trương và cho áp dụng chính sách trả thù lâu dài bằng các cuộc tra tấn, cả thể xác lẫn tinh thần các tù nhân một cách vô cùng hèn hạ và ác độc chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc Việt Nam… Trên 165 ngàn tù nhân đã chết tức tưởi trong những trại lao tù CSVN dưới nhiều hình thức như bị hành quyết, tra tấn, đánh đập, cưỡng bức lao động khổ sai, bệnh tật …Tuy nhiên  cách tra tấn tàn bạo và độc ác nhất là ‘chính sách cố tình bỏ đói’. Không cần xử dụng tới vũ khí hay súng đạn, CSVN đã để cho các tù nhân tự giết mình bằng những loại ‘thức ăn’ dơ bẩn và độc hại.”

Sau đây là nguyên văn bài thuyết trình của Ông Trần Tử Thanh.

oo0oo

Thưa:

-Ông Dân biểu Christopher Smith

-Quý vị đại diện các tổ chức nhân quyền

-Quý quan khách và quý vị trong giới truyền thông

Thật là một vinh dự lớn lao cho tôi ngày hôm nay, với tư cách là một cựu tù nhân vì lương tâm, được có cơ hội lên tiếng thay mặt cho hàng trăm ngàn anh em cựu tù nhân cải tạo, dù đã chết hay còn sống, cũng như hàng ngàn tù nhân chính trị hiện tại còn đang mắc vòng lao lý tại Việt Nam, về một đề tài mà hiếm khi có dịp được trình bày trước các buổi hội nghị hay hội thảo chuyên đề. Đó là câu chuyện sống thật, những cảm nghĩ và tiếng nói của một cựu tù nhân chính trị, trên cơ thể hiện còn đang mang nhiều vết thương tra tấn, hậu quả của nhiều năm bị giam giữ trong ngục tù CSVN.

Vào cuối tháng 4 năm 1975, lúc mà chính quyền Hoa Kỳ chỉ muốn nhanh chóng rút quân cùng toàn bộ nhân sự để khép lại chương sử chiến tranh Việt Nam, họ đã bỏ lại đằng sau hơn 980 ngàn quân đồng minh QLVNCH, với phương tiện thiếu thốn, phải đơn độc đương đầu với quân CSVN được sự hậu thuẫn toàn diện bởi Liên Sô, Trung Quốc và toàn khối Cộng Sản  Vac-Sa-Va (Warsaw Bloc).

Vớí cái giá quá cao vì sự bội ước này mà nhân dân miền Nam Việt Nam phải trả, là trên 800 ngàn quân nhân quân lực VNCH, cán bộ, cảnh sát, các đảng phái đã trở thành nạn nhân của sự trả thù tàn bạo nhất của quân CS xâm lược bằng các cuộc giết hại và “tra tấn thầm lặng.”

Hình (TTT): Ông Trần Tử Thanh trước  và sau 15 năm tù (1990).

Cộng sản đã tập trung họ vào hàng trăm trại cưỡng bức lao động, các phân trại lao cải hoặc các nhà tù được vội vã xây dựng trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Thế giới đã hoàn toàn bị đánh lừa vì bề ngoài không thấy có các cuộc tắm máu. Nhưng đằng sau những hàng rào an ninh dầy dặc của cái gọi là “trại cải tạo”, nhà cầm quyền Hà Nội, qua các trại lao cải do quân đội quản lý, sau qua đến Bộ Nội Công An, đã chủ trương và cho áp dụng chính sách trả thù lâu dài bằng các cuộc tra tấn, cả thể xác lẫn tinh thần các tù nhân một cách vô cùng hèn hạ và ác độc chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Theo các tổ chức nghiên cứu về tù nhân và các tài liệu nghiên cứu có giá trị hàn lâm tại Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu, trên 165 ngàn tù nhân đã chết tức tưởi trong những trại lao tù CSVN dưới nhiều hình thức như bị hành quyết, tra tấn, đánh đập, cưỡng bức lao động khổ sai, bệnh tật …Tuy nhiên  cách tra tấn tàn bạo và độc ác nhất là “chính sách cố tình bỏ đói.”Trong số người bị bức tử có thân phụ chúng tôi, cố luật sư Trần Văn Tuyên, cựu Phó Thủ Tướng của Việt Nam Cộng Hòa, nhà làm luật, nhà lãnh đạo chính tri, đồng thời cũng là Chủ Tịch, Sáng lập viên của “Hội Bảo Vệ Nhân Quyền và Dân Quyền Việt Nam”, hội viên chính thức của Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền từ năm 1967 (International League for Human Rights). Hai người em họ, con chú bác ruột của tôi là các Thiếu Úy Trần Quang Vinh (Chiến Tranh Chính Trị) và Trần Hoài Hà (Nhẩy Dù) cũng đã bị CS hành quyết tại Ban Mê Thuột vào năm 1976.

Bị giam giữ trong các trại lao tù cộng sản, chúng tôi biết rằng, hy vọng sống còn để trở về với gia đình là điều quá mong manh. Đối với chúng tôi, tra tấn về thể xác không thấm tháp gì nếu đem so sánh với lối “tra tấn” khủng khiếp là “bị bỏ đói”. Những cơn đói triền miên ám ảnh chúng tôi kéo dài lê thê ngày này qua ngày khác. Cơn đói hành hạ chúng tôi 24 giờ mỗi ngày. Cơn đói làm mất đi nghị lực, tinh thần và nhân phẩm. Cơm gạo, củ sắn, củ khoai và ngô bắp đã dày vò sự thèm khát thường xuyên của chúng tôi và không có lúc nào để chúng tôi yên. Nó đã làm cho không hiếm những anh em đồng cảnh của chúng tôi, có đôi lúc, quên đi họ là “con người”, để chỉ còn giữ lại bản năng tự tồn không khác gì những con vật. Tôi  cho đây là lối “tra tấn thể xác lẫn tinh thần” độc ác và man rợ nhất mà chỉ những người CSVN mới dám làm.  Sau những tháng năm triền miên bị bỏ đói, người tù đã ăn bất cứ con gì biết cử động, từ con chuột cống, sâu bọ, rắn rết, bò cạp, ốc sên, và mọi loại côn trùng mà chúng tôi tìm thấy hoặc bắt được, những thứ mà trong thế giới no đủ, người ta ghê sợ và kinh tởm. Không cần xử dụng tới vũ khí hay súng đạn, CSVN đã để cho các tù nhân tự giết mình bằng những loại “thức ăn” dơ bẩn và độc hại nêu trên.

Kỹ thuật tra tấn ở các trại lao cải              

Bộ nội vụ CSVN đã đề ra những nội quy, quy định, những điều lệ rất khắt khe và nghiêm khắc nhằm kiểm soát chặt chẽ tư tưởng và hành động của các tù nhân. Bất cứ một tù nhân nào vi phạm nội quy của trại giam như xách động chống đối, tuyên truyền rỉ tai, phổ biến kinh kệ, giáo lý các tôn giáo, nói tiếng ngoại ngữ… khi bị phát hiện qua những tên điềm chỉ (ăng ten) sẽ ngay tức khắc bị đưa giam vào phòng kỷ luật với các biện pháp trừng trị như sau:

-Khẩu phần ăn, tùy theo mùa,  sẽ là một nửa chén cơm gạo mốc nhỏ với vài thìa nước muối, hoặc hai, ba mẩu khoai lang, khoai mì (sắn), hoặc nửa chén nhỏ sắn khô hôi mốc, bo bo chưa xát vỏ, hay ngô hạt rất cứng, loại thức ăn chỉ có ngựa mới có thể ăn và tiêu hóa.

Có hàng trăm tù nhân đã bị “hành quyết” vì trốn trại như Đại Úy Chu Minh Lộc ở trại 12 thuộc Đoàn 776, Yên Bái, Thiếu Tá Nguyễn Văn Thịnh, trại Suối Máu Biên Hòa hoặc Đại Úy Nguyễn Văn Giàu và Thiếu Tá Lê Đức Thịnh tại trại Long Giao, Long Khánh, Đại Uý Đỗ Văn Mười tại Bình Tuy… Hàng trăm tù nhân đã bị tra tấn đánh đập và cùm chân tay cho đến chết như Linh Muc Nguyễn Văn Vàng, Đại Úy Bác Sỹ Nguyễn Kim Long… ở trại Phú Yên, Thiếu Tá Cảnh sát Nguyễn Văn Hằng ở trại Hà Nam Ninh, Dân Biểu Đặng Văn Tiếp tại trại Lý Bá Sơ, Linh Mục Hoàng Quỳnh, Đại úy Không Quân Dương Hùng Cường ở trại giam Phan Đăng Lưu, Đại úy Lực Lượng Đặc Biệt Đoàn Văn Xương tại trại số 6 Nghệ Tĩnh… Còn hàng trăm, hàng ngàn người nữa mà tôi không thể liệt kê hết ngày hôm nay.

Tùy theo mỗi trại giam, công an CS đã được huấn luyện thuần thục hoặc tự sáng chế ra những phương pháp trừng phạt đa dạng và tra tấn man rợ khác nhau như sau trong khi bị biệt giam:

1.     Nhẹ nhất là khóa hai tay ra đằng sau lưng.

2.     Trói ngược hai tay ra sau và xiềng hai chân.

3.     Xích một tay bên này vào chân bên kia bằng sợi giây xích ngắn. Cách này làm cho tù nhân không thể cử động hay nằm ngủ được, chỉ ngủ ở thế ngồi. Nếu dang chân hay tay ra thì cổ tay hay mắt cá sẽ bị cứa đứt, chảy máu.

