WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trần Tư, Người tù thầm lặng, bất khuất

Trong khi chúng ta đang chuẩn bị đón xuân sang thì trong nhà tù Việt Cộng có một người tù thầm lặng, hiện đang mang bản án chung thân, phải chuẩn bị đón cái Tết thứ 20 trong ngục tù.
Ông là Trần Tư, nay đã 72 tuổi, một người tù chính trị thuộc Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam, bị bắt năm 1993 với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” và nhận bản án chung thân.
Trường hợp của ông Trần tư là một trường hợp khá đặc biệt. Cũng giống như ông Lý Tống, ông Trần Tư đã vượt biên, định cư tại Mỹ nhưng sau đó lại về Việt Nam hoạt động và bị cầm tù. Tuy nhiên có sự khác biệt và kém may mắn ở chỗ là ông Trần Tư chỉ có thẻ thường trú chứ chưa là công dân Hoa Kỳ, cho nên không nhận được sự giúp đỡ của lãnh sự Hoa Kỳ.

Vài nét về ông Trần Tư
Ông Trần Tư người gốc Quảng Bình, nhưng sinh trưởng tại Tân Mỹ, Thừa Thiên-Huế. Học trường sinh ngữ quân đội và năm 1966 ra trường với cấp bậc Hạ sĩ quan Thông dịch viên. Từ năm 1966 – 1973, ông lần lượt đóng quân tại các căn cứ Chu Lai, Cam Ranh, Đà Nẵng với chức vụ Hạ sĩ quan Thông dịch viên cho Lực lượng Đặc biệt Mỹ. Từ 1973 đến tháng 4/1975, ông làm việc tại Hải quân Công xưởng với chức vụ trưởng kho 7.

Vượt biên và tỵ nạn ở Hoa Kỳ
Sau tháng 4/1975, ông bị bắt đi tù cải tạo 2 năm tại Minh Hải. Ngay sau khi ra tù, ông đã tìm đường vượt biển nhưng bất thành và bị bắt ở tù từ năm 1977 đến 1982.
Vài năm sau đó, ông tiếp tục vượt biển lần nữa và thành công, đến tỵ nạn tại Thái Lan vào giữa năm 1987. Trong thời gian tạm cư trên đất Thái, ông làm việc trong tư cách là thông dịch viên, và chuyên giúp tư vấn, giúp đỡ các trẻ em minor, các cô gái Việt bị nạn trên biển. Khi được chuyển tiếp sang tạm cư tại Phi, ông dạy học cho người tỵ nạn ở trung tâm PRPC Bataan Philippine. Sau 18 tháng tạm cư trên đất Thái, ông đi định cư tại Hoa Kỳ vào cuối năm 1988. Đây có lẽ cũng là quãng thời gian ông manh nha ý tưởng hoạt động chính trị để cứu quốc. Sau khi định tại Hoa Kỳ, trong một bức thư gởi về cho gia đình từ Fullerton, California đề ngày 15/12/1988, ông viết:

“Giờ đây Ba không còn được nụ cười tươi như thời gian đó nữa đâu. Có cười đi chăng nữa chỉ để vui lòng kẻ khác, vì trong nụ cười còn đượm vẻ chua chát, lo âu, sầu muộn. Chúa đã trao cho Ba một cây Thánh giá rất khó vác, nhưng Ba tin rằng Ba sẽ vác nổi, vơi phương tiện Ngài đã ban cho Ba. Xin Chúa chúc lành cho tất cả những kẻ thân yêu của Ba”.

Một thời gian ngắn sau khi ổn định cuộc sống mới, ông mở Văn phòng du lịch ASIA Travel tại Ontario, California.

Trở về Việt Nam hoạt động và bị bắt
Trong thời gian sinh sống tại Hoa Kỳ, ông cùng các đồng chí lập ra tổ chức Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam. Năm 1990, ông quay về Việt Nam hoạt động đồng thời làm việc từ thiện với các tổ chức từ thiện công giáo. Hoạt động từ thiện nổi bật nhất là việc giúp đỡ bệnh nhân tại trại phong Thanh Bình (An Khánh, Quận 2), mà người phụ trách trại phong Thanh Bình khi đó là Linh mục Cosma Hoàng Văn Đạt, đồng thời cũng là chánh xứ Giáo xứ Thiên Thần (Nay Ngài là Giám mục Giáo phận Bắc Ninh).

