Nghĩ về “Thời Đồ Bành”
Thoạt nhìn tít bài, hẳn sẽ có độc giả nghĩ rằng Thanh Hương sẽ tiếp tục viết về chuỗi “thời…” của nhà văn áo lính Lê Lựu. Các bạn đã nhầm. Thời – chỉ là là tên tục của một thanh niên sinh trưởng tại một làng quê nghèo khó thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tên là TĐN. Trước khi rời đất Quảng Nam ra Quảng Ninh làm giám đốc, sau đó trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng Công ty công trình giao thông miền trung (Cienco 5) đầy quyền lực, Thời chuyên bán áo quần cũ trên vỉa hè (dân gian thường gọi là đồ bành, hay là đồ sida). “Thời Đồ Bành” có xuất xứ như vậy đó, khác với “Thời xa vắng”, “Thời loạn” và sắp tới là “Thời chết tiệt” mà nhà văn Lê Lựu đã và sẽ đề cập trong các tiểu thuyết của mình. Xét về bản chất, giữa họ có mối quan hệ chặt chẽ, hệ lụy tất yếu đến xã hội. Nếu như “Xanh Dương Lẫm Liệt”, nhân vật chính trong “Thời loạn” đã rất thành công trong việc kinh doanh “vốn tự có”, thì “Thời Đồ Bành” quả thực là đồ đệ xuất sắc của các Chaebol Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, Chaebol là từ dùng để gọi các tập đoàn kinh doanh lớn, bằng cách này hay cách khác, thường duy trì chế độ sở hữu huyết thống, cha truyền con nối của gia đình sáng lập ra nó.
1.
Như chúng ta đã biết, tập đoàn Samsung là chaebol lớn nhất Hàn Quốc, và cùng với Hyundai và Daewoo từng được xem như “tam trụ” của kinh tế Hàn Quốc. Theo số liệu của Ngân hàng Hàn Quốc, nhóm 30 chaebol hàng đầu nước này đang kiểm soát gần 40% nền kinh tế Hàn Quốc. Riêng Samsung hiện chiếm 1/5 xuất khẩu của nước này, khiến nhiều người thường nửa đùa nửa thật gọi Hàn Quốc là nước “Cộng hoà Samsung”. Một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy là đa số Chaebol đều tồn tại và phát triển thông qua hình thức “cống nạp” cho các chính trị gia để giành lấy các đặc quyền, các cơ hội béo bở. Những năm 1960, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hoá Hàn Quốc nên chính phủ đã thực hiện chính sách kinh tế theo hướng phát triển các Chaebol như cho vay ưu đãi, hỗ trợ xuất khẩu… nhưng chính phủ Park Chung Hy lại cho rằng những hạng mục nào có cơ hội phát triển thì phải có khoản tài chính đánh đổi, vì thế các Chaebol ra sức tiến cống, “lại quả” nhằm giữ quan hệ thân mật với nhiều chính trị gia thế lực.