4.     Xiềng hai cánh tay ngược lên đằng sau vai với hai chân gấp ngược lên lưng. Cách này chỉ có thể nằm sấp, một phần của ngực áp xuống sàn xi măng. Cách xiềng này khó ai có thể chịu đựng được quá 3 tiếng đồng hồ.

5.     Cùm hai chân lâu dài trong phòng tối. Tù nhân phải ăn ngủ và vệ sinh tại chỗ. Rất nhiều trường hợp cùm rỉ sét làm cho mắt cá bị nhiễm độc, lở loét.

6.     Riêng tại Miền Nam Việt Nam, CS thường nhốt trừng phạt tù nhân với thế ngồi co gấp trong một thùng sắt nhỏ gọi là conex để ngoài trời nắng như thiêu đốt, miền nhiệt đới. Nhiều tù nhân đã chết vì không chịu nổi sức nóng hay bị ngộp thở bởi cách tra tấn tàn ác này.

Hình (TTT): Ông Trần Tử Thanh trước  và sau 15 năm tù (1990)

Hình (TTT): Ông Trần Tử Thanh trước và sau 15 năm tù (1990)

Cá nhân tôi, trong một buổi tẩy não mà CS gọi là “học tập chính trị”, đã từ chối dùng tiếng “thằng” thiếu lễ độ để gọi cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chúng lôi tôi ra khỏi lớp, đưa lên ngọn đồi thấp sau trại, nơi đó có 4 tên cai tù bắt đầu đấm đá liên tục vào ngực và vào bụng tôi một cách man rợ. Với phản ứng tự nhiên, phải chống đỡ tự vệ vì quá đau đớn, một cai tù đã dùng bá súng AK47 đập mạnh vào mặt tôi, làm bể mí mắt bên trái. Mặt tôi máu đầm đìa, chảy thấm ướt sũng bộ áo  quần tù. Cú đánh tiếp thứ hai rất mạnh làm gẫy 3 răng hàm bên trái. Vì trận đòn quá đau đớn, lại mất nhiều máu, tôi đã bị ngất xỉu tại chỗ.  Kết quả trận đòn này, tôi đã bị ho ra máu nhiều tháng cho đến khi nhờ các anh em tù “biệt kích Nhảy Bắc” cùng trại biết được sự việc, đã tuồn vào cho một mẩu nhỏ mật gấu bằng móng tay, dặn tôi mài ra uống với vài giọt rượu hoặc nước ấm; nhờ vậy bệnh mới thuyên giảm.

Ngày 16 tháng 12 năm năm 1983, tôi lại bị công an Bộ Nội Vụ bắt giam lần thứ hai về tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân qua “Tổ Chức Mặt Trận Dân Tộc Cứu Quốc.”  Sau khi bắt, công an bịt mắt chuyển tôi đến trại giam T82 (hiện T82 đã được đổi thành B34 để ngụy trang che dấu). Để ép cung, công an phòng Điều Tra Xét Hỏi cho cùm cổ chân phải vào cườm tay trái của tôi với sợi xích ngắn hầu không cho tôi cử động. Suốt thời gian thẩm vấn tôi, công an đã tận dụng mọi kỹ thuật khai thác như “ép cung”, “mớm cung”, “dụ cung”, ép buộc tôi phải nhận tội “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” và khai báo theo ý muốn của chúng để chúng có đủ bằng chứng “kết án tôi tử hình”. Chúng dùng đủ mọi hình thức nhục hình để khai thác tin tức, áp dụng các kỹ thuật hỏi cung tinh vi, tra tấn không để lộ dấu vết trên cơ thể tù nhân. Nhiều tối, có lúc bốn, năm tên thẩm vấn viên thay phiên nhau tra hỏi, đánh đập tôi nặng nề, chúng biết tránh chỗ tử huyệt vì chúng muốn tôi sống để khai thác thêm những tin tức mà chúng cần. Một tra tấn viên tên Thanh Sơn dùng dùi cui bọc cao su đánh vào sườn non tôi trong khi hai tên khác (tên Chánh và tên Lê Văn Để) đè tôi xuống ghế dài. Sau đó chúng đánh vào lòng hai bàn chân. Mỗi lần chúng đánh như thế toàn thân tôi, từ đầu óc đến lục phủ ngũ tạng thật đau đớn, thân thể như bị điện giựt. Chúng còn dùng cả cách tra tấn gọi là cho đi “tầu ngầm” bằng cách phủ một bao bố lên mặt rồi bắt đầu đổ nước để cho ngạt thở khi chúng bắt tôi  thú nhận là nhân viên tình báo và là gián điệp của cơ quan CIA Hoa Kỳ. Nhiều lần hai thẩm vấn viên dìm đầu tôi vào bể nước trong khi tay tôi bị còng thúc ké ra sau.

Suốt 14 tháng trời, công an biệt giam tôi để thẩm vấn ở trại T82 dưới sự chỉ huy của hai tên đại tá Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng và tên trung tá Trần Hùng Nghiệp (gốc Quảng Ngãi), phó phòng PA 24 (Phòng Điều Tra Xét Hỏi), sáu tên công an trong đó có tên Thanh Sơn và tên Chánh (gốc miền Nam) đã 3 lần dùng loại điện thoại hữu tuyến EE8 của quân đội Hoa Kỳ, nối hàm cá sâu, kẹp vào đùi và bộ phận sinh dục của tôi để quay điện. Thình lình bị điện giật quá mạnh, tôi té bật ngửa xuống sàn và tiểu ra quần. Kiểu ép cung này được CS thường dùng nhất khi thẩm vấn các tù chính trị, đặc biệt là đối với các tù nhân từ hải ngoại xâm nhập vào Việt Nam để hoạt động vào những năm 1984-1985.

Thỉnh thoảng trong lúc tra tấn, thẩm vấn viên đưa cho tôi xem tấm hình đứa con nhỏ 10 tuổi mà tôi đã xa cháu khi bị bắt vào tháng 5 năm 1975, lúc cháu mới một tuổi. Tên trung tá Trần Hùng Nghiệp nói nếu tôi nhận tội, sẽ cho gặp mặt con. Hắn dùng đòn tâm lý để lung lạc ý chí và tinh thần của tôi trong suốt thời gian dài tôi bị biệt giam tại trại T82 (hiện nay là B34), tại trại giam Phan Đăng Lưu và khu xà lim Kiên Giam khu E-D, lầu ba, khám Chí Hòa. Cuối cùng khi tôi vẫn cương quyết giữ vững lời khai, cộng với sự can thiệp của Thủ Tướng Thụy Điển Olof Palmer, của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và của chánh giới Hoa Kỳ, Bộ Nội Vụ CSVN lúc đó mới tuyên bố đang giam giữ ba anh em chúng tôi và sẽ truy tố chúng tôi về tội “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” và “Tuyên truyền chống chế độ XHCN.”

Tính ra trong lần tù thứ hai này, từ lúc bị bắt cho tới khi bị đưa ra tòa 12/83-12/88, tôi đã bị biệt giam suốt 4 năm 6 tháng, hai năm với hai chân bị cùm và hai năm sáu tháng với một chân bị cùm trong xà lim tăm tối, hôi thối và ẩm mốc. Thân xác chẳng khác nào như đã bị tẩm lịệm trong quan tài dài 2 mét rưỡi, ngang 90 cm với chiều cao 2 mét, và chịu đựng đánh đập tra tấn hàng ngày. Khi ra tù, tôi mang nhiều thứ bệnh, phổi bị tụ máu và xuất huyết bao tử. Công an tra tấn CS đã biến cơ thể tôi trở thành bộ xương chỉ còn hơn 35 kí lô. CS có thể hủy diệt thân thể tôi nhưng chúng đã thất bại trong âm mưu hủy diệt ý chí và tinh thần của một “Tù Nhân vì Lương Tri”. Trong ngục lạnh cô đơn, tôi luôn cố tập luyện thiền định hàng ngày để bồi đắp sức mạnh ý chí và tinh thần hầu có thể vượt qua mọi gian khổ.

Với bao năm tháng tù đày trong khám tối và bị tra tấn đánh đập sau gần 15 năm tù, mắt tôi rất sợ ánh sáng chói lòa, thường hay bị nhức đầu, chóng mặt, có lẽ do hậu quả bị đánh bằng báng súng AK47 trước đây.

Cũng vì bị tra tấn đánh đập trong thời gian dài, nên có lúc tôi thấy thường đau nhói bên ngực trái vùng trái tim. Tôi tin đó là hậu quả bị đánh nhiều quá vào bàn chân và ba sườn. Trong những tháng mùa đông giá lạnh, chân cẳng tôi bị đau buốt đến xương tủy như thể bị kim châm. Mặc dù đã thoát chết, thoát tù đầy đã trên 25 năm qua, nhưng đôi lúc vào nửa đêm chợt thức giấc, trong khoảnh khắc, tôi  thấy mình còn như đang nằm trên nền xi măng vắng lạnh trong ngục tù CS ngày nào.

