WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hội chứng Hậu Thuộc địa

Tháng tư, 1956, người Pháp chính thức cuốn cờ và triệt thoái khỏi miền Nam Việt Nam chấm dứt chế độ thực dân Pháp sau ngót một thế kỷ. 80 năm có lẻ ở Nam Kỳ và 60 năm ở Bắc Kỳ.

Miền Nam lúc bấy giờ có khoảng 7000 người Việt quốc tịch Pháp. Người ta ghi nhận đã có hơn 6000 người trong số đó xin hồi tịch.

Những người có “máu mặt” như quý ông đại sứ Trần Văn Chương, y sĩ Trần văn Đôn, cha ruột của tướng Trần Văn Đôn và một số sĩ quan như tướng Trần Văn Minh, Trần Văn Đôn đều hồi tịch, tự động xé bỏ quốc tịch Pháp.

Đây có thể coi như cuộc trở về của một số “đứa con hoang đàng” (Enfant prodige) theo một nghĩa trong Thánh Kinh đã kể lại- một sự trở về nhà cha như một cuộc làm hòa giữa quá khứ-tương lai-. Quá khứ thì khép lại, tương lai thì mở ra.

Nhưng xé bỏ một tờ căn cước có đủ để người ta quay trở về cội nguồn với con người Việt Nam không? Xóa đi một cái ranh giới địa lý hay ranh giới pháp lý chỉ cần làm một cử chỉ “cái roẹt” là xong, nhưng cái ranh giới tinh thần là công việc còn lại của mỗi người, có khi làm cả đời không xong!

Cuộc hồi tịch này diễn ra thầm lặng đến nhiều người không hay biết vì không ai muốn nó được công khai hóa trên mặt báo và được hiểu là một điều đương nhiên phải như thế.

Chế độ thực dân chính thức không còn nữa và người Mỹ đến thay thế chỗ của người Pháp.

Phần ông Diệm – ở bình diện cơ chế – coi như ông đã thực hiện được hai bước trong tiến trình ba bước chính trị của ông: Bài Phong, Phản Đế, Diệt Cộng.
Nhưng ở mặt tinh thần, nước Pháp xa cách Việt Nam 16 000 cây số, vậy mà về mặt tâm tư thì nhiều người Việt Nam sinh sống ở VN cảm thấy “gần” nước Pháp hơn là người hàng xóm của mình. Cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu còn đi xa hơn, vào năm 1946 có chủ trương tách Nam Việt Nam ra khỏi Quốc Gia VN. Những người như thế đã được ông Bảo Đại mời ra lập chính phủ vào ngày 6-5-1950!

Chưa kể tệ hại hơn nữa, nhiều người Việt-gốc Pháp còn khinh văn hóa Việt, lối sống Việt vì họ coi là quê mùa, hủ lậu..Điển hình như trong Lục tỉnh Tân Văn, số hai, có bài viết lên giọng dạy đời nhận xét:

“Người Annam hay dùng chữ Nho mà ta ít hay hiểu lý cao kỳ…ăn cắp chữ Tàu dùng qua chữ Quốc Ngữ … song việc dùng câu chữ Tàu như vậy thì chẳng phải lẽ, thiếu gì cách nói, sao lại dùng tiếng chi bậy bạ vậy?
(Trích bài Dùng sái nghĩa, LTTV, số 2 trong Tuyển tập các số LTTTV)

Trích dẫn đoạn văn trên chỉ muốn gián tiếp nói điều này: Phê phán những kẻ sùng bái dùng chữ Nho” tiếng chi bậy bạ- ” thì bản thân họ, những người phê phán lại sùng bái thứ chữ -xì xà xì xồ- nghe đến ngứa lỗ tai!
Cái tâm lý trên chỉ muốn nói lên một điều rằng Hội Chứng Hậu Thuộc Địa tưởng rằng đã qua rồi, nhưng thật ra nó còn kéo dài dài trên nhiều mặt sau đây…

Hội chứng trọng thi cử

Tổ chức thi cử ở mọi cấp vẫn nặng nề trường ốc – học ba năm thi một giờ – vẫn lấy kết quả thi cử là thước đo nhân tài. Tiểu học thi theo tiểu học, trung học đệ nhất cấp rồi đệ nhị cấp đến hai lần thi tú tài 1, tú tài 2. Lên đại học thi tuyển.

Tôi nhìn lại, việc thi cử không mang ý nghĩa chứng nhận một trình độ đã học. Nó mang tính “đầy đọa” con người.

Nhiều vị ra đề thi phải hỏi hóc búa, đề toán phải có câu hỏi “lừa” được thí sinh mới là trứ danh. Thời trước nhiều giáo sư nổi tiếng chỉ nhờ cái tài “Hóc Búa” với thí sinh như giáo sư Hoàng Cơ Nghị, giáo sư Nguyễn Văn Lúa. Gặp giáo sư Lúa chấm pháp văn là “lúa đời” có nhiều hy vọng được 1, 2 gậy, ngay cả 0 nữa.

Cái lề lối thi cử ấy có từ thời tây thuộc địa. Đó chỉ là những rào cản, chẳng thấy Khai phóng gì cả (Ở đây xin không đề cập đến lề lối thi cử của các cụ nhà Nho).

Việc thi cử ấy trước đây rập theo chương trình thi cử của hệ thống giáo dục Pháp tương đương với các bằng: Certificat d’études primaires élémentaires. Brevet d’enseignement primaire supérieur. Brevet élémentaire và Brevet supérieur.

Nhưng không tránh được nó làm hao tổn tinh thần cho học sinh mới 11, 12 đã học như “quốc kêu mùa hè”. Nhưng cái rào cản tú tài 1 và 2 mới giết chết và làm hao mòn tuổi trẻ.

Không có lý gì 100 học sinh tiểu học tiếp tục học lên, rơi rớt dọc đường, ùn tắc chặt cứng ở rào cản tú tài và đại học như nêm cố như nút chặn tương lai. Và không chắc đến 10 người được bước vô cửa chính của Đại Học.

Họ bị vứt ra đời với hai bàn tay trắng. Không nghề nghiệp, không tương lai. Cả một thế hệ thanh niên sụp xuống hố, chôn vui cả tuổi trẻ.

Mặc dầu có những hạn chế do thi cử, nền giáo dục thời Đệ nhất Cộng hòa VNCH- từ cấp tiểu học trung học- phát triển rầm rộ sau đó bị chặn đứng với rào cản tú tài.

Năm 1954-1955, chúng ta có 363.160 học sinh tiểu học. 6 năm sau lên con số lên đến trên một triệu: 1.001 757 học sinh.

(trích: Sáu năm hoạt động của chính phủ VNCH, Hồ Đắc Huân, tr. 645).

Một phần ở cấp Trung tiểu học, người Mỹ “thong thả nhúng tay vào” do các cố vấn Mỹ từ trường đại học Ohio. Họ trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn đưa ra các dự án như: giáo dục cộng đồng, giáo dục tổng hợp, giáo dục chuyên nghiệp và kỹ thuật. Sau này, dần dần chế độ thi cử được thông thoáng hơn. Do sự cố vấn của Mỹ, các kỳ thi tiểu học, trung học được bãi bỏ.

 

Nhớ họ mà giáo dục được cải tiến nhiều

Nói về việc thi cử ảnh hưởng Pháp, xin dùng cuốn sách Một chút lịch sử Y Khoa Đại Học đường của giáo sư Trần Ngọc Ninh để dẫn giải . Ngoài tác giả là giáo sư TNN còn các bác sĩ Hoàng Tiến Bảo, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Lương Tuyền (Thiếu bài của giáo sư Hoàng Tiến Bảo, mặc dầu có tên ở trang bìa sách) đều chỉ nhấn mạnh tới sự thành lập Phẫu Nhi Khoa và Phẫu Khoa trực Nhi mà không đủ điều kiện để giới thiệu các khoa khác? Đối với một người ham học hỏi thì cũng mong muốn được biết sự hình thành và phát triển của ngành Y khoa Sài gòn nói chung ra sao như lời giới thiệu của bác sĩ Trân Đình Thắng trong lời nói đầu:” Y Khoa đã tiến một bước dài, Y khoa đã tiến một bước lớn”.

Nhưng điều quan trọng hơn nữa là cũng mong muốn được biết kết quả về số bác sĩ được đào tạo ở miền Nam là bao nhiêu? Nhiều ít như thế nào? và tại sao lại nhiều ít?
Được biết( theo Wikipedia), từ năm 1947 đến 1954 , cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, số tốt nghiệp y khoa bác sĩ vào khoảng 130 người- Một con số ít hơn cả thời gian mới thành lập năm 1902!

Cắt nghĩa về sự ít oi này thì người ta đổ cho chiến tranh. Trong Nam làm gì có chiến tranh như ngoài Bắc mà mỗi năm cũng chỉ đào tạo được 5-10 bác sĩ ?

Nhưng từ năm 1955 trở đi đến 1975 ở trong Nam được chia ra hai thời kỳ: thời kỳ 1955-1966 chịu ảnh hưởng Pháp. Số ra trường còn rất ít.

Từ 1966 bắt đầu chịu ảnh hưởng Mỹ, mỗi năm lấy 200 sinh viên, nhờ đó số bác sĩ tăng lên rất nhiều.

Kết quả từ 1947 đến 1975, haI trường y khoa Hà Nôi và Saì gòn thì tính từ 1954 trở đi, miền Nam có khoảng 2300 bác sĩ.

Giai đoạn 54-1966 là giai đoạn ảnh hưởng giáo dục Y Khoa Pháp cho thấy kết quả số lượng thấp- và thấp đáng ngại, thấp đáng phải lên án khi không đếm xỉa gì số phận những bệnh nhân chết oan vì không thầy, không thuốc !

Cuốn sách cũng không giúp người đọc nắm được con số các bác sĩ chuyên khoa được đào tạo trong số gần 2000 bác sĩ ra trường.

Ngành giải phẫu vốn là niềm hãnh diện của giới bác sĩ Y Khoa Sài Gòn với các giáo sư thạc sĩ Nguyễn Hữu, Phạm Biểu Tâm, Trần Ngọc Ninh.

Có tài liệu nào cho phép chúng ta biết được có bao nhiêu bác sĩ chuyên khoa giải Phẩu đã được đào tạo bởi chính tay ba vị thầy kể trên !! Cứ giả dụ rằng mỗi năm ba giáo sư(giáo sư Ninh về nước trễ vì đi du học) nhận 5 học trò thì trong 21 năm, ít lắm chúng ta cũng có được 200 bác sĩ giải phẫu?

Những băn khoăn thắc mắc của người viết là khi chiến cuộc leo thang, hàng ngày có hàng trăm thương bệnh binh gửi về các bệnh viện trên toàn miền Nam như bệnh viện Cộng Hòa, Duy Tân Đà Nẵng vv.. Các bác sĩ Việt Nam đang giải phẫu tại các nơi ấy học giải phẫu ở đâu, bởi thầy nào để có thể làm được đủ mọi loại giải phẫu trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh của các thương bệnh binh?

Hội chứng bằng cấp ở Pháp

Việc học, việc thi cử là để đi đến chỗ có được bằng cấp.

Thi cử càng khó khăn thì bằng cấp càng có giá trị. Bằng ngoại quốc thì có giá hơn bằng trong nước. Cùng học ở ngoại quốc, nhưng bằng đậu ở Pháp có giá hơn bằng ở Tân Tây Lan, ở Anh quốc, Thụy Sĩ hay Bỉ.

Hội chứng Hậu thuộc địa rõ ràng là ở chỗ này:

Bằng cấp là thước đo chiều cao tinh thần và định vị xã hội. Ngay chính bản thân ông Diệm cũng không tránh khỏi cái bệnh bằng cấp trong đầu.

Trong cách xưng hô, ông Diệm chỉ gọi bằng Ngài những người như ông Vũ Văn Mẫu, ông Vũ Quốc Thúc vì họ có bằng thạc sĩ luật (thường các người khác ông gọi trống không). Sau này tôi mới vỡ lẽ ra là việc nhỏ, việc lớn gì ông Diệm cũng để mắt vào. Như việc bổ nhiệm một ông quận trưởng-chức vị nhỏ nhoi- vị quận trưởng tương lai cũng phải vào trình diện cho ông Diệm “coi tướng”

Vậy mà việc bổ nhiệm những chức vụ viện trưởng, khoa trưởng, việc chuyển hóa tiếng Việt ở đại họcvv.. ông hầu như không mấy quan tâm? Vì ông Diệm nể những người có bằng cấp?

Bằng cấp là một giấy mua vé vào đời bằng cửa lớn, cơ hội thuận tiện cho những hợp đồng hôn nhân cân bằng tính toán giữa sắc đẹp, tiền bạc và bằng cấp. Người đời từng nói: Phi cao đẳng bất thành phu phụ.

Những bằng từ trường Pháp ở Việt Nam và nhất là từ nước Pháp thì vẫn là nhất. Oai hơn nữa nếu là bác sĩ học và ở Pháp.

Cái oai ấy được bác sĩ thiếu tướng Vũ Ngọc Hoàn viết:

“Các quan tây công sứ, các quan đầu tỉnh Việt Nam còn nể vì các quan đốc tờ, hèn chi trước mặt thầy thuốc tây, ta chẳng thấy người dân run sợ, khúm núm. Địa vị đã cao trọng trong xã hội, lại bị ngoại cảnh chi phối dần dà các quan đốc tờ sống xa rời dân chúng, giam mình trong một tháp ngà trưởng giả. Phải thú nhận một điều là đa số các thầy thuốc ngày xưa đều có ít nhiều tác phong quan liêu, nhưng điều đó có thể cắt nghĩa được là vì bộ mặt phong kiến của xã hội và trình độ thấp kém của dân trí thời đó”.
(trích Quân Y quân lực VNCH, IBID, Vũ Ngọc Hoàn, tr. 21)

Đáng nhẽ cần viết thêm rằng:

Đồng thời nó tạo ra những huyền thoại chung quanh những bằng cấp đạt được ấy và khi “vinh quy bái tổ” thì đúng là cảnh áo gấm về làng trở thành những vị ăn trên ngồi chốc, giữ những địa vị then chốt trong môi trường đại học và ngoài đại học.

Về vấn đề giáo dục cấp Đại Học xem ra chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa ít can thiệp trực tiếp thô bạo vào việc đào tạo, vào chương trình giáo dục, vào tổ chức thi cử vv.
Vì Tổng thống Diệm nghĩ rằng tổ chức giáo dục tương đối đã có nề nếp, là tốt nhất. So với các lãnh vực khác, chính phủ ông Diệm cần quan tâm giải quyết như vấn đề kinh tế, bình định và phát triển nông thôn, phát triển quân đội.

Gọi là huyền thoại vì những bằng cấp ấy cũng có mặt tối của nó.

Chỉ riêng các lãnh vực khoa học nhân văn như sử học, triết học, văn học cho tôi thấy rằng sự chọn lựa đề tài liên quan đế luận án thì 10 người hết cả 10 đều chọn các đề tài liên quan đến VN.

Đây là một chọn lựa tạm gọi là “ăn gian”.

Chọn đề tài VN vì nó có lợi cho ứng viên mà bất lợi cho người chấm, vì họ không thể đọc được tiếng Việt, không có kiến thức chuyên ngành liên quan đến luận án. Vậy thì họ chấm cái gì, căn cứ trên tiêu chuẩn gì để cấp bằng tiến sĩ Quốc Gia của Pháp?

Có một luận án để lấy bằng tến sĩ quốc gia về văn chương đề cập đến tiểu thuyết Việt Nam, giai đoạn 1925-1945. Làm sao giáo sư Pháp chấm luận án đủ khả năng hiểu biết về các tác giả Việt Nam như Trần Tiêu, Thế Lữ, Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng, Nam cao, Nhất Linh,Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ, Lưu Trọng Lư? Đành chấm Phương pháp làm luận án, cách tìm tòi làm research? Rồi chính thí sinh làm luận án, nhiều khi tiếng Việt cũng chưa thông- chữ Hán mù tịt- có khi cũng chẳng đọc được đầy đủ về tiểu thuyết tiếng Việt. Nhưng làm thì cứ làm.
Vì thế, khi về VN dạy, thay vì dạy Quốc văn, ông lại dạy văn chương Pháp (trừ trường hợp giáo sư Thanh Lãng). Còn phần Quốc Văn thì lại nhường chỗ cho các vị giáo sư ở trong nước như Phạm Văn Diêu, Lê Hữu Mục, Vũ Khắc Khoan..vv..
Phần đông các giáo sư dạy triết khi làm luận án ở bên Tây đều chọn Triết lý Đông Phương cho “dễ”. Dễ không hàm ý triết học Đông Phương dễ, dễ ở chỗ người tây Phương không rành rẽ chữ Hán, chữ Phạn(đây là nói trước 1975) nên viết gì thì viết. Nhưng về thì dạy triết lý Tây Phương, nhường lại môn triết học Đông Phương cho các vị tự học ở trong nước như : Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn đủ loại. Đúng là học một đằng dạy môt nẻo.

Nhìn chung, việc làm luận án chỉ nhằm mục đích kiếm mảnh bằng- một bước nhảy- hơn là từ đó mở đường cho việc nghiên cứu tìm hiểu thêm về chuyên ngành.
Mảnh bằng tiến sĩ là bước mở đầu cũng như bước kết thúc việc học hỏi thêm.

Đọc một số các đề tài luận án tại Pháp cho thấy làm một luận án Tiến sĩ văn chương xem ra không lấy gì làm khó khăn – nói ” phách “một chút thì phải nói là dễ. Có nhiều đề tài luận án thật ra chỉ đáng là bài khảo cứu mà người ta có thể viết xong trong vài tháng.

Chẳng hạn như luận án tiến sĩ của bà Nguyễn Thị Ninh L’exode des Vietnamiens du Nord, après les accords de Geneve trình năm 1980, tại Lyon thì có gì đáng kể. Chỉ sợ bà còn viết bậy bạ theo tài liệu tuyên truyền của cộng sản, vì thời đó làm gì có những thống kê về số tầu, về số chi phí, về số người di cư như bây giờ!! Tôi dám chắc bà viết không đầy đủ vì thiếu tài liệu!! Hay một luận án khác về địa lý nhân văn: La Population de Saigon!!!!
Chú thích: về một số luận án tiến sĩ tại Pháp:

-BXB: Le roman Vietnamien contemporain: Tendances et évolution du Roman Vietnamien contemporain 1925-1945
-BTP: La politique de paix préconisé par Nguyen Truong To face au défi occidental au XIX sièle.
- TTL: Les catholiques Vietnamiens pendant la guerre d’Indépendance, 1945-1954.
- VNC: Political and Social Change in Viet Nam between 1940-1946
- NTA: Bibliographie critique sur les relations entre le Viet Nam et l’Occident. luận án tiến sĩ Quốc Gia: La monarchie des Nguyen de la mort de Tu Duc à 1925, 1987.
- PCD: Evolution de la situation économique et sociale de la paysannerie Vietnamienne de 1861 à 1945
- TTT: Les Concessions agricoles Francaises au Tonkin de 1884- à 1918, 1993.
- PTMLC : Huynh thuc Khang 1876-1947: dans le courant des réformistes du Trung Ky, sous la domination coloniale Francaise , 1996
- TVT: L’enseignement traditionnel en Annam, 1942
- CL: La politique de J.L de Lanesan en Indochine, 1952
- NMT: L’Annam dans la littérature francaise, 1932
- TVK: La musique vietnamienne traditionnelle, 1961
- NTN: L’exode des Vietnamiens du Nord, après les accords de Geneve, 1980.
- NVP: L’armée Vietnamienne 1949-1957, 1980
- CHT: Les missionnaires et la politique coloniale francaise au Viet Nam, 1857-1914, 1969.
- LTL: Population de Saigòn, 1969
-NVP : La Société Vietnamiennne de 1882 à 1902, d’après les écrits des auteur Francais, 1969
- VDH: La place du Catholicisme dans les relations entre la France et le VietNam de 1851 à 1870, 1970.
- LMH: L’âme Vietnamienne à travers sa littérature populaire, 1973
- PDB: Poètes Vietnamiens et poésie francaise (1913-1945), 1988.
- NXT: Les Francais dans le cycle de “La nuit Indochinoise.
- DVT : La Psychologie du paysan du delta, Étude surn la culture Vietnamienne, 1974 .
-NTH: Études de la littérature vietnamienne, 1978
-TTL: Vo Phien: culture nationale, lectures occidentals, 2001.
- NTTH : L’enseignement du francais à Ho Chi Minh ville depuis 1975, 2006.

Đã thế, những giáo sư có bằng tiến sĩ quốc gia ở Pháp về thì được xếp giáo sư thực thụ. Nhưng nếu đỗ tiến sĩ ở Thụy Sĩ hay Bỉ thì chỉ được xếp là giảng sư. Thanh Lãng có tiến sĩ tại Thụy Sĩ và có nhiều công trình nghiên cứu văn học hơn bất cứ giáo sư văn chương nào ở đại học văn khoa Sài Gòn chỉ được coi là giảng sư.

Trong khi một giáo sư với luận án tiến sĩ về tiểu thuyết VN giai đoạn 1925-1945 tại Paris, mặc dầu dạy Pháp văn, mặc dầu sau đó không có bất cứ công trình nghiên cứu lớn nhỏ nào trở thành giáo sư thực thụ

Điều gì xảy ra ở văn khoa thì có thể xảy ra ở Luật Khoa hay Y Khoa chăng? Ở những nơi ấy có điều chi giống, điều chi khác, điều chi hay hơn hay là tồi tệ hơn Văn Khoa?

Ít lắm thì khi viết xong phần này, tôi cũng tự giải tỏa cho mình một “huyền thoại” trước đây coi việc đỗ tiến sĩ ở ngoại quốc chắc phải giỏi lắm lắm!! Dù không có cơ hội đọc các luận văn tiến sĩ, nhưng chỉ đọc các đề tài luận án cũng có thể hiểu phần nào nội dung các luận án ấy được xếp ở trình độ nào?

Từ luận án tiến sĩ ở Văn khoa suy diễn ra các luận án tiến sĩ luật khoa, thạc sĩ luật khoa đến luận án tiến sĩ Y Khoa. Giá có bao giờ được may mắn chỉ cần đọc các đề tài các luận án chắc cũng đủ mãn nhãm lắm rồi!

Đại học Y khoa Sài gon có 16 giáo sư thực thụ. 7 giáo sư diễn giảng, 27 giảng sư và 41 giảng nghiệm viên. Tôi thực sự không biết những ai được coi là giáo sư thực thụ, những ai là giảng sư.

Có bao nhiêu vị học ở Mỹ về được coi là giáo sư thực thụ trong số 16 người? Những Đào Hữu Anh Hoàng Tiến Bào, Vũ Quỹ Đại, Nguyễn Khắc Minh, Đỗ Thị Nhuận, Bùi Duy Tâm, Nguyễn Ngọc Giệp được xếp vào loại nào? Lại có bao nhiêu vị bác sĩ trong danh sách đã làm luận án trong Bibliographie des theses của giáo sư Nguyễn Đức Nguyên và có chân trong ban giảng huấn được xếp vào giảng sư hay giảng nghiệm viên. Đã có bác sĩ nào là học trò của các thạc sĩ giáo sư VN được phong làm giáo sư?

Ai biết xin chỉ dùm

Hội Chứng đào tạo theo tây là tốt nhất

Cách đào tạo rập theo Tây có thể bắt đầu bằng các bằng tú tài. Chẳng hạn các chương trình triết học lớp đệ nhất nhái nguyên con triết Tây của Pháp. Cách phân chia các môn luận lý, đạo đức, tâm lý, siêu hình học là chương trình của Tây từ thập niên 1945-1950.

Nhất là càng lên cao ở trình độ Đại Học thì từ giáo sư đến chương trình học, việc thi cử đều theo Tây cả.

Quy chế sinh viên nội trú của trường Y Khoa đại học Sài Gòn là tiêu biểu điển hình thừa hưởng cái di sản của Pháp để lại – một điển hình nô lệ cách đào tạo của Pháp: Khắt khe, khó khăn, bảo thủ, ít ỏi.

Với việc thâu hồi chủ quyền đại học ngày 11-5-1955. Khoa trưởng Y Khoa đầu tiên là giáo sư Phạm Biểu Tâm. Niên học 1954-1955, toàn miền Nam có 2.154 sinh viên. Qua năm 1959-1960, số sinh viên tăng lên 9.007 người, trong đó Sài Gòn có 7924, Huế, có 1.083 người.

Có bao nhiêu sinh viên y khoa từ năm 1954 đến 1959?

Trích: Sáu năm hoạt động của chính phủ, Hồ Đắc Huân, trang 651

Ở trong Nam, trường Y Khoa được gọi là Centre d’Études médicales de Saigon, trụ sở tại đường Testard. Kết quả khóa thi năm 1949, có 39 bác sĩ Y Khoa.Thế là nhiều đấy.
Cũng theo tài liệu Sáu năm hoạt động của chính phủ thì trên toàn quốc, ta có 130 y sĩ vào năm 1954, sang năm 1960, miền Nam tự do có 184 .. Giả dụ trên toàn cõi có 130 y sĩ thì 3/4 ở miền Nam- nghĩa là khoảng 96 người .. Sáu năm sau, đào tạo thêm được mỗi năm trên dưới 15 người?

Điều đó có ý nghĩa gì?

Những con số dưới đây còn làm ngạc nhiên nhiều người, khi trường Y Khoa Hà Nội được mở nằm 1902 thì đến năm 1939 đã có 139 bác sĩ và 216 y sĩ Đông Dương. .
Trích Indochine, Pierre Brocheux, trang 257-25

Số lượng ít ỏi theo cách đào tạo như vậy có phù hợp với thực trạng và nhu cầu y tế của miền Nam không? Vấn đề là nhu cầu hay phẩm chất? Vấn đề nào là ưu tiên số một của ngành Y Khoa?

Theo giáo sư Trần Ngọc Ninh (Y khoa bác sĩ, 1923, 405 Hai Bà Trưng Sài gòn. Theo Niên lịch công đàn), người đã trải qua những kinh nghiệm đắt giá về chế độ sinh viên nội trú. Ông viết :

“Những năm đầu tiên của chế độ nội trú có một người đậu mỗi năm, mở đầu(1936) là anh Mai Sĩ Đoàn đã chết vì bệnh lao, rồi đến anh Trần Văn Bảng, anh Tôn Thất Tùng, anh Đặng Văn Chung, anh Phạm Biểu Tâm, anh Đinh Văn Thắng, anh Nguyễn Đình Cát, mỗi người một năm. Đến năm 1942 mới lấy hai người đậu, anh Nguyễn Hữu(giáo sư y khoa, bác sĩ giám đốc viện giải phẫu, sài gòn, theo tài liệu Niên lịch công đàn) và anh Nguyễn Văn Thành.

Trích: Một chút lịch sử y khoa, Đại Học Đường Sài Gòn, giáo sư Trần Ngọc Ninh, trang 35

Cũng theo giáo sư Ninh, kể từ 1966 trở về sau hằng năm có đến 25 đến 50 sinh viên được tuyển làm nội trú.

Tại sao mãi đến năm 1966 vấn đề sinh viên nội trú mới được mở rộng? Phải chăng vì chế độ học theo Pháp đã cáo chung? Cũng vào năm nay, một ông tướng võ biền Nguyễn Cao Kỳ đã phát lệnh đả phá trường Tây và chấm dứt liên hệ ngoai giao với Pháp!

Trường Y Khoa đưới cái dù của pháp như con nòng nọc đứt đuôi Giáo sư Pháp bỏ về nước. Bằng bác sĩ Y Khoa ở VN không còn được nhận tương đương với bằng Pháp.
Cũng theo giáo sư TNN là từ năm 1945 đã có việc sinh viên bãi khóa để đòi hỏi hủy bỏ chế độ nội trú ” bất công và thiếu nhân đạo”. Cũng từ năm 1945 đã có những soạn thảo về việc xử dụng tiếng Việt trong Y Khoa noi gương người khởi đầu xử dụng tiếng Việt trong ngành Khoa học là giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Những tiết lộ của giáo sư TNN là quý giá và rất quan trọng.

Ý hướng như thế là quá tốt đẹp. Vậy mà 30 chục năm sau, trường Y khoa vẫn giữ “giấc ngủ trưa”gò ép chế độ nội trú và việc chuyển ngữ tiếng Việt. Những ai là người trách nhiệm kìm hãm đà tiến và sự phát triển y khoa Sài Gòn trong tầm ngưỡng vọng theo kịp thế giới như bác sĩ Thắng mong đợi?

Và để đến nỗi sau này sinh viên y khoa Sàigon phẫn uất rồi bùng nổ bung ra, một phần do việt cộng dật giây đã biểu tình đòi hỏi việc chuyển ngữ tiếng Việt cũng như nới lỏng quy chế nội trú.

Đó là phản ứng tiêu cực chống đối các thầy, nhưng lại rất tích cực vì hai mục tiêu đòi hỏi rất chính đáng-đáng nhẽ phải được thực hiện từ lâu- đã không làm, đã nhất định giữ nguyên trạng tình trạng Hậu Thuộc địa theo lối đào tạo chính quy của Pháp.

Pháp dạy làm sao, đào tạo kiểu nào, ta đào tạo kiểu đó.

Mặc dù rất kính phục giáo sư TNN, nhất là về phạm vi văn hóa- mà nay chỉ có mình ông đứng ra đứng mũi chịu sào, vì ông Hữu bỏ đi Pháp từ thời đó, ông Phạm Biểu Tâm không còn nữa.

Nhưng luận cứ cho rằng:

“Nhưng vấn đề vô cùng phức tạp và có rất nhiều khía cạnh trong đó có sự dung hòa giữa nhu cầu giữ phẩm chất cho nền y học Việt Nam là một trách nhiệm mà giáo dục y khoa không thể không cân nhắc”.

