Xin đừng lãng quên một người tù bất khuất
Xuân lại về, một mùa đoàn viên nữa lại về trên quê hương Việt Nam. Dù tất bật mưu sinh trên khắp mọi miền của đất nước, dù cơm vẫn chưa đủ no, áo vẫn chưa đủ lành, nhưng Xuân về Tết đến mọi người Việt Nam đều trở lại quê nhà để sum họp với gia đình để vui Xuân, đón Tết, để tống cựu, nghênh tân, để tiễn đưa những buồn đau, những đen đủi những bất hạnh của năm cũ và đón nhận những niềm vui, những phước hạnh và những điều an lành trong năm mới. Xuân về, Tết đến cũng là dịp để người ta dành cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp cùng những ước vọng cho một năm mới, ấm no hơn, hạnh phúc hơn, tự do hơn, dân chủ hơn và nhân quyền hơn. Vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì những ngày Xuân ở quê nhà cũng ấm cúng hơn gấp vạn lần so với những ngày Tết đến, Xuân về nơi khám lạnh của những người đã dấn thân vì nền tự do, dân chủ nhân quyền cho quê hướng đất nước và vì quyền sống, quyền làm người của 90 triệu đồng bào mà phải lụy vòng lao lý.
Trong niềm cảm xúc sâu sắc với nỗi niềm của những gia đình có chồng, có cha, có anh có em, có con cái đang trong chốn tù ngục và cũng là sự đồng cảm với thân phận của những tù nhân lương tâm đang phải đón Xuân về nơi ngục tối, tôi xin được trải lòng mình với những dòng tâm bút này, trong những ngày chúng ta chuẩn bị tống cựu nghênh tân, với một mong muốn là người Việt chúng ta dù đang sinh sống ở trong nước hay đã định cư ở nước ngoài, dù đang phải vật lộn với cuộc sống đời thường vì bát cơm, manh áo ở quê nhà hay đã được thành đạt ở các xứ sở tự do, xin chúng ta đừng quên những người đã vì chúng ta, vì đất nước chúng ta, vì dân tộc chúng ta mà đã bao lần rồi không hề có mùa xuân, vì nơi chốn ngục tù, dù Xuân về Tết đến cũng chỉ có tiếng kẻng tù, có tiếng cùm khua hay tiếng thở dài não nuột, cô đơn của những bạn tù sắp về bên kia thế giới mà vẫn không biết người thân của mình đang làm gì, ở đâu trên cõi đời này trong những ngày đón mừng Xuân mới. Bởi chúng ta từng có những chiến dịch rầm rộ, lên tiếng ủng hộ hay vận động cho những người vừa lụy vòng lao lý, như các nhạc sỹ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, như sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên hay cho 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành vừa bị đưa ra xét xử tại một phiên tòa mọi rợ, phi nhân, phi pháp và bất công của cộng sản tại Nghệ An, nhưng chẳng bao lâu thì mọi chuyện đã lại trở nên yên ắng, những người tù dường như lại bị lãng quên, để cộng sản có cơ hội tiếp tục đàn áp, nhục hình họ trong các nhà tù và tiếp tục bắt bớ, kết án những người yêu nước khác vừa mới dấn thân. Tất nhiên đối với những tù nhân chính trị đã chịu đựng cảnh tù ngục nhiều năm hơn, thì cuộc sống trong chốn lao tù của họ càng khủng khiếp hơn và họ lại càng bị người đời lãng quên hơn: Đó là trường hợp mà chúng tôi xin được trình bày hôm nay về một tù nhân chính trị bất khuất, xuyên thế kỷ, ít được người đời biết đến, ít được ai từng nhắc nhở hay vận động cho, ấy là tù nhân chính trị TRẦN TƯ.
Ông Trần Tư sinh ngày 20 tháng 01 năm 1941 trong một gia đình Công Giáo tại làng Phủ Cam, xã Thủy Trường quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, nay là phường Phước Vĩnh, thành Phố Huế. Là cựu học sinh trường Pellerin từ năm 1952 cho đến năm 1959, là một trong những học trò cưng của ba vị Bề trên Frère Jérôme, Frère Antonin, và Frère Camille.
