Cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960
1.- TÌNH HÌNH CHUNG TRƯỚC ĐẢO CHÁNH
Sau khi thành lập năm 1955, tình hình an ninh và chính trị Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) khả quan được vài năm thì bị xáo trộn trở lại vào đầu thập niên 60, có thể vì nhiều lý do:
Thứ nhất, tại Hà Nội sau hội nghị Trung ương đảng ngày 13-5-1959 và Đại hội III đảng Lao Động (từ 5-9 đến 10-9-1960), Bắc Việt Nam (BVN) quyết định tấn công Nam Việt Nam (NVN) mà CS nói là”giải phóng” miền Nam bằng võ lực. Theo hiệu lệnh nầy, du kích cộng sản nằm vùng tại NVN từ năm 1954, hoạt động trở lại, quậy phá và tấn công khắp nơi. Miền Nam bắt đầu mất an ninh.
Thứ hai, hiến pháp VNCH ngày 26-10-1956 thừa nhận quyền tự do lập hội (điều 15), tự do nghiệp đoàn (điều 23), nhưng không đề cập đến quy chế chính đảng, quyền lập chính đảng và quyền đối lập chính trị. Chế độ Ngô Đình Diệm không chấp nhận bất đồng chính kiến và đối lập chính trị. Các đảng phái bị đánh dẹp trừ đảng Cần Lao do Ngô Đình Nhu lãnh đạo. Đảng Cần Lao là đảng duy nhất có quân ủy tức ủy ban đảng trong quân đội, ngược với truyền thống đứng ngoài các đảng phái chính trị của quân đội VNCH. Những lãnh tụ đối lập với chính quyền Diệm lần lượt bị bắt giam. (Sau nầy có một số tướng lãnh và sĩ quan gia nhập đảng phái là cá nhân bí mật vào đảng, trong khi tập thể quân đội đứng ngoài đảng.)
Ông Diệm đi vào con đường sùng bái cá nhân. Rõ nhất là ngay từ năm 1955, mỗi lần chào cờ bất cứ ở đâu, bản nhạc “Suy tôn Ngô tổng thống” đều được trình diễn tiếp ngay sau bản quốc ca. Bài hát xưng tụng “Ngô tổng thống, Ngô tổng thống muôn năm...” Ông Diệm biết, nghe, và chứng kiến việc suy tôn mình trong các buổi lễ, mà không ra lệnh sửa sai, dẹp bỏ, nghĩa là ông Diệm đồng lòng với sự suy tôn nầy. (Bản nhạc “Suy tôn Ngô tổng thống” do Thanh Nam đặt lời, Ngọc Bích phổ nhạc.)
Sau khi củng cố được địa vị, trong công việc cai trị, tổng thống Diệm chỉ tin tưởng và trọng dụng những người trong gia đình, những đảng viên Cần Lao và những thủ hạ thân tín chung quanh gia đình của ông. (Vĩnh Phúc, Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, California: Nxb. Văn Nghệ, 1998, tr. 24.) Ngoài ra, “Sau khi đã vững chỗ ngồi, ông [Diệm] quay qua thanh toán những người đã từng sát cánh với ông, đã từng phò tá ông trong những lúc hoạn nạn khó khăn…” (Vĩnh Phúc, sđd. tr. 446), nên nhân tài lần lượt tránh xa ông Diệm, nếu không bị ông thanh toán.
Thứ ba, lúc đó dân chúng than phiền về nạn tham nhũng và lạm quyền của một số viên chức chính phủ hay đảng viên Cần Lao, càng ngày càng gia tăng, làm tổn hại đến uy tín chính trị của chế độ Diệm. Sách hồi ký của các tướng lãnh hay các nhân vật chính trị đương thời đều đề cập đến nạn tham nhũng thời kỳ nầy. (Ví dụ: các sách của Đỗ Thọ, Trần Văn Đôn, Nguyễn Trân, Nguyễn Bá Cẩn …) Tham nhũng thời ông Diệm còn giới hạn chứ không tràn lan như cộng sản ngày nay.
Quốc hội lập pháp khóa 2 được bầu ngày 30-8-1959. Cũng như quốc hội khóa trước, đại đa số đắc cử đều thân chính quyền. Tại Sài Gòn, Nguyễn Trân đắc cử ở quận I và Phan Quang Đán đắc cử ở quận II, nhưng cả hai đều bị “Ủy ban hợp thức hóa” của Quốc hội loại bỏ, vì cho rằng các ông vi phạm luật bầu cử. Ai cũng biết ông Diệm sử dụng Ủy ban hợp thức hóa của Quốc hội để loại bỏ những nhân vật đối lập. (Đoàn Thêm, 1945-1964, Việc từng ngày, Hai mươi năm qua, California: Xuân Thu tái bản, tr. 260.)
Chính phủ Diệm kiếm cách ngăn chận đối lập chính trị, nhưng cũng không cản được 18 chính khách trong Ủy Ban Tiến Bộ và Tự Do, hội họp tại khách sạn Caravelle ở Sài Gòn ngày 26-4-1960, cùng ký kháng thư công khai phản đối chế độ Diệm. Kháng thư nầy thường được gọi là “Tuyên ngôn Caravelle”, phản đối việc kiểm soát báo chí, tố cáo nạn bè phái và yêu cầu tổng thống Diệm nới rộng chính phủ, tái lập các quyền tự do căn bản. (Nguyễn Trân, Công và tội, những sự thật lịch sử, California: Nxb. Xuân Thu , 1992, tr. 324.) Mười tám người nầy là (theo thứ tự A, B, C, họ, chữ lót, tên): Hồ Văn Vui (linh mục), Huỳnh Kim Hữu, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Lưu Viên, Nguyễn Tăng Nguyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Phạm Hữu Chương, Phan Huy Quát, Phan Khắc Sửu, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Hương, Trần Văn Lý, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Văn. (Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chứng, California: Nxb. Xuân Thu, 1989, tt. 168-169.) Mười tám chính khách nầy thuộc nhiều tôn giáo khác nhau và có nhiều người đã từng giúp đỡ hay cộng tác với ông Diệm.
Các nhân sĩ ký tên vào bản “Tuyên ngôn Caravelle” không bị chính phủ Diệm bắt giam, một phần vì các nhân sĩ nầy uy tín khá lớn, thuộc nhiều thành phần xã hội, tôn giáo và chính trị, kể cả một số đã từng cộng tác với ông Diệm, và một phần khác vì áp lực của Tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Lúc đó, về phía Hoa Kỳ, tòa đại sứ ngầm yêu cầu chính phủ Diệm tìm cách cải cách chính trị. Có lần đại sứ Elbridge Durbrow thúc đẩy tổng thống Diệm nên gởi cố vấn Ngô Đình Nhu ra nước ngoài, nhưng tổng thống Diệm không nghe theo những yêu cầu về phía Hoa Kỳ. (Thomas L. Ahern Jr., CIA and the House of Ngo, tr. 138.)
Để đáp ứng tình thế mới, tổng thống Diệm cải tổ chính phủ ngày 18-10-1960, không nới rộng mà chỉ thay đổi các chức vụ sau: bộ trưởng Quốc phòng: Nguyễn Đình Thuần thay Trần Trung Dung; bộ trưởng Nội vụ: Bùi Văn Lương thay Lâm Lễ Trinh; bộ trưởng Tư pháp: Nguyễn Văn Lượng thay Nguyễn Văn Sĩ.
Một biến chuyển quốc tế ảnh hưởng nhiều đến nền chính trị Việt Nam là vào ngày 8-11-1960, trong cuộc tranh cử ở Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ John F. Kennedy, ứng cử viên đảng Dân Chủ, đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, đánh bại ứng cử viên của đảng Cộng Hòa là Richard Nixon. Nixon nguyên là phó tổng thống trong chính phủ Dwight David Eisenhower (tổng thống hai nhiệm kỳ1953-1961). Thay đổi tổng thống mới theo chính đảng đối lập ở Hoa Kỳ, báo hiệu chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trên thế giới nói chung và về Việt Nam nói riêng sẽ có những thay đổi mới.
2.- DIỄN TIẾN CUỘC ĐẢO CHÁNH
Cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 do một nhóm sĩ quan cấp tá lãnh đạo. Các nhân vật chính trong binh biến nầy là các trung tá Nguyễn Triệu Hồng, Vương Văn Đông, đại tá Nguyễn Chánh Thi (tư lịnh Lữ đoàn Nhảy dù), và các thiếu tá Phan Trọng Chinh, Phạm Văn Liễu…
Theo Nguyễn Chánh Thi, thì chính ông ta là người chủ xướng cuộc đảo chánh. (Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam: một trời tâm sự, California: Nxb. Xuân Thu, 1987, tr. 115.) Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng Cơ Thụy, hai trung tá Nguyễn Triệu Hồng và Vương Văn Đông (tùng sự tại Đại học Quân sự Sài Gòn) mới là những người chủ xướng cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 và đại tá Nguyễn Chánh Thi hợp tác vào giờ chót. (Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận, cuốn 5, Paris: Nam Á, 2002, tr. 2824.) Hoàng Cơ Thụy còn trưng ra bản cáo trạng của chính phủ Diệm sau khi cuộc đảo chánh thất bại, theo đó Vương Văn Đông và Nguyễn Triệu Hồng chủ xướng và ép Nguyễn Chánh Thi phải hợp tác.
Nhân vật chính về phía dân sự tham gia vào biến cố nầy lúc đầu là luật sư Hoàng Cơ Thụy. Trong cuộc họp tại nhà Hoàng Cơ Thụy vào đêm trước ngày đảo chánh, có một nhân viên CIA tên là George Carver. Về mặt nổi, Carver là một nhân viên USOM. (Vĩnh Phúc, sđd. tr. 264-265.)
Lực lượng đảo chánh gồm 4 tiểu đoàn Nhảy dù (1, 3, 4, và 8) và Liên đoàn Biệt động quân. Sáng ngày 11-11-1960, khoảng 3G:30, nhóm đảo chánh bao vây dinh Độc Lập và chiếm nhà Bưu điện Sài Gòn. Viên sĩ quan phụ trách việc phá hệ thống điện thoại Sở Bưu điện thiếu hiểu biết chuyên môn, không phá được hệ thống khẩn cấp đặt dưới hầm nhà Bưu điện, nên từ dinh Độc Lập, nơi tổng thống ở và làm việc, tổng thống vẫn liên lạc được với bên ngoài. (Vĩnh Phúc, sđd. tr 266.)
Lực lượng đảo chánh tấn công thành Cộng Hòa (trên đường Thống Nhất, gần Thảo cầm viên tức Sở thú), nhưng Liên binh Phòng vệ Phủ tổng thống đóng ở đây, chống trả mãnh liệt.
Cho đến 5G:00 sáng ngày 11-11, phía đảo chánh chiếm được các vị trí sau đây: Bộ tổng tham mưu Quân đội VNCH (gần Tân Sơn Nhất), Căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, Nha tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia và Nha Cảnh sát đô thành (lúc đó ở vùng đường Nguyễn Cư Trinh -Võ Tánh), Bộ Tư lệnh Quân khu thủ đô (lúc đó ở Hòa Hưng) và bắt giam tư lệnh quân khu là trung tướng Thái Quang Hoàng. Trong khoảng thời gian nầy (5G:00 sáng), một sĩ quan chỉ huy cuộc đảo chánh là trung tá Nguyễn Triệu Hồng bị tử thương ở gần dinh Độc Lập.
