Cách Mạng Dân Chủ: thành công và thất bại [1]
Rất nhiều các cuộc cách mạng đã xảy ra kể từ sau Chiến Tranh Lạnh với những kết quả rất trái ngược: nền dân chủ của Nam Hàn và Đài Loan trở nên vững chắc; tại Miến Điện, Tunesia, Brazil, Argentina, Ukraine còn bấp bênh; Ai Cập thất bại trong khi Syrie và Lybia thành hai tấm thảm kịch nhân loại. Mỗi quốc gia đều có hoàn cảnh chính trị và lịch sử khác nhau nhưng thiết tưởng chúng ta cũng cần rút tỉa các bài học chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi tại Việt Nam trong tương lai.
Hai nhà nghiên cứu Juan J. Linz và Alfred Stepan [1] đưa ra nhận xét rằng dân chủ là một mô hình nhà nước cho nên chỉ tồn tại trong một quốc gia. Ý tưởng tuy đơn giản nhưng mang áp dụng vào trường hợp hiện thời của Syrie khi hai cánh Hồi Giáo Sunni, Shiite và sắc dân Kurd đều muốn vẽ lại làn ranh giới khu vực thì không thể nào xây dựng thành công một nhà nước dân chủ.
Một khi đã có sự thống nhất về quốc gia thì vấn đề kế tiếp là dùng tiêu chuẩn nào để kết luận một cuộc cách mạng dân chủ thành công hay thất bại? Hai tác giả đưa ra câu trả lời rằng tiến trình dân chủ được xem như thành công một khi mọi thành phần trong xả hội đều đồng thuận với quan điểm dùng nghị trường dân chủ làm phương thức duy nhất để giải quyết mâu thuẫn.
Trong môi trường đó nhà nước không còn sợ bị lật đổ bằng bạo lực. Đại đa số quần chúng chấp nhận rằng mọi thay đổi dù nghiêm trọng thế nào đều phải được giải quyết thông qua tranh luận và lá phiếu. Xã hội xây dựng được nề nếp và cơ chế để giải quyết tranh chấp trên nền tảng hiến pháp và luật pháp. Nói một cách khác, ý thức dân chủ trở nên bình thường như hơi thở của người dân và trong giới cầm quyền.
Linz-Stepan đưa ra năm điều kiện cần thiết và hổ tương để nền dân chủ được hình thành và củng cố:
1. Môi trường thuận tiện cho sự phát triển của xã hội dân sự
2. Môi trường lành mạnh cho các sinh hoạt chính trị
3. Luật pháp được tôn trọng
4. Nền hành chánh hiệu quả
5. Kinh tế phát triển
Xã hội dân sự là tiếng nói quần chúng nhằm thay đổi chính sách và nhà nước. Các hội đoàn dân sự thể hiện nguyện vọng, huy động và tổ chức đám đông nên không thể thiếu vắng trong tiến trình dân chủ. Những nhà cầm quyền độc tài đều muốn kiểm soát, đàn áp hay giết chết xã hội dân sự (như phong trào sinh viên ở Hồng Kông 2014 và Thiên An Môn 1998), nhưng cũng có lúc sẽ chùn tay (như tại Ba Lan Công Đoàn Đoàn Kết 1988, hay Ai Cập năm 2011) một khi phong trào dân sự được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo quần chúng kể cả đa số thầm lặng vốn gồm những người không thuộc một hội đoàn nào.
Sinh hoạt chính trị trở nên lành mạnh khi có sự tham dự của nhiều đảng phái; quyền ứng cử và vận động tranh cử được tôn trọng; liên minh giữa các đảng phái được thành hình trong và ngoài nghị trường; quyền bày tỏ chính kiến, quyền biểu tình được bảo đảm. Mục tiêu nhằm tạo ra điều kiện để dân chúng bầu chọn và giám sát nhà nước. Cần lưu ý rằng trong chế độ độc tài xã hội dân sự nắm vai trò chống đối nhà cầm quyền, nhưng qua tiến trình dân chủ thì xã hội dân sự phải góp phần xây dựng nhà nước bằng cách trao và tạo tính chính đáng cho những đảng phái chính trị. Xã hội dân sự phải thoát ra khỏi quan niệm tuyệt đối xem thỏa hiệp là xấu như trong thời kỳ đấu tranh để tập quen dần với tương nhượng giữa các khối lợi ích và những khuynh hướng chính trị vì đây chính là nền tảng của dân chủ.
