Wisława Szymborska
Wisława Szymborska, nhà thơ lớn của Ba Lan vừa qua đời ngày 1.2.2012 tại nhà riêng ở thành phố Kraków sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, thọ 89 tuổi. Bà ra đi nhẹ nhàng, trong giấc ngủ, giữa những bạn bè thân thiết.
Wislawa Szymborska sinh ngày 2.7.1923 tại Bnin ngoại ô Poznan. Từ năm 1931 bà gắn bó với thành phố Krakow. Tại đây, bà đã học khoa Nghiên cứu Văn học và Ngôn ngữ Ba Lan và khoa Xã hội học trường Ðại Học Tổng Hợp Jagiellonski. Bà xuất hiện lần đầu trên báo vào tháng 3 năm 1945 với thi phẩm “Tôi tìm lời”. Từ năm 1953-1981 bà là thành viên ban biên tập tờ “Ðời Sống Văn Học”. Trong những năm 80 bà viết cho tờ “Arka” và tờ “Văn Hóa” (Paris). Szymborska sáng tác không nhiều, trong suốt cuộc đời bà chỉ viết khoảng 350 bài thơ, những mỗi bài thơ của bà đều được đón nhận như một sự kiện lớn. Thơ bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Ðức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Séc, Slovakia, Thụy Ðiển, Bungaria , Albani, Trung Quốc và tiếng Việt. Bà cũng dịch thơ Pháp, tuyển tập thơ dịch của bà được đánh giá rất cao. Bà được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong số đó có giải thưởng của PEN-Club (Ba Lan), giải thưởng Goethe, giải thưởng Herder. Ngày 3.10.1996 Wislawa Szymborska được tặng giải Nobel văn học. Năm 2011, bà được tổng thống trao tặng huân chương Đại bàng Trắng, huân chương cao quý nhất của Ba Lan.
Thái Linh và Anders Bodegard, người dịch thơ Szymborska sang tiếng Thuỵ Điển, trong Hội nghị quốc tế lần thứ 2 những người dịch vãn học Ba Lan
Szymborska đã trải qua phần lớn tuổi trẻ của mình trong Ðại chiến thế giới thứ II, nhưng bà ít viết về chiến tranh. Bà sáng tác chủ yếu về hoàn cảnh của con người, mối tương quan giữa cá nhân và lịch sử, đặt ra những câu hỏi căn bản về ý nghĩa, mục đích của những nỗ lực, đam mê, kinh nghiệm và suy tư của con người.
Thơ của bà không phải là những lời giải đáp thông thường sẵn có hay những câu trả lời đơn nghĩa. Đầy châm biếm, nghịch lý, phản tư sâu sắc, bậc thầy về từ ngữ và hình thái… là những đặc điểm nổi bật trong thơ Szymborska.
Szymborska là một hiện tượng lạ và là một câu đố: giản dị, kín đáo và lặng lẽ thu hút người đọc. Nhà thơ đến thẳng với công chúng qua mặt các nhà phê bình và không cần đến các phương tiện thông tin đại chúng. Bà tạo ra một trường phái thơ riêng, một ngôn ngữ riêng, không trùng lặp và xa lạ với những hệ thống triết học tư tưởng sẵn có, những thói quen, định kiến, ngộ nhận. Tiếng nói trong thơ bà cũng là tiếng nói say mê vẻ đẹp của cuộc sống, tiếng nói trữ tình dưới sự kiểm soát của lý trí, tiếng nói của trí tuệ mà vẫn thật nhạy cảm.
Không có gì hai lần
Không có gì xảy ra hai lần
Và sẽ không. Vì thế
Chúng ta sinh ra không theo thông lệ
Và chết đi chẳng bởi thói quen.
Dù chúng ta là những học viên
Ngu dốt nhất của mái trường thế giới
Thì ta cũng sẽ không nhắc lại
Một mùa đông hay mùa hạ qua rồi.
Không có ngày nào là sẽ tái hồi
Chẳng có hai đêm nào giống nhau đến hết
Không có hai nụ hôn y hệt
Hai cái nhìn vào mắt như nhau.
Ngày hôm qua, ai đó như đâu
Ở gần em, nhắc tên anh thành tiếng
Em thấy như có bông hồng chao liệng
Rơi vào từ ô cửa sổ mở tung.
Ngày hôm nay, khi có anh cùng
Em quay mặt vào tường lặng lẽ
Bông hồng ư? Bông hồng nào thế?
Là hoa ư? Hay là đá, biết đâu chừng?
Vì sao ngươi, giờ khắc, cứ hòa cùng
Với nỗi sợ nỗi bất an vô ích?
Ngươi hiện hữu – nên phải trôi qua, nhất thiết
Ngươi trôi qua – nên điều đó đẹp sao!
Mặt tươi cười, ôm lấy vai nhau
Ta cố gắng kiếm tìm thỏa hiệp
Dù chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo.
Nói không cường điệu về cái chết
Nó không biết đùa
Không thạo về các vì sao
về đào mỏ, dệt kim, trồng trọt, xây cầu
về nướng bánh hay đóng tàu.
