3 ngày trước bầu cử: Ghế thẩm phán tối cao còn bỏ trống
“Nếu phải chọn người đang sống trong trạng thái phập phồng ở ngay thủ đô, tôi chọn ông Thẩm Phán Merrick Garland”, một người trong nhóm nhà báo Việt Nam đang làm việc tại D.C. ngồi ăn trưa chung với nhau hôm thứ Sáu vừa rồi cất tiếng nói.
“Ông Garland được Tổng Thống Barack Obama chọn làm thẩm phán tối cao pháp viện, được mọi người ủng hộ, nhưng Thượng Viện nhất định không bỏ phiếu chấp thuận chỉ vì đấu đá chính trị. Vài ngày nữa nước Mỹ sẽ có tổng thống mới, nếu ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa đắc cử, số phận ông Garland coi như xong, chắc chắn ông Trump sẽ chọn người khác”. Nếu bà Hillary Clinton đắc cử thì sao? “Chưa biết như thế nào, chắc chỉ 50/50 thôi”.
Câu nói đó cho thấy không chỉ ông Thẩm Phán Garland mà ngay chính bà Clinton cũng ở trong thế khó xử.
Giữa tháng Ba 2016, Tổng Thống Obama chọn ông Garland làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, thế chỗ cho Thẩm Phán Antonin Scalia từ trần vài tuần trước đó. Mặc dù ông Chủ Tịch Khối Đa Số Thượng Viện Mitch McConnell nhất định không đưa đề nghị này ra thảo luận và bỏ phiếu -lấy lý do năm nay là năm bầu cử, do đó ghế trống của Tòa Tối Cao “phải được quyết định bởi tân tổng thống”- nhưng đa số thượng nghị sĩ Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều lên tiếng hoan nghênh, đồng ý ông Garland, 63 tuổi, là người xứng đáng vì không quá cấp tiến cũng chẳng quá bảo thủ. Chỉ một người đến giờ vẫn chưa lên tiếng ủng hộ, cũng chẳng tỏ ý chống đối là bà Clinton.
Tháng Năm vừa rồi trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn AP, bà Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ cho hay nếu đắc cử tổng thống, bà sẽ “duyệt xét lại mọi chuyện xem như thế nào trước khi có quyết định” về người bà đề cử cho vai trò thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Tháng trước trong buổi tranh luận cuối cùng với đối thủ Cộng Hòa Donald Trump, bà cũng đưa ra lời phát biểu tương tự, vẫn chẳng nói gì đến ông Garland, nhưng nhắc lại “trách nhiệm của Quốc Hội là phải bỏ phiếu quyết định chọn hay không chọn người được Tổng Thống đề cử”.
Theo nhận định của các nhà quan sát, điểm bà nói tới “không có nghĩa bà Clinton muốn Thượng Viện nhanh chóng chuẩn thuận đề cử của Tổng Thống Barack Obama, mà chỉ muốn cho các nhà lãnh đạo Quốc Hội biết trước là bà không muốn thấy đảng Cộng Hòa tiếp tục gây khó khăn chính trị cho một vị tổng thống Dân Chủ”. Ngay chính ông David Axelrod -cựu cố vấn chính trị của Tổng Thống Obama-, cũng nhận xét “có lẽ bà Clinton sẽ đề cử người khác, chưa chắc chọn ông Garland”.
Không biết ý muốn của bà Clinton như thế nào, nhưng giới thạo tin tại Washington D.C. cho hay các tổ chức cấp tiến và phần đông đa số những người ủng hộ tiền giúp bà Clinton tranh cử “muốn bà đề cử một vị thẩm phán trẻ tuổi hơn, có tư tưởng cấp tiến hơn” ông Thẩm phán Garland. Ông Robert Borosage, Giám Đốc Điều Hành tổ chức hỗ trợ quan điểm cấp tiến tên “Campaign for American Future” (Vận Động Cho Tương Lai Của Hoa Kỳ) tin rằng người được bà Clinton chọn “sẽ trẻ tuổi hơn và có tư tưởng cấp tiến hơn”. Chỉ riêng chuyện tuổi tác không thôi, ông Borosage nói tiếp, “bà Clinton muốn để lại dấu ấn lịch sử, người được bà để cử vào Tối Cao Pháp Viện sẽ làm việc mấy chục năm trời, bỏ phiếu quyết định nhiều án lệ quan trọng, có thể xoay đổi cục diện của quốc gia”.
Tin hành lang Quốc Hội Liên Bang cho hay một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã nghĩ đến chuyện yêu cầu bà Clinton tái đề cử ông Garland, nhưng “theo tôi hiểu, cánh cấp tiến Dân Chủ lại muốn bà Clinton đề cử một phụ nữ da mầu hoặc một người gốc Châu Á vào Tối Cao Pháp Viện”, nhà báo Nicky Ferguson chuyên viết tin tư pháp kể lại với đồng nghiệp. “Tôi nghe ít nhất 2 người thân với bà Clinton nói chuyện này, họ bảo bà (Clinton) sẽ được ngợi khen là người đầu tiên làm điều đó, lại đẩy Thượng Viện Cộng Hòa tới chỗ khó từ chối vì sợ bị lên án là kỳ thị sắc tộc”. Nhà báo Ferguson cũng nhắc lại “nhiều thượng nghị sĩ Cộng Hòa nói sẽ không bao giờ bỏ phiếu chấp thuận bất cứ ai bà Clinton đề cử vào tối cao pháp viện, nhưng họ sẽ phải gật đầu ủng hộ một nữ thẩm phán da màu hay một thẩm phán gốc Châu Á”. Nếu Thượng Viện Cộng Hòa chống đối, “khối cử tri sắc tộc sẽ kết hợp làm một, tẩy chay đảng Cộng Hòa ở cuộc bầu cử giữa kỳ 2018”.
Theo nhà phân tích Dick Decatur, nếu bà Clinton đắc cử “tôi tin Thượng Viện Cộng Hòa sẽ nhanh chóng bỏ phiếu để ông Garland làm thẩm phán tối cao pháp viện, vì họ sợ bà Clinton sẽ chọn một người cấp tiến hơn ông Garland”. Nhưng ông Decatur cũng nghĩ rằng “nếu Thượng Viện tiếp tục chần chừ, sau khi tuyên thệ nhậm chức bà Clinton sẽ tái đề cử ông thẩm phán Garland”. Tại sao? “Rất dễ hiểu”, ông Decatur trả lời. “Bà Clinton nợ gia đình Obama một món nợ rất lớn. Cả Tổng Thống lẫn Đệ Nhất Phu Nhân Michelle cùng nhau xuất hiện khắp nơi để vận động cho bà Clinton, nếu đắc cử, cách trả nợ tuyệt diệu nhất bà Clinton có thể làm là tái đề cử ông Garland vào Tối Cao Pháp Viện”.
© Nguyễn Văn Khanh
© Đàn Chim Việt