Khác với Hàn Quốc, ở Việt Nam, kinh tế nhà nước, bao gồm các Tập đoàn, Tổng công ty chiếm 75% nền kinh tế. Theo số liệu của Bộ Tài chính, thì hiện nay Việt Nam có 8 tập đoàn kinh tế cùng với 96 tổng công ty, công ty lớn của Nhà nước sở hữu gần 400.000 tỉ đồng, chiếm hầu hết vốn của Nhà nước có tại các doanh nghiệp nhà nước. Các tập đoàn và tổng công ty đang nắm giữ 75% tài sản cố định của quốc gia, khoảng 60% tổng tín dụng ngân hàng trong nước và tổng vốn vay nước ngoài nhưng chỉ tạo ra khoảng 40% tổng sản phẩm trong nước, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các đơn vị này là 17%, 28,8% thu ngân sách. Các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước Việt Nam được ví von như những chàng công tử, được cha mẹ (nhà nước) nuôi dưỡng chu đáo nên béo tốt. Nói chung, họ luôn được xếp hạng cao nhất về vị thế và ưu đãi, nhưng hiệu quả hoạt động lại yếu kém. Đây là điểm khác biệt giữa các tập đoàn kinh tế Nhà nước Việt Nam với các công ty đa quốc gia, các Chaebol của Hàn Quốc. Các mô hình kinh tế Nhà nước Việt Nam được thành lập dựa trên một nguyên tác căn bản đó là sự chỉ đạo của Ban đổi mới doanh nghiệp, Nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế do Đại hội đại biểu đảng toàn quốc các nhiệm kỳ nêu ra. Lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn này thường được bổ nhiệm dựa trên yếu tố chính trị, phải được sự tín nhiệm của đảng. Trong lúc đó, các tập đoàn kinh tế thế giới, các Chaebol hàng đầu của Hàn Quốc hầu hết đều đi từ các các công ty nhỏ, hoạt động rất hiệu quả, tích tụ vốn và phát triển quy mô dần trở thành các tập đoàn khổng lồ và dĩ nhiên lãnh đạo tập đoàn nằm trong số những nhà kinh doanh giỏi của các công ty. Tuy nhiên, nếu so sánh các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước Việt Nam với các Chaebol hàng đầu của Hàn Quốc, ta thấy có điểm tương đồng. Tuy không cùng huyết thống như các đại gia Chaebol, nhưng các tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam có sự liên kết mật thiết với nhau, cùng chịu sự chi phối từ một thế lực, đó là đảng cầm quyền. Điểm tương đồng nổi trội giữa họ, có thể là thủ thuật kinh doanh: kinh doanh trong mờ ám, mua chuộc quan chức để tìm kiếm các thông tin, các hợp đồng kinh tế béo bở. Ngày 30-5-2006, tin ông Kim Woo-choong – nhà sáng lập, cựu Chủ tịch tập đoàn Daewoo (Chaebol đứng thứ ba Hàn Quốc) – đã bị buộc tội tham ô, gian lận tài chính và bị kết án 10 năm tù giam đã gây sốc giới kinh doanh toàn cầu . Đây là vụ án tiếp sau hàng loạt các vụ phanh phui, thẩm vấn những ông trùm Chaebol như Daewoo, Hyundai, Sam sung về nhiều vụ việc khuất tất. Do mô hình tổ chức của các Chaebol khép kín, nên việc chuyển nhượng cổ phần bất hợp pháp diễn ra khá thường xuyên, khó bị phanh phui. Các gia tộc sáng lập Chaebol tại Hàn Quốc đã triệt để lợi dụng điều này để thu lợi bất chính. Theo cáo giác của tổ chức dân sự có tên là Đoàn kết nhân dân tham gia dân chủ, họ đã phát hiện hơn 70 trường hợp bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 27% các vụ chuyển nhượng cổ phần đã thực hiện ở 64 trong 250 công ty con thuộc 38 Chaebol. Điển hình là năm 2001, cha con Chủ tịch Hyundai Chung Mong Koo lần lượt thâu tóm 40% và 60% cổ phần của Glovis, công ty vận tải có lãi nhất của Hyundai. Ngay sau đó, họ đã thu được 13,3 tỷ won (13,6 triệu USD) tiền cổ tức; 104,3 triệu USD tiền bán cổ phiếu và 417 triệu USD chênh lệch giá khi Glovis