Về miền Nam
Nhà bác cả ở lại với Việt Minh từ ngày hai bên ký kết hiệp định Genève chia đôi đất nước đến nay đã được nửa năm, bây giờ họ nhất quyết ra đi.
Cái tết đơn sơ nghèo nàn đã trôi qua được gần một tháng. Chị Thoa đưa hai người em Vân và Khoa đi trước, anh chị em đã bàn với nhau nên đi từ từ để chúng nó khỏi nghi. Họ ghé La Khê quê ngoại để chào bà, các cậu mợ, các bác… trước khi bỏ xứ ra đi. Ba chị em ra Hà Đông rồi đi xe điện lên Hà Nội ngủ lại nhà dì Hai một đêm sáng sớm hôm sau ra ga xe hỏa mua vé đi Hải Phòng. Lúc lên tầu trời còn tối, anh công an cầm giấy thông hành bấm đèn bin soi sơ qua một lúc rồi đưa trả lại cho Khoa, Vân, cũng may nhờ trời tối nó không biết giấy thật hay giả.
Tầu bắt đầu chuyển bánh, Khoa nhìn ra cửa sổ, Hà Nội đang lùi lại phía sau, nơi phồn hoa đô hội văn minh xinh đẹp ngày nào nay chỉ là một thành phố chết tiêu điều sầu thảm. Cậu đã được học trên tỉnh, thỉnh thoảng lên chơi Hà thành, quen nếp sống văn minh tân tiến nay tự nhiên lại thấy đau lòng trước cảnh nghèo nàn bệ rạc. Khoa ngồi tựa tay lên thành cửa miên man suy nghĩ, cậu và Phúc trước hay nghe những bản nhạc ngợi khen Sài gòn viên ngọc trân châu trên Á Đông, đã ao ước được vào Nam để thấy thành phố ấy, nhưng nay khi lên đường đi Nam cậu lại thấy xúc động rạt rào. Hôm qua lúc chia tay, bà ngoại âu yếm cầm tay chị em cậu bảo.
-Các cháu vào trong ấy rồi nhớ viết thư cho bà, cho các cậu nhá, bà không biết bao giờ các cháu mới về thăm quê ngoại.
Nghe thế Khoa bèn hứa hẹn bà cụ mấy câu để cụ yên tâm.
-Cháu sẽ viết thư thăm bà và các cậu mợ, chúng cháu nhớ bà lắm chứ.
Bà cụ già bịn rịn cầm tay Khoa một lúc lâu, cách đây mấy năm, cậu đã ở trọ nhà bà ngoại gần một năm để đi học trên Hà Đông, hồi ấy cậu chưa biết đi xe đạp, bà chăm lo cho cơm nước cho cậu, là niềm an ủi của cậu lúc xa nhà. Khoa bùi ngùi cảm động biết rằng chẳng bao giờ còn có dịp gặp lại bà, hình như bà cũng linh cảm như thế vì cậu ta chợt thấy một giọt lệ long lanh trên mắt cụ. Các cậu mợ và các em cũng đứng ngoài sân chia tay chị em cậu, nhớ lại cảnh chia ly Khoa thở dài tự nhủ.
-Biết bao giờ mới gặp lại bà, biết bao giờ gặp được các cậu mợ, các em, bèo hợp rồi tan, người đi kẻ ở, ai gây nên nỗi.
Nhưng một lúc sau nghĩ đến Hải Phòng, đến chế độ Quốc Gia Tự Do mà mình đã sống trước đây, cậu ta lại phấn khởi tinh thần vì chỉ trong ngày hôm nay chị em cậu sẽ thoát khỏi bàn tay của chế độ hà khắc để được trở lại cuộc sống tự do. Tầu chạy mãi đến chiều thì sang địa phận Quốc Gia, rồi tới Hải Phòng, ba chị em đi bộ một lúc về ngõ Cô Ba Chìa, đến hiệu thợ may bên trong rồi lên tầng trên nơi gia đình bác hai Chương thuê tạm một, hai tháng chờ đi.
Bác Hai và các anh chị mừng rỡ tiếp đón mấy người em họ đã thoát được xuống đến đây, anh Hiền tươi cười bảo.
-Các em đi được như thế anh cũng mừng cho, còn chú thím, các em kia chắc nay mai cũng xuống đây, khi nào xuống đầy đủ cả nhà thì lên Hội Đồng Di Cư Bắc Việt ghi tên xin vé tầu, đi tầu bay thì phải chờ lâu hơn, muốn nhanh thì đi tầu thủy.
Chị Thoa đưa hai em xuống Hải Phòng rồi lại trở về làng để lo cho mấy đứa kia. Hàng xóm láng giềng đoán là nhà bác Cả sẽ đi Nam nhưng họ cũng không tò mò hỏi han, nhà bác Cả vẫn lặng lẽ sinh sống bên trong lũy tre xanh.