Lúc đó, trong Dinh Độc Lập, ngoài tổng thống Diệm, gia đình Ngô Đình Nhu, còn có Võ Văn Hải, chánh văn phòng tổng thống và đại úy Bằng, sĩ quan cận vệ, cùng bộ phận quân đội phòng thủ. (Hoàng Cơ Thụy, sđd. tr. 2843.) Quân đảo chánh tìm bắt thiếu tướng Nguyễn Khánh, nhưng trước đó vài tuần, Nguyễn Khánh đã dọn đến một ngôi nhà mới, nên phe đảo chánh không biết. Khi nghe súng nổ, Nguyễn Khánh kiếm cách trốn vào dinh Độc Lập lúc 3G:30 sáng. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, the Vietnam War, 1954-1965, Cambridge: Cambridge University Press, 2006, tr. 110.)
Khoảng 8G:30 sáng 11-11-1960, Đài phát thanh Sài Gòn phát đi nhật lệnh của đại tá Nguyễn Chánh Thi, tự xưng là tổng tư lệnh quân đội cách mạng, gởi tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính, tố cáo nặng nề chính phủ Ngô Đình Diệm và kêu gọi quân đội hoàn thành nhiệm vụ cứu nước.
Trong khi đó, về phía chính phủ, tổng thống Diệm giao cho Võ Văn Hải, chánh văn phòng phủ tổng thống, nhiệm vụ liên lạc và nói chuyện với nhóm đảo chánh. Khoảng trước 9 giờ sáng ngày 11-11-1960, ông Hải gặp Nguyễn Chánh Thi, rồi gặp Vương Văn Đông. Ông Đông đồng ý điều đình, nhưng yêu cầu tổng thống Diệm phải từ chức và “Hội đồng Cách mạng” sẽ bảo đảm an ninh cho gia đình ông Diệm ra nước ngoài. (Hoàng Cơ Thụy, sđd. tr. 2847.)
Trong dinh Độc Lập, từ sau 10 giờ sáng, tổng thống Diệm dùng hệ thống vô tuyến riêng, đọc lời kêu gọi các lực lượng trung thành với chính phủ đem quân về thủ đô dẹp cuộc đảo chánh, cứ khoảng 5 phút phát một lần. (Nguyễn Chánh Thi, sđd. tr. 131.) Nguyên văn điện văn như sau: “Đây là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, ra lệnh cho Bộ chỉ huy các Quân khu: Đêm nay hồi 3 giờ sáng, một số sĩ quan trung cấp đã bội phản và phỉnh gạt binh sĩ để mưu đảo chánh tại Thủ đô. Hiện giờ Tổng tham mưu và Quân khu Thủ đô tạm thời gián đoạn liên lạc, một số sĩ quan cao cấp cũng mất liên lạc. Vậy các Tư lệnh Quân khu phải bình tĩnh và tự vệ cẩn mật để chờ lệnh của sĩ quan liên lạc Phủ tổng thống. Đại tá Trần Thiện Khiêm, Quân khu 5, phải cho đoàn Thiết giáp Mỹ Tho lên ngay đậu tại Phú Lâm chờ lệnh, và đại tá Trần Thiện Khiêm lấy một tiểu đoàn lên ngay tại Phú Lâm đợi lệnh.” (Trích: Nguyễn Chánh Thi, sđd. tr. 131.)
Võ Văn Hải làm con thoi liên lạc giữa dinh Độc Lập và nhóm sĩ quan đảo chánh. Sau khi ông Hải gặp Vương Văn Đông lần thứ 3 tại nhà trung tướng Dương Văn Minh, lúc 12G:30 ngày 11-11-1960, Vương Văn Đông điện thoại và nói chuyện trực tiếp với tổng thống Diệm. Tổng thống Diệm báo cho ông Đông biết là muốn cải tổ chính phủ thì phải theo thể thức hợp pháp, tức phải thông qua Quốc hội, nhưng ông Đông vẫn nhất quyết đòi tổng thống phải từ chức. (Hoàng Cơ Thụy, sđd. tt. 2849-2850.)
Chiều 11-11-1960, Võ Văn Hải gặp Vương Văn Đông lần thứ tư tại nhà tướng Lionel C. McGarr, người mới thay tướng Williams đứng đầu đoàn cố vấn quân sự Hoa Kỳ. Ông Hải đưa ra giải pháp dung hòa là lưu giữ tổng thống Diệm và giải tán chính phủ, chỉ định một thủ tướng mới nhằm thành lập chính phủ lâm thời. Trung tá Vương Văn Đông đồng ý, nhưng yêu cầu tổng thống Diệm chính thức tuyên bố giải tán chính phủ.
Tối hôm đó, lúc 8 giờ tối 11-11-1960, tổng thống Diệm điện thoại cho đại tướng Lê Văn Tỵ, giao cho ông Tỵ trách nhiệm lập chính phủ quân nhân. Đại tướng Lê Văn Tỵ công bố trên Đài phát thanh một bản nhật lệnh lúc 9 giờ tối 11-11-1960, gồm ba điểm chính, nguyên văn như sau: “Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa,/ Giữa lúc cuộc chính biến nghiêm trọng diễn ra tại Thủ đô, hôm nay tôi đã hội đàm với Tổng thống Ngô Đình Diệm và đã đi đến những thỏa thuận sau đây để duy trì sự đoàn kết của Quân đội: 1) Tổng thống đồng ý giải tán chính phủ hiện tại sau khi đã thảo luận về vấn đề quốc sự với Ủy ban Cách mạng. 2) Với sự đồng ý của Ủy ban Cách mạng, Tổng thống ủy thác cho một số sĩ quan trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa trách nhiệm thành lập một chánh phủ quân nhân lâm thời. Chánh phủ nầy tiếp tục cuộc chiến đấu chống Cộng sản để bảo vệ Tổ quốc. 3) Ngay sau khi nhận được lệnh nầy, tất cả các đơn vị phải lập tức ngưng bắn, tiếp tục hoạt động trở lại và phải luôn luôn bình tĩnh đề cao cảnh giác đề phòng sự phá hoại của Việt Cộng. KBC 4002, ngày 12 thánh 11 năm 1960 / Đại tướng Lê Văn Tỵ/ Tổng tham mưu trưởng QĐ/ VNCH.” (Trích: Nguyễn Chánh Thi, sđd. tt. 144-145.)
Đến 6G:20 sáng 12-11-1960, bản “Tuyên cáo của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa” được đưa lên Đài phát thanh do tổng thống Diệm đọc. (Mark Moyar, sđd. tr. 112.) Nguyên văn bản tuyên cáo như sau: “Quốc dân đồng bào,/ Tiếp theo cuộc nổi dậy tại Thủ đô tối nay, để cho Quân đội chúng ta được toàn vẹn trong cuộc chiến đấu chống cộng, Tôi, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, đã quyết định giải tán Chính phủ hiện thời. Tôi kêu gọi các Tướng lãnh Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thành lập một Chánh phủ Lâm thời để có thể chiến đấu chống cộng và bảo vệ xứ sở. Đồng thời tôi sẽ phối hợp với Hội đồng Cách mạng thành lập một chánh phủ Liên hiệp. Để tránh đổ máu và trấn an dân chúng, tôi ra lệnh Hội đồng các tướng lãnh tìm tất cả các phương pháp thích nghi chấm dứt mọi cuộc tuyên truyền xuyên tạc và ngưng bắn./ Ngô Đình Diệm.” (Trích: Hoàng Cơ Thụy, sđd. tr. 2855.)
Trong khi đó, đại tá Trần Thiện Khiêm đem quân Sư đoàn 7 từ Mỹ Tho và đại tá Huỳnh Văn Cao đưa quân Sư đoàn 5 từ Biên Hòa về thủ đô cứu viện, đến Sài Gòn sáng 12-11. Lực lượng đảo chánh bắt đầu nao núng. Vào buổi chiều, các tiểu đoàn Nhảy dù rút lui dần dần. Quân trung thành với chính phủ Diệm làm chủ tình thế.
Trước khi phi trường Tân Sơn Nhất được quân chính phủ kiểm soát trở lại khoảng trưa ngày 12-11-1960, các sĩ quan đảo chánh dùng phi cơ C-47 rời khỏi Việt Nam, bắt theo trung tướng Thái Quang Hoàng làm con tin. Qua Cao Miên, trung tướng Hoàng xin trở về Việt Nam, và được Miên trả về Việt Nam ngày 15-11-1960. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 283.)
Khoảng 6 giờ chiều ngày 12-11-1960, tổng thống Diệm tuyên bố trên đài phát thanh rằng chính phủ đã dẹp yên quân phiến loạn, hứa “sẽ tiếp tục phục vụ đất nước và dân tộc theo đường lối Cộng Hòa và Nhân vị...” (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập I-C, Houston: Nxb. Văn Hóa: 2000, tr. 194.) Ngày 15-11-1960, tổng thống Diệm thành lập Uỷ ban điều tra về cuộc đảo chánh 11-11-1960, do thiếu tá Trần Khắc Kính cầm đầu. Uỷ ban nầy làm việc đến cuối tháng 3-1961, thì hoàn tất hồ sơ.
3.- HẬU QUẢ CUỘC ĐẢO CHÁNH
Sau cuộc binh biến, chính phủ bắt giữ nhiều nhà chính trị đối lập như Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lương, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Chữ, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Thành Vinh, Trương Bảo Sơn, Lê Ngọc Chấn … vì liên hệ đến binh biến. Trong số nầy, một số người trước đây đã ký vào “Tuyên ngôn Caravelle” ngày 26-4-1960. Trần Văn Hương bị bắt ngày 12-11-1960, nhưng được thả trong vài tuần. (Hoàng Cơ Thụy, sđd., tr. 2866.) Nhất Linh Nguyễn Tường Tam bị bắt rồi được thả về.
Theo tác giả Nguyễn Tường Thiết (con của Nhất Linh), trong bài “Sự thật về cái chết của Nhất Linh”, nhật báo Người Việt, California ngày 1-2-2012, thì Nhất Linh biết trước cuộc đảo chánh sẽ xảy ra, nhưng Nhất Linh không tham gia và không liên hệ đến cuộc đảo chánh, nên chính quyền Diệm thả Nhất Linh. Theo Vĩnh Phúc, sđd. tt. 220-224, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam vào tỵ nạn trong Tòa đại sứ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ở Sài Gòn. (Nhất Linh quen biết với các lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Đảng khi hoạt động ở Trung Hoa.) Đại sứ Vương Tử Kiện nhờ một linh mục Dòng Tên (Jésuite) người Bỉ trình bày với tổng thống Diệm. Tổng thống Diệm chuyển qua ông Nhu. Ông Nhu giao cho Trần Kim Tuyến. Ông Tuyến bảo lãnh với đại sứ Đài Loan. Tòa đại sứ Đài Loan giao Nhất Linh cho Công an Việt Nam. Nhất Linh bị giữ hai ngày, làm thủ tục rồi được thả về. Vĩnh Phúc dựa theo tài liệu của Trần Kim Tuyến.
Một nhân vật dân sự quan trọng trong cuộc binh biến ngày 11-11-1960 là Hoàng Cơ Thụy nhờ người Mỹ sắp đặt, giúp ông trốn thoát ra nước ngoài. (Mark Moyar, sđd., tr. 114.) Trong sách Việt sử khảo luận cuốn 5, Hoàng Cơ Thụy cho biết ông lưu vong từ 4-12-1960 đến ngày 20-11-1963 mới trở về sau khi chính phủ Diệm sụp đổ, nhưng không cho biết nơi lưu vong. Có tài liệu cho rằng ông Thụy trốn vào Tòa đại sứ Mỹ, qua Phi Luật Tân, rồi qua Nhật Bản.
