Lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ tốn bao nhiêu?
Bất chấp những lời xì xào xem Nga có xen vào để làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống, bất chấp báo cáo của CIA, bất chấp những lời hô hào đòi đếm phiếu lại, bất chấp những vận động để cử tri đoàn truất phế ông Trump, bất chấp chuyện cử mấy ông tướng sừng sỏ giữ chức bộ trưởng và cố vấn an ninh quốc gia, bất chấp những e ngại sau khi có cú điện thoại giữa Trump và Tổng thống Đài Loan… phe của tổng thống tân cử đang xúc tiến những lễ nghi, hay sự kiện, cho lễ tuyên thệ nhậm chức xoay quanh ngày 20 tháng 1 năm 2017.
Giống như mọi lần trước đây, các lễ nghi cho ngày nhậm chức lần nào cũng tốn kém, cực kỳ tốn kém.
Cuộc bàn giao quyền lực một cách lịch sự văn minh của Mỹ có cái giá của nó. Khi tất cả chi phí được cộng lại, các sự kiện phục vụ cho dịp nhậm chức ước tính tốn khoảng từ 175 đến 200 triệu đô la.
Số tiền này tính chung cho buổi lễ đưa tay lên thề (dường như là bắt chước tứ trụ Việt Nam mới đây, chỉ khác là thề trước cửa thay vì bên trong tòa nhà Quốc hội), buổi hòa nhạc trước Quốc hội, các bữa tiệc có nhảy đầm do tân tổng thống và tân đệ nhất phu nhân ra nhảy bản đầu tiên (màn này không thấy nơi tứ trụ Việt Nam vì chẳng lẽ bác cả Trọng lại lọm khọm lôi chị Ngân đầy sinh lực ra nhảy?)
Chi phí cũng bao gồm cuộc diễn hành của tân tổng thống trên đoạn đường Quốc hội – Tòa Bạch Ốc, lương bổng của cảnh sát, quân đội, nhân viên an ninh cần có mặt để mọi người được bình yên vô sự.
Khoảng 70 triệu đô la trong tổn số chi phí này được tư nhân đóng góp, còn lại mới sử dụng đến ngân sách quốc gia, hay tiền thuế người dân.
Quy trình này được lập lại mỗi 4 năm, và lần nào cũng vậy, dư luận tha hồ chỉ trích tốn kém xa hoa lãng phí. Không phải chỉ có một đảng ăn xài tốn kém, mà dù tổng thống thuộc đảng nào đi nữa, chi phí đó lần nào cũng ở mức như vậy, nếu người ta điều chỉnh giá trị đồng đô la theo thời điểm.
Tất cả những món tiền do tư nhân đóng góp được giao cho Ủy ban Nhậm chức Tổng thống (PIC) quản lý và có sự phân biệt rõ ràng cái nào ra cái đó, chuyện nào do PIC chi, chuyện nào do người thọ thuế chi.
PIC thường chi cho những sự kiện hay được truyền thông nhắc đến nhiều nhất, ví dụ như lễ tuyên thệ, dạ tiệc có tổng thống và phó tổng thống mới đắc cử, buổi khiêu vũ xập xình.
Trọn gói để tham gia các sự kiện có giá khởi điểm là 25.000 đô la và lên đến 1 triệu, tùy theo bạn muốn ngồi chỗ tốt cỡ nào.
PIC của ông Trump chưa lên tiếng cho biết họ hy vọng thu được mức đóng góp theo kiểu này là bao nhiêu, nhưng dựa vào những lần trước, các nhà báo ước tính có thể thu từ 65 đến 75 triệu.
PIC lần này do Thomas Barrack, một người bạn làm ăn của Trump từ mấy chục năm qua, làm chủ tịch.
Boris Epshteyn, phát ngôn viên của PIC cho biết họ không nhận tiền của những người vận động hành lang có đăng ký, nhưng các công ty tư nhân mỗi công ty có thể đóng tối đa 1 triệu, và cá nhân thì không giới hạn. Tên của người nào đóng từ 200 đô la trở lên sẽ được báo cáo cho Ủy ban Bầu cử Liên bang trong vòng 90 sau lễ nhậm chức, số tiền còn dư mà PIC không dùng hết sẽ được đem cúng cho các tổ chức từ thiện.
Mặc dù giá trị đồng tiền đã được điều chỉnh theo mức lạm phát, chi phí cho cuộc nhậm chức tổng thống có vẻ leo thang giống như các món khác.
Lần đầu tiên nhậm chức vào năm 2009, PIC của Tổng thống Obama thu được 53 triệu của tư nhân, và cũng không nhận tiền của những nhà vận động hành lang hoặc công ty, còn cá nhân chỉ góp tối đa 50.000 đô la.
