Cuộc sống tuyệt diệu làm sao
Vào thời năm 1970, một trong những cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất ở Mỹ là truyện “Bố Già” (Godfather). Cốt truyện lại còn được chuyển thành phim ảnh do tài tử nổi danh Marlon Brando thủ vai chánh nữa. Bản dịch ra Việt ngữ do Ngọc Thứ Lang thực hiện cũng bán rất chạy tại miền Nam hồi đó.
Một trong những câu tôi nhớ nhất là của Bố già Don Corleone nói trước khi ông tắt thở, sau khi bị té xuống đất bên luống cây cà tô mát do ông vẫn chăm sóc thường ngày. Câu nói đó như sau: “Cuộc sống tuyệt diệu làm sao”! Và tôi xin mượn câu nói đó để làm nhan đề cho bài viết này.
Sau năm 1975, thì tôi mới ở vào tuổi 40, cái tuổi mà cha ông mình vẫn hay nói “Tứ thập nhi bất hoặc”, tức là khi đến tuổi bốn mươi rồi, thì con người đã đủ chín chắn trưởng thành, không còn để cho mình bị mê hoặc bởi bất cứ chuyện gì ở trên đời nữa, cụ thể như bị quyến rũ đến mê mệt bởi tiền tài, danh vọng hay sắc đẹp chẳng hạn. Thế nhưng cuộc đổi đời sau ngày người cộng sản chiến thắng ở miền Nam Việt nam, thì đã gây ra không biết bao nhiêu xáo trộn khắp nơi trong xã hội, cũng như bao nhiêu thảm cảnh trong các gia đình.
Hồi đó, tôi theo lời dặn của người xưa , được tóm gọn trong câu “loạn thế độc thư”, tức là trong lúc loạn lạc, thì mình ráng đọc sách để trau dồi sự hiểu biết và di dưỡng tinh thần thêm cho mình. Mà ở chợ trời bán sách cũ tại con hẻm được mệnh danh là “Hẻm Cá Hấp” phía sau rạp Đại nam, thì có không biết bao nhiêu là quán chuyên bán sách báo cũ của miền Nam thuở trước với giá thật là rẻ rề. Vì thế cho nên tôi mặc sức mà thực hành cái lối “độc thư” như các cụ nói ngày trước. Và quả thật, cái việc đọc sách như thế đã thật là đắc dụng đối với tôi hiện nay trên đất Mỹ, nơi các trường Đại học trong các khóa hội thảo tôi tham dự từ nhiều năm gần đây. Chi tiết này, tôi sẽ viết riêng trong một dịp khác vậy.
Ở vào cái thế “ về hưu bất đắc dĩ” sau năm 1975 oan nghiệt đó, tôi tìm đọc được một số sách của các tác giả nổi danh viết về mục “ làm sao cho tuổi già được hạnh phúc”, điển hình như cuốn “l’art de vieillir”(Nghệ thuật sống già) của văn hào Andre’ Maurois người Pháp, hay của triết gia Bertrand Russell người Anh với bài “How to grow old” (Làm sao sống với tuổi già?). Cả hai tác giả này đều cho tôi những lời khuyên rất thiết thực và hữu ích, đại khái như “ người lớn tuổi không nên quá bận tâm, lo lắng về chuyện riêng tư của con cái đã đến tuổi trưởng thành, vì thế hệ trẻ có lối sống và suy nghĩ khác biệt hẳn đối với lớp người già. Và người đã về hưu, sau khi đã cống hiến đày đủ cho cộng đồng xã hội trong suốt bao năm tháng hoạt động sôi nổi rồi, thì cứ việc thanh thản thoải mái mà nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tinh thần. Còn chuyện quốc gia đại sự, thì đó là trách nhiệm chính yếu của lớp người hiện đang nắm giữ vai trò điều hành công việc của xã hội, và mình chỉ nên đóng vai trò cố vấn hỗ trợ khi được hỏi đến, chứ không nên quá sốt ruột mà đứng ra bao biện mọi chuyện vốn không phải là thuộc thẩm quyền của mình. Đại khái, cái thái độ “tách mình ra khỏi sự ràng buộc của chuyện đời” như vậy (detachment), thì mới giúp ta có được một cuộc sống hạnh phúc viên mãn với tuổi già của mình được.
Ngoài ra, vào năm 1985-86, tôi lại còn được mấy bạn thân thiết rủ đi theo học lớp “Thể dục Dưỡng sinh” do Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng tổ chức tại Viện Y học Dân tộc gần với phi trường Tân Sơn Nhất nữa. Các bạn già lại có dịp thường xuyên gặp gỡ chuyện trò tâm sự, tập luyện hít thở và uốn nắn cơ thể theo các thế võ yoga thích hợp với tuổi cao niên, thì thật là phấn khởi tinh thần lắm lắm vậy.
