Gia đình thời lên mạng
1. Chị bạn kể: Bà nội lần nào đi sinh hoạt tổ hưu trí về cũng gọi mấy đứa cháu và cả con trai con dâu dặn dò: mấy đứa không được lên mạng miếc gì nghe không! Trên đó toàn phản động với chuyện bậy bạ đó, hư thân hồi nào không hay!
Chị khác than: giờ về tới nhà cũng không nhìn thấy chồng con đâu nữa, ai nấy rút vô phòng riêng “lên mạng”, giờ ăn cơm còn cắm mặt vô điện thoại, ipad, nói không ai nghe không ai trả lời trả vốn gì hết… riết rồi mình như “bà khùng” vì cứ nói một mình!
Nhóm bạn ra “nghị quyết”: gặp nhau đứa nào không nói chuyện mà chỉ lướt mạng thì phải chịu phạt trả tiền cà phê. Nhưng rồi cả đám đứa nào cũng lo chụp hình viết status rồi post facebook nên… huề, tiền ai nấy trả. Lần nào cũng vậy.
Ngày nay, nhất là ở đô thị, những câu chuyện như trên rất phổ biến.
Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội với nhiều tính năng đã cho phép, thậm chí tạo điều kiện để con người giao tiếp với nhau trên không gian “ảo” mà không cần trực tiếp gặp mặt ở không gian “thực”. Lợi ích của sự giản tiện này là giúp thông tin nhanh hơn, trực tiếp hơn, tiết kiệm thời gian và nhiều chi phí khác, con người có thể mở rộng đời sống ra nhiều lĩnh vực, phát hiện và phát triển những khả năng tiềm ẩn ở mỗi người, đồng thời con người tự do vượt qua mọi không gian, thời gian, thế hệ, quan điểm chính trị, tôn giáo, đạo đức… tự do chọn lựa đối tượng để giao tiếp, va chạm, đấu tranh, xung đột, hòa hợp, kết nối, tập hợp… trong một thế giới ngày càng “phẳng”.
Sức hấp dẫn của “không gian ảo” là ở đó.
Nhưng quỹ thời gian một ngày 24 giờ, “sáu mươi năm cuộc đời” (hay bảy tám mươi năm) thì ai cũng như ai, “không gian ảo” làm cho con người bị cách ly khỏi không gian thật, một phần hay gần như toàn bộ thời gian vật chất.
Thử xem một ngày chúng ta có bao nhiêu thời gian dành cho giao tiếp trong gia đình, cho người thân? Trên lý thuyết ít nhất có 1/3 tức là khoảng 8 tiếng (2/3 thời gian để làm việc và ngủ nghỉ). Trong 8 tiếng ấy còn hao hụt vì đi lại, cho những nhu cầu khác… vậy là chỉ còn khoảng 4 – 5 tiếng cho các thành viên gia đình có thể nhìn thấy nhau, chủ yếu trong bữa ăn tối và buổi sáng trước khi đi làm. Thế nhưng không gian công cộng nhỏ hẹp như phòng ăn, phòng khách hay phòng ngủ của gia đình cũng bị chia cắt bởi chiếc điện thoại thông minh, mỗi người, nhất là người trẻ, tự cô lập mình với nhu cầu riêng trên không gian “ảo” mà quên mất rằng, mình còn có nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu của người thân trong không gian “thực” là gia đình: trò chuyện, chia sẻ, tìm hiểu, giúp đỡ… qua ngôn từ, bằng hành vi cử chỉ…
Sức “phá hoại” của “không gian ảo” đối với cộng đồng nhỏ là gia đình (hay cộng đồng lớn hơn là xã hội) cũng chính ở sự hấp dẫn của nó, bởi vì nó thúc đẩy quá trình “cá nhân hóa” nhanh hơn, phá vỡ tính cộng đồng truyền thống một cách triệt để, nhất là với người trẻ ở đô thị.
