WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Một tháng vòng quanh tiểu bang Texas

Bút ký của Đoàn Thanh Liêm

Tháng 12 cuối năm 2010, tôi lại có dịp đi từ California phía bờ biển miền Tây đến Texas phía Trung Nam của nước Mỹ. Đây là lần thứ 16 tôi đến thăm bà con và bạn hữu tại các thành phố chính Houston, Austin và Dallas của một tiểu bang có diện rộng lớn nhất trong số 48 tiểu bang ở lục địa Hoa kỳ. Trời mùa đông vào ban ngày nhiệt độ bình quân cỡ 5 – 15 độ C, mà mỗi khi có gió thổi mạnh, thì thật là buốt giá. Nhưng khi có ánh nắng mặt trời sưởi ấm, thì ở đây lại cũng dễ chịu hơn là ở bên California lúc đó đang bị mưa liên tục làm ngập nước tại nhiều khu vực.

Chuyến đi này kéo dài đến bốn tuần lễ, bắt đầu bằng Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt nam năm 2010 được tổ chức tại thành phố Houston vào đúng Ngày Nhân Quyền 10 tháng 12, mãi cho đến ngày 5 tháng Giêng năm 2011, tôi mới lại lên máy bay trở về California. Cũng như mọi lần, tôi đến thăm viếng nhiều bà con bạn hữu, và thường ở lại với họ ít ngày để trò chuyện tâm sự. Đó là lối “vãng gia” (home visit) để tạo cơ hội thắt chặt nữa cái mối liên hệ thân thương giữa chúng tôi với nhau. Trước đây, tôi đã viết bài “Dallas vào những ngày cuối năm” rồi, nên trong bài này, tôi xin chỉ viết về chuyện “Người và Việc” tôi đã gặp tại hai thành phố Austin và Houston mà thôi.

I – Tại Austin, thủ phủ của tiểu bang Texas.

Thành phố Austin rất nhỏ, nếu so với Houston và Dallas. Nhưng vì là thủ phủ của Texas, nên được chánh quyền tiểu bang dành nhiều ưu tiên trong việc phát triển. Điển hình là đại học UTA ( University of Texas Austin) hiện đang là một trường nổi danh trong hệ thống đại học ở Mỹ. Rồi đến các công ty xí nghiệp loại kỹ thuật cao (hitech = high technology) cũng đang rất khởi sắc tại đây, cụ thể như một công ty cung ứng năng lượng mặt trời (solar energy) vừa chọn thành phố Pflugerville làm thí điểm. Tôi chú ý việc này, vì ông dượng của tôi là Vũ Ngọc Cẩn lại cư ngụ tại chính thành phố Pflugerville sát liền với Austin. Mỗi lần đến Austin, thì tôi lại đều đến viếng thăm bà dì và ông dượng ở đây.

Bà dì tôi vừa mất vào đầu năm 2010, còn ông dượng lúc tôi đến thăm vào dịp trước lễ Giáng sinh, thì cũng yếu mệt lắm rồi. Cụ phải đi bệnh viện để lọc máu mỗi tuần 3 lần. Và cuối cùng, thì ông cụ đã tắt thở vào ngày 5 tháng Giêng vừa qua, hưởng thọ 91 tuổi. Ông là cháu đích tôn của cụ Phủ Vũ Ngọc Liễn ở làng Lục Thủy, kế cận với làng Hành Thiện nổi danh của tỉnh Nam Định, và gọi bà Đỗ Đình Đạo là cô ruột. Trong nhiều năm ông bà lâm bệnh nặng, thì được hai vợ chồng cô Yến – chú Định là trưởng nữ chăm sóc tận tình. Vì thế, bà con trong họ ngoại chúng tôi, thì ai nấy đều quý mến cô chú Yến – Định này, vì tấm lòng hiếu đễ rất mực đối với cha mẹ như vậy.

Cô Hồng là em kế với Yến, thì cũng định cư tại Austin. Đặc biệt là chú Hoàng Bá Thông ông xã của cô, thì lại rất hăng say trong việc phụ giúp cha xứ nhà thờ Các Thánh Tử Đạo ở Austin với cộng đoàn tín hữu lên đến trên 2,000 giáo dân. Cha xứ Nguyễn Anh Văn là một vị chân tu, đạo hạnh đã kết hợp được nhiều giáo dân thiện nguyện để xây dựng đươc một ngôi thánh đường khang trang, đẹp đẽ trên một khu đất rộng rãi thoáng mát đến cả chục acres. Nhà báo Triều Giang và phu quân cũng là những tín hữu đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển của giáo xứ này.

Trong bữa ăn trưa do anh chị Triển – Triều Giang khoản đãi, tôi và chú Thông đã có dịp trao đổi nhiều với cặp vợ chồng đã lập nghiệp lâu năm tại Austin, với việc kinh doanh khá thành công vững chắc tại địa phương này. Nhưng tôi lại chú ý nhiều đến câu chuyện chị Triều Giang kể về cái Dự án thâu thập các chứng từ về kinh nghiệm của người tỵ nạn Việt nam, để làm tài liệu cho việc giảng dậy lịch sử tại các đại học ở Mỹ. Dự án này có tên tiếng Anh là “Vietnamese American Heritage Foundation” (VAHF) đã khởi sự từ mấy năm nay, do sáng kiến của nhiều trí thức văn nghệ sĩ cùng hợp tác với giới sinh viên gốc Việt để thực hiện các cuôc phỏng vấn đến 500 nhân vật đã và đang có những hoạt động văn hóa, xã hội cũng như chính trị trên đất Mỹ. Chị Triều Giang cho biết hiện đã thực hiện được đến 280 cuộc phỏng vấn tại nhiều nơi, và VAHF còn phải tiếp tục công việc trong vài năm nữa để hoàn thành cái dự án Lịch sử Khẩu thuật (Oral History) của người Việt nam tỵ nạn trên đất Mỹ, mà hiện nay đã lên đến con số gần 2 triệu người.

Cũng tại Austin, tôi còn một người cháu con bà chị thứ tư là cháu Hoàng Thiên Lương năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi. Lương là kỹ sư có công việc chắc chắn cho một hãng điện tử có hạng của Mỹ, nên có nhà cửa khá tươm tất, với mấy con đều đang theo học tại đại học. Vợ Lương là Nga lại là cháu kêu giáo sư Lê Hữu Mục là cậu ruột. Hai vợ chồng Lương – Nga còn tham gia sinh hoạt với ca đoàn của nhà thờ ở Austin nữa. Lương mồ côi cả cha lẫn mẹ ở ngoài Bắc, lúc còn quá nhỏ, mới được 5-6 tuổi; vậy mà nay cháu đã trưởng thành chững chạc, nên gia đình anh chị em chúng tôi đều rất vui mừng. Người anh của Lương là Hoàng Kim Đại hiện là linh mục phụ trách một giáo xứ tại miệt Cái Mơn, Cái Nhum thuộc huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre.

Người thân thiết khác nữa với tôi ở Austin là em Nguyễn Thị Ngọc Nga, em từng làm việc chung với tôi tại chương trình phát triển cộng đồng ở các quận 6,7,8 Saigon hồi cuối thập niên 1960, lúc chiến tranh khói lửa còn đang tiếp diễn kinh hoàng ở miền Nam Việt nam. Nga và chồng là Hiếu còn đang tuổi đi làm, nên tôi chỉ có thể gặp các em vào những ngày nghỉ lễ mà thôi. Dầu vậy, chúng tôi vẫn liên lạc thư từ và điện thoại với nhau. Hai vợ chồng này vẫn xưng mình là em và gọi tôi là thầy, như hồi xưa đã gắn bó sát cánh với nhau trong công tác xã hội nhằm phục vụ đồng bào nạn nhân chiến cuộc ở vùng ven đô Saigon.

II – Tại thành phố Houston.

Houston là một thành phố khá lớn, được xếp hàng thứ tư của Mỹ, sau New York, Los Angeles và Chicago. Cộng đồng người Việt tại Houston và vùng phụ cận có thể lên tới vài trăm ngàn người, với khu vực thị tứ rất sầm uất quanh đại lộ Bellaire ở về phía Tây Nam thành phố. Nhưng mấy năm gần đây lại có sự chia rẽ nặng nề trong tổ chức đại diện cộng đồng ở đây, và hiện đang có vụ kiện đưa ra tòa án địa phương xét xử về những tố cáo lẫn nhau. Câu chuyện còn nhiều chuyển biến phức tạp, gay cấn chưa ngã ngũ ra sao cả, nhưng vì chỉ là một người khách từ mãi phương xa mà đến viếng thăm bà con bạn hữu tại đây, nên tôi xin miễn không phải bỏ thời giờ để đi sâu vào sự việc xào xáo tranh chấp nội bộ quả thật là rất đáng buồn này.

Về phía thân nhân của tôi, thì có hai người cháu con của bà chị ba là Tống Huy Hiền và Tống Huy Chương. Và chú Hách là second cousin của tôi. Nhà của hai anh em Hiền và Chương, tuy ở cùng một thành phố Houston, mà kẻ ở khu Nam, người ở khu Bắc, nên cách xa nhau đến trên 50 miles, lái xe mất đến 50-60 phút. Anh Hiền đã ngoài 70 tuổi, là trưởng ban xã hội của giáo xứ Ngôi Lời Nhập Thể với trên 5,000 giáo dân, nên khá bận rộn trong công việc tương trợ Quan Hôn Tương Tế của cộng đoàn. Nhờ kinh nghiệm đã là một sĩ quan chỉ huy một đơn vị quân đội hồi trước 1975, nên Hiền tổ chức sinh hoạt công tác xã hội của giáo xứ chung với các cộng sự viên tự nguyện khác một cách khá nhịp nhàng chu đáo. Hai vợ chồng đều đã về hưu, các con đã trưởng thành và dọn ra ở riêng, nên căn nhà 5 phòng rộng mênh mông, khiến cho khách vãng lai như tôi cảm thấy thật là tiện nghi thoải mái. Hiền lại là con trưởng, nên có nghĩa vụ nặng nề đối với cả gia tộc về bên nội, cũng như bên ngoại của cháu. Và trong 10 ngày tôi sống tại nhà Hiền, thì cậu cháu chúng tôi đã có nhiều dịp bàn thảo với nhau về những công việc của dòng tộc nhà mình. Hiền còn chở tôi đến thăm gia đình chú Hách ở phía nam thành phố Houston, mà Hiền phải kêu bằng cậu mợ.

Cũng tại nhà Hiền, mà tôi đã mời các người bạn thân thiết lâu ngày của mình tới gặp gỡ và dùng cơm chung với nhau. Đó là các anh Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Quế Sơn và Nguyễn Chính Kết. Anh Tuệ trước đây là một sĩ quan ngành An ninh Quân đội, nên sau 1975, bị đi tù đến cả chục năm, anh là con rể của cụ Nguyễn Hòa Hiệp một nhân vật chính trị và quân sự nổi tiếng tại miền Nam từ hồi 1945. Anh Sơn thì là sĩ quan phi công, sang Mỹ từ năm 1975. Các anh đều trạc tuổi với tôi, nên cũng đã nghỉ hưu cả rồi. Bọn tôi nhắc nhở lại bao nhiêu kỷ niệm chung với nhau hồi còn ở Việt nam.

Anh Nguyễn Chính Kết là con người tranh đấu chính trị khá nổi tiếng của khối 8406, hiện đã định cư tại Houston chừng trên một năm nay. Anh Kết hiện chú tâm nghiên cứu về vấn đề tôn giáo, và vừa cho xuất bản 2 cuốn sách biên sọan rất công phu, với nhan đề là : “Đối thọai Tôn giáo” và “Phật giáo dưới cái nhìn của một Kitô hữu”. Anh cho biết lúc này, sau khi ổn định việc định cư cho gia đình tại Mỹ, thì anh trở về với chuyện nghiên cứu về Triết học và Thần học là hai lãnh vực anh đã để tâm nghiên cứu từ lâu. Dĩ nhiên là anh vẫn tham gia công việc tranh đấu với các chiến hữu của khối 8406, mà anh là đại diện ở hải ngọai.

Gia đình thứ hai mà lần này tôi đến thăm viếng là của anh chị Nguyễn Công Bằng và Anh Trinh, tại khu vực phía Tây Houston. Các cháu đã lớn và ở riêng, nên nhà anh chị luôn có vài phòng trống để dành cho khách vãng lai như tôi. Anh Trinh là một xướng ngôn viên và giới thiệu chương trình sinh họat văn hóa, xã hội quen thuộc ở Houston. Chị có giọng miền Nam thật nhẹ nhàng, thiết tha truyền cảm, nên được nhiều người mến mộ. Còn anh Bằng thì làm việc say sưa cho tổ chức của Đảng Vì Dân với nhiều thành viên vốn đang kín đáo họat động trong nội địa. Anh còn phải lo giúp đỡ các chiến hữu hiện đang bị giam giữ tại nhà tù ở trong nước. Trước đây, anh Bằng là một trong những người sáng lập ra tổ chức từ thiện nhân đạo SAP VN chuyên làm công tác y tế xã hội ở Viêt nam. Nhưng gần đây, thì anh lại chuyển hướng sang lãnh vực tranh đấu chính trị, nên đã rút ra khỏi SAP VN.