lên sàn chứng khoán. PSPD đã phát hiện hơn 30 vụ chuyển nhượng bất hợp pháp như vậy tại Hyundai, 10 vụ ở Samsung, 3 vụ ở LG… Qua nghiên cứu bài viết “Người Hà Nội – Thời Đồ Bành” của tác giả có bút danh Ng. Nh. Phong, đăng tải trên Dân Luận ngày 25/4 vừa qua, ta sẽ thấy rõ sự tương đồng về mánh lới kinh doanh giữa Thời Đồ Bành với các đại gia Chaebol Hàn Quốc: mua chuộc các quan chức chính trị để trục lợi. Bài báo, còn đưa ra nhận định đọc qua thấy khủng khiếp quá: Thời Đồ Bành có rất nhiều dự án bất động sản tại tỉnh Hà Tây (cũ) và là tác nhân quan trọng trong việc mở rộng địa giới Hà Nội (?!) Biết đâu đó, trong các chiến lược kinh doanh lớn của Thời Đồ Bành có dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể lắm chứ, vì ngành kinh doanh chính của Thời Đồ Bành là công trình giao thông (!). Suy cho cùng, chỉ tội mấy ông, bà đại diện cho cử tri đang say sưa phản biện về các dự án Kiến trúc Hà Nội năm 2030, tầm nhìn 2050 (trọng tâm là trục lộ Thăng Long, Thủ đô hành chánh ở Ba Vì) và dự án đường xe lửa cao tốc Bắc Nam tiêu tốn hàng trăm tỉ tiền Mỹ tại Ba Đình khi đã thấp thoáng tín hiệu nó đã được “duyệt” từ trước bởi các Nhóm lợi ích. Thực ra, mánh lới kinh doanh ngoài chức năng, siêu lợi nhuận ở Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán không chỉ riêng Thời Đồ Bành mà hầu hết các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam đều đã và đang làm. Trong các kỳ họp năm, năm 2008, nhiều đại biệu Quốc hội đã lên tiếng cảnh báo về hoạt động kém hiệu quả của các Tập đoàn, Tổng công ty kinh tế nhà nước. Số liệu của Ban đổi mới doanh nghiệp tổng kết 6 tháng đầu năm 2008 cho thấy 76 tập đoàn và tổng công ty được giao hơn 400.000 tỷ đồng và được vay thêm hơn 500.000 tỷ đồng, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn rất thấp (chỉ đạt 17,4%), nhập siêu lại lớn nhất (tới 21 tỷ USD). Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng khẳng định: “Giữ nhiều tiền, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh kém chính là một nguyên nhân dẫn đến lạm phát”. Cụ thể, ông Hùng cho rằng việc các tập đoàn đầu tư ồ ạt ngoài lĩnh vực chuyên môn, như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản đã góp phần làm thiếu vốn sản xuất, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. “Đáng ra các tập đoàn phải giúp nhà nước, nhưng vừa qua có hiện tượng gây khó khăn thêm, như cắt điện nhiều, liên tục kêu lỗ, đòi tăng giá điện. Và mới đây ngành điện lại nói có lãi, đề nghị khen thưởng hơn 1.000 tỷ đồng”. Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng bày tỏ lo lắng khi các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chiếm đến 50% tổng vốn đầu tư nhà nước, nhưng lại chiếm 70% tổng dư nợ quốc gia và 80% dư nợ tín dụng. Có thể nói, hiệu quả kinh doanh là điểm khác biệt rõ rệt giữa các Tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam với các Chaebol hàng đầu của Hàn Quốc. Nếu như, ở Hàn Quốc, người dân tỏ lòng ngưỡng mộ các Chaebol hàng đầu, ghi nhận sự phát triển thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc vẫn được xem như công lớn của các chaebol, đưa xứ Đại Hàn sánh ngang tầm các nước kinh tế phát triển trên thế giới; ngược lại, ở Việt Nam, người dân canh cánh trong lòng nỗi lo về khả năng trả nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Cứ đà này, con cháu sẽ phải nai lưng ra mà trả nợ cho nước ngoài, biết bao giờ mới ngẩng cao đầu được.
2.