Ông Trần Tư đang cùng Lm. Cosma Hoàng Văn Đạt (người đeo kiếng) phát chẩn cho bệnh nhân tại trại phong Thanh Bình

Ông Trần Tư đang cùng Lm. Cosma Hoàng Văn Đạt (người đeo kiếng) phát chẩn cho bệnh nhân tại trại phong Thanh Bình

Tai họa ập đến và bản án chung thân
Sáng ngày 28/03/1993, tai họa ập đến với ông và cả gia đình tại tư gia ở số 534 An Bình, An Phú, Thủ Đức (nay là số 23 Đường 10, Khu phố 4, Phường An Phú, Quận 2).
Từ sáng sớm, một lực lượng công an khoảng hơn 100 người mặc thường phục, rải đều 2-3 người tại mỗi chốt chặn, kéo dài từ nhà thờ Thiên Thần (600 An Bình, An Phú, Quận 2) vào đến tư gia của gia đình ông. Khoảng trên 20 công an mặc thường phục lẫn sắc phục kéo vào nhà ông, bắt tất cả mọi người trong nhà ngồi úp mặt vào tường, trong khi lực lượng công an tra xét ông và vợ. Sau khi lục xét và lấy đi nhiều vật dụng đồ đạc trong nhà, kể cả một lượng tiền bạc lớn, công an áp tải ông về trại giam.
Liên tục trong vòng một tháng, tất cả thành viên trong gia đình ông không được ra khỏi nhà: nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bên trong nhà lúc nào cũng túc trực 3 công an viên. Mọi nhu cầu tiêu dùng đều phải ghi xuống giấy để công an đưa người đi mua.
Ngày ra tòa, ông dõng dạc tuyên bố với chánh án “Tôi làm việc này vì lý tưởng. Tôi không có tội. Hãy thả hết những anh em của tôi ra. Tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm”.

Quãng thời gian bị cầm tù
Trong thời gian bị giam giữ, ông lần lượt bị chuyển từ trại tù Nguyễn Văn Cừ (Sài Gòn), đến trại Trại A-20 Xuân Phước, Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên). Sau khi gia đình thăm nuôi tại trại Xuân Phước, được 3 tháng thì ông bị chuyển ra Bắc đến trại Ba Sao Nam Hà.

TranTu_002

Ông Trần Tư cùng các Học Viên Lớp Tiếng Anh do ông phụ trách tại trại Sikiew

Ông Trần Tư cùng các Học Viên Lớp Tiếng Anh do ông phụ trách tại trại Sikiew

Ông là một thành viên trong nhóm 5 người tù cùng bị chuyển một lượt từ trại Xuân Phước ra Ba Sao năm 1994: Lý Tống, Trần Tư, Đoàn Viết Hoạt, Jimmy Trần (Trần Mạnh Quỳnh) và A Quý.
Trại giam Ba Sao Nam Hà nối tiếng là trại giam khắc nghiệt. Tại trại giam này ông cùng với 3 người tù nổi tiếng Lý Tống, Đoàn Viết Hoạt và Trần Mạnh Quỳnh viết kháng thư về chế độ giam giữ tù nhân (xem nội dung bản kháng thư đính kèm bên dưới), mà đoạn kết có lời như sau:
“Từ trại giam Nam Hà chúng tôi đã quyết định gửi đến Quí Vị thư kháng nghị này vì cho rằng, sau khi đã trực tiếp biết được những gì đang xẩy ra trong các trại giam mà chúng tôi đã đi qua, chúng tôi không thể tự nhận mình là những con người tự trọng, trung thực, thiết tha với tiền đồ của dân tộc mà không nói lên những nhận xét, quan điểm và kiến nghị của mình. Chúng tôi thẳng thắn gửi đến Quí Vị thư kháng nghị này vì tin rằng công lý sẽ thắng, nền dân chủ pháp trị sẽ được xây dựng trên đất nước chúng ta; rằng tinh thần nhân đạo, lòng nhân ái trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt sẽ vượt hẳn mọi bất công, lạc hậu và hận thù để tạo ra một không khí chính trị xã hội Đại Phản Tỉnh và Đại Hòa Dân Tộc để mở đường cho việc xây dựng một nước Việt phồn vinh, hạnh phúc và tự do trong thời đại 2000”.