Năm 1960, ông Trần Tư gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa, được huấn luyện thành hạ sỹ quan thông dịch tùng sự trong một đơn vị thuộc Lực Lượng Đặc Biệt của Quân Đội Đồng Minh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam. Sau năm 1975, ông Trần Tư không ra trình diện ban quân quản Sài gòn để tập trung cải tạo mà trốn về Miền tây tìm đường vượt biên và ông đã bị bắt, bị đưa đi cải tạo tại trại giam K1, Cái Tàu, thuộc V 26 Bộ Công An, nằm trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Minh Hải từ năm 1976 cho đến năm 1981. Năm 1986 ông Trần Tư vượt biên thành công đến trại tỵ nạn Panatnikhom Thái Lan, nơi ông đã phục hoạt Liên Đoàn Hướng Đạo Sinh La Vang để trợ giúp đồng bào tỵ nạn trong trại, đặc biệt, với sự trợ giúp của tổ chức COERR, ông Trần Tư đã thành lập Trung Tâm Giảng Dạy Tiếng Anh cho người tỵ nạn tại các trại Panatnikhom, Sathu và Sikiw trước khi ông được đến định cư tại Ontario, California, Hoa Kỳ vào cuối năm 1986.
Không lâu sau khi được định cư tại Hoa Kỳ, ông Trần Tư đã thành lập công ty dịch vụ du lịch ASIA TRAVEL nhằm tạo lợi tức để giúp đở cho các thuyền nhân còn kẹt lại tại các trại tỵ nạn ở Thái Lan.
Sau 4 năm định cư tại Hoa Kỳ, vào năm 1990 ông Trần Tư nhập nội trong vai một nhà từ thiện, về ủy lạo quần áo, thuốc Tây và sữa bột cho các bệnh nhân Phong đang điều trị tại trại phong Thanh Bình, xã An Khánh, Thủ Thiêm, bên kia sông Sài gòn. Trong chính thời gian về nước làm từ thiện này, ông Trần Tư đã xây dựng và phát triển được Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam, một tổ chức chính trị xã hội nhằm tập hợp những người yêu nước có khát vọng chấn hưng dân tộc, quang phục quê hương và đấu tranh một cách ôn hòa nhằm giành lại tự do dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.
Năm 1993, lần thứ hai ông Trần Tư trở về Việt Nam để tiếp tục kiện toàn tổ chức và phát triển đội ngũ của Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam cũng như để phổ biến phương hướng đấu tranh mới trong tình hình thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự sụp đổ hoàn toàn của các nước cộng sản ở Đông Âu. Không may là ngay sau khi về đến Sài gòn chưa hoạt động được bao lâu thì ông Trần Tư đã bị bắt giữ.
Cơ quan anh ninh của CSVN tến hành khám xét nhà của ông ở gần Giáo Xứ Thiên Thần, tại số 354 thuộc Khu An Bình, An Phú, quận Thủ Đức, và đã tịch thu một số tài liệu của tổ chức cùng số hiện kim là 195.000 Đô La Mỹ. Với chứng cứ là các tài liệu về dân chủ, nhân quyền và về phương hướng đấu tranh ôn hòa cùng với số tiền gần 200.000 Mỹ Kim được phát hiện tại nhà, ông Trần Tư bị tòa án của CSVN tại Sài gòn xét xử và kết án tù chung thân với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền.
Sau khi bị kết án tù, ông Trần Tư bị đưa ra thi hành án tại trại tù A20 Xuân Phước, ở một thung lũng Tử Thần tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1994 sau một vụ nổi dậy của các tù nhân chính trị tại đó, bộ công an CSVN đã chuyển ông Trần Tư cùng một số tù chính trị trọng phạm như Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Giáo Sư Nguyễn Đình Huy, Thượng Tọa Thích Hải Đăng, ông Trương văn Sương, ông Lê Trọng Quang, hai anh hùng Trần Mạnh Quỳnh, Lý Tống cùng hàng trăm tù chính trị khác ra Bắc, giam giữ tại trại tù Ba Sao, Nam Hà. Với chế độ tù đày khắc nghiệt, đói khát triền miên, bệnh tật không thuốc men điều trị, trong điều kiện thời tiết quá cực đoan, không ít tù nhân đã vĩnh viễn gởi lại nắm xương tàn ở nhà tù nhỏ đó.
Một số tù nhân khác còn sống sống sót đã lần lượt đã mãn án tù và đã trở về với gia đình. Một số khác có quốc tịch Mỹ đã được sự can thiệp của chính phủ Mỹ và đã được trở về Mỹ như các anh hùng Lý Tống, Jimmy Quỳnh. Riêng ông Trần Tư, vì mới là thường trú nhân của Hoa Kỳ, nhưng chưa nhập quốc tịch, nên không được sự can thiệp của chính phủ Mỹ, lại do tinh thần quật cường, bất khuất của một cựu quân nhân QLVNCH cùng chí hiên ngang của một tù nhân chính trị, ông Trần Tư đã không cúi đầu trước bạo quyền, không khuất phục trước chế độ cộng sản, và luôn nêu cao dũng khí của một huynh trưởng Hướng Đạo trước các tên giám thị và cán bộ quản giáo, nên ông vẫn tiếp tục bị giam cầm bị hành hạ tại nhà tù nhỏ Ba Sao, khi đến nay ông đã bước sang tuổi 72, với ngót 20 năm tù đày lao lý.
