Chuyện người phụ nữ da đỏ bị bỏ quên trên hải đảo San Nicolas
Trên đảo San Nicolas cách bờ quận Santa Barbara và quận Los Angeles, California chừng 85 km có một căn cứ truyền tin của Hải quân Hoa Kỳ và nhiều trạm theo dõi hoạt động của hỏa tiễn địch. Hải đảo San Nicolas cũng là trung tâm câu chuyện thương tâm của một người phụ nữ da đỏ từng bị bỏ quên và sống một mình ở đó 18 năm, trước khi được thuyền trưởng, cũng là nhà buôn bán da thú George Niveder tìm thấy năm 1853 và đưa vào bờ với sự đỡ đầu của Hội Truyền giáo Santa Barbara. Bà không có tên. Người ta gọi bà là “Người Đàn Bà Đơn Độc” (The Lone Woman). Trước khi qua đời Hội Truyền giáo Santa Barbara rửa tội và đặt tên thánh Juava Maria cho bà.
Câu chuyện bi đát của bà Maria trở thành đề tài của cuốn tiểu thuyết nhan đề “Island of the Blue Dolphins” (Hải đảo của cá heo xanh) của Scott O’ Dell viết năm 1960. Cuốn sách được giải Newbery và được chọn làm sách đọc cho học sinh cấp 4 đến cấp 7 tại các trường tiểu học bang California. Cuốn sách được tái bản nhiều lần với tổng số in lên đến 6.5 triệu bản.
Steve Schwartz, một chuyên viên khảo cổ làm việc cho Hải quân Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi cuốn tiểu thuyết đã bỏ công trong suốt 20 năm qua truy tìm dấu vết của bà Maria. Trong một cuộc họp báo cuối tháng 10 vừa qua ông Schwartz cho biết ông đã tìm thấy hang trú ẩn của bà Maria.
Một chút về lịch sử bang California. Trước năm 1542 California là đất của người da đỏ. Những kẻ mạo hiểm từ châu Âu đến sinh sống hài hòa với dân bản xứ trong 2 thế kỷ (từ 1542 đến 1769). Năm 1769 người Tây Ban Nha biến California thành thuộc địa. Năm 1821 Mexico độc lập đối với Tây Ban Nha và trở thành chủ nhân của California. Tháng 5 năm 1846 chiến tranh Hoa Kỳ – Mexico bùng nổ. Mexico bại trận. Năm 1848 Hoa Kỳ chiếm California, và chỉ trong 2 năm người da trắng gốc Âu châu đến định cư lên đến 100.000 người át hẵn số da đỏ và người gốc Mexico. Năm 1850 quốc hội Hoa Kỳ sát nhập California thành tiểu bang thứ 31 của Hoa Kỳ.
Không có thống kê nào cho biết có bao nhiêu người da đỏ sống tại California trước khi người châu Âu đến. Nhưng bệnh dịch gia cầm do người châu Âu mang lại làm dân số người da đỏ giảm đi nhiều (người Âu châu vào thời kỳ đó sống bằng chăn nuôi tiếp xúc với gia cầm nên được miễn nhiễm). Trong thời gian California ở dưới quyền cai trị của Mexico dân số người da đỏ từ 80.000 người chết vì bệnh chỉ còn vài ngàn người. Khi Hoa Kỳ sát nhập California thành tiểu bang, số người da đỏ rất thưa thớt.
Trong thời gian Tây Ban Nha và Mexico tranh giành California không ai để tâm đến các hải đảo xa xôi, tại đó người da đỏ vẫn sinh sống như họ vẫn sinh sống (theo các nhà khảo cổ) từ 8.000 năm trước. Ở phía nam bang California có 4 đảo lớn cách bờ trong khoảng từ 30 đến 90 km và nằm giữa quận Orange và Santa Barbara gồm Santa Cruz Island, Catalina Island gần bờ ở phía Bắc; San Clemente Island và San Nicolas Island xa bờ hơn nằm ở phía Nam. Các hải đảo đó bây giờ là những viên ngọc quý của bang California. Đảo Catalina là khu du lịch. Đảo San Nicolas là khu quân sự.
Theo cuốn sách “Island of the Blue Dolphins” khoảng đầu thế kỷ 19, người Nga và thổ dân Alaska đi săn rái cá (otters) đổ lên đảo và thường đánh nhau với thổ dân da đỏ để chiếm da và giành phụ nữ. Sau một trận đánh khốc liệt năm 1814 thổ dân da đỏ bị giết chỉ còn 300 người.
Năm 1835 các linh mục trong Hội Truyền giáo Franciscan ở Santa Barbara do lòng nhân đạo và cũng để có thêm lực lượng lao động cho chiếc thuyền Peors es Nada ra đón cư dân trên đảo Nicolas vào bờ.
Khi chiếc Peors es Nada rời bến, một phụ nữ nhảy xuống bơi vào bờ nói rằng bà bỏ quên đứa con gái 5 tuổi trên đảo. Bà nói với thuyền trưởng bà sẽ trở lại. Thời tiết xấu, thuyền trưởng Peors es Nada phải nhỗ neo dong buồm chạy vào bờ bỏ bà lại. Câu chuyện thương tâm của “Người đàn bà đơn độc” bắt đầu từ đó.