Để củng cố nền dân chủ, phát huy xã hội dân sự và những sinh hoạt chính trị lành mạnh thì luật pháp phải được tôn trọng. Nền Pháp Trị không dựa vào đám đông mà đặt trên nền tảng Hiến Định, cho nên chỉ sửa đổi Hiến Pháp trong các hoàn cảnh hết sức đặc biệt và thông qua đa số tuyệt đối. Pháp luật còn phải được hổ trợ bởi ngành Tư pháp độc lập, các pháp lệ (legal norms) và ý thức trong quần chúng.
Thể chế dân chủ một khi đã thành hình và muốn ổn định phải xây đựng được bộ máy công quyền và an ninh hiệu quả. Vấn đề này đặt biệt nghiêm trọng tại các nước cộng sản khi nền hành chánh, công an và quân đội đều trở thành công cụ của đảng Cộng sản nên lúc xảy ra cuộc cách mạng thì bị chống đối, giải tán hay tự rã. Mọi chính quyền dù độc tài hay dân chủ vẫn cần đến guồng máy hành chánh để thu thuế và phân phối các lợi tức đến từ thuế khoá như y tế, giáo dục, hưu trí cho dân chúng. Nhà nước dân chủ phải điều hành được giới công chức và an ninh một cách hiệu quả thì mới thực thi được các lời hứa hẹn và không mất dần hậu thuẫn trong quần chúng.
Điều kiện sau cùng cho nền dân chủ được củng cố là kinh tế phải tăng trưởng. Dân chúng có thể chấp nhận tình trạng đời sống khó khăn sau cách mạng nhưng họ phải tin rằng ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay. Quyền sở hữu đất đai và hợp đồng thương mại phải được tôn trọng; nhà nước phải ngăn chận được các khối lợi ích độc quyền đầu cơ kinh tế và đầu cơ chính trị. Bởi vì kinh tế khủng hoảng hay trì trệ kéo dài sẽ xoi mòn tính chính đáng của nhà nước, đánh mất niềm tin trong dân chúng khiến tiến trình cải cách chính trị và kinh tế chậm lại.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
——————————————-
Ghi chú:
[1] Problems of Democratic Transition and Consolidation: Southern Europe, South America, and Post-Communist Europe, Aug 8, 1996 by Juan J. Linz and Alfred Stepan
Trích: “1. Môi trường thuận tiện cho sự phát triển của xã hội dân sự – 2. Môi trường lành mạnh cho các sinh hoạt chính trị”
Cái gọi là môi trường lành mạnh đó phát xuất từ văn hóa, nghĩa là thái độ của con người. Khi người dân nước đó có ý nghĩ rằng chỉ có một chân lý duy nhất, ai có ý kiến khác đều là kẻ trái, là kẻ xấu phải bị tiêu diệt thì sẽ không có “môi trường lành mạnh” đó.
Tại các nước nặng về văn hóa Hồi Giáo ngày nay cho thấy nền dân chủ bị thất bại. Người Hồi Giáo có ý nghĩ rằng kẻ nào không theo Hồi Giáo thì kẻ đó không đáng được xem như là con người, phải bị giết. Với lối suy nghĩ như vậy thì họ sẽ có khuynh hướng nghĩ rằng kẻ nào khác với ý nghĩ của ta kẻ đó là sai trái. Như vậy sẽ không có xã hội dân sự hay các tổ chức chính trị khác với tư tưởng của nhà cầm quyền hay người lãnh đạo tôn giáo.
Tại Iran, tuy gọi là có bầu cử nhưng người lãnh đạo Hồi Giáo tối cao là Ayatollah Ali Khamenei nói rằng ông Mahmoud Ahmadinejad không nên ra ứng cử tổng thống nữa vì nếu ông ta làm tổng thống thì nước Iran sẽ bị chia rẽ thì ông Mahmoud Ahmadinejad phải nghe. Tại Iraq, khi phe Si-ai lên cầm quyền thì họ đàn áp phe đối lập là phe Suni. Ở Ai Cập, phe Huynh Đệ Hồi Giáo lên cầm quyền thì họ sửa hiến pháp để siết chặt quyền tự do. Việc này khiến cho những người dân Ai Cập chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương biểu tình phản đối rồi quân đội làm đảo chánh, lật chính quyền Huynh Đệ Hồi Giáo. Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ nhóm quân nhân cầm quyền để cho có dân chủ nên nhóm mang tư tưởng Hồi Giáo nặng lên cầm quyền được. Ngày nay họ cũng quay ra tiêu diệt đối lập và tiêu diệt phe quân nhân.