Xương sống tôi đã bị thương nặng khi một tên trong bọn tra tấn dùng một thế võ đá mạnh vào lưng từ phía sau, khiến tôi té sấp xuống nền. Nhờ được giải phẫu tại bệnh viện Fairfax năm 1994, những cơn đau nhức cột sống đã thuyên giảm, chân trái của tôi đã bớt tê nhức.

Kính thưa Quý Vị,

Là một cựu tù nhân vì lương tâm, thay mặt cho hàng trăm ngàn các anh em cựu tù nhân chính trị đồng cảnh đang lưu vong, và đặc biệt là nhân danh cho những anh chị em tù chính trị và tôn giáo hiện đang bị giam cầm bởi nhà cầm quyền Hà Nội, và đồng thời cũng đại diện cho 90 triệu đồng bào Việt Nam, tôi trân trọng thiết tha kêu gọi tất cả quý vị hiện diện nơi đây ngày hôm nay, hãy nói lên cho giới truyền thông quốc tế và Hoa Kỳ biết rõ sự thật về vấn nạn tra tấn nhục hình, đánh đập, bạo lực của công an CSVN đối  với người dân, đồng bào của họ. Tôi cũng xin khẩn cầu quý vị hãy bày tỏ sự quan tâm sâu xa với  Quốc Hội, chính giới và chính phủ Hoa Kỳ, cũng như với các lãnh đạo tôn giáo nước này tiếp tục lên tiếng, áp lực nhà cầm quyền Hà Nội phải lập tức xóa bỏ “tệ nạn tra tấn”, và xử dụng bạo lực với người dân Việt Nam. Bạo lực và áp bức mà nhân viên công an của họ vi phạm hàng ngày trên toàn đất nươc Việt Nam phải được chấm dứt! Việt Nam phải tôn trọng những điều khoản mà họ vừa ký kết trên văn kiện mới đây với Liên Hiệp Quốc về chống tệ nạn tra tấn. Nhà cầm quyền Hà Nội cũng phải chấm dứt dùng vũ lực giết người để đàn áp đồng bào của mình. Nhân dân Việt Nam phải được bảo vệ bằng một Bộ Luật về chống tra tấn. Giới công nhân, nông dân, các thanh niên, sinh viên Việt Nam yêu nước, quý trọng tự do dân chủ đang bị đàn áp cũng chỉ vì họ mơ ước thấy một nước Việt Nam phát triển, với một nền kinh tế giàu mạnh, với một thể chế dân chủ, một nhà nước pháp quyền biết tôn trọng nhân phẩm, một Việt Nam hội nhập hoàn toàn với cộng đồng thế giới.

Một lần nữa tôi chân thành cám ơn quý vị đã lắng nghe và hết mình hỗ trợ nhân dân Việt Nam hiện đang phải sống trong kềm kẹp và áp bức dưới chế độ phát xít CSVN.

Trần Tử Thanh,

Cựu Đại Úy QLVNCH, Cựu Tù Nhân Vì Lương Tâm

Quốc Hội Hoa kỳ, ngày 16.1.2014

 

 

13 Phản hồi cho “Cựu tù nhân Trần Tử Thanh: CSVN thi hành chính sách tra tấn thầm lặng trong các tù cải tạo”

  1. quang phan says:

    “Thiếu-tá TQLC VÕ ÐẰNG PHƯƠNG “ – DƯƠNG VIẾT ÐIỀN

    Thiếu-tá VÕ ÐẰNG PHƯƠNG ở tù lúc bấy giờ đã hơn 10 năm rồi, nhưng anh vẫn dứt-khoát viết một bức thư gởi tên thủ-tướng Phạm văn Ðồng để đại diện cho nhân-dân Việt-nam yêu-cầu chính-phủ Hà-nội xét lại chính-sách cai trị nhân-dân cuả đảng Cộng-sản Việt-nam. Nội dung bức thư mà anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG gởi lên tên thủ tướng Phạm văn Ðồng như sau:

    Xét rằng :

    Sau khi Cộng-sản chiếm miền Nam Việt-nam vào ngày 30 tháng 04 năm 1975, tất cả sĩ-quan QLVNCH đều bị bắt giam trong các trại cải-tạo mà không xét xử, không tuyên án.. Ðây là một hành-động vi-phạm trắng trợn hiệp-định Paris năm 1973 mà chính các ông đã ký kết.

    Tất cả sĩ-quan QLVNCH trong những trại cải-tạo trên khắp lảnh thổ Việt-nam đều bị đối xử quá tồi-tệ,vô nhân-đạo. Ðó là một sự trả thù hèn-hạ,thấp kém,điên-cuồng,mất cả tình người,không đếm xỉa gì đến bản tuyên- ngôn quốc tế nhân -quyền.

    Gia-đình vợ con của tất cả sĩ-quan QLVNCH cũng bị đối xử quá tồi-tệ :

    -Họ bị đày lên rừng thiêng nước độc để sống trong các vùng mệnh danh là kinh-tế mới.

    Tất cả những nhà cửa, tài-sản của nhân- dân miền Nam bị tứơc đoạt một cách công khai,trắng trợn .
    Con cái của các sĩ-quan trong chế-độ cũ đều bị cấm vào học ở tất cả các trường vì bị coi là con của Nguỵ. Lý-lịch 3 đời bị gán cho những thành phần này khiến con cháu họ không thể làm bất cứ việc gì để sinh-sống được.

    Sau hơn 10 năm đất nước Việt-nam đã thống nhất, nhân-dân Việt-nam vẫn còn đói rách, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc . Chiến-tranh vẫn chưa chấm dứt,hoà-bình vẫn chưa xuất hiện trên đất nước Việt-nam.Sự tự-do dân chủ vẫn chưa được thực-thi. Nhân-dân Việt-nam vẫn sống trong lo-âu sợ-hãi. Ðiều này chứng tỏ Ðảng và nhà nước đang thi-hành một chính sách sai lầm hoàn toàn.

    Nay yêu cầu Ðảng và Nhà nước :

    Thả ngay lập-tức tất cả sĩ-quan và những nhân-viên của chế-độ cũ đang bị giam cầm trái phép và phải đối xử nhân-đạo theo bản tuyên- ngôn nhân-quyền quốc-tế.

    Hãy đối xử nhân-đạo và bình-đẳng với vợ con , gia-đình của tất cả sĩ-quan và những viên-chức trong chế-độ cũ trước đây.

    Xét lại toàn bộ đường lối và chính sách của Ðảng và Nhà nước để toàn dân được no cơm ấm áo và được sống trong một nước hoà-bình,độc-lập,tự-do, dân-chủ thực sự :

    - Thực thi hoà-giải hoà- hợp dân-tộc.
    - Phục hồi lại nền kinh-tế
    - Chấm dứt chiến-tranh
    - Giải toả lệnh bế-quan toả- cảng để thông thương với nước ngoài.
    Làm tại Bình-Ðiền ngày 19 tháng 6 năm 1985

    Ký tên VÕ ÐẰNG PHƯƠNG
    Chủ-Tịch Lâm-Thời Phong-Trào Thiết-Lập
    Nền Ðệ-Tam Cộng-Hòa

    Sau đó anh ghi lại thành 3 bản, một bản anh gởi cho tên thủ-tướng Phạm văn Ðồng nhờ trưởng trại chuyển giao, một bản gởi cho tên trưởng trại cải-tạo Bình-Ðiền nhờ cán bộ trực trại chuyển giao, và một bản lưu .

    Sau khi tên trại trưởng trung-tâm trại cải-tạo Bình-Ðiền là trung-tá Trần văn Truyền nhận được bức thư nói trên , anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG liền bị cùm ngay rồi bị đưa vào ở trong nhà kỷ-luật khoảng 3 tháng trước khi đưa ra toà xét xử.

    Ðứng trước vành móng ngưạ, thiếu- tá TQLC VÕ ÐẰNG PHƯƠNG đã trả lời một cách khẳng-khái và hùng hồn khiến ai nấy đều cảm phục. Có đoạn anh PHƯƠNG đã nói:

    _ Tôi nói đây với tư-cách của người dân thường, nói lên tiếng nói mà những người chung quanh tôi, bạn bè tôi, nhân-dân Việt- nam, không dám nói. Tôi nói có tình có lý, chứ không phải xử-dụng biện-pháp quân sự để đàn-áp.

    Nghe anh PHƯƠNG nói vậy, tên quan tòa nói ngay:

    _Anh là một thằng sĩ-quan nguỵ không hơn không kém, anh là cái thá gì ? Một triệu nguỵ-quân và chư hầu còn thất- bại nói gì một mình anh.

    Nhưng rồi qua một đoạn khác anh PHƯƠNG vẫn hiên-ngang :

    _ Các ông làm gì có luật-pháp. Luật-pháp của các ông là luật rừng. Tôi đã ở trong tay các ông thì do các ông quyết-định.

    Thấy những lời nói hùng-hồn của bị-cáo bất lợi cho phiên-toà, tên quan-toà liền chỉ-thị cho bị-cáo nói câu cuối cùng. Biết chúng cố-ý không cho nói nhiều, anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG quyết-định cô-đọng lại nhữnh tư-tưởng quan-trọng rồi tiếp-tục ngẩng đầu cao và dõng-dạc trước toà:

    _ Ai là kẻ vi-phạm hiệp-định Paris 1973 ?