Trích Tran Ngoc Ninh, IBID, trang 3
Tôi không dám lạm bàn đến Phẩm chất đại học. Nhưng tôi dám nói rằng quy chế nội trú y khoa là bất công đối với đa số sinh viên.

Đây là luận cứ có giá trị biện hộ hơn là giá trị chứng thực. Tôi đã hỏi một số bác sĩ thì phần đông đều ca thán về cách đào tạo của trường Y Khoa Sai Gòn. Nhiều người nhìn nhận khi ra trường còn ngù ngà ngù ngờ. Nói một cách hơi quá đáng, rành đỡ đẻ không hẳn phải nhờ thầy mà là nhờ kinh nghiệm đỡ đẻ do y tá truyền lại. Nếu không có bác sĩ Trần Đình Đệ, học hậu đại học về sản khoa ở Mỹ về thì ngành này đi đến về đâu?

Dù câu chuyện trên đây hé lộ một phần nhỏ sự thật cho thấy cách đào tạo của Y Khoa Sài Gòn vấp váp về nhiều mặt: Chương trình học lỗi thời, chậm lụt, kỹ thuật kém không thực tế, không bám sát vào nhu cầu y tế VN, nhiều chương trình học viển vông chỉ dùng cho nghiên cứu chuyên ngành, lý thuyết xuông, học mà không hành, học bằng mắt, học bằng xem mà không học bằng tay.

Học để là bác sĩ hơn là để làm bác sĩ.

Phương pháp giảng dạy, cách dạy, cách truyền đạt không nhằm đối tượng được truyền đạt mà nhằm chủ yếu người truyền đạt, tùy thuộc vào cá tính người truyền đạt- đôi khi phô trương và cả dấu nghề- đôi khi giữ tài liệu cho riêng mình-đôi khi lấy cái giỏi của mình làm cớ cho sự khinh miệt người khác.
Dĩ nhiên không thiếu nhiều thầy thương học trò, hết lòng chỉ dẫn.

Trò có mắt đế biết ơn thầy theo đúng đạo Thầy-Trò.

Nhưng một số sai lầm trên là những sai lầm từ căn bản- sai lầm về chủ đích giáo dục và triết lý giáo dục.

Dạy là truyền đạt mà nếu kết quả không đạt được thì lỗi ở người truyền đạt không phải người được truyên đạt. Trồng cây ăn trái mà không cho trái thì lỗi ở người làm vườn. Hai năm đầu y khoa là hai năm lý thuyết vô tích sự.

Chế độ dạy tiếng Pháp đi ngược lại quyền lợi sinh viên và tình tự dân tộc.

Chế độ nội trú (tôi không nói đến các resident ở Hoa Kỳ) cực kỳ khắt khe trong tuyển chọn tạo ra những ưu đãi tuyệt đối, quyền lực tối cao nơi ông thầy, hãnh tiến nơi người được tuyển chọn trong nỗi nhục nhã của những kẻ không được chọn và không đếm xỉa đến thành phần đa số còn lại. Giai cấp giữa giai cấp- bạn bè đồng nghiệp người cao kẻ thấp- bất công trong nhiệm vụ và sứ mạng phục vụ-lý tưởng, sự say mê trở thành đui què, thất vọng -nhẫn nhục trở thành sự khôn ngoan theo bước chân Hàn Tín-.
Cái đa số là mục đích của giáo dục và là triết lý giáo dục chứ không phải cái thiểu số.

Đa số hay thiểu sổ nếu không nắm được nguyên tắc ấy, làm giáo dục là phản giáo dục.

Cái lỗi lầm về giáo dục kéo dài chỉ người trong cuộc mới hiểu cho thấu.

Nhưng tôi vẫn tin vào lời phát biểu của giáo sư Trần Ngọc Ninh viết:

“Trong nghề bắn cung, chỉ có thể có một người giỏi nhất. Trong việc mổ không có vấn đề ấy. Trong sự dạy học, người thầy phải mong rằng học trò giỏi hơn thầy”

Trích Trần Ngọc Ninh, Ibid, trang 55.

Nhưng mặt khác, tôi vẫn nghe được những tiếng nói lỗi nhịp và lạc điệu.

Một bác sĩ trẻ học trò cha giáo sư Lichtenberger sau ngao ngán kể lại rằng có lần thầy bảo rằng nếu các anh không được học đến nơi đến chốn thì sau này chẳng khác gì các anh cầm dao mổ giết người một cách hợp pháp.

Đã có bao nhiêu những chẩn đoán, cầm dao giết người một cách hợp pháp? Vì không được đào luyện đến nơi đến chốn? Thế nào là đến nơi đến chốn? Học theo tây- không theo Mỹ- là đến nơi đến chốn?

Một vị khác cho biết cours về Hộ Sản bằng tiếng Pháp của một giáo sư dày cả trăm trang, đọc chẳng hiểu gì cho lắm. Nhưng khi có một vị giáo sư học từ Mỹ về cho một cái cours ngắn tóm tắt, mỏng hơn nhiều, đọc dễ hiểu, dễ nhớ hơn .. Nhưng nắm được ngay điều gì cănn bản y sĩ phải làm theo thứ tự ra sao cứ thế mà làm?

Trăm trang dài khác cái ngắn hơn ở cái gì ? Có cần tranh luận đến trở thành tranh chấp già-trẻ, tranh chấp theo Pháp hay Mỹ. Hay chỉ cần so sánh cái cours 100 trang và cái cours ngắn trang là đủ?

Ý kiến của các vị giáo sư thạc sĩ là đúng hay những ý kiến của sinh viên nhỏ nhoi phản ánh đúng thực trạng giáo dục Y khoa Sài gòn là đáng được nghe, được trân trọng?
Chỉ từ khi ra Hải ngoại, nhiều vị bác sĩ mới có dịp quay lưng ra ngoài cửa hang động(diễn giải theo môt huyền thoại Hy Lạp bàn về Kiến Thức thực-giả) để nhìn thấy ánh sáng mặt trời thay vì chỉ nhìn thấy bóng của chính mình và cảnh vật bên ngoài lay động phản chiếu trên bức tường hang động.
Cũng cái vị giáo sư học hộ sản từ Mỹ về cho cái “cours dài vài trang” đã không được các đàn anh theo tây ngấm ngầm ngăn cản không được bước vào phòng mổ. Chỉ đến lúc ông dời nhiệm sở cũ đi chỗ khác mới có dịp thi thố tài năng của mình.

Nếu điều này là có thực thì rõ ràng có sự kỳ thị, sự tranh chấp, sự đố kỵ giữa hai phe già, trẻ, theo Pháp, theo Mỹ.

Kẻ duy nhất chịu thiệt thòi trong cuộc tranh chấp này là các sinh viên Y Khoa Sài gòn.

Tôi đọc một vài bài viết hồi ký về chuyện đi thực tập của các sinh viên y khoa. Tôi có cảm tưởng đang đọc một đoạn mô tả “đám rước”, chỉ thiếu cờ xí, võng lọng và não bạt hơn là một buổi thực tập. Hầu hết từ người đi trong đoàn rước đến người đứng “ngoài vòng, đứng xa xa” chỉ là những khán giả đứng quan sát .. Đúng là phúc cho ai được làm nội trú, làm con cưng của thầy, vì y khoa dành cho họ.

Cách đào luyện khắt khe như thế hoặc có mục đích đào luyện thiên tài, hoặc nhân danh giữ gìn phẩm chất y khoa, hoặc chỉ là một hình thức kềm kẹp nhau không cho ai ngóc đầu lên được? Những ranh giới mong manh giữa các điều vừa kể trên có thể biến một điều tốt nhất, lý tưởng nhất trở thành tồi tệ nhất, đáng đỏ mặt. Cái tốt, cái xấu đan xen nhau- ranh giới rất mù mờ- bảo rằng lý tưởng cũng được- bảo rằng bảo thủ, bè phái, cố chấp cũng được- bảo rằng bảo vệ quyền lợi cũng được- mà một kẻ bàng quan đứng ngoài đôi khi chỉ hiểu được cái hiện tượng, cái xuất hiện, cái nghe nói, không nắm được cái “yếu tính” của người trong cuộc.

Đó cũng là giới hạn của kẻ viết bài này- Một kẻ ngoài cuộc-. Cho nên sẽ có kẻ trách, kẻ tán đồng.

Chế độ nội trú ấy vẫn tồn tại từ 1945, vẫn kéo dài ít nhất đến 1966, không một ai lên tiếng. Biết mà không nói. Hàn Tín đâm ra có vẻ nhiều!

Chậm một năm là thiệt thòi một năm cho sinh viên, chậm 20 chục năm thì thiệt thòi 20 chục năm.

Vì thế, năm 1958 viện trưởng đại học Huế muốn mở thêm trường Y khoa vì thấy rằng Việt Nam thiếu bác sĩ trầm trọng. Cứ 30.000 ngàn ngườ mới có một bác sĩ. Trong khi tại Phi Châu là 20.000/ một bác sĩ. Sự thiếu hụt bác sĩ là nguyên do từ đâu?

Chỉ rất tiếc không ai đã từng học ở Mỹ về có đủ uy thế để cố vấn cho ông Diệm ngay từ 1955!

Hội Chứng tôn sùng tiếng Pháp và ngại chuyển hóa tiếng Việt

Mới đây nhất tại Hải Ngoại, tôi được một người bạn tặng cho tập san quân y: Quân Y Quân Lực VNCH.(Le corps de Santé. Des forces armées de la République du Viet Nam). Đây là một tài liệu hữu ích cho thấy 95% nam bác sĩ tốt nghiệp đều là quân y sĩ.

Chiến trường miền Nam đã ngốn 95% lực lượng y sĩ cho nhu cầu Quân đội. Đó là một phát lộ làm ngạc nhiên nhiều người không ở trong nghề.
Và biết bao nhiêu thương bệnh binh VNCH đã được cứu sống nhờ các vị ân nhân là quân y sĩ này. Họ xứng đáng được tôn vinh nhất trong ngành Y sĩ. Nhìn họ phần đông hào hùng trong bộ quân phục thêm con rắn trên ve túi áo cho biết họ là ai, không phải thứ thường. Chẳng những thế, để kiếm thêm tý tiền cà phê cà pháo, tiền bao đào, tiền soa mạt chược, ngay cả tiền trợ cho vợ trẻ, con thơ với đồng lương ít ỏi của một y sĩ trung úy mới ra trường .. Họ đã cứu sống được bao nhiêu bệnh nhân ở những vùng quê, quận lỵ hẻo lánh.

Bác sĩ thiếu tướng Hoàn giả dụ rằng một ngày không có các bác sĩ này thì sẽ ra sao?

Tôi cũng ghi nhận một nhận xét “hết lòng” của Y Sĩ Trung Tá Phạm Viết Tú đối với thương bệnh binh:

“Bây giờ đây, một số đã ra đi vĩnh viễn, một số khác đang sống vất vưởng nơi quê nhà, chịu mọi sự đắng cay và thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần, do thù hận và kỳ thị. Một số nhỏ khác có lẽ đang sống một cuộc sống không kém khó khăn tại các nước dân chủ tự do. Cuộc chiến vừa qua tại Việt Nam, các thương bình VNCH đã thực sự bị bỏ rơi và bị nhiều thiệt thòi nhất. Biết đến bao giờ các anh hùng tử sĩ, các chiến sĩ VNCH mới được vinh danh trở lại?

Trích Quân Y quân lực VNCH, bài Tổng Y viện Duy Tân trong cuộc chiến chống Cộng (1967-1972), Y sĩ trung tá Phạm Viết Tú, trang 309

Điều ngạc nhiên là tập tài liệu này được in và xuất bản năm 2000, nhưng nội dung các bài viết hầu hết bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp.

Chắc hẳn Ban Biên tập có một dụng ý gì đó nên có chủ trương như vậy không tiện nói ra chăng!

Tôi cũng quay ngược lại quá khứ vào những năm xa xôi đầu thời kỳ thuộc địa Pháp năm 1860, nhà Chung công giáo đã lập trường Adran, được gọi là trường Pháp-Việt. Đô đốc La Grandière là người đã mời các sư huynh(Frères des écoles Chrétiennes)sangVN điều khiển trường.

Sang năm sau, đến lượt các dì phước dòng áo trắng(Soeurs Saint Paul de Chartres) lập trường học cho các trẻ em nữ.

Xem L’Ouvre Francaise d’Enseignement au VN, A. Rivalen, tạp chí France-Asie, số 125-126, Sài Gòn 1956.

Tiếng Pháp chính thức du nhập trở thành sinh ngữ chính trong nền giáo dục Việt Nam. Vì vậy, việc dùng tiếng Pháp như một sinh ngữ chính được áp dụng tại một số trường công giáo thuộc hệ thống La San cũng như hệ thống các trường bà sơ có gốc gác dòng mẹ ở Tây đã kéo dài trong nhiều năm.

Lúc đầu không nói làm gì, nhưng việc nó được duy trì và kéo dài trong nhiều năm trong một tình thế đất nước và lịch sử đã sang trang là một trái chiều khó chấp nhận.
Điều đó nó tố cáo một thái độ chậm lụt, không thức thời, trì trệ và thiếu tinh thần dân tộc.

Trong khi các trường công giáo khác trên toàn miền Nam không ở trong quỹ đạo La San thì vấn đề dạy tiếng Việt đi theo hướng chung của hệ thống giáo dục toàn miền Nam.

Kể từ đó, nhiều trường học công giáo được mở ra trên khắp VN, nhất là sau 1954 đã không ở trong quỹ đạo của hai trường đó. Và cũng tạo được những thành quả không kém ai.

Riêng hệ thống trường Tây công giáo, họ dễ dàng tạo được uy tín trong giới trung lưu thành thị. Ai có tiền của, có địa vị xã hội- bất kể thành phần tôn giáo nào – đều muốn cho con theo học tại các trường trên và thường phải trả một giá học phí cao.

Nó tạo ra hai hệ thống giáo dục, một cho con nhà dân giả, một cho giới thượng lưu, có tiền có của.

Sỉ số học sinh các trường này tăng vọt lên mức trần 2000 học sinh mỗi năm. Có con học ở đây thì yên tâm nhiều bề và không khỏi có niềm hãnh diện thầm kín của bậc làm cha mẹ.

Rồi từ đó, hai hệ thống trường Nam và Nữ ấy vẫn giữ độc quyền “quy chế trường tây”.

Sau này, tại Sài Gòn, chỉ còn lại hai trường duy nhất dạy chương trình Pháp là trường Marie-Curie để dạy trung học và 2 trung tâm giáo khoa Colette và St-Exupéry để dạy tiểu học.
Như thế, có đến hai hệ thống giáo dục trung tiểu học: một hệ mà tuyệt đại đa số là trường Việt, một thiểu số còn giảng dạy bằng tiếng Pháp.
Ở bậc đại học, chỉ còn lại hai nơi vẫn duy trì giảng dạy bằng tiếng Pháp: Đó là Viện đại học Đà Lạt và trường Y Khoa Sài Gòn.
Chúng ta không bàn đến trường Y Khoa Ở Hà Nội lúc đầu vào năm 1902 khi mới thành lập. Việc giảng dạy bằng tiếng Pháp là điều đương nhiên phải như thế trong chế độ bảo hộ.
Chúng ta cũng không đề cập đến những năm từ 1947-1954 dưới thời các chính phủ Nguyễn Văn Xuân- Nguyễn Phan Long- Trần Văn Hữu-Nguyễn Văn Tâm- Bửu Lộc vì bản thân những vị này theo Tây. Ngay trong Hiệp định Élysée có điều khoản ghi:

” Bộ Quốc Gia giáo duc Việt nam sẽ tổ chức một nền giáo dục từ tiểu học đến đại học. Tiếng Pháp được ưu đãi và sẽ là tiếng công dụng ngoại giao ở Việt Nam, được dạy ở bậc tiểu học và bắt buộc dạy từ trung học trở lên “.

Trích Viêt Nam máu lửa, Nghiêm Kế Tổ, trang 151

Nhưng những cơn gió chính trị đã có lúc quét người Pháp ra khỏi vùng ảnh hưởng ở Việt Nam dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim. Trong khoảnh khắc, quân Pháp nhường chỗ cho quân Nhật và Tổng Tư Lệnh Nhật tuyên bố:

“Người Nhật trao trả độc lập cho VN để cùng nhau lập khối Đại Đông Á”.

Bảo Đại trao trọng trách cho Trần Trọng Kim lập chính phủ ngày 17-4-1945

Trong một tình tthế cực kỳ cam go với nạn đói đang hoành hành tại Bắc Việt, ông Hoàng Xuân Hãn vẫn đưa ra chương trình cải tổ giáo dục ở Huế. Cùng với quý ông như Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Huy Bảo, linh mục Nguyễn Văn Hiền, Tạ Quang Bửu, Ưng Quả, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Đào Duy Anh và Ngô Đình Nhuvv.. Ông Hoàng Xuân Hãn đưa ra chương trình cải cách giáo dục bằng cách dùng tiếng Việt làm sinh nghữ chính trong giáo dục Việt Nam .

Mặc dầu chính phủ Trần Trọng Kim chỉ đứng vững sau mấy tháng. Chương trình Hoàng Xuân Hãn vẫn là Kim Chỉ nam cho các chương trình giáo dục sau này.
Hoàng Xuân Hãn cũng là người đã thực hiện được cuốn Danh từ khoa học ..điều đó cho thấy rằng những viện cớ việc chuyển ngữ các danh từ khoa học là điều bất khả thi chỉ che dấu một sự ngụy biện trá hình của một tình trạng vọng ngoại và vong bản?

Khi đã quét sạch bóng dáng người Pháp ra khỏi xứ này thì không có bất cứ lý do nào chính đáng để biện hộ- như giữ gìn phẩm chất giáo dục- được nữa.
Tiếng Việt của người Việt, cho người Việt, giữ gìn trong sáng tiếng Việt là bổn phận người Việt, v.v…

Trường đại học Đà lạt còn có thể chấp nhận được việc giảng dạy bằng tiếng Pháp, vì toàn bộ các giáo sư là các linh mục người ngoại quốc mượn từ bên Giáo Hoàng Chủng viện Pio 10 sang dạy cho sinh viên Đại Học Đà Lạt (trừ hai ba giáo sư người Việt).

Nhưng còn trường y khoa Sai gòn, ngoài một số các giáo sư người Pháp, phần lớn còn lại là giáo sư người Việt. Giáo sư người Việt có đủ khả năng dạy Y Khoa bằng Việt được không?

Đó là câu hỏi đặt ra cần có câu trả lời.

Vấn đề dạy tiếng Việt ở Đại học là trách nhiệm của các khoa trưởng, viện trưởng mà không bị bất cứ chi phối nào từ thẩm quyền cao hơn?

Đối với riêng môn Triết học ở miền Nam ngay từ thời Đệ nhất Cộng Hòa, dưới sự “bảo trợ” của luật sư Đào văn Tập đã soạn được một cuốn sách mỏng(256 trang) in và tái bản hai lần gọi là Danh Từ Triết Học. Tham vọng của nhóm soạn thảo là thực hiện được một cuốn tự điển danh tiếng như tự điển Lalande của Việt Nam .. Nhóm này gồm LM. Cao Văn Luận, Đào văn Tập, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Tuyên và Linh Mục Xuân(Corpet). Nhưng chẳng may luật sư Đào Văn Tập mệnh yểu, cả chương trình thực hiện Bộ Bách khoa Tự Điển không có cơ hội thực hiện.

Ngoài ra, linh mục Trần Văn Hiến Minh, một mình, đã soạn được bộ Từ Điển Danh từ Triết Họ và thần học, in photocopy và 21-1. năm. Cuốn sách dày hơn 400 trang, mỗi trang vào khoảng 13 danh từ được dẫn giải theo nghĩa từ nguyên và các nghĩa khác nhau tùy theo mỗi triết gia. Công chung có hơn 5000 ngàn chữ ..

Không có thứ chữ nào dù là khoa học, dù chuyên môn lại không thể không chuyển ngữ được. Nếu chưa chuyển dịch được thì tạm để nguyên chữ.
Cái vấn đề là chuyển ngữ cái đầu trước khi chuyển ngữ.

Hội chứng Hậu thuộc địa do sư muốn duy trì tiếng Pháp nó gợi nhắc đến các chính Phủ Nguyễnn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tâm, Trần văn Hữu thời 47-54. Nhưng nó không thể chấp nhận được sau năm 1955 vì nó chứng tỏ sự lạc hậu lỗi thời và thiếu chính trị.

Tại Viện Đại Học Huế, có mở thêm phân khoa y khoa vào năm 1959 và ở nơi đây đều được dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt khi giáo sư là người Việt. Sau này đại học Minh Đức cũng dạy bằng tiếng Việt một cách suông sẻ.

Vậy thì Y khoa Sài Gòn lấy lý do gì để biện minh cho việc cứ dạy tiếng Pháp mặc dầu biết rằng một số không nhỏ sinh viên học chương trình Việt sẽ không nghe kịp, không hiểu kịp.

Tôi không trả lời thay cho ai được và trách nhiệm tinh thần của người thầy dạy là truyền đạt. Nếu không truyền đạt được thì ý nghĩa việc giáo dục là gì!
Cái tinh thần gò bó ấy, cụ Trần trọng Kim gọi là tinh thần Học Phiệt:

“Ở xã hội ta ngày nay có một hạng người, nghe nói đến nước mình thì ngây ngây ngây như người ngoại quốc; sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình thì chỉ biết qua loa, đủ dùng trong sự giao thiệp hằng ngày”

Trích Nguyễn Văn Y. Nhà Giáo, Sài gòn, 1973, trang 132.

Và cộng sản đã lợi dụng dịp tranh chấp này đưa ra những luận điệu về hùa trong tờ Hồn Trẻ như sau:

“Vấn đề đấu tranh đòi chuyển ngữ ở Đại Học Y Khoa được Hồn Trẻ làm hậu thuẫn, đăng nguyên văn nghị quyết 5 điểm của “Ủy Ban vận động chuyển ngữ đại học và chống trường ngoại quốc ở Việt nam và Hồn Trẻ bình luận:

“Sau các buổi hội thảo về vấn đề chuyển ngữ, sinh viên Y Khoa đã biểu lộ quyết tâm đẩy mạnh vấn đề làm chuyển biến một hiện tượng chậm tiến và nô lệ hãy còn tồn tại. Tuy nhiên công việc hãy còn dở dang vì ý kiến bảo thủ của một số giáo sư viện cớ nào là nếu học tiếng Việt thì sinh viên sẽ kém ngoại ngữ, nào là việc dạy sẽ khó khăn. Hồn trẻ thấy tất cả mọi lý do nêu ra đều không có lý do. Chỉ có một lý do độc nhất là có một số người cho đến nay vẫn còn mang nặng đầu óc nô lệ, không nô lệ chính trị mà nô lệ tư tưởng, nô lệ mặc cảm, hay mang các bệnh lười, chỉ theo thói quen mà không chịu cải tiến.

Hồn Trẻ cương quyết đứng về phía anh em sinh viên và sẽ ủng hộ đến cùng”.

Trích Trui rèn trong lửa đỏ, Tập Ký sự truyền Thông Thành Đoàn, tập 1, trang 140

Việc tranh chấp tại trường Y Khoa giữa hai khuynh hướng theo Pháp và theo Mỹ.

Việc tranh chấp giữa hai nhóm theo Pháp và theo Mỹ đã được giáo sư Trần Ngọc Ninh nhắc tới với những lời giải thích còn chưa được rõ ràng.

Người ta còn nhớ là ngay từ tháng 10/1958, giáo sư Jason đã làm một bản phúc trình: Report on proposed medical Center for Viet Nam về các vấn cơ sở, nhân viên và học trình. Sau nhiều buổi thương thuyết giữa Mỹ và các giáo sư trường Y khoa đã không đem lại kết quả cụ thể gì.

Lý do tại sao không đem lại kết quả gì thì không được rõ.

Chú thích: Mỹ có nhiều tổ chức khác nhau nhằm hỗ trợ Việt Nam về giáo dục như các cơ quan: USAID, phụ trách quản lý giáo dục, cấp học bổng, đào tạo sinh viên. AID: Lo đào tạo trí thức, cán bộ giáo dục U .S. I. S. Sở thông tin Hoa Kỳ trắc nhiệm các sinh hoạt văn hóa, thư viện, dạy tiếng Anh vv..Cho đến năm 1969, có 469 người được đi du họ tại mỹ ..Tổng số sinh viên Y, Nha, Dược năm 1973-1974 là 2610 …

Cái thế chính trị của người Pháp không còn nữa. Dựa vào yếu tố gì để ngả theo Pháp? Và trên thực tế, Pháp đã giúp được gì cho trường Y khoa: vấn đề đào tạo nhân sự, cung cấp giáo sư, cung cấp dụng cụ y khoa, trường sở, tài liệu sách vở?

Đã có thêm bao nhiêu giáo sư tốt nghiệp từ Pháp về?

Những xung khắc đối đầu giữa hai phía giữa giáo sư trẻ và giáo sư già đã được giáo sư Trần Ngọc Ninh xác nhận rõ tính chất của cuộc tranh chấp:
“Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là sự tranh chấp quyền hành giữa các nhân viên giảng huấn trẻ và nhóm giáo sư già giữ quyền hành trong trường qua Hội Đồng Khoa. Nhóm trẻ trách rằng nhóm già chèn ép và ngăn chặn sự tiến thủ của các người trẻ (..).. Nhóm trẻ quy tụ lại trong sự trách móc rằng nhóm già chịu ơn của thực dân Pháp nên cố duy trì ảnh hưởng của Pháp ở trường Y Khoa. Những người không muốn đi vào chính trị nói rằng các ông già bảo thủ.
Các giáo sư không tuyên bố lập trường, nhưng có ý trách rằng bọn trẻ theo mỹ một cách quá khích.
Về phía Hoa Kỳ, tuy có một chương trình y khoa mới do Giáo sư J.M May thảo ra với sự đóng góp của giáo sư Việt Nam, Nhưng từ Wagshington có những áp lực để bỏ chương trình ấy mà theo chương trình của một trường y khoa Hoa Kỳ để cho sự trao đổi giáo sư được thuận tiện.
Cuộc tranh chấp lên đến cao độ đi đến vệc bãi nhiệm khoa trưởng là giáo sư Phạm Bửu Tâm và bầu lên một ủy ban gồm 5 người để điều hành việc trường: Đó là các bác sĩ Ngô Gia Hy, Trần Anh, Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Thế Minh và Lê Minh Trí.

Tôi là người mà sự học đã hoàn toàn ở Pháp. Tôi cũng chủ trương ít ra là trong một thời kỳ chưa biết bao lâu là phải đào tạo một lớp nhân viên giảng huấn ưu tú theo con đường hẹp của các kỳ thi tuyển”.

Trích: Một chút lịch sử Y Khoa Đại Học Đường Sài Gòn, 1954-1975, giáo sư Trần Ngọc Ninh, trang 155-156.

Giáo sư TNN đã khẳng định, đó là tranh chấp quyền hành. Như vậy là đủ rồi.

Linh mục Cao Văn Luận cũng đã tiết lộ việc tranh chấp tại Y Khoa Sài Gòn như sau:

“Người thứ nhất tôi đến tìm là ông Costler, phó giám đốc cơ quan Viện trợ Hoa Kỳ. Ông tỏ vẻ hiểu biết và cho tôi biết rằng Hoa Kỳ có thể giúp đỡ Việt Nam rất nhiều về Khoa Học Kỹ thuật, nhưng không thể giúp gì cho y khoa được. Từ ba năm nay, Hoa Kỳ cũng muốn giúp đỡ y khoa Việt Nam phát triển, nhưng vì sự cạnh tranh giữa hai khuynh hướng Pháp và Mỹ nên đành bó tay”.

Tôi hứa với ông ta là trong đại học y khoa Huế, tương lai vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng giữa Pháp và Mỹ sẽ không thành vấn đề. Ông hứa sẽ nghiên cứu sự yêu cầu giúp đỡ của tôi và sẽ thông báo sau”.

Sau đó, cha Cao Văn Luận đã đi gõ cửa tòa đại sứ Pháp. Đây là nội dung cuộc trao đổi giữa hai bên:
“Nơi thứ hai mà tôi tìm đến là tòa đại sứ Pháp. Ông tham vụ tòa đại sứ Pháp trả lời cho tôi biết rằng chính phủ Pháp hiện đã dốc các nỗ lực giúp cho đại học Y khoa Sài gon và thấy khó có thể giúp thêm cho đại học y khoa Huế, vì vậy không thể hứa điều gì ngay lúc này, nhưng sẽn nghiên cứu và cho biết sau”.

Trích Cao Văn Luận, Ibid, trang 11-12

Theo như lời tiết lộ của ông Costler là sự tranh chấp kéo dài từ ba năm nay, tức là bắt đầu khoảng năm 1955.. Và người Mỹ thất vọng vì không giúp gì được cho Y khoa Sài Gòn nên cũng không có ý định giúp y khoa Huế.

Phần Tham vụ tòa đại sứ Pháp cho biết đã tốn công của để giúp y khoa Sài Gòn nên không đủ phương tiện giúp y khoa Huế.

Qua viên Tham vụ tòa đại sứ Pháp, người ta thấy rõ ràng cánh giáo sư thân Pháp đã chọn lựa dứt khoát đứng về phía Pháp và chiếm được ưu thế, hất cẳng Mỹ ra ngoài..