Có một điều cần được minh bạch ở đây là khi ông Trần Tư bị cơ quan an ninh của cộng sản bắt giam và kết án tù chung thân với tội danh âm mưu lập đổ chính quyền, dù không có bất cứ bằng chứng nào mang tính chất bạo lực về hoạt động lật đổ chính quyền của ông Trần Tư mà chỉ có một số tài liệu về các cuộc Cách Mang Nhung ở Ba Lan và Đông Âu và cùng với số tiền 195.000 Mỹ Kim mà cơ quan an ninh đã thu giữ như là một bằng chứng để chúng buộc tội ông âm mưu lật đổ chính quyền. Trong khi đó, những người thuộc tổ chức của ông Trần Tư ở hải ngoại thì hoàn toàn làm ngơ trước bản án tù chung thân mà nhà cầm quyền CSVN đã tuyên phạt ông, bởi trong tổ chức đã một số người đã vu cáo rằng ông Trần Tư đã biển thủ số tiền 195.000 Mỹ Kim đó để mua đất, sắm nhà cho vợ con ở Sài gòn, thật oan khuất cho một chính khách đã dấn thân, đã hy sinh tất cả mọi phúc lợi của bản thân, của gia đình khi đã định cư trên đất Mỹ, đã thành lập được ASIA TRAVEL với lợi tức hàng trăm ngàn Mỹ kim mỗi năm, để trở về xây dựng cơ sở, kiện toàn tổ chức để đấu tranh cho quê hương được tự do, cho dân tộc hưởng đầy đủ các quyền làm người.
Để minh oan cho tù nhân chính trị Trần Tư, chúng tôi đã liên lạc với các tổ chức Human Rights Watch Asia và với Amnesty International và được họ cung cấp biên bản tịch thu số hiện kim khi họ tiến hành khám xét tư gia của ông tại Sài gòn. Chúng tôi xin phép được đăng tải biên bản khám xét và tịch thu tài liệu và tiền bạc của cơ quan an ninh Việt Nam khi họ bắt giam ông Trần Tư với mong mõi các chiến hữu của tù nhân Trần Tư xóa bỏ định kiến và những nghi hoặc về hành động biển thủ số tiền 195.000 Mỹ kim của tổ chức mà suốt cả một thời gian dài họ đã nghi oan cho ông Trần Tư. Ngay khi chưa nhận được biên bản khám xét và tịch thu tang vật này, chúng tôi đã hoàn toàn tin vào sự trong sáng của tù nhân chính trị Trần Tư, bởi một người đã từng thừa hưởng một nền giáo dục căn bản của các frère ở trường Pellerin, là một giáo dân có lòng tin kính như ông lại được trưởng thành trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa và khá thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh du lịch tại Hoa Kỳ thì ông Trần Tư không phải là hạng người “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” để đổi lấy cuộc đời tù ngục bằng một số tiền không bằng lợi tức hàng năm của ông như thế.
Trở lại với chế độ cộng sản Việt Nam, ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy này không biết còn mối nguy hiểm nào cho chế độ cộng sản từ người tù xuyên thế kỷ Trần Tư này nữa không? Sao đảng và nhà nước CSVN vẫn còn úy kỵ điều gì mà chưa trả tự do cho ông một người tù chính trị xuyên thế kỷ? Một điều thật mĩa mai là chế độ cộng sản Việt Nam hiện đang vẫn còn giam giữ những tù nhân chính trị cao niên như ông Trần Tư, như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, như cựu Dân bBểu Việt Nam Cộng Hòa Lê Văn Tính, như Cư sỹ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía, như cựu Đại Úy, Nhạc Sỹ Nguyễn Hữu Cầu… đều là những người đã bước qua ngưỡng tuổi xưa nay hiếm… Với một chuổi các bản án dài hơn cả đời người như thế thì liệu Việt Nam có tôn trọng một tí chút quyền làm người nào nữa không? Sao lại dám đệ nạp hồ sơ ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2013-2016: Thật ô nhục cho đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đến mức không thể nào còn có thể ô nhục hơn!