Vào một buổi tối, anh chị Bằng có chở tôi đến ăn cơm với gia đình của cặp nha sĩ Chu Văn Cương – Thuỳ Linh, và bàn thảo về việc chuẩn bị cho việc Gây quỹ giúp tổ chức Văn khố Thuyền nhân do ông Trần Đông ở Úc châu khởi xướng từ mấy năm nay, buổi Gây quỹ này được dự trù vào tháng Năm 2011 ở Houston. Tôi thật cảm kích trước sự hăng hái dấn thân của những người bạn trẻ này đối với công cuộc bảo trì văn hóa của các thuyền nhân Việt nam, mà đã phải ồ ạt bỏ nước ra đi sau ngày người cộng sản tiến chiếm miền Nam năm 1975.

Về phía truyền thông báo chí, thì tôi đã dịp cùng với anh Nguyễn Bá Tùng lên đài truyền hình VAN do bác sĩ Vũ Ban và phu nhân là Bích Ngọc phụ trách, để trình bày về họat động của Mạng lưới Nhân Quyền Việt nam, đặc biệt là về giải thưởng Nhân quyền năm 2010 vừa mới được tổ chức Lễ Trao giải tại Houston vào đúng ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12 vừa đây.

Tôi cũng đến thăm tòa báo Việt nam Mới do anh Vũ Văn Hoa làm chủ nhiệm sáng lập. Tại đây, tôi còn gặp cả nhà văn Đào Khanh là phụ tá của chủ nhiệm. Anh Hoa có mời chúng tôi đến quán cafe Madeleine để thưởng thức lọai bánh và đồ uống đặc trưng của Pháp. Không khí sinh họat ở đây nó làm cho tôi nhớ đến cái cảnh được nhà văn Marcel Proust của Pháp mô tả khá chi tiết trong cuốn tiểu thuyết nổi danh “ A la recherche du Temps Perdu” (Đi tìm Thời gian Đã mất) được xuất bản vào hồi đầu thế kỷ XX.

Ngòai ra, tôi cũng còn đến thăm anh chị Bác sĩ Chu Bá Bằng. Anh Bằng trước năm 1975 làm giám đốc Bệnh viện Bài lao Hồng Bàng. Hồi năm 1954, sinh viên di cư như anh Bằng và tôi cùng ở chung trong một căn lều trên khu đất của Khám Lớn Saigon hồi xưa, cạnh Tòa Án. Anh Bằng nhắc tôi tiến hành việc thực hiện Cuốn Kỷ Yếu của nhóm Sinh viên Di cư năm 1954. Việc này, tôi đã bàn sơ qua với các Giáo sư Nguyễn Tư Mô, Lưu Trung Khảo và một vài người bạn khác ở California và chúng tôi đều hy vọng có cơ thành tựu được.

Trước ngày trở lại California, tôi dành cả một buổi chiều để đến thăm anh chị Nguyễn Văn Trường. Anh Trường là một giáo sư lâu năm ở Đại học Sư phạm và đã có thời làm Bộ trưởng Giáo dục ở Saigon. Anh mới bị mổ làm bypass, nên chưa thể lái xe đi lại được.Tuy vậy, anh hiện đã bình phục khá, và vẫn chuyện trò rất tâm đắc với tôi. Chị Trường hồi ở Saigon lại còn là cô giáo dậy môn văn cho cháu Thùy Trang là con gái tôi. Nhận thấy cháu là lọai học sinh có năng khiếu, nên chị chú ý đặc biệt để bồi dưỡng rèn cặp thêm cho cháu. Do vậy, mà tôi lại càng có dịp gần gũi thân thương với hai anh chị, vốn là những vị giáo chức rất tận tâm với sứ mệnh đào tạo cho thế hệ tương lai của đất nước.

Nói tóm tắt lại, trong chuyến viếng thăm Texas lần này, tôi rất phấn khởi vì được dịp gặp lại những người thân quen, và ai nấy đều bày tỏ lòng quý mến và khích lệ đối với công việc tôi đang theo đuổi từ nhiều năm nay. Bà con và bạn hữu đã hết mực tận tình nâng đỡ tinh thần và tiếp sức cho tôi. Nhờ vậy mà tôi luôn giữ được tinh thần lạc quan bình tĩnh yêu đời, yêu mình và tiếp tục công việc phục vụ xã hội bằng tất cả khả năng chuyên môn của mình vậy.

California, 20 Tháng Giêng 2011

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

Phản hồi