Cũng theo giáo sư Trần Ngọc Ninh:

“Kinh nghiệm của Mỹ đã thất bại khi trường Harvard giúp trường Đài Loan, trường California ở San Fransisco giúp trường Djakarta là hai thí dụ lớn nhất, là hai thất bại điển hình. Chúng tôi cũng không muốn thất bại, nên ông Khoa trưởng Phạm Biểu Tâm, thay mặt Hội Đồng Khoa, đã từ chối trường ILLinoi, từ chối trường Seattle, từ chối mấy trường khác nữa và đưa ra lời đề nghị hợp tác với Hội Y Sĩ Hoa Kỳ để nhờ Hội tuyển mộ hộ Giáo sư tham quan trên căn bản cả nước cho trường của chúng tôi.
Tôi hiểu rằng Hội Y Sĩ Hoa Kỳ(AMA) chưa bao giờ làm công việc ấy, chưa bao giờ có thể nghĩ rằng có thể làm cái việc ấy. Các ông nói là một phiêu lưu, tôi nói là một thách thức.

Tôi dứt lời thì Ủy ban xin rút ra để họp riêng trước khi ra mắt báo chí, và sau đó yêu cầu tôi cùng ho[. báo với họ.Trung tướng Humphreys cũng ngồi vào bàn.Ủy ban công khai tuyên bố sự cộng tác của Hội Y sĩ Hoa Kỳ vào việc cải tổ giáo dục y khoa tại Việt Nam.

Trường thuốc mới được khánh thành một năm sau và là sự nghiệp độc nhất có thể làm cho nhân dân Hoa Kỳ hãnh diện được ở Việt Nam”.

Trích Trần Ngọc Ninh, Ibid, trang 31-32

Giáo sư Trần Ngọc Ninh không cho biết những lý do gì đã khiến giáo sư Phạm Biểu Tâm năm lần bảy lượt từ chối tất cả sự giúp đỡ của các trường đại học Hoa Kỳ.
Có thể cho đến nay cũng ít ai có may mắn biết rõ những nguyên nhân chính của sự từ chối này !! Có thể suy đoán là các vị giáo sư có trách nhiệm trong Hội Đồng Khoa đã chọn Pháp như một người tài trợ chính cho trường Y Khoa.

Tôi không biết những lý do bên trong tại sao lại từ chối, nhưng với tư cách một người dân thường chẳng có liên quan gì đến trường Y khoa. Tôi cảm thấy tiếc hùi hụi, chúng ta đã bỏ mất nhiều cơ hội để cho các sinh viên hoặc bác sĩ đi tu nghiệp tại nhiều trường Đại học danh tiếng trên đất nước Mỹ. Chúng ta kêu thiếu nhân viên giảng huấn (96 người). Nhưng chúng ta lại từ chối những cơ hội bằng vàng cho sv đi tu nghiệp.

Cho nên sự chọn lựa Pháp là một chọn lựa thiếu chính đáng, không đếm xỉa quyền lợi của sinh viên Y Khoa cả.

Nhưng sau đó, sự tranh chấp vượt ra khỏi khuôn viên đại học y khoa trở thành một vấn đề chính trị. Thủ tướng Trần Văn Hương chỉ định người học trò cũ của mình là bác sĩ Lê Minh Trí (Y khoa bác sĩ, 1926, 96 Phan Đình Phùng, sài Gòn)làm tổng trưởng giáo dục. Việc bổ nhiệm này nhằm thay đổi và cải tiến trường Y Khoa trong chiều hướng thân Mỹ và nhận sự tài trợ của Mỹ. Nhưng chỉ sau 4 tháng nhậm chức, ông bị cộng sản sát hại.

Xin ghi lại lời tường thuật của những tên khủng bố cộng sản:

“Đến năm 1968 lại xuất hiện một tên tay sai có tầm cỡ hơn: Bộ trưởng Giáo Dục và Thanh Niên Lê Minh Trí. Là một trí thức tay sai đế quốc Mỹ..(..) Hắn đòi giải tán các tổ chức hợp pháp của sinh viên, học sinh. Hắn cũng đã chủ trương chiếm và tiến tới dẹp bỏ trụ sở Tổng H sinh viên ở số 4 Duy Tân. Trừng trị kịp thời con rắn độc này là một nhiệm vụ chính nghĩa, quang vinh. Ban quân sự Thành Đoàn được Thành Ủy giao cho nhiệm vụ vinh quang ấy. Đồng chí Ba Tung, phó ban đội trưởng tiếp đánh.Ba Tung cùng với Ngô Văn Thừa khẩn trương bám sát nhận mặt, nghiên cứu quy luật đi về của hắn. Ba Tung đề xuất cách đánh: xử dụng lựu đạn, bỏ thuốc nổ cực mạnh C4 của Mỹ ném vào xe lúc chúng đang chạy đến ngã tư – có tốc độ giảm – phương án tác chiến được nghiên cứu và xác định rất khoa học. Để có lựu đạn, Ba Tung phải làm hai cái đồng hồ điện kiểu của lực lượng võ trang Thành Đoàn và đưa cho vợ mang lên tận Hốc Môn đổi cho đơn vị biệt động huyện Ba Tung có được hai quả M.6 mừng quá Ngày 6 tháng 1 năm 1969, lúc 7 giờ 50, một trong hai quả lựu đạn ấy nổ ngay trong xe của tên Lê Minh Trí, lúc xe của nó chạy trên đường Nguyễn Du rẽ qua đường Hai bà Trưng.
Trích Trui Rèn trong lửa đỏ, trang 110 .

Tôi được xem tấm hình bác sĩ Trí bị ám sát. Ông nằm trên đường, mặc áo chemise trắng lỗ chỗ vết màu trên người, thắt cà vat, nằm vắt chân chữ ngũ xem như hãy còn tỉnh. Cạnh đó đã có quân cảnh cầm súng đứng gác. Nhưng chưa thấy xe cứu thương tới. Đưa vào nhà thương thì đến chiều ông chết. Người tài xế cũng chết ngay tại chỗ.

Riêng người cận vệ chỉ bị thương nhẹ.

Hai ông Thiệu – Kỳ cũng như Thủ tướng Trần văn Hương sau đó đều đến phúng điếu. Ông Hương khóc cho người học trò cũ uổng mạng. Về phía Mỹ, có đại sứ Bunker.

Cái chết của bác sĩ Lê Minh Trí, Trần Anh là những mũi tên tẩm thuốc độc giết hai ba mạng người một lúc, nhưng cũng nhờ đó dịu bớt một mối đau thương của Y Khoa Sài Gòn.

Quả thực đã có một thời nhiễu nhương không đáng do những Hội chứng Hậu Thuộc Địa để lại tạo ra những tranh chấp của một xu hướng bảo thủ và một xu hướng muốn đổi mới!
Quả thực đã có một thời như thế!

56 Phản hồi cho “Hội chứng Hậu Thuộc địa”

  1. mirordor says:

    “Giám tỏ ra chăm học, và chỉ biết học, ko thoải mái phóng khoáng”

    Tôi không đọc báo ĐCV thường xuyên (có nhiều websites nên đọc lắm, đọc không xuể!) nên không biết là tên tôi đã được nhắc đền trên ĐCV qua phần phản hồi cho bài “Hội chứng Hậu Thuộc địa” này, cho đến khi một người bạn từ nữa “dưới” của địa cầu nhắn cho tôi là Lão Ngoan Đồng hỏi thăm tôi. Hy vọng là không phải là lối “hỏi thăm sức khoẻ” từ những người không ở trong ngành y khoa, và cũng hy vọng nhũng giòng này tới mắt LNĐ.

    Tôi xin thú thật là măc dù tôi chưa bị lú lẫn vì Alzheimer’s – chưa đủ già – tôi không nhớ ra Lại Mạnh Cường là ai, hay lý do nào tôi được xem như là bạn thân. Bạn thân gì mà lại quên cả bạn – nhất là người bạn mang tên Lão Ngoan Đồng về sau!!! [Nếu làm được xin ĐCV nhắn dùm LMC về cái phản hồi này, xin cám ơn trước]. Viết như thế không có nghĩa là tôi nghi ngờ gì LMC/LNĐ đâu nhá, nhưng vì tôi là người ẩn danh và vô danh, không ai màng đến tôi, trừ có lý do chính đáng. Thôi thì thôi, đôi khi ta cũng phải xuất đầu lộ diện, ít nhất để nhắc bà con rằng vẫn có vài người sống đủ lâu để thành tinh.

    Xin “sửa sai” một chút về lai lịch của tôi. Trường YK Huế “gữi” tôi vào SG không phải để học môn cơ thể bệnh lý học mà để vào môn nephrologie với bs Trần Lữ Y. Bs TL Y bảo tôi nên học pathologie làm căn bản và tôi “ở lỳ’ trong đó luôn. Gặp LMC trong trường hợp nào thì tôi nhớ không ra. Tôi không thoải mái, phóng khoáng như anh bạn DQH thì đúng, nhưng câu viết của LNĐ tạo ấn tượng là tôi có thể chỉ là con mọt sách (phải có lý do gì đó mà LMC xem tôi là bạn thân, phải không?). Tôi chăm học chỉ ví thói quen và nếu không thể chăm thì không nên đi học chuyên khoa. Tôi không phóng khoáng vì a) bản tính trời sinh; b) tôi chỉ phóng khoáng trong môi trường tôi chọn và môi trường đó rất hiếm có ở Sài Gòn (ít nhất dưới mắt tôi). Bốn mươi năm rồi, nghĩ đến tình cảnh quê hương và người đồng hương thời đó vẫn làm người rươm rướm lệ.

    In general, tôi đồng ý với Lão Ngoan Đồng (viết y như thể ý kiến của một người ẩn danh có giá trị gì!) về bài “Hội chứng Hậu Thuộc địa”. Tôi còn có ác cảm ngay từ đầu là khác, không phải vì lập luận, ý kiến trong bài nhưng vì lối hành văn “kỳ quái” của tác giả Tác giả rành Pháp văn nhưng hành văn như một người chưa hề nghe đến grammaire – văn phạm, bao giờ với những câu thiếu chủ từ. Viết thiếu chủ từ có thể làm lối hành vă của ta độc đáo nhưng kết quả tất nhiên lả làm câu văn tối ý.. Đọc những câu thiếu chủ từ đó, độc giả không hiếu ai đang nói/nghĩ/bàn gì. Hy vọng đây không phải là dụng ý của tác giả. Tôi là con mọt sách, nhưng tôi kén chọn loại giấy có chữ nào tôi muốn ăn. Lối hành văn của tác giả làm tôi “đau bụng”.

    Tôi thấm hiểu nỗi khó khăn của sinh viên Việt nam khi thầy giảng bài bằng tiếng ngoại quốc. Mặc dú tôi không học trường “Tây”, tôi có cái may mắn trời cho về khà năng ngoại ngữ, và cái kết quả bất ngờ là rất nhiều bạn học nhờ tôi để hiểu thầy dạy gì vì tôi là một trong những người hiếm hoi đủ sức nghe, ghi, chép, và vẻ trong khi thầy đang thao thao bất tuyệt trên bàng đen bằng tiếng Pháp. Về vấn đề sinh ngữ/chuyển ngữ trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học, tôi mong ước rằng ta có thể giảng dạy hoàn toàn bằng Viết ngữ. Mới ngày hôm nay, một cô bạn từ Đức quốc (sống bằng nghề viết/biên tập bài tiếng Việt cho những báo chí y/dược/khoa học) gữi tôi giòng này: “Thế mới biết tiếng Việt mình biến hoá khủng khiếp và thâm thuý không ngôn ngữ nào sánh bằng”. Thế nhưng, theo dõi và liên lạc với những người học y và khoa học quốc nội cho tôi biết rằng hoài bảo vẫn chưa thể thực hiện được. Một lý do (tiềm ẩn) cho vấn đề này là những người chỉ dùng Việt ngữ sẽ bị thất thiệt rất nhiều khi phải giao thiệp với những người chỉ dùng Anh hay Pháp ngữ, hay khi tìm tài liệu không bằng Việt Ngữ. Đề nghị của tôi là cứ tiếp tục tìm thành ngữ Việt để thay thế nhưng chua thêm vào tiếng Anh hay Pháp cho bà con nhờ. Không như NVL viết, đại đa số giáo sư YKHuế – ít nhất trong thời tôi – giảng dạy bằng tiếng Pháp, hay Anh ngữ (các giáo sư người Đức) dù rằng họ nói chuện bằng tiếng Việt ngoài lớp học.

    Xin kể cho người đọc về một cái lợi của xử dụng ngoại ngữ trong mội trường bệnh viện, Có một lần thời nội trú, tôi được thầy giao mổ một “ca” hématocolpos (ứ máu vì màng trinh không có lổ). Nử hộ sinh, thầy và trò, bao quanh sau tôi để nhìn vì loại bệnh này tương đối hiếm và vì sự liên hệ tới tình dục.Một giảng viên nử hộ sinh nhịn không nổi, buột miệng nói: “Anh Giám, anh đang phá trinh cô”. Tôi không quay lại và trả lời; “Parlez Francais, s’il vous plait!”

    Như anh bạn D.Nhật Lệ viết, tôi có dịp trao đổi tư tưởng trên ĐCV một lần vì một bài viết về Phạm Công Thiện, “Giáo sư Phạm Công Thiện qua đời”. LNĐ có thể lục lại bài đó và bài “nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu” trên tạp chí Da Màu nếu còn tò mò/ thắc mắc vể người bạn thân gần 40 năm về trước, để xem tối có xứng đáng bắt liên lạc trở lại.

    Đối với tôi, những vấn đề liên hệ đến ngôn ngữ trong đại học Việt Nam có thể được giải thích bằng thành ngữ “conflict of interest”. Khi ta còn bị tham sân si chi phối, nhất khi ta là người “trí thức”, dân ngu khu đen còn khỗ. Đề tài Hội chứng Hậu Thuộc địa có thể đến từ một “phát minh” của những nhà nhân bản học, hay của những nhà hoạt động chính trị với hậu ý, nhưng nó chĩ là một ý nghĩ, một lý thuyết. Sao ta không có một cái nhìn đơn giản và thực tiển hơn về lý do tại sao có người sính ngoại ngữ hay văn hoá ngoại quốc?

    BTW, Lão Ngoan Đồng ơi, tôi có dị ứng với những bài viết với nhiểu ngôn từ ta chưa hề nghe trước 75. Ta có thể dùng nhũng ngôn từ đó với dụng ý đặc biệt, nhưng tôi không hiểu nổi sao bạn có thể dùng “ko” cho chữ không. Bạn là người viết có tài và hiểu rộng, và tôi tin là bạn có nhiều kiến thức về căn bản ngữ học.

    mirordor@gmail.com

  2. D.Nhật Lệ says:

    Trước khi trả lời cho bác sĩ L.M.Cường các câu hỏi ở dưới,xin lỗi tôi phải nói thẳng ra thế này,dù có làm
    mất lòng bác Cường.Bài viết của NVLục,thay vì tìm luận cứ để phê phán,bác LMCường lại chiếm đất của
    bạn đọc nhiều qúa,bằng những chuyện y khoa đi qúa xa chủ đề bài viết là “Hội chứng hậu thuôc địa”.Căn
    bệnh này không chỉ riêng trong lãnh vực y khoa mà còn ở nhiều lãnh vực khác nữa,bác LMC.ạ ! Nhân tôi
    hỏi về Đinh Tiến Lãng,bác Cường lại dẫn tài liệu về Nguyễn Tiến Lãng,làm tôi cũng ngạc nhiên.
    Về nhũng người bác hỏi thì Hà Vũ Trầm đang ở Úc,cách chổ tôi khoảng 25 phút lái xe.Huỳnh K.Giám chính
    là người từng trao đổi với tôi về bài viết liên quan tới Phạm Công Thiện,dưới tên Mirrordor.Khoảng sau
    năm 1970 HKG.du học Mỹ về chuyên khoa tâm thần,vẫn đang ở Mỹ.Còn DQHớn nay cũng ở Mỹ.Cả hai
    đều hành nghề một thời gian ở Mỹ,nay đã về hưu.
    Về bà dược sĩ Hạnh Phước xinh đẹp,sau là vợ bác sĩ Bửu Châu.Có điều bác Cường lộn Bùi Duy Tâm ra
    Phạm Biểu Tâm trường khu Biochemistry,lúc đó gs.PBT.đã thôi khoa trưởng Y khoa SG.và chuyên môn
    của PBT.kông phải về Sinh Hoá như bác kể lầm.
    Riêng về bác sĩ Bùi Minh Đức,từng là thầy tôi về ORL.nhưng phải nói thật là tôi thấy ông thầy về tham dự đại hội Việt Kiều năm 2010 (?),tôi thấy thế nào ấy và tôi không liên lạc gì từ ngày qua Úc.Bác Cường nên nhớ là giúp đỡ âm thầm thì rất đáng cảm phục nhưng Cộng Việt lơị dụng là HỎNG vì chúng có ý đồ gây
    chia rẽ.bằng cách ban thưởng những tờ giấy khen (đáng vất vào sọt rác) hay mời tham dự đại hội vớ vẩn
    như đã nói trên.Chuyện CV.móc nối thầy BMĐ,tôi cũng biết qua trung gian một giáo sư ORL.quốc nội,là đảng viên CV.Người cộng sản thường có thủ đoạn tuyên truyền lôi kéo bằng những liện hệ gia đình,họ
    hàng,nghề nghiệp v.v. ai dễ tính hay ngây thơ thì tưỏng vô thưởng vô phạt nhưng có ý đồ cả đấy !
    Hiện nay,việc tuyên truyền của CV.vẫn không ngưng nghỉ để gây phân hoá cộng đồng người VN.tỵ nạn,
    nếu lơ là mất cảnh giác thì không chừng thế hệ con cháu chúng ta sẽ bị lừa bịp như chúng ta đã bị lừa !
    Trưóc kia bị lừa bịp,chúng ta còn có chổ đểlưu vong nhưng lần này nếu con cháu bị lừa bịp thì đất nước
    ta sẽ rơi vào vòng Bắc thuộc,thậm chí đang bị Bắc thuộc như một vài trí thức trong nước đã tố cáo !
    Trân trọng.

    • LÃO NGOAN ĐỒNG says:

      Bạn mến,

      Xin trả lời bạn rõ một số điểm chính yếu:

      1/
      Tôi quan niệm vào đây để, trước nhất vui chơi với bà con và bằng hữu, nhằm kết bạn hơn kết thù qua xử dụng con chữ, cho nên tôi ko tranh luận rốt ráo với một số người (nhất là những người cố tình mạ lị tôi bằng mọi cách); thứ hai đào sâu mọi khía cạnh chung quanh một sự kiện hay một số sự kiện.
      Nên nhớ rút kinh nghiệm từ các sự kiện lịch sử, người ta chỉ bàn đến sự việc đó thôi, như bài viết của ông Lục và mọi người bạn loạn, nhưng ko ai để ý kỹ xem thời cuộc quanh đó ra sao, xã hội thới đó với cuộc sống của dân thường thế nào …. Chính vì thế tôi lôi một số nhân vật có thật, là những người làm giáo dục cấp thấp nhất ở thời đó ra chứng minh. Những người mà hạng thường nhân ai cũng có thể gặp, tiếp xúc, nói chuỵện.
      Tôi muốn đưa các bằng chứng sống, ko lý luận dài dòng lôi thôi lý thuyết vớ vẩn, để rồi bàn cãi có logique chăng ? có đúng từ ngữ ko ? Nghĩa là rất hàn lâm (academic), ko cần thiết.

      2/
      NVL đã đưa ra một đề tài quá rộng, bàn luận linh tinh mỗi thứ một tí, để dẫn dắt độc giả vào mê hồn trận, nhằm thuyết phục hơn là dẫn chứng cụ thể. Chẳng hạn, từ chuyển ngữ tiếng Việt, từ lối giáo dục theo Pháp ở trường Y, bla bla bla

      Cái tệ hại của NVL là chỉ trích dẫn những gì có lợi cho luận điệu tuyên truyền của mình. Một số kẻ ko rõ, a dua nói bậy nói bạ, có kẻ còn mạ lị các bậc thức giả, những vị có trách nhiệm giáo dục lẫn các bác sĩ thời trước … (xem bình luận trong diễn đàn DCV Online cách đây đã lâu thì rõ)

      Bất lương nhất ở chỗ NVL lấy tác phẩm của ông Trần Ngọc Ninh, một senior prof nổi tiếng ở nhiều phương diện, và popular trong giới trí thức VN, ra dẫn chứng, nhưng lại cắt vụn, xé nhỏ tác phẩm ,,, đến nỗi ko phản ánh trung thực những gì ông Ninh bố viết.

      Tôi đọc kỹ tác phẩm này, nên nhẩn nha dẫn chứng từng chỗ một. Cũng như từng vạch ra những điểm đúng, điểm cần xét lại khi đọc sách ông thày lớn của tôi. Tôi cần vạch rõ cho mọi người ngoài ngành Y, nhất là những người chưa từng đọc trọn vẹn tác phẩm này biết mặt mạnh mặt yếu của nó ra sao ? Ko phải cái gì của thày Ninh bố viết hay nói là chân lý !

      Nói rõ, một đề tài lớn nhưng bị kẻ tâm địa nhỏ nhen, tài năng kém cõi làm hỏng. Muốn chữa lại ko phải chuyện dễ dàng.
      Vả chăng tôi lúc này mùa xuân vui tươi sau sáu tháng ảm đạm của mùa thu và mùa đông, tôi phải enjoy cuộc đời, ko để lỡ ngày xuân bạn ạ.
      Đồng thời tôi vẫn thưa rõ xưa nay, QUỐC SỰ KHÔNG NÓNG VỘI TRONG GIẢI QUYẾT !

      3/
      Một điều quan trọng tôi cần nói cho bạn rõ, tôi viết góp ý cho số đông, những người ở mọi ngành nghề khác, nhất là thế hệ sinh sau đẻ muộn, lại ở trong nước, đọc được tài liệu của CS, hay do đám CS viết đăng trên internet, như Wikipedia phần tiếng Việt.
      Chính vì thế qua đây, tôi đánh tan luận điệu tuyên truyền của CS hay những kẻ ngu xuẩn không rõ chuyện, kiểu như Nguyễn Văn Lục, viết chửi bới bôi nhọ thời VNCH cũ, không hề động tâm, chỉ cốt thoả mãn cái tôi đáng ghét của y.

      Bạn thấy rõ hệ thống đào tạo thày thuốc nói riêng, hay các tầng lớp có học đến trí thức của thời Tây thực dân đến thời Ta độc lập có những mặt mạnh hơn hẳn so với thời CS, nhưng NVL lại cố tìm bôi đen, đi theo vết xe đổ của các người đi trước. Tức là viết bóp méo lịch sử chỉ vì mục đích phục vụ cho chính trị. Tôi muốn nói rõ chả cứ gì bọn CS, mà phe quốc gia cũng làm thế, trong thời đệ nhất và đệ nhị Cộng hòa.

      Chính vì thế mà tôi mong rằng qua đây mọi người thấy rõ hơn nữa, nhưng sai lầm quá khứ, để chấn chỉnh lại cho đứng đắn hơn, tiếp cận đến sự thật hơn.

      Tôi nói thẳng mà ko sợ mất lòng, chính Phong Uyên và cả bạn cũng rất mù mờ về cách giáo dục Y khoa thời các vị đang học. Tôi đã phải bỏ công sưu tầm và trao đổi rốt ráo với mọi người qua email để nắm vững lịch sử trường Y với các biến động ra sao?
      Tôi có thể tự hào mà rằng, KHÓ MÀ AI QUA MẶT ĐÁNH LỪA TÔI VỀ NÓ !

      [Mở ngoặc đơn, tôi đã không muốn tranh luận trong bài viết của Nguyễn Thanh Giang về tác phẩm Tố quốc Ăn năm của Nguyễn Gia Kiểng. Bởi tôi biết tuyệt đại đa số chưa đọc nó; hay đọc vớ vẩn một số chỗ, nên phê phán rất ư chủ quan. Nhưng cái quan trọng là ông Nguyễn Thanh Giang có chủ ý dùng Kiểng làm bung xung mà đánh Cộng; dùng các phê phán CS của Kiểng để chửi CS. Đó là trò Đoàn Giỏi ngày xưa khéo léo giới thiệu bài viết chửi CS còn dạng bản thảo của cụ Phan Khôi hồi đánh Nhân văn Giai phẩm. Vả chăng mấy kẻ được như Nguyễn Thanh Giang và Nguyễn Gia Kiểng mà lắm kẻ ko ra gì lại phê bình loạn cào cào, chửi như … con chó trong nhà.
      Chỉ cái tựa đề của tác phẩm trên cũng nên bỏ công tìm hiểu bằng sự đọc tác phẩm trên kỹ kỹ một chút. Cũng như cái cách viết gây “choc”, “chọc giận” độc giả, để làm nổi đình nổi đám lên của Kiểng thì cũng nên biết Kiểng vốn thế xưa nay. Chẳng hạn tựa đề “Qũi đạo của chó”, trí thức VN chỉ là đám con cháu của cô Tư Hồng …
      Với Nguyễn Thanh Giang tôi ko rõ lắm, nhưng tôi từng chơi thân và có thời rất ngưỡng mộ Kiểng, nên hiểu rõ rất nhiều về con người Kiểng. Vì thế tôi buồn cười về những luận điệu chụp mũ bừa bãi, với những chửi bới quá đáng, lý luận lố lăng đến lố bịch của một số người chống Cộng cực đoan khi nghe đến cụm từ ngữ “hòa giải hòa hợp dân tộc” mà đánh đồng với sự kết hợp với CS, mà ko nắm rõ nội dung ra sao trong đó. Điều mà Kiểng bàn luận rất nhiều, nhưng vẫn bị bóp méo như thường. Đáng tiếc và đáng buồn).

      4/
      Chuyện giúp nhân đạo VN mỗi người có một cách nhìn và tôi từng tiếp xúc với đủ hạng người ấy. Chẳng hạn như anh Bùi Minh Đức, Tôn Thất Hứa, Nguyễn Công Bằng với hội SAP-VN, của bạn hữu bên Paris (trong đó có hội của bà xã Nguyễn Gia Kiểng …). Và chúng tôi bàn thảo rất rốt ráo trong nhiều năm, trong giới Y hải ngoại, cũng như bạn hữu trong lớp (tranh luận rốt ráo với Bùi Trọng Cường ở Úc hồi họp lớp Hè 1994 ở Mỹ qua báo chí; trong các lần tổ chức họp bạn ở Âu châu, trên Forum của riêng lớp tôi). Sau cùng chúng tôi đã thành lập được Nhóm Thiện Nguyện để hổ trợ cho đồng bào vào lúc cuối đời mình, cũng như hổ trợ tích cực các chương trình khác.
      Tôi còn thảo luận rốt ráo với giáo sư Nguyễn Đăng Hưng ở Bỉ vì anh Hưng đã giúp rất nhiều việc cụ thể ở trong nước, nhằm đào tạo nhân tài cho VN cấp hậu đại học.

      Tôi nghĩ, MÌNH NÊN NHÚNG TAY VÀO LÀM HƠN LÀ ĐỨNG NGOÀI XÉT ĐOÁN NGHIÊM KHẮC VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI KHÁC !
      Cũng nên phê phán trong tinh thần đa nguyên, tức TÔN TRỌNG KHÁC BIỆT.
      Đừng đồng phục trong tư tưởng và hành động như CS, bởi cho mình là chân lý, lẽ phải, chính nghĩa bla bla bla. I’m sick of it !

      5/
      Anyway cám ơn những thông tin của bạn về những người quen năm cũ của tôi.
      Có gặp Trầm và Hớn cho tôi gửi lời hỏi thăm và nếu thích liên lạc với tôi qua địa chỉ email
      lmcuongadam@hotmail.com.

      Ciao,
      Lão Ngoan Đồng

      • Vũ duy Giang says:

        Theo địa chỉ email của LNĐ lmcuongadam@hotmail.com thì Lão ngoan Đồng và Lại mạnh Cường chỉ là MỘT com-sĩ phản hồi dưới 2 tên nhiệu khác nhau?

        Dù sao D.Nhật Lệ đã phản hồi đúng rằng”…bác LMC đã chiếm đất của bạn đọc nhiều quá,bằng những chuyện y khoa đi quá xa chủ đề bài viết là”Hội chứng hậu thuộc địa…”,mặc dầu D.Nhật Lệ cũng là Y sĩ,vì”Riêng BS.BMĐ,từng là THẦY tôi về ORL,nhưng phải nói thật là tôi thấy ông thầy về tham dự đại hội VK năm 2010(?),thì tôi thấy thế nào ấy,và tôi không liên lạc từ ngày qua Úc.”

        Nếu D.Nhật Lệ đọc báo mạng của những kẻ”chống Cộng chết bỏ”chửi rủa ông BMĐ,thì có thể biết là ông này đã trở về VN đã từ lâu,để hỗ trợ đại học Y ở Huế(là nơi ông dậy cả D.Nhật lệ trước 1975?),và mua nhà ở khu Phú Mỹ Hưng(Saigon),để mỗi năm về nghỉ,vả viết sách(loại Tự điển tiếng Huế!),và BMĐ cũng đã được MTTQVN và báo Vietnamnet”Vinh danh”trong đợt 2(2005/06),củng với những trí thức VK khác(có hay không “yêu nước”!?).Tổng cộng khoảng 50 người,trong từ 2004-5,đến 2006/07,trong số đó có GS.Nguyễn đăng Hưng(Bĩ),mà LNĐ viết:”Tôi còn thảo luận rốt ráo(?)với GD.NĐH ở Bỉ,vì anh Hưng đã GIÚP rất nhiều VIỆC CỤ THỂ trong nước(cũng như đa số 50 VK được”Vinh Danh)nhằm đào tạo nhân tài cho VN cấp hậu đại học”

        Trở lại với còm-sĩ”LNĐ,tức LMC” đã phản hồi quen BIẾT rất rộng,lớn,không những trong Y giới,mà còn lan ra cả”hội SAP-VN của bạn hữu bên Paris(trong đó có hội của BÀ Xà Nguyễn gia Kiểng…)…Sau cùng chúng tôi đã thành lập đươc nhóm Thiện Nguyện để hỗ trợ cho đồng bào vào lúc CUỐI ĐỜI mình,cũng như hỗ trợ tích cực các chương trình khác”(?).Nhưng còm-sĩ có biết là ở Paris, người VN thường chế nhạo nhóm Nguyễn cây Kiểng thông loạn”gossips (commerages),cũng là nhờ”ăn nằm với tổ quốc” không?!