Mấy hôm sau chị bảo ba đứa em Phúc, Thùy, Dung.
-Chiều nay chị đưa các em ra bà ngoại, mai sẽ lên Hà Đông, không đứa nào được nói gì với ai nhá, ai có hỏi thì nói ra bà ngoại ăn cỗ.
Bọn trẻ vâng vâng dạ dạ chứ chẳng ra vẻ buồn bã tí nào, dù đây là chuyến đi bỏ làng bỏ xứ nhưng chúng vẫn tỏ ra thản nhiên như không. Hồi trước tết chị đã đưa ba đứa ra nhà bà ngoại chờ đi nhưng sau nhà đổi ý nên lại đưa chúng trở về, lần này cả nhà đã nhất quyết ra đi, nước đến chân bây giờ mới nhẩy, nhưng thà trễ vẫn còn hơn không.
Chiều hôm ấy các cô cậu chuẩn bị lên đường, tất cả chỉ đi người không, quần áo đã được chị đưa đi từ tuần trước. Lúc sắp xuất hành, ba đứa đứng ở nhà ngang, Phúc bảo các em.
-Mình nhìn lại nhà gác lần cuối nhá.
Rồi cả ba đứa quay mặt nhìn căn nhà gác hai tầng một lúc từ bậc thềm phía trước lên đến mái ngói mầu đỏ sậm, nhìn các cửa kính sáng choang. Căn nhà này các cụ, kỵ ngày xưa đã xây lên để lại cho con cháu, nhưng thế sự đổi thay, con cháu phải vĩnh biệt nó ra đi không bao giờ trở lại, tài sản các cụ để lại nay đã tan đi như mây khói.
Chị Thoa khi ấy đã đứng ở bên kia vườn đưa tay vẫy bọn trẻ đi theo, mấy chị em băng qua cái cửa hẹp cuối hàng rào cây ổ dô rồi ra một con đường gạch tiểu lộ, họ đi quanh co một lúc thì đến bìa làng. Phúc và các em bước ra khỏi lũy tre xanh không bao giờ trở lại, chiều nay ánh nắng vàng úa đang tàn dần trên cánh đồng cuối đông, một vài bác nông phu đang căm cụi bên luống khoai, mấy đứa trẻ chăn trâu ngước mắt thản nhiên nhìn anh em Phúc đi ngang qua.
Đi được một quãng xa, Phúc ngoái cổ nhìn lại lũy tre xanh, nóc nhà gác vẫn còn hiện ra trên nền trời chiều xanh nhạt, cậu chẳng thấy buồn gì cho lắm, cậu biết rằng thầy mẹ đã cùng đường phải bỏ hết cả để ra đi, cậu cũng chẳng thấy tha thiết gì đến mái nhà ấm cúng, đến quê cha đất tổ.
Bốn chị em đi theo con đường đất qua hai ba làng thì đến nhà bà ngoại ngủ nhờ một đêm để hôm sau đăng trình. Tối ấy bác Hai La ở làng bên được tin cũng ghé thăm các cháu, bác nói.
-Bác đã hết lòng với nhà cháu rồi đấy nhá, bác chúc các cháu may mắn thượng lộ bình yên.
Cậu Mai bảo.
-Các cháu vào trong ấy, mai kia có tổng tuyển cử thống nhất đất nước lại bầu cho chúng nó.
Bọn trẻ chẳng để ý đến chuyện ấy chúng chỉ biết gia đình đã nhất quyết ra đi từ bỏ tất cả. Môt lúc sau cậu hỏi.
-Vào trong ấy lấy gì mà sống?
Thùy bảo.
-Anh chị cháu nói nó nuôi mình sáu tháng.
Cậu Mai thích Việt Minh nên không tin.
-Ối giời ơi, nó mà nuôi cho sáu tháng, tiền đâu nó nuôi mình?
Phúc cầm cuốn vở lớp ba của con trai cậu Mai đọc lướt qua một bài học thuộc lòng.
“ Đừng nghe lời thằng Diệm
Thằng Diệm nói Chúa đã vào Nam
Chúa đây không phải xóm làng riêng ta.
Chúa là chung của mọi nhà.
Người đâu Chúa đấy ai mà chẳng hay”.
Trước kia Phúc đã mê Việt Minh một thời, bây giờ nghe Việt Minh nói nó lại không tin họ như trước nữa. Chiều hôm sau Chị Thoa và các em lên Hà Đông, cậu Mai ôn tồn nhắn nhủ các cháu.
-Cậu không biết nói gì hơn là chúc cho các cháu ra đi bình yên, khi nào đất nước thống nhất, các cháu sẽ về quê ngoại thăm bà và các cậu.
