Phẩm chất cuộc sống
Hôm 11/5/2010 một bài báo do bà Tina Susman, phóng viên của tờ New York Times thuật lại chuyện một thanh niên tên là Hugo Alfredo Tale-Yax, 31 tuổi gốc Guatemala nằm chết bên lề đường ở quận Queens thuộc thành phố New York.
Chuyện xẩy ra ngày 18/4/2010. Theo tường trình của cảnh sát, ông Hugo Alfredo Tale-Yax từ nước Guatemala, Trung Mỹ di cư đến Hoa Kỳ cách đây 6 năm. Hôm 18/4 đang lang thang ngoài phố Queens trong một khu của người lao động ở có nhiều người qua lại, Tale-Yax thấy một người phụ nữ (không rõ gốc gác) và một người đàn ông cãi vã nhau. Máy ghi tự động trên đường phố (được thiết đặt sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001) ghi người phụ nữ tóc nâu dài, mặc váy ngắn và một áo khoác ngắn có tay. Người đàn ông mặc sơ mi ngắn tay đầu đội một chiếc nón loại vải mềm không vành. Khi thấy người đàn ông hành hung người phụ nữ Hugo Tale-Yax nhảy vào bênh vực và bị người đàn ông dùng dao đâm vào ngực. Tale-Yax gục xuống trước cổng một cư xá.
Người đàn bà cũng như người đàn ông đâm Tale-Yax biến mất. Người ta nghi ngờ giữa 3 ba người có một quan hệ nào đó và câu chuyện còn nhiều khúc mắc cảnh sát New York đang điều tra.
Nhưng phần câu chuyện cả thế giới biết và bàn tán là chuyện ông Hugo Alfredo Tale-Yax bị thương nằm ôm ngực đầy máu rên rỉ hơn một giờ đồng hồ tại một góc phố đông đúc mà không một ai đoái hoài giúp đỡ. Máy ghi hình cho thấy có người đứng lại nhìn, có người lấy điện thoại cầm tay ra chụp hình, có người đến vỗ nhẹ vào vai Tale-Yax, lật người nhận diện thấy vết thương rồi bỏ đi. Chín mươi phút sau, khi xe cứu thương đến thì Hugo Alfredo Tale-Yax đã chết.
Vụ này xẩy ra đúng 13 ngày trước ngày 1/5, khi Faisal Shahzad, một tên khủng bố người Mỹ gốc Pakistan định đặt bom tại Time Squares trong khu Manhattan. Vụ nổ bom bất thành nhờ một người bán hàn rong nghi ngờ báo cho cảnh sát.
Tòa lãnh sự Guatemala đã yêu cầu giữ xác Hugo Alfredo Tale-Yax ở nhà quàn khi cảnh sát đang điều tra, và giúp thân nhân của nạn nhân trả chi phí tổ chức một buổi thăm viếng quan tài Tale-Yax trong 6 giờ vào ngày 28/4 để những ai quan tâm có thể đến quan sát.
Xác Hugo được đặt trong một quan tài để mở với dòng chữ “Descance en Paz” (Yên Giấc Ngàn Thu) trang nghiêm. Nhiều người Mỹ không quen biết đã thân hành đến nơi chào Hugo lần cuối.
Bà Rosa Akidil, cư dân thành phố New York, thắc mắc một cách đơn giản: “Người phụ nữ đó bây giờ ở đâu? Có thể bà ấy không còn sống đến giờ này nếu không có người đàn ông này can thiệp và chết thay!”
Ông Kevin Dotson cũng dân New York triết lý: “Cứ mỗi người đi qua nơi Hugo Alfredo Tale-Yax đang hấp hối mà không phản ứng gì là lòng nhân đạo của con người đối với con người bị tổn thương thêm một chút .”
Và mục sư Luis Fernandez giận dữ: “Chúng ta đến đây để làm việc”. Ông nhắc đến luật di cư bang Arizona vừa ban hành có tính chất kỳ thị người gốc Nam Mỹ và đang là một đề tài sôi nổi toàn quốc và một số hành động kỳ thị trước đây tại thành phố New York và kết luận: “Qua lăng kính của Phonix (thủ đô bang Arizona), người dân ở đây xem Hugo là một tội phạm chứ không phải một con người.”
Người nước ngoài tự hỏi tại sao ở thành phố New York, nơi có một hệ thống kiếm soát an toàn đường phố chu đáo nhất, một việc như vậy có thể xẩy ra. Mỗi góc đường đều có bảng viết và máy phóng thanh nhắc nhở người đi đường báo cáo cho cảnh sát mọi sự bất thường trên đường phố.
Và vụ Hugo Alfredo Tale-Yax làm người ta nhớ đến vụ cô Kitty Genovese năm 1964. Cô Genovese 25 tuổi bị hiếp dâm và bị đâm chết ngay trên đường phố của quận Queens. Cô kêu cứu, nhiều người nghe nhưng không ai can thiệp hay gọi cảnh sát giùm. Vụ này gây sôi nổi và một số nhà tâm lý tại các đại học đã mở nhiều cuộc nghiên cứu tìm hiểu sao con người New York có thể vô cảm như vậy.
Nhưng có phải người Mỹ hay con người thành phố New York vô cảm không? Hay còn có những nguyên nhân sâu xa khác?
Bác sĩ Paul Fink, giáo sư tâm thần tại đại học Temple ở Philadelphia và từng là chủ tịch của Hiệp hội bác sĩ tâm thần của Hoa Kỳ nói rằng khi con người không cảm thấy mình bị đe dọa trực tiếp người ta không bị thúc bách hành động. Và chuyện vô cảm đối với cô Genovese hay với Hugo Alfredo Tale-Yax có thể xẩy ra ở đâu chứ không riêng gì ở New York.