    _ Ai là kẻ đã gây ra chiến-tranh và nghèo đói ?

    _ Phạm văn Ðồng phải chịu trách -nhiệm hoàn-toàn về việc xé bỏ hiệp-định Paris. Rồi đây nhân-dân Việt-nam cũng như nhân-dân thế-giới đều được biết lời nói cuả tôi trước toà-án này.

    Sau khi nghị án , toà tuyên-án anh PHƯƠNG 10 năm tù ở sau khi thi-hành xong án tù cải-tạo vì phạm tội âm-mưu lật đổ chính-quyền dân-chủ nhân-dân.

    Sau khi rời toà-án và bị còng tay đưa lên lại trại cải-tạo Bình- Ðiền để ở tù tiếp, tên trại trưởng trung-tá Trần văn Truyền lúc bấy giờ có khuyên anh PHƯƠNG nên nhún-nhường và phải biết điều hơn ,anh PHƯƠNG đã quát vào mặt tên trại trưởng :

    _ Ông đừng có dạy đời tôi nữa, ông biết Trần bình Trọng trong lịch-sử Việt-nam chứ ! Tôi muốn sống như Trần bình Trọng.

    Dĩ-nhiên sau đó thiếu-tá VÕ ÐẰNG PHƯƠNG tiếp-tục ở tù thêm 10 năm nữa trong sự uất-ức và hận thù triền-miên .

    Mãi đến năm 1995, anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG mới được Cộng-sản trả tự do khỏi trại cải-tạo Hàm-tân.

  2. quang phan says:

    Tội ác Việt cộng :

    Trích – “ĐƯỜNG VÀO ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN “ – Chế Văn Thức :

    ….. Đoàn xe tù tiếp tục lăn bánh về hướng bắc Quốc lộ I, chúng tôi không đoán được sẽ đi về đâu.
    Đoàn xe dừng lại trước cổng một trại giam, tứ bề vòng rào lưới B40 và kẽm gai kiên cố. Trại cải tạo XUÂN PHƯỚC quận Đồng Xuân tỉnh Phú Yên, trại tù mang bí số A20.

    CẢNH ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

    Trước khi vào đến trại giam A20, đoàn xe vượt qua một đoạn đường, bên phải là sườn đồi đất đỏ sỏi đá, bên trái là một cánh đông đất sét với những thửa rộng lúa cháy vàng bởi nắng hạn. Một cảnh tượng hải hung, thoạt đầu chúng tôi không ai hiểu nổi là hình ảnh gì, mặc dù chúng tôi cũng trong thân phận người tù!

    Trên những thửa ruộng khô, đất đai nứt nẻ, lố nhố những toán người không áo không mũ nón, vỏn vẹn chỉ chiếc quần cụt, để lộ đôi ống xương chân khẳng khiu, thân hình da bọc xương với chiếc đầu lâu sậm màu! Hình ảnh ma quái này, ngày nay nếu sống ở Mỹ chúng ta có thể tưởng tượng được. Vào dịp lễ Halloween 31 tháng 10 mỗi năm, trong các của tiệm bán đồ trang trí lễ ma, chưng bày những bộ xương người, đầu lâu trắng hếu, trông ghê rợn, thì cảnh tượng trên cánh đồng khô, người tù đang lao động giống y chang như vậy.

    Ở đây những bộ xương ma quái kia biết cử động, đôi tay xương xẩu, nặng nề mệt nhọc nâng cây cuốc đưa lên thả xuống, đang đào xới thửa ruộng đất khô cằn chai cứng!

    Trước cổng trại, chúng tôi được lùa xuống sắp hàng trên một sân gạch rộng lớn. Trời đã chiều, từ nhiều hướng các đội tù lao động lần lượt kéo về, sắp hàng chờ khám xét nhập trại. Chúng tôi sửng sờ, tận mắt nhìn rõ những bộ áo quần tù, xám tro bạc màu, rách tả tơi, bay phất phơ trên những bộ xương với có chiếc đầu lâu mà chúng tôi đã nhìn thấy trên cánh đồng trước đó. Những người tù đã cởi bỏ áo quần để không cho thấm ướt mồ hôi, hầu giữ ấm được thân thể khi về trại.

    Thành phần tù gì? Họ là ai? Họ là tù hình sự. Phần lớn là con cháu của quân nhân, công chức VNCH. Tuổi chừng 15 đến 30, vào tù cải tạo vì không chịu thi hành nghĩa vụ quân sự, không muốn đem thân bỏ mạng nơi chiến trường Cambodia. Không thi hành nghĩa vụ lao động, theo chính sách cưỡng bức lao động cá nhân, hay buộc phải đi lao động thay thế cho thân nhân già yếu trong gia đình. Công tác lao động thường là công trình thủy lợi, đào kênh dẫn nước, vào núi chẻ đá, khuân vác đất đá, đốn gỗ, xây đập ngăn nước. Một thành phần nữa, là con cháu các gia đình “ngụy quân, ngụy quyền và ngụy dân” bị chính quyền địa phương đẩy đi vùng “kinh tế mới”, cuộc sống thiếu thốn quá khổ, bỏ trốn về các thành phố, mua lén bán chui, kiếm sống, giúp đỡ mẹ, anh em, trong khi ông, cha đang trong tù cải tạo! Chỉ có dưới chế độ cộng sản, mới có chuyện ba thế hệ gặp nhau trong nhà TÙ!
    Chúng tôi tù chính trị, được nhốt chung với tù hình sự trong trại giam Xuân Phước, nhưng ở riêng một khu, cách nhau một sân rộng và nhà hội trường. Trại cấm chúng tôi “liên hệ” với tù hình sự, nhưng rồi đó đây chúng tôi cũng tiếp xúc được.

    Dãy nhà tôi ở mang số 8, gọi là láng 8, dài chừng 50 met, nơi tôi ở, sát cạnh một “trạm xá”, ngôi nhà nhỏ diện tích độ 10 x 5 mét, mái tranh vách đất, chỉ một cửa nhỏ ra vào . Nói là trạm xá nhưng nhiều ngày, chẳng thấy y tá hay y sĩ vãng lai, cũng không thấy khám bệnh. Thì ra nơi đó, các cháu bị bệnh lao phổi đến thời kỳ quá nặng, cán bộ trại đưa vào cách ly, nằm chờ chết. Tiếng ho sùng sục bên trong liên hồi vọng ra.

    Những cháu còn chút sức, lê thân ra ngoài hóng nắng, mở nút áo để lộ thân hình da bọc xương, đầu trọc không còn chút tóc, người co quắp, thở hỗn hễn, đứt đoạn từng hơi! Dãy nhà 8 nằm cuối cùng, sát hàng rào trại, nên họ ngăn một đoạn ngay đầu nhà, chừng 5 met làm thành một phòng nhỏ, phòng xác! Do vậy, bọn tù ở láng 8 chúng tôi, nhìn qua khe cửa, mỗi ngày chứng kiến ít nhất có từ 2 đến 3 xác chết, quấn bằng manh chiếu hay mền. Trên đầu chiếc giường tre, ngọn đèn dầu leo lắc, một chén cơm có cắm đôi đủa. Họ đưa xác vào đó ban đêm sau 7 giờ tối, khi chúng tôi đã vào bên trong láng ngủ và cửa khóa chặt. Ngày hôm sau, lúc chúng tôi xuất trại đi lao động bên ngoài, cán bộ trại cho đội tù hình sự, có tên Đội Tự Giác, dùng xe cải tiến, loại xe thùng có 2 bánh sắt, chở xác chết ra chôn ở một ven rừng đất đỏ, nghĩa địa của trại.

    Những lần đi lao động ngang qua đây, chúng tôi đã thấy nhiều nấm mộ lắm rồi.

    Tù cải tạo thuộc diện tù chính trị như chúng tôi, thời kỳ do bộ đội quản lý, mặc dù lao động khổ sai trong vùng rừng núi Trường Sơn, nhưng khi làm lao động có thể đi lại đó đây, tìm kiếm rau lá, bẩy chuột, bắt rắn cóc nhái . . . cải thiện bửa ăn, phụ thêm mớ thực phẫm, do vợ con thân nhân, cực khổ gồng gánh, vượt vạn dặm thăm nuôi. Thân xác chúng tôi cũng đã kiệt quệ, nhưng chưa đến nổi nào.

    Đến lúc vào tay ngành công an quản lý, tại trại tù A20 này, quy chế đời sống chúng tôi không khác gì so với các cháu tù hình sự. Phần ăn mỗi bửa đều giống nhau. Nấu bếp làm cơm do tù hình sự phụ trách. Bửa ăn sáng trước giờ đi đồng lao động, mỗi phần ăn độ 4, 5 lát “sâm”. gọi là sâm cho vui, cũng để đánh lừa cái miệng, thực ra nó là những lát mì (củ sắn).