Bà ngoại, cậu Mai tiễn các cháu ra tận ngoài đầu ngõ. Phúc chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, đi quá cái quán đầu làng rồi nó thấy bà và cậu Mai vẫn đứng trông theo, mãi cho tới khi bà và cậu khuất sau bụi chuối Phúc mới tiến bước đi nhanh theo chị, ôi cảnh biệt ly sao mà buồn thay. Thế là cậu và các em đã bước chân ra khỏi lũy tre xanh làng La Khê không bao giờ trở lại.
Đi bộ chừng nửa ki lô mét là tới Hà Đông, Thoa ghé nhà bà Lan, một người chị họ để đưa chị ấy cùng đi Nam theo chồng đã đi trước đây. Chiều hôm ấy họ lên tầu điện đi Hà Nội, chừng hơn một giờ là tới nơi. thành phố bây giờ ngủ yên dưới bóng đêm buồn tẻ, tịnh không nghe thấy một tiếng động cơ nào ngoài phố xá. Ngủ nhờ nhà dì Hai một đêm, chị em thuê xe ra nhà ga Hàng Cỏ.
Trời còn tối đen, mấy ngọn đèn vàng nhạt chiếu ánh sáng mờ mờ xuống đường phố, sân ga. Một bà cụ bán xối ghé lại gần Phúc, Thùy bảo.
-Cậu ăn một trăm xôi nhá! Cô ăn một trăm xôi nhá!
Phúc lắc đầu, cậu vẫn còn vương vấn nghĩ đến buổi tiễn đưa đầy xúc động ở nhà bà ngoại tối qua. Cậu nhìn theo bà hàng xôi trong lòng ái ngại, sáng tinh mơ đi quanh sân ga bán không biết được bao nhiêu gói giữa khi chẳng ai có tiền bạc là bao. Chị Thoa dắt tay các cô cậu lên xe hỏa, một lúc sau trời đã sáng hẳn, tầu từ từ chuyển bánh, Phúc nhìn ra cửa sổ phía xa xa, nó thấy cảnh vật cứ quay tròn lại, lần đầu tiên trong đời đi xe hoả, cậu thấy nhiều cảnh lạ. Một anh hát xẩm mù tay kéo nhị, miệng lên giọng hát bài than vãn cho thân phận những người đi Nam.
“ . . bán con như thể bán trâu, năm trăm hai đứa còn đâu gia đình…”
Chị Lan nhìn Thoa mỉm cười cái trò tuyên truyền hạng bét ấy đánh lừa được ai, người ta đặt ra những truyện ghê sợ để doạ những người di cư, nào là vào Nam để bón cao su, nghe lời thằng Diệm rồi cũng đi ăn mày… Phúc vẫn nhìn qua cửa sổ, cảnh vật vẫn quay tròn xa xa, cậu bé biết rằng nhà mình đang đi trốn Việt Minh để đi Nam, dù không thù ghét Việt Minh nhưng cậu cũng biết rằng nhà mình đang bị Việt Minh đe dọa.
Tầu vẫn chạy vùn vụt về phương đông mang theo những kẻ chạy trốn chế độ độc tài hà khắc, chạy trốn cái chết, họ bỏ lại sau lưng những bức chân dung các ông chủ tịt vĩ đại, bỏ lại ngọn cờ đỏ sao vàng, cờ hồng Liên Sô, cờ hồng Trung Quốc. .
Đến chiều chị Thoa bỗng cúi xuống nói nhỏvới các em.
-Khi nào đến Phạm Xá là sang địa phận Quốc Gia, cũng sắp tới rồi.
Các cô cậu trong lòng khấp khởi mừng thầm, Phúc nghe xong khẽ gật đầu ra ý đã hiểu, cậu không dám hé răng hỏi chị thêm cậu nào. Tầu vẫn chạy đều đều, tiếng bánh xe lăn trên đường sắt vẫn lạch lạch như vô tận, một lúc lâu sau còi tầu rít lên một tiếng hú rất lớn rồi tầu từ từ ngừng lại. Thoa nhìn chị Lan, nhìn các em ra ý tầu đã sang địa phận Quốc Gia, sắp thay đổi người lái, thay đổi lá cờ cắm trên toa đầu. Mọi người hồi hộp, cái giây phút quyết định cuộc đời của họ bây giờ đã đến.
Tầu ngừng lại chừng nửa giờ rồi lại chạy vụt đi, qua khung cửa Phúc và các em đưa mắt nhìn ngọn cờ vàng của quân đội Quốc Gia xa xa, niềm hân hoan hiện rõ trên nét mặt, cậu biết rằng anh em mình đã thoát được sang địa phận Quốc Gia. Phúc nhớ lại bẩy tám tháng trước đây, hồi quân đội Quốc gia đóng tại nhà mình, cậu đã theo mấy ông sĩ quan xuống đền bắn chim và bây giờ cậu có cảm tưởng như gặp lại những người bạn cũ.
Tầu chạy một lúc lâu sau thì vào đến nhà ga Hải Phòng, chị Thoa dắt tay các em xuống, bọn trẻ ngơ ngác nhìn sân ga đông nghẹt những người. Phúc nhìn quanh quẩn, chưa bao giờ cậu được thấy một đám người đông như thế, những ngày hội hè đình đám ở làng Đông Lao cũng chưa bao giờ đông ghê gớm như cậu thấy trong ngày hôm nay. Người ta từ trên tầu bước xuống sân y như nước chảy, một số đi buôn hàng mua qua bán lại kiếm ăn trên đường Hải Phòng Hà Nội, nhưng đa phần là những kẻ thập phương tứ chiếng từ khắp mọi nơi trên đất Bắc vội vã đổ về đây, một thành phố cuối cùng của Thế Giới Tự Do tại Bắc Việt để được thở hít cái không khí Tự Do.
Bây giờ là tháng hai, chỉ còn vài tháng nữa là hết hạn ba trăm ngày vào Nam ra Bắc. Trong những ngày tháng cuối cùng của thời hạn di cư, những kẻ từ Hà Đông, Hà Nội, Ninh Bình, Kiến An, Hải Dương, Phủ Lý, Hà Nam… những kẻ từ khắp các nẻo đường miền Bắc đổ về đây hàng nghìn, hàng vạn người mỗi ngày để tìm đường dẫn đến Thế Giới Tự Do, ai nấy tươi cười hớn hở, chẳng cần nói thành lời, thoạt trông cũng biết họ mừng như mở cờ trong bụng, họ đã tìm lại được Tự Do.
Những kẻ đã nồng nhiệt đón chào Việt Minh trở về khi hoà bình trở lại Đông Dương, đã sống với Việt Minh độ nửa năm và nay đã thấy rõ cái bộ mặt ghê tởm của Việt Minh, họ không còn đường nào khác hơn là từ bỏ tất cả quê cha đất tổ, mồ mả ông bà để ra đi dù là với hai bàn tay trắng. Chị Lan, Phúc, hai cô em có cảm tưởng mọi người đều tử tế, ai nấy niềm vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt, hình như ai cũng phúc hậu cả, ai cũng cùng chung một một điều mong ước và nay niềm mong ước của họ đã thành sự thật. Ai cũng ra vẻ tươi cười hớn hở với nhau, cùng biểu lộ một niềm chân tình, hoài bão. Phúc thấy sân ga vui quá, niềm vui như tràn trề lai láng đổ ra khắp nơi, cậu cũng nghe thấy những tiếng cười ròn rã của những kẻ đã tìm thấy cuộc sống Tự Do. Phúc nhìn lá cờ vàng ba vạch đỏ phất phới bay cậu có cảm tưởng như lâu ngày gặp lại bạn cũ, cậu nhìn lên bức tường phía trước đọc mấy hàng khẩu hiệu viết bằng chữ in thật lớn.
“Cụ Ngô thống nhất sơn hà
Già Hồ chia sẻ nước nhà làm hai”.
Bức tường bên phải thì viết.
“Ai vô Nam đợi mấy tôi cùng.
Để tôi còn gỡ cái chòng Việt Minh”.
Phúc không hiểu nghĩa chữ “vô Nam” là gì nhưng cũng không muốn hỏi chị, cậu biết đó là những khẩu hiệu tố Cộng, ngoảnh sang bên trái cậu bé lại thấy một biển ngữ bằng vải to dài cũng có hai hàng chữ.
“Đường tầu hỏa Mục Nam quan
Vơ vét thóc gạo đem sang cúng Tầu”.
Một niềm hân hoan sung sướng tự nhiên nổi lên trong lòng Phúc và chị em cậu, Phúc thấy lòng vui lâng lâng, từ thuở bé đến giờ lần đầu cậu được thấy một nơi xa lạ với những tình cảm sung sướng dạt dào như thế. Cách đây bốn năm được lên Hà Nội chơi cậu cũng không thấy súc động nhiều như bây giờ vì nơi đây sẽ thay đổi toàn diện cuộc đời của mọi người trong gia đình cậu, nó sẽ đưa cả nhà thoát khỏi nơi tối tăm u ám lên chỗ thanh cao sáng lạn.
Chị Thoa dẫn các em đi bộ hơn một ki lô mét thì đến ngõ Cô ba Chìa, họ vào ngõ rồi đi tới một hiệu may thì rẽ vào rồi bước lên gác. Tại đây nhà bác hai Chương đã đi gần hết chỉ còn một hai người, bác nói chị em Thoa cứù ở đây vì bác đã trả tiền nhà cho chủ rồi, phòng bên ngoài dành cho các cháu.
Pages: 1 2