        VN có câu”Chọn bạn mà chơi”theo chất lượng thay vì số lượng,cũng như”Chọn đề tài,mà phản hồi cho đúng”,chớ đừng”chiếm đất của bạn đọc nhiều quá nữa” !

      • D.Nhật Lệ says:

        Đến nay bác mới biết LMC.và LNĐ.là một thì trễ qúa.
        Bác Cường này có thói quen xấu không bỏ được là
        lúc nào cũng ‘dạy đời’ người khác.
        Đồng ý là tôn trọng sự khác biệt nhưng tôn trọng khác
        biệt không có nghĩa ủng hộ người thiên cộng (có bằng
        chứng).Nói ra vậy có khác nào đi ngược lại lập trường
        chống cộng,đấu tranh cho dân chủ lâu nay của mình,có
        phải không bác Cường ?
        Lại nữa,bác Cường dùng chữ Y để gọi NVLục thì bác
        chứng tỏ chẳng tôn trọng gì sự khác biệt cả !
        Mâu thuẫn qúa đấy ! Hai lần mâu thuẫn !

      • Lão Ngoan Đồng says:

        hhahahaaaaaaaaaaaaaaa :-)) !

        Bác quả là có thành kiến quá nặng với tôi.

        Có những khi bác kết tội khá vô lý với tôi.
        Chẳng hạn Nguyễn Hiền hiểu lầm về tôi
        và tôi không đính chính trong góp ý !
        Làm sao tôi đủ thì giờ xem mọi góp ý về mình,
        rồi đúng sai ra sao mà góp ý chứ ?
        Cũng như bác có khuynh hướng chẻ sợi tóc làm tư làm tám.
        Tôi có sai một chút trong lúc gõ máy góp ý thật nhanh, cũng bị bác dùng kính hiển vi ra chỉnh và trách !???
        Tôi đã nhiều lần thưa rõ, tôi lấy ý là chính, còn hình thức không quan trọng lắm. Khi nào viết thành bài mới cần chú ý thật kỹ càng.
        Còn nếu xem kỹ, anh nào cũng lỗi đầy ra cả trong góp ý, nếu muốn bới bèo ra bọ.

        Anyway bá nhân bá tánh, bá bao tử :-) !

        Nói thế nào thì cũng bị qui chụp cho thế này thế khác.

        NO COMMENT ANYMORE

        Lão Ngoan Đồng

      • Lão Ngoan Đồng says:

        hhahahaaaaaaaaaaaaaaa :-)) !

        Bác quả là có THÀNH KIẾN quá nặng với tôi.

        Có những khi bác kết tội khá vô lý với tôi. Chẳng hạn như, Nguyễn Hiền hiểu lầm về tôi, và tôi không đính chính trong góp ý (theo lời kể tội của bác) !
        Làm sao tôi đủ thì giờ xem mọi góp ý về mình, rồi đúng sai ra sao mà góp ý chữa lại chứ ?
        Cũng như bác có khuynh hướng chẻ sợi tóc làm tư làm tám.
        Tôi có sai một chút trong lúc gõ máy góp ý thật nhanh, cũng bị bác dùng kính hiển vi ra chỉnh và trách !???
        Tôi đã nhiều lần thưa rõ, tôi lấy ý là chính, còn hình thức không quan trọng lắm. Khi nào viết thành bài mới cần chú ý thật kỹ càng.
        Còn nếu xem kỹ, anh nào cũng lỗi đầy ra cả trong góp ý, nếu muốn bới bèo ra bọ.

        Anyway bá nhân bá tánh, bá bao tử :-) !
        Nói thế nào thì cũng bị qui chụp cho thế này thế khác.

        NO COMMENT ANYMORE !

        Tôi xin nhấn mạnh, tôi vào đây vui chơi với đồng hương là chính, tuyệt đối không có ý dậy đời ai cả. Bởi tôi tôn trọng sự khác biệt trong chính kiến.
        Tôi viết dài dòng, chỉ vì muốn chứng minh rõ ràng về lý lẽ mình nêu ra trong góp ý. Tuyệt đối ko ngoài ý đó. Tôi đi thẳng vào thực tế, không lý luận suông kiểu academic.
        Và tôi quan niệm viết để cho thế hệ sau, nhất là người trẻ trong nước biết những gì tôi đã từng trải nghiệm một đời ra sao ? Có đúng có sai, có lên bờ xuống ruộng đủ thứ hết.

        Tôi chẳng phải là hiền nhân quân tử, chỉ là kẻ bình thường. Và đã nhận thức rằng, càng tỏ ra biết nhiều, càng cho thấy rõ mình ko biết gì hết trơn, hay cái biết còn thô thiển lắm ! Cũng như biển học mênh mông, càng học càng thấy mình dốt !
        Vì thế tôi cố gắng trau dồi và trình bày để bà con thấy tôi có gì sai thì chỉ điểm dùm cho thôi. Tuyệt đối ko có ý khoe kiến thức hay tỏ ra mình trên chân ai hết. Cuối đời rồi mà vẫn còn lưu vong nơi xứ người thì hãnh diện cái gì chứ :-( !
        Vả chăng, tôi hơn các bác ở đây một chút lời ăn tiếng nói thì được …. cái giải rút gì chứ !???

        Lão Ngoan Đồng

      • D.Nhật Lệ says:

        Cám ơn bác Cường đã hồi âm khá đàng hoàng và nếu tôi có lần
        nào ‘kết tội khá vô lý’ cho bác thì xin lỗi bác vậy.OK ?
        Xin nói thêm là thầy BMĐức mỗi lần vào dạy YK/SG.chừng 1,2
        tuần là nhờ tôi ngồi phòng mạch giùm cho thầy,dù lúc đó tôi chưa ra trường.(Đó là sau khi thầy đã tu nghiêp từ Tây Đức về).
        Thế nhưng,không phải vì thế mà tôi ủng hộ thầy về chính trị,khi
        tôi đọc được bài viết của 1 bác sĩ ORL (ENT) trong nước kể
        chuyện lôi kéo thầy làm sao và đạt kết qủa như thế nào v.v.
        Tôi không hề có thành kiến như bác nói đâu nhé !
        Chào thân mến.

      • Lão Ngoan Đồng says:

        Thưa bác,

        1/
        Chúng ta dặn nhau hoài hủy: Đừng nghe những gì CS nói …

        Tại sao chúng ta căn cứ vào điều bọn CS trong nước viết, nói bla bla bla làm bằng chứng cụ thể kết tội nhau ???

        Chẳng hạn Liên Thành viết, chính Tố Hữu kể là đã kết nạp (thượng toạ) Thích Trí Quang hồi kháng Pháp vào đảng !
        Nên nhớ thời kháng Pháp thì CS dấu mặt trong Mặt trận Việt Minh chống Pháp, nên ai dám cả gan gia nhập hàng ngũ kháng chiến chống Pháp phải là người yêu nước. Cho nên nếu chuyện đó có thật, thì là điều đáng vinh dự cho TTQuang. Nếu TTQ sau này gia nhập đảng CS, mới đáng phỉ nhổ.
        Rồi bảo tài liệu của mật thám Pháp nói TTQ là CS, nhưng lại ko trưng ra được bằng cớ nào hết !

        Thú thật, tôi rất buồn và thương cho những ai tin vào lời kết tội của Liên Thành, cho dù tôi ghét cay ghét đắng (như đào đất đổ đi) TTQuang.

        Chưa có “hard proof”, thì đừng bao giờ hồ đồ kết tội ai đó. Vẫn chỉ là nghi can (the suspected; de verdacht).

        Bẩn thỉu và vô sỉ nhất là những chuyện bịa đặt về sự tự thiêu của Phật giáo, nhất là với cố thượng toạ Thích Quảng Đức.

        2/
        Tương tự chưa có bằng chứng cụ thể nào về chuyện làm lợi cho CS của đàn anh Bùi Minh Đức, ngoại trừ được CS vinh danh trong đại hội Việt kiều mà lấy đó làm bằng chứng, theo tôi quá dễ tin đến hồ đồ ! Chuyện anh Đức mua nhà và sống ở VN cũng chả làm sao cả. Đứng đồng hóa quê hương và dân tộc với chế độ CS hiện hành.

        Mỗi người có suy nghĩ và phương cách hành động khác nhau. Chả nên đòi hỏi người ta phải thực giống mình, mới là phải, là đúng, là chính nhân quân tử !

        Cứ xem Hàn Tín phải luồn trôn thằng hàng thịt, để dựng nên nghiệp cả sau này. Cho nên ta khó mà xét đoán rõ ràng chính xác, nếu như ko trong cuộc. Ai cũng rõ CS tinh ma qủi quái khôn lường. Lạng quạng là chết với chúng. Hoạt động trong nước như cá nằm trên thớt !

        Tôi có trao đổi và tiếp xúc với anh Nguyễn Đăng Hưng kỹ để tìm hiểu tận gốc, ko nghe qua nghe ai cả. Rồi từ đó điều tra thêm xem anh ấy có nói thật chăng ? và thật bao nhiêu ? Dân khoa học thực nghiệm là phải hành xử như thế khi muốn tiếp cận sự thật. Thú thật có những cái mình đồng ý có cái không, nhưng phải công nhận anh ấy rất có lòng với dân với nước, nhưng hình như hơi bị ấu trĩ về chính trị. Đó là căn bệnh chung của các trí thức VN, rất giỏi chuyên môn, nhưng lại nhẹ dạ đến cả tin hay lạc quan cách mạng tếu (như Bùi Trọng Cường và Nguyễn Xuân Ngãi lớp tôi vậy)

      • D.Nhật Lệ says:

        Có lẽ không nên sa đà cãi cọ vô ích như thế này nữa vì lời lẽ bác xét ra có hơi hám thiên tả (tôi đoán thế),dù trước kia thì không (?).Hay bác thuộc thành phần thứ 3 trước đây ?
        Hiện nay mà còn thiên tả hay thân cộng làm gì nữa cơ chứ ? Bác chờ khi có bằng chứng RÕ hơn nữa,nhiều hơn nữa thì miền Nam đã thua rồi đó,có điều sau khi thua mới lột mặt nạ !
        Một nhà khoa bảng không phải là cán bộ chuyên nghề tuyên truyền nhưng muốn kiểm chứng đáng tin hay không thì bác cứ
        dựa hành động cụ thể tiếp theo sau đó,chứ khó khăn gì đâu !
        Bác cứ nói “đừng nghe nhữn gì CS.nói…” nhưng bác lờ đi vế
        thứ 2 là hãy nhìn những gì CS.làm và nhất là kiểm chứng qua
        việc làm trong thực tế
        “Hãy nói cho tôi biết anh làm bạn với ai”,đó là câu kết thúc cho
        những tranh cãi nhì nhằng không đúng lúc như thế này !
        Chào nhé !

      • Lão Ngoan Đồng says:

        hahahahahahahhahhaaaaaaaaaaaaa

        HẾT Ý KIẾN VỚI BÁC LUÔN !

        Sau khi đặt ra một loạt giải thuyết cho tôi là hiện nay thiên tả, hay trước thuộc thành phần thứ ba bla bla bla
        Rồi bác xin hưu chiến, bởi thấy đối thoại lằng nhằng vô ích.

        Riêng tôi thấy rất có ích, chẳng riêng gì cho bác và cho tôi, mà cho những ai theo dõi đối thoại này bác ạ.

        Bác mà còn đưa ra những luận điệu chụp mũ như thế về tôi, một người luôn luôn nói có sách mách có chứng và không hề dấu diếm một tí nào lý lích cá nhân và gia đình, mình, trước kia và cả hiện tại.
        Cứ thế này thì đúng là BẾ TẮC THẢO LUẬN ĐỂ TIẾP CẬN SỰ THẬT, TÌM CON ĐƯỜNG ĐỨNG ĐẮN CỨU QUỐC, CỐ TIẾN LẠI GẦN NHAU HƠN NỮA !

        Tôi sẽ gửi mẩu đối thoại lý thú này tới một số đồng nghiệp để nghe thêm cao kiến bốn phương. Chẳng hạn ở Úc có vợ chồng Bùi Trọng Cường và Kim Dzung, Đặng Vũ Thúy Dzoan, Trần Trung Hòa … cùng lớp, cũng như lớp trẻ có Bảo Qúy, cũng như các bạn khác ở Pháp, Mỹ, Canada ….

        Yếu tính của dân chủ là TRONG SÁNG, CÔNG KHAI phải ko bác.
        Trong tinh thần đa nguyên, tôi rất mong được nghe thêm về chuyện đôi ta (nào có thế thôi đâu) :-) !

  3. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    RIÊNG TẶNG PHONG UYÊN, D. NHẬT LỆ và những ai quan tâm đến ngành Y VN

    MỘT LẦN NỮA RẤT MONG BAN BIÊN TẬP THỂ TẤT CHO SỰ DÀI DÒNG CHI TIẾT, NHƯNG RẤT BỔ ÍCH CHO KIẾN THỨC TỔNG QUÁT BẠN ĐỌC MUỐN TÌM HIỂU VỀ VIỆT SỬ THỜI CẬN VÀ HIỆN ĐẠI RA SAO ?

    Xin thành thật cám ơn rất nhiều.

    Lại Mạnh Cường

    =====

    Kính qúi hữu,
    Tôi tình cờ vào web dưới đây và tìm ra được nhiều tài liệu hay. Tôi ghi lại và bình phẩm chơi chơi cho dzui bên dưới từng đề mục, nhất là khi thử sắp xếp lại phần trình thèse từng năm.

    Tuy nhiên khi tôi ĐỌ VỚI “DANH SÁCH Y SĨ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI” ấn bản 1993 do HỘI Y SĨ VIỆTNAM TẠI CANADA phát hành thì thấy mình có nhận định sai nhiều chỗ lắm, nếu như chỉ dựa vào những gì mình kiếm thấy trên web này !
    Tôi không sửa đổi lại vì tốn thì giờ, cũng như để chúng ta rút kinh nghiệm cùng nhau là, khi xem một tài liệu nào nên cẩn thận và phải so đọ thật nhiều mới chính xác thêm.
    Kết luận, những gì tôi gửi cho qúi hữu qua diễn đàn email kiểu mới thu hẹp trong một số bạn hữu chỉ là BẢN THẢO mà thôi.
    Chúng ta làm nháp với nhau, và sau đó nếu cần thiết tổ chức hội thảo mổ xẻ thêm; hay nếu cần sẽ trích dẫn hay viết lại để đăng trên sách báo, trang web để rộng đường dư luận.

    Références bibliographiques, cartographiques, webliographiques

    http://hanoi.not.free.fr/references_bibliographiques.htm

    * ÐANG-VU Lac†, Contribution à l’étude clinique et étiologique du béri-béri, thèse, Paris 1927.

    1935

    1* Dô Du Anh. Contribution à l’étude des myosites tropicales plus particulièrement des myosites en milieu tropical. Thèse Hà Nôi 1935

    2* Duong Tân Tuoi, Lutte contre le paludisme à Tuyên Quang (Tonkin). Thèse Hà Nôi 1935

    3* Nguyên Trong Tuê. Contribution à l’étude des abcès du lobe gauche du foie. Thèse Hà Nôi 1935

    4* Dang Van Ngu. Contribution à l’étude étiologique et clinique des abcès du foie au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1935

    5* Nguyên Manh Thân. Contribution à l’étude des ictères de la chimiothérapie antisyphilitique. Thèse Hà Nôi 1935

    6* Nguyên Trong Hiêp. Etudes sur l’avenir chirurgical des dysentériques et des colitiques tropicaux. Thèse Hà Nôi 1935

    7* Nguyên Trong Tuê. Contribution à l’étude des abcès du lobe gauche du foie. Thèse Hà Nôi 1935

    8* Phan-Huy Quat†. Contribution à l’étude de la distomatose hépatique à Clonorchis sinensis au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1935

    [Phan-Huy Quat†, Les syndromes cliniques de la distomatose hépatique à Clonorchis sinensis. Bull. Soc. Méd. Chir. Indoc., XIV, 1936, p. 1094 ]

    9* Pham Van Phan. Contribution à l’étude du paludisme congénital. Thèse Hà Nôi 1935

    10* Truong Hô Ly. Traitement chirurgical des colites chroniques par fistulisation en particulier par l’appendicostomie. Thèse Hà Nôi 1935
    11* Vo Duy Trach. Contribution à l’étude de la pathogénie des oedèmes dans le béri-béri. Thèse Hà Nôi 1935

    ======

    LMCường: Gần như hoàn toàn là bệnh nhiễm trùng nhiệt đới (trừ “bb” / béri-béri) !

    NĂM 1936 KHÔNG THẤY CÓ AI TRÌNH THÈSE ! TẠI SAO ???

    1937

    1* Dang-Vu Giac†. Sur le traitement médical de la poradénite inguinale (maladie de Nicolas et Favre, venereal lymphogranuloma, Chlamydia) et de ses formes associées. Thèse Hà Nôi 1937, Taupin G. édit.

    2* Nguyên Van Buu. Contribution à l’étude des ulcères gastro-duodénaux en milieu tonkinois et essai de traitement médical. Thése Hà Nôi 1937

    3* Dinh Van Kinh. Le typhus murin (Rickettsia mooseri) en Indochine. Thèse Hà Nôi 1937
    (LMC:Tôi từng là bệnh nhân của bác sĩ Đinh Văn Kính. Hình như phòng mạch ở đường Yên Đổ quận ba SG)

    4* Nguyên Van Cuong. Contribution à l’étude clinique, biologique et thérapeutique du bubon climatique. Thèse Hà Nôi 1937

    5* Tôn Thât Hoat. Contribution à l’étude de la sparganose oculaire (Spirometra mansoni) en Indochine. Thèse Hà Nôi 1937

    6* Trân Huu Nghiêp. Contribution à l’étude des anémies graves à ankylostomes au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1937

    7* Trinh Xuân Tru. Contribution à l’étude des rapports entre le paludisme et les hépatites chroniques avec sclérose observées en Indochine. Thèse Hà Nôi 1937

    8* Vu Công Hoè. Du suicide dans la société annamite. Thèse Hà Nôi 1937

    9* Vu Ngoc Huynh. Le laquage des dents en Indochine. Thèse Hà Nôi 1937

    LMCường: Gần như hoàn toàn là bệnh nhiễm trùng nhiệt đới (trừ ca loét bao tử, tự tử; tục nhuộm răng / laque des dents) !

    1938

    1* Pham Khac Hy. Contribution à l’étude du traitement des perforations d’ulcères gastro-duodénaux. Thèse Hà Nôi 1938

    2* Dang Van Ho. Etudes du chimisme gastrique des Annamites à l’aide de l’épreuve à l’histamine. Thèse Hà Nôi 1938

    3* Lê Công Mao. Contribution à l’étude de la lithiase hépatobiliaire en Indochine et plus particulièrement au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1938

    4* Lê Van Hop. Recherche sur les variations de la protéinémie des syphilitiques au cours du traitement spécifique. Thèse Hà Nôi 1938

    5* Lê Van Tan. Contribution à l’étude des accès pernicieux du paludisme observés au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1938

    6* Luong Van Lau. Contribution à l’étude de la strongyloidose (anguillulose) humaine et expérimentale au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1938

    7* Nhu Thê Bao. Etat actuel de la chimioprophylaxie collective du paludisme. Thèse Hà Nôi 1938

    8* Pham Kim Luong. Contribution à l’étude des relations entre la syphilis et le cancer au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1938

    9* Pham Kim Tuong. Le choléra au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1938

    10* Vu Kim Vinh. Recherches sur les traitements et particularités radiologiques des arthrites blennorragiques au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1938

    11* Nguyên Van Vinh. Contribution à l’étude de la néphrose lipoidique chez les Annamites adultes et adolescents au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1938

    12* Duong Van An. La prophylaxie de la maladie béribérique. Thèse Hà Nôi 1938

    13* Trân Van Côn. Recherches sur l’oeil des Indochinois. Thèse Hà Nôi 1938

    14* Buu Dông. Approvisionnement de l’Indochine en eau potable. Thèse Hà Nôi 1938

    15* Ng.-Van Tuyên. La question des logements insalubres à Hà Nôi. Thèse Hà Nôi 1938

    NĂM 1939 do THẾ CHIẾN II, giáo sư Pháp không qua VN, nên ko có trình thèse !
    Đề tài đa dạng hơn xưa.

    1940

    1* Tôn-Thât Tùng. La vascularisation veineuse du foie et ses applications aux résections et lobectomies hépatiques. Thèse Hà Nôi 1940
    2* Nguyên Ngoc Doan. Ascaridiose infantile au Tonkin. Thèse Hà Nôi 1940

    3* Pham Dinh Lam. Le tétanos post-opératoire. Thèse Hà Nôi 1940

    4* Trân Duy Hung. La lymphadénie abdominale. Thèse Hà Nôi 1940

    5* Truong Tân Trung. La formule leucocytaire du sang du paludéen. Thèse Hà Nôi 1940

    6* Nguyên Tan Lung. Recherches sur les dents, le maxillaire inférieur et le masséter des Indochinois. Thèse Hà Nôi 1940

    7* Truong Duy Thu. Craniologie maxillo-faciale des Tonkinois. Thèse Hà Nôi 1940

    8* Lam Van Bon. Traumatismes causés par la faune d’Indochine. Thèse Hà Nôi 1940

    LMC: Đề tài ngày một đa dạng thêm lên

    ======

    * Trân Ly. Traitement des affections d’oreilles par la médecine sino-annamite, thèse de Hà Nôi, 1941

    * Nguyên Trân Huân. Contribution à l’étude de l’ancienne thérapeutique vietnamienne, thèse de Hà Nôi, 1951

    * Trân Van Ninh. Contribution à l’étude de l’alimentation végétale des Vietnamiens, thèse de Hà Nôi, 1952

    ——————-

    LMCường:
    So sánh thật nhanh những gì tìm được trên web trên với DANH SÁCH Y SĨ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI TỰ DO ấn bản 1993 đăng lại DANH BIỂU LUẬN ÁN Y KHOA / BIBLIOGRHAPHIE DES THÈSES DE MÉDECINE của phiá quốc gia, ta thấy có nhiều bất cập:
    1/
    Chỉ trừ năm 1939 do Thế chiến Hai bùng nổ ở Âu châu, nên các thày Pháp không từ “mẫu quốc” qua Đông Dương chấm luận án tiến sĩ Y khoa thôi.

    2/
    Năm 1935 có đến 12 (mười hai) ông nghè tây chuyên về Y khoa, đề tài luận án không chỉ có bệnh truyền nhiễm mà thôi.
    Bác sĩ Hoàng Gia Hợp có mặt trong nhóm này với đề tài L’Anesthésie intraveineuse au Numal; bs Nguyễn Xuân Nguyên với Contribution à l’étude de la mélioidose en Indochine.

    3/
    Năm 1936 có thêm 13 ông nghè Tây. Bs Phan Huy Quát với Contribution à l’étude de la distomatose hépatique à Clonorchis sinensis au Tokin.

    4/
    1937 có 19 vị. Trong số này có hai thạc sĩ Y khoa vào năm 1952 là giáo sư cơ thể học VŨ CÔNG HOÈ (mà thày Trần Văn Bảng hết lời ca tụng, bởi ông đã đóng góp một phần giúp thày Bảng hoàn thành luận án, cũng như sau 1975 hai bên liên lạc thân tình với nhau và cụ Hoè “điếc” đã cho bạn mình biết bài thơ chửi Tôn Thất Tùng của mình ) và giáo sư TRỊNH VĂN TUẤT chuyên về Stomatologie / khẩu soang với tựa đề Les lésions de l’artère fessière dans la pratique coloniale.

    Ngoài ra còn có ông TÔN THẤT HOẠT là người mà giáo sư Bảng cho là một thiên tài Toán VN thời đó. Thày Bảng kể một giai thoại là, trong cuốn Hình học phẳng (Géométrie plane) có một bài toán đố mà ông TTH có thể giải bằng 32 (ba mươi hai) cách khác nhau, trong khi ông Hoàng Xuân Hãn chỉ tìm ra được 23 lối thôi. Ông Hãn đi Pháp nên học cao thêm về Toán, ông TTH ở lại nên đành chọn Y !
    5/
    1938 tăng vọt lên thành 31 vị, với một nữ giới người (quốc tịch ?) Pháp tên rất lạ FRANCE HÉRÉTIER (Mme H. Michon) qua Contribution à l’étude des pancréatites atténuées và một tên Tàu đặc sệt WING TSE TCHAN với Contribution à l’étude des plaies du colon.

    6/
    1940 có 25 vị với thày TRẦN VĂN BẢNG và giáo sư TÔN THẤT TÙNG, cũng như nhà thơ Thái Can.
    TVB với nghiên cứu Méningococcie maligne và TTT dĩ nhiên có liên quan đến lá gan !

    Wikipedia:
    Thái Can (1910-1998), là bác sĩ và là nhà thơ VN thời tiền chiến. Bài thơ này được phổ nhạc ((mang tên của câu đầu bài thơ) rất hay mà tôi nghĩ đa số chúng ta đều biết. Ca sĩ trẻ Mạnh Đình của Trung tâm Asia hát bài này khá hay và trở thành bài tủ của anh ! Tuy nhiên tôi thich giọng hát Vũ Khanh hơn.

    Anh biết em đi

    Anh biết em đi chẳng trở về,
    Dặm ngàn liễu khuất với sương che.
    Em đừng quay lại nhìn anh nữa:
    Anh biết em đi chẳng trở về.
    Em nhớ làm chi tiếng ái ân.
    Đàn xưa đã lỡ khúc dương cầm.
    Dây loan chẳng đuợm tình âu yếm,
    Em nhớ làm chi tiếng ái ân.
    Bên gốc thông già ta lỡ ghi
    Tình ta âu yếm lúc xuân thì.
    Em nên xóa dấu thề non nước
    Bên gốc thông già ta lỡ ghi.
    Chẳng phải vì anh chẳng tại em:
    Hoa thu tàn tạ rụng bên thềm.
    Ái tình sớm nở chiều phai rụng:
    Chẳng phải vì anh chẳng tại em.

    Anh biết em đi chẳng trở về
    Dặm ngàn liễu khuất với sương che.
    Em đừng quay lại nhìn anh nữa;
    Anh biết em đi chẳng trở về.

    (Chép theo một bức thư) (1934)

    7/
    Sau đó là những năm “táo bón kinh niên”, như với năm 1941 có mỗi 5 (năm) vị với giáo sư NGUYỄN TẤN GI TRỌNG (De l’intérêt de la ponction sternale dans l’étude du paludisme), cùng một vì người Tàu và một nữ bác sĩ VN NGUYỄN THỊ SƯƠNG qua đề tài Statistique des ruptures de grossesse tubaire.

    * Sang năm 1942 có 7 vị với giáo sư PHẠM GIA CẨN với đề tài về Cataracte ở VN.

    * Năm 1943 tăng gần gấp đôi thành 13 vị có bác sĩ LÊ KHẮC QUYẾN và bs Kỳ Quan Thân mà tôi hồi bé thường ghé thăm ông vì căn bệnh hen suyễn.

    * 1944 có 14 vị hai vị giáo sư thạc sĩ sau này là ĐẶNG VĂN CHUNG (Les dilatations congénitales de l’artère pulmonaire) và NGUYỄN ĐÌNH CÁT (Contribution à l’étude des traumatismes oculaires), cũng như ông giáo sư bộ trưởng y tế NGUYỄN TRINH CƠ.
    Tôi xin giới thiệu thêm về ông này cho mọi người biết, vì chính tôi it được nghe tiếng ông. Hình như thày Trần Ngọc Ninh có nhắc đến nội trú Cơ là ông này thì phải trong sách của ông viết. Tôi sẽ xem lại sau.

    * 1945 là năm “dầu sôi lửa bỏng” ở VN, nên chỉ có 5 vị trình thèse.

    * Năm 1946 KHÔNG có ai.
    Do chiến tranh chăng ? Bởi quân Pháp theo chân quân Anh trở lại VN và chiến tranh Việt Pháp bùng nổ.
    Nhưng tôi cho lý do chính yếu là NỘI BỘ trường Y Hà Nội. Nguyên do lúc đó là chỉ có bác sĩ Việt Nam thôi ! Và lúc đó chưa có giáo sư Việt, bởi muốn làm giáo sư phải có bằng thạc sĩ y khoa ! Mà chưa ai có bằng này cả về phiá bác sĩ VN, cho dù học ở Pháp về như bác sĩ Trần Quang Đệ vốn là cựu nội trú các bệnh viện Paris !
    Khoa trưởng là bác sĩ HỒ ĐẮC DI, có ông Tôn Thất Tùng phụ tá, không đủ tư cách lập hội dồng chấm thi hay cho đề tài làm luận án. Phải là giáo sư thạc sĩ Y khoa đàng hoàng.

    Khoa trưởng là bác sĩ HỒ ĐẮC DI, có ông Tôn Thất Tùng phụ tá, không đủ tư cách lập hội dồng chấm thi hay cho đề tài làm luận án. Phải là giáo sư thạc sĩ Y khoa đàng hoàng.
    Gs TNNinh đã nhận định trong tác phẩm của ông vào thời kỳ đó (trg 22 & 23):

    “Cướp chính quyền song, Trường Thuốc VN do Cụ Hồ Đắc Di lên làm khoa trưởng và luôn cho đến năm 1975 vào tham qua Sài Gòn chi biết nói tiếng Tây và một câu Việt Nam là tiếng Đức. Bác sĩ Tôn Thất Tùng chỉ lo mỗi chiều cắp cặp vào Bắc Bộ phủ để chích Vitamine C cho Hồ Chí Minh để sáng hôm sau khoe rằng vừa gặp đại tá Patti (tác giả cuốn Why Vietnam ?) và được tặng mấy cuốn Journal of The American Medical Association. Sinh viên bắt đầu lục tục đi học trở lại.