Trong thảo luận của chúng ta cho kế hoạch mai sau
Nó xen vào lời cuối
Lạc đề.
Thậm chí nó không hề
biết những điều liên quan đến nghề của nó
Không biết đào huyệt,
chẳng biết đóng quan tài,
không biết dọn cho tuơm những gì mình đã bộn bày.
Bận giết chóc đầy tay,
nó làm việc vụng về, không hệ thống
không thiện nghệ chuyên sâu
Như thể với mỗi chúng ta, nó thực tập lần đầu.
Chiến công nhiều
nhưng cũng bao thất bại,
bao lần ra đòn bừa bãi
bao phen thử lại từ đầu!
Đôi khi nó chẳng đủ sức đâu,
để giết một chú ruồi trong không khí.
Đã nhiều lần nó bị
thua sâu bướm kia trong cuộc chạy thi.
Tất cả những củ hành, vỏ đậu, rễ bầu kia
những xúc tu, những vây và lỗ thở,
những lông mao mùa đông, những lông mã huy hoàng rực rỡ
chỉ nói lên bao bộn bề dang dở
trong công việc chán chường của nó mà thôi.
Chẳng ăn thua chi, cái ác ý với đời.
Ngay cả sự tiếp tay của chúng ta trong chiến tranh, đảo chính,
từ trước đến nay, cũng vẫn còn là ít.
Những trái tim trong trứng đang đập nhịp.
Những chiếc xương đang dài ra của trẻ sơ sinh.
Những hạt giống gắng nảy lên hai cánh lá đầu tiên,
đôi khi là cả những cây cao nơi chân trời xa tắp.
Kẻ khẳng định mình quyền năng trải khắp
chính là bằng chứng sống cho rằng
y bất toàn năng.
Không có cuộc sống nào
dù trong khoảnh khắc -
không bất tử.
Cái chết
luôn chậm chân
đúng một khoảnh khắc này.
Các cánh cửa vô hình, nó gắng sức giật lay
song chỉ là vô ích.
Những điều ai đã kịp làm, dù nhiều dù ít,
tử thần kia không thể xoá đi.
Ba từ kỳ lạ nhất
Khi tôi phát âm từ “tương lai”
âm tiết đầu tiên đã đi vào quá khứ.
Khi tôi phát âm từ “im lặng”
tôi tàn phá nó.
Khi tôi phát âm từ “không có gì”
tôi tạo ra điều chẳng sự không-tồn-tại nào chứa được.
Allegro ma non troppo
Người đẹp lắm – tôi nói cùng cuộc sống
Rất đỗi phong nhiêu, màu mỡ tuyệt vời
Rất ếch nhái, rất sơn ca, kiến mối
Rất mầm chồi, ngỡ đến thế mà thôi!
Lấy lòng Người tôi gắng sức không ngơi
Tỏ ra đáng yêu, mắt nhìn trong mắt
Luôn là kẻ nghiêng mình trước nhất
Cúi chào Người khiêm tốn, nhún nhường.
Bên này, bên kia, tôi cố đón đường
Chặn mọi nẻo trên lối đi cuộc sống
Tôi vút lên trong say mê vui sướng
Tôi lăn ra thán phục dạt dào
Chú châu chấu này thật cỏ xiết bao
Trái mâm xôi kia mới rừng biết mấy
Tôi quả thực không dám tin điều ấy
Nếu chính mình chưa được sinh ra.
Chẳng tìm được gì trong khắp bao la
Sánh nổi với Người – tôi nói cùng cuộc sống
Dù khéo léo hay vụng về lóng ngóng
Không ai có thể làm quả thông thứ hai.
Tôi ngợi ca sự chính xác chẳng lệch sai
Sức cuốn nhanh, sự tài tình, hào phóng
Hơn thế nữa, tôi tán dương cuộc sống
Bởi những nhiệm màu, ma thuật, thần thông.
Miễn sao Người đừng nổi cuồng phong
Đừng tức giận, bực mình hay tự ái
Hàng nghìn năm từ muôn trùng xưa ngái
Tôi dỗ dành Người, tươi ngọt trên môi.
Nắm rìa chiếc lá con tôi kéo giật cuộc đời
Người có ngừng lại không? Người có nghe thấu hết?
Dù chỉ một lần, dù trong chốc lát
Người có quên mình đang mải miết về đâu?
Bầu trời
Phải bắt đầu từ đấy: bầu trời.
Ô cửa sổ không khung, không bệ và không kính.
Một lỗ hổng, ngoài ra không gì hết,
nhưng mở ra mênh mông.
Tôi không cần chờ đêm thanh trong
hay ngước đầu lên
mới ngắm nhìn trời được.
Tôi có trời sau lưng, trong tầm tay và trên mí mắt.
Trời ôm quấn lấy tôi thật chặt
và nâng đỡ tôi lên.
Ngay những đỉnh núi ngất cao
cũng không gần trời hơn những thung lũng thẳm sâu.
Không ở đâu
có nhiều trời hơn nơi khác.
Lạnh lùng giống nhau, trời đè nặng
lên đám mây cũng như xuống nấm mồ.
Con cú mèo vỗ cánh phất phơ
cũng được trời bọc bao như con chuột chũi.
