Tản mạn – một chút… thu!
I.
Đà Lạt không có mùa Thu, chỉ có hai mùa mưa – nắng. Đà Lạt thành phố bốn mùa hoa, thành phố mùa xuân, xứ hoa Đào, xứ của ngàn thông… Với sự biến chuyển của cuộc đời, môi trường, khí hậu và xã hội, tác nhân là con người, Đà Lạt hôm nay một ngày như có bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông…
Thu Về như lại vang nhắc trong tâm tưởng tôi “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh!”(1) Tôi nhớ, nhớ “Thu Vàng”, “Thu Ca”, “Mùa Thu cho em”, “Mùa Thu Hà NộI”, “Buồn tàn Thu”, cả Tiếng Thu – “con Nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô..” (2)… và tôi biết có một mùa Thu Hà Nội! “Hướng về Hà NộI” (2) Hà Nội có lá vàng rơi, rơi đầy trên đường phố. Có mưa phùn, gió lạnh, ẩm ướt và nhiều sâu lắng trong tâm hồn Việt…
1. Mùa Thu Hà Nội năm ấy, một năm sau ngày tháng Tư 1975. “Con Nai vàng ngơ ngác” không đạp trên “lá vàng khô”. Hà Nội Thủ đô cả “rừng thu”, có “Tiếng Thu” nhưng “Nai” thì ở trong sở thú, chỉ có con nai vàng…là tôi ngơ ngác đi trên đường phố Hà Nội!…Hà Nội không như tôi đã hình dung qua những trang văn thơ học trong nhà trường; không như những ca khúc tôi đã nghe, không như xã hội miền Nam tôi đã sống và nhiều ước mơ về …Hà Nội!…
Hà Nội, những ngày lần đầu tiên tôi may mắn được đặt chân đến-nhiều háo hức, nhiều tình cảm, nhiều tâm trạng! Chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc vừa mới đi qua.Trước đó, tuổI thơ lớn lên trong chiến tranh, qua những bài học lịch sử tôi nghĩ không biết đến bao giờ mới được VỀ Hà Nội -Hà Nội Thăng Long, Đông Đô…!Tôi hận ai đã tạo ra dòng sông Bến Hải cắt chia, dòng sông dài có bao bước chân mà tạo ra cách ngăn dòng máu trong thân thể đẹp Mẹ Việt Nam hơn 20 năm! Hà Nội của những dấu tích lịch sử không phai mờ trong dòng lịch sử và mỗi con tim Việt Nam. Những tên đường, tên phố nghe sao mộc mạc,thân thương, gần gủi..Hà Nội 36 phố phường-Hàng Khay, hàng Bạc, Hàng Bông, Hàng Dầu, Hàng Gai, Hàng Nón;.. Hồ Hòan Kiếm, Đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Đài Nghiên; Gò Đống Đa, Chùa Một Cột, Văn Miếu, Hồ Tây, Đường Cổ Ngư, Chùa Trấn Quốc; Sông Hồng, sông Tô Lịch; Giảng Võ, Ô Cầu Giấy; Chợ Đồng Xuân… Tôi yêu lịch sử, dấu tích lịch sử, bề dày lịch sử Việt Nam.TộI yêu Hà Nội lịch sử. Hà Nội năm 1010 Lý Thái Tổ – Chiếu dời Đô….