    Mì do tù nhân trồng trọt, đến mùa thu hoach (bới lấy củ), cán bộ trại bắt tù nhân ngồi giữa đồi trọc, mỗi người một khúc gỗ, một con dao lớn, chặt củ sắn thành nhiều lát, có bề dày bằng nữa đầu lóng tay, những lát mì tung ra phơi nắng ngay tại chỗ, trên nền đất cát đỏ, qua nhiều ngày đêm, bất kể nắng mưa sương gió, cát bụi bám đầy. Đến lúc lát mì khô đã đổi sang màu sậm, được đưa vào các kho chứa, bao bọc bởi những mành tre thưa mỏng, không đủ sức che mưa gió. Những lát mì đóng lại thành cục, lên men trắng, men vàng rồi men đỏ, lát mì không còn lên men được nữa, trở thành những lát Sâm Cao Ly màu đen lánh !

    Phần cơm trưa và cơm chiều giống nhau. Chén cơm chỉ là một chén sâm, cỏng lưa thưa một vài hạt cơm! Thức ăn là tô canh rau xanh, rau do tù trồng, được bón loại phân XANH, tức phân người trộn với lá cây xanh, phân lấy từ cầu tiêu nổi có thùng chứa.

  3. Nguyễn Phan says:

    …Một đêm, khi kể chuyện về Khu Tự Trị Việt Bắc, tôi hỏi ông ta:
    - “Ông có bà con gì với Tướng Chu Văn Tấn không?”
    Ông ta cho biết là cháu họ, gọi Tướng Chu Văn Tấn bằng Ông Chú, đồng thời cũng là Ông Thầy. Trong bộ tộc Nùng, ông Tướng Tấn còn được gọi là Ông Châu, Ông Quan. Tôi lại hỏi:
    - “Có phải bí danh của ông Tướng Tấn là Quan Trung không?”
    - “Ông hay đấy, sao ông biết rõ vậy?”
    - “Có lẽ chúng ta sẽ chết trong tù cho nên tôi cũng chẳng muốn giấu gì ông. Ở miền Nam, khi chúng tôi thả toán biệt kích Nùng ra các khu Việt Bắc của các ông thì cơ quan Tình Báo Việt-Mỹ hỗn hợp thường cấp cho giấy đi đường, phép của Thượng Tướng Quan Trung. Giấy phép giả nhưng trông như thật, đấy là “nhà nghề” tình báo mà. Nhưng tôi muốn hỏi riêng ông, tại sao bí danh Quan Trung, chữ Quan không có “g” ?
    - “À, Quan Trung không phải giống như bí danh Quang Trung của Ông Vua Nguyễn Huệ đâu. Đấy là bí danh do “Ông Hồ” đặt cho Ông Thầy của chúng tôi. Ông Quan, Ông Châu là tên gọi của Thủ Trưởng Bộ Tộc, Quan Trung có nghĩa là Ông Quan, Ông Châu trung với Đảng, hiếu với Dân đấy! Ông Thầy của chúng tôi còn có bí danh khác là Năm Hồng”.
    Ông ta lại cho biết thêm đa số người bộ tộc Nùng ở vùng Việt Bắc, giáp giới với Trung Cộng, chỉ học đến cấp tiểu học là cao nhất. Sau đó, tùy theo nhu cầu công tác, sẽ được học bổ túc văn hóa. Tướng Chu Văn Tấn cũng chỉ học đến tiểu học, trước kháng chiến 1945, đi lính cho Pháp, chuyên về du kích miền núi. Người Nùng nói thông thạo cả hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Quảng Đông. Có một chi tiết mà tôi thường lưu ý riêng là trong suốt thời gian sống chung với nhau, trong mọi câu chuyện khi đề cập đến Hồ Chí Minh thì ông ta không gọi là “Cụ Hồ” hay “Bác Hồ” như những đảng viên cộng sản hoặc người dân khác, mà chỉ gọi là “Ông Hồ”. Có lẽ với tinh thần bộ tộc tự trị, với tính tình mộc mạc hoang sơ như núi rừng, với sự phục tùng riêng tư nào đó, đối với ông ta thì Tướng Chu Văn Tấn – Ông Thầy – là cao cả nhất.
    Những ngày đêm còn lại, ông bạn tù Chu Văn Neo lại tỉ tê kể thêm cho tôi nghe về chuyện tù, về cuộc đời và kho vàng của Thượng Tướng Chu Văn Tấn, như là một tiết lộ bí mật, không hề quan tâm gì đến hậu quả khi nói ra. Tôi nhớ lại, sắp xếp câu chuyện mạch lạc trước sau, không thêm một lời bình luận nào cả. Từ khi ra khỏi ngục tù Thanh Liệt đến nay, tôi không có dịp và cũng không có thì giờ để quan tâm tìm hiểu thêm tài liệu về sự kiện này.

    Sau đây là chuyện kể, lời của người bạn tù trong dịp Tết 1988 tại trại giam Thanh Liệt:

    … “Tôi đã bị bắt giam gần 10 năm nay rồi, kể từ năm 1979 đến nay (1988), bị chuyển trại nhiều lần, nhiều nơi. Tôi tin rằng tôi sẽ bị chết trong tù, sẽ bị thủ tiêu, như Ông Thầy của tôi, cho nên tôi chẳng ngại gì mà không nói qua cho ông biết. Tôi cũng không sợ ông sẽ báo cáo lại với các “cấp Trên” vì họ cũng sẽ không khai thác được gì thêm. Những gì tôi biết thì tôi sẽ mang theo khi chết. Còn vợ con tôi thì tôi không muốn nghĩ đến nữa, họ sống với núi rừng quen rồi, có tôi hay không còn tôi thì cũng chẳng sao. Riêng đối với ông, tuy mới quen nhau, được chung sống với nhau chưa biết ngày nào sẽ cách ly, nhưng tôi cũng đã nghe nói về ông rồi. Ông từ nước ngoài về đây, ông ra họp báo chống lại cộng sản. Tôi trọng ông về điều đó, mặc dù tôi cũng là đảng viên cộng sản, nhưng tôi theo đảng là vì tôi theo Ông Thầy của tôi. Bây giờ thì Ông Thầy của tôi đã chết rồi, tôi chẳng còn có gì phải lo nữa. Già yếu, tù tội không án lệnh, trước sau gì cũng chết ở đây thôi… Ông Thầy của tôi được phong quân hàm Thượng Tướng đầu tiên, lúc chưa tới 50 tuổi, từng làm Bộ Trưởng Quốc Phòng, làm Phó Chủ Tịch Quốc Hội. Chỉ có núi rừng Việt Bắc của chúng tôi mới sinh ra được một Ông Thầy vĩ đại như vậy. Ngay chính giặc Pháp cũng phải nể trọng gọi Ông Thầy là “Hùm xám Bắc Sơn” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp kia mà. (Tôi lưu ý mỗi lần nói về Tướng Chu Văn Tấn thì ông bạn tù của tôi dường như có kèm theo một vài tiếng nấc, tiếng khóc uất ức nào đó). Khi “Ông Hồ” làm việc ở Pắc Pó thì chính Ông Thầy của chúng tôi lo việc bảo vệ an ninh, và “Ông Hồ” lúc nào cũng tin cẩn Ông Thầy , một trong số ít đồng chí được “Ông Hồ” quý yêu nhất. Ông Thầy của chúng tôi cũng là Uỷ Viên Trung Ương Đảng đấy…
    Ông còn nhớ không, vào năm 1945, 1946 gì đó, có Tuần Lễ Vàng khắp cả nước, kêu gọi nhân dân đóng góp vàng để làm phương tiện chi tiêu đánh giặc Pháp, giặc Nhật. Tôi nghe nói đã quyên góp được hơn 400 ký vàng đủ loại, và nhiều thứ đồ trang sức khác, cũng như mấy chục triệu tiền Đông Dương thời đó. Sau đó, “Ông Hồ” lệnh cho Ông Thầy chúng tôi chuyển tải khoảng hơn 200 ký vàng và mấy triệu đồng qua Tàu để cầu xin ủng hộ việc đánh Pháp, giành độc lập. Chính tôi cũng được đi theo các đoàn chuyển tải vàng này. Nhưng Ông Thầy ra lệnh là chỉ chuyển đi khoảng 100 ký thôi, số còn lại thì chôn cất tại nhiều nơi ở Lạng Sơn, Cao Bằng, sẽ sử dụng riêng cho khu Tự Trị Việt Bắc sau này. Thời bấy giờ mà có được số vàng như vậy là lớn lắm đấy. Chúng tôi chỉ biết theo lệnh của Ông Thầy, không thắc mắc, không báo cáo với ai cả. Tôi được biết những nơi chôn cất vàng ấy nhưng đến chết cũng không khai báo. Có một vài anh em chúng tôi cũng được biết, nhưng họ cũng như tôi, không bao giờ tiết lộ, tôi tin điều đó, nhất là khi Ông Thầy của chúng tôi đã bị thủ tiêu…
    Chúng tôi không bao giờ phản lại Ông Thầy. Chết thì thôi, sá gì…
    Sau khi “Ông Hồ” chết, thì ông Lê Duẩn, không biết tìm hiểu tin tức ở đâu, cứ cật vấn Ông Thầy chúng tôi về các kho vàng bí mật tại vùng Việt Bắc. Nhưng cũng chẳng khai thác được gì. Có nhiều lần Ông Thầy bị gọi về Hà Nội “làm việc”, có tôi tháp tùng, bị hăm dọa đủ điều nhưng chúng tôi không hề hé môi. Đến năm 1979, chuyện chiến tranh biên giới Việt-Trung lại xảy ra, nhất là tại các vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Quân ta bị đánh tơi bời, riêng bộ tộc Nùng của chúng tôi thì rút sâu vào rừng cho nên không bị thiệt hại nhiều. Lại có tin đồn là Ông Thầy và chúng tôi có mật ước gì đó với Trung Quốc, muốn vùng lên lập khu tự trị riêng cho người Nùng chúng tôi và Ông Thầy sẽ làm thủ lãnh biệt lập. Ông Lê Duẩn lại nghi ngờ thêm, tước hết binh quyền và chức vụ của Ông Thầy, bắt về Hà Nội giam lỏng. Chúng tôi bơ vơ từ đó… Và tôi cũng bị bắt giam luôn, bị cách ly. Tôi bị tra khảo suốt mấy năm trời, âm mưu gián điệp với Trung Quốc thì chẳng có, còn bí mật chôn cất vàng thì tôi không khai báo. Tôi đã nói với ông rồi, có chết cũng không nói mà. Sau này thì họ cứ giam lỏng tôi, thỉnh thoảng cho gia đình tiếp tế quà, không có án lệnh, không biết bao giờ được thả ra. Tôi tin là sẽ bị chết luôn trong tù. Đến năm 1984 thì tôi được tin các bạn tù cho biết là Ông Thầy của tôi đã chết ở Hà Nội, chết trong tù, nghe nói là bị bóp cổ, thủ tiêu, sau khi họ không khai thác được tin tức gì về kho vàng. Họ cho chôn Ông Thầy ở Văn Điển, có nói ra thì ông cũng chẳng biết Văn Điển ở đâu. Và sau đó thì cho cải táng về Thái Nguyên, quê hương của Ông Thầy chúng tôi. Đối với tôi, đấy là một cái tang lớn, tôi có lời thề là sống chết gì cũng theo Ông Thầy… Rồi đến năm 1986 thì ông Lê Duẩn chết. Bây giờ là năm 1988 rồi, tôi cũng chẳng biết ra sao… Tôi tiếc là chúng ta không được gặp nhau ngoài đời, gặp nhau ở Việt Bắc, vì với tánh khí của ông, mặc dù mới trực diện nhau, nhưng tôi tin là chúng ta có thể cộng tác nhiều việc. Biết đâu, với thân tình, tôi sẽ cho ông biết thêm về kho vàng của chúng tôi, kho vàng của Ông Thầy…
    Thôi, chúng ta cố ngủ đi, rồi mai sẽ nói chuyện tiếp… Mấy con gà ở bên kia vách tường huyện Thanh Trì sắp gáy sáng rồi đấy… “.
    Câu chuyện còn đang gay cấn, tôi tò mò muốn biết thêm nhiều điều bí mật làm tư liệu hi hữu trong đời, mỗi đêm được nghe kể chuyện là một điều thích thú, quên cả đời tù. Biết đâu nếu sau này còn sống, ra khỏi tù, tôi sẽ có dịp tìm tòi thêm tài liệu, tôi đã nghĩ như vậy trong thời gian chung sống với bạn tù Chu Văn Neo.
    Nhưng vào một buổi sáng, khi chưa có tiếng kẻng sớm trong trại tù, cán bộ quản giáo và bảo vệ mở cửa phòng giam của tôi và ra lệnh cho ông bạn tù di chuyển. Ông ta xin phép cán bộ để lại cho tôi mấy cái bánh đậu xanh, một ít thuốc lào với giấy vấn và diêm để hút. Rồi, ông ta liếc nhìn tôi, lách mình qua khung cửa sắt, cúi đầu đi theo cán bộ, không nói một lời. Tổng cọng chúng tôi được sống chung với nhau khoảng hai tuần lễ.
    Tôi viết lại câu chuyện kể trong tù nhân dịp Tết 1988, đến nay đã 25 năm trôi qua, có lẽ ông bạn tù của tôi đã chết rồi, mang theo bí mật về kho vàng của Thượng Tướng Chu Văn Tấn vào cõi Vô Cùng nào đó… “Hồn ở đâu bây giờ?”…