Số thiệt hại nhân mạng trong cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 là: 20 thường dân và 23 quân nhân thiệt mạng, trong đó có trung tá Nguyễn Triệu Hồng; số bị thương khoảng 54 thường dân và 214 quân nhân. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 283.)
Về phương diện chính trị, trong thời gian quân đảo chánh làm chủ Đài phát thanh, chính phủ Diệm bị chỉ trích nặng nề. Trên đài Phát thanh, những sai lầm của chính phủ lâu nay bưng bít, nay có cơ hội được đưa ra ánh sáng và truyền đi công khai khắp nước.
Trong khi thương thuyết với phe đảo chánh, tổng thống Diệm công khai hứa trên đài phát thanh sẽ giải tán chính phủ, thành lập chính phủ lâm thời, nhưng khi lật ngược được tình thế, ông Diệm không giữ lời hứa, quay qua đàn áp những người đảo chánh và các nhóm đối lập mạnh mẽ hơn. Tổng thống, kiêm nhiệm tổng tư lệnh quân đội VNCH, còn hứa hẹn với đại tướng tổng tham mưu trưởng để ông nầy ra nhật lệnh trấn an các sĩ quan đảo chánh. Vì nghe lời thượng cấp, các sĩ quan nầy bị đàn áp. Dân chúng và quân đội nghĩ gì về việc nầy? Lúc đó dưới quyền lực của chế độ Diệm, không ai dám nói ra, nhưng sự thất hứa của tổng thống đã phải trả giá ba năm sau: Khi đảo chánh bùng nổ trưa ngày 1-11-1963, từ dinh Gia Long, tổng thống Diệm điện thoại cho trung tướng Trần Văn Đôn trong nhóm đảo chánh lúc 3G.30 chiều hôm đó, hỏi lý do động binh và yêu cầu các tướng đảo chánh đến dinh Gia Long điều đình, nhưng phía đảo chánh không chấp thuận, vì sợ bị sập bẫy như cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960. (Mark Moyar, sđd., tr. 268.)
KẾT LUẬN
Như thế, tổng thống Ngô Đình Diệm gặp nhiều chống đối vào khoảng cuối nhiệm kỳ đầu; những người tài giỏi giúp ông Diệm lần lượt tránh xa ông; những bất mãn về nạn tham ô của các quan chức; và nhất là sự chống đối của những đảng phái đối lập và những nhà bất đồng chính kiến.
Thông thường, một chế độ không chấp nhận bất đồng chính kiến, tiêu diệt đối lập chính trị, thì giới đối lập chính trị bị dồn vào thế phải hoạt động bí mật và vì sự sống còn của chính mình, kiếm cách lật đổ chế độ để tự giải thoát. Trong giai đoạn 1954-1955, Ngô Đình Diệm đã từng nhờ đại tá CIA Mỹ là Edward G. Lansdale để ổn định tình hình, thì lần nầy các sĩ quan đảo chánh cũng nhờ người Mỹ, tạo cơ hội cho người Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ VNCH.
Như thế, có thể nói cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 là tiếng chuông báo động công khai cho chế độ Diệm về những phản đối tiềm tàng trong các tầng lớp dân chúng khác nhau, nhưng rất tiếc sau khi dẹp yên cuộc đảo chánh, tổng thống Diệm chẳng mấy quan tâm đến tiếng chuông báo động nầy. Phải chăng vì vậy mà cuối cùng chế độ Diệm kết thúc một cách bi thảm năm 1963?
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 01-11-2012)
Đàn Chim Việt
Thưa qúi đồng hương,
1/
Bốn vị bộ trưởng đồng loạt từ chức vào cuối năm 1960 gồm có các ông Trần Chánh Thành (Bộ Thông tin), Trần Trung Dung (Bộ Quốc phòng), Lâm Lễ Trinh (Bộ Nội vụ) và Nguyễn Văn Sĩ (Bộ Tư pháp). (nguyên văn)
Tôi đã giật mình, khi tôi đọc những giòng chữ trên từ bài viết của Đại Nghĩa đăng ngày 01 tháng 11 diễn đàn này dưới tựa đề NGÔ ĐÌNH DIỆN, VỊ TỎNG THỐNG CÒN NHIỀU TRANH CÃI !
Tôi tức tốc tìm hiểu ngày hai vị nổi tiếng mà tôi ít nhiều biết tiếng là Trần Chánh Thành và Trần Trung Dung (ông Lâm Lễ Trình viết nhiều bài và tôi đã đọc gần hết dạo trước đây).
Cũng nói luôn tôi đọc được một vài bài báo cho biết lý do tại sao các vị này từ chức tập thể, nhưng chưa lấy gì làm tin chắc lắm, nên xin phép không nói tới lúc này.
Mẹ tôi nay đã 92 tuổi, còn cho tôi biết rõ chi tiết là thời ông Diệm chấp chánh có những ba ông DUNG. Đó là Trần Trung Dung, cháu rể ông Diệm, nhưng tuổi cỡ ông Diệm và tham chính từ thời thuộc địa; Lý Trung Dung, học Y ở Pháp, bạn thân với ông bác sĩ Trần Kim Tuyến, tu xuất, kết hôn với dược sĩ XP (bạn học cùng lớp với chị tôi và hay giúp đỡ mẹ tôi ở Paris, nên tôi coi như bà chị ruột. Chị XP có chị ruột kết hôn với giáo sư Dược khoa Đặng Vũ Biền); Trần Quốc Dung, kỹ sư, học ở Pháp về, bị ở tù do vụ Hội chợ ở Sở Thú cuối thập niên 50, làm chết rất nhiều người dân ở cầu Thị Nghè (thực ra ông kỹ sư Dung chỉ là con dê tế thần, làm dịu dư luận bất mãn trong quần chúng). Kỹ sư Dung là em con bà cô ruột bên mẹ tôi, ông đã mất sau khi định cư ở Úc.
Vũ Ngự Chiêu còn làm tôi thêm “khích động” khi nhận định chắc như bắp rằng: “Có thể nói ngay ông Trần Chánh Thành cùng với các ông Trần Trung Dung, Nguyễn Hữu Châu…là những bậc lương đống ‘khai quốc công thần’ của nền Đệ nhất Cộng hòa. (nguyên văn)
2/
TRẦN TRUNG DUNG, NHÀ BÁO KHÔNG BẺ CONG NGÒI BÚT là bài báo của ông Lâm Lễ Trinh viết lúc Giáng Sinh năm 2000 tại tư gia (Thủy Hoa trang), về ông TTD. Bài viết rất hay và ông Dung còn hoạt động chính trị tưng bừng thời đệ nhị Cộng hòa, rồi đi tù CS.
Xin phép trích dẫn phần quan trọng về thân thế sự nghiệp của TTD:
[trích]
Ra đời tại Hànội ngày 19.6.1914, anh TTD, thuở niên thiếu, đã từng sống tại Lào với cha là cụ Trần Trung Hòa, cán sự chuyên môn Ty Công chánh , cùng thời với thân sinh của tác giả bài này, Bác sĩ trưởng Ty Y tế. Thi xong tú tài tại trường Trung học Albert Sarraut, Dung ghi tên vào Đại học luật khoa Hànội với Võ Nguyên Giáp và ba năm sau, lấy bằng cử nhân trong khi Giáp bỏ học năm chót để dạy sử tại tư thục Thăng Long (đọc “ Giáp: The victor in Việt Nam “ của Peter Macdonald, trang 145, nxb W. W, Morton & Co. NY, 1994). Việt Minh cướp chính quyền tháng 8.1945 giữa lúc Dung ngồi ghế Tri huyện tại Yên Mô, Là thành viên của Đại Việt Quốc Dân đảng, Dung sát cánh với đảng trưởng Trương Tữ Anh , một cựu sinh viên trường Luật, tổ chức các mật khu Vĩnh Yên, Lạng Sơn, Bắc Ninh…để chống Hồ Chí Minh và Pháp.
Đầu năm 1946, sau khi ba phe Việt Minh, Việt Cách (của Nguyễn Hãi Thần) và Việt Quốc đồng ý liên hiệp do áp lực của tướng Tàu Tiêu Văn, Hồ Chí Minh nhượng bộ dành 70 ghế trong 350 ghế tại Quốc hội cho phía quốc gia : 50 ghế cho VN Quốc Dân Đảng và 20 cho cánh Nguyễn Hãi Thần. Dung và một số đồng chí được chỉ định đại diện cho Đại Việt nhưng tất cả đều rút lui sau khi nhận thấy dã tâm của CS. Xoay qua nghề báo để tiếp tục tranh đấu , TTDung hợp tác với Nghiêm Xuân Thiện, Đào Hữu Dương và Nhượng Tống đểà xuất bản tờ Trật Tự đổi tên liên tiếp thành Sự Thật , rồi Thời Báo .Trong khi đó, cơ quan ngôn luận của cánh Đại Việt Dân chính là tờ Ngày Nay bộ mới và VN Thời Báo, do Nguyễn Tường Bách chủ trương với Khái Hưng và Hoàng Đạo . Bảo Đại về nước năm 1948. Trong vị thế chủ nhiệm Thời Báo, Dung viết nhiều bài xã luận đả kích mạnh Quân đội viển chinh Pháp nên bị tướng De Lattre de Tassigny bắt giam cảnh cáo.
Năm 1951, được trã tự do, Dung vào Nam cổ võ nhiệt liệt cho một chính phủ quốc gia không bị thực dân chi phối , vì thế Dung bị chính quyền Trần Văn Hữu lưu giữ tại Hớn Quản, Lộc Ninh, cho đến 1952 . Được phóng thích, TTDung trở ra Hànội để ứng cử và đã đác cử vào Hội đồng Thành phố trong liên danh Nguyễn Thế Truyền và Hoàng Cơ Bình .
Năm 1953, TTDung tách khỏi Đại Việt và cùng với Ngô Đình Nhu, Trần Chánh Thành. Huỳnh Kim Hữu , Nguyễn Tăng Nguyên ,Bùi Văn Thinh, Trần Văn Lắm, Trần Văn Đỗ và một số thân hữu xuất bản tập san Xã Hội tại Sàigòn và thành lập đảng Công Nông (mà về sau, Cần lao Nhân vị Cách mạng là một tổ chức thối thân ) để ủng hộ giải pháp Ngô Đình Diệm .
Năm 1954, Thủ tướng Diệm cử TTDung và Hoàng Cơ Bình làm đại diện cho Chính phủ tại Bắc Việt . Pháp ký Hiệp định Genève ngày 20.7.1954 với Hồ Chí Minh chia đôi VN và giải tán Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt do TTDung và HCBình lập ra với Nguyễn Văn Vận và Đỗ Đình Đạo.
Cuối năm 1954 , TTDung được bổ nhiệm Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng và từ tháng 3. 1955 cho đến tháng 10. 1960 , giử chức Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng trong Chinh phủ VN Cộng Hòa.
Năm 1966, TTDung đắc cử nghị sĩ trong Liên danh Bạch tượng của Trần Văn Lắm và được bầu Phó Chủ tịch Thương viện, chức vụ giử cho đến ngày 30.4.1975.
Sau 13 năm cải tạo ở Bắc Việt (1975- 1988), Ns Dung làm thủ tục định cư tại Hoa kỳ theo diện HO- ODP . Sáu năm sau, CS mới chấp thuận đơn xin .