Giấy Thông báo chấp hành án tại trại giam Ba Sao, Nam Hà

Giấy Thông báo chấp hành án tại trại giam Ba Sao, Nam Hà

Theo lời mô tả của ông Lý Tống và các bạn đồng tù khác, trong tù ông Trần Tư là người điềm đạm, rất “an nhiên tự tại” và có bản lãnh, suốt ngày ngồi tập Yoga, tập thể dục để giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên, do điều kiện trại giam và chế độ ăn uống thiếu thốn, đã khiến ông rụng hết hàm răng. Người nhà phải bỏ tiền ra, xin phép trại giam cho ông làm răng giả để tiện việc ăn uống.

Giấy Thông báo kỷ luật  tại trại giam Ba Sao, Nam Hà

Giấy Thông báo kỷ luật tại trại giam Ba Sao, Nam Hà

Ngoài những tù chính trị đã mất gần đây như các ông Nguyễn Văn Trại, Trương Văn Sương, và người tù chính trị xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu hiện còn trong lao lý, thì có lẽ hiện nay ông Trần Tư là người tù chính trị lâu năm duy nhất còn sống sót đang thọ án trong nhà tù cộng sản.

Vì chưa phải là công dân Hoa Kỳ, nên suốt thời gian ông ở tù, không có một sự can thiệp nào từ Lãnh sự Hoa Kỳ, kể cả sự lên tiếng của các tổ chức, đảng phái có liên hệ. Vì luôn hoạt động âm thầm nên ông không được công chúng và báo chí biết đến.

Vào cái tuổi 72, với bản án chung thân cho tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền”, ông đã khắc khoải gần 20 năm tù, lê lết qua nhiều trại tù khắc nghiệt. Nay với hàm răng đã rụng hết, sức khỏe không còn khả quan vì chế độ ăn uống thiếu thốn, khiến ông có thể gục ngã bất cứ lúc nào.

Vì sự quên lãng của mọi người mà ông phải âm thầm chịu đựng sự giam cầm khắc nghiệt sau song sắt trong suốt 20 năm qua. Cũng như các ông Nguyễn Văn Trại, Trương Văn Sương, mặc dầu ông Trần Tư tuy có đầy nghị lực nhưng liệu có đủ sức khỏe để theo hết kiếp tù đày với bản án chung thân không?
20 năm là một quãng thời gian quá dài và quá lâu cho một sự quên lãng. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng trước khi quá muộn màng vì sự hối tiếc không thể cứu được người con yêu nước Trần Tư.

Xuân Quý Tỵ  2013
© Lê Minh

THƯ KHÁNG NGHỊ VỀ CHẾ ĐỘ GIAM GIỮ PHẠM NHÂN HIỆN NAY

Trại Nam Hà, ngày 1.4.1994

Kính gửi:  Thủ Tướng Chính Phủ
Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Đồng Kính Gửi:
– Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao
– Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ
(Nhờ Ban Giám Thị Trại Ba Sao, Nam Hà, chuyển giao)

Thưa Quí Vị,
Chúng tôi ký tên dười đây là Đoàn Viết Hoạt, Trần Tư, Lý Tống và Trần Mạnh Quỳnh hiện đang bị giam giữ tại trại giam Ba Sao, Nam Hà. Sau khi đã trải qua nhiều trại giam khác nhau từ Nam ra Bắc (Chí Hòa, Thủ Đức Z30D, Xuân Phước, Nam Hà) chúng tôi nhận thấy chế độ giam giữ phạm nhân hiện nay có nhiều điều không phù hợp các công ước quốc tế về quyền con người, các công pháp và tập tục luật pháp quốc tế, và ngay cả luật pháp Việt Nam hiện nay. Chúng tôi xin gửi đến Quí Vị kháng thư này liên quan đến những vi phạm mà chúng tôi đã thực tế trải qua hoặc trực tiếp biết được.

A. Về Chế Độ Giam Giữ và Sinh Hoạt

1. Phạm nhân thuộc mọi thành phần xã hội (tu sĩ tôn giáo, trí thức, công chức nhà nước, các thành phần “xã hội đen”…) và mọi tội phạm khác nhau (hình sự, kinh tế, chính trị…) đều bị giam chung và chịu những hình thức sinh hoạt ăn ở, lao động như nhau. Điều này xẩy ra ở hầu hết các trại giam. Chế độ giam giữ này đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cho quá trính cải tạo của các phạm nhân; nhân phẩm, đạo đức và phong cách sống văn minh, có văn hóa không những không được phát huy mà còn bị thoái hóa. Thiểu số những người có nhân cách và phẩm chất sống tốt đẹp bị “hình sự hóa” bởi sự áp đảo và trấn lột của đa số quen lối sống của “xã hội đen”.