    Võ Đại Tôn
    Hải ngoại, cuối năm 2013.

  4. TÔ huy CƠ says:

    Rất tiêcs ’39 nĂm trôi qua rồi mà vẫn phải đọc lại những dòng như thế này …: ” Vào cuối tháng 4 năm 1975, lúc mà chính quyền Hoa Kỳ chỉ muốn nhanh chóng rút quân cùng toàn bộ nhân sự để khép lại chương sử chiến tranh Việt Nam, họ đã bỏ lại đằng sau hơn 980 ngàn quân đồng minh QLVNCH, với phương tiện thiếu thốn, phải đơn độc đương đầu với quân CSVN được sự hậu thuẫn toàn diện bởi Liên Sô, Trung Quốc và toàn khối Cộng Sản Vac-Sa-Va (Warsaw Bloc).
    Vớí cái giá quá cao vì sự bội ước này mà nhân dân miền Nam Việt Nam phải trả, là trên 800 ngàn quân
    nhân quân lực VNCH, cán bộ, cảnh sát, các đảng phái đã trở thành nạn nhân của sự trả thù tàn bạo nhất
    của quân CS xâm lược bằng các cuộc giết hại và “tra tấn thầm lặng….! ” của TTT . Nếu là người Mỹ thì tôi cũng sẽ bỏ loại người này mà trở về lo nội tình của nước Mỹ . 1971 tôi bỊ bắt ,1973 bỊ tòa án thành phố xư 5 năm tù + 2 năm tước quyền công dân vì trước tòa tôi vẫn phản đối cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và lên án chủ nghĩa Mác ! . 1975 tôi còn ở trại Phong Quang – LÀO cai cùng với tác giả Hoa địa ngục , chúng tôi hiểu một đại thảm họa sẽ xập xuống với đất nước khi biết những viên tướng chỉ huy lại tuyên bố tùy nghi di tản ….rồi tuyên bố đầu hàng !. Không có ai chống lại cÁI mệnh lệnh nhục nhã đó để bây giờ nhờ Mỹ nên được sang MỸ mà vẫn chửi Mỹ ! quả là vô liêm sỉ !. TrẦN tỬ Thanh hãy xem lẠI :” ONCE OPEN AT TIME IN THE WEST ” để biết người biết mình

  5. Tuổi trẻ says:

    Trại tù Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, ngoại ô Hà Nội, cũng như trại tù Hỏa Lò ở Hà Nội, là những trại giam hình sự, nhưng có một số phòng đặc biệt để giam cầm những phần tử mà chế độ cộng sản gọi là “phản động, chống đối cách mạng”. Tại trại tù Hỏa Lò, trong thời gian chiến tranh, các phi công Hoa Kỳ (trong đó có đương kim Thượng Nghị Sĩ Mc.Cain) bị bắt giữ, giam cầm. Các tù nhân chiến tranh Hoa Kỳ này thường gọi mỉa mai đó là “Khách sạn Hilton”.
    Suốt hơn 10 năm bị giam tại trại tù Thanh Liệt, phòng số 8 – Khu D -, tôi không được ra ngoài đi lao động, không được liên lạc với gia đình, chỉ thường xuyên bị “làm việc” với các cán bộ quản giáo, hoặc thẩm vấn viên từ Bộ Nội Vụ. Những năm tháng sau cùng thì tôi dường như bị “bỏ quên”, không ai hỏi tới, đặc biệt là sau ngày họp báo Quốc Tế năm 1982 mà tôi đã “phản phé” làm cho chế độ Hà Nội phải mất mặt trước các ký giả ngoại quốc. Vì sống cô đơn trong cảnh biệt giam, thiếu dinh dưỡng và các vết thương bị tra tấn còn hằn sâu trên thân xác ngày càng kiệt quệ, tôi phải vận dụng trí óc để quyết tâm tồn tại, nhất là không bị điên loạn.
    Viết đến đây, tôi nhớ lại những chuyến qua Hoa Kỳ công tác, sau khi ở tù về từ đầu năm 1992 đến nay, tôi có dịp gặp lại một số bạn cựu quân nhân Mỹ đã từng bị Hà Nội giam cầm ở Hỏa Lò, tuy chỉ có vài năm, nhưng dường như hầu hết đều bị bệnh tâm thần, gia đình ly tán. Tôi cũng có đọc một bản nghiên cứu của cơ quan STARTTS về tù nhân chính trị dưới các chế độ cộng sản, tổng kết là tất cả tù nhân chính trị nào bị biệt giam từ 5 năm trở lên đều mắc phải bệnh tâm thần, trầm uất vô thức, có lúc bi quan đến tận cùng tuyệt vọng, có lúc nóng giận bất chợt. Những ai chưa hề trải qua một ngày cận kề với cái chết ngoài mặt trận trong chiến tranh, chưa hề một ngày bị cộng sản biệt giam đày đọa tinh thần và thể xác, không bao giờ hiểu được, không cảm thông chia sẻ, chỉ biết đem cái “bình thường” để phê bình trách cứ cái “bất thường vô thức” của người tù chính trị đang cố đấu tranh nội tâm ngày đêm để tồn tại và tiếp tục chiến đấu. Thay vì nâng đỡ, cảm thông, thì lại lạnh lùng phán xét, hạ nhục bằng lời phỉ báng những người đã trở về từ địa ngục đang cố gắng đồng hành vì Tự Do cho quê hương.
    Trở lại với gần 4.000 ngày đêm bị tù biệt giam, tôi đã tận dụng tối đa sức con người để sống còn qua từng hơi thở, “tiếp xúc” với gia đình qua trí tưởng tượng, “tâm sự” với muỗi rệp cho bớt nỗi cô đơn trong mấy nghìn đêm đáy vực. Tôi luyện ôn lại ngoại ngữ, nhớ rõ từng câu thơ, từng đoạn văn, đã “viết” bằng trí nhớ, và bất cứ những gì xảy ra trong nhà tù mà tôi biết được, không bao giờ tôi quên. Tôi vẫn còn nhớ rõ những cái chết khốn cùng đau thương của các người bạn là Nguyễn Kim Thúy (Giám Đốc Nha Kế Hoạch, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH) ở phòng số 7 bên cạnh, của Tiến Sĩ Tô Cẩm Sơn ở Pháp về… (tôi đã kể lại trong hồi ký lao tù “Tắm Máu Đen”). Và luôn cả nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, qua trao đổi lén lút giữa hai phòng giam, số 8 và số 7. Có ba lần tôi được sống chung với một vài bạn tù khác, trong một thời gian ngắn, vì tù nhân chuyển về trại quá đông mà thiếu buồng giam. Có cựu Trung Tá Cảnh Sát Trần Văn Xoàn…