    Ngày 19 tháng 12 năm 1946 tôi đang làm công việc của một Nội trú sinh viên (LMCường: đúng ra ông đang giữ chức vụ “lưu trú” như chính ông đề cập trong tác phẩm của mình nơi trg 34-35 và 49 và hình như cả ông Nguyễn Lưu Viên cũng nói đến tình trạng đặc biệt ấy, mà ông cho là khi VM cướp chính quyền vì các thày người Pháp lại ko được hành nghề) ở bệnh viện Phủ Doãn vào khoảng 3 giờ chiều thì được gọi vào họp và được bảo rằng phải sửa soạn để trong số sáu người sinh viên Nội trú, 3 người đi theo bác sĩ Tôn Thất Tùng ra khỏi thành phố, còn ba người ở lại giữ nhà cùng với nội trú Phạm Biểu Tâm. Rút thăm thì tôi đi, nhưng tất cả các bạn tôi đều biết rằng có những lý do để tôi không đi được, nên một anh đồng ý thay tôi để tôi chịu trận, cùng với hai anh Nguyễn Bá Khả và Đào Đức Hoành. (…)”

    * 1947 đặc biệt trình thèse ở Hà Nội và Sài Gòn, vì quân Pháp đã chính thức nắm quyền bính và cho mở thêm trường YKSG, xem như một chi nhánh (annexe) của YKHN ! Giáo sư Huard làm khoa trưởng cả hai trường, cư trú ở Hà Nội và để ông giáo sư phó khoa trưởng coi sóc trường YK miền Nam, theo như tài liệu của giáo sư Đào Hữu Anh.

    Tổng cộng ngoài Bắc ba người mà hai trong số đó khá nổi tiếng đến rất nổi tiếng là thí sinh Phạm Biểu Tâm và Lý Hồng Choeng (hình như thời ông Diệm bắt đổi tên hoàn toàn Việt là Lý Hồng Chương, anh của bác sĩ Lý Hồng Hòa; chuyên về quang tuyến).
    Ở trong Nam có 7 thí sinh với hai thí sinh một nam một nữ mang tên tây và một sau này là giáo sư Trần Đình Đệ, thạc sĩ Sản Phụ khoa ở đầu thập niên 60, khi Pháp rút hết nhân viên giảng huấn Pháp về lại chính quốc vào năm 1962.

    Ở SG TRẦN ĐÌNH ĐỆ với Données anatomiques sur le nouveau-né vietnammien.

    Ở Hà Nội có nội trú “kinh niên” (nội trú 8 năm, bởi ông Tâm chỉ dưới ông TTT một lớp thôi) PHẠM BIỂU TÂM với đề tài Introduction de la médecine occidentale en Extrême-Orient (Giới thiệu Tây Y vào Viễn Đông).

    Nội trú TTT trình luận án 1940, thì nội trú PBT mãi đến bảy năm sau mới làm việc này. Tôi sẽ trở lại đề tài Nội trú vào những năm đầu tiên tổ chức thi nội trú, vì còn những trình bày khác biệt giữa hai đại giáo sư Bảng và Ninh “bố”, để nhân đây nói sơ qua cảm nghĩ riêng các đợt thi thạc sĩ đầu tiên ở đây tại VN.

    Người Pháp sau vụ trên thấy cần CẤY NGƯỜI BẢN XÚ để gây ảnh hưởng lâu dài, nếu như một mai chính thức rút chân khỏi thuộc điạ, bởi cao trào ĐẢ PHONG BÀI THỰC. Chưa kể Mỹ cũng bài bác chính sách thực dân kiểu cũ là chiếm đât đai làm của riêng. Họ đưa ra chiến lược mới là không chiếm thuộc điạ, nhưng nắm chặt các nước yếu kém hơn mình, nói rõ ra các thuộc điạ cũ bằng chính trị, kinh tế, ngoại giao …, nếu cần mới bằng quân sự. Vì thế người CS gọi là chính sách thực dân mới là thế (thực ra CS cũng dựa theo các nhà học giả mà đánh động cho nổi to lên, cứ như là họ tìm ra vậy) !
    Giới chức chính trị cao cấp ở mẫu quốc chỉ thị ngầm cho giới chức Pháp ở thuộc điạ cố đào tạo người bản xứ lên tầm mức cao nhất, nhằm có thể thay thế họ. Tuy nhiên có năng lực là một chuyện, có thể thay thể nổi họ để điều hành ở tầm quốc tế thì vẫn phải dựa vào họ, tức phải nằm trong khối liên hiệp Pháp hay Anh vậy.

    Vi vậy năm 1948 ông khoa trưởng Pierre Huard đã “dẫn độ” hai con gà ruột qua Pháp thi thạc sĩ về Phẫu khoa (Chirurgie), để một ông sẽ trấn nhậm ở Bắc (Phạm Biểu Tâm) và một ông trong Nam (Trần Quang Đệ) là thế. Cũng như cho các ông khác du học ở Pháp để chuẩn bị thi thạc sĩ.
    Để rồi vào năm 1952 lại cùng ông giáo sư Huard dẫn độ lần này bốn con gà đá thứ chiến là Đặng Văn Chung (nội khoa), Vũ Công Hoè (Cơ thể bệnh học), Nguyễn Hữu (Cơ thể học) và Trịnh Xuân Tuất (Nha và Khẩu soang).
    Cũng năm 1952 hai ông Ngô Gia Hy và Trần Ngọc Ninh sang Pháp để chuẩn bị thi thạc sĩ, rồi về nước năm 1954 !

    Phải công nhận các vị thạc sĩ này rất có khả năng chuyên môn, khác xa với những vị đi thi thạc si vào đầu thập niên 60, lúc các giảng viên Pháp phải rút dù khỏi VN vĩnh viễn, thực ra ở đại học YKSG, vào năm 1962 (nói thế chứ lúc tôi học năm thứ ba vẫn có giáo sư Hautier ở bệnh viện Hồng Bàng; nhưng năm sau thì ông phải biến khỏi VN do bị “vu” cho tội gián điệp thì phải)

    (còn tiếp)

  4. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Thưa qúi hữu,

    Phần này sẽ có nhiều điều đáng chú ý để chúng ta thử mở rộng nhãn quan sang điểm chính yếu: Tại sao người Pháp muốn đẩy mạnh tiến trình Âu hóa Đông Dương, cụ thể Việt Nam ???
    Có phải vì cần người làm tay sai cho chế độ thực dân như xưa nay ta vẫn nghe nói ?
    Hay muốn kéo VN về mình, tách rời càng xa càng tốt VN khỏi ảnh hưởng Tàu như từ ngàn xưa ?

    Dù sao ta cũng thấy rõ một điều là, số người Pháp yêu mến VN không ít. Họ thật lòng muốn giúp dân bản xứ tiến lên theo kịp văn minh nhân loại, nói rõ phương Tây hùng cường.
    Cũng có người chẳng những yêu mà còn nguỡng mộ (tôi chưa dám mạnh miệng nói là ngưỡng phục), sẵn sàng sống hoà đồng, như kết hôn với phụ nữ bản xứ, cho dù họ thuộc thành phần ưu tú trong xã hội Pháp, hay chí ít ra ở thuộc điạ, như một vài giáo sư, bác sĩ người Pháp.

    Riêng trường hợp nhà bác học Alexandre Yersin là môt đặc biệt hoạ hiếm. Ông chả khác gì một ông bác sĩ người Đức (quên tên) rất nổi tiếng rất giỏi nhưng lại tha thiết với lục điạ Phi Châu, nói rõ một bộ lạc lạc hậu trong rừng sâu nguy hiểm !

    Francis Garnier cũng là một nhân vật đặc biệt, nếu ta tìm hiểu thật kỹ về ông ta. Một người ưa mạo hiểm tìm tòi khám phá những vùng đất lạ, còn hoang dã. Chả khác gì Yersin mê say vùi đầu trong thế giới Y khoa, Dược thảo …, cũng như hobby về thiên văn và khí hậu !

    Có lẽ là người Thụy Sĩ gốc Pháp, hiến dâng đời mình cho Y khoa, nên Yersin có cái tâm bồ tát. Trong khi Ngạc Nhi (Garnier) là dân Pháp với nhiều kiêu hãnh, thuộc thế hệ thanh niên chịu nhiều ảnh hưởng của Nã Phá Luân dại đế, gốc nhà binh, nên dễ biến thành kẻ đi xâm lược chăng !???

    Lão Ngoan

    ===

    Xin Ban Biên Tập cho đăng thật nhiều tài liệu dưới đây để dẫn chứng cụ thể điều tôi thưa bên trên về cái gọi là KHAI HÓA DÂN THUỘC ĐỊA THỜI PHÁP THUỘC có thật chăng ???

    ======

    Đại Học Việt Nam
    Thời Khai Sinh

    Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm
    Oakland, CA, Hoa- kỳ

    1. Việc thành lập Viện Đại Học Đông Dương tại Hà Nội

    Viện Đại Học Đông Dương tại Hà Nội được thiết lập do sáng kiến của chính quyền thuộc địa, đã được bổ sung nhiều lần từ đó qua những thời kỳ khác nhau

    Theo Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (Centre des Archives d’Outre-Mer) tại Aix-en Provence, miền Nam nước Pháp, và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội, một khối lượng lớn tài liệu về Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) từ khi thành lập (1906) cho đến khi người Pháp chính thức rời khỏi miền Bắc Việt Nam còn được bảo quản (1954).

    Những tài liệu này tập trung cơ bản trong các kho tư liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương Fonds du Gouvernement général de l’Indochine – GGI), kho tư liệu Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin – RST) và khối tài liệu của Bộ Pháp quốc Hải ngoại (Ministère de la France d’Outre-Mer – FOM).

    Như thế trong cuộc di tản khỏi miền Bắc Việt Nam năm 1954-55, chính quyền Việt Pháp đã không chuyển toàn vẹn những kho lưu trữ tư liệu tại Hà Nội từ các thời kỳ trước cho đến thời điểm chính quyền Việt Pháp rời khỏi Hà Nội vào Nam (ngày giao vùng Hà Nội cho lực lượng Việt Minh là ngày 10/10/1954).

    Ngoài ra, hai Trung tâm Lưu trữ Quốc gia này còn lưu trữ một khối lượng lớn tài liệu khác có liên quan trực tiếp đến sự ra đời và phát triển của trường Đại học Đông Dương và về hai cuộc cải cách giáo dục ở Đông Dương do hai viên Toàn quyền Pháp là Paul Beau và Albert Sarraut là những người khởi xướng. Ở đây chúng ta chú trọng hai tài liệu quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với thời gian ra đời của trường đại học Đông Dương.

    2. Quá Trình Thành Lập Viện Đại Học Đông Dương
    Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906 do Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký ban hành. Nghị định này chính là văn bản khai sinh ra trường đại học đầu tiên theo mô hình của Pháp tại Đông Dương.

    Điều 1 của Nghị định ghi rõ:
    “Nay thành lập ở Đông Dương, dưới tên gọi Viện đại học, một tập hợp các khoá đào tạo bậc đại học cho các sinh viên xứ thuộc địa và các nước láng giềng.
    Cơ sở đào tạo này có nhiệm vụ phổ biến ở Viễn Đông, chủ yếu là thông qua tiếng Pháp, những kiến thức về các ngành khoa học và các phương pháp Châu Âu”.

    Mục đích thành lập Viện Đại Học được ghi rõ trong Nghị định số 1514a là nhằm “đào tạo nhân viên bản xứ cho các bộ máy hành chính địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương”.

    3. Các trường đưọc thành lập

    Theo Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906, Viện Đại Học Đông Dương được tổ chức khởi đầu với 5 trường liên thuộc:

    a). Trường Cao đẳng Luật và Pháp chính (École supérieure de Droit et Administration) gồm ba khoa dự kiến được thành lập bởi Hội đồng Tốt Nghiệp Giáo dục Bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l’Enseignement Indigène), trong đó khoa thứ nhất đã có từ trước, đó chính là trường Hậu bổ Hà Nội (École d’Administration de Hanoi) được thành lập theo Nghị định ngày 20-6-1903, là nơi đào tạo nên hệ thống quan lại cho bộ máy hành chính người bản xứ.

    Trường nhắm đào tạo những người có bằng Thành chung trong ba năm để làm Tham tá Hành chánh (Commis de Services Civils).
    Năm 1926, trường đổi tên thành Cao học Đông Dương (Hautes Études Indochinoises), đào tạo sinh viên có bằng Tú tài, bổ làm Huyện.
    Năm 1933, Trường Cao Học Đông Dương bãi bỏ chương trình đào tạo này và thay vào đó là các Cử Nhân Luật Khoa

    b). Trường Cao đẳng Khoa học (École supérieure des Sciences): gồm các ngành Toán, Vật lý, Hóa học và sinh vật. Nhiệm vụ của trường là đào tạo những người nghiên cứu khoa học và giáo viên trung học hoặc cao đẳng sư phạm. Trường được trang bị các phòng thí nghiệm và khoá học của năm thứ nhất thì không phải chỉ dành riêng cho sinh viên của trường này mà còn cho sinh viên của các trường khác như trường Y, trường Xây dựng dân dụng.

    Về sau mở thêm Trường Cao Đẳng Sư Phạm (École Supérieure de Pédagogie), đào tạo các giáo sư trung học, trong hai ban chuyên khoa: Toán Pháp và Khoa học; Văn Chương và Sử Địa. Phần mở rộng chính là việc đào tạo giáo sư trung học dậy ban Văn chương.
    Các sinh viên phải học đủ ba năm trước khi thi tốt nghiệp.

    c). Trường Cao đẳng Y khoa (École supérieure de Médecine): đây chính là Trường Y khoa Hà Nội (École de Médecine de Hanoi) được thành lập theo Nghị định ngày 8/1/1902 và được tổ chức lại theo Nghị định ngày 25/10/1904 do Toàn quyền Paul Beau ký ban hành.
    Theo Nghị định ngày 25/10/1904, trường Y khoa Hà Nội được đổi tên thành trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l’Indochine). Nhiệm vụ của trường là đào tạo y sĩ và dược sĩ phụ tá (médecin et pharmacien auxiliaire), hạn học 4 năm về y tế và 3 năm về dược. Sinh viên tốt nghiệp ban đầu chỉ được gọi là médecin auxiliare (y sĩ phụ tá), sau mới đổi là médecin indochinois (y sĩ Đông Dương)

    Vào khoảng 1925-26, sinh viên muốn học Y khoa Bác sĩ, phải có Tú tài Pháp. Những sinh viên nào có Tù tài bản xứ, khi tốt nghiệp, vẫn tùy thuộc quyền docteur en medicine (bác sĩ y khoa). mặc dù học lực tương đương nhau và có khi còn nhiều năng lực hơn.

    Trong trường còn có lớp nữ hộ sinh bản xứ (sage-femme indigène), học trong hai năm.
    Về sau Trường Y Khoa tách lập với Trường Dược Khoa (École de Pharmacie). Sinh viên phải học bốn năm để được đào tạo thành Dược sĩ Đông dương (pharmacien indochinois)

    Phần y sĩ cho thú vật cũng được tổ chức giảng dậy trong Trường Thú Y (École Vétérinaire). Sinh viên phải học bốn năm, để được đào tạo thành Thú Y Sĩ Đông Đương (vétérinaire indochinois).

    d). Trường Cao đẳng Xây dựng Dân chính (École supérieure du Génie Civil) với ba khoa dự kiến được thành lập, trong đó khoa Cầu – Đường bộ, Đường sắt và Mỏ chính là những ngành của trường Công chính (École des Travaux publics) được thành lập theo Nghị định ngày 22/2/1902.
    Ở Hà Nội người ta gọi là Trường Lục Lộ, đào tạo các Đốc Công (agent technique), trong hai năm. Nếu sinh viên học tập theo một chương trình lâu hơn, thì khi tốt nghiệp, họ sẽ thành adjoint technique, agent voyeur, ingénieur adjoint.

    Mãi sau năm 1945, mới có thuật ngữ kỹ sư cho những sinh viên nào học ở trường Công chánh cũ hay du học từ ngoại quốc về nước.

    e). Trường Cao đẳng Văn chương (École supérieure des Lettres): dạy Ngôn ngữ và Văn học cổ điển phương Đông, Lịch sử và Địa lý các nước Viễn Đông, Lịch sử văn học Pháp và nước ngoài, Lịch sử triết học và Lịch sử nghệ thuật.

    Về sau có thêm Trường Cao Đẳng Thương Mại (École Supérieur de Commerce), sinh viên phải học hai năm. Họ được đào tạo những kiến thức thương mại để tính lời lỗ trên bàn tính một cách đơn gỉản và tham gia điều hành doanh vụ.

    4. Những người đủ điều kiện nhập học đại học

    Kèm theo Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906 là Bản Nội quy của Trường do Tổng Giám đốc Học chính (Directeur général de l’Instruction publique) Gourdon ký ngày 12/10/1907, xác định rõ thành phần sinh viên cùng đội ngũ giáo viên và chương trình của năm học đầu tiên 1907-1908

    Bổ sung cho Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906 là hai Nghị định số 577 và 578 cùng ngày 17/2/1908 do Toàn quyền Paul Beau ký về việc thành lập Ban Thư ký và bổ nhiệm ông Henri Russier làm Thư ký trường ĐHĐD

    Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906 và những tài liệu đi kèm cho thấy, Viện Đại Học Đông Dương được thành lập trên cơ sở một số trường đã được thành lập trước đó và có mở thêm một số ngành đào tạo mới. Điều đó chứng tỏ rằng, sự thành lập ĐHĐD không phải là một việc làm hứng thú nhất thời của một cá nhân nào, mà sự kiện này là kết quả của một quá trình vận động phù hợp trong lịch sử Việt Nam và thế giới.

    Quá trình vận động đó, qua tài liệu lưu trữ, chính là cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất ở Đông Dương mà Paul Beau là người khởi xướng, bắt đầu bằng việc thành lập Sở học chính, một tổ chức “chịu trách nhiệm đưa ra một sự xung động toàn thể về sự nghiệp giáo dục trong toàn xứ Đông Dương” do Gourdon làm Tổng Giám đốc.

    Chính thức nhậm chức Toàn quyền ngày 15/10/1902, ngay từ 1904, Paul Beau đã ký nhiều nghị định nhằm xác định những nét lớn trong tổ chức giáo dục Pháp-Bản xứ, trong đó có Nghị định thành lập Hội đồng Tốt nghiệp Giáo dục Bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l’Enseignement Indigène) được Paul Beau ký ngày 9/3/1906.
    Với trách nhiệm “nghiên cứu những điều kiện để thành lập và hoạt động của một trường đại học gồm các môn giảng dạy ở bậc đại học dành cho người bản xứ và người Châu Á”, vào ngày 11/4/1906, trong phiên họp thứ nhất, sau nhiều cuộc tranh luận, Hội đồng Tốt nghiệp Giáo dục Bản xứ đã nhất trí đề nghị lên Toàn quyền việc thành lập ĐHĐD và được Toàn quyền chuẩn y bằng Nghị định số 1514a ngày 16-5-1906 như đã giới thiệu ở trên.

    5. Viện Đại Học Đông Dương Khánh Thành

    Trường được phép làm lễ khánh thành bằng Nghị định ngày 12/6/1907 và ngày 10/11/1907, lễ khánh thành được tổ chức tại Phủ toàn quyền cũ (khu nhượng địa) ở Hà Nội, dưới sự chủ tọa của Thống sứ Bắc Kỳ De Miribel.

    Cuối tháng 11/1907, Trường đã tổ chức lễ khai giảng đầu tiên với sự có mặt của 94 sinh viên mới, 62 sinh viên dự thính và 37 sinh viên năm thứ nhất trường Y Khoa sẽ tham dự một số giờ học của môn khoa học của Trường, tổng cộng gồm 193 sinh viên. Trong năm học đầu tiên này, một số viên chức các sở chuyên môn tuy không theo học chính thức nhưng cũng được phép tham gia các giờ thực hành tại các trường thuộc ĐHĐD.
    Tuy nhiên, sau khi năm học đầu tiên này kết thúc, ĐHĐD đã đột ngột đóng cửa, không bởi một văn bản pháp lý nào, không cả một lời giải thích của bất cứ một vị quan chức nào trong bộ máy chính quyền thuộc địa.
    Mặc dù ĐHĐD đã phải đóng cửa sau một năm hoạt động vì chương trình đào tạo của nó còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế lúc đó, song thực tế cũng đã chứng minh rằng, những sinh viên được ĐHĐD đào tạo dù chỉ trong một năm học cũng đã không ngừng đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ.
    Nhiều sinh viên của Trường đã tiếp thu được những khái niệm vững chắc cần thiết cho nghề nghiệp của họ, sự ham thích thực sự đối với khoa học, và nhất là về phương pháp giảng dạy, phương pháp mà sau này đã được phát hiện trong rất nhiều sách giáo khoa phổ biến khoa học tập hợp về sau do một vài người trong số họ soạn ra.

    Trong vòng 10 năm, từ giữa 1907 đến 1917, sau cuộc cải cách của Paul Beau, nền giáo dục bậc cấp 2, cả giáo dục bản xứ lẫn giáo dục Pháp ở Đông Dương đã phát triển tốt hơn chuẩn bị cho những sinh viên theo được giáo dục cấp 3, tạo điều kiện vững chắc cho sự hồi sinh của ĐHĐD vào năm 1917. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất của Paul Beau, trên thực tế, đã đặt nền móng cho toàn bộ nền giáo dục ba cấp của Pháp ở Việt Nam.

    ĐHĐD gắn liền với tên tuổi của Paul Beau, Toàn quyền Pháp thứ 13 ở Đông Dương. Quá trình hình thành trường đại học đầu tiên của xứ thuộc địa này cũng gắn liền với cải cách giáo dục ở Đông Dương mà Paul Beau khởi xướng.

    6. Hệ thống giáo dục ba bậc

    Bộ “Tổng quy Học chính” (Règlement général de l’Instruction publique) do Toàn quyền Albert Sarraut ban hành theo Nghị định ngày 21-12-1917.
    Với 7 chương gồm 558 điều, bộ “Tổng quy Học chính” của Albert Sarraut qui định nền giáo dục ở Việt Nam theo 3 cấp:

    * Sơ cấp là nền học vấn tiểu học (Enseignement primaire) gồm các trường tiểu học toàn cấp (Écoles Primaire de plein exercice) và các trường sơ tiểu học (École Primaire Elémentaire).

    * Trung cấp là học vấn trung học gồm cao đẳng tiểu học (học trong 4 năm để thi lấy bằng cao đẳng tiểu học, gọi là bằng Thành chung hay Diplôme) và trung học, học trong 2 năm để thi lấy bằng Tú tài (Diplôme de bachelier).
    Các trường tiểu học và trung học đều nằm trong hệ thống các trường Pháp-Việt. Ngoài ra còn có hệ thực nghiệp cho cả hai bậc giáo dục: bậc tiểu học có các trường dạy nghề mộc, rèn, nề, trường gia chánh (École ménagère); bậc trung học có các trường thực nghiệm toàn cấp (École professionnelle de plein exercice).
    Theo quy định của bộ “Tổng quy Học chính”, hệ phổ thông sau khi tốt nghiệp trung học, học sinh sẽ thi vào các trường cao đẳng, còn hệ thực nghiệp thì tùy tính chất của từng loại trường và số năm học (tương ứng với tiểu học hoặc trung học), sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở các cơ sở sản xuất.

    * Cao đẳng: về nguyên tắc tổ chức, các trường Cao đẳng Đông Dương làm thành trường ĐHĐD nhưng trên thực tế, các trường Cao đẳng này chưa thành lập hết nên trong “Tổng quy Học chính”, hệ cao đẳng chỉ được nêu một cách khái quát như sau:

    - Trường Quan Lại ở Hà Nội (École des Mandarins à Hanoi) và trường Hậu Bổ ở Huế (École d’Administration à Hué) là những trường chuyên đào tạo quan lại, theo quy chế này sẽ ngừng hoạt động và tổ chức lại hợp nhất trực thuộc Giám đốc ĐHĐD quản lý.

    - Trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l’Indochine) thành lập theo Nghị định ngày 25/10/1904 và trường Cao đẳng Thú y Đông Dương (École Supérieure Vétérinaire de l’Indochine) thành lập theo Nghị định ngày 15/9/1917 vẫn tiếp tục hoạt động.

    - Trường Công chính (École des Travaux publics) thành lập theo Nghị định ngày 22/2/1902 và tổ chức lại theo Nghị định ngày 15/4/1913 sẽ trực thuộc vào Giám đốc ĐHĐD.

    - Bỏ các lớp dạy luật (Cours de Droit) được thành lập theo Nghị định ngày 29/3/1910.
    Bổ sung cho Nghị định ngày 21/12/1917 ban hành bộ “Tổng quy Học chính” là Tổng Quy về giáo dục Cao đẳng ở Đông Dương (Règlement général de l’Enseignement supérieur) được Toàn quyền Albert Sarraut ban hành lần đầu tiên bằng Nghị định ngày 25-12-1918 và sau đó không ngừng được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Đây là một văn bản có tính chất pháp lý quan trọng đối với giáo dục bậc cao đẳng ở Đông Dương nói chung và đối với tổ chức ĐHĐD nói riêng.

    Như vậy là, trên thực tế, kể từ khi ĐHĐD do Toàn quyền Paul Beau sáng lập ra theo Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906 đã ngừng hoạt động không do một văn bản pháp lý nào cho tới khi Nghị định ngày 31/12/1917 được Toàn quyền Albert Sarraut ban hành, chính quyền thuộc địa đã không ra thêm một văn bản nào khác về ĐHĐD. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì người ta không thể ra một văn bản để thành lập một tổ chức vẫn còn đang tồn tại dù chỉ là trên giấy tờ. Hơn nữa, ĐHĐD được nhắc tới trong bộ “Tổng quy Học chính” này, về thực chất, được tập hợp từ các trường thành viên của ĐHĐD do Paul Beau sáng lập ra. Có thể nói rằng, nếu sự ra đời của ĐHĐD gắn liền với chương trình cải cách giáo dục lần thứ nhất của Pháp ở Việt Nam mà Paul Beau là người khởi xướng thì sự tái thành lập của Trường lại không thể tách rời chương trình cải cách giáo dục lần thứ hai của Albert Sarraut, Toàn quyền thứ 23 của Pháp ở Đông Dương. Với bộ “Tổng quy Học chính”, Albert Sarraut đã làm cho trường ĐHĐD được hồi sinh sau 10 năm ngừng hoạt động.

    Theo hai tài liệu trên đây, Đại học Đông Dương được thành lập ngày 16/5/1906 và được tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong lịch sử giáo dục ở Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng bắt đầu từ ngày 31/12/1917. Những chứng cứ này tồn tại khách quan, được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ Việt Nam và Pháp. Đó là những tư liệu đáng tin cậy cho những ai quan tâm nghiên cứu về lịch sử Đại học Đông Dương và lịch sử giáo dục đại học Việt Nam. Như thế những thay đổi tiếp tục trong thực tế.

  5. Lão Ngoan Đồng says:

    Xin Ban Biên Tập thông cảm cho tôi copy lại các góp ý có liên quan với nhau, để tôi đi tiếp phần dở dang đang hầu chuyện độc giả, rồi ngưng lại vì lý do riêng. Nhưng rồi có một vị yêu cầu viết tiếp rõ ràng cho có ngọn ngành, nên tôi xin đi tiếp ngay sau đây

    Kính cáo,
    Lão Ngoan

    =================

    Lão Ngoan Đồng says:
    16/04/2012 at 23:27

    Thưa bà con,

    1/
    Phải công bằng mà nói, bọn thực dân Pháp quả có đến KHAI HÓA cho dân mình rất nhiều, mặc dù mục đích chính của chúng là CHIẾM ĐẤT ĐAI ĐỂ KHAI THÁC NHÂN VẬT LỰC ! Đó là chính sách thực dân kiểu cũ, và bị sau thế chiến hai bị thay bằng chính sách thực dân kiểu mới do Mỹ chủ trương, ko chiếm đất mà dựng nên một chính quyền bù nhìn để giựt dây đằng sau. Nhìn bề ngoài sẽ có cảm tưởng là tử tế và nhân bản hơn, nhưng thực chất thâm hiểm hơn nhiều. Cứ như ở ta thời VNCH, có thế mới giữ được làm vệ tinh trong vòng tay của Mỹ đến hai thập niên, làm phên dậu be bờ cho Mỹ từ xa. Dĩ nhiên phía đối nghịch với tư bản Mỹ là đế quốc CS cũng chả tử tế gì, dùng chủ nghĩa CS làm chiêu bài, biến bọn CS miền Bắc làm tay sai cho quan thày Nga Hoa.

    Tôi muốn thưa rõ rằng, THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU NHIỀU ĐẮNG CAY ! Tưởng rằng có độc lập tư do dân chủ, nhưng toàn đồ mạo hóa, và dân mình vẫn tiếp tục lao vào chém giết nhau vì cái chủ nghĩa ngoại lai vớ vẩn, mặc dù có nhiều cơ hội tốt tiếp cận với nền văn minh văn hóa phương Tây đầy nhân bản và tiến bộ nhất thế giới.
    Rốt cuộc mèo lại hoàn mèo. Dứt phong kiến đến thực dân, rồi độc tài đủ kiểu, từ độc tài toàn trị CS đến độc tài gia đình trị, độc tài quân phiệt. Giờ đây là một thứ độc tài lai căng, nửa dơi nửa chuột, của mô hình CS lột xác đi theo tư bản hoang dại qua cái gọi là đổi mới kinh tế, nhưng vẫn xiết chặt chính trị. Nghĩa là VN nếm đủ mùi độc tài độc đoán, và chưa hề có tự do dân chủ thực sự bao giờ.