2. Trở lại những câu chuyện trên.
Một ngày bà nội than nhớ đứa cháu đích tôn đang đi học xa, lâu rồi nó chưa về. Bữa hôm nghe nói nó đi làm thêm ngoài giờ học, lấy tiền phụ thêm học phí đỡ cho cha mẹ, không biết còn mập như hồi ở nhà hay là ốm nhom? Thấy vậy cô cháu gái vui vẻ nói: nó mập ù nội ơi, mà cao hơn nên trông chững chạc lắm. Ủa chớ nó gởi hình về hồi nào sao không đưa cho nội coi? Dạ không, tụi con chat với nhau. Để con kêu nó nói chuyện với nội nghen. Sau bữa đó bà nội đòi “lên mạng” hoài, vì bà còn được gặp lại bao nhiêu người thân quen mà lâu nay tưởng đã bặt tin. Rồi bà nội xem báo mạng nhiều hơn vì muốn coi báo nào cũng có, coi lúc nào cũng được… Không thấy bà nội rầy la chuyện “lên mạng” nữa.
Chị bạn cũng phải tìm cách “hội nhập” vào mạng bằng cách tạo cho mình một cái nick, “làm bạn” với chồng và các con với nguyên tắc “chung sống hòa bình” trên facebook. Từ đó chị biết thêm về sinh hoạt và bạn bè của các con, hiểu hơn và chia sẻ với chồng những vấn đề xã hội mà anh quan tâm… Giao tiếp trên mạng cũng làm cho khoảng cách giữa anh chị và các con như gần lại, bữa cơm gia đình không còn cảnh ai nấy dán mắt vào điện thoại nữa mà đầm ấm hơn dù vẫn chuyện trò về học hành, công việc, xã hội…
Nhóm bạn thân vẫn thường off line, share (chia sẻ) tin tức trên facebook với nhau, nhất là những việc làm thiện nguyện. Qua mạng xã hội họ tổ chức những nhóm đi về vùng sâu vùng xa, tùy điều kiện mà góp phần giúp đỡ người dân ở đó. Việc làm này được duy trì nhiều năm, ngày càng chuyên nghiệp và có hiệu quả. Không chỉ vậy, bất cứ có ai khó khăn hay việc gì cần giúp đỡ, chỉ cần một lời kêu gọi từ facebook thì nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng, như chuyện người dân thành phố tham gia “giải cứu” hành, tỏi, dưa hấu… cho nông dân, như chuyện đi bộ xuyên Việt để kêu gọi “sách hóa nông thôn” của một facebooker nổi tiếng.
Facebook vẫn là “thế giới riêng” của từng người. Ở đó họ duy trì những mối quan hệ sẵn có và phát triển thêm những mối quan hệ xã hội mới. Ở đó, nhờ tính năng kỹ thuật của mạng, họ có quyền lựa chọn cho mình bạn bè và những mối quan tâm. Người dùng facebook cũng như blog trước đây, dần dần sàng lọc được một phạm vi trong đó có những người, những lĩnh vực hữu ích cho mình, đồng thời cũng được “rèn luyện” bản lĩnh trong môi trường “ảo” mà sự tương tác rất thật, tức thời và trực diện. Những lợi, hại của facebook, của internet là do mỗi người sử dụng nó như thế nào.
Sự thích nghi với MẠNG với NET của mỗi gia đình cũng giống như sự thích nghi với giao thông hiện đại: từ phương tiện cá nhân (xe máy, xe hơi) đến việc làm quen và thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng (xe bus, metro, skytrains…), từ một cái nick riêng đến một home chung trên facebook , ở đó việc bày tỏ thái độ xã hội bằng ngôn từ đến thực hiện bằng hành xử ngày càng được mọi người có ý thức. Khi ta đóng góp cho một xã hội tốt hơn, chính ta, con cái ta và những đứa trẻ cùng lứa với con cái ta sẽ được hưởng trở lại từ sự tốt hơn ấy.
Từ thế giới MẠNG và nhờ thế giới MẠNG góp phần làm nên điều đó.
Sài Gòn, 3/12/2015
Theo Facebook Nguyễn Thị Hậu