Trước các thủ thuật kinh doanh mờ ám của các đại gia Chaebol, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng giải pháp ứng xử rất khôn khéo. Về nhận thức, Chính phủ xác định không thể phủ nhận đóng góp của các chaebol như Samsung đối với sự phát triển thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc trong nhiều năm qua, giúp nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới và là một trong những nước có mức sống cao nhất châu Á. Việc xoá bỏ hoàn toàn các Chaebol là điều không thể vì ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với kinh tế – chính trị – xã hội Hàn Quốc. Chỉ tính riêng năm 2003, tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 Chaebol hàng đầu là Daewoo, Hyundai, LG và SK đã lên đến 111,7 tỷ USD, chiếm 58% tổng giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc, chiếm 1/3 tổng giá trị tư bản của thị trường. Mối liên kết giữa các Chaebol và nhiều chính trị gia quyền lực từ hàng chục năm qua đã “bén rễ ăn sâu” khó có thể cắt đứt ngay được. Vì vậy, nếu không bị trừng trị theo pháp luật, nguy cơ lung lạc quyền lực Chính phủ từ các Chaebol ngày càng rõ rệt. Điều quan trọng nhất là Chính phủ bị giảm sút niềm tin từ dân chúng và quốc tế. Dựa trên quan điểm đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra cách ứng xử vừa cứng vừa mềm. Cụ thể như ông Chung Mong Koo, chủ tịch tập đoàn Hyundai sau khi bị kết án 3 năm tù giam về tội biển thủ, đã được xử án treo trong tòa phúc thẩm dựa trên những đóng góp quan trọng của cá nhân ông đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Chủ tịch tập đoàn SK, một chaebol khác của Hàn Quốc, gian lận về tài chánh bị kết án 3 năm tù giam, sau đó lại được giảm, chuyển thành án treo.
Trong lúc đó, mặc dù xác định Tham nhũng đã tiếp tay cho những kẻ làm ăn bất chính như “Thời Đồ Bành”, Lã Thị Kim Anh, Nguyễn Tiến Dũng (PMU18)… là quốc nạn, nhưng việc bài trừ tham nhũng của Đảng CSVN xem ra chưa mấy khả quan. Sự kiện Quốc hội không thể hiện được quyền lực trong việc dừng các dự án mở rộng địa giới Hà Nội, cho phép TQ khai thác quặng Bauxite tại các tỉnh Tây Nguyên trước đây và dự án tàu siêu tốc Bắc Nam, quy hoạch thủ đô Hà Nội như hiện nay ngày càng làm cho người dân nghi ngại về việc có hay không một thế lực ngầm (hay nhóm lợi ích) đang chi phối Chính phủ.
Nghiên cứu các bản tự khai đã được công bố trên báo chí và cáo trạng buộc tội anh Trần Huỳnh Duy Thức, Tổng giám đốc công ty internet Một Kết Nối, nhận thấy dường như anh Thức đã thấy được nguy cơ của thế lực này đối với vận mệnh của đất nước. Để đẩy lùi được các thế lực này, anh Thức chủ trương thành lập lực lượng Dân tộc, bao gồm những người cấp tiếp trong đảng CSVN và những trí thức tâm huyết. Lực lượng chính trị mới này, theo kỳ vọng của anh Thức sẽ do một minh chủ lãnh đạo. Minh chủ, trong ước muốn của anh Thức là người đứng đầu trong số những người CSVN cấp tiến. Đó là kỳ vọng của anh Thức dựa vào những dự báo của Sấm Trạng Trình và thực trạng kinh tế Việt Nam.
Nhóm Thanh Hương nhận thấy, kỳ vọng của anh Thức rất đáng được trân trọng. Bởi chỉ có lực lượng Dân tộc, Minh Quân xuất hiện quy tụ được tầng lớp trí thức Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại nhiệt huyết với vận mệnh đất nước. Họ là lực lượng chính trị mới đủ tâm, đủ tầm lãnh đạo các tầng lớp nhân dân loại bỏ thế lực ngầm vì lợi ích nhóm cá nhân sẵn sàng bán rẻ lợi ích dân tộc.
Lực lượng dân chủ hải ngoại và trong nước phải làm gì để sớm hình thành lực lượng dân tộc, đó là câu hỏi lớn vượt ra ngoài tầm của nhóm Thanh Hương. Nhóm Thanh Hương rất mong mọi người vì sự phát triển bền vững của đất nước hãy sớm đưa ra sáng kiến. Chỉ có như vậy, “Thời loạn”, “Thời Đồ Bành” sớm bị triệt tiêu, nhân dân Việt Nam sẽ được sống trong thanh bình, tử tế. Và dĩ nhiên, nhà văn Lê Lựu sẽ không có thêm tiểu thuyết đắt khách có tên “Thời chết tiệt”.
© Thanh Hương
© Đàn Chim Việt