Rồi ngay tại vùng Little Saigon này, từ mấy năm gần đây, tôi lại có dịp được tham gia lớp thể dục được mệnh danh là “Nhóm Thể dục Khí công Hoàng Hạc” do sự hướng dẫn của Bác sĩ Phạm Gia Cổn, thì thật là một dịp may mắn rất thuận tiện cho việc giữ gìn và bồi bổ sức khỏe của lớp người lớn tuổi “thất thập cổ lai hy” như tôi rất nhiều nữa. Nhân tiện, tôi cũng xin ghi lại đây là : Nhóm Hoàng Hạc sắp sửa kỷ niệm năm thứ tư Ngày thành lập Nhóm, được tổ chức vào ban trưa Ngày Chủ nhật 25 Tháng Bảy tại Phòng họp của Nhật báo Người Việt trên đường Moran, thành phố Westminster California.
Nói chung, thì muốn sống hạnh phúc, con người cần phải giữ được sự quân bình giữa thể chất và tinh thần, đúng như người La mã ngày xưa vẫn thường nói : “Mens sana in corpore sano” ( Tinh thần minh mẫn trong cơ thể tráng kiện). Nhờ có sự tập luyện thể dục và ăn uống kiêng cữ điều hòa, mà tôi luôn giữ được sức khỏe về vật chất cũng như tinh thần , hầu giúp tôi có thể bền bỉ kiên trì theo đuổi công việc thường ngày của mình, để làm tròn bổn phận đối với gia đình và đối với cộng đồng xã hội. Và đổi lại, khi tôi đi đến đâu và gặp gỡ người nào, thì tôi cũng đều nhận được sự đón tiếp thân tình nồng hậu của mọi người, như tôi đã có nhiều dịp tường thuật chi tiết trong các bài bút ký gần đây vậy.
Ngay cả trong khi tôi bị chánh quyền cộng sản nhốt ở trong các trại giam tù chính trị tại Việt Nam, thì tôi vẫn gặp được những sự chăm sóc vỗ về an ủi của các bạn đồng cảnh khác. Điển hình như của Thầy Đạt, tức Hòa Thượng Thích Huệ Đăng, người vừa mới qua đời tại Việt Nam trong năm 2009 vừa qua. Các anh em tù chính trị chúng tôi vào hồi thập niên 1990 ở nhà tù Khám lớn Bà Chiểu Gia Định, Khám lớn Chí Hòa, hay tại Trại Z30D Hàm Tân Phan Thiết, thì không làm sao quên được giọng nói sang sảng, tiếng cười dòn dã, và nhất là câu nói bất hủ của Thầy Đạt : “ Anh em mình có duyên hạnh ngộ mà được gặp gỡ, sống chung với nhau trong giờ phút này, thì đó chẳng phải là một niềm vui, niềm hạnh phúc tuyệt vời đó sao ?” Quả thật, Thầy Đạt đã giúp cho tôi được sống những giây phút tuyệt diệu, ngay trong lúc bị giam giữ nhiều năm trong nhà tù khắc nghiệt của chánh quyền cộng sản ở Việt nam. Nay Thầy đã về phía bên kia thế giới, nhưng cái kỷ niệm tốt đẹp của Thầy thì không bao giờ anh em chúng tôi lại có thể quên mất được. Xin được bày tỏ sự biết ơn và lòng quý mến đối với Thầy Đạt là người bạn tù chính trị tuyệt vời của nhiều anh em chúng tôi ở Xuân Phước, ở só 4 Phan Đăng Lưu, ở Chí Hòa, ở Hàm Tân, ở Xuân Lộc…
Cũng vào ngày Chủ nhật 25 tháng Bảy này, tại Little Saigon lại còn có Đại Hội Trưng Vương Hạnh Ngộ Tòan Thế giới của các cựu Nữ sinh TV nữa. Tôi đã có mặt chia vui với các chị em tại Houston Texas nhân Đại Hội vào Tháng Tư vừa qua, rồi nay vừa về lại California thì cũng đúng vào dịp Đại Hội Trưng Vương lần nữa. Đó chẳng phải là một cuộc trùng phùng gặp gỡ tuyệt diệu lắm sao. Vào ngày Chủ nhật bữa đó, ban trưa thì tôi sẽ gặp lại các bạn trong Nhóm Hoàng Hạc với Bác sĩ Võ sư Phạm Gia Cổn, còn ban chiều thì sẽ lại gặp với các chị em Trưng Vương với Nhà văn Bích Huyền đứng mũi chịu sào cùng với các bạn, lo lắng chuẩn bị việc tổ chức suốt cả mấy tháng nay rồi.
Chính là với tâm trạng náo nức mong đợi đến hai cuộc Họp Mặt vui mùng đó, mà tôi đã thực hiện bài tâm bút này vậy đó.
Westminster, Trung tuần Tháng Bảy 2010
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
Đã đọc những bài viết của ĐTL về những chuyến đi Âu Mỹ của ông cho Conseil Oecuménique des Eglises thì thấy có một số bạn cũng là những người quen biết của ông,nhưng bây giờ qua bài viết này mới thấy ông chăm chỉ tham dự các hội hè TV để”chia vui với các chị em”,thì ông có phải là”rể TV”(như ông Thi Sách!) không?!Nếu có thì giai đọan này của”Cuộc sống tuyệt diệu làm sao”,là nhất đời đấy!Và Congratulations to”con cháu hai Bà TV”!
Dung “Cuoc song thi tuyet dieu ” ( The Life is wonderful ). Neu chung ta co may man gap nhung nguoi tuyet dieu …….. nhu Thay Dat …..