2. Vì nhà tù có quá đông phạm nhân nên chỗ ăn ở quá chật chội (50cm, 60cm mỗi người), tiêu chuẩn vệ sinh rất thấp, trật tự an tòan trong trại khó bảo đảm (trộm cắp, đánh lộn, ức hiếp, trấn lột…)

3. Hầu như toàn bộ thời gian giam giữ được dành cho lao động. Các sinh hoạt vui chơi giải trí, thể dục thể thao, học tập gần như không có, hoặc nếu có cũng không đáng kể. Ở hầu hết các trại giam nhiều hình thức vui chơi giải trí và học tập còn bị nghiêm cấm (cấm ca hát, cấm học tập ngoại ngữ và kể cả văn hóa…)

4. Sức khoẻ phạm nhân không được bảo đảm. Lao động nhiều và năng nhọc nhưng ăn mặc, ở, nghỉ ngơi dưới mức trung bình. Khi đau ốm, thuốc men thiếu thốn. Bệnh xá thường chật hẹp thiếu vệ sinh, người bệnh nhẹ bị nhốt chung với người bị bệnh truyền nhiễm…

5. Quan hệ con người trong trại giam thiếu tình thương và thiếu tính giáo dục. Ngôn ngữ sử dụng giữa cán bộ và phạm nhân thường thiếu văn hóa (mày – con, mày – tao, chửi mắng…). Còn nhiều trường hợp cán bộ đánh đập phạm nhân, có khi bằng cả roi vọt, và bắt phạm nhân phục vụ riêng cho mình.

B. Việc Tổ Chức Lao Động Cải Tạo

1. Việc bắt buộc mọi phạm nhân không phân biệt tội trạng và án phạt đều phải lao động tay chân, thường là nặng nhọc, 8 giờ một ngày, có khi cả chủ nhật, được giải thích là để thi hành pháp lệnh thi hành án mới ban hành. Chúng tôi cho rằng cần phải xét lại ngay cả cơ sở pháp lý của việc bắt buộc mọi phạm nhân phải lao động tay chân nặng nhọc trong thời gian bị giam giữ vì những lý do sau đây:

a. Hiến pháp 1992, điều 71 qui định: “Không một công dân nào bị coi là có tội khi chưa bị Tòa án xét xử với một bản án có hiệu lực pháp lý”. Điều này cho thấy chỉ có bản án do tòa án phán quyết mới có giá trị pháp lý để thi hành. Mọi việc thêm vào án phạt của tòa án dưới bất cứ hình thức nào và do bất cứ cá nhân hoặc cơ quan nào trong thời giam thi hành án là hoàn toàn vi phạm tinh thần và nội dung của điều 71 Hiến Pháp hiện nay.

b. Pháp lệnh thi hành án là một văn bản pháp lý dưới luật, tất nhiên cũng không thể đi ngược lại tinh thần và nội dung của điều 71 cũng như các điều khoản khác của Hiến Pháp, đạo luật căn bản của mọi đạo luật. Nói cách khác, việc qui định các hình thức thi hành án không thể vượt ra ngoài phán quyết của Tòa án liên quan tới thời gian và hình thức án phạt. Cụ thể hơn nữa, việc tổ chức lao động, nhất là lao động tay chân nặng nhọc cho phạm nhân chỉ có thể áp dụng một cách hợp hiến và hợp pháp đồi với những bản án mà toà án có quy định phạt lao động với những hình thức cụ thể (lao động nhẹ, lao động khổ sai…).

c. Toà án hiện nay của nước ta chỉ có án phạt tù giam mà chưa qui định có hay không có lao động, cũng như lao động nhẹ hay lao động khổ sai. Mọi qui định về lao động dười bất cứ hình thức nào do đó đều không phù hợp với án lệnh và phán quyết của tòa án hiện nay, và nếu vẫn đem thi hành thì vừa vi phạm điều 71 của Hiến Pháp hiện nay, vừa vi phạm tập quán và công pháp quốc tế, và đặc biệt vi phạm các công ước quốc tế về dân quyền và nhân quyền liên quan tới tòa án, quá trình xét xử và giam giữ.