Năm 1850 khi California trở thành một tiểu bang, Hội Truyền giáo Santa Barbara thuê một thuyền trưởng ra đảo tìm bà. Trở về ông cho biết trên hoang đảo không có ai ngoài chó biển (seals) và rái cá (otters). Năm 1851, ông George Niveder ở Santa Barbara nghe nói đến tài nguyên thiên nhiên đích thân ra đảo quan sát. Năm 1852 ông lại ra đảo, và lần này bắt gặp được bà Maria đang lột da thú tại một cái chòi làm bằng xương cá mập và cây lá. Cái chòi đơn sơ chỉ để che gió khi bà làm việc hay nấu nướng ngoài trời. Bà ngủ trong một cái hầm đào sâu trong hang đá.Theo miêu tả của ông Niveder bà là một phụ nữ cỡ 50 tuổi, vóc người tầm thước, mạnh khỏe, khuôn mặt dễ coi. Bà cười dơ hai hàm răng còn nguyên, mòn đến lợi. Sau 18 năm sống một mình bà không còn nói được tiếng người, chỉ còn ú ớ phát âm năm ba tiếng không ai hiểu nghĩa. Bà không hiểu bất cứ một ngôn ngữ gì các linh mục người da đỏ dùng. Bà hay ngêu ngao hát một bài hát không ai hiểu nghĩa. Bà thông tin bằng dấu khá rành mạch, và cho biết đứa con gái của bà bị chó sói ăn khi bà trở lại bờ. Bà tò mò và thích thú đối với mọi việc chung quanh. Có một tổ chức muốn đưa bà lên triển lãm tại San Francisco, nhưng ông Niveder không đồng ý. Ông nói những bất hạnh “chúng ta” mang đến cho bà đã quá đủ.
Vào bờ được 7 tuần lễ bà qua đời bởi chứng bệnh thương hàn. Năm 1899 tờ báo Times viết rằng bà Juava Maria “chết vì ăn uống những thức ăn không thích họp với bà”.
Ông Schwatz tiết lộ trong cuộc họp báo rằng khi đi tìm kiếm dấu vết bà Maria trên đảo, ông dùng một bản đồ của chính phủ vẽ năm 1879. Trên bản đồ có ghi một nơi nằm về phía Tây Nam là “Indian cave” (Hang của người Da Đỏ), và ông Schwartz nghi rằng đó là nơi trú ẩn của bà Maria. Tuy nhiên cái hang đó, cũng như các hang động khác quanh hải đảo chỉ là những chỗ trũng khi thủy triều lên thường bị ngập nước không thể sinh sống được.
Mới đây, nhà khảo cổ Scott Byram thuộc đại học UC Berkeley đã chuyển cho ông một ghi chú viết tay của một nhân viên vẽ bản đồ duyên hải của chính phủ trong hơn một thế kỷ trước ghi rằng “cách trạm quan sát của tôi chừng 100 yards về phía Đông là một cái hang lớn được đồn rằng đó là chỗ ở của một người đàn bà da đỏ trong 18 năm”.
Nhờ tọa độ ghi lại Schwartz định được vị trí đúng là cái hang ghi “Hang của người Da Đỏ” trên bản đồ năm 1879. Đó là một vùng cát trũng xuống chung quanh là đá trước đây ông đã quan tâm nhưng chưa bỏ công đào xới.
Với sự phụ giúp của các sinh viên ngành khảo cổ tại các đại học Hoa Kỳ ôngSchwartz đã cho đào lỗ trũng. Dưới một lớp cát và đá vụn là một đụn cát vun cao che miệng một cái hang. Sau khi san bằng đụn cát và vét miệng hang bằng cách di chuyển khoảng 40.000 thùng cát ra ngoài ông thấy một cái hang cao 3 mét và rộng chừng 25 mét. Nơi cửa hang có khắc ngày Sept 11, 1911 chứng tỏ đã có một đoàn ngư dân đi đánh cá tạt vào ẩn núp ở đây. Cạnh hang ông Schwartz thấy nhiều xương cá và vỏ ốc sò. Đào sâu vào ông tìm thấy nhiều chai lọ loại đựng tiêu muối của những năm từ 1840 đến 1865.
Ông Schwartz khẳng định các chứng cớ đều đưa đến kết luận đây là chỗ ở của người phụ nữ bất hạnh.
Và kết quả tìm kiếm của ông Schwartz sẽ mở đầu cho một cuộc khảo sát qui mô khác về khảo cổ và địa chất bờ biển miền Tây Hoa Kỳ. Riêng trên đảo Nicolas có 350 vị trí mang dấu vết điạ chất học và sử học chưa được nghiên cứu.
Phải chăng sự bất hạnh của bà Juana Maria là một đóng góp cho khoa học?
Nov. 4, 2012
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt
——————————————
Tài liệu tham khảo:
“Cave of popular heroine found at last” by Steve Chawkins, Los Angeles Times, October 30, 2012