    2/
    Trở lại thời thực dân Pháp, sẽ có nhiều người cho tôi là nói láo, làm gì có những khai hóa cho dân ta, mà chỉ có sự giả danh khai hóa để đào tạo ra những kẻ thừa hành làm tay chân bộ hạ cho thực dân, nhằm kiện toàn bộ máy cai trị của thực dân áp đặt lên đầu lên cổ dân ta mà thôi.

    Qúi vị đã rõ tôi gốc là dân khoa học thực nghiệm, nên bao giờ cũng nói có sách mách có chứng. Vậy xin hãy bĩnh tâm nghe tôi giãi bày dài dòng mất thì giờ, nhưng rất bổ ích cho kiến thức tổng quát.

    Thưa bà con,

    Phải công bằng mà nói, bọn thực dân Pháp quả có đến KHAI HÓA cho dân mình rất nhiều, mặc dù mục đích chính của chúng là CHIẾM ĐẤT ĐAI ĐỂ KHAI THÁC NHÂN VẬT LỰC ! Đó là chính sách thực dân kiểu cũ, và bị sau thế chiến hai bị thay bằng chính sách thực dân kiểu mới do Mỹ chủ trương, ko chiếm đất mà dựng nên một chính quyền bù nhìn để giựt dây đằng sau. Nhìn bề ngoài sẽ có cảm tưởng là tử tế và nhân bản hơn, nhưng thực chất thâm hiểm hơn nhiều. Cứ như ở ta thời VNCH, có thế mới giữ được làm vệ tinh trong vòng tay của Mỹ đến hai thập niên, làm phên dậu be bờ cho Mỹ từ xa. Dĩ nhiên phía đối nghịch với tư bản Mỹ là đế quốc CS cũng chả tử tế gì, dùng chủ nghĩa CS làm chiêu bài, biến bọn CS miền Bắc làm tay sai cho quan thày Nga Hoa.

    Tôi muốn thưa rõ rằng, THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU NHIỀU ĐẮNG CAY ! Tưởng rằng có độc lập tư do dân chủ, nhưng toàn đồ mạo hóa, và dân mình vẫn tiếp tục lao vào chém giết nhau vì cái chủ nghĩa ngoại lai vớ vẩn, mặc dù có nhiều cơ hội tốt tiếp cận với nền văn minh văn hóa phương Tây đầy nhân bản và tiến bộ nhất thế giới.
    Rốt cuộc mèo lại hoàn mèo. Dứt phong kiến đến thực dân, rồi độc tài đủ kiểu, từ độc tài toàn trị CS đến độc tài gia đình trị, độc tài quân phiệt. Giờ đây là một thứ độc tài lai căng, nửa dơi nửa chuột, của mô hình CS lột xác đi theo tư bản hoang dại qua cái gọi là đổi mới kinh tế, nhưng vẫn xiết chặt chính trị. Nghĩa là VN nếm đủ mùi độc tài độc đoán, và chưa hề có tự do dân chủ thực sự bao giờ.

    2/
    Trở lại thời thực dân Pháp, sẽ có nhiều người cho tôi là nói láo, làm gì có những khai hóa cho dân ta, mà chỉ có sự giả danh khai hóa để đào tạo ra những kẻ thừa hành làm tay chân bộ hạ cho thực dân, nhằm kiện toàn bộ máy cai trị của thực dân áp đặt lên đầu lên cổ dân ta mà thôi.

    Qúi vị đã rõ tôi gốc là dân khoa học thực nghiệm, nên bao giờ cũng nói có sách mách có chứng. Vậy xin hãy bĩnh tâm nghe tôi giãi bày dài dòng mất thì giờ, nhưng rất bổ ích cho kiến thức tổng quát.

    Tôi không những dựa vào chính sử, các sách mang tính khảo cứu như của Phan Khoan về thời Tây Sơn, hồi ký của một số nhân vật nổi tiếng đáng tin cậy như Trần Trọng Kim (Bị Vân Lục, tức Một Cơn Gió Bụi) …, Hồi ký của bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, bác sỹ Nguyễn Tường Bách …, mà còn dựa vào vào tiểu thuyết mang tính FACTION (Fact + fiction), để tạo dựng nên bối cảnh xã hội xứ ta từ thời xa xưa, khoảng thời Trịnh Nguyễn phân tranh cho đến tận giờ.

    Faction như đã nói, dựa vào những sự kiện có thật (facts, true stories), tác giả thêm thắt (hư cấu) cho có tình tiết éo le, để tạo dựng nên một tiểu thuyết. Điển hình ở ta có những trường thiên tiểu thuyết mang tính lịch sử (hay gọi là chuyện dã sử) thời cận và hiện đại rất hay. Chẳng hạn như Sông Côn Mùa Lũ về thời Tây Sơn mà đặc biệt chú trọng đến Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác; Tuấn, Chàng Trai Nước Việt của Nguyễn Vỹ, tả cảnh nước ta vào đầu thế kỷ 20 cho đến khoảng thập niên 30 với các phong trào Đông Kinh Nghiã thục của Phan Bội Châu, Duy Tân của Phan Chu Trinh …; Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ, viết về thời Kháng Chiến Chống Pháp; Dòng Sông Thanh Thủy, của Nhất Linh tả cảnh Quốc Cộng thanh toán nhau ở vùng biên giới Tàu – Việt; Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác, coi như một hậu Khu Rừng Lau, thời đệ nhất và đệ nhị VNCH cho đến khi đại thắng của CS và bắt đầu có phong trào vượt biên, mà nhân vật chính trong đó chính là anh chàng Ngữ, gốc dân miền Trung chả khác gì tác giả cả.
    Gần đây nhất Ngô Thế Vinh, khoảng năm 2000, đã cho ra mắt CỬU LONG CẠN DÒNG, BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG cực hay (Tác phẩm ngắn Vòng Đai Xanh của ông cũng thuộc loại Faction, được giải thưởng văn học tổng thống thời Thiệu đầu thập niên 70, đã vẽ lại mặt thật đằng sau phong trào Fulro có Mỹ nhúng tay vào ra sao. Ông cho tôi hay, mục đích chống lại những đánh bóng tô màu của phía Mỹ khi cho quay phim làm ầm ĩ quảng cáo cho đám lính mũ nồi xanh Green Beret, một thứ con đẻ của tình báo Mỹ thời Kennedy, cố tạo nên hình tượng những mercenaires thời đại mới, kiểu như Robin des Bois hay hiệp sĩ bịt mặt trong tranh vẽ là Zorro, vốn bản chất những anh hùng khởi nghĩa giải phóng áp bức … cho dân đen vô tội)

    Wikipedia : FACTION
    The non-fiction novel is a literary genre which, broadly speaking, depicts real historical figures and actual events narrated woven together with fictitious allegations and using the storytelling techniques of fiction. The non-fiction novel is an otherwise loosely-defined and flexible genre. The genre is sometimes referred to as or faction, a portmanteau of “fact” and “fiction”.

    (còn tiếp)

    kbc 3505 says:
    17/04/2012 at 09:36

    Hội chứng?

    Lịch sử VN đã sang trang tính từ cuối thế kỷ 19, thời kỳ thực dân Pháp lần đầu tiên đặt chân đến bán đảo Đông Dương, hay VN nói riêng, và rút hoàn toàn về nước sau thất bại Điên Biên Phủ với hiệp định Geneve 1954.

    Khách quan để nhận xét và đánh giá trong suốt quá trình 80 năm đô hộ nước ta, nước Pháp đã được lợi gì? Mất gì? Họ đã khai hóa đất nước ta ra sao và đã để lại những gì cho chúng ta trong suốt 80 năm đô hộ, nhất là về mặt văn hóa, giáo dục, và y tế?

    Bao nhiêu trí thức và nhân tài VN thời đó được đào tạo ra sao và từ đâu?
    Tại sao người Việt mình biết mặc quần tây, áo vét cà vạt, và có chữ quốc ngữ mà bây giờ là ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta?
    Thành phố Sài Gòn do ai xây dựng?
    Đất nước thay đổi từ chế độ phong kiến sang thể chế cộng hòa sau này là do đâu?

    Và còn trăm ngàn thứ khác…

    Mà nếu không có “hậu quả” của 80 năm đô hộ thì dân tộc VN chúng ta ngày nay sẽ như thế nào?

    Mong có những bậc thức giả góp ý chia xẻ với bạn đọc. Đa tạ.

    kbc3505

    ====

    Thưa bà con,

    1/
    Phần góp ý dưới đây tôi sẽ dựa nhiều vào ông Đặng Viết Thụ, viết trong tác phẩm LÀNG HÀNH THIỆN – THỜI TÂY HỌC CHO ĐẾN NĂM 1954, quyển thượng, do chính tác giả tự xuất bản tại Melun, Pháp, năm 1999.

    Ông Đặng-Vũ-Nhuế, Hội trưởng Hội Ái hữu Hành Thiện tại Âu châu đã giới thiệu sách như sau:

    Tác giả Đặng Viết Thụ là một luật gia,cựu Phó Chưởng Lý Toà Thượng Thẩm SG, cư trú ở Pháp từ năm 1975, sau cuốn sách nhan đề “Làng Hành Thiện và các Nhà Nho Hành-Thiện Triều Nguyễn”, cùng cuốn “Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn-Thế-Truyền”, nay lại đưa chúng ta đến cuốn thứ ba nhan đề “Làng Hành-Thiện thời Tây học cho đến năm 1954″. (nguyên văn),

    1.1/
    Từ trang 21 đến trang 32, ông Đặng Viết Thụ dẫn chứng cho thấy chính quốc Pháp đã gửi các tổng trú sứ Trung Bắc Lưỡng Kỳ (từ 1883-1888), rồi các toàn quyền Đông Dương (1887-1945) gồm những ai, trong thời gian nào, Rồi ông điểm mặt một số nhân vật đầu não đó đã để lại những dấu ấn nào (xấu lẫn tốt) ở thuộc địa.
    Xin tạm tóm gọn thật nhanh một số tiêu biểu.

    + Tổng trú sứ Phillippe-Roussel de COURCY (1885-1886) “có thái độ hống hách, khinh miệt vua quan VN của De Courcy nên Phong trào Cần Vương nổi dậy khắp nơi tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ để chống Pháp. Thủ tướng Pháp De Freycinet thấy De Courcy làm lắm việc lôi thôi tại VN, làm mất lòng dân VN nên triệu hồi De Courcy về Pháp và cử nhà bác học Paul Bert sang VN làm tổng trú sứ Lưỡng kỳ.” (trg 23)

    + Tổng trú sứ Paul Bert (1886) là một nhà bác học, giáo sư khoa học tại trường đại học Sorbonne Paris và là cựu Tổng trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Pháp. Ông áp dụng chính sách ôn hòa, đối xử nhã nhặn với triều đình Huế, ông muốn dân VN cộng tác với Pháp để đem lại thanh bình, thịnh vượng cho đất nước VN. Ông tuyên bố về chính sách cai trị của mình như sau:
    “Quand un peuple pour des raisons quelconques a mis le pied sur le territoire d’un autre peuple, il n’y a que trois partis à prendre: Exterminer le peuple vaincu, le réduire en esclavage honteux ou l’associer à ses destins”, có nghĩa là
    “khi một dân tộc đặt chân lên lãnh thổ của một dân tộc khác, chỉ có ba cách để lựa chọn: tiêu diệt dân tộc bị trị, hoặc buộc dân tộc bị trị làm nô lệ một cách nhục nhã hoặc áp dụng chính sách hợp tác giữa hai dân tộc bị trị và dân tộc thống trị.” Ông chọn giải pháp thứ ba (….) (trang 23-24)

    Nhìn chung, ông này rất đàng hoàng, tôn trọng triều đình Huế, lại rất có công khai hóa qua nhiều cải tổ đáng kể về chính trị, quản trị hành chánh, canh nông và giáo dục (lập ra các trường Pháp-Việt đầu tiên). Đáng tiếc là thời gian phục vụ của ông quá ngắn.

    + Toàn quyền Étienne Richaud (1888-1889) “yêu cầu vua Đồng Khánh ra dụ ngày 1-10-1888 nhượng các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp làm nhượng địa, như vậy là ông không tôn trọng Hòa ước 1884 và lấn quyền triều đình Huế” (trg 24)

    + Toàn quyền Jean de Lanessan (1891-1894) có bằng thạc sĩ Y khoa làm giáo sư đại học Y khoa Paris. Ông có tinh thần nhân bản say mê học thuyết Khổng, Mạnh. Ông đả kích kịch liệt các giáo đoàn Công giáo tại Việt Nam đã làm nhiều việc thất nhân tâm đối với dân VN và với các tôn giáo khác ở VN. Ông buộc các nhà cầm quyền hành chính người Pháp tại VN phải trao trả lại cho triều đình Huế và các quan lại VN các quyền mà họ đã tước đoạt trước khi ông sang Đông Dương làm toàn quyền. Ông tỏ ra thông cảm với các hoạt động của các văn thân trong phong trào Cần Vương và ông tin tưởng rằng với chính sách cai trị cởi mở của ông, tôn trọng quyền nội trị của vua, quan VN theo đúng tinh thần Hoà ước 1884, nền hòa bình tại VN chóng vãn hồi.
    (…)
    Đa số các nhà cai trị Pháp và các giáo đoàn Công giáo Pháp ở VN vì bị toàn quyền De Lanessan làm mất nhiều quyền lợi nên đã cố sức vận động tại Pháp qua trung gian các báo chí và các dân biểu, nghị sĩ Pháp khiến ông bị triệu hồi về Pháp.”

    + Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) chính là người đã “đem lại an ninh cho dân chúng VN”, vì “đã tổ chức được một nền hành chính vững chắc ở Đông Dương, lập ra các cơ quan chung cho toàn cõi Đông Dương mà cá vị chỉ huy được đặt trực tiếp dưới quyền điều khiển của toàn quyền Đông Dương”.

    Ông định ra các sắc thuế trong đó có ba thứ thuế gián thu là thuế muối, thuốc phiện và rượu ty (rượu do nhà máy rượu nhà nước độc quyền sản xuất). Cũng như nhà nước độc quyền thu mua bán ba thứ trên.

    Ông cho xây dựng hạ tầng cơ sở, các đường giao thông và hỏa xa, như đi từ Hải Phòng sang Vân Nam và xúc tiến mở đường sắt xuyên Việt, xây cầu Doumer (tên Việt là cầu Long Biên) bắc ngang qua sông Hồng tại Hà Nội. Ông còn lập ra Sở Thiên Văn, Sở Hoạ Đồ, trường Y Hà Nội, trường Viễn Đông Bác Cổ.
    Tuy nhiên ông cũng mạnh dạn lấn quyền triều đình Huế, như yêu cầu vua Thành Thái bãi bỏ Nha Kinh Lược tại Bắc Kỳ, mà trao quyền lại cho thống sứ Bắc kỳ; cho Khâm sứ Trung kỳ quyền chủ toạ các phiên họp của Cơ Mật viện …

    + Toàn quyền Paul Beau (1902-1908) “tìm cách lôi cuốn giới trí thức và giới thượng lưu Đông Dương để hai giới này vui lòng hợp tác với Pháp. Ông ký hàng loạt nghị định có tính cách phúc lợi cho Đông Dương, cho xây nhiều bệnh viện, cải tổ các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình với sự đồng ý của triều đình Huế, các thí sinh dự thi phải thi cả các bài quốc ngữ, chữ Pháp, những bài toán pháp, khoa học. Ông lập ra nhiều trường tiểu học cao đẳng tiểu học Pháp Việt. Năm 1907 ông lập ra trường đại học Đông Dương để thu hút cá sinh viên khỏi sự lôi cuốn của Phong trào Đông Du. Mỗi năm ông cho một số quan lại và công chức Việt, Miên, Lào qua Pháp tu nghiệp và quan sát.

    + Toàn quyền Antoine Klobukowski (1908-1910) làm ngược lại những gì vị tiền nhiệm đã thực hiện, như đàn áp tàn bạo phong trào chống sưu cao thuế nặng, chặn đứng phong trào Đông Du, đóng cửa trường đại học Đông Dương.

    + Toàn quyền Albert Sarraut (1911-1914 và 1917-1919) ” chủ trương chính sách Pháp Việt hợp tác mà Paul Bert đề xướng. Theo ông chính sách thuộc địa không phải là áp bức mà là giải phóng, ko bóc lột dân thuộc địa mà làm giầu cho dân thuộc địa bằng cách khai thác các tài nguyên mới mà dân thuộc địa trước kia không biết khai thác, để chia sẻ cùng dân thuộc địa những tài nguyên này. Chính sách thuộc địa là đem lại an ninh cho dân thuộc địa thoát khỏi vòng áp bức, bất công mà họ đã phải chịu đựng, là đảm bảo cho dân thuộc địa được sự che chở của luật pháp công bằng, là đem lại cho dân thuộc địa nền y tế tối tân với những bệnh viện, nhà hộ sinh, là mở mang dân trí qua các trường học.
    Chính sách thuộc địa không phải chỉ bảo đảm quyền lợi cho người Pháp, mà còn vạch rõ những bổn phận mà người Pháp phải thực hiện ở các thuộc địa. Chính sách thuộc địa phải dẫn dắt dân các thuộc địa mỗi ngày được học thức hơn, để họ cùng hợp tác với Pháp quản trị xử sở của họ.”

    Các ý kiến trên là trích dẫn từ bài diễn thuyết của ông tại trường Cao đẳng Xã hội học Paris năm 1925 và được tạp chí Nam Phong số tháng 9-1925 đăng tải.”

    + Toàn quyền Maurice Long (1921-1923) tiếp tục đường lối cai trị của tìen nhiệm, nhưng rụt rè hơn. Ông tổ chức lại trường đại học Y Dược Hà Nội, ngoài việc đào tạo y sĩ và dược sĩ Đông Dương còn đảm nhận đào tạo bác sĩ y khoa và dược sĩ hạng nhất. Ông cho mở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật …

    + Toàn quyền Martial Merlin (1923-1925) ngược lại “chủ trương một chính sách hẹp hòi về học chính, ko muốn mở thêm trường trung học, đại học ở VN, chỉ cho phát triển tiểu học thôi. Ông lại ra nghị định qui định việc mở trường tư thục để hạn chế nền học ..”, cho nên bị “liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném tạc đạn mưu sát ở Sa Điện (Quảng Châu), nhưng may mắn thoát chết.

    + Toàn quyền Alexandre Varenne (1925-1927) “trở lại chính sách cai trị cởi mở, tôn trọng ý dân của De Lanessan.”

    + Toàn quyền Pierre Pasquier (1928-1934) ngược lại tiền nhiệm, theo “đường lối cứng rắn để củng cố quyền hành của Pháp ở Đông Dương (…) Ông đàn áp dữ dội Việt Nam Quốc Dân đảng và các người hoạt động trong đảng CS Đông Dương. (ghi chú: Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái của Quốc dân đảng và Phong trào Sô Viết Nghệ Tĩnh của CS cùng vào năm 1930)
    Tuy nhiên năm 1928 ông cho mở thêm ba trường cao đẳng tiểu học Pnáp Việt tại tỉnh lỵ Bắc Ninh, Thái Bình và đến năm 1930 mở thêm trường Cao đẳng tiểu học Thanh Hóa …
    Tử nạn máy bay 15-1-1934 tại Pháp khi đáp phi cơ về Pháp công cán”.

    + Toàn quyền René Robin (1934-1936) tiếp tục đàn áp chính trị như tiền nhiệm, như cho ném bom phá tan làng Cổ Am (Hải Dương) là nơi các yếu nhân Việt Quốc hay tụ họp

    + Toàn quyền Jules Brevié (1937-1939) lại theo đuổi chính sách rộng rãi trong cai trị, ân xá và trả tự do cho một số tù chính trị. Ông bãi bỏ độc quyền nấu rượu của công ty Pháp và cho phép công ty địa phương tham gia. Ông cho mở trường Nông Lâm đặc biệt, trường Công Chánh để huấn luyện thành kỹ sư canh nông, thủy lâm, công chánh. Nới rộng việc nhập Pháp tịch. Rồi cho quyền tự do lập hội ái hữu, nghiệp đoàn, đảng phái chính trị.

    + Toàn quyền Decoux (1940-1945) “rất khôn khéo trong giao thiệp với Nhật nên giữ được Đông Dương dưới chủ quyền của Pháp cho đến 9-3-1945.”
    Ngoài ra ông tìm đủ mọi cách gây thiện cảm với thanh niên trí thức VN. Ông cho lập ra trường Thú Y Hà Nội để đào tạo thú y sĩ; lập ra trường Cao đẳng Khoa học Hà Nội để cấp bằng cử nhân khoa học; cải tổ lại trường Luật để đào tạo ra cử nhân luật, rồi học lên cao học ngành tư pháp và kinh tế; cho xây cất Đông Dương Học Xá ở Bạch Mai ngoại ô Hà Nội.
    Chưa hết lại lập ra Phủ Tổng ủy Thể Thao, trường Thể Dục Thể Thao, tổ chức các cuộc đua xe đạp. Tăng lương lên ngạch cho công chức.
    Điều đáng tiếc là đã để xảy ra nạn đói Ất Dậu 1945 cực kỳ khủng khiếp, ở vùng đồng bằng sông Hồng, làm thiệt mạng khoảng một triệu người !

    (còn tiếp)

  6. D.Nhật Lệ says:

    Công bình mà nói,phải khen ngợi ông Phong Uyên ở Pháp mà không a dua theo bọn thiên tả Pháp-Việt vì
    ông có bản lĩnh chính trị vững vàng,chứ theo như tôi biết đến 90% dân du học đều ngả theo bọn Cộng Việt
    cả,thậm chí thầy tu PG.cũng như CG.,đã góp phần lật đổ VNCH.Trong số người như ông PU.,phải kể đến
    tiến sĩ Lê Mộng Nguyên,cũng là tác giả bản nhạc “Trăng mờ bên suối” lừng danh và một số người nữa.Có
    điều đặc biệt ts.LMN.là dân Huế mà không theo CS,như đa phần dân cư cố đô.Gần đây,đọc loạt bài “Gia
    đình cơ sở ở Huế” của Chu Sơn,một sinh viên Huế nằm vùng trước 1975,tôi mới biết như vậy.Gia đình cơ
    sở nghĩa là gia đình nằm vùng,bám trụ ở Huế.Cả gia đình một kỹ sư công chức khá cao nọ đã dùng ngôi nhà rộng rãi của họ làm nơi ẩn náu rất kín đáo bằng cách bố trí những ngõ ngách để chứa chấp những phần tử CV.khủng bố suốt chục năm trời mà không ai biết vì không có người…chỉ điểm !
    Nói ra những điều trên không có ý kỳ thị vùng miền mà là nói rõ ra một thực tế nham nhở đã giật sập chế độ cộng hòa vốn chưa có điều kiện ổn định để phát triển vì bị cái gọi là ‘chiến tranh giải phóng’ quyết tâm làm…phỏng giái miền Nam ! Chính vì mối quan hệ gia đình có dây mơ rễ má chằng chịt mà người Huế
    đa số theo hay có cảm tình với csVN.,một phần thì bị bắt buộc và một phần tự nguyện nằm vùng !
    Ông PU.đã nêu ra một chi tiết hay là nhiều người miền Nam du học thẳng qua Pháp.Có lẽ họ thuộc gia
    đình giàu có,địa chủ như Hồ Hữu Tường,Nguyễn An Ninh và nhóm cs.đệ tứ v.v. Riêng về Y khoa thì có
    bác sĩ lừng danh như Phạm Hữu Chí mà Pháp cũng phải phục.Nhiều khoa trưởng Y khoa SG.là người
    miền Nam như Phạm Tấn Tước,Đặng Văn Chiểu.Giáo sư Lê Tấn Vĩnh,khoa trưởng đầu tiên của Ykhoa
    Huế là người miền Nam (Gò Công) như gs.Viện trưởng Trần Q.Đệ (Cần Thơ ?).
    Theo một bạn tôi đang làm giáo sư Y khoa ở U.of Tennessee cho biết về việc học y khoa ở Mỹ đối với những bác sĩ VN.tỵ nạn thì giai đoan đầu trước 1990 thì dễ lấy lại bằng hành nghề,nếu chọn phục vụ ở
    nhà tù,trại cải huấn hay miền quê.Thế nhưng từ 1990,rất khó.Muốn học lại lấy bằng thì phải có bệnh viện
    nhận làm Internship trước đã,dù đã thi đậu nhập học.Có khá nhiều người đậu nhập học nhưng không có bệnh viện nhận thực tập cũng đành phải bỏ nghề.
    Do điều kiện khó khăn nào đó (về tài chánh chẳng hạn) mà có người như gs.Bùi Duy Tâm có bằng Tiến
    sĩ Sinh hóa (Ph.D.) tốt nghiệp ở Mỹ nhưng qua Mỹ lại lấy bằng hành nghề làm GP.(bs gia đình).

  7. NGÀN KHƠI says:

    THÂN PHẬN HẬU THUỘC ĐỊA

    Khi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển cũng kéo theo chế độ thực dân ra đời. Đó là tính tất yếu khách quan của lịch sử. Việt Nam thật sự chỉ là một nước nhỏ ở Đông Nam Á châu bị rơi vào vòng xoáy của lịch sử thế giới đó. Có nghĩa tư bản chủ nghĩa trước hết đã phát triển ở châu Âu, châu Mỹ hay phương Tây nói chung. Còn chế độ thực dân hay thuộc địa lại được thực hiện ở các châu lục khác, trong đó có châu Á, mà cụ thể có VN là trường hợp như thế. Rõ ràng xu thế này không thể đảo ngược.
    Bởi tiến trình lịch sử khách quan nó đã như vậy. VN không thể đi ra ngoài hậu quả đó. Trừ phi VN đã biết canh tân sớm như Nhật Bản để có thể đã trở thành một nước phát triển vào thời đó như họ. Trung Hoa thì thân phận chẳng khác gì VN. Bởi nhà Thanh cũng chẳng hơn gì triều Nguyễn của VN vào cuối thế kỷ thứ 19. Chế độ thuộc địa có nghĩa sự thi đua, cạnh tranh nhau trong khai thác thuộc địa để phục vụ cho kinh tế tư bản chủ nghĩa và phục vụ cho nước cai trị bằng chế độ thuộc địa.
    Mặt khác, bất kỳ chế độ chính trị xã hội nào cũng khai sinh ra một tầng lớp người phục vụ cho sự hiện diện và phát triển của nó. Các nho sĩ trong thời quân chủ phong kiến, các người tây học trong chế độ thực dân thuộc địa cũng giống như thế.
    Thế nhưng, bất kỳ hiện tượng xã hội nào cũng mang tính lưỡng diện của nó. Chế độ thực dân, thuộc địa cũng có khía cạnh tiêu cực lẫn khía cạnh tích cực của nó nơi xã hội mà nó thống trị. Tất nhiên khía cạnh hay mặt tiêu cực vẫn lấn lướt hơn mặt tích cực. Có nghĩa sự kiềm hãm, sự khai thác, bóc lột thuộc địa vẫn chủ yếu hơn là các thành quả xây dựng, văn hóa, giáo dục, chính trị, hành chánh, phát triển văn minh, hiện đại hóa, mà nó mang lại trong suốt giai đoạn hay thời kỳ liên quan đến chế độ thuộc địa đó. Tất nhiên ở đây ngoài ra cũng phải nói đến sự đấu tranh và sự đàn áp giữa nhân dân của nước thuộc địa và chính quyền thuộc địa.
    Song từ tất cả mọi khía cạnh nêu trên, vấn đề hay yếu tố hoàn cảnh, yếu tố con người vẫn là điều đáng nói đến nhất. Tức là hoàn cảnh nào, yếu tố con người nào để một nước trở thành đi khai thác thuộc địa, và hoàn cảnh, con người nào để một nước trở thành một đất nước bị khai thác thuộc địa. Đây chính là ý nghĩa lớn nhất mà nhiều người không để ý. Có nghĩa không những tại sao Pháp lại khác VN vào thời đại đó, mà cả tại sao Nhật Bản lại khác VN cũng trong hoàn cảnh của thời đại đó.
    Trách kỷ, trách bỉ, đó là nguyên lý mà người xưa vẫn nói. Phần lớn người ta hay chỉ trách người Pháp đến nước ta khai thác thuộc địa, nhưng lại ít trách người mình tạo hoàn cảnh để tự rơi vào chế độ thuộc địa và không thoát ra khỏi chế độ thuộc địa suốt trong một thời gian dài.
    Cho nên sự phân tích của tác giả Nguyễn Văn Lục về thực trạng hậu thuộc địa hay hội chứng hậu thuộc địa tại VN sau khi người Pháp rút đi khi chế độ thực dân chấm dứt tại VN, cũng chỉ là mô tả thực tế với nhiều khía cạnh khách quan, phong phú khác nhau, nhưng không phân tích các nguyên nhân, nguồn gốc tại sao các sự việc lại diễn ra trong khách quan và thực tế như thế.
    Nên nói tóm lại, ý nghĩa chính trị nào cũng đi theo với nó khía cạnh quan hệ dân sự của nó. Chính quan hệ dân sự hay xã hội dân sự là điều quyết định cho phát triển kinh tế xã hội mà không phải duy nhất chỉ chế độ chính trị. Chẳng hạn sau khi chế độ thực dân thuộc địa chấm dứt, VN lại rơi vào chiến tranh liên miên và đi vào thể chế mác xít lêninnít cũng là một đặc trưng mà không phải nước nào cũng có. Tất cả điều đó, ngoài nguyên nhân là hậu quả hay hội chứng hậu thuộc địa như ông Lục muốn nói, mà trong đó cũng còn cả yếu tố hoàn cảnh, yếu tố con người, hay nói rộng ra là bản chất dân tộc tính mà liệu chúng ta có thể phủ nhận. Trong bài ông Lục cũng nói nhiều đến khoa học, như y khoa, văn hóa, văn chương và triết học. Tất nhiên nói cụ thể, ông ta cũng nhấn mạnh nhiều đến khía canh văn hóa, giáo dục nói chung, như là một thứ hội chứng từ chương trình giáo dục, cho đến con người, tức chủ thể giáo dục và đối tượng giáo dục. Nhưng có điều ông ta chưa nói tới là thứ giáo dục giáo điều của miền Bắc, thứ văn hóa chính trị đề cao đảng tính và lãnh tụ của miền Bắc cũng như sau khi đất nước đã được hòa bình và thống nhất, liệu những điều đó thuộc hội chứng nào ? Hội chứng hậu thuộc địa hay hội chứng cộng sản chủ nghĩa. Nên nói cho cùng lại, bản chất dân tộc, mối quan hệ dân sự trong xã hội, hay xã hội dân sự nói chung, nó vừa là hậu quả mà cũng là nguyên nhân của mọi thứ hội chứng tiêu cực mà người ta muốn nói đến. Hội chứng hậu thuộc địa có liên quan đến hội chứng quốc tế vô sản, hội chứng hậu giải phóng khỏi chế độ thực dân, thuộc địa, để đi vào một ý niệm giải phóng mới, giải phóng kiểu ý thức hệ hóa và chuyên chính hóa về chính trị, nhằm khống chế, lẫn vô hiệu hóa mọi quan hệ xã hội dân sự đã có một cách tự nhiên và cố hữu, đó cũng chính là những điều rất cần thiết phải được nói đến. Khía cạnh tiêu cực và tích cực của cá nhân, khía cạnh tiêu cực và tích của chính trị, khía cạnh tiêu cực và tích cực của các yếu tố xã hội cũng như khía cạnh tiêu cực và tích cực của các yếu tố chính trị khác nhau, cũng đều có thể hoặc cũng cần được đưa vào cả trong các hội chứng theo kiểu cần mổ xẻ ra một cách đầy đủ và sâu xa chính là như vậy. Bởi trong bất kỳ hoàn cảnh hay điều kiện xã hội nào, cũng gồm những cá nhân tiêu cực và những cá nhân tích cực tạo nên xương sống hay góp phần làm cho nó tồn tại và phát triển hoặc trì trệ và lạc hậu cũng chỉ là những lẽ đó. Có lẽ nếu có thời gian, ông Nguyễn Văn Lục cần đi sâu thêm vào các khía cạnh và đặc điểm cũng như những thực tế này lại càng bổ ích biết mấy.

