Trịnh Hữu Long, Đoan Trang: 5 điều có thể bạn chưa biết về bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ngày 15/11, Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành cuộc “lấy phiếu tín nhiệm” lần thứ hai trong lịch sử của mình. Vì đây là một hoạt động mới mẻ ở nước ta, có thể có những điều bạn chưa biết về cơ chế đánh giá tín nhiệm thường được gọi là “bỏ phiếu bất tín nhiệm” này. Chẳng hạn, bạn có tin là Tổng thống Pháp được miễn trừ khỏi các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm? Sau đây là năm điều lý thú mà Luật Khoa tạp chí đã chọn ra để chuyển tải đến bạn đọc.
1. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên trên thế giới đã diễn ra cách đây… 232 năm
Tháng 10/1781, quân Anh bại trận ở Yorktown trong một cuộc chiến với Mỹ. Quốc hội Anh liền bỏ phiếu để tuyên bố rằng họ “không còn có thể tin tưởng vào các vị bộ trưởng hiện tại nữa”. Tháng 3/1782, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên trong lịch sử diễn ra ở Anh. Phản ứng của Thủ tướng Lord North là yêu cầu vua George đệ Tam chấp nhận cho ông từ chức. Cho tới giữa thế kỷ 19, việc bỏ phiếu bất tín nhiệm để giải tán chính phủ đã trở thành một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra ở Anh. Trong lịch sử, Liên hiệp Vương quốc Anh đã có tới 11 thủ tướng bị mất chức vì bỏ phiếu bất tín nhiệm, mà gần đây nhất là James Callaghan (1979).
2. Bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể đồng thời bầu ra một lãnh đạo mới
Thông thường, các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể dẫn đến hậu quả là một thủ tướng phải từ chức, một chính phủ bị sụp đổ và một cuộc bầu cử mới có thể được tiến hành sau đó.
Tuy nhiên, ở một số nước như Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Hungary, Slovenia và Lesotho, các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với người đứng đầu chính phủ phải đồng thời đi kèm với việc bầu ra được một lãnh đạo mới (đồng nghĩa với việc thiết lập một chính phủ mới). Điều đó có nghĩa là, bà Angela Markel, Thủ tướng đương nhiệm của Đức, chỉ mất chức nếu quốc hội bầu ra được một người khác thay thế bà ngay trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Khái niệm này được gọi là “bỏ phiếu bất tín nhiệm có tính xây dựng” (constructive vote of no confidence) và cũng chính người Đức đã khởi xướng ra khái niệm này.
Ngày 1/10/1982, Thủ tướng Helmut Schmidt của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã mất chức vào tay ông Helmut Kohl của đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) theo cách như vậy.
Trước đó 10 năm, ngày 27/4/1972, Thủ tướng Willy Brandt của đảng SPD lại thoát nạn khỏi một cuộc bỏ phiếu tương tự nhờ nhỉnh hơn phe đối lập… hai phiếu.
3. Nước Mỹ không có bỏ phiếu bất tín nhiệm
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ thậm chí còn không có bất cứ thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm nào. Thay vào đó, họ dùng các “nghị quyết” (resolution) để bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với một quan chức chính phủ nào đó.
Chẳng hạn, vào năm 1950, Ngoại trưởng Dean Acheson đã bị Quốc hội lên án bằng một nghị quyết như vậy vì đã không nỗ lực đủ để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Nghị quyết này không mang lại một hậu quả pháp lý nào, vì Dean Acheson vẫn giữ ghế ngoại trưởng cho đến hết nhiệm kỳ Tổng thống Harry Truman vào năm 1953. Các nghị quyết này, do đó, chỉ mang tính biểu tượng, răn đe hoặc cảnh cáo.
4. Tổng thống Pháp được miễn trừ khỏi các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ít nguyên thủ quốc gia nào có quyền lực rộng rãi như vị tổng thống của nền Cộng hòa thứ Năm của nước Pháp hiện nay. Ông được miễn trừ mọi trách nhiệm hình sự (ngoại trừ tội phản quốc) và không thể bị cách chức hay miễn nhiệm bởi bất cứ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào.
Việc này xuất phát từ cuộc khủng hoảng của nền Cộng hòa thứ Tư vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, khi một Chính phủ Pháp yếu kém lúc đó không thể giải quyết được vấn đề độc lập của Algeria và đứng trước bờ vực của một cuộc nội chiến. Tướng Charles de Gaulle, khi đó đã nghỉ hưu, nhận lời mời trở lại chính trường với điều kiện phải cho ông khởi thảo một bản hiến pháp mới tập trung quyền lực vào tay tổng thống. Cuộc phúc quyết hiến pháp ngày 29/8/1958 đã hiện thực hóa ý tưởng đó của ông với 79,2% số phiếu chấp thuận của toàn dân, mở ra nền Cộng hòa thứ Năm của đất nước này.
Ngày nay, người Pháp có vẻ đã bắt đầu mệt mỏi với những vị tổng thống không-thể-bị-đụng-tới đó. Một dự luật mới trao cho quốc hội và tòa án Tối cao quyền luận tội và cách chức tổng thống đã được lưỡng viện Quốc hội Pháp thông qua vào cuối tháng 10-2014 và đang được Hội đồng Bảo hiến Quốc gia xem xét trước khi có thể trở thành luật.
5. Bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể bị trì hoãn bằng cách cho quốc hội… tạm nghỉ việc
Đó là chuyện đã xảy ra ở Canada vào cuối năm 2008. Vào thời điểm đó, trước sự chỉ trích của phe đối lập, Thủ tướng Stephen Harper phải đối mặt với hai rủi ro chính trị: một là từ chức, hai là bị bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập khởi xướng. Tình thế lúc đó cho thấy là Harper nắm chắc phần thua nếu để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được diễn ra.
Ông đã khôn ngoan lách qua tình thế hiểm nghèo này bằng cách đề nghị Tổng Toàn quyền (Governor General, đại diện của Nữ hoàng Anh ở Canada) tạm dừng hoạt động của Nghị viện cho đến ngày 26/1/2009 và trở thành thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Canada làm như vậy.
Đề nghị của Harper được chấp thuận vào ngày 4/12/2008, bốn ngày trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dự kiến diễn ra. Khoảng thời gian gần hai tháng Nghị viện ngừng hoạt động đó đủ để Harper cứu vãn tình hình và giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được tổ chức vào ngày 29/1/2009.
Theo Luatkhoa.org