Nhiều người đến tiễn biệt Hugo thành thật nói rằng khi tự hỏi mình phản ứng như thế nào nếu đã thấy Hugo Alfredo Tale-Yax nằm trên vĩa hè thành phố hôm đó nói họ cũng có thể bỏ đi vì nghĩ có phần chắc Hugo là một kẻ vô gia cư (homeless).
Hugo Alfredo Tale-Yax thuộc một gia đình khá giả tại Guatemala gồm 7 anh chị em, 5 trai 2 gái và bằng cách này cách khác, hợp pháp và không hợp pháp đã lần lượt di cư đến Hoa Kỳ. Byron, 24 tuổi, em của Hugo Alfredo Tale-Yax nói chúng tôi cũng như nhiều người trên thế giới đã đi tìm đất hứa.
Sau vụ cô Genovese năm 1964, không biết các cuộc nghiên cứu dẫn đến kết luận gì, tôi không có tài liệu để thuật lại. Nhưng có hai điều để chúng ta quan tâm.
Tháng 6 năm 1978 nhà văn Nga Solzhenitsin sau 4 năm tị nạn tại Hoa Kỳ, ông được mời đọc diễn văn tại đại học Harvard. Ông miêu tả lối sống xuống dốc của con người trong cả hai khung xã hội Đông Tây, đặc biệt tại Tây phương. Ông nhận xét luật lệ xã hội phức tạp máy móc làm cho con người không thể sống với nhau bằng trái tim một cách tự nhiên.
Thứ hai, con người càng thắng thiên nhiên để cung cấp cho mình một đời sống đầy đủ tiện nghi con người hủy hoại môi trường sống trong khi tinh thần trở nên căng thẳng vì mối lo vật chất. Con người bỗng nhiên thấy phẩm chất cuộc sống mất dần.
Qua câu chuyện cô Genovese năm 1964 và Hugo Alfredo Tale-Yax đều xẩy ra tại New York Hoa Kỳ, nếu người ta nghĩ người Mỹ hay đặc biệt người dân sống ở thành phố New York là vô cảm thì không có gì nhầm lẫn hơn.
Sự vô cảm là sản phẩm của con người và do con người. Nó có bất cứ ở đâu trên trái đất nếu có cùng điều kiện. Tại sao chúng ta hay nghe nói nhiều ở Mỹ mà ít khi nghe thấy ở nơi khác? Chỉ vì Hoa Kỳ có một trình độ vật chất và luật lệ ràng buộc phức tạp trồng tréo hơn các nước khác. Đơn giản chỉ là vậy.
Tổ chức xã hội càng máy móc tinh vi, sự thúc bách của cuộc sống càng mạnh, luật lệ ràng buộc càng nhiều, con người càng đánh mất bản chất nguyên thủy “nhân chi sơ tánh bản thiện” và trở nên ít quan tâm đến đồng loại.
Trên đường phố New York người dân Mỹ có quá nhiều lo âu thúc bách về cuộc sống. Họ không có thì giờ, và nói như bác sĩ Fink họ chỉ còn phản ứng tự vệ chứ không còn phản ứng bênh vực người khác. Luật lệ phức tạp cho họ biết rằng nếu thông báo cho cảnh sát họ sẽ được mời ra tòa ngày này qua ngày khác để làm chứng và ảnh hưởng đến sự làm ăn sinh sống của họ.
Hủy hoại cuộc sống tinh thần, hủy hoại khung cảnh thiên nhiên là cái giá của đời sống văn minh vật chất. Và sự tìm về với đời sống nguyên thủy là một nhu cầu.
Điều này giải thích hiện tượng hình thành những môn pháp tu hành đặc biệt như nhóm mục sư James Jones (đưa gần 1.000 con chiên sang sống biệt lập theo sách vở tẩy não tại Guana, Nam Mỹ, và sau khi giết một dân biểu quốc hội Hoa Kỳ sang điều tra, mục sư Jones thuyết phục tất cả 912 con chiên uống thuốc độc pha chế bằng cyanide tự sát tập thể ngày 18/11/1978) . Hiện tượng môn phái mục sư Sun Myung Moon hoạt động tại Hoa Kỳ thập niên 1970 và 80 với những lễ cưới tập thể cho tín đồ của ông. Và nó giải thích hiện tượng Vô Thượng Sư Thanh Hải trong cộng đồng người Việt. Nhiều bác sĩ, kỹ sư thành công từ bỏ cuộc sống gia đình lên đường theo chân Cô vô điều kiện. Họ chịu hết nổi áp lực của vật chất và luật lệ xã hội nên theo Thầy, theo Cô để mưu tìm một đời sống tâm linh thoải mái.
Cho nên câu chuyện của Hugo Alfredo Tale-Yax không phải chỉ xẩy ra tại đường phố New York. Nó có thể xẩy ra bất cứ nơi nào Âu hay Á nếu có cùng điều kiện sống của xã hội Hoa Kỳ. Đoạn phim 90 phút ghi hình ảnh bao nhiêu người qua kẻ lại bên cạnh thân mình rĩ máu chờ chết của Hugo Alfredo Tale-Yax một cách vô cảm là tiếng chuông báo động chung cho nhân loại, không phải chỉ riêng cho cư dân thành phố New York.
Như một người phu đi đẵn cây, con người phấn khởi đi vào rừng vừa phá rừng vừa hưởng bao nhiêu hoa thơm cỏ lạ của rừng. Cho đến khi đẵn quá nhiều, đi quá xa, ngoài cảnh vật hoang tàn con người còn gặp thú dữ chờ chực bên gốc cây hay trong bụi rậm.
Cảm thấy mối nguy muốn ra nhưng không biết có còn nhớ đường về!
Bài do tác giả gửi tới