Hà Nội- những gì bề mặt của Thủ đô khi ấy sao quá khác xa những thành phố miền Nam tôi đã đi qua như Sài Gòn, Nha Trang, Vũng Tàu nhất là Đà Lạt nơi tôi sống. Hà Nội sau chiến tranh. Hà Nội bị nhiều tàn phá. Có nhiều công trình mới xây nhưng sao có màu dáng rêu phong(!) Phố Khâm Thiên đã xây dựng lại. Làng hoa Ngọc Hà hoa lại đơm bông…Hà Nội còn nghèo nàn. Đường hẹp. Đường Khu Giảng Võ, Ô Cầu Giấy… vẫn còn nhiều nhà tranh, vách đất… Phong cách, nếp sống, sinh hoạt, nói năng…không như người miền Nam, không giống những người Hà Nội sống ở miền Nam! Tàu điện,.. cũng lạ, những âm thanh cứ leng keng, những toa được nối với nhau như xe lửa, đủng đỉnh chạy giữa đường phố. Người Hà Nội lúc đó, tôi cảm thấy cuộc sống có vẻ “bình dân”. Chổ ở chất chội, ăn mặc theo như nếp sống công nhân(!). Cửa hàng,cửa hiệu chỉ toàn Quốc doanh. Các cửa hàng ăn, uống chưa được vệ sinh, văn minh cho lắm. Ăn xong không có nước uống, muốn uống thì phảI mua riêng… không như ở trong Nam, chỉ có cửa hàng ăn Âu ở phố Trường Tiền, với tôi, là hợp “khẩu vị” nhưng vẫn nhếch nhác, khăn trải bàn trắng …vàng ố. Các cửa hàng không phải quốc doanh thì rất ít và quá nhỏ hẹp, hàng hóa nghèo nàn không như cửa hàng, cửa hiệu đầy ắp hàng hóa ở phố thị Miền Nam. Chè chén, thuốc Lào, kẹo Lạc trong những quán tranh ven đường hoặc những góc phố nhỏ, chật hẹp, khác trong Nam với những tịệm, hoặc những quán café cóc. Đường phố toàn những xe đạp, những xe mà ở Miền Nam giữa những năm 1960 đã treo “dàn bếp” nhưng lại có cả biển số. Những cô sinh viên hầu như chỉ mặc áo quần tây kaki…Tà áo dài dường như không thấy. Những cô gái cũng chẵng có phấn son. Tính cách sinh hoạt mạnh mẽ, tươi tắn chứ không dịu mềm như cô gái miền Nam, Sài gòn, Đà Lạt … Nói năng, thì tôi không thể ngờ. Rất lạ lùng. Những tiếng văng tục, chửi thề “dành riêng” cho nam giới lại nghe “văng” lên từ miệng của những cô gái…đẹp xinh (nếu như mà ở miền Nam chỉ có ở những “chị em ta”!). Tôi thấy cái gì cũng lạ. Tà áo dài của phụ nữ Hà Nội thời ấy hầu như không có trên đường phố. Tôi chỉ thấy một lần, ngày hội Mừng Đại hội Đảng lần thứ IV “thành công tốt đẹp”(!) tổ chức tại sân vận động Hàng Đẩy. Phụ nữ Hà Nội mặc áo dài đi “trẩy hội” có trang điểm chút phấn son… Cũng có ra dáng thướt tha, mềm mại, xinh tươi nhưng “mô đen” thì như thời phụ nữ Miền Nam những năm 1960 …
2. Những ngày nghỉ học chúng tôi cũng thường hay đi chơi…cho biết Hà Nội. Chúng tôi nghĩ – là “Thủ đô Xã hội chủ nghĩa” nên rất an ninh, không có những “tệ nạn” như móc túi, cướp bóc, đĩ điếm mà trước đó được nghe tuyên truyền như chỉ có ở Miền Nam trong âm mưu thủ đọan của “Đế quốc Mỹ và tay sai” cần phảI được “giảI phóng”! Ngày nghỉ hoặc có thời gian nghỉ là chúng tôi cứ đi chơi thoải mái, ban đêm cũng không sợ. Có những anh bạn học cùng khóa ngày đầu khi mới bước chân đến Hà Nội, trên đường từ Ga Hàng Cỏ đi xe điện về trường gần Ô Cấu Giấy đã bị… móc sạch túi. Có những đêm đi chơi công viên Thống Nhất thấy nhiều cảnh trai gái thoải mái… yêu đương(!). Quần áo giặt, phơi phóng trong khuôn viên nhà trường…lại cứ “không cánh mà bay”. Nhiều lần như vậy, anh bạn tôi, tù chính trị Côn Đảo, tức quá, đứng trước sân trường mà chửi – “xã hội chủ nghĩa mà … toàn ăn cắp”(!)…Bạn bè chúng tôi thấy, vừa buồn cười, vừa lo, vừa sợ… Chúng tôi nghĩ, những hiện tượng ấy có lẽ không phải là… “phổ biến ” (chứ không quá trời, quá đất, quá “phổ biến” như bây giờ!) nhưng chúng tôi sau khi nghe Báo cáo về tình hình thanh thiếu niên chậm tiến Hà Nội thì chẵng đứa nào dám đi chơi đêm nữa!