Tại Nga, dân chủ thất bại vì người dân Nga cũng vẫn còn mang ý nghĩ ai nghĩ trái với chính quyền thì đó là kẻ xấu. Số người có tinh thần dân chủ tại Nga quá ít nên họ không tạo ra ảnh hưởng nhiều.
Tại các nước Tây Phương, thời xưa họ cũng có tinh thần cai trị hà khắc, cấm dân phát biểu ngược với giáo hội và triều đình. Nhưng các nước này đã trải qua thời kỳ Lý Tính, có những nhà trí thức dám lên tiếng nói khác với giáo hội và triều đình, đồng thời với tình trạng xã hội không có khắt khe nên dần dần ở các nước Tây Phương mới có thái độ bớt khe khắt với những người khác tư tưởng.
Ở Nhật và Nam Hàn, nền dân chủ sở sĩ tồn tại được vì có những người cầm quyền muốn đất nước đi theo mô hình của các nước Tây Phương mặc dù văn hóa Nho giáo tại các nước này cũng không cho dân được tự do.
Cá nhân tôi thấy các vị lý luận dài dòng với các thuật ngữ khó hiểu quá.
Xin đơn giản qua khẩu hiệu của cụ Phan Tây Hồ cho dễ nắm bắt:
trước là DÂN TRÍ, rồi DÂN KHÍ, sau cùng DÂN SINH !
Ngu dốt suốt đời làm nô lệ
Khôn nhưng hèn kém cũng rứa.
Khôn ko hèn mà nghèo thì “khó bó khôn”.
Dùng cách mạng thông tin để phá vỡ mọi bức tường sắt, tre, lửa …
Dùng phương tiện giao thông tân tiến để mở rộng cửa ra bên ngoài
Có thế mới nâng dân trí lên cao, và qua đó khích động khí phách quần chúng.
Được vậy mới có thể phát động những cao trào đòi cải thiện dân sinh và dân chủ!
CÁCH MẠNG VÀ DÂN CHỦ
Cách mạng luôn là sự đòi hỏi đổi thay thiết yếu của xã hội. Nhưng dân chủ luôn là giá trị cần thiết và cao nhất của xã hội. Như vậy mọi cuộc cách mạng đúng đắn đều là cuộc cách mạng đi đến dân chủ mà không thể nào ngược lại. Tuy nhiên cũng không thể bảo đảm được mọi sự hữu lý hay mọi sự thiết yếu trên cuộc đời này, thế nên trong lịch sử các nước cũng như trong sự tiến hóa chung của nhân loại, không phải kết quả mọi cuộc cách mạng nào đó đều tốt hay không bị lợi dụng, lạm dụng và đi tới những kết quả hoàn toàn ngược lại. Cuộc cách mạng quốc xã của Hitler, cuộc cách mạng phát xít của Moussolini, cuộc cách mạng bôn sê vích của Khmer đỏ chẳng hạn đều cho thấy điều đó trong vô số những diễn biên khác nhau trên thế giới từ xưa mãi tới nay.
Thế thì cái gì bảo đảm được cho cách mạng và dân chủ luôn luôn đúng đắn và thiết yếu ? Đó chính là yếu tố quan điểm và yếu tố con người. Có nghĩa muốn có dân chủ đúng đắn và cách mạng đúng đắn trước tiên cần yếu tố quan điểm và yếu tố lý thuyết hay học thuyết cách mạng. Quần chúng thì luôn đầy cảm tính, có những cá nhân không có quan điểm đúng đắn đều có thể trà trộn vào cách mạng để lợi dụng, như vậy cách mạng tự nó không mang ý nghĩa gì cả nếu kết quả cuối cùng nó không mang lại được cái gì tốt đẹp hơn cái cũ cho đất nước hoặc xã hội. Nhưng cuộc cách mạng quy mô lớn nào lại không cần đến một nền tảng lý thuyết thật sự khách quan, đầy đủ và khoa hoc. Có nghĩa nếu không có ý nghĩa hay giá trị một lý thuyết như vậy làm nền tảng, cuối cùng cách mạng cũng chỉ rơi vào độc tài và phản tác dụng hơn là tự do dân chủ và hữu dụng. Học thuyết Mác trong quá khứ và ngày nay là học thuyết chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan do nhóm nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ngày nay đều là những hiện tượng xã hội như thế.
Cho nên ý nghĩa cách mạng và dân chủ trong thực tế có khi vừa thống nhất nhưng cũng vừa mâu thuẫn. Thống nhất là cách mạng cốt nhằm đạt tới dân chủ, nhưng mẫu thuẫn vì cách mạng lại vẫn dễ rơi vào chỗ độc tài còn tệ ca hơn trước. Cuộc cách mạng bôn sê vích ở Nga năm 1917 cuối cùng dẫn đến chế độ độc tài khắc nghiệt toàn diện dưới thời Stalin, hay cuộc cách mạng cộng sản ở Trung Quốc 1949 cuối cùng dẫn tới chế độ độc đoán Mao Trạch Đông cùng hệ lụy của nó là cái được gọi là cách mạng văn hóa đã tàn phá đất nước Trung Hoa về mọi phương diện trong một thời gian khá dài đều chính là những hiện tượng lịch sử xã hội kiểu như thế.
Vậy thì kết luận lại, yếu tố con người và yếu tố lý thuyết luôn chính là hai yếu tố quyết định sự thành công hay sự thất bại của cách mạng. Tính cách sai lầm khi hiểu biết về con người, về giai cấp, đồng thời cũng là lý thuyết sai lầm về mặt khoa học, mặt xã hội và mặt lịch sử đã khiến cuộc cách mạng vô sản mác xít ngày nay đã thật sự hoàn toàn thất bại là như thế. Cũng như trường hợp cuộc cách mạng công xã Paris đã tự phá hoại chính nó trước đó cũng không ngoài các ý nghĩa như vậy. Thế thì khái niệm cách mạng tự nó không phải là khái niệm độc lập kiểu vô điều kiện mà nhất thiết phải gắn với yếu tố con người và yếu tố lý thuyết để quyết định được sự thành công hay thất bại chính là như vậy.
Yếu tố con người tức thành phần lãnh đạo quần chúng phải bảo đảm được tính nhân văn, tính sáng suốt, tính đạo đức của nó. Còn ý nghĩa lý thuyết phải là ý nghĩa học thuyết khoa học và học thuyết tự do dân chủ thực sự. Cuộc cách mạng vô sản mác xít do Mác đưa ra và Lênin thực hiện gần suốt 70 năm cuối cùng Liên Xô và khối Đông Âu cũ phải sụp đổ và tan rã vì do đó là học thuyết không khoa học đúng nghĩa đồng thời thành phần giai cấp được đổi phồng và thành thánh hóa cách phi thực tế cũng như chỉ nhằm thực hiện cơ chế chuyên chính độc tài giả tạo và phản xã hội trong thực chất đó chính là mầm mống thất bại ngay từ đầu của nó.
Từ đó cũng xác định cuộc cách mạng thật sự của Việt Nam ngày nay sẽ có thể thành công không là dựa vào các yếu tố sau : thứ nhất sự cần thiết của nó có đúng như vậy không, thứ hai lực lượng lãnh đạo nó có tập hợp được mọi thành phần ưu tú không, thứ ba ý nghĩa sau cùng của nó có thực hiện được tự do dân chủ đúng nghĩa và thực hành phát triển xã hội được hiệu quả không. Cả ba yếu tố đó trước tiên không ngoài sự nhận thức và tính hành động khoa học. Sự nhận thức là sự nhận thức về thực trạng xã hội một cách đúng đắn, và mọi thành phần xã hội đều có được điều đó. Tính hành động là tính khoa học trong tổ chức, tính đạo đức trong xử trí, và tính thực tiển trong đời sống. Nếu hoặc khi có đủ được cả ba yếu tố đó thì cách mạng hữu ích cho đất nước mới có thể thành công còn nếu không cũng chỉ là sự hoang tưởng hoặc sự bế tắt không lối ra trong thực tế. Đặc biệt khi mọi người Việt Nam đều chưa nhận thấy ra các tính cách phi lý trong đời sống thực tế của xã hội cũng như chưa nhận thấy ra mọi tính phi lý của cuộc cách mạng giả tạo gọi là cuộc cách mạng ý hệ mác xít trước kia thì đất nước và xã hội vẫn cứ mãi dậm chân tại chỗ mà chẳng có hướng đi lên hoặc thoát ra nào cả.
NGÀN KHƠI
(22/9/16)