Chống người thi hành công vụ- Hiện tượng phản kháng xã hội
Có thể nói “chống người thi hành công vụ” là một tình tiết đặc biệt nhất trong bộ luật hình sư của Việt Nam. Tình tiết này có thể cấu thành một tội danh độc lập (tội chống người thi hành công vụ- điều 257), có thể là một tình tiết tăng nặng định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng hình phạt (khi bị án không bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ). Mặc dù có tính đặc biệt như vậy nhưng cho tới nay chưa có bất kỳ một văn bản chính thức nào giải thích khái niệm “công vụ là gì”. Gần đây, một số phóng viên, nhà báo bị tấn công, người ta có đặt vấn đề: công vụ là gì, nhà báo đang tác nghiệp có xem là đang thi hành công vụ hay không, người đang thi thi hành công vụ là những người nào v.v.v.
Công vụ là khái niệm rất rộng và có ý nghĩa quan trọng trong nền hành chính của Nhà nước. Nói đến công vụ là nói đến các họat động của Nhà nước mang tính quyền lực với nhiều yếu tố hợp thành như cơ chế công vụ, đội ngũ cán bộ công chức, các cơ quan Nhà nước v.v.v. Hiện nay trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về công vụ. Một số học giả Hoa Kỳ quan niệm “công vụ là một khái niệm mô tả về các nhân viên viên do chính phủ tuyển dụng, các công chức được tuyển dụng trên cơ sở thực tài, được đánh giá định kỳ về kết quả thực thi công tác của mình..”. Cộng hòa Pháp quan niệm khi nói về công vụ là chủ yếu nói về “tòan bộ những người được Nhà nuớc tuyển dụng và bổ nhiệm vào các công sở, kể cả bệnh viện, và được chính thức vào một trong các ngạch của nền hành chánh công.”
Nghiên cứu một số quan niệm trên, thấy rằng trong một thời gian dài, Việt nam vẫn quan niệm công vụ là những họat động của công chức mang tính quyền lực Nhà nuớc. Đơn thuần là mệnh lệnh và phục tùng. Quan điểm này vẫn kéo dài cho đến ngày nay và in sâu trong nhận thức của đại đa số công chức Việt nam, mặc dù Nhà nước vẫn hô hào đẩy mạnh dịch vụ hành chính công, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức có thực tài và đạo đức để phục vụ nhân dân.
Với quan niệm công vụ là quyền lực, đội ngũ công chức Việt nam tỏ ra hách dịch và cưỡng quyền khi thi hành công vụ, tiếp xúc và làm việc với dân chúng thì quan liêu, hạch sách. Cách hành xử như vậy trong một thời gian dài đã gây ra sự phẫn nộ và bức xúc trong dân chúng. Trạng thái ức chế này đến ngưỡng đã gây ra tình trạng phản kháng của xã hội mà biểu hiện của nó là hàng lọat vụ chống người thi hành công vụ đã xảy ra. Hiện tượng này còn có một nguyên nhân nữa là do hệ thống pháp luật thiếu minh bạch và công bằng. Công lý không đến được với công chúng dẫn đến tình trạng xem thường những người thực thi công vụ.
Chống người thi hành công vụ đã trở nên quá phổ biến, theo bộ Công an hàng năm trên cả nước có hơn 600 vụ chống người thi hành công vụ, xảy ra ở hầu hết tất cả các tỉnh thành. Tình trạng báo động trên đã buộc bộ Công an phải chủ trì nhiều cuộc họp với địa phương để tìm ra giải pháp hạn chế. Mặc dù vậy thì tình trạng này vẫn không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
Điểm lại một số vụ chống người thi hành công vụ nổi bật như vụ ở An khê- gia lai, vụ Giáo dân Cồn dầu và nhiều vụ khác đều thấy rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cách hành xử “lộng quyền” của những người thi hành công vụ. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do người dân “ý thức kém và coi thường pháp luật”. Ngay cả nguyên nhân này cũng buộc Nhà nuớc phải “ suy nghĩ” : tại sao dân mình lại xem thường pháp luật.
Người thi hành công vụ phải hiểu rằng mình đang thực thi nghĩa vụ công bộc mà nhân dân giao cho. Chừng nào vẫn còn tệ “quan liêu, hách dịch và cưỡng quyền” thì chừng đó vẫn còn người dân chống đối và sự phản kháng của xã hội càng lúc càng mạnh hơn.
Nguồn: Blog Letranluat
Chống người thi hành công vụ – thực chất là sự bộc lộ lòng bất mãn của người dân. Vấn đề là chưa có sự tập hợp lại, chưa có người đứng đầu để họ vùng lên.
” Vùng lên đi các nô lệ VN. Vùng lên đi những ai cơ khổ bần hàn ” – Quốc tế ca vẫn áp dụng được cho hiện tình VN.