Ngày 3 .3. 1994, lúc 1 giờ trưa, TTDung đến phi trường LAX , Los Angeles , trên chiếc xe lăng, thân xác tiều tụy, quần áo tiêm tất ( cũng như trước 1975 ) , đầu tóc bạc phơ, răng cỏ không còn, nhưng đôi mắt vẫn rực sáng, đặc biệt làø giọng nói thường bất chợt nổi cơn “ thịnh nộ” khi nhắc đến chế độ Hànội . Việc ra đi của Dung là tất cả một vấn đề, phải nhờ Luật sư Sesto Vecchi của Văn phòng Kaplan – Vecchi tại New York đích thân qua VN can thiệp nhiều tháng, với sự ủng hộ mạnh của Quốc hội Hoa kỳ và tổ chức Amnesty International vì trong những lần tiếp xúc tại Sàigòn với báo chí ngoại quốc, nữ diển viên Tiana (con gái của Dư Phước Long từ Hollywood về để quay môt cuồn phim phỏng vấn Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp và TTDung), và hai ký giả Irina Zisman của Đài Tiếng Nói Tự Do Mạc tư khoa và Nam Trân của Đài Truyền hình Orange County , Dung đã dùng nhiều ngôn từ cay cú đả kích mạnh chính quyền CS. Gia đình lo ngại thái độ “bất trị ” của Dung tại trại giam Quảng Ninh, Hà Tây, Hoàng Liên Sơn và Hà Sơn Bình củng như sau ngày được phóng thích, sẽ mang lại hậu quả đáng tiếc như trường hợp xãy ra cho cựu tướng Dương Văn Đức.
Đến bờ tự do, ông bạn TTDung ước vọng còn đủ sức khỏe , sau khi tâm thần ổn định, để viết ký ức trình bày quan điểm về tương lai của đất nước. Tiếc thay, chí hướng chưa đạt thì gảy gánh ! Tuy nhiên , trên ba năm, tác giả bài này đã có dịp hàn huyên nhiều với Dung. Xin ghi lại vắn tắc sau đây các điểm nhận định xoay quanh ba vấn đề chính yếu :
[hết trích]
Tin bổ túc, chinh khách Trần Trung Dung đã từ trần ở Mỹ vào cuối thập niên 90.
3/
“Ông Bộ trưởng Trần Chánh Thành tuẫn tiết” là tựa đề một bài báo tường thuật về thân thế sự nghiệp và lúc cuối đời của nhà chính khác TRẦN CHÁNH THÀNH .
Xin trích dẫn những chỗ cần thiết nhất, vì bài báo khá dài:
[trích]
Ông Bộ trưởng Trần Chánh Thành gốc miền Bắc, do cha tùng sự tại Huế cho nên ông học và tốt nghiệp Trung học tại đây; sau đó, trở ra Hà Nội học lấy Cử nhân Luật. Ông học rất giỏi, đã đậu đầu kì thi ngạch Tri huyện Tư pháp cho toàn cõi Bắc và Trung kì, rồi được cử làm Chưởng lí các tòa án Trung kì. Khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, ông được bổ làm Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho Tổng trưởng Trịnh Đình Thảo. Không bao lâu sau, nổ ra cuộc ‘Cách Mạng Tháng Tám’ đưa ông Hồ Chí Minh lên nắm chính quyền. Dưới bình phong mặt trận Việt Minh (tên tắt của Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, ngày 19.5.1941), đảng Cộng Sản đã thu hút được các thành phần ái quốc với khẩu hiệu đánh Pháp đuổi Nhật. Ông Trần Chánh Thành đã được mời ra Hà Nội trong thời kì này và được trọng dụng trong chức vụ Giám đốc Tư pháp Liên khu 3 (trong 3 năm), rồi Giám đốc Kinh tế Liên khu 3 (trong 2 năm sau đó). Song, cũng như trường hợp nhiều trí thức trẻ khác vào thời đó, sau khi đi theo Việt Minh tham gia kháng chiến một thời gian, ông Thành đã hiểu ra bộ mặt thật của Việt – Minh – Cộng – Sản cho nên ông khéo léo cáo bệnh từ chức, để trở về Diễn Châu, Nghệ An (Liên khu 4), trú tại nhà ông Cao Xuân Vỹ. Từ Nghệ An, cùng người em con ông chú là nhà báo Mạc Kinh, ông vượt biển ra vùng quốc gia. Sau vài tháng ở Hà Nội, ông vào Sài Gòn làm nghề luật sư trong văn phòng của Luật sư Trương Đình Du. Vào tháng 10. 1952, ông Ngô Đình Nhu chủ trương tạp chí Xã Hội, anh em ông Trần Chánh Thành và Mạc Kinh đã cộng tác với tờ tạp chí và trở thành chỗ thân tình với ông Ngô Đình Nhu. Mối giao tình này đánh dấu một khúc rẽ quan trọng trong cuộc đời chính trị của ông.
(…)
Do thành tích trước đây, lại là chỗ thân tình với ông cố vấn Ngô Đình Nhu, cho nên ông Trần Chánh Thành rất được Thủ tướng Ngô Đình Diệm tin dùng trong nhiều chức vụ quan trọng:
Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng 06.7.1954
Tổng trưởng Thông tin ngày 10.5.1955
Chủ tịch Phong trào Cách mạng Quốc gia, đã đề ra kế hoạch Tố Cộng (Nguyễn Trân. Hồi Ký Công Và Tội. Xuân Thu, 1992. Trang 176). Khi kế hoạch được phát động, chính ông nắm vai trò Chỉ đạo Chiến dịch Tố Cộng Trung ương bao gồm liên bộ Thông tin, Tư pháp, Quốc phòng và Nội vụ. Chiến dịch này được phát động nhằm tiêu diệt các tổ chức cán bộ Cộng sản nằm vùng, đồng thời triệt hạ những lực lượng thực dân, phong kiến (bài phong, đả thực), trọng điểm là việc truất phế Quốc trưởng Bảo Đại.
Ngoài ra, ông còn là một Dân biểu Quốc hội và là một trong 14 vị thuộc Ủy ban soạn thảo Hiến Pháp.
Nhìn thoáng qua như thế đủ biết ông Bộ trưởng Trần Chánh Thành đã trở thành ngôi sao sáng vào thời khai mở nền Đệ nhất Cộng hòa.
Tuy nhiên có nghi vấn, đang khi ông được Sài gòn tin dùng thì, ngoài Huế, ông Ngô Đình Cẩn lại muốn tách ông Bộ trưởng Trần Chánh Thành và cả ông Cố vấn Ngô Đình Nhu (?) ra khỏi vòng quyền lực (Thomas L. Ahern Jr. Hai tài liệu của CIA về các tướng lãnh VN và gia đình họ Ngô. Nguyễn Kỳ Phong lược dịch. Nam Úc Tuần Báo, Số 718 ra ngày 30.10.2009).
Thêm vào đó, nếu chiến dịch Tố Cộng triển khai thắng lợi lúc ban đầu, khiến cho khoảng 200 ngàn cán binh Cộng Sản được cài lại ở miền Nam có nguy cơ bị tiêu diệt thì, tại các địa phương, phát sinh tệ nạn chụp mũ Cộng sản lên đầu những người từng có thành tích kháng chiến chống thực dân Pháp. Mà theo ông Nguyễn Trân, ‘…không phân biệt kháng chiến với Cộng sản là đi ngược lại lòng dân’ (Nguyễn Trân. Hồi ký Công Và Tội. Sđd. Trang 177).
Những lực đối kháng này một khi đã nuôi ý đồ, sẽ dễ dàng tạo ra được một mối nghi ngờ trong dư luận về lòng trung thành với phe quốc gia của ông Bộ trưởng Trần Chánh Thành, căn cứ vào việc ông đã nắm giữ những vị trí tư pháp quan trọng ở Liên khu 3, thời Việt Minh. Tuy nhiên Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn tiếp tục tin tưởng ông cho tới cuối tháng 10 năm 1960. Đó là thời điểm xẩy ra việc 4 ông bộ trưởng đồng loạt từ chức; gồm có các ông Trần Chánh Thành (Bộ Thông tin), Trần Trung Dung (Bộ Quốc phòng), Lâm Lễ Trinh (Bộ Nội vụ) và Nguyễn Văn Sĩ (Bộ Tư pháp). Có dư luận cho là vì các ông bất đồng về sự lạm quyền của đảng Cần Lao? Chỉ 2 tuần sau đó, ngày 11.11.1960, nổ ra cuộc phản loạn của Nguyễn Chánh Thi – Vương Văn Đông.
Năm 1962, Tổng thống cử ông Trần Chánh Thành đi làm đại sứ tại Tunisie (ở Bắc Phi châu).
Ngày 01.11.1963, Tướng Dương Văn Minh cầm đầu cuộc đảo chánh thành công, chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ đã giao công tác cho ông Trần Chánh Thành đi Nam Vang tiếp xúc thiện chí với Quốc vương Shianouk (18.12.1963).
Trong những năm chính trường miền Nam hết sức rối ren sau đó, ông Trần Chánh Thành rút lui vào bóng tối sống ẩn dật.
Khi nền Đệ nhị Cộng hòa được thành lập, ngày 01.4.1967, một bản Hiến pháp mới được ban hành đưa đất nước trở lại trật tự, quy củ. Rồi ngày 03.9.1967, diễn ra cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Ông Trần Chánh Thành ra ứng cử trong liên danh Đoàn Kết Để Tiến Bộ, dấu hiệu con voi trắng (Bạch Tượng) đứng chung với các ông Trần Văn Lắm (thụ ủy liên danh), Trần Trung Dung, Đào Đăng Vỹ, Bà Phan Nguyệt Minh (Nguyễn Văn Thơ), Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Phượng Yêm, Phạm Như Phiên, Đoàn Văn Cừu, Trần Ngọc Oành. Liên danh ‘Bạch Tượng’ đã đắc cử với 550,157 phiếu (Nguyễn Văn Chức. Việt Nam Chính Sử. Tiền Phong, 1989. Trang 163).
Sau trận đánh Tết Mậu Thân 1968, ngày 28.5.1968, Cụ Trần Văn Hương lại được mời thành lập chính phủ mới thay cho chính phủ của Ls. Nguyễn Văn Lộc. Đây là thời điểm cuộc hòa đàm Paris khởi sự, sắp bước sang giai đoạn công khai, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tín nhiệm Nghị sĩ Trần Chánh Thành vào chức vụ Tổng trưởng ngoại giao. Đây là chức vụ cao cấp cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của ông. Sau khi Tướng Trần Thiện Khiêm trình diện nội các mới vào ngày 01.9.1969, chức vụ tổng trưởng ngoại giao được chuyển sang cho Nghị sĩ Trần Văn Lắm, cũng thuộc Liên danh Bạch Tượng. Ông Trần Chánh Thành trở về giảng dậy môn báo chí tại Trường Luật cho tới ngày ‘trời sập’ 30.4.1975.
[hết trích}
Biết mình là kẻ thù không đợi trời chung với CS, cho nên khi “đứt phim” nhà chính khách Trần Chánh Thành đã quyên sinh bằng thuốc ngủ !
Lại Mạnh Cường
TB:
Ông Lâm Lễ Trinh còn sống, nếu ông LLT không viết bài tiết lộ tại sao từ chức đồng loạt nói trên thì ai đó làm ơn hỏi dùm lý do cho rộng đường dư luận. Xin cám ơn nhiều.