    ĐẠI NGÀN
    (17/4/12)

    • Lão Ngoan Đồng says:

      Dĩ nhiên tấm mề đay nào cũng có hai mặt, tốt và xấu. Con người cũng thế; một chế độ nào cũng vậy …
      Điều quan trọng khi xét đoán, cần THẬN TRỌNG trong sưu tầm tài liệu, xử dụng đứng đắn tài liệu, lý luận có phương pháp, khoa học …

      Sưu tầm tài liệu hạn chế, bất lương khi xử dụng, như dẫn chứng tùy tiện, để rồi lý luận kiên cưỡng, nhằm đưa ra nhận định hay kết luận duy ý chí, theo định kiến có sẵn trong đầu, là điều đáng trách, nếu không muốn nói là đáng phỉ nhổ.

      Một bài mang tính khảo cứu chỉ có giá trị cao và bền vững, khi người viết luôn luôn giữ thái độ khách quan, không thiên vị (thậm chí có khi mang tiếng là “vô tình”, bởi ko vì tự ái dân tộc, mà dấu diếm che đậy, trái lại xấu tốt, mạnh yếu ra sao đều viết ra cho bằng hết, dĩ nhiên trong tinh thần xây dựng); bằng không chỉ là một bài viết mang tính tuyên truyền láo khoét, vô giá trị, hay chỉ có giá trị nhất thời.

      Chưa kể phải có khả năng phân tích sắc bén, để mổ xẻ chính xác đi tới tận … từng đường gân thớ thịt.

      Thí dụ nói về phong trào canh tân ở Nhật thời Minh Trị thiên hoàng, phải biết rõ động lực, nguyên nhân nào dẫn đến ? ai thực hiện ? kết qủa ra sao ? trước mắt và lâu dài ? Như có tiến bộ, nhưng dẫn tới độc tài quân phiệt đội lốt quân chủ lập hiến, để rồi cũng tàn nhẫn như bọn đế quốc thực dân như Anh, Pháp, Tây Ban Nha … đi xâm chiếm thuộc địa dưới chiêu bài “Đại Đông Á” chẳng hạn.

      Trở lại xứ ta thì phải biết rõ, trước tiên thời thế lúc đó trên thế giới ra sao? tại sao VN lại rơi vào tầm ngắm của đế quốc Pháp? thực dân Pháp đã làm sao xâm chiếm nước ta, một nước có văn minh văn hóa khá cao, có chế độ chính trị vững vàng, bởi có công thống nhất đất nước cả ba miền trong một thời gian dài, nhất là có truyền thống chống ngoại xâm rất mạnh, không thể dễ dàng khuất phục hay đồng hóa ? ngoài sức mạnh quân sự thực dân còn dựa vào đâu để có thể đặt nền móng cai trị vững vàng, đánh tan những phong trào kháng chiến, cụ thể như Cần Vương, Văn Thân, Đông Du …. ? công lao của Pháp khi đem văn minh văn hóa của phương Tây, nhất là của chính họ vào VN ra sao ? VN đã chuyển mình thế nào để đánh bại Pháp ????

      Theo tôi Nguyễn Văn Lục không đủ khả năng để lập ra một dàn bài có đầu có đũa, nghĩa là khoa học, để tìm tài liệu mà giải mã từng thời kỳ một. Cái học của NV Lục còn chắp vá và thô thiển. Nhưng vì “con ếch muốn to bằng con bò”, nên vội vã khua chiêng gióng trống bằng một loạt bài gọi là khảo cứu với nhiều tham lam cóp nhặt lung tung, thật sô bồ, không ra đâu vào đâu, nhằm viết ngược lại thiên hạ, gây choáng (choc; shock) trong dư luận, đồng thời qua đó tạo tiếng vang nhằm đánh bóng tên tuổi mình.

      Trò chơi bạc giả này đã lộ rõ nguyên hình, qua những phản ánh của độc giả dưới các bài viết của NV Lục. Tuy nhiên “cố đấm ăn sôi”, NV Lục vẫn cho đăng tùm lum ….

      Cực chẳng đã, tôi đành mạo muội góp ý rốt ráo, nhằm lật tẩy tính cách cờ gian bạc lận trong trò chơi chữ nghĩa ko lương thiện này.

      • Lão Ngoan Đồng says:

        Theo tôi nghĩ , ông Lục muốn tìm hiểu (cái hay) của lối giáo dục theo Pháp ra sao, nên tham khảo kỹ sách nói trên của ông giáo sư Trần Ngọc Ninh, ở nơi các trang 119-123.

        Ông Ninh lý giải thật sâu sắc những cải cách nước Pháp dưới thời Napoléon. “Napoléon đích thân viết Bộ Dân Luật và Hình Luật (mà Stendhal rất phục về phương diện văn chương và nước Pháp vẫn trân trọng theo cho đến ngày nay); ông lập ra những cơ cấu và qui chế chính yếu của quốc gia và ông đặt ra NỀN HỌC CHÍNH MỚI” (nguyên văn, trg 120)

        Cái lối giáo dục mới ấy ra sao ?

        Trần Ngọc Ninh giải thích cực hay ngay sau đó:

        “Nều giáo dục khởi thủy từ Napoléon hủy bỏ những đặc quyền đặc lợi của giới qúi tộc để chọn người trên căn bản tài năng, với mục đích tạo ra một lớp người mới gọi là ÉLITE (gốc là élire: bầu và cử) để lãnh đạo nước. Napoléon là một quân nhân, nên trường được chú trọng nhất là trường POLYTECHNIQUE (thường dịch là Bách khoa). Sau đó là trường Cao đẳng Sư phạm (École Normale Supérieure),và trường Trung Ương (École Centrale). Những trường này phải thi để được nhận vào học và được gọi chung là GRANDES ÉCOLES (Trường Lớn).

        Đại học, trong đó có Y khoa, được mở ra cho tất cả những người đã tốt nghiệp Trung học và không hạn chế, tức không thi tuyển vào, nhưng những sinh viên không đủ năng lực bị loại không tiếc tay sau mỗi niên học.

        Trong Y khoa, sự học căn bản đưa đến bằng Tiến sĩ Quốc gia (thường gọi là Y khoa Bác sĩ) theo một chương trình gồm một năm Dự bị và 6 năm chính thức, kết thúc bằng một kỳ thi và một buổi trình luận án. Bên cạnh sự học căn bản đó lại có một chương trình TỰ NGUYỆN, gọi là “con đường hẹp của các kỳ thi tuyển”, LA FILIÈRE DES CONCOURS. Đó là con đường của ÉLITE.

        (…)
        Con đường này bắt đầu rất sớm trong tổ chức học Y khoa, thường là từ năm thứ hai, nhưng vì các kỳ thi tuyển rất khó, sự cạnh tranh ráo riết, nên nhiều người lên đến năm thứ ba mới ghi tên học và thi. Vì vấn đề khá phức tạp, nên tôi trình bày trên một sơ đồ (cho ba người học rất giỏi, học và thi ko vấp váp)”
        [hết trích]

        Điều mà ông Ninh “bố” đề cập bên trên, tôi đã diễn giải rõ ràng ở phần CHẾ ĐỘ NGOẠI TRÚ VÀ NỘI TRÚ nơi nào đó trong phần góp ý rồi

        Sau đó ông Ninh có so sánh một chút về đường hướng giáo dục của Pháp và Mỹ ra sao, có những lợi điểm thế nào.
        Nói chung ông không giữ thái độ trung dung, không chê bai cái nào cả.

        Lão Ngoan Đồng

        ghi chú:

        Các trường Y Nha và Dược có lệ rất đặc biệt vô cùng khắc nghiệt khiến sinh viên rất sợ là bị RA TRƯỜNG NGANG XƯƠNG , dịch từ tiếng Pháp Sortir latéralement, nói tắt là sortir lat !
        Nghĩa là nếu thi lên lớp bốn kỳ không đậu là bị đuổi cổ ra khỏi trường và coi như chỉ còn lại mảnh bằng tú tài toàn thôi. Coi như chưa từng học đại học, vì bị kết tội là không đủ khả năng (tư cách) theo học chuyên ngành này !
        Kẻ khốn khổ chịu thảm cảnh này coi như tín đồ Kitô bị dứt phép thông công (chả khác gì cố luật sư Nguyễn Mạnh Tường từ ví mình như kẻ bị dứt phép thông công trong chế độ CS qua tác phẩm ông viết bằng tiếng Pháp và được nhà xuất bản Quê Mẹ của Thi Vũ Võ Văn Ái in ấn và lưu hành đã lâu lắm rồi)

  8. kbc 3505 says:

    Hội chứng?

    Lịch sử VN đã sang trang tính từ cuối thế kỷ 19, thời kỳ thực dân Pháp lần đầu tiên đặt chân đến bán đảo Đông Dương, hay VN nói riêng, và rút hoàn toàn về nước sau thất bại Điên Biên Phủ với hiệp định Geneve 1954.

    Khách quan để nhận xét và đánh giá trong suốt quá trình 80 năm đô hộ nước ta, nước Pháp đã được lợi gì? Mất gì? Họ đã khai hóa đất nước ta ra sao và đã để lại những gì cho chúng ta trong suốt 80 năm đô hộ, nhất là về mặt văn hóa, giáo dục, và y tế?

    Bao nhiêu trí thức và nhân tài VN thời đó được đào tạo ra sao và từ đâu?
    Tại sao người Việt mình biết mặc quần tây, áo vét cà vạt, và có chữ quốc ngữ mà bây giờ là ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta?
    Thành phố Sài Gòn do ai xây dựng?
    Đất nước thay đổi từ chế độ phong kiến sang thể chế cộng hòa sau này là do đâu?

    Và còn trăm ngàn thứ khác…

    Mà nếu không có “hậu quả” của 80 năm đô hộ thì dân tộc VN chúng ta ngày nay sẽ như thế nào?

    Mong có những bậc thức giả góp ý chia xẻ với bạn đọc. Đa tạ.

    kbc3505

  9. Phong Uyên says:

    Tôi xin nêu ra những sai lầm của ông Nguyễn Văn Lục khi ông nói về giảng dạy y khoa ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc cho đến năm 1966:

    1) Các giáo sư thạc sĩ y khoa mà ông Nguyễn Văn Lục kể tên đều là học trò của giáo sư Huard, kể cả giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Phạm văn Chung, theo Việt Minh từ thời kháng chiến. Ai cũng là “quan y” Pháp cả, kể cả Gs Trần Đình Đệ chỉ nói toàn tiếng Pháp, không có chuyện quan y Pháp, quan y Mỹ đánh lẫn nhau.

    2) Cả Đông Dương chỉ có một trường đại học duy nhất là đại học Hà Nội nổi tiếng nhất ĐNÁ thời đó nên những nước lân cận như Thái Lan cũng gửi sinh viên đến học.

    3) Y khoa Đại học Hà Nội được đặt dưới sự bảo trợ của Y khoa Đại học Paris nên các giáo sư qua dạy đều do y khoa Đại học Paris cử, tất nhiên là học bằng tiếng Pháp và theo giáo trình y hệt ở Paris với hệ thống thi tuyển (concours) y hệt và giáo sư Pháp nằm trong ban giám khảo chấm thi nội trú. Thi ngoại trú nội trú cũng không bắt buộc: Những người nào muốn theo ngành giáo huấn y khoa (Corps Enseignant) thì mới mất công bỏ thì giờ ngày đêm học để sủa soạn thi. Hệ thống thi tuyển bắt đầu từ năm thứ 2 y khoa (+ năm dự bị PCB) với kỳ thi tuyển Ngoại trú các bệnh viện (Externe des Hopitaux) rồi 2 năm sau, nếu muốn, thi Nội trú các bệnh viện (Internes des Hopitaux). Nếu rớt hay không muốn thi nữa, có thể cứ làm ngoại trú hoài cho đến khi ra trường. Vì thi khó khăn, phải hy sinh chịu khó và có thiên hướng theo ngành dạy học, chứ ít ai đi đến tận cùng, ngay ở bên Pháp cũng vậy và số trúng tuyển cũng quá ít ỏi (Trước năm 66 chỉ mười mấy người). Những người khác chả dại đi thi làm gì, chỉ cần học tà tà mỗi năm lên lớp thì 7 năm sau, cũng ra bác sĩ như ai; Còn trúng tuyển nội trú, cũng còn phải tùy đậu cao hay đậu thấp rồi còn phải qua cả đống kỳ thi tuyển nữa mới hy vọng lên được tới giáo sư thực thụ – nghĩa là phải học thêm 5-6 năm nữa – trong khi 1 thằng bạn không thi ngoại trú nội trú gì cả, ra trường trước mình 5-6 năm, kiếm tiền gấp đôi mình. Nhưng cũng phải nói là khi trúng tuyển ngoại trú nội trú là có lương của bộ y tế cũng khá và nhất là để cái tít “cựu ngoại trú (nội trú) các bệnh viện” cũng oai và lôi kéo được nhiều thân chủ;

    4) Là chi nhánh của Đại học y khoa Paris, bằng cấp được coi là của Đại học Paris nên những ông Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hữu, Phạm biểu Tâm, Trần văn Bảng, Trần Đình Đệ, Trần Ngọc Ninh v.v… đậu nội trú ở Hà Nội được kể như đậu nội trú ở Pháp và nếu muốn, có thể trở thành giáo sư đại học Pháp. Đó là trường hợp giáo sư Nguyễn Hữu. Tôi cũng xin nói thêm là đa số các giáo sư y khoa là người Trung vì các vị này dân cá gỗ, lận lội ra Hà Nội học, phải làm sao đậu ngoại trú nội trú để có chút lương sống, chứ những người miền Nam như Gs Trần Quang Đệ đi thẳng Paris học, đậu nội trú ở Paris chứ đâu có cần ra Hà Nội ! Sau 1955 những năm học y khoa ở Sài Gòn vẫn được kể như là tương đương với những năm học ở Pháp, nên những người có bằng y khoa ở Sài Gòn trước năm 66 chỉ cần thi lại bệnh án (clinique) và làm lại luận án là có thể được coi là tốt nghiệp tại Pháp (khác với phải thi lại tương đương và được quyền hành nghề vì lí do nhân đạo)

    5) 95% nam bác sị đều là bs quân y vì 1 lí do rất dản dị là sinh viên y khoa nào học xong năm thứ 5 cũng phải động viên trở thành trung úy bs quân y cả. Có người lên đến thiếu tá mới trở về thi bệnh án và lo làm luận án. Chỉ có 1 số ít làm nội trú ở những khoa cần thiết, được Gs Nguyễn Hữu đặc cách xin hoãn dịch. Nhưng cũng phải biết là ông Diệm biết lo xa, một ngày kia vì lí do gì không có GS Pháp đến nữa, phải đào tạo giáo sư Việt nên mới ra nghị định ai có đủ “tít” (nội trú đậu hạng cao v.v…), có thể được giải ngũ nếu trúng tuyển thi “corps enseignant”. Và tùy ngành nên có người được gửi đi Mỹ, có người được gửi đi Pháp chứ không phải vì theo Mỹ thì đi Mỹ, theo Pháp thì đi Pháp. Đào Hữu Anh là một trong số những người này và môn Anatomie pathologique (Mỹ gọi tắt là Pathologie) dịch đúng nghĩa là “Giải phẫu bệnh lý” chứ không phải “cơ thể bệnh lý” vì đây chỉ là môn học nghiên cứu về thay đổi cấu trúc (các tế bào) cơ quan do sự tác động của bệnh tật gây ra. Người chuyên về môn này chỉ làm việc trong phòng thí nghiệm, ít khi tiếp súc với bệnh nhân.

    6) Chuyện sinh viên xúm xít quanh ông thày nó tiếng Pháp xì xồ làm “mất nhân bản”,là phương cách duy nhất để sinh viên có thể thấy được bệnh qua người bệnh chứ không có lẽ chỉ học trong sách. Nói bằng ngoại ngữ vì những tiếng chuyên môn là ngoại ngữ. Ngoài ra cách đây mấy chục năm, vì thiếu phương tiện, nằm công cộng nên nếu nói tiếng Việt thì mọi người nghe hết, ai cũng biết bệnh của ai, chứ bây giờ ở Pháp chẳng hạn, mỗi người bệnh 1 phòng, đâu còn vấn đề nữa. Vả lại cũng không còn cảnh xúm xít: bệnh nhân chỉ tiếp súc với ngoại trú làm hồ sơ bệnh lý. Làm xong trình cho Nội trú. Nội trú quyết định có trình bày cho sếp trên của mình nữa không hay tự giải quyết. Ông thày (le patron) chỉ coi lại những trường hợp đặt biệt.

    Tôi cũng xin nói thêm về y khoa hiện giờ ở Việt Nam: đa số các bác sĩ ưu tú đều được gủi đi tu nghiệp tại Pháp và giáo sư Pháp thường được gửi qua giảng dạy nên tiếng Pháp là tiếng y khoa ở Việt Nam hiện giờ. Bệnh viện Pháp Việt ở Sài Gòn, Hà Nội là nơi ăn khách nhất. Và viện Tim của ông Carpentier là danh tiếng nhất đối với các nước lân cận.

    Sau hết tôi nói với Thiên Kim là tiếng Pháp là tiếng chính xác nhất nên những văn kiện ngoại giao quốc tế phải viết bằng tiếng Pháp. 70% tiếng Anh ở tiếng Pháp mà ra và cho tới tận thế kỷ thứ XIX mọi giới trí thức, quyền quí chỉ nói với nhau bằng tiếng Pháp, kể cả Karl Marx, Engels và Lénine. Còn về chính trị,nền dân chủ-pháp trị Mỹ cũng từ tư tưởng các nhà khai sáng Pháp mà ra.

    • Lão Ngoan Đồng says:

      Thưa Phong Uyên và bà con,

      Trước hết xin cám ơn Phong Uyên bổ túc một số điều quan trọng, ngắn gọn và khá đầy đủ.
      Tuy nhiên tôi xin thật nhanh bổ túc thêm cho rõ nghĩa một số điều nơi đây.

      1/
      CHẾ ĐỘ NGOẠI TRÚ VÀ NỘI TRÚ
      Đúng như PU tả, sinh viên Y có thể ghi danh dự kỳ thi tuyển vào NGOẠI TRÚ (externe) kể từ năm thứ HAI (đã học ba năm y khoa bởi có thêm năm dự bị vào thời đó, ban đầu gọi là PCB (Phisique+Chimie+Biologie); rồi gọi là APM (Année Préparatoire en Médecine) vào thời tôi học ở VN; sau này bãi bỏ nhưng buộc phải có ít nhất một năm học và đậu năm đầu của một số chuyên khoa ở đại học khoa học SG, chẳng hạn SPCN / Lý hóa nhiên; MPC, MGP …. Nên nhớ kể từ thời có APM trở đi, muốn học Y phải dự kỳ thi tuyển toàn quốc rất khó khăn, chứ ko phải cứ ghi danh vào học dễ dàng như nhiều phân khoa khác đâu).
      Muốn luyện thi có sách vở đàng hoàng, dành riêng cho thi ngoại trú.

      Thi NỘI TRÚ (interne) phải cuối năm thứ tư sinh viên đậu lên năm thứ năm rồi, mới được phép ghi danh dự thi. Chính vì thế có những sinh viên Y đã giả bộ cố ý thi rớt năm thứ tư, để chuẩn bị kỹ cho kỳ thi nội trú trên. Tại sao lại phải làm thế ? Bởi việc chọn lựa nơi thực tập nội trú theo kiểu ai đậu cao chọn trước, ai đậu thấp chọn sau. Chả khác gì kiểu chọn ra đơn vị lúc tốt nghiệp trường Y bên quân y hay dân y bị trưng tập như trường hợp của tôi vậy (Dân y phải học quân sự học đường trong thời gian đang học Y rất cực, một ngày trong tuần và nghỉ hè học tập trung một tháng ở quân trường Quang Trung. Phải học ba năm như thế mới song. Và có học mỗi năm mới được giấy hoãn dịch vì lý do học vấn. Học quân sự rồi vẫn phải theo một khoá gọi là Hành chánh quân y để biết về thủ tục giấy tờ trong ngành này; một khoá Cấp cứu quân y thời chiến, chẳng hạn nếu có chiến tranh nguyên tử, hóa học … các vết thương do bom đạn etc etc etc)

      Thời xưa có những người rất yêu nghề, ở lại làm nội trú nhiều năm. Tôi gọi họ là những nội trú “kinh niên” (chronique), hay những nội trú “trưởng lão” (senior), mà ngay đến các bác sĩ nghe danh cũng phải gờm cho đến kính phục ! Bởi họ không thèm mất thì giờ trình luận án đế lấy cái titre bác sĩ, rồi ra ngoài hành nghề qua sự mở phòng mạch hốt bạc cắc bệnh nhân !
      Họ tự chọn môi trường làm việc là ở nhà thương, dĩ nhiên ở ta thời đó là nhà thương thí, aka bệnh viện công. Nghĩa là họ muốn mình toàn tâm toàn ý, dành trọn tất cả thì giờ và năng lực phục vụ cho giới bệnh nhân nghèo hèn trong xã hội !
      Đó chính là một sự hy sinh vô bờ bến của ngành Y tế nói riêng, và của đất nước nói chung. Vâng chiến trường của họ không ầm ì tiếng súng đủ loại hoà cùng bom đạn, hay rộn ràng chiến công với các vòng nguyệt quế, huy chương đủ loại đầy ngực. Mà chính là cuộc chiến đấu dai dẳng giữa mạng sống con người với các tác nhân gây bệnh, mà ở ta thời đó thương tật do bom đạn vô tình dội lên đầu dân đen chiếm đa số. Cuộc chiến đấu âm thầm diễn ra trong môi trường thương khó là bệnh viện lớn nhỏ ở khắp nơi, và họ là những anh hùng vô danh quyết diệt kẻ thù duy nhất là bệnh tật, để mang lại sức khỏe cùng niềm hoan lạc cho những người dân nghèo kém may mắn.

      Nội trú lại được phân chia ra làm lắm loại:
      - interne fonctionel (gọi ngắn gọn là interne fonct / “phông”, bao hàm phía VN ta với nghĩa là được phong tước nội trú): tức do nhu cầu của trong một khu nào đó mà cần thêm nội trú, cho nên thày trưởng khu chọn trong số sinh viên đang thực tập một hay hơn một anh/chị giữ vai trò và có quyền hạn như một nội trú. Hết làm ở khu này thì coi như mất chức nội trú.
      - interne provisoire / nội trú ủy nhiệm: là thi nội trú đậu vớt, khoá sau phải thi lại mới được mang chức nội trú dài dài sau này
      - interne titulaire / nội trú thực thụ: chính thức thi đậu kỳ thi tuyển nội trú, và được mang tước (titre) này suốt đời !

      Thi tuyển rất khó, qua hình thức thi (viết và trình bày ngắn gọn một đề tài cấp cứu y khoa trong thời gian giới hạn thường chỉ năm phút chẵn. Tôi bốc phải đề tài GEU, Grossesse Extra-Utérine, Thai Ngoài Tử Cung), cho đến việc giới hạn số người thi đậu.
      Những kỳ thi tuyển đầu tiên vào giữa thập niên 30 ở Hà Nội chỉ chọn một nội trú thực thụ mỗi kỳ thi và giáo sư Trần Văn Bảng là nội trú đầu tiên vào năm 1936. Rồi sau vài năm mới tăng lên hai, rồi ba bốn, rồi thêm tí nữa.
      Thời tôi cải tiến nhiều, có khuynh hướng bắt chước theo Mỹ bó buộc mọi sinh viên năm chót phải nội trú, cho nên đã cho chấm đậu vài chục nội trú ! Nhưng cũng nên biết là, thời bọn tôi học Y rất cực khổ hơn các lớp đàn anh xa, do vừa học y vừa đồng thời học quân sự để được hoãn dịch học tiếp lên cao. Y khoa tiến bộ vượt bực, cho nên phải học thêm nhiều cái mới, rồi lại thêm có chen thêm vào sách vở lẫn thày bà Y khoa đến từ đất Mỹ xa xôi.
      Cũng như lớp tôi thay vì vài chục sinh viên như thời xa xưa nay tăng tới mấy trăm sinh viên, cụ thể sĩ số trên 250, mà bình thường chỉ khoảng tối đa 150 người một năm học. Nói thế phải phấn đấu mửa mật mửa gan để đậu cao chọn nơi ngon lành, cũng như giữ vững tinh thấn đến phút đi thi, do bởi thi đậu lên lớp rồi lại còn cố ngồi học luyện thi trong khi các bạn khác rong chơi cuộc tình !

      2/
      Phải thú nhận đó là cách TUYỂN CHỌN & ĐÀO LUYỆN NHÂN TÀI NGAY TỪ TRONG TRỨNG NƯỚC của phương pháp giáo dục theo Pháp trong ngành Tây Y. Và đó là lý do tại sao khi bác sĩ đã ra trường, thậm chí leo lên đến tột đỉnh danh vọng là giáo sư thực thụ và đã đậu bằng thạc sĩ Y khoa, mà vẫn phải ghi rõ thêm mình từng là cựu ngoại trú và nhất là nội trú ở đâu, ở Paris là oách nhất !
      Thật đúng là YÊU CHO ROI CHO VỌT, GHÉT CHO NGỌT CHO BÙI theo kiểu giáo huấn ca ngày xưa !

      Họ sẽ là những ứng viên (candidate) sáng giá nhất cho BAN GIẢNG HUẤN (Corps enseignant; BGH) của trường Y. Cũng nên biết là ai ai cũng có thể ghi danh để thi vào BGH, để mới đầu xin lược sơ qua đại khái một số chức vụ thời đó gọi là Phụ khảo hay Giảng (nghiệm) viên (assistent), leo dần lên thành Gỉảng sư (chef de clinique hay chef de labo), rồi Giáo sư (chia làm giáo sư uỷ nhiệm, rồi diễn giảng / maitre de conférence ?, sau cùng thực thụ, và cũng lắm cấp từ còn non đến già / senior prof).