Tôi như “con Nai vàng ngơ ngác” đi trong thủ đô Hà Nội – XHCN vừa mới thoát ra khỏi chiến tranh nên…cũng buồn cho Thủ Đô nhưng tự động viên, an ủi mình, cũng phải thông cảm thôi – vì chiến tranh, sau chiến tranh mà (!)…Những năm sau này có nhiều lần tôi lại được đi Hà Nội, sống ở Hà Nội thời gian dài hơn lúc đầu, qua được bốn mùa của Hà Nội. Lúc nóng thì nóng khiếp; mùa lạnh thì lạnh ghê người. Sợ nhất là gió mùa Đông Bắc tràn về. Đúng là rét chứ không phải lạnh như Đà Lạt. Rét buốt cả xương. Dân Miền Nam chúng tôi lần đầu đến Hà Nội không quen cái rét buốt ấy, lên lớp ngồi học tất cả đều trùm mền, đầu cứ “mũ nỉ” che kín tai…
3. Hà Nội thay đổi nhiều từ sau thời kỳ đổi mới. Mỗi lần đến Hà Nội tôi thấy Hà NộI mỗi khác. Ba năm trước tôi lại về Hà Nội tình cờ gặp lại người bạn học hơn 24 năm trước trong khóa học lớp dự bị Đại học Công đoàn Liên Xô. Người bạn ấy cùng cả khóa đều đi học chỉ riêng tôi không “bị chặn lại ở sân bay”(3) như anh bạn tôi mới đây mà bị “chặn lại “ở tại gia khi Hè về lại nhà để chuẩn bị đi học, dù tất cả hồ sơ, passport đều đã xong chỉ bởi một Quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy với lý do: “ không phải là đối tượng đào tạo lâu dài”… (!) Có lẽ “đảng ta “có “tầm nhìn” xa nên cả đời tôi cho đến nay khi đã nghĩ hưu vẫn không là đảng viên CS. Đã quá lâu ngày mới gặp lại nhau nên sau khi có đôi chút men rượu, người bạn chở tôi đi thăm Hà Nội…ban đêm. Giới thiệu những cái mới, cái cũ, cái dỡ, cái bên trong của những vẻ ngoài hào nhoáng… Trước đây mỗi lần đến Hà Nội tôi chỉ loanh quanh Hồ Gươm. Phố trung tâm quanh Hồ có thay đổi nhưng vẫn còn những nét Hà Nội 36 phố phường. Chúng tôi đi qua cũng khá nhiều đường phố. Tôi không còn nhận ra những đường phố Hà Nội trước đây tôi đã đi bộ lang thang, mỏi giò trong khí trời nóng nực…để “biết” Hà Nội. Hà Nội bây giờ quá nhiều đổi thay. Con người cũng thay đổi. Mới đây lại mở rộng thêm nữa, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Làng cổ Đường Lâm không biết sẽ có còn! Tôi mong Hà Nội vẫn còn là Hà Nội và còn không chỉ một Hồ Gươm!
II.