Chúng tôi cũng không biết được liệu các Chi Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam ở hải ngoại, các cá nhân, tổ chức Ủng Hộ Phong Trào Dân Chủ Quốc Nội và Tổ Chức Quỹ Tù Nhân Lương Tâm của người Việt ở hải ngoại có còn nhớ đến người tù chính trị Trần Tư hay không? Không biết bộ ngoại giao Hoa Kỳ và Quốc Hội Hoa Kỳ có biết đến sự vi phạm nhân quyền của chế độ CSVN khi tiếp tục đàn áp khốc liệt những nhà dân chủ, những tiếng nói đối kháng, những nhà đấu tranh ôn hòa cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam và vẫn tiếp tục giam cầm, hành hạ những tù chính trị cao niên như ông Trần Tư, Nguyễn Văn Lía, Lê Văn Tính và Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Cầu… để có cơ sở đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt CPC như một biện pháp chế tài trong mọi mối quan hệ về kinh tế, chính trị và ngoại giao của Việt Nam, để buộc chính phủ Cộng Sản Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân chính trị, phải thực sự tôn trọng các quyền tự do căn bản, tôn trọng quyền làm người của mọi người dân Việt Nam và phải chấm dứt ngay mọi sự bắt bớ tùy tiện, giam cầm bất công và kết án bừa bãi của các phiên tòa rừng rú tại Việt Nam đối với những người yêu nước.
Kính mong quý tổ chức, quý hội đoàn và cá nhân hãy lên tiếng, hãy khẩn cầu Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế kịp thời can thiệp cho người tù xuyên thế kỷ Trần Tư, và các tù nhân chính trị cao niên khác bởi xét cho cùng việc xây dựng và phát triển Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam, hay các tổ chức đối kháng khác như đảng Thăng Tiến, như Khối 8406 hay Câu lạc Bộ Nhà Báo tự Do… chỉ là một thiện chí của công dân nhằm cải cách xã hội dân sự cho Việt Nam, nhằm phục hồi đầy đủ các quyền tự do dân chủ và quyền làm người cho dân tộc Việt Nam, là một trong những yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, giúp cho đất nước Việt Nam hưng thịnh, phú cường. Do đó bản án mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dành cho tù nhân chính trị Trần Tư cũng như dành cho những người yêu nước khác đều hoàn toàn phi pháp.
Xin đừng để phải có thêm những Nguyễn Văn Trại, những Trương Văn Sương nữa để cộng sản Việt Nam lại có thêm cơ hội giả nhân giả nghĩa đến tận huyệt mộ của các tù nhân chính trị mà đọc lệnh ân xá cho họ sau khi họ đã trở thành người thiên cổ.
Kính mong…
Ngày 17 tháng 01 năm 2013
© Nguyễn Thu Trâm
© Đàn Chim Việt
Sau khi các chế độ cs xụp đổ thì người ta mới khám phá ra thêm hàng ngàn tù nhân Lương Tâm mà thế giới chưa từng biết đến, bị đảng cs bắt cọc và giam kín mà gia đình nạn nhân không dám tiết lộ hay tố cáo, vì bị cs đe dọa . .
Riêng những người cô thân thì bị đảng cs đưa vào nhà thương điên để làm cho điên, cho chết dần mòn, hay thủ tiêu bằng các “tai nạn” như chết đuối, hoặc “băng đảng thanh toán nhau”.v.v….
Con số một trăm triệu (100.000.000) nạn nhân của chế độ CS – được thống kê trước đó – sẽ phải tăng thêm rất nhiều sau khi các chế độ cs VN, Trung cộng, Bắc Triều Tiên, Cuba, và Lào xụp đổ .
Cám ơn Thu Trâm đã lên tiếng cho 1 trường hợp đáng Được lên tiếng.
trân trọng
Tomi
Ngưỡng mộ sự hy sinh của người yêu nước Trần Tư trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi sự kềm kẹp của bè lũ Hán ngụy Hà nội .
“Quê Hương và Chủ Nghĩa Cộng sản”:
Chủ nghiã dạy em, thù hận hờn căm
Chủ nghiã dạy em, độc ác bất nhân
Chủ nghiã dạy em, lọc lừa xảo trá
Chủ nghiã dạy em, dối gian trăm ngả
Chủ nghiã dạy em, bội phản vong ân
Chủ nghiã dạy em, giết chết lương tâm
Chủ nghiã dạy em, vô thần đấu tố
Chủ nghiã mù, rước voi dày mả Tổ
Chủ nghiã ngu, thờ đồ tể ngoại bang
Chủ nghiã bưng bô, xây dựng thiên đàng
Chủ nghiã lừa em, những con bò sữa
Chủ nghiã bất lương, ma cô nhà chứa
Chủ nghiã tú bà, dụ dỗ thơ ngây
Chủ nghiã cò mồi, vơ vét luôn tay
Chủ nghiã cai thầu, bán buôn Tổ-Quốc
Chủ nghiã lưỡi câu, móc mồi dân tộc
Chủ nghĩa bịp lừa, bánh vẽ tự do
Chủ nghĩa cá ươn, tư tưởng vong nô
Chủ nghĩa chết đi, Quê Hương vẫn sống
(Nguyễn Quốc Chánh)
Tôi Trần đức Hào tù nhân chính trị với án lệnh CT đẩ ở cùng trại với Ô Trần Tư cùng với các bạn tù khác .Ô Trần Tư một con người có nhân cách và sống tuyệt vời . Hãy cùng lên tiếng .