Một thứ rơi xuống vực sâu, bạn hỡi
là từ trời kia rơi mãi vào trời.
Những khoảng-trời, những mảnh-vụn-trời,
những trời-luồng-hơi, những trời-đụn-đống
tơi xốp, bay hơi, chảy tuôn và rực sáng.
Trời hiện hữu khắp nơi,
Ngay trong bóng tối dưới làn da cũng vẫn có trời.
Tôi ăn trời, tôi thải ra trời.
Tôi là cái bẫy nằm trong bẫy,
là kẻ ngụ cư đang bị ngụ cư
là cái ôm trong vòng tay ôm,
là câu hỏi để trả lời câu hỏi.
Sự phân chia ra đất, ra trời
là lối nghĩ chẳng hề đúng đắn
về toàn thể này, vẹn nguyên thống nhất.
Nó chỉ cho phép tôi sống sót sinh tồn
dưới một địa chỉ rõ ràng hơn,
một địa chỉ nhanh dò, chóng thấy
nếu tôi bị kiếm tìm.
Dấu hiệu đặc thù tôi mang trên mình
là nỗi say mê và niềm thất vọng.
Thái Linh (Giới thiệu và dịch thơ).
Nguồn: Diendan.org
THƠ LÀ GÌ ?
Thơ có phải vần điệu không ?
Bởi vần điệu chính là âm nhạc
Nhưng âm nhạc mà không mang ý nghĩa
Âm nhạc để làm gì ?
Thơ không vần điệu vậy thơ chỉ là ngôn ngữ
Nhưng ngôn ngữ thường tình thì có gì hấp dẫn
Không phải thế vì đó là ngôn ngữ của tư duy hay đúng ra vốn chính là cảm xúc
Cảm xúc những gì trong cuộc đời và cảm xúc những gì nơi con người
Nhưng cảm xúc chỉ bình thường cũng đâu phải là thơ
Đó là những cảm xúc được chắt chiu ra ngay từ trí tuệ
Trí tuệ của con người mà cũng là trí tuệ của đất trời
Vâng đúng nghĩa của thơ là thế đó
Thơ cũng giống như một rừng hoa
Không có hoa nào giống một bông hoa đã có
Người bình thường thì nhìn không phân biệt
Nhưng nhà thơ giống như ong bướm chọn hoa
Nên hoa chính là ngôn ngữ của thơ hay cũng là ngược lại
Phải chăng là hình ảnh hay hương thơm hay mật ngọt
Phải chăng là màu sắc là dạng hình hay thật sự lại chính là ý nghĩa
Tất cả đều đúng như nhau vì thơ là ngôn ngữ không lời mặc dầu lời vẫn luôn là cái vỏ
Cái vỏ bề ngoài đó nhưng lại giống như vỏ ốc xà cừ
Hay giống như những đám mây trên bầu trời luôn luôn sinh động
Thế thì thơ là âm nhạc nhưng đôi khi còn vượt qua âm nhạc
Bởi vì thơ còn là hình ảnh là ý nghĩa của ngôn ngữ con người
Mỗi ngôn từ như một bông hoa
Mỗi ngôn từ như những hạt sương mai lóng lánh
Hay có khi như ráng trời chan hòa mờ ảo
Hay có khi chỉ là một rừng ngôn ngữ như một rừng bông hoa
Viết về những điều trên là để nói về Wislawa Szymborska
Bởi thơ bà như hoàn toàn kết tinh từ cảm xúc
Nhưng cảm xúc bởi tư duy và cả hai cùng quyện hòa thành một
Cảm xúc của con người nhưng sao giống như cảm xúc từ vũ trụ bao la
Nên bà quả là nhà thơ hoàn toàn xứng đáng
Giải Nobel danh giá hay giải Goethe tuyệt vời
Và còn những giải thưởng văn học khác trong cuộc đời
Bà quả là nhà thơ sáng giá khi 89 tuổi bay đi nhẹ nhàng với 350 bài thơ để lại
Nó sáng như ngôn ngữ hay như tinh thần của nước Ba Lan
Nên đã được dịch ra nhiều thứ tiếng
Trong đó có cả ngôn ngữ hay tiếng nói của Nguyễn Du và Nguyễn Trãi
Quả bà thật rất xứng danh, 89 tuổi bay đi nhẹ nhàng với 350 bài thơ để lại
Bà đã sống một quãng đời dài suốt trong chiến tranh
Mà ít có những bài thơ nào nói về cuộc chiến
Cuộc chiến quá vô lý và tàn ác với người Ba Lan
Nó đâu đáng sá gì để thơ bà nói tới
Bà là thi sĩ của tự do hay cũng giống một bà hoàng về ngôn ngữ
Tôi không đọc được thơ bà từ tiếng Ba Lan
Nhưng với tám hồn Việt Nam tôi rất cám ơn khi đọc thơ bà từ bản dịch
Ôi ngôn ngữ của nhà thơ hay của nhà triết học mà tự nhiên tôi quả thấy thật rung cảm ở trong lòng !
Ngàn Khơi Võ Hưng Thanh
(08/02/12)