Riêng tôi khi có thì giờ sẽ tìm hiểu tiếp chuyện trên.
Thưa bà con,
Dưới thời cụ Diệm còn có một số khuôn mặt chính trị gia, nhân sĩ đáng kính khác. Điển hình như bác sĩ TRẦN VĂN ĐỖ, nhà “bác vật” LƯU VĂN LANG …
Ông Lang là một nhà ái quốc chân chính, nhưng thiên tả, đại khái như ông Hoàng Xuân Hãn. Chính vì thế tôi không cho ông Lang là CS, cũng như hai ông Hoàng Xuân Hãn, hay Trần Văn Khê, và nhiều người khác nữa !
Nói đại cương, cái quang phổ (quan điểm lập trường) chính trị ở nước ta trải rộng từ hai cực xanh (quốc gia thuần túy) sang đỏ (CS thuần túy), chả khác gì quang phổ ánh sáng trắng khi đi quang lăng kinh thành bảy màu căn bản (đỏ cam vàng lục lam chàm tím) và vô số mầu phụ do pha trộn giữa bảy màu căn bản này.
Đáng tiếc là những ai xanh hơn đỏ bị phe Cộng liệt ngay về phe xanh là gọi là “hũu khuynh”; còn ai đỏ hơn xanh thì phe quốc gia gọi là “tả khuynh”, sẵn sáng đẩy ngay vào hàng ngũ người CS.
Sự phân chia tùy tiện thành hai cực duy nhất ấy gây bao trái ngang, trong khi trên thực tế không bao giờ có chuyện “hắc bạch phân minh”, để rồi vào thế đối đầu như “nước với lửa” !
Ông Trần Văn Đỗ là em ruột ông Trần Văn Chương, tức chú vợ ông Ngô Đình Nhu. Ông Đỗ là con rể của cụ Lưu Văn Lang.
Xin giới thiệu đôi chút về hai nhân vật này ở đây theo tài liệu từ wikipedia
1/
TRẦN VĂN ĐỖ (1903-1990) là một cựu chính khách, cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Quốc gia Việt Nam, Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa.
Thân thế
Ông sinh 15 tháng 11 năm 1903 tại Phủ Lý, Hà Nam, nguyên quán ở Nam Kỳ. Gia đình của ông rất có tiếng tăm. Thân phụ của ông là Trần Văn Thông, từng làm Tổng đốc Nam Định trong 17 năm. Ông gọi chính khách Bùi Quang Chiêu, người sáng lập đảng Lập hiến Đông Dương, bằng cậu. Ông là em ruột của luật sư Trần Văn Chương. Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân gọi ông là chú.
Ông du học tại Pháp, đậu bằng bác sĩ y khoa của Đại học Paris.
Ông lập gia đình với con gái của Lưu Văn Lang một học giả danh tiếng ở Nam Kỳ.
Hoạt động chính trị
Năm 1954, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phái đoàn đại diện Quốc gia Việt Nam ở Genève, thay cho ông Nguyễn Quốc Định. Ông nhất quyết không ký vào Hiệp định Genève vì không chấp nhận việc chia cắt Việt Nam và nhân danh phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng:
“… chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở.”
Sau đó ông được bổ làm Tổng trưởng Ngoại giao nhưng chỉ được một năm thì rút lui vào năm 1955. Thời Đệ nhất Cộng hòa, ông phản đối chính sách của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông là một trong 18 người thuộc nhóm Caravelle ký tên vào thỉnh nguyện thư, còn gọi là Tuyên cáo Caravelle gửi Ngô Đình Diệm đòi chính phủ cải tổ vào tháng 4 năm 1960.
Năm 1965, ông nhận làm Phó thủ tướng trong nội các của Thủ tướng Phan Huy Quát rồi Tổng Ủy viên Ngoại giao, tức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1965-1967) trong Nội các chiến tranh của tướng Nguyễn CAo Kỳ.
Sau năm 1975, ông sang tỵ nạn tại Pháp và mất ngày 20 tháng 12 năm 1990 ở Paris.
2/
LƯU VĂN LANG (1880 – 1969) là kỹ sư người bản xứ đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Ông là một nhà trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20.
Thân sinh ông là cụ Lưu Văn Cúng, vốn là một người xuất thân Nho học. Vì vậy, ngay từ nhỏ, ông đã được học chữ Nho. Đến năm lên 10, ông bắt đầu học tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Vốn có tư chất thông minh lại chăm chỉ, ông nhanh chóng trở thành một học sinh xuất sắc và giành được suất học bổng đặc cách vào học trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn. Năm 17 tuổi, ông thi đậu tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc, do đó nhận được học bổng sang Pháp học tại trường École Centrale de Paris (thời đó gọi là trường Bá Nghệ trung ương Pháp quốc) – nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất tại Pháp thời bấy giờ. Năm 1904, ông tốt nghiệp loại ưu bằng Kỹ sư Bá nghệ (Ingénieur des Arts et Manufactures de L’École centrale de Paris), xếp hạng 8/250 sinh viên, trở thành kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương là người bản xứ.
Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước và được nhà cầm quyền Pháp trọng dụng, cử ngay sang Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt nối liền Đông Dương và Vân Nam.
Năm 1909, sau khi tuyến đường sắt hoàn thành, người Pháp đưa ông về Sài Gòn làm việc trong Sở Công chánh Đông Dương, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Sở Công chánh, thường xuống Bạc Liêu theo dõi các công trình xây dựng. Ông không chỉ được người dân đương thời Nam Bộ kính trọng và gọi là “quan Bác vật Lang” mà còn được các kỹ sư Pháp kính nể.
Năm 1929, ông cùng với hai người Việt đứng ra sáng lập Việt Nam Ngân hàng tại Sài Gòn và giữ chức Chủ tịch. Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập Hội Khai Trí Việt Đức ở Hà Nội và hội SAMIPIC ở Sài Gòn, giúp nhiều sinh viên nghèo học giỏi được đi du học và trở thành nhà trí thức quan trọng. Từ năm 1943-1944,ông tích cực truyền bá chữ quốc ngữ tại Sài Gòn và các tỉnh.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông được vua Bảo Đại mời ra tham gia nội các Trần Trọng Kim để giữ chức bộ trưởng Công Chánh, ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho là chỉ là một công cụ của người Nhật.
Khi Việt Minh giành chính quyền, ông ít nhiều thể hiện sự đồng tình với chính quyền độc lập của người Việt. Chính vì thế, sau khi người Pháp tái chiếm Nam Bộ, để xây dựng một chiêu bài chính trị hòng chia rẽ người Việt, họ đã cho mời ông tham gia Hội đồng tư vấn Nam Kỳ của chính phủ Nam Kỳ quốc do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đứng đầu. Kỹ sư Lưu Văn Lang đã trả lời thẳng thắn: “Je suis trop vieux pour servir de valet!” (Tôi đã quá già để làm tay sai!)
Đi xa hơn nữa, thể hiện sự phản đối của mình đối với chính quyền được cho là “bù nhìn” và công cụ của người Pháp nhằm chia rẽ người Việt, tháng 5 năm 1947, ông đã ký tên đầu tiên vào bản Tuyên ngôn của 400 trí thức (gồm những bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, luật sư… ) có cả Tỉnh trưởng Albert Tình và quan tòa Trần Văn Tỷ) đòi “Chính phủ phải chấm dứt chiến tranh và thương lượng với Chính phủ Cụ Hồ Chí Minh”.
Năm 1948, ông được chính phủ kháng chiến mời làm cố vấn Hội trưởng Hội Liên Việt Sài Gòn-Chợ Lớn vừa được thành lập.
Tháng 6 năm 1949, một lần nữa ông cùng hàng trăm tri thức Sài Gòn kí tên vào bảng tuyên ngôn đòi Pháp phải thương thuyết với Hồ Chí Minh để chấm dứt chiến tranh.
Ngày 12 tháng 1 năm 1950, ông là một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình trong đám tang học sinh Trần Văn Ơn tại Sài Gòn.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tham gia sáng lập phong trào Hòa Bình đòi thì hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được cử làm chủ tịch danh dự. Tháng 11 năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam ông cùng một số trí thức lãnh đạo phong trào. Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền phải trả tự do cho ông vì áp lực của dân chúng và thiếu bằng chứng buộc tội.
Tháng 7 năm 1955, một lần nữa ông cùng Phong trào Hòa bình kêu gọi thi hành tổng tuyển cử. Phong trào bị đàn áp mãnh liệt, nhiều trí thức bị bắt giam, giáo sư Nguyễn Thị Diệu bị ám sát dã man, Phong trào bị chính quyền giải tán. Kỹ sư Lưu Văn Lang tuy không bị bắt giam, nhưng bị chính quyền quản thúc chặt chẽ cho đến tận năm 1958.
Thời gian sau đó cho đến tận cuối đời, tuy không trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị nữa, nhưng kỹ sư Lưu Văn Lang vẫn có những liên hệ bí mật với Ban Trí vận Trung ương Cục miền Nam và thường xuyên phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ngay giữa Sài Gòn.
Ông qua đời tại Sài Gòn ngày 3 tháng 6 năm 1969, thọ 88 tuổi. Sinh thời, ông được đánh giá là một nhân tài của Việt Nam, nhà trí thức tiêu biểu cho nghĩa khí người Nam Bộ.
Mấy ông nam kỳ, hơi có trí thức một chút là thấy thân cộng rồi. Thử hỏi nếu TT Diệm không áp dụng bàn tay sắt với bọn này thì liệu VNCH có tồn tại được hết thập niên 50′s không, hay là đã phải nhượng bộ và tổ chức tổng tuyển cử với Bắc Việt. Để Bắc Việt nó thắng, nó vào nó trị mấy ông này, giống như nó trị thượng toạ Thích Thiện Minh sau Giai Phong thì họ mới sáng mắt ra được.
Càng đọc càng thấy buồn cho phe QG. Hèn chi có nhiều ông QG còn vào mật khu kháng chiến cho Việt Minh nữa. Theo phe ta thì cứ đòi hỏi, chia rẽ; rồi lại còn đòi hỏi tổng tuyển cử thống nhất với VC nữa chứ.
Giặc cộng thì ở trước mặt, còn các ông làm chính trị ở hậu phương mà cứ chia rẽ, bắn sau lưng chiến sĩ… Bởi thế mất nước, mất mạng là cái logic mà tất cả mọi người phải chịu.
Bây giờ nếu lập một QG mới, cái màn hoạt động có lợi cho VC mà bị cảnh sát lôi cổ ra bắn thì tôi chắc chắn chẳng người dân nào dám thương những hạng người đó nữa đâu. Cứ xử thẳng như ông tướng Loan hay là lôi cổ ra Chợ Bến Thành mà bắn như thời ông Kỳ là tôi khoái. VC nó vô, thằng nào hó hé nó lôi cổ ra bắn liền; đó rồi ông nào dám đòi hỏi gì đâu?
Tưởng gì, thấy mấy bố chê TT Diệm độc tài, té ra mấy bố đòi tổng tuyển cử với CS Bắc Việt. Bắn hết mấy người đó chứ bỏ tù làm chi tốn gạo.
Thì ra đúng là thế đó!
Những người hải ngoại tị nạn như tôi phải “cám ơn” những vị “trí thức yêu nước” như KS Lưu Văn Lang này (ngoài HCM và các đảng viên ĐCS chính thống) vì nếu không có họ thì làm sao mà chúng tôi “được tha hương”, du học, thành công dân các nước Âu Mỹ bất đắc dĩ như ngày nay!!!