2. Hình thức tổ chức lao động và cường độ lao động hiện nay ở các trại giam mà chúng tôi đã đi qua hoàn toàn thiên nặng về hình phạt và về hiệu quả kinh tế. Các trại giam thường tính toán thành quả lao động của phạm nhân như tính toán lời lỗ của một cơ sở kinh doanh sản xuất ngoài xã hội. Có trại (Nam Hà) đặt hẳn trách nhiệm của phạm nhân là “làm giầu cho trại”. Thực tế này đã gây ra những hậu quả tai hại như sau:

a. Phạm nhân luôn luôn có ấn tượng là họ bị “bóc lột sức lao động”. Thêm vào đó, tình trạng ăn ở, sinh hoạt tồi tệ trong trại giam như mô tả ở trên càng tác động xấu vào quá trình cải tạo của phạm nhân. Chúng tôi cho rằng hình thức tổ chức lao động cũng như ăn ở như hiện nay ở các trại giam hoàn toàn không đạt được hiệu quả “cải tạo” như mong muốn.

b. Việc bắt phạm nhân lao động cực nhọc để sinh lời cho trại giam và đóng góp vào ngân sách quản lý trại giam của chính phủ tạo ra một hình ảnh không tốt đẹp về nhân quyền và chế độ lao tù của nước ta.

c. Lao động trong thời gian giam giữ chỉ có thể cải tạo khi đem lại lợi ích cho phạm nhân. Muốn thế, lao động cần gắn liền với huấn nghệ, học tập nâng cao kiến thức và văn hóa tổng quát, cũng như với một môi trường sống nhân đạo, thân ái, văn minh và tiến bộ. Điều này đòi hỏi phải tổ chức lại chế độ lao động học tập đồng thời với việc cải thiện mạnh mẽ và sâu rộng mọi mặt sinh hoạt của trại giam.

C. Kiến Nghị:
Từ những nhận định trên, chúng tôi kiến nghị với quí vị những điều cụ thể sau đây:

1. Thành lập một Ủy Ban Quốc Gia thanh sát các trại giam.  Ủy Ban này phải hoàn toàn độc lập với các cơ quan liên hệ tới việc tổ chức và điều hành các trại giam, đặt trực thuộc Quốc hội hay Thủ Tướng để thanh tra tất cả các trại giam, đồng thời nghiên cứu và đề nghị các biện pháp cải thiện chế độ lao tù.

2. Rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan tới mọi khía cạïnh của việc tổ chức và quản lý các trại giam cũng như việc thi hành án phạt của tòa án. Sửa đổi mọi điều vi phạm tinh thần và nội dung Hiếp Pháp hiện hành.

3. Trong khi chờ đợi, cải thiện ngay một số điều liên quan tới lao động và sinh hoạt trong các trại giam để giảm bớt một số mặt tiêu cực và tăng cường tác dụng cải tạo của quá trình giam giữ. Chúng tôi đề nghị cụ thể:
- bỏ mọi hình thức lao động nặng nhọc, giảm bớt giờ lao động;
- tổ chức các lớp học tập văn hóa, ngoại ngữ, nghề nghiệp;
- tổ chức các hình thức sinh hoạt giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao;
- tận dụng khả năng và nhân lực của chính phạm nhân để tổ chức các loại sinh hoạt này.

4. Riêng phần chúng tôi, kể từ ngày gửi thư kháng nghị này, chúng tôi sẽ ngưng mọi hình thức lao động chân tay vì lý do như sau:

a. Trong tinh thần và nội dung của bản kháng nghị này, việc ngưng tham gia mọi hình thức lao động chân tay vừa thể hiện tính trung thực của những nhận xét, quan điểm và kiến nghị mà chúng tôi đã trình bầy ở trên, vừa là một đóng góp cụ thể vào quá trình cải thiện chế độ lao tù ở nước ta hiện nay.

b. Vấn đề “cải tạo”, đặc biệt cải tạo qua hình thức lao động chân tay, hoàn toàn không phù hợp với trường hợp chúng tôi là những người đang bị giam giữ với lý do chính trị. Vấn đề đúng sai của tư tưởng và quan điểm chính trị không thể giải quyết đơn thuần bằng quá trình gọi là “lao động cải tạo”.