XIN ĐƯỢC NÓI THÊM VỀ QUÃNG ĐỜI LAO LÝ TÙ ĐÀY CỦA ÔNG TRẦN TƯ
Trong thời gian bị giam giữ, ông lần lượt bị chuyển từ trại tù Nguyễn Văn Cừ (Sài Gòn), đến trại Trại A-20 Xuân Phước, Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên). Sau khi gia đình thăm nuôi tại trại Xuân Phước, được 3 tháng thì ông bị chuyển ra Bắc đến trại Ba Sao Nam Hà.
Ông là một thành viên trong nhóm 5 người tù cùng bị chuyển một lượt từ trại Xuân Phước ra Ba Sao năm 1994: Lý Tống, Trần Tư, Đoàn Viết Hoạt, Jimmy Trần (Trần Mạnh Quỳnh) và A Quý.
Trại giam Ba Sao Nam Hà nối tiếng là trại giam khắc nghiệt. Tại trại giam này ông cùng với 3 người tù nổi tiếng Lý Tống, Đoàn Viết Hoạt và Trần Mạnh Quỳnh viết kháng thư về chế độ giam giữ tù nhân (xem nội dung bản kháng thư đính kèm bên dưới), mà đoạn kết có lời như sau:
“Từ trại giam Nam Hà chúng tôi đã quyết định gửi đến Quí Vị thư kháng nghị này vì cho rằng, sau khi đã trực tiếp biết được những gì đang xẩy ra trong các trại giam mà chúng tôi đã đi qua, chúng tôi không thể tự nhận mình là những con người tự trọng, trung thực, thiết tha với tiền đồ của dân tộc mà không nói lên những nhận xét, quan điểm và kiến nghị của mình. Chúng tôi thẳng thắn gửi đến Quí Vị thư kháng nghị này vì tin rằng công lý sẽ thắng, nền dân chủ pháp trị sẽ được xây dựng trên đất nước chúng ta; rằng tinh thần nhân đạo, lòng nhân ái trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt sẽ vượt hẳn mọi bất công, lạc hậu và hận thù để tạo ra một không khí chính trị xã hội Đại Phản Tỉnh và Đại Hòa Dân Tộc để mở đường cho việc xây dựng một nước Việt phồn vinh, hạnh phúc và tự do trong thời đại 2000”.
Giấy Thông báo chấp hành án tại trại giam Ba Sao, Nam Hà
Theo lời mô tả của ông Lý Tống và các bạn đồng tù khác, trong tù ông Trần Tư là người điềm đạm, rất “an nhiên tự tại” và có bản lãnh, suốt ngày ngồi tập Yoga, tập thể dục để giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên, do điều kiện trại giam và chế độ ăn uống thiếu thốn, đã khiến ông rụng hết hàm răng. Người nhà phải bỏ tiền ra, xin phép trại giam cho ông làm răng giả để tiện việc ăn uống.
Ngoài những tù chính trị đã mất gần đây như các ông Nguyễn Văn Trại, Trương Văn Sương, và người tù chính trị xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu hiện còn trong lao lý, thì có lẽ hiện nay ông Trần Tư là người tù chính trị lâu năm duy nhất còn sống sót đang thọ án trong nhà tù cộng sản.
Vì chưa phải là công dân Hoa Kỳ, nên suốt thời gian ông ở tù, không có một sự can thiệp nào từ Lãnh sự Hoa Kỳ, kể cả sự lên tiếng của các tổ chức, đảng phái có liên hệ. Vì luôn hoạt động âm thầm nên ông không được công chúng và báo chí biết đến.
Vào cái tuổi 72, với bản án chung thân cho tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền”, ông đã khắc khoải gần 20 năm tù, lê lết qua nhiều trại tù khắc nghiệt. Nay với hàm răng đã rụng hết, sức khỏe không còn khả quan vì chế độ ăn uống thiếu thốn, khiến ông có thể gục ngã bất cứ lúc nào.
Vì sự quên lãng của mọi người mà ông phải âm thầm chịu đựng sự giam cầm khắc nghiệt sau song sắt trong suốt 20 năm qua. Cũng như các ông Nguyễn Văn Trại, Trương Văn Sương, mặc dầu ông Trần Tư tuy có đầy nghị lực nhưng liệu có đủ sức khỏe để theo hết kiếp tù đày với bản án chung thân không?
20 năm là một quãng thời gian quá dài và quá lâu cho một sự quên lãng. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng trước khi quá muộn màng vì sự hối tiếc không thể cứu được người con yêu nước Trần Tư.