1.Hôm nay cả nước đang tháng Tám mùa Thu! Từ sau ngày tháng Tám 1945, nói đến Mùa Thu nguời ta hay liên tưởng – “một mùa Thu năm qua cách mạng tiến ra Nước Việt bừng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng” (2) “Mùa Thu chết”, ca khúc của nhạc sỹ Phạm Duy – “ Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi… “, dù chỉ là phổ thơ Adieu của Guillaume Apollinaire nhưng lúc đó ở miền Nam cũng đã có nhiều người phản ứng, phê phán -Sao lại “mùa Thu chết”?! Mùa Thu không thể chết (!!)…- Mùa Thu không thể chết thì… “Phạm Duy đã chết như thế nào”? ( 4)
Lịch sử đã ghi lại (theo http://vi.wikipedia.org/wiki/).Nạn đói năm Ất Dậu Mùa Thu tháng Tám. Sau khoảng thời gian từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 làm khoảng 400.000 đến 2 triệu người dân chết đói. Việt Minh đã cướp chính quyền từ chính phủ Trần trọng Kim trong cuộc mít tinh của Tổng hội công chức chính quyền Trần Trọng Kim tại quảng trường Nhà hát Lớn thành phố để ủng hộ chính phủ thu hồi chủ quyền. Việt Minh với một quyết tâm “thành công “ cao độ như một cán bộ Việt Minh lúc ấy đã nói: ”Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù người trong nước mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia.” (Trích lại – hồi ký “Một cơn gió bụi” của Trần Trọng Kim). Trong sách lịch sử đảng CS trước đây vẫn hay dùng cụm từ” cướp chính quyền”; trong nhân dân vẫn hay nói “Việt minh cướp chính quyền” nhưng sau này “đảng ta” đã sửa lại là “giành chính quyền”, chứ không phải là “cướp” nữa!
Hà Nội có Mùa Thu Lá vàng Thu đã rụng đầy dày theo thời gian, lá có mục không với thời gian, có thắm mãi không với thời gian!?
“Mùa thu đã tới này em ơi em có đợi!
Mùa Thu đã tơi và em ơi em có vui!?
Này em yêu ơi đừng vôi
Hãy ép chiếc lá vàng rơi
Hãy yêu và nhớ
Tình thu không như lá vàng…!” (5)
“Tình Thu không như là vàng” nên em yêu ơi đừng vội… Mùa Thu vẫn còn đó. Cứ “hãy ép chiếc là vàng rơi” của mỗi mùa Thu. Hãy sống, yêu đất nước Việt Nam nhiều đau khổ này. Lịch sử vẫn còn đó!
2.Lại thêm một Mùa Thu! Ta hãy đọc lại lời của “Tuyên ngôn độc lập”:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”
Và, một đất nước:
“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man (…)
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất,hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.”
(Trích- Tuyên ngôn độc lập 1945)
Cách mạng Mùa Thu tháng Tám thành công quyết định bởi sức dân. Mất nước. Đói. Không có dân chủ, độc lập, tự do.
Tình thế đã chín muồi. Nhân dân đã vùng lên gìành độc lập, tự do, xóa bỏ cuộc đời nô lệ, giành quyền làm chủ đất nước như đám cỏ khô đang cần một mồi lửa. Dân chủ, Độc lập, Tự do như khí trời. Cả một dân tộc vở òa hít thở khí trời tự do, mơ ước một chế độ dân chủ tự do như khí trời cần cho sự sống…
“Tình thế” lời “tuyên ngôn” xưa nay như vẫn còn nóng hổi…
- Đất nước ta hôm nay đang báo động về đại nạn môi trường, khí hậu! Đất nước đang mất dần từng bộ phận thân thể và đang trước nguy cơ đại họa mất nước! Nhân dân đang trong một “tình thế” cần “khí trời” để giữ cho sự sống của từng tế bào và cơ thể sống của đất nước….
- Hà Nội lại vào Thu!
1) “Tôi đi học” -Thanh Tinh
2) Thu Vàng – Cung Tíên, Thu Ca -Phạm Mạnh Cương, Mùa Thu cho em -Ngô Thụy Miên, Mùa Thu Hà Nội -Trịnh công Sơn. Buồn tàn Thu – Văn Cao. Tiếng Thu – Thơ Lưu Trọng Lư, nhạc Phạm Duy – “Hướng về Hà NộI” -Hoàng Dương; Nhạc tuổi xanh – Phạm Duy….
3) “Chặn lạI ở sân bay” Mai Thái Lĩnh ( Bauxitevietnam.info)
4) “Phạm Duy đã chết như thế nào – Tiểu luận của Nguyễn Trọng Văn
5) “Khúc Tình Thu” – ca khúc NQN)