c. Chúng tôi cho rằng các hình thức lao động tay chân hoàn toàn không phù hợp vơi tình trạng sức khỏe thể xác cũng như năng lực tinh thần và trình độ văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi tn rằng trong thời gian còn tạm thời bị “cách ly khỏi xã hội” chúng tôi vẫn có thể đóng góp hoặc chuẩn bị cho sự đóng góp trong tương lai một cách tích cực hơn, hữu hiệu hơn vào quá trình đi lên của đất nước bằng năng lực và hiểu biết của mình hơn là bằng các hình thức lao động bằng chân tay giản đơn và nặng nhọc.

Thưa Quí Vị,
Từ trại giam Nam Hà chúng tôi đã quyết định gửi đến Quí Vị thư kháng nghị này vì cho rằng, sau khi đã trực tiếp biết được những gì đang xẩy ra trong các trại giam mà chúng tôi đã đi qua, chúng tôi không thể tự nhận mình là những con người tự trọng, trung thực, thiết tha với tiền đồ của dân tộc mà không nói lên những nhận xét, quan điểm và kiến nghị của mình. Chúng tôi thẳng thắn gửi đến Quí Vị thư kháng nghị này vì tin rằng công lý sẽ thắng, nền dân chủ pháp trị sẽ được xây dựng trên đất nước chúng ta; rằng tinh thần nhân đạo, lòng nhân ái trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt sẽ vượt hẳn mọi bất công, lạc hậu và hận thù để tạo ra một không khí chính trị xã hội Đại Phản Tỉnh và Đại Hòa Dân Tộc để mở đường cho việc xây dựng một nước Việt phồn vinh, hạnh phúc và tự do trong thời đại 2000.

Trân trọng kính chào Quí vị.
Đồng ký tên  
Đoàn Viết Hoạt – Trần Tư           
Lý Tống – Jimmy Trần (Trần Mạnh Quỳnh)

8 Phản hồi cho “Trần Tư, Người tù thầm lặng, bất khuất”

  1. Tuan says:

    Toi cung co thoi gian tu tai k2 trai nam ha.khi bi ki luat do vi pham toi co bi cum tai khu ki luat.Toi da dc tiep xuc voi ong tran tu khi do dang trong khu kien giam canh do.ong la nguoi tri thuc hieu biet ve nhieu khia canh.doi voi pham nhan hinh su nhu chung toi ong rat tot.thoi gian tiep xuc it oi nhung qua nhung cuoc tro truyen voi ong toi rat quy men ong.nhung thoi the thoi doi con nguoi moi nguoi moi tinh.sau nay co tu hinh su tinh tinh mat day vo hoc nc voi ong nen ong chan nan ko muon nc nua.ko biet gio nay ong tran tu da dc tra tu do ve voi gia dinh Chua.cau mong ong co sk va hanh phuc bên gia dinh.

  2. LeBinh says:

    Người tù bất khuất như ông Trần Tư, Trương văn Sương đã lớn tuổi mà không được thả ra đã chứng tỏ hùng hồn rằng bọn cs là loại thú đội lớp người, chúng điên cuồng đàn áp những ai không cùng quan điểm với chúng, ngục tù có thể nhốt họ nhưng lý tưởng cao đẹp mà họ tranh đấu cho nhân dân Việt Nam luôn được kính trọng, các hội đoàn, đoàn thể cần có kế hoạch để yêu cầu bọn thú cs phải thả ông Trần Tư, vì bọn cs đang cố bon chen để có chân trong ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

  3. Vũ duy Giang says:

    Nếu đảng Việt Tân nhận ông Trần Tư làm đảng viên,thì ông này cũng sẽ được phóng sinh như Nguyễn quốc Quân không? Còn Liên đáy cách mạng đảng do Trần Tư thành lập(và làm chủ tịt?!)có bị rơi xuống đáy giếng ngồi cùng đồng chí”Ếch xì xằng” không?!

    Vì những người này(kể cả các chủ tịch HCM,Nguyễn hữu Chánh,Nguyễn sĩ Bình,v..v…)cùng mắc bệnh tâm thần”hoang tưởng vĩ đại” (folie de grandeur),mà vẫn được những người ngù ngờ đi theo cúng…tiền!!

    • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

      Liên đảng Cách mạng hình như có dính đáng đến nghị sĩ hay dân biểu Lê Phước Sang của Phật giáo Hòa Hảo thì phải ?

      Một người đồng chi hướng với tôi, đã qua Miên công tác hồi cuối thập niên 90 cho hay, lúc đó anh thấy có hai tổ chức đang hiện diện và công khai hoạt động, đồng thời thuê nhà làm văn phòng với lính bảo vệ mang súng gác trước cửa, ở tại thủ đô Miên. Đó là tổ chức của ông Nguyễn Hữu Chánh và ông Lê Phước Sang. Anh ta đã tỏ ý ngưỡng mộ phía Nguyễn Hữu Chánh lắm, nên sau đã tham gia thật sâu vào nhóm này.

      Nghe đâu trong thời gian qua (hình như cũng lâu rồi) có những lục đục trong nội bộ Phật giáo Hòa Hảo; và ông Sang cùng cụ Lê Quang Liêm bị tố khổ từng bừng ! Sự thật ra sao, tôi chẳng rõ nữa.

      Ông Trần Tư từng hoạt động sát cánh với linh mục, nay là giám mục Hoàng Văn Đạt, để cứu tế xã hội trong giáo xứ. Tôi không hiểu ông TT có (còn) được vị tu sĩ này quan tâm đến chăng ?
      Vả chăng ông TT là một kitô hữu thuần thành, cứ theo như bài tường thuật chính là một chiến sĩ dân chủ kiên cường và bất khuất, như thế tất nhiên có người trong cộng đồng / giáo hội Kitô VN trong và ngoài nước, đã hay sẽ phải có những quan tâm đặc biệt tới, tôi cứ hy vọng là thế !

      “Xin đừng lãng quên một người tù bất khuất”, đăng trên DCV lúc 12:01:am 18/01/13, tác giả Nguyễn Thu Trâm, có viết đoạn văn này cần chú ý kỹ:

      [trích]
      Có một điều cần được minh bạch ở đây là khi ông Trần Tư bị cơ quan an ninh của cộng sản bắt giam và kết án tù chung thân với tội danh âm mưu lập đổ chính quyền, dù không có bất cứ bằng chứng nào mang tính chất bạo lực về hoạt động lật đổ chính quyền của ông Trần Tư mà chỉ có một số tài liệu về các cuộc Cách Mang Nhung ở Ba Lan và Đông Âu và cùng với số tiền 195.000 Mỹ Kim mà cơ quan an ninh đã thu giữ như là một bằng chứng để chúng buộc tội ông âm mưu lật đổ chính quyền.
      Trong khi đó, những người thuộc tổ chức của ông Trần Tư ở hải ngoại thì hoàn toàn làm ngơ trước bản án tù chung thân mà nhà cầm quyền CSVN đã tuyên phạt ông, bởi trong tổ chức đã một số người đã vu cáo rằng ông Trần Tư đã biển thủ số tiền 195.000 Mỹ Kim đó để mua đất, sắm nhà cho vợ con ở Sài gòn, thật oan khuất cho một chính khách đã dấn thân, đã hy sinh tất cả mọi phúc lợi của bản thân, của gia đình khi đã định cư trên đất Mỹ, đã thành lập được ASIA TRAVEL với lợi tức hàng trăm ngàn Mỹ kim mỗi năm, để trở về xây dựng cơ sở, kiện toàn tổ chức để đấu tranh cho quê hương được tự do, cho dân tộc hưởng đầy đủ các quyền làm người.
      [hết trích]

      Quả thực tôi chả biết sự thật ra sao ? nằm ở chỗ nào ?

      Xin hãy có những bằng chứng chắc chắn (hard proof), để soi sáng nội vụ, hơn là chỉ nghe lời đồn thổi kiểu “hear & say”, với một số hình ảnh tài liệu làm bằng, nhưng hình như chưa đủ sức thuyết phục lắm.

      Đôi lời thành thật bày tỏ trong hoàn cảnh tế nhị hiện nay, mong được nghe cao kiến.

      Lại Mạnh Cường

      • Thắc-Mắc says:

        Tôi, Thắc Mắc – nhưng không thắc-mắc lắm vì câu hỏi của bạn LMC ‘ Quả thực tôi chả biết…nằm ở chỗ nào ? ‘. Hình như theo bài viết chủ, T. Tư đã từng ở tù chung với Lý Tống, Đoàn Viết Hoạt, v.v… Sao những người này không có ý-kiến gì ? Họ có biết T.Tư đang còn chịu hoạn-nạn không ? Hay là tuy ở tù chung, nhưng khác chính-kiến ? Có vấn-đề gì đây ? Đọc bài chủ này và những phản-hồi này, những nhân-vật đó vẫn lặng-im sao ? Hay đó chỉ là những chuyện nhỏ không đáng để họ quan-tâm chăng ? Còn rất nhiều câu hỏi nữa, ví dụ, như linh-mục hay giám-mục gì đó đã từng cộng-tác với T.Tư trong công-tác thiện-nguyện lúc đầu, khi T.Tư chưa bị bắt …, LMC có thể hỏi trực-tiếp những người đó. Đó là ý-kiến riêng của tôi.

      • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

        Thưa bạn Thắc-Mắc,

        Ở tù chung là một chuyện, còn có tiếp xúc được với nhau chăng là chuyện khó, bởi họ là những chính trị phạm “nặng ký”.
        Dẫu có tiếp xúc được đi nữa, thì thời gian cũng đã qua lâu rồi.
        Có thể họ có lúc cộng tác chung nhau một vài lần, nhưng cũng chưa hẳn gọi là biết rõ về nhau.

        Thực tế cho biết, (tôi) không hề thấy hai ông Đoàn Việt Hoạt và Lý Tống từng đề cập đến ông Trần Tư. Kể cũng lạ thật !
        Phía kitô giáo ra sao tôi cũng chẳng hay. Một vài bạn đọc là kitô hữu thuần thành, như Trung Kiên, hay theo dõi tin tức các trang mạng của kitô giáo, hy vọng sẽ biết ít nhiều về vụ việc này. Xin lên tiếng dùm.

        Tóm tắt, đó là một sự kiện BẤT THƯỜNG, bởi chiếu theo hai bài tường thuật liên tiếp trong thời gian ngắn qua trên DCV, một của Nguyễn Thu Trâm và một của Lê Minh, Trần Tư có thể xem như một NGƯỜI TÙ KIỆT XUẤT !

        Tôi không có điều kiện để tiếp xúc và điều tra, cho nên phải nêu lên thắc mắc của mình và nhờ người khác giúp đỡ.
        Biết đâu có người biết rõ chuyện, hay biết cách giải thích cặn kẽ hơn, giúp cho tôi thông hiểu vấn đề.

        Cách giải quyết của bạn chưa được tôi xem là ổn thoả. Dù sao cũng cám ơn đã có công đóng góp ý kiến bổ túc.

        Kính chào,
        LMC

  4. An Nguyen says:

    Chúng ta phải có bổn phận tranh đấu tự do cho những tu nhân lương tâm cũng như cho cả một dân tộc VN mau thoát khỏi sự cai trị độc tài, ác độc của bạo quyền, tà quyền Hà nội. Nhất là những người tị nạn cộng sản, thì lại càng phải có trach nhiệm và bổn phận ấy nhiều hơn. Tại sao?
    Chúng ta được thừa hưởng tự do, thì phải trả ơn. Cách trả ơn tốt đẹp nhất là chúng ta tiếp tục duy trì nền hòa binh dân chủ và tranh đấu cho những người đang trong hỏa ngục của sự cai trị tàn bạo, độc tài.
    Dù sống ở hải ngoại lâu lắm rồi, nhưng tôi vẫn nghĩ, nơi đây không phải là nhà, VN vẫn là nơi tôi luôn nghĩ đến, tôi vẫn luôn tich cực trong công việc tuyền truyền. Sự tuyên truyền vô cùng quan trọng. Chúng ta cần phải chuyển tải tin tức, cũng như tư tưởng tư do dân chủ, phải làm sao để người dân VN đừng sợ hãi và cùng đoàn kết đứng lên. Có can đảm, có đoàn kết thì chúng ta mới kéo bọn CSVN xuống đươc. Mong rằng mỗi người chúng ta cùng góp gió, góp lửa vì đại cuộc.

  5. Huỳnh Việt Lang says:

    Cám ơn quý anh. Qua những bài viết như vậy, chúng tôi nhận được nhiều thông tin rất quý báu.

Phản hồi