Xuân Nhâm Thìn 2013
Lê Minh
THƯ KHÁNG NGHỊ VỀ CHẾ ĐỘ GIAM GIỮ PHẠM NHÂN HIỆN NAY
Trại Nam Hà, ngày 1.4.1994
Kính gửi: Thủ Tướng Chính Phủ
Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Đồng Kính Gửi:
— Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao
— Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ
(Nhờ Ban Giám Thị Trại Ba Sao, Nam Hà, chuyển giao)
Thưa Quí Vị,
Chúng tôi ký tên dười đây là Đoàn Viết Hoạt, Trần Tư, Lý Tống và Trần Mạnh Quỳnh hiện đang bị giam giữ tại trại giam Ba Sao, Nam Hà. Sau khi đã trải qua nhiều trại giam khác nhau từ Nam ra Bắc (Chí Hòa, Thủ Đức Z30D, Xuân Phước, Nam Hà) chúng tôi nhận thấy chế độ giam giữ phạm nhân hiện nay có nhiều điều không phù hợp các công ước quốc tế về quyền con người, các công pháp và tập tục luật pháp quốc tế, và ngay cả luật pháp Việt Nam hiện nay. Chúng tôi xin gửi đến Quí Vị kháng thư này liên quan đến những vi phạm mà chúng tôi đã thực tế trải qua hoặc trực tiếp biết được.
A. Về Chế Độ Giam Giữ và Sinh Hoạt
1. Phạm nhân thuộc mọi thành phần xã hội (tu sĩ tôn giáo, trí thức, công chức nhà nước, các thành phần “xã hội đen”…) và mọi tội phạm khác nhau (hình sự, kinh tế, chính trị…) đều bị giam chung và chịu những hình thức sinh hoạt ăn ở, lao động như nhau. Điều này xẩy ra ở hầu hết các trại giam. Chế độ giam giữ này đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cho quá trính cải tạo của các phạm nhân; nhân phẩm, đạo đức và phong cách sống văn minh, có văn hóa không những không được phát huy mà còn bị thoái hóa. Thiểu số những người có nhân cách và phẩm chất sống tốt đẹp bị “hình sự hóa” bởi sự áp đảo và trấn lột của đa số quen lối sống của “xã hội đen”.
2. Vì nhà tù có quá đông phạm nhân nên chỗ ăn ở quá chật chội (50cm, 60cm mỗi người), tiêu chuẩn vệ sinh rất thấp, trật tự an tòan trong trại khó bảo đảm (trộm cắp, đánh lộn, ức hiếp, trấn lột…)
3. Hầu như toàn bộ thời gian giam giữ được dành cho lao động. Các sinh hoạt vui chơi giải trí, thể dục thể thao, học tập gần như không có, hoặc nếu có cũng không đáng kể. Ở hầu hết các trại giam nhiều hình thức vui chơi giải trí và học tập còn bị nghiêm cấm (cấm ca hát, cấm học tập ngoại ngữ và kể cả văn hóa…)
4. Sức khoẻ phạm nhân không được bảo đảm. Lao động nhiều và năng nhọc nhưng ăn mặc, ở, nghỉ ngơi dưới mức trung bình. Khi đau ốm, thuốc men thiếu thốn. Bệnh xá thường chật hẹp thiếu vệ sinh, người bệnh nhẹ bị nhốt chung với người bị bệnh truyền nhiễm…
5. Quan hệ con người trong trại giam thiếu tình thương và thiếu tính giáo dục. Ngôn ngữ sử dụng giữa cán bộ và phạm nhân thường thiếu văn hóa (mày – con, mày – tao, chửi mắng…). Còn nhiều trường hợp cán bộ đánh đập phạm nhân, có khi bằng cả roi vọt, và bắt phạm nhân phục vụ riêng cho mình.
B. Việc Tổ Chức Lao Động Cải Tạo
1. Việc bắt buộc mọi phạm nhân không phân biệt tội trạng và án phạt đều phải lao động tay chân, thường là nặng nhọc, 8 giờ một ngày, có khi cả chủ nhật, được giải thích là để thi hành pháp lệnh thi hành án mới ban hành. Chúng tôi cho rằng cần phải xét lại ngay cả cơ sở pháp lý của việc bắt buộc mọi phạm nhân phải lao động tay chân nặng nhọc trong thời gian bị giam giữ vì những lý do sau đây:
a. Hiến pháp 1992, điều 71 qui định: “Không một công dân nào bị coi là có tội khi chưa bị Tòa án xét xử với một bản án có hiệu lực pháp lý”. Điều này cho thấy chỉ có bản án do tòa án phán quyết mới có giá trị pháp lý để thi hành. Mọi việc thêm vào án phạt của tòa án dưới bất cứ hình thức nào và do bất cứ cá nhân hoặc cơ quan nào trong thời giam thi hành án là hoàn toàn vi phạm tinh thần và nội dung của điều 71 Hiến Pháp hiện nay.
b. Pháp lệnh thi hành án là một văn bản pháp lý dưới luật, tất nhiên cũng không thể đi ngược lại tinh thần và nội dung của điều 71 cũng như các điều khoản khác của Hiến Pháp, đạo luật căn bản của mọi đạo luật. Nói cách khác, việc qui định các hình thức thi hành án không thể vượt ra ngoài phán quyết của Tòa án liên quan tới thời gian và hình thức án phạt. Cụ thể hơn nữa, việc tổ chức lao động, nhất là lao động tay chân nặng nhọc cho phạm nhân chỉ có thể áp dụng một cách hợp hiến và hợp pháp đồi với những bản án mà toà án có quy định phạt lao động với những hình thức cụ thể (lao động nhẹ, lao động khổ sai…).
c. Toà án hiện nay của nước ta chỉ có án phạt tù giam mà chưa qui định có hay không có lao động, cũng như lao động nhẹ hay lao động khổ sai. Mọi qui định về lao động dười bất cứ hình thức nào do đó đều không phù hợp với án lệnh và phán quyết của tòa án hiện nay, và nếu vẫn đem thi hành thì vừa vi phạm điều 71 của Hiến Pháp hiện nay, vừa vi phạm tập quán và công pháp quốc tế, và đặc biệt vi phạm các công ước quốc tế về dân quyền và nhân quyền liên quan tới tòa án, quá trình xét xử và giam giữ.
2. Hình thức tổ chức lao động và cường độ lao động hiện nay ở các trại giam mà chúng tôi đã đi qua hoàn toàn thiên nặng về hình phạt và về hiệu quả kinh tế. Các trại giam thường tính toán thành quả lao động của phạm nhân như tính toán lời lỗ của một cơ sở kinh doanh sản xuất ngoài xã hội. Có trại (Nam Hà) đặt hẳn trách nhiệm của phạm nhân là “làm giầu cho trại”. Thực tế này đã gây ra những hậu quả tai hại như sau:
a. Phạm nhân luôn luôn có ấn tượng là họ bị “bóc lột sức lao động”. Thêm vào đó, tình trạng ăn ở, sinh hoạt tồi tệ trong trại giam như mô tả ở trên càng tác động xấu vào quá trình cải tạo của phạm nhân. Chúng tôi cho rằng hình thức tổ chức lao động cũng như ăn ở như hiện nay ở các trại giam hoàn toàn không đạt được hiệu quả “cải tạo” như mong muốn.
b. Việc bắt phạm nhân lao động cực nhọc để sinh lời cho trại giam và đóng góp vào ngân sách quản lý trại giam của chính phủ tạo ra một hình ảnh không tốt đẹp về nhân quyền và chế độ lao tù của nước ta.
c. Lao động trong thời gian giam giữ chỉ có thể cải tạo khi đem lại lợi ích cho phạm nhân. Muốn thế, lao động cần gắn liền với huấn nghệ, học tập nâng cao kiến thức và văn hóa tổng quát, cũng như với một môi trường sống nhân đạo, thân ái, văn minh và tiến bộ. Điều này đòi hỏi phải tổ chức lại chế độ lao động học tập đồng thời với việc cải thiện mạnh mẽ và sâu rộng mọi mặt sinh hoạt của trại giam.
C. Kiến Nghị:
Từ những nhận định trên, chúng tôi kiến nghị với quí vị những điều cụ thể sau đây:
1. Thành lập một Ủy Ban Quốc Gia thanh sát các trại giam. Ủy Ban này phải hoàn toàn độc lập với các cơ quan liên hệ tới việc tổ chức và điều hành các trại giam, đặt trực thuộc Quốc hội hay Thủ Tướng để thanh tra tất cả các trại giam, đồng thời nghiên cứu và đề nghị các biện pháp cải thiện chế độ lao tù.
2. Rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan tới mọi khía cạïnh của việc tổ chức và quản lý các trại giam cũng như việc thi hành án phạt của tòa án. Sửa đổi mọi điều vi phạm tinh thần và nội dung Hiếp Pháp hiện hành.
3. Trong khi chờ đợi, cải thiện ngay một số điều liên quan tới lao động và sinh hoạt trong các trại giam để giảm bớt một số mặt tiêu cực và tăng cường tác dụng cải tạo của quá trình giam giữ. Chúng tôi đề nghị cụ thể:
- bỏ mọi hình thức lao động nặng nhọc, giảm bớt giờ lao động;
- tổ chức các lớp học tập văn hóa, ngoại ngữ, nghề nghiệp;
- tổ chức các hình thức sinh hoạt giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao;
- tận dụng khả năng và nhân lực của chính phạm nhân để tổ chức các loại sinh hoạt này.
4. Riêng phần chúng tôi, kể từ ngày gửi thư kháng nghị này, chúng tôi sẽ ngưng mọi hình thức lao động chân tay vì lý do như sau:
a. Trong tinh thần và nội dung của bản kháng nghị này, việc ngưng tham gia mọi hình thức lao động chân tay vừa thể hiện tính trung thực của những nhận xét, quan điểm và kiến nghị mà chúng tôi đã trình bầy ở trên, vừa là một đóng góp cụ thể vào quá trình cải thiện chế độ lao tù ở nước ta hiện nay.
b. Vấn đề “cải tạo”, đặc biệt cải tạo qua hình thức lao động chân tay, hoàn toàn không phù hợp với trường hợp chúng tôi là những người đang bị giam giữ với lý do chính trị. Vấn đề đúng sai của tư tưởng và quan điểm chính trị không thể giải quyết đơn thuần bằng quá trình gọi là “lao động cải tạo”.
c. Chúng tôi cho rằng các hình thức lao động tay chân hoàn toàn không phù hợp vơi tình trạng sức khỏe thể xác cũng như năng lực tinh thần và trình độ văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi tn rằng trong thời gian còn tạm thời bị “cách ly khỏi xã hội” chúng tôi vẫn có thể đóng góp hoặc chuẩn bị cho sự đóng góp trong tương lai một cách tích cực hơn, hữu hiệu hơn vào quá trình đi lên của đất nước bằng năng lực và hiểu biết của mình hơn là bằng các hình thức lao động bằng chân tay giản đơn và nặng nhọc.
Thưa Quí Vị,
Từ trại giam Nam Hà chúng tôi đã quyết định gửi đến Quí Vị thư kháng nghị này vì cho rằng, sau khi đã trực tiếp biết được những gì đang xẩy ra trong các trại giam mà chúng tôi đã đi qua, chúng tôi không thể tự nhận mình là những con người tự trọng, trung thực, thiết tha với tiền đồ của dân tộc mà không nói lên những nhận xét, quan điểm và kiến nghị của mình. Chúng tôi thẳng thắn gửi đến Quí Vị thư kháng nghị này vì tin rằng công lý sẽ thắng, nền dân chủ pháp trị sẽ được xây dựng trên đất nước chúng ta; rằng tinh thần nhân đạo, lòng nhân ái trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt sẽ vượt hẳn mọi bất công, lạc hậu và hận thù để tạo ra một không khí chính trị xã hội Đại Phản Tỉnh và Đại Hòa Dân Tộc để mở đường cho việc xây dựng một nước Việt phồn vinh, hạnh phúc và tự do trong thời đại 2000.
Trân trọng kính chào Quí vị.
Đồng ký tên
Đoàn Viết Hoạt – Trần Tư
Lý Tống – Jimmy Trần (Trần Mạnh Quỳnh)
Theo LÊ MINH (Úc) Đăng Trên Việt Luận số Xuân 2013
XIN BỔ SUNG THÊM VỀ VỤ ÁN TRẦN TƯ VÀ NGƯỜI TÙ CHÍNH TRỊ TRẦN TƯ
Sáng ngày 28/03/1993, tai họa ập đến với ông và cả gia đình tại tư gia ở số 534 An Bình, An Phú, Thủ Đức (nay là số 23 Đường 10, Khu phố 4, Phường An Phú, Quận 2).
Từ sáng sớm, một lực lượng công an khoảng hơn 100 người mặc thường phục, rải đều 2-3 người tại mỗi chốt chặn, kéo dài từ nhà thờ Thiên Thần (600 An Bình, An Phú, Quận 2) vào đến tư gia của gia đình ông. Khoảng trên 20 công an mặc thường phục lẫn sắc phục kéo vào nhà ông, bắt tất cả mọi người trong nhà ngồi úp mặt vào tường, trong khi lực lượng công an tra xét ông và vợ. Sau khi lục xét và lấy đi nhiều vật dụng đồ đạc trong nhà, kể cả một lượng tiền bạc lớn, công an áp tải ông về trại giam.
Liên tục trong vòng một tháng, tất cả thành viên trong gia đình ông không được ra khỏi nhà: nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bên trong nhà lúc nào cũng túc trực 3 công an viên. Mọi nhu cầu tiêu dùng đều phải ghi xuống giấy để công an đưa người đi mua.
Ngày ra tòa, ông dõng dạc tuyên bố với chánh án “Tôi làm việc này vì lý tưởng. Tôi không có tội. Hãy thả hết những anh em của tôi ra. Tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm”.
Theo LÊ MINH ÚC – Viêt Luận Xuân 2013