Nhân bản nhất thì các “đấng” này cần được gửi ra Bắc sống hết, không được ở trong Nam – nếu không đem ra bắn như ông ĐCK đề nghị! Quản thúc là chính sách hợp lý nhưng không optimal; tù thì lại càng không nên.
Có ích gì cho miền Nam, vì dù là không là đảng viên nhưng cổ động làm việc giúp cho ĐCS thì có khác gì là đảng viên? Cần gì phải mặc áo cà sa thì mới được thực hành Phật pháp, giúp nhà Phật. Họ đòi quyền tự do (vì căn bản hiến pháp không-CS của VNCH) để hỗ trợ ĐCS, quấy phá miền Nam? Quyền tự do chỉ trích để xây dựng nền dân chủ KHÁC với quyền làm phản gián, phá hoại nền dân chủ.
Thái độ chống cộng cực đoan cần có này cho VNCH là một sự phản kháng cần thiết bởi vì chính sách bạo lực, khủng bố của ĐCS để ép mọi người đi theo CNCS, loại bỏ những quyền rất tự nhiên của con người như tư hữu và tự do tôn giáo. Thái độ này không là tính chất tự nhiên (intrinsic characteristic) của chủ nghĩa dân chủ, và do đó không thể là căn bản để kết tội chính quyền ông Diệm hoặc ông Thiệu “độc tài” trong phương diện chính trị này.
Có những người biện minh cho phe “thiên tả” này vì lý do là các nước dân chủ như Mỹ, Pháp cũng có ĐCS – nhưng họ quên một điều là các nước đó không có nội chiến và các đảng này không được quyền võ trang. Không những thế, họ đã trải qua cả trăm năm kinh nghiệm về dân chủ, nên những kết án về VNCH thật là không công bằng, nếu không nói là ngu xuẩn.
Mất nước vào tay CS là phải!
Thưa bà con,
Xin giới thiệu tiếp theo những chính khách quốc gia, từng bất đồng chính kiến với chế độ Ngô Đình Diệm, bị trù dập trong lao tù, nhưng thoát nạn. Đáng tiếc là có người như luật sư TRẦN VĂN TUYÊN đã chết trong trại tù CS năm 1976 trên đất Bắc.
Xin trích dẫn một số điểm chính yếu về luật sư Tuyên, để cho thấy ông là một chính trị gia chân chính, suốt đời yêu nước nồng nàn. Thiển nghĩ, không ai được phép vì lý do này hay lý do nọ bôi xấu một chiến sĩ tranh đấu cho tự do dân chủ VN đã khuất núi trong lao tù CS như luật sư Tuyên.
wikipedia:
Luật sư Trần Văn Tuyên (1 tháng 9, 1913 – 28 tháng 10, 1976) là một trong các lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, cựu dân biểu Hạ viện, sau làm Phó thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là một trong các trưởng thuộc thế hệ sáng lập Hướng đạo Việt Nam . Ông đã bị chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam bắt ngay sau khi Sài Gòn thất thủ và đã chết trong trại tù.
Tiểu sử
Ông sinh ngày 1 Tháng Chín năm 1913 ở Tuyên Quang. *Gia nhập đoàn thiếu niên Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1929
Thập niên 1940, ông tham gia phát động phong trào truyền bá chữ Quốc Ngữ và bình dân giáo dục.
Ông tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 1943.
Là phụ tá cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam trong Chính phủ Liên hiệp năm 1946.
Năm 1948, ông ủng hộ giải pháp Bảo Ðại làm Quốc trưởng, và làm tổng trưởng Thông tin trong chính phủ Quốc gia Việt Nam.
Năm 1954 là thành viên của phái đoàn Quốc gia Việt Nam đi dự Hội nghị Genève
Tháng 6 năm 1960, ông sinh hoạt trong tổ chức Tự do Tiến bộ (nhóm Caravelle) cùng với Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Lê Ngọc Chấn và một số chiến hữu. Ông là đồng tác giả bản tuyên ngôn của nhóm.
Ông bị giam giữ 3 năm tại trại mật vụ Võ Tánh. Tháng 7 năm 1963 tòa án quân sự Sài Gòn thụ lý truy tố ông nhưng sau khi Nguyễn Tường Tam tuẫn tiết, tòa tha bổng cho tất cả 19 bị cáo.
Kể từ năm 1964 ông nắm chức tổng bí thư Việt Nam Quốc dân Đảng (hệ phái miền Nam).
Năm 1965 Trần Văn Tuyên được mời làm Phó thủ tướng Đặc trách Kế hoạch trong chính phủ Phan Huy Quát; Phan Khắc Sửu là Quốc trưởng.
Năm 1971 đắc cử vào Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hòa, đại diện cho đơn vị I Sài Gòn; ông cũng được bầu làm trưởng Khối Đối lập Dân tộc Xã hội tại Hạ nghị viện.
Năm 1975 sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, ông bị bắt ngày 16 tháng 5, đưa vào trại cải tạo. Ông mất trong trại giam. Tuy đã từ trần từ ngày 28 tháng 10 năm 1976 nhưng mãi đến năm 1978 thì chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mới công bố cái chết của ông khi dư luận quốc tế đòi biết tin về vị lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng.
Tác phẩm
Hiu quạnh 1943
Đế quốc đỏ 1957
Tỉnh Mộng 1957
Hồi Ký Hội-Nghị Genève 1954, 1964
Chánh Đảng 1967
Người Khách Lạ 1968
[hết trích]
Ông Nguyễn Quốc Khải, nhân lần giỗ thứ 29 (năm 2005) của ls Tuyên đã viết một bài rất chi tiết, vói nhiều tham khảo, kể rõ về thân thế sự nghiệp của ls Tuyên. Tôi xin trích dẫn một số đoạn rất đặc sắc, để bổ túc cho bài viết sơ sài của wikipedia nói trên.
[trích]
Trước ngày 30-4-1975, LS Tuyên dù có nhiều phương tiện để xuất ngoại đã chọn ở lại và ông đã chết trong trại tù Hà Tây (Bắc Việt) hôm 26-10-1976. Luật sư Trần Văn Tuyên có 7 người con hiện tất cả đều ở hải ngoại. Người con trưởng là LS Trần Tử Huyền, cũng là nhà báo Linh Chi hiện ở vùng Bắc California. Trưởng nữ là bà Trần Đạm Phương, được biết nhiều trong các cuộc tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam cũng như cho sự tự do của thân phụ lúc ông bị giam giữ tại Việt Nam. Ba người con trai cuối, các ông Trần Tử Thanh, Trần Vọng Quốc (trên vùng Hoa Thịnh Đốn) và Trần Tử Miễn (ở Pháp) đang theo hướng đi của thân phụ, hoạt động chính trị và tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Nhà báo Trọng Kim, chủ nhiệm, chủ bút Ngày Nay cũng là người trong gia đình LS Tuyên, từng giúp ông Tuyên trong việc liên lạc với báo chí ngoại quốc từ đầu thập niên 60 tới lúc mất miền Nam.
(..)
LS Tuyên bắt đầu sự nghiệp chính trị với sự gia nhập Việt-Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) vào năm 1929 lúc 16 tuổi, một năm trước khi xẩy ra vụ khởi nghĩa Yên-Bái. Ông tham gia cuộc tranh đấu dành độc lập cho đất nước cùng với những nhà cách mạng như Nguyễn-Hải-Thần, Nguyễn-Tường-Tam, bị mật vụ Pháp bắt bỏ tù vào năm 1943 vì tội phá rối trị an, hoạt động chính trị chống sự đô hộ của người Pháp. LS Tuyên tham chính lần đầu tiên với chức vụ Tri Huyện Hải-Dương, Bắc Việt vào năm 1944. Khi có vụ tổng khởi nghĩa vào năm 1945, chính cán bộ thuộc Việt-Nam Độc-Lập Đồng-Minh Hội (Việt-Minh) đã mật báo cho ông biết trước để thoát khỏi một vụ mưu sát do Việt-Minh chủ-trương vì dân chúng trong huyện Thanh-Miên, tỉnh Hải-Dương và những người cán-bộ này kính phục tài đức của ông. Đến năm 1946, LS Tuyên tham gia chính-phủ liên hiệp do ô. Hồ-Chí-Minh làm Thủ Tướng, với chức vụ Đổng Lý Văn Phòng Bộ Ngoại Giao do ô. Nguyễn-Tường-Tam làm Tổng-Trưởng. Một năm sau ông cùng với các lãnh tụ VNQDĐ khác như Nguyễn-Tường Tam, Nguyễn Hải-Thần, Vũ Hồng Khanh,v.v. trốn qua Trung-Hoa vì Việt-Minh chủ-trương liên kết với chính quyền thực dân Pháp để diệt trừ các phần tử quốc-gia.
(…)
Sau khi Việt-Minh rút ra khỏi Hà-Nội, LS Tuyên trở về Việt-Nam năm 1948, tiếp tục tranh đấu dành độc lập cho đất nước, tìm một giải pháp không cộng-sản cho một quốc-gia Việt-Nam. Tiếp theo cuộc hội đàm giữa chính quyền thực dân Pháp và vua Bảo-Đại tại Vịnh Hạ Long vào ngày 6.12.1947, LS Tuyên và ô. Lưu-Đức-Trung được vua Bảo-Đại lúc đó đang lưu trú ở Hồng-Kông cử đi tiếp xúc với các nhân sĩ trong nước để thành lập một chính-phủ quốc-gia. LS Tuyên giữ chức vụ Tổng-Trưởng Thông-Tin vào năm 1949 trong nội-các của Tướng Nguyễn-Văn-Xuân, sau đó tham gia vào nội các Trần-Văn-Hữu (1949-1951) với chức vụ Bộ Trưởng Phủ Thủ-Tướng. Khi tham gia hội-nghị Pau để thương lượng với chính quyền Pháp trao trả chủ quyền cho Việt-Nam, LS Tuyên đã quyết liệt phản đối sự vi phạm trắng trợn các thỏa ước Pháp đã ký kết. LS Tuyên đã thẳng thắn nói với Cao-Ủy Pháp là Tướng De Lattre de Tassigny rằng ông ta không có quyền can thiệp vào nội bộ Việt-Nam và yêu cầu ông này rời khỏi phòng họp nội-các của chính-phủ Việt-Nam. Tướng De Lattre de Tassigny tức giận ra lệnh trục xuất LS Tuyên ra khỏi Việt-Nam. LS Tuyên đã tuyên bố:
“Không một người Pháp nào có quyền trục xuất một người Việt-Nam ra khỏi nước Việt-Nam”
Sau đó LS Tuyên rút ra khỏi nội các Trần-Văn-Hữu. Khi biết tin mật vụ Pháp đang đi lùng bắt để trục xuất ra khỏi nước và lưu đầy đi qua Mã đảo (Madagascar), ông trốn vào khu bưng biền Tây-Ninh, liên kết với các giáo phái Cao-Đài và các đảng phái quốc-gia như Đại-Việt, VNQDĐ, Việt-Nam Phục-Quốc Hội, Dân-Xã Đảng và một số các nhà trí-thức để lập một mặt trận liên kết chống lại cả Pháp lẫn Cộng-Sản. Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia ra đời vào năm 1953. Năm sau, Mặt-Trận Liên-Minh Tổ-Quốc, bao gồm cả hai lực lượng Hòa-Hảo và Bình-Xuyên, được thành-lập.