    Võ Đại Tôn.

  6. quang phan says:

    Trích – Có những cổng Trời – Tác giả: Tưởng Năng Tiến :

    Loạt bài về “Trại Giam Cổng Trời” (qua lời nhân chứng) của biên tập viên Mặc Lâm – RFA

    Người tù Trần Nhật Kim, tác giả cuốn Cuộc Chiến Chưa Tàn cho biết :

    ”Từ trại giam Cổng Trời đi đường bộ xuống Thị xã Hà Giang chừng 36 cây số. Ngược lên phía Bắc là huyện Quản Bạ nằm sát biên giới Việt Trung, chỉ cách trại khoảng 10 cây số.

    Cuộc sống bên trong Cổng Trời đã được ông Nguyễn Hữu Đang, một trong những người tù nổi tiếng nhất miền Bắc, tóm gọn như sau:

    “Trại này có truyền thuyết là ‘vào thì không ra’, đến đây là phải bỏ xác chớ không hy vọng gì để trở về với gia đình. Trại Cổng Trời là một lò sát sinh đầy bí mật, tàn bạo và khoa học của Hà Nội. Trại này đã bí mật chôn vùi 300 anh em tù biệt kích miền Nam và hàng ngàn tù chính trị, tu sĩ và linh mục Công giáo cũng như giới trí thức chống chủ nghĩa CS của chính miền Bắc.”

    Mặc Lâm so sánh:

    “Những trang sách trong tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù của Aleksandr Soltzhenitsyn diễn tả cái lạnh giá mà người tù nước Nga phải chịu đựng suốt mùa đông đã đánh động con tim nhân loại bao nhiêu, thì khi nghe người tù trại giam Cổng Trời kể lại chính bản thân họ chịu đựng cái lạnh của đất trời Hà Giang sẽ khiến người nghe chạnh lòng đến rơi lệ bấy nhiêu.”

    Rồi đến đói khát:

    -”Ăn thì ăn đói không có gì cả. Đói điên cuồng, đói quá hóa điên. Ai trải qua rồi thì mới thấy nó khủng khiếp. Có những thanh niên không chịu được đói đập đầu vào tường để tự tử. Có người dùng mảnh chai cắt veine để cho máu chảy ra mà chết. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp như thế, đói một cách kinh khủng.” (Nguyễn Chí Thiện)

    - “Chúng tôi đói đến nỗi phải sàng phân mà ăn. Là vì ăn hạt bo bo của Ấn Độ, mà bo bo thì cứng lắm thanh niên như tôi mà nhai còn nhủng nhẳng thì huống chi mấy ông già, nhai kỹ bao nhiêu thì vẫn còn phân nửa. Một nửa còn lại nguyên si nó vào xong nó lại đi ra. Mà phân thì lại không có mắm muối, cá thịt gì nên không hôi thối. Do đó các người đói quá sau khi những người tù đi ngoài thì họ vào họ xúc phân đó. Những toán đi ra ngoài đồng đem xuống suối rửa sạch rồi hầm lại và ăn lại cái bo bo đó!”(Đặng Chí Bình)

    Và đòn cuối là sự cách ly:

    “Án bao nhiêu năm chẳng quan trọng, chẳng đáng kể. Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia đình. Anh không có quyền nhận thăm nom, không tiếp xúc với bên ngoài.Anh chỉ sống chuyên giữa các anh với nhau, những người tù, những tù nhân chính trị.” (Nguyễn Hữu Đang)

  7. quang phan says:

    Vương Mộng Long – Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng, TĐ82/Biệt Động Quân – bị CS giam giữ 13 năm :

    Giữa năm 1978, toán bốn người cựu sĩ quan của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, tù cải tạo ở Trại 4, Xã Cẩm-Nhân, Yên-Bái, vượt ngục lần thứ nhì, nhưng bị thất bại. Đại Úy Lê Bá Tường chết trong rừng. Còn lại Thiếu Tá Đặng Quốc Trụ, Đại Úy Trần Văn Cả và tôi (Thiếu Tá Vương Mộng Long) bị bắt đưa về tạm giam ở Đoàn 776 Yên-Bái.

    Ngày đầu, một vệ binh còn rất trẻ tên Lời đã thẳng tay nện một báng súng A.K vào mặt tôi, một cái răng gãy. Tên vệ binh Cộng-Sản trẻ tuổi này đã nặng tay với tôi, vì hắn vừa tìm thấy trong ba-lô của tôi một bài thơ “phản động”. Chưa hả giận, hôm sau y trở lại. Tôi bị quật thêm một báng súng vào ngực, gãy một cái xương sườn.

    Qua ngày thứ tư thì chúng tôi bị đưa xuống phà để về Trại 9 bên hồ Thác Bà, Xã Cẩm-Nhân, Yên-Bái.
    Hai bạn đồng hành của tôi, Thiếu Tá Trụ và Đại Úy Cả bị nhốt trên nhà kho của trại. Tôi không rõ họ bị đối xử ra sao. Còn tôi là người cầm đầu cuộc vượt ngục này, nên bị tách riêng, giam trong nhà kỷ luật, sát với hàng rào khu cưa xẻ thợ mộc. Tôi bị cùm cả hai chân, còng cả hai tay.

    Khi ấy đang mùa hè, trong hầm nóng nực, muỗi như trấu, bất kể đêm, ngày. Da mặt, da cổ, da tay chân của tôi trở nên sần sùi vì muỗi đốt.

    Tôi được phát hai cái ống nứa lồ ô dựng gần chân nằm. Một ống nứa để đại tiểu tiện, một để chứa nước uống. Tay bị còng, chân bị cùm, vấn đề đi đại, tiểu tiện quả là một cực hình. Nhưng vì bụng đói liên miên, nên vấn đề đại tiện cũng khó xảy ra thường xuyên.

    Cũng do biên bản bàn giao lại từ Đoàn 776, nên từ hôm về Trại 9, ngày nào tôi cũng trải qua một trận đòn hội chợ, kéo dài trên, dưới hai tiếng đồng hồ. Tôi bị bắt đứng giữa phòng trực trại, bốn góc phòng là bốn vệ binh. Tôi bị đánh chuyền tay từ góc này sang góc khác, xoay tròn quanh phòng. Má bên trái vừa lãnh một cú đấm chưa kịp cảm thấy đau thì má bên phải đã lãnh cú đấm tiếp theo. Những đợt máu mũi phọt ra ồng ộc tràn trên má và trên ngực tôi chỉ làm cho những tên vệ binh trẻ tuổi hăng tiết thêm.

    Trọng lượng thân tôi thời này còn chừng trên ba mươi ký lô là cùng. Những cú đấm móc tận lực làm cho tôi có cảm tưởng như là đang “bay” từ góc nhà này, sang góc nhà khác. Sau mỗi tiếng “hự!” máu tôi lại trào ra như xối. Không biết máu từ mồm tôi hay từ phổi tôi phun qua hai lỗ mũi thành vòi? Mặt tôi bầm tím sưng vù, đôi mắt híp lại, nhìn một vật hóa hai. Sau khi bị hàng chục cú đá cật lực vào bụng dưới, cứt đái trong bụng tôi cứ tự do tuôn ra quần. Tôi cố nín, cũng không nín được.

    Lãnh những trận đòn thù như thế này, tôi mới thấm ý câu hăm he của tên sĩ quan an-ninh Trại 9, “chúng ông sẽ đánh cho mày té đái, vãi phân”.

    Nhiều lần tôi bị đánh mửa mật xanh, mật vàng mà vẫn chưa được tha; đến lúc tôi mềm như sợi bún, vệ binh mới kéo tôi ra vứt ngoài cửa phòng trực. Có hôm cả giờ sau trực trại mới cho người kè tôi về nhà giam.

    Chắc nhiều bạn tù thấy cảnh tôi nằm rũ như cái xác không hồn nơi góc sân phơi sắn khô, nên một người được tha về Ban-Mê-Thuột đã đến nhà ông bà nhạc của tôi kể lại rằng tôi trốn trại và bị vệ binh đánh chết rồi!