      Thực ra trong ngành gọi là khoa học thực nghiệm thì có lối đào tạo hơi khác một chút. Chẳng hạn như tôi muốn theo đuổi ngành Cơ thể bệnh lý (Anatomie pathologique, gọi tắt là Anapath) hay bệnh học (Pathology theo kiểu Mỹ, nhưng bọn Mọi lại phân chia nhỏ thành Surgical Pathology và Clinical Pathology, và đó là lý do chúng tôi bị gửi đi học thêm ở khu huấn luyện hậu đại học tại Trung tâm Giáo dục Y khoa Gia Định khi vào làm ở khu Anapath trên trường YSG) thì đầu tiên phải xin đi làm không công (bénevols) cho thày xem giò xem cẳng, cũng như chờ đợi có khoá thi tuyển vào làm préparateur (nghiệm chế viên). Bên ngành Cơ thể học (Anatomie) lại có cách tuyển hơi khác chút chút, như vào làm không ăn lương, rồi dự thi làm aide, rồi lên cao là “projecteur” d’anatomie.
      Khi tôi học năm thứ nhất Y SG tôi được chứng kiến kỳ thi tuyển projecteur của hai cựu aides d’anatomie là bác sĩ Đinh Văn Trúc và bác sĩ Lại Quốc Kỳ. Hai anh đã thành công trong thi lý thuyết và thực tập qua đề tài dissequer cung nông và cung sâu động mạch lòng bàn tay (arcades artérielles superficielle et profonde de la main). Cả hai anh sang Mỹ và đã về hưu, nhưng ko sống bằng nghề chuyên môn cũ. Anh Trúc hình như là bác sĩ nội khoa (?), vợ là Châu vốn là hoa khôi trường Nha thời tôi học (bạn gái cùng lớp với bà xã tôi). Anh LQKỳ chuyên môn về Phỏng ở tổng y viện Cộng hòa và tù CS về cũng chuyên về Bỏng; sang Mỹ rất trễ nhưng cố học lại lấy bằng Ph.D. (???) về vệ sinh phòng dịch. Đầu tháng tư tới đây anh sang chơi với tôi ở Amsterdam. Anh là con ông bác ruột tôi, luật sư Lại Tư !

      3/
      Muốn thi tuyển vào ban giảng huấn (BGH) lại thêm trò gọi là ÉPREUVE DE TITRE !
      Nếu tôi nhớ không nhầm ở trường Y SG đã theo lối Pháp đặt tiêu chuẩn phải có ít nhất sáu điểm (six points) mới được xét duyệt đơn xin thi vào BGH.
      Chẳng hạn thang điểm cho như sau: đậu nội trú được hai điểm; mỗi năm nội trú một điểm; tương tự như thế khi đậu vào làm việc ở các môn khoa học căn bản như kể ở trên. Viết bài khảo cứu khoa học đứng tên một mình và được đăng ở tạp chí y khoa tên tuổi trong nước (như thời đó ở miền Nam có Acta Medica) hay ngoài nước, sẽ được một điểm. Đứng tên chung với nhiều người được nửa điểm. Thời VNCH hình như thêm cái trò được tưởng thương huy chương (quân đội) cũng có điểm.
      Riêng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nên nếu không bị động viên đi lính, chắc chắn passer qua cầu épreuve de titre, vì vừa đậu interne vừa đậu préparateur!
      Nghe đồn rằng có lúc ông bác sĩ Quang Tuyến Lý Hồng Chương hay ông em Lý Hồng Hòa muốn thi vào corps enseignant, nhưng không qua được cái cấu épreuve de titre khắc nghiệt kia.

      Nói tóm lại, muốn trở thành một nhân viên ban giảng huấn theo lối đào tạo của Pháp rất chặt chẽ. Phải vừa có tài, có kiên nhẫn để từ bỏ mọi lợi danh phù phiếm, mà chú tâm vào chuyên môn để kiện toàn khả năng lẫn tư cách một thày dậy học tương lai cho lớp đàn em, cũng như tiến hành các khảo cứu khoa học tầm cỡ quốc tế. Đó là những tầng lớp “ÉLITE”, tinh hoa của đất nước, của khoa học tầm cao, những thinktank cho tổ quốc.

      Các giáo sư Y khoa nổi tiếng của Việt Nam, nhất là VNCH hầu hết đều là những cựu nội trú nổi tiếng. Tương tự các nội trú nổi tiếng của trường YSg khi di tản hay vượt biên khỏi VN đều thành công rực rỡ. Chẳng hạn nội trú Nghiêm Đạo Đại, học trò cưng thứ hai của giáo sư Nguyễn Hữu; Hồ Hồng Phước hay Phước tóc đỏ cũng rứa; Nguyễn Lương Tuyền, học trò cưng của ông Ninh “bố” (Trần Ngọc Ninh); Nguyễn Xuân Ngãi của ông Louis / Lữ Y sau này; Nông Thế Anh và nhiều người khác nữa ….

      4/
      Vô địch nội trú là giáo sư PHẠM BIỂU TÂM. Nội trú những tám năm dài. Rồi do nhu cầu đòi hỏi cấp bách, thầy Tây khuyên (bắt) học trình luận án năm 1947, để năm 1948 lên đường qua Pháp dự thi thạc sĩ về môn Phẫu thuật (Surgery). Khi nào có dịp tôi sẽ trình bày tại sao ? Chỉ biết nơi đây ông Tâm cùng ông Trần Quang Đệ (học ở Pháp, cựu nội trú các bệnh viên Paris/ Ancien interne des hôpitaux de Paris) đã được thày Tây hộ tống qua Pháp dự thi cùng lúc thạc sĩ Phẫu khoa, để sau đó phân chia ông Tâm trấn đóng ở trường Y Hà Nội và ông Đệ trấn thủ ở trường Y Sài Gòn. Đó là những giáo sư Y kỳ cựu nhất của nền Y khoa VN do Pháp khai sáng ra.

      Sau đó là nội trú sáu năm BÙI MỘNG HÙNG, học trò cưng của giáo sư thạc sĩ Nguyễn Hữu, cũng về môn Giải phẫu ở khu giải phẫu tổng quát bệnh viện Bình Dân. Rất đáng tiếc anh Hùng “ăn cơm quốc gia thờ ma CS”, cho nên được đi du học ở Pháp, ở lại và chiến đấu cho phe trí thức thân Cộng ở Paris. Bỏ chuyện đó ra anh Hùng rất lắm tài, thường xuyên viết bài đủ thể loại trên tạp chí Đoàn Kết và sau này cho Diễn Đàn Paris.
      Nói tới anh ai ai trong ngành Y SG cũng như trong giới trí thức hai phe Quốc Cộng đều biết danh và có phần nể nang!

      (còn tiếp)

      • Lão Ngoan Đồng says:

        Đính chính:

        Tôi viết sai ở phần hai, PROSECTEUR chứ không phải là projecteur !
        (biết sai nhưng tìm mãi ko ra chữ đúng, nên đành viết cho rồi góp ý và sẽ tìm cách đính chính sau)

        Giáo sư Trần Ngọc Ninh viết trong sách của ông nơi trang 124, dịch Aide d’Anatomie thành Phụ tá và Prosecteur là Giải phẫu sư !

    • Lão Ngoan Đồng says:

      5/
      Lương nội trú chỉ mang tính cách tượng trưng, gọi là tiền túi để cà phê thuốc lá thui !
      Thời VNCH lương này do Bộ Y Tế trả cho nội trú, chứ ko phải từ trường Y hay Viện đại học.
      Bộ Y tế thiếu người, bởi bác sĩ đi lính hay ko đi lính như các bà thì lại làm phòng mạch hay nhà thương tư.
      Vì thế nhà nước rất cần nội trú từ sinh viên, trả lương mạt hạng, để đảm nhận vai trò bác sĩ điều trị. Cho nên sinh viên dự thi nội trú phải cố hết sức mà đậu thiệt cao, sẽ dễ dàng trong khi chọn nơi thực tập, như chuyên khoa mình thích, ở dưới quyền thày giỏi học hỏi …, hơn là làm người giải quyết bệnh cho bộ y tế hay các bác sĩ bộ y tế !

      Bù lại, nội trú có phòng riêng (thường hai ba bốn người chia nhau một phòng) ở nhà thương; được nuôi cơm ăn ngày ba bữa sáng trưa và chiều; được cấp áo blouse với hàng chữ tắt rất oách trên ngực INT. (interne) hay N.T. (nội trú).
      Nhưng rất hãnh diện khi các bà y công, nhất là các bà y công Bắc kỳ Ri cư Công giáo 54 mỗi lần có bệnh phải đi chân leo thang chân lên đập phòng nội trú, to mồm réo gọi: ÔNG NỘI ƠI CÓ BỆNH CẤP CỨU ở trại bệnh … !
      Ông Nội ở trong phòng còn ngái ngủ, hét to vọng ra ngoài: GỌI ÔNG NGOẠI CHƯA MÀ ĐẬP CỬA ÔNG NỘI ?

      Vâng sau này ở tây và ta đều bỏ chế độ Ngoại trú (externe), cho nên sinh viên không phải là nội trú đều được mang danh là ngoại trú, hay gọi tắt là ông ngoại là thế !
      Còn đối với y tá thì nội trú hay ngoại trú phụ trách trong khu đều được gọi là “ông thày”, trong khi bệnh nhân thì cứ thấy anh chị nào áo trắng đeo ông nghe là bác sĩ tuốt, dù chỉ mới là sinh viên năm thứ hai thứ ba mới đi thực tập nhà thương lần đầu trên khu !
      (mấy bà y công trên thường hay học lóm tiếng tây tiếng u, nên có bà ba chớp ba nháng gọi các ông đang theo học chương trình hậu đại học “résident” thành “accident”, làm bọn tôi cười hô hố đến vãi đái ! Nói thiệt bà nội tôi hồi thập niên 60 gọi cái tivi là “tủ-vi”, bởi hồi đó mua cái TV hiệu Sharp hay Sanyo nằm trong cái tủ có kéo hai cánh cửa để đóng lại khi không xem cho khỏi bụi. Còn con nhỏ nhà quê giúp việc cho gia đình tôi lại gọi biệt thự /”villa” trước cửa nhà tôi thành … “dollar”: Trời ui tối hôm qua bên cái dollar chơi nhạc um sùm làm bà con lối xóm mất ngủ luôn !)

      6/
      Ở Hòa Lan không có chế độ ngoại trú hay nội trú gì ráo trọi, vào thời gian tôi học lại cuối thập niên 80 và cho đến tận ngày hôm nay. Tôi thấy hình như lối đào tạo từa tựa như bên Mỹ.
      Nghĩa là sinh viên học tại trường lớp trong những năm đầu tiên, chừng khoảng bốn năm; còn hai năm chót đi thực tập tại nhà thương, gọi là co-schap. Sinh viên lúc đó gọi là Co-assistent; còn bác sĩ gọi là Assistent hay zaal-arts (bác sĩ trong phòng bệnh).

      Thực tập mỗi khu khoảng vài tháng, thường ba tháng, thường bắt đầu ở khu Nội khoa. Cuối thời gian thực tập là phải thi, tức nhận một bệnh nhân nào đó ở trong khu, phải làm bệnh án (observation clinique) rồi sau đó bị ông thày quay như dế trong phòng đóng kín và bên ngoài dán giấy đang thi không được quấy rầy.
      Đậu hết các môn thực tập bắt buộc thì được cái bằng gọi là bác sĩ căn bản (basisarts). Từ đó có thể đi xin việc để học thành bác sĩ gia đình (familiearts); bác sĩ các xí nghiệp (bedrijfarts); học chuyên khoa khác. Nói chung phải học thêm ít hay nhiều năm tùy chuyên khoa, để có bằng hành nghề tự do thực sự, ko lệ thuộc vào ai nữa.

      Bác sĩ assistent chia làm hai loại: đang theo học chuyên khoa (tức chương trình hậu đại học) được gọi là assistent-in-opleiding, viết tắt là AIO; còn đang chờ nằm trong danh sách chờ (waitinglist) theo học thì gọi là assistent-niet-in-opleding (ANIO)

      Riêng bên Mỹ, theo tôi sinh viên muốn thành bác sĩ phải đi thực tập như thế ở nhà thương, gọi là internship (?) kéo dài hình như trong một năm thì phải. Sau đó phải theo học chuyên khoa gọi là residency.

      Bác sĩ VN theo chỗ tôi biết sơ sơ qua Mỹ phải thi bằng tương đương, xưa gọi là ICFMG, sau này đổi tên. Rồi phải xin đi thực tập internship mới có thể xin đi học chuyên khoa thì phải !?
      Có bằng tương đương, nhưng có những tiểu bang còn làm khó, như ở Cali muốn hành nghề ở đó lại phải thi lấy bằng hành nghề ở đó nữa.
      Tôi có thằng cháu học Nha ở Washington DC. Muốn về Cali phải thi bằng hành nghề ở đó.
      Còn chị tôi thi đậu bằng tương đương dược sĩ cấp quốc gia, nhưng thi mãi mấy năm liền ko đậu nổi bằng hành nghề ở Cali do cứ rớt mãi phần Speaking English. Bà ấy bèn move về Houston Texas làm dược sĩ cho một trại tù từ hơn 10 năm qua, mặc dù muốn ở Cali cho gần bà con và khí hậu dễ chịu hơn ! Ở lâu quen chỗ, nên chả muốn thi lại để move về Cali, mặc dù tiếng Anh nhờ làm việc nên tiến bộ vượt xa ngày xưa mới tới !

      7/
      Ông Nguyễn Hữu cực giỏi, nhưng khi qua Tây cũng chả được coi ra cái chi chi ở xứ Tây.
      Và tôi nghe cháu gái ruột bà Hữu, lấy chồng ở Hòa Lan kể lại sơ sơ như sau, thật hư chưa rõ !
      Ban đầu ông nhận một chân giảng dậy vớ vẩn hình như ở Metz hay Nancy chi đó, rồi sau này trổ tài nên bọn Tây mới kính nể và cho một chổ làm giáo sư cơ thể học. Rồi ông bà move tới Bretz ở cho tới khi về hưu và chết ở đó. Bà Hữu vẫn còn sống và con cái ở xa (một con trai ở đâu vùng thuộc địa nào đó của Pháp; con gái ở Mỹ hay Canada).

      Ông Đào Hữu Anh di tản qua Mỹ, cũng bị bắt thi lại chuyên môn Pathology rồi mới được hành nghề này lại.

      Giáo sư Hoàng Tiến Bảo qua Mỹ quá trễ, tuổi lại quá già, nhất là khi ở VN lại không hề hành nghề đã học ở Mỹ (Pathology chuyên về Xương cốt), cho nên chỉ cậy cục học thi lấy bằng tương đương ECFMG để hành nghề bác sĩ thường thôi. Ông Bùi Duy Tâm cũng như ông Vũ Qúi Đài cũng rứa thì phải, mặc dù qua Mỹ sớm !

      Theo một đàn anh trên tôi một lớp lấy nickname Nam Định (vì sinh quán ở đó) di tản sang Mỹ và học chuyên khoa Giải phẫu Thần Kinh (Neuro-Surgery). Anh ta nói sau 10 năm phải thi lại chuyên môn. Đậu mới cho hành nghề tiếp, bởi ngành Y tiến bộ vượt bực, phải học suốt đời. Anh nào lo kiếm tiền ko update kiến thức chuyên môn là dễ đi ngược giòng chính (mainstream), hành xử ko giống ai hết. Nhất là cái trò lấy cớ đi học thêm bắt buộc để lấy credit, nhưng thực ra đi du hí là chính, hay ghi danh mà íu theo học thiệt, rồi cũng có credit như ai ! Phải double check các thày lang vườn này.

      • Lão Ngoan Đồng says:

        Sorry viết kể nhiều điều quan trọng và có khi đi sâu vào chi tiết, cũng như bộ não đã quá date, nên phạm phải một số sai sót, tuy ko quan trọng như sau:

        - giảng sư là Chargé de cours. Ở Khu Cơ thể Bệnh lý trường Y có bác sĩ Lê Tài Sinh là chargé de cours. Khu bên cạnh Mô và Phôi học và Di truyền học, nhưng vẫn quen gọi tắt là Mô học (Histology) có cha già dòng “Dây Rút”, Jesuist, tức DòngTên người Bỉ Lichtenberger làm trưởng khu (chef de département) và bác sĩ Tiêu Minh Thu là giảng sư như bác sĩ Lê Tài Sinh.
        Bên Sinh Lý học của giáo sư thạc sĩ Trần Vỹ có bác sĩ Lê Sỹ Quang từ quân đội biệt phái về làm assistent, rồi đi Mỹ hai năm học lấy bằng cao nhất Ph.D. về nước và coi như đồng hòa (assimiler) với chức chargé de cours.

        Nhân đây nói rõ thêm, chỉ có lấy bằng thạc sĩ y khoa mới được phong chức giáo sư (professeur và dĩ nhiên phải bò từng cấp một, gs ủy nhiệm, diễn giảng lên đến thực thụ).
        Còn đậu Ph.D. cho các ngành khoa học căn bản, (sciences de base) như Biochemistry (như ông Bùi Duy Tâm), Microbilogy (như ông Vũ Qúi Đài), Parasitology (như bà Đỗ Thị Nhuận, nghe nói chưa đậu tới Ph,D.), hay dính tới bệnh lý bệnh nhân như Pathology (ông Đào Hữu Anh), Anesthesiology (Nguyễn Khắc Minh), OB-GYN (Nguyễn Ngọc Diệp).. lấy bằng cấp cao nhất gọi là (American) Board, về nước thì cũng chỉ nhận chức chargé de cours, rồi nhanh chóng leo lên giáo sư.

        - bác sĩ Hoàng Minh Mậu, đệ tử của ông Trần Lữ Y, được gửi đi học ở Pháp, ở lại và làm chức chargé de cours ở Paris. Thời tôi học năm thứ ba ông Mậu về VN và được ngay chức này, đồng thời làm chef de clinique ở trại nội khoa D (D ward) trong khu Nội Khoa ở Trung tâm Giáo dục Y khoa Gia Định (bệnh viện Nguyễn Văn Học cũ), do giáo sư Trần Lữ Y là trưởng khu.
        Khu này có bốn trại bệnh (ward; pavillon) và đã dành riêng ra một trại bệnh để đào tạo bác sĩ hậu đại học môn Nội khoa, là trại B do bác sĩ Mỹ John Brown coi sóc. Trại A do bác sĩ Nguyễn Thế Minh phụ trách; trại C do bác sĩ y tế Bạch Đình Minh phụ trách. Ông Minh là bố ruột bạn cùng lớp với tôi là Bạch Thế Thức, di tản sang Mỹ 1975 và hiện làm trưởng khu Phẫu khoa một bệnh viện ở quận Cam.

        [Tôi có may mắn đi thực tập vào đầu năm thứ năm ở khu B của giáo sư Joe Brown, nên có dịp so sánh lối giáo dục Y theo kiểu Mỹ và theo kiểu Pháp quen thuộc xưa nay. Tôi thấy thích theo lối Mỹ, nên từ đó về sau chọn thực tập ở các khu trường phái Mỹ. Chẳng hạn chọn thực tập sáu tháng chót năm cuối ở khu đào tạo hậu đại học Nhi khoa do Mỹ trông coi. Vả chăng ở gần giáo sư Đào Hữu Anh trên khu Cơ thể bệnh lý, và lúc đó ảnh hưởng của Mỹ tràn lan trong trường Y SG, với sách vở thứ gối đầu giường của chính sinh viên Mỹ và cả thế giới, cho nên mình choáng ngợp luôn. Chưa dám mạnh dạn tiếp cận, bởi còn e ngại tiếp xúc với thày Mỹ và rào cản tiếng Anh. (Đọc và viết tốt, nhưng nghe nhất là nói còn kém lắm). Dù sao tôi cũng cố hết sức gồng mình viết luận án bằng tiếng Anh thay vì tiếng Pháp như thường gặp thời đó]

        - Hình như có sự lầm lẫn khi dịch từ ngữ sang tiếng Việt:
        + interne fonctionel là nội trú ủy nhiệm. Tôi từng làm nội trú ủy nhiệm hồi năm thứ năm trong ba tháng, nơi khu Chỉnh trực (orthopédie) bệnh viện Bình Dân dưới quyền của giáo sư Hoàng Tíên Bảo (chef de clinique) và bác sĩ Võ Thành Phụng (assistent), còn giáo sư Trần Ngọc Ninh là “xếp chúa” (cả ở bộ môn Giải phẫu Tiểu Nhi Chirurgie infantile bên bv Nhi Đồng ở đường sư Vạn Hạnh nữa).
        Trước tôi có thấy nội trú ủy nhiệm Kính, Điền … bên cạnh các nội trú thực thụ Cường, Quang và trước nữa là Võ Thành Phụng.
        Nguyên do rất nhiều, tôi nghĩ như thế. Chẳng hạn lúc đó thiếu nhiều bác sĩ do chiến tranh ngày một ác liệt, quân đội hút gần hết sinh viên y mới tốt nghiệp, do đó phải đôn sinh viên lên thay bác sĩ điều trị ở một số khu. Hiện tượng này chỉ thấy ở một số khu tại bệnh viện Bình Dân thôi.
        Cũng có thể theo khuynh hướng mới, mở rộng cảnh cửa nội trú, cho nên bộ Y tế ko đủ ngân sách trả lương cho cả trăm nội trú, nên có sự đứng khựng lại vào lúc tôi học năm thứ năm và phải chờ đến cuối năm thứ đó mới được dự thi tuyển nội trú !

  10. Lão Ngoan Đồng says:

    Thưa bà con,

    1/
    Phải công bằng mà nói, bọn thực dân Pháp quả có đến KHAI HÓA cho dân mình rất nhiều, mặc dù mục đích chính của chúng là CHIẾM ĐẤT ĐAI ĐỂ KHAI THÁC NHÂN VẬT LỰC ! Đó là chính sách thực dân kiểu cũ, và bị sau thế chiến hai bị thay bằng chính sách thực dân kiểu mới do Mỹ chủ trương, ko chiếm đất mà dựng nên một chính quyền bù nhìn để giựt dây đằng sau. Nhìn bề ngoài sẽ có cảm tưởng là tử tế và nhân bản hơn, nhưng thực chất thâm hiểm hơn nhiều. Cứ như ở ta thời VNCH, có thế mới giữ được làm vệ tinh trong vòng tay của Mỹ đến hai thập niên, làm phên dậu be bờ cho Mỹ từ xa. Dĩ nhiên phía đối nghịch với tư bản Mỹ là đế quốc CS cũng chả tử tế gì, dùng chủ nghĩa CS làm chiêu bài, biến bọn CS miền Bắc làm tay sai cho quan thày Nga Hoa.

    Tôi muốn thưa rõ rằng, THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU NHIỀU ĐẮNG CAY ! Tưởng rằng có độc lập tư do dân chủ, nhưng toàn đồ mạo hóa, và dân mình vẫn tiếp tục lao vào chém giết nhau vì cái chủ nghĩa ngoại lai vớ vẩn, mặc dù có nhiều cơ hội tốt tiếp cận với nền văn minh văn hóa phương Tây đầy nhân bản và tiến bộ nhất thế giới.
    Rốt cuộc mèo lại hoàn mèo. Dứt phong kiến đến thực dân, rồi độc tài đủ kiểu, từ độc tài toàn trị CS đến độc tài gia đình trị, độc tài quân phiệt. Giờ đây là một thứ độc tài lai căng, nửa dơi nửa chuột, của mô hình CS lột xác đi theo tư bản hoang dại qua cái gọi là đổi mới kinh tế, nhưng vẫn xiết chặt chính trị. Nghĩa là VN nếm đủ mùi độc tài độc đoán, và chưa hề có tự do dân chủ thực sự bao giờ.

    2/
    Trở lại thời thực dân Pháp, sẽ có nhiều người cho tôi là nói láo, làm gì có những khai hóa cho dân ta, mà chỉ có sự giả danh khai hóa để đào tạo ra những kẻ thừa hành làm tay chân bộ hạ cho thực dân, nhằm kiện toàn bộ máy cai trị của thực dân áp đặt lên đầu lên cổ dân ta mà thôi.

    Qúi vị đã rõ tôi gốc là dân khoa học thực nghiệm, nên bao giờ cũng nói có sách mách có chứng. Vậy xin hãy bĩnh tâm nghe tôi giãi bày dài dòng mất thì giờ, nhưng rất bổ ích cho kiến thức tổng quát.

    Thưa bà con,

    Phải công bằng mà nói, bọn thực dân Pháp quả có đến KHAI HÓA cho dân mình rất nhiều, mặc dù mục đích chính của chúng là CHIẾM ĐẤT ĐAI ĐỂ KHAI THÁC NHÂN VẬT LỰC ! Đó là chính sách thực dân kiểu cũ, và bị sau thế chiến hai bị thay bằng chính sách thực dân kiểu mới do Mỹ chủ trương, ko chiếm đất mà dựng nên một chính quyền bù nhìn để giựt dây đằng sau. Nhìn bề ngoài sẽ có cảm tưởng là tử tế và nhân bản hơn, nhưng thực chất thâm hiểm hơn nhiều. Cứ như ở ta thời VNCH, có thế mới giữ được làm vệ tinh trong vòng tay của Mỹ đến hai thập niên, làm phên dậu be bờ cho Mỹ từ xa. Dĩ nhiên phía đối nghịch với tư bản Mỹ là đế quốc CS cũng chả tử tế gì, dùng chủ nghĩa CS làm chiêu bài, biến bọn CS miền Bắc làm tay sai cho quan thày Nga Hoa.

    Tôi muốn thưa rõ rằng, THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU NHIỀU ĐẮNG CAY ! Tưởng rằng có độc lập tư do dân chủ, nhưng toàn đồ mạo hóa, và dân mình vẫn tiếp tục lao vào chém giết nhau vì cái chủ nghĩa ngoại lai vớ vẩn, mặc dù có nhiều cơ hội tốt tiếp cận với nền văn minh văn hóa phương Tây đầy nhân bản và tiến bộ nhất thế giới.
    Rốt cuộc mèo lại hoàn mèo. Dứt phong kiến đến thực dân, rồi độc tài đủ kiểu, từ độc tài toàn trị CS đến độc tài gia đình trị, độc tài quân phiệt. Giờ đây là một thứ độc tài lai căng, nửa dơi nửa chuột, của mô hình CS lột xác đi theo tư bản hoang dại qua cái gọi là đổi mới kinh tế, nhưng vẫn xiết chặt chính trị. Nghĩa là VN nếm đủ mùi độc tài độc đoán, và chưa hề có tự do dân chủ thực sự bao giờ.

    2/
    Trở lại thời thực dân Pháp, sẽ có nhiều người cho tôi là nói láo, làm gì có những khai hóa cho dân ta, mà chỉ có sự giả danh khai hóa để đào tạo ra những kẻ thừa hành làm tay chân bộ hạ cho thực dân, nhằm kiện toàn bộ máy cai trị của thực dân áp đặt lên đầu lên cổ dân ta mà thôi.

    Qúi vị đã rõ tôi gốc là dân khoa học thực nghiệm, nên bao giờ cũng nói có sách mách có chứng. Vậy xin hãy bĩnh tâm nghe tôi giãi bày dài dòng mất thì giờ, nhưng rất bổ ích cho kiến thức tổng quát.

    Tôi không những dựa vào chính sử, các sách mang tính khảo cứu như của Phan Khoan về thời Tây Sơn, hồi ký của một số nhân vật nổi tiếng đáng tin cậy như Trần Trọng Kim (Bị Vân Lục, tức Một Cơn Gió Bụi) …, Hồi ký của bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, bác sỹ Nguyễn Tường Bách …, mà còn dựa vào vào tiểu thuyết mang tính FACTION (Fact + fiction), để tạo dựng nên bối cảnh xã hội xứ ta từ thời xa xưa, khoảng thời Trịnh Nguyễn phân tranh cho đến tận giờ.

    Faction như đã nói, dựa vào những sự kiện có thật (facts, true stories), tác giả thêm thắt (hư cấu) cho có tình tiết éo le, để tạo dựng nên một tiểu thuyết. Điển hình ở ta có những trường thiên tiểu thuyết mang tính lịch sử (hay gọi là chuyện dã sử) thời cận và hiện đại rất hay. Chẳng hạn như Sông Côn Mùa Lũ về thời Tây Sơn mà đặc biệt chú trọng đến Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác; Tuấn, Chàng Trai Nước Việt của Nguyễn Vỹ, tả cảnh nước ta vào đầu thế kỷ 20 cho đến khoảng thập niên 30 với các phong trào Đông Kinh Nghiã thục của Phan Bội Châu, Duy Tân của Phan Chu Trinh …; Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ, viết về thời Kháng Chiến Chống Pháp; Dòng Sông Thanh Thủy, của Nhất Linh tả cảnh Quốc Cộng thanh toán nhau ở vùng biên giới Tàu – Việt; Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác, coi như một hậu Khu Rừng Lau, thời đệ nhất và đệ nhị VNCH cho đến khi đại thắng của CS và bắt đầu có phong trào vượt biên, mà nhân vật chính trong đó chính là anh chàng Ngữ, gốc dân miền Trung chả khác gì tác giả cả.
    Gần đây nhất Ngô Thế Vinh, khoảng năm 2000, đã cho ra mắt CỬU LONG CẠN DÒNG, BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG cực hay (Tác phẩm ngắn Vòng Đai Xanh của ông cũng thuộc loại Faction, được giải thưởng văn học tổng thống thời Thiệu đầu thập niên 70, đã vẽ lại mặt thật đằng sau phong trào Fulro có Mỹ nhúng tay vào ra sao. Ông cho tôi hay, mục đích chống lại những đánh bóng tô màu của phía Mỹ khi cho quay phim làm ầm ĩ quảng cáo cho đám lính mũ nối xanh Green Beret, một thứ con đẻ của tình báo Mỹ thời Kennedy, cố tạo nên hình tượng những mercenaires thời đại mới, kiểu như Robin des Bois hay hiệp sĩ bịt mặt trong tranh vẽ là Zorro, vốn bản chất những anh hùng khởi nghĩa giải phóng áp bức … cho dân đen vô tội)

    Wikipedia : FACTION
    The non-fiction novel is a literary genre which, broadly speaking, depicts real historical figures and actual events narrated woven together with fictitious allegations and using the storytelling techniques of fiction. The non-fiction novel is an otherwise loosely-defined and flexible genre. The genre is sometimes referred to as or faction, a portmanteau of “fact” and “fiction”.

    (Xin lỗi đói bụng phải đi ăn sáng và đi tập thể dục một chút cho khoẻ người. Quốc sự là chuyện dài lâu, cần cool blood mà lý giải cho có đầu có đũa, ko thể vội vàng và khinh xuất được)

    Kính bái,
    LNĐ

Leave a Reply to NGÀN KHƠI