Bên Lề Hội Nghị Geneva
Năm 1954, sau khi Pháp thua trận Điện-Biên-Phủ, LS Trần-Văn-Tuyên được cử làm Ủy Viên trong phái đoàn Quốc-Gia Việt-Nam (QGVN) tại hội Nghị Genève. Lúc đầu phái đoàn QGVN do Ngoại Trưởng Nguyễn-Quốc-Định cầm đầu, sau đó là BS Trần-Văn-Đỗ. Trong phái đoàn QGVN có hai cựu huynh trưởng Hướng Đạo là Trần-Văn-Tuyên và Cung-Giũ-Nguyên. Ở bên trong phòng họp phái đoàn QGVN đã phản đối việc chia đôi đất nước dù chỉ là tạm thời để chờ một cuộc tổng tuyển cử ở cả hai miền vào năm 1956. Ở bên ngoài, ô. Võ-Thành-Minh thổi sáo bên bờ hồ Leman kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Việt-Nam [11]. Ô. Võ-Thành-Minh đã một lần bị Việt-Minh bắt vì bị nghi là gián-điệp khi ô. Võ-Thành-Minh đi xe đạp từ bắc vào nam để kêu gọi hoà-bình. Nhờ sự can thiệp của hai bạn Hướng Đạo cũ là các ông Hoàng-Đạo-Thúy và Tạ-Quang-Bửu, ô. Võ-Thành-Minh đã được thả ra. Chán Việt-Minh, ô. Võ-Thành-Minh vượt tuyến qua sống trong vùng quốc-gia. Năm 1949 thất vọng với phe quốc-gia, ô. Võ-Thành-Minh bỏ ra ngoại-quốc. Người ta được biết rằng các ông Tạ-Quang-Bửu, Trần-Văn-Tuyên và Võ-Thành-Minh đã từng sinh-hoạt trong cùng Tráng-Đoàn Lam-Sơn tại Hà-Nội. Ô. Võ-Thành-Minh tuyệt thực đòi hai phe Việt-Nam phải đến gặp mình để hòa-giải. LS Tuyên đã đến thăm ô. Võ-Thành-Minh bên hồ Leman, nhưng ô. Võ-Thành-Minh từ chối tiếp chuyện vì không có sự hiện diện của phái đoàn Dân-Chủ Cộng-Hòa Việt-Nam (DCCHVN). Khi được tin đất nước Việt-Nam sắp bị chia cắt, ô. Võ-Thành-Minh vào Trụ sở Vạn-Quốc định tự vẫn nhưng được cứu thoát. Sau đó ô. Võ-Thành-Minh bị trục xuất ra khỏi Thụy Sĩ [12].
Thời Đệ Nhất Cộng-Hòa
Hội nghị Genève chấm dứt. Trở về nước LS Tuyên thành lập Mặt Trận Quốc-Gia Liên-Hiệp vào năm 1955 để vận động xây dựng một chế độ dân chủ thực sự cho miền Nam. Ông là người đầu tiên vào năm 1958 kêu gọi Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm dân chủ hóa chính quyền, chống bất công xã-hội, thiết lập các quyền tự do căn bản (ngôn luận, báo chí, lập hội,…). Trong những năm đầu sau khi về nước chấp chánh, ô. Ngô-Đình-Diệm đã được lòng dân vì những tiến bộ đạt được trong các lãnh vực kinh tế và xã hội. Trong những năm kế tiếp, chính sách thiếu sáng suốt của ông, sản phẩm của một chế độ độc-tài và phong-kiến, đã đưa miền Nam Việt-Nam dần dần đến chỗ suy sụp về mặt xã-hội, kinh-tế và xáo trộn về chính-trị. Được Tổng-Thống Diệm mời vào làm Bộ Ngoại Giao sau khi BS Trần-Văn-Đỗ từ chức, nhưng LS Tuyên đã khước từ vì quan niệm rằng mình không thể hợp tác với một quan lại của triều-đình Huế mà lại truất phế vua. Ô. Diệm đã một lần được Vua Bảo-Đại định mời lập chính-phủ vào thời 1945. Sau khi lực lượng viễn chinh Nhật vào ngày 9.3.1945 đảo chính Pháp, tấn công vào các nơi trú quân của Pháp, bắt nhốt các binh-lính và các viên chức Pháp, Nhật buộc vua Bảo-Đại ly-khai chế-độ bảo-hộ của Pháp và tuyên bố nước Việt-Nam độc-lập trong Khối Đại-Đông Á của Nhật. Ô. Ngô-Đình- Diệm, một người thân Nhật, được chọn làm Thủ-Tướng. Nhưng vào phút chót, Nhật đổi ý và chỉ định ô.Trần-Trọng-Kim, một sử gia, không biết về chính trị, ra lập nội-các vì ô. Trần-Trọng-Kim ôn-hòa và dễ bảo hơn ô. Diệm [19]. Vào năm 1954, được sự ủng-hộ của Hoa-Kỳ, ô. Diệm đã được Vua Bảo-Đại mời về nước chấp chánh. Ngày 23.10.1955, qua một cuộc trưng cầu dân ý, ô. Diệm truất-phế vua Bảo-Đại và lên làm Tổng-Thống.
Trong những năm 1955-58, tình trạng tài chánh của gia-đình rất eo hẹp, LS Tuyên phải đi dậy học ở một số trường tư ở Saigon để mưu sinh như trường Hoàng-Việt, Thăng-Long và Phước Truyền. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông bị công-an bắt cóc đôi ba lần ngay ngoài đường phố. Có lần xe hơi của ông do tài xế lái, đang trên đường đi đến trường học của các con, thì bị hai xe khác đi kèm ép sát hai bên để bắt ngưng lại. Ông chỉ kịp nhắn lại với các con vài lời trước khi bị lôi đi. Trong giữa thập niên 50 cho đến cuối năm 1963 tại “miền Nam Tự-Do” đã xẩy ra những cảnh bắt cóc người giữa thanh thiên bạch nhật như vậy. Ô. Nguyễn-Hữu-Chung, cựu Dân-Biểu trong khối Đối-Lập châm biếm : “Thời ô. Diệm, ô. Nhu, con thằn lằn ban đêm không dám tắc lưỡi” [20]. Mặc dầu vậy, tháng 4.1959, LS Tuyên cùng với 17 nhà chính trị độc-lập nổi tiếng của miền Nam như các ông Lê-Ngọc-Chân, Trần-Văn-Đỗ, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Phan Khắc-Sửu, Nguyễn-Bảo-Toàn, Trần-Văn-Văn, Nguyễn Lưu Viên họp tại khách sạn Caravelle, Saigon thành lập nhóm Tự-Do Tiến-Bộ [21] và thảo ra một văn thư gửi cho Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm để kêu gọi ông dân-chủ hóa guồng máy chính-trị của miền Nam, thừa nhận đối lập, tôn-trọng dân quyền. Văn thư phản đối chính-sách độc-tài đàn áp các đảng phái quốc gia đối lập của chính-phủ đương thời [22]. Vì lý do đó, sau vụ đảo chánh hụt của Đại-Tá Nhẩy Dù Nguyễn-Chánh-Thi vào ngày 11.11.1960, LS Trần-Văn-Tuyên và nhóm Tự-Do Tiến-Bộ bị nghi ngờ dính líu vào vụ đảo chánh và bị bắt giam. Một số bị đưa ra Côn Đảo, trong đó có cụ Phan-Khắc-Sửu, một số bị giam tại Trại Võ-Tánh của Tổng-Nha Cảnh-Sát Quốc-Gia, trong đó có LS Tuyên [23].
Thời Đệ Nhị Cộng-Hòa
Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, chính phủ của Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm bị lật đổ, Chế-độ Đệ Nhất Cộng-Hòa chấm dứt. LS Tuyên được thả về. Trong những năm đầu của nền Đệ Nhị Cộng-Hòa, với chức vụ Tổng-Thư-Ký, LS Tuyên tổ chức lại xứ bộ VNQDĐ Miền Nam. Cùng trong năm đó LS Tuyên được bầu làm Chủ-Tịch Hội-Đồng Dân-Chính (1963) và là một đại biểu trong Hội-Đồng Soạn Thảo Hiến-Pháp (1964). LS Tuyên tham gia vào chính phủ dân sự cuối cùng của Miền Nam (1965) với chức vụ Phó Thủ Tướng Đặc Trách về Kế Hoạch trong nội các của BS Phan-Huy-Quát với Tướng Nguyễn-Văn-Thiệu làm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Đây là chính-phủ dân-sự duy nhất của miền Nam sau khi Tổng-Thống Diệm bị lật đổ. Chính-phủ của BS Quát được thành lập trùng hợp với việc các toán quân Mỹ đầu tiên đổ bộ vào bờ biển Đa -Nẵng vào ngày 8.3.1965 mà không có sự thỏa thuận trước của chính-phủ Quát. LS Tuyên và Thủ-Tướng Phan Huy Quát chủ trương chống lại việc mang quân Mỹ vào Việt-Nam nên chỉ sau 4 tháng cầm quyền, nội các Phan-Huy-Quát bị phe quân nhân của Tướng Nguyễn-Văn-Thiệu, với hậu thuẫn của Hoa-Kỳ, lật đổ vào tháng 6.1965 [24].
Trong thời gian ngắn ngủi làm Phó Thủ Tướng trong nội các Phan Huy Quát, LS Tuyên đã công du qua 10 nước Phi Châu và Toà Thánh La-Mã. Phái đoàn Việt-Nam do LS Tuyên lãnh đạo đã được đón tiếp trọng thể ở mọi nơi. Đức Giáo Hoàng Joan Paul VI đã không hạn chế giờ giấc để tiếp chuyện riêng với LS Tuyên. Tổng Thống Houary Boumedienne của Algeria đã tuyên bố: “Tôi đang tiếp một chiến sĩ cách mạng cùng chí hướng chống thực dân Pháp với tôi trước đây chứ không phải tiếp một Phó Thủ-Tướng của một nước. Do đó sẽ không có vấn đề giới hạn giờ giấc và nghi lễ.” Quốc Vương Haile Selassie của Ethiopia đã tiếp kiến LS Tuyên ba giờ liền thay vì chỉ có 30 phút như đã dự tính trước. Sau chuyến công du trở về, Phái đoàn Việt-Nam đã hoàn trả lại cho công quỹ gần 50 ngàn đô la [25].