Qua nhiệm kỳ nhì vào năm 2013, PIC của Obama thu được 44 triệu, nhận tiền của công ty và cá nhân với mức tối đa 250.000.
Buổi lễ tuyên thệ trước cửa trụ sở Quốc hội được tổ chức bởi một ủy ban do hai đảng ở Quốc hội chỉ định. Buổi lễ này tốn trên dưới 1 triệu đô la và do người dân đóng thuế chi trả. Số tiền này phần lớn để dựng một sân khấu chắc chắn ngoài trời để buổi sáng tân tổng thống tay trái đặt trên Thánh Kinh, tay mặt đưa lên thề, buổi trưa là bữa ăn Quốc hội đãi tân tổng thống và phó tổng thống, buổi chiều là để dàn nhạc cả trăm người chơi cho công chúng đến nghe. Các đại diện dân cử ở hai viện được cung cấp một số vé để họ phát lại cho các cử tri trong đơn vị đến dự những những buổi lễ ngoài trời.
Tuy nhiên, chi phí lớn nhất là tiền lương của lực lượng an ninh bảo vệ, chuyên chở, y tế khẩn cấp và tổng vệ sinh. Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, 2005, ngân sách liên bang chi 115 triệu và nhiệm kỳ sau, 2009, là 124 triệu.
Cũng khó để có con số chính xác về các chi phí nhận dịp lễ nhậm chức, vì công chức liên bang được nghỉ làm trong ngày này.
Bất chấp ai sẽ tuyên thệ, ngày lễ nhậm chức mang lại thêm hàng trăm triệu đô la cho các nhà hàng, khách sạn, công ty phục vụ ăn uống tận nơi, công ty thuê xe, taxi, chụp ảnh, quay phim… và cũng khó để có con số thu nhập chính xác cho các dịch vụ này.
Người ở xa muốn dự lễ nhậm chức mà giờ này muốn đặt phòng khách sạn thì có lẽ đã trễ rồi. Nhiều người bèn quay sang trang mạng Airbnb.com, nơi trung gian cho thuê nhà riêng của những chủ nhà có phòng trống muốn cho thuê để có thêm thu nhập.
Bà Katie Allen là chủ một căn nhà liền kề ở khu Capitol Hill, gần trụ sở Quốc hội. Bà cho biết đã rao trên Airbnb.com sẵn sàng cho mướn căn nhà của bà trong hai ngày có lễ nhậm chức, mỗi ngày 900 đô la.
Vào hai ngày này, bà sẽ đưa con đi Pittsburgh tá túc tại nhà bạn bè. Tiền cho thuê trong hai ngày này bà sẽ dùng để trang trải tiền gửi nhà trẻ cho đứa con trai 4 tháng tuổi của bà.
Đàn Chim Việt tổng hợp
© Đàn Chim Việt
CHUYỆN MỸ
Ngày vui nhất hẳn là ngày nhậm chức
Tổng Thống vui mà dân chúng cũng vui
Đó là do kết quả ở phiếu bầu
Ai đa số thì coi như mình thắng
Dân chủ thế hai trăm năm vững chải
Cứ bốn năm nó lặp lại một lần
Luôn hòa vui trong đất nước hòa bình
Quả trật tự kể từ ngày lập quốc
Nên ở Mỹ chỉ đồng tiền là chính
Đi theo tiền là dân chủ tự do
Cạnh tranh hay tìm cơ hội làm giàu
Kết quả tốt thì lên làm Tổng Thống
Sự bình đẳng quả trước sau đơn giản
Chẳng cần ai phải hậm hực với ai
Cứ sống vui mọi cái vẫn điều hòa
Tiền như cái bánh xe ai cũng cỡi
Nó cứ lăn lăn hoài và lăn mãi
Cả một nền kinh tế cũng lăn theo
Thực tiển luôn ai cũng phải cần tiền
Nhưng chính đáng trong cuộc đời chính đáng
Ấy dân chủ tự do đơn giản vậy
Có gì sai mà Các Mác bảo sai
Chẳng qua do quan niệm chỉ hồ đồ
Khiến xã hội thành độc tài đảng trị
Diệt giai cấp để thay vào giai cấp mới
Nhưng bao giờ hết giai cấp được đâu
Chẳng qua là bởi Mác đã ngu sâu
Làm thực tế biến thành đời ảo giác
Người là vậy có khi nào lại khác
Vẫn bản năng vẫn ích ỷ luôn luôn
Nên thành ra mọi lý thuyết tầm ruồng
Sửa cái thẳng thành cong queo là thế
PHIẾM NGÀN
(15/12/16)