    Khi nhận tin này, ông anh vợ của tôi lo quá, vội đề nghị với bà mẹ vợ tôi, “Đừng nói cho con Loan hay tin chồng nó chết. Nghe tin này nó không sống nổi đâu! Nó mà chết thì đàn con nó sẽ bơ vơ…”
    Những ngày không bị dẫn lên “khung” để lãnh đòn, tôi nằm chờ thời gian trôi qua.

    Một tia nắng xuyên khe mái nứa, in một đốm sáng trên nền nhà. Nhìn vị trí đốm nắng di chuyển, tôi biết giờ giấc. Chấm nắng bắt đầu xuất hiện trên vách nhà hướng Tây vào lúc kẻng giải lao thứ nhứt của trại (khoảng chín giờ sáng) rồi từ từ di chuyển dần về hướng đông. Khi tiếng kẻng báo giờ điểm danh chiều (khoảng năm giờ chiều) thì chấm nắng tới giữa vách hướng Đông, thế là hết một ngày!
    Hàng ngày, tù nhân của nhà bếp đem cho tôi một bát sắn khô nấu nhão nhoét. Anh ta phải để bát sắn nơi cửa buồng giam; tiếp xúc với người đang bị cùm là điều cấm kỵ!

    Khi người tù đưa cơm rời bước, đàn gà của trại vội tranh giành nhau những mẩu sắn trong tô. Tới giữa trưa, tên bộ đội trực trại mới đến mở cửa hầm giam cho tôi ăn bữa cơm tù độc nhất trong ngày. Nhiều khi, tô sắn tới tay, tôi chỉ thấy một mớ bầy hầy đất cát và vài cọng sắn khô cỡ ngón tay. Tôi đói tới run chân, run tay, đói ngủ không được.

    Có hôm tôi được một củ sắn lớn cỡ cườm tay, dài một gang. Cũng có ngày tôi được hai củ khoai lang luộc nặng chừng nửa ký. Thường xuyên, thực đơn cho tù trốn trại là một tô cháo sắn phơi khô rắc muối.

    Từ lâu lắm rồi, không nghe ai nhắc tới hai chữ “nhân quyền”. Trong thời gian tôi bị cùm ở trại này thì, cứ cách hai hay ba tiếng đồng hồ, một tên bộ đội đi tuần tra lại ghé kiểm soát tình trạng khóa, chốt, còng, cùm một lần. Trong bóng tối, để chắc chắn rằng tôi còn sống, anh ta thường “tiện tay” khện cho tôi một cái bạt tai hay một báng súng để nghe tôi la lên oai oái vì đau.

    Đêm nào nghe thấy tiếng chân nhiều người đi tuần, lòng tôi lại phập phồng,… biết đâu?… rất có thể, người ta sẽ ập vào, hè nhau đè tôi xuống, bịt miệng, khóa tay tôi, tròng một sợi dây thòng lọng vào cổ tôi, rồi lôi thân tôi lên xà nhà, như cách đây hai năm họ đã làm, để giết một anh tù vượt ngục bên Trại 4. Những cái chết như thế sẽ được thông báo là “tù tự tử”, thật đơn giản.

  8. quang phan says:

    *** Tôi ác Việt cộng :

    Trích – “Ở Tù với Trần Dạ Từ ” – Nhà báo Hồ Văn Đồng: Ðúng hai năm sau ngày thi sĩ Trần Dạ Từ ra khỏi nhà tù Cộng sản, cũng đúng một năm sau ngày Văn Bút và chính phủ Thụy Ðiển đón tiếp gia đình anh ở Stockholm, anh chị và các cháu sang Ngày 9 tháng 9, 1989, bạn hữu văn giới ở Hoa Kỳ đã họp mặt mừng đón anh chị ở Nam Cali.

    Cùng với các anh Nguyên Sa, Phạm Duy, Mai Thảo, Tạ Tỵ, Viên Linh, Lê Ðình Ðiểu và nhiều anh em khác, tôi đã có dịp kể chuyện tôi ở tù cộng sản với Trần Dạ Từ và bạn hữu. Tiếc thay, khi vừa nhắc tới trái chuối, củ khoai hai anh em tôi chia cho nhau trong tù, là tôi đã òa khóc ngay trên diễn đàn, không sao nói được thành tiếng nữa. Sức lực tuổi già tệ hại quá. Bao nhiêu năm trong ngục tù, anh em nhà văn nhà báo đâu có ai thấy nhau khóc. Tất cả chúng tôi, ngay trong ngục tù, vẫn vui sống, vẫn tươi cười với nhau.
    ……………………..
    Nói rằng trong tù anh em văn nghệ sĩ chúng tôi không hề khóc, với tôi, là sai. Tôi đã có hai lần khóc trong tù Cộng sản.

    Một lần, khi làm việc trực nhật, xuống bếp trại lãnh cơm đem về phóng cho anh em, thấy mấy cục cơm rơi phía ngoài nồi, tôi đói và tôi tiếc của trời, cho là chuyện thường, tôi bốc mấy cục cơm trên đất bỏ vô miệng.

    Có người báo cho bọn quản giáo là tôi tự ý bốc cơm ăn, thế là bọn cán bộ ra lệnh họp đội, mang tôi ra đấu tố vì “tội lượm cơm của đội ăn riêng.” Anh Từ bảo tôi:

    “Nó muốn kiếm chuyện, chọc mình cãi cho nó có cớ bêu xấu mình rồi nhốt sà-lim, cùm chân, cho ăn đói. Chuyện không đáng cãi. Ðừng dại húc đầu. Anh đừng thèm cãi tiếng nào. Nhận ngay lỗi, tự mình xin chịu biện pháp kỷ luật. Vậy là hết chuyện để nó bới móc.”

    Phiên họp đội đấu tố được tổ chức. Tôi nói, bao năm rồi tôi vẫn nhớ nguyên từng tiếng, như sau:
    “Tôi xin nhận tội đã bốc cơm của đội và của nhân dân bỏ vô miệng. Năm nay tôi 60 tuổi, một người chừng ấy tuổi mà tư cách không ra gì, bốc cả đến mấy cục cơm rơi bỏ vô lỗ miệng, ngay trước mặt bao anh em, thật xấu hổ. Tôi xin nhận tôi phạm cái tội này. Xin các anh em phê bình tôi. Xin cán bộ cho tôi chịu hình phạt, như cúp phần ăn, đi kỷ luật, để giúp tôi tự sửa mình. Xin hết.”

    Anh em tù im lặng. Không ai đấu tố lời nào. Sau đó cũng không thấy hình phạt. Ít lâu sau, khi nghe tin anh Nguyễn Mạnh Côn chết ở Trại Tù Xuyên Mộc vì anh tuyệt thực nên anh bị bọn Cai Tù không cho uống nước, lại nghe kể trước khi chế anh thều thào: “.. Ðói, đói… Cơm cơm…” Tôi khóc.
    Tôi còn khóc một lần nữa, khi tôi chuyển trại.

    Ðược rời khỏi đội khổ sai nặng nề nhất trại, bị gọi là đội trừng giới, với nhiều người, là cái may. Với tôi, thì việc ra khỏi đội là phải xa anh Từ và bạn hữu. Trong tù, anh Từ là người lặng lẽ, không bao giờ chịu hái một cây rau cọng cỏ hoặc moi móc kiếm thêm củ khoai, củ sắn.

    Gặp nhau lần cuối bên bờ suối, kiếm được củ khoai, tôi dúi vội cho anh. Khi quay đi, một lần nữa, tôi khóc.

    Xin các bạn họp mặt hôm 9.9.1989 chào mừng anh chị Trần Dạ Từ tha lỗi cho tôi, tôi đã vì khóc mà bỏ ngang phần phát biểu.

    Viết tại Hoa Thịnh Ðốn, Tháng 3.1990

  9. lethiep says:

    Đồng bào trong nước nay đã được biết về trận hải chiến Hoàng Sa .

    Quốc Hội Hoa kỳ nay được biết Địa Ngục đằng sau cái danh từ hoa mỹ ” cải tạo ” .

    Thật là tuyệt vời .

    Time will tell .

    Nothing can be hidden under the sun .

  10. Dân Hà Nội says:

    Ngày xưa tôi có nghe phong thanh về các trò hành tù nhân của các “trại cải tạo”, nhưng không bao giờ có thể tưởng tượng nổi họ lại ác độc, mất hết tính người đến như vậy, bởi chính họ luôn tố cáo chế độ Sài Gòn khu xử tàn bạo, xiềng xích, bỏ đói tù nhân…..và tự ca ngợi chế độ Hà Nội “ưu việt” cho tù nhân ăn no trong khi “cán bộ bị đói. Không lẽ “Bên thắng cuộc” cũng học lại những trò đó, để tự bôi nhọ mình hay sao? Song càng ngày, tôi càng hiểu đó là sự thật! Trò để tù đánh tù hay an ninh giả tù đánh tù còn khốn kiếp và dã man hơn nhiều, bởi lũ tù côn đồ này vốn là bọn khát máu ngoài xã hội, nên khi được “bật đèn xanh” chúng đánh nặng tay cho thỏa cơn nghiền..

Leave a Reply to lethiep