Trong 11 năm cuối cùng của cuộc đời, LS Tuyên tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền. Ông sáng lập và làm chủ-tịch Hội Quốc-Tế Bảo Vệ Nhân Quyền, chi Nhánh Việt-Nam (1967). Cùng năm đó LS Tuyên tham gia vào Hội Luật-Gia Quốc-Tế có trụ sở tại Genève. Ông còn làm Luật Sư Cố Vấn cho Tổng-Liên Đoàn Lao-Công Việt-Nam. Năm 1971, LS Tuyên ra tranh cử chức Dân-Biểu quận 3, Saigon. Cuộc tranh cử vào Hạ-Viện của ông trong thời Đệ-Nhị Cộng-Hòa cũng có nhiều điều đáng nhớ. Dấu hiệu tranh cử của LS Tuyên là cây thông, một biểu tượng cho tính cương trực và lòng yêu chuộng tự do. Bích-chương và truyền đơn tranh cử của LS Tuyên chỉ vọn vẹn có dăm ba chữ. Ông tuyệt đối không chấp thuận bất cứ hình thức mua phiếu nào. Việc vận động tranh cử cũng được hạn chế thí dụ như không được phép phát truyền đơn lẻ tẻ từng nhà. Tuy nhiên LS Tuyên đã được sự đắc cử và giữ chức Dân Biểu Quận Ba từ năm 1971 cho đến 30.4.1975 và được bầu làm trưởng khối Dân-Tộc Xã-Hội trong Hạ-Viện, đối lập với các chính phủ quân-sự. Các Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn-Văn-Thiệu đã từng mời LS Tuyên giữ chức Đại-Sứ tại Anh quốc, nhưng vì tình hình quốc nội thời đó sôi bỏng ông quyết định ở lại trong nước dù đã được chính-phủ Anh chấp thuận. Vào ngày 26.4.1975, trong khi lưỡng viện quốc-hội còn đang bỏ phiếu trao quyền hành-pháp cho Tướng Dương-Văn-Minh để thành lập chính-phủ lâm-thời thì LS Tuyên đã được Tướng Minh mời giữ chức vụ Đại-Diện Việt-Nam tại Liên-Hiệp-Quốc, nhưng trong hoàn cảnh dầu sâu lửa bỏng trong nước, ông cũng đã khước từ lời mời đó.
[hết trích]
Cám ơn anh LMC post những chi tiết lý thú.
Truy tầm lịch sử về một biến cố xảy ra lúc mình còn chập chững quả thực là một hành trình mạo hiểm và cam go – khi mà các thông tin (data) bị pha trộn (mixed, attributed) do những cảm tình thương, ghét, hận thù, tư thù, thành kiến …
Không biết những nhân chứng nổi danh thời 1963 còn những ai ?
Dear Hồng Lĩnh,
Tôi nghĩ còn rất nhiều anh ạ, và chính bản thân chúng ta phải đóng góp bằng cách tích cực sưu tầm sử liệu nằm rải rác khắp nơi. Cái chính là ta phải cố fair play, tôn trọng sự thật, đừng tìm cách che dấu hay bẻ cong ngòi bút, tung tin đồn nhảm, hay làm bộ bỏ qua không đá động đến … Những trò ma bùn ma nớp này rất xưa cũ, dễ bị phát lộ trong thời buổi thông tin điện tử hiện nay.
Vâng xin nhắc lại, tôi lấy làm tiếc là, SỰ THẬT VẪN BỊ CHE DẤU (la vérité est encore cachée) bởi những nhân vật có dính líu đến một số sự kiện lịch sử, và tệ hại nhất có những người cố tình bóp méo sự thật !
Chẳng hạn như ông Lâm Lễ Trinh (LLT), hiện còn sống ở Mỹ, tích cực viết bài bình luận chính trị, cũng như làm những cuộc phỏng vấn rất công phu với các sĩ quan cao cấp, viên chức hai thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng khi có gì dính líu đến bản thân ông, thì ông lại dấu biến đi !
Bằng chứng là có một lỗ hổng (a hiatus) rất lớn khi LLT viết tiểu sử tranh đấu của ông bạn đồng sự với mình là phụ tá (?) bộ trưởng quốc phòng Trần Trung Dung (ông LLT đang làm bộ trưởng tư pháp). Vâng LLT không cho độc giả hay biết tại sao ông TTD lại đột nhiên thôi chức vụ quan trọng trên, trong khi ông là một nhân vật cột trụ của chính phủ thời đó, rồi còn là con cháu trong nhà cụ Diệm !
Ai cũng biết, đồng lòng từ chức lúc ấy có những bốn ông lớn và LLT một trong bốn vị đó !
Có lý do nào đó nói ra không tiện ở đây chăng ???
Thực ra không tiện cho LLT một, nhưng bất tiện cho công luận gấp cả trăm ngàn lần ! Một lời giải thích ngắn gọn LLT, hình như là người còn sống sót duy nhất trong bốn vị nói trên và đầu óc vẫn còn tỉnh táo víết bài vở rất nhiều về Việt sử hiện đại (thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa miền Nam như ta đã biết)
[trích]
Cuối năm 1954 , TTDung được bổ nhiệm Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng và từ tháng 3. 1955 cho đến tháng 10. 1960 , giử chức Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng trong Chinh phủ VN Cộng Hòa.
Năm 1966, TTDung đắc cử nghị sĩ trong Liên danh Bạch tượng của Trần Văn Lắm và được bầu Phó Chủ tịch Thương viện, chức vụ giử cho đến ngày 30.4.1975.
[hết trích]
LLT là một người đứng đắn, những điều ông viết có thể tin dùng được trong các khảo cứu sử liệu. Đây không phải là nhận xét của tôi, mà của nhiều người khi đọc bài do LLT là tác giả. Tuy nhiên có một cái gì đó giống như “bạc giả”, khi LLT viết về cụ Ngô Đình Diệm, tôi cảm nhận thấy thế. Điều chứng minh trên là một ví dụ điển hình nhất.
LMC
Tôi không viết bài binh hay chống ông Diệm,
nhưng tôi muốn biết những người chống ông Diệm kể cả sử gia Trần gia Phụng. sẽ chọn ai:
1-/Ông Hồ chí Minh với chủ nghĩa cộng sản quốc tế do Nga sô và Trung cộng hỗ trợ đã lập chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc.
2-/Ông Ngô Đình Diệm với sự trợ giúp của Hoa Kỳ đã lập nên chính thể Việt Nam Cộng Hòa tại Miền Nam.
Xin những ai viết bài chống ông Diệm trong diễn đàn nầy hãy mạnh dạn kể cả ông Trần gia Phụng cho biết giữa Ông Hồ Chí Minh và Ông Ngô Đình Diễm mỗi qúi vị chọn ai là người vì nước vì dân.???
Chừng đấy là đủ, không cần viết dài dòng.
Qui Nguyen
À, thì ra ông bắt dân VN phải chọn giữa thằng ác ôn kiểu này và thằng độc ác kiểu kia. Như vậy là ông bắt dân VN phải theo đạo bịp, phải chịu cảnh chụp mũ CS, chủ của ông buôn bán với CS, thoả hiệp đi đêm với CS , dân không được quyền phản đối vì bị buôn bán xương máu.
Thì ông cứ việc trưng cầu dân ý trên diễn đàn này đi.
Nhân dân VN cứ bị câm mồm bị áp bức đi dù sao vẫn còn hơn CS phải không ông!!!!!!!!!!!!!!!.
Người biết ..Tự Trọng , hảy trả lời thành thật , theo đúng lời dạy bảo của dòng họ Ông Bà Cha Mẹ của gia đình mình …. . Còn ngược lại ! thì …..( sic) .
Đã là conmèo, tức thuộc loài vật thì đâu biết tự trọng là gì.
Nó chỉ biết kêu gào ỏm tỏi mà thôi!
Dân không chọn nhà Ngô vì dân Huế đã nói: Nhà Ngô có bốn gian hùng. Diệm ngu, Nhu ác, Cẩn khùng, Thục điên.
Các ông muốn kito hoá VN, bắt dân VN thành con chiên ý lộn con cừu, ai mà chịu heheh.
Dân VN chỉ muốn chính quyền thế tục. Năm 1961 nhà Ngô đọc diễn văn dâng nước VN cho Vatican. Dân căm ghét là phải, đúng không ông?.
- Chế độ NĐD : dân hạnh phúc, ấm no, không mất tấc đất nào.
– Diệt chủng HCM : CCRĐ, cướp của giết người như ngóe, NGU và HÈN khi ký cái CH 1958, sau Phỏng D… là dâng, bán 1 loạt biển, đảo, lảnh hải ,biên giới cho giặc. Tài nguyên VN giặc Tàu đến khai thác …dùm ; ngoài thì hèn với giặc, trong thì ác với dân, ăn cướp đất của nông dân khắp nơi. Cái đáng phỉ nhổ nhất là huyện TAM SA !
Những ” conmeo’, “concho” sao lại đi đánh đồng 2 con người chung 1 kiểu ” ác ôn ” ? Dân không ngu như tên HỒ đâu nghen meo !
Ông Chưng Sơn đặt câu hỏi mà chẳng ai muốn trả lời, tại sao vậy? Có lẽ tại ông Chưng Sơn ăn nói không được đàng hoàng?
Vậy VôVi tôi xin góp ý như thế nầy: Cần Lao Công Giáo hoặc ông Diệm có thề thốt hay không thì tôi không biết, chỉ biết những câu dưới đây là của ông Chưng Sơn viết ra, xin được mạo muội chia sẻ:
1/ Cộng Sản là tội ác của nhân loại, Liên Xô đã vứt bỏ CNCS vào thùng rác từ những năm 1991. Năm 2006 Hội Đồng Châu Âu đã lên án CS và đồng hoá chủ nghĩa này với tội ác. Vậy những ai thề thề tiêu diệt CS vô thần đều đáng được khen ngợi!
2/ Đảng phái phải góp phần xây dựng xã hội và đất nước, đảng phái mà phá hoại, làm loạn thì đáng bị tiêu diệt. Vậy những ai thề tiêu diệt các đảng phái phản loạn đều là những người yêu nước, hoan hô!
3/ Đạo Phật đặt trên 2 nền tảng cốt lõi là Nhân Quả và Luân hồi, dậy chúng nhân tu thân tích đức. Hãy nhớ 14 lời dạy của Đức Phật:
1/ Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
2/ Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
3/ Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
4/ Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
5/ Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
6/ Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
7/ Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
8/ Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã
9/ Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
10/ Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ, trí tuệ
11/ Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
12/ Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
13/ Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
14/ An ủi lớn nhất của đời người là bố thí
Tất cả những kẻ lạm dụng Phật giáo để kích động hận thù, chia rẽ thì đều là ma quỉ, Satan. Vậy những Phật tử thề tiêu diệt Phật Giáo ma qủy đều rất đáng được kính phục, vì như thế là can đảm, dám đứng ra bảo vệ Phật Pháp và Đạo Phật của mình.
Alfred W. McCoy
Professor of History at the University of Wisconsin-Madison
Posted: April 15, 2010 12:58 PM
America and the Dictators: From Ngo Dinh Diem to Hamid Karzai
http://www.huffingtonpost.com/alfred-w-mccoy/america-and-the-dictators_b_539214.html
Within months, thanks to Washington’s backing, Diem won an absurd 98.2% of a rigged vote for the presidency…
…Diem proceeded to deal harshly with South Vietnam’s Buddhist sects…
…the Diems took control of Saigon’s drug racket…
DỊCH:
Alfred W. McCoy, Giáo sư Sử Học University of Wisconsin-Madison
Trong vòng vài tháng, nhờ Mỹ yểm trợ, ông Diệm thắng phiếu 98.2%, một tỷ số gian lận vô lý, để lên ngôi tổngt hống…
… Ông Diệm đàn áp tệ hại các hội đoàn Phật Giáo…
… chế độ ông Diệm kiểm soát việc buôn ma túy gây quỹ đen…
Ây, chớ có dẫn chứng những tài liệu, sách báo viết về những cái xấu xa của NĐD dù đó là sự thật 100% mà An trường sẽ bị bọn Bắc 54 hò nhau “chửi tùm lum” bây giờ.
Tôi biết, An Trường và những người như ông đâu có ngán chúng, tất cả chỉ vì sự thật và lẽ phải, nhưng bây giờ không phải lúc “thừa hơi cãi vã với bọn khùng”.
Cụ Trần văn Hương đã từng khuyên:
“Ngồi buồn, gãi háng (cho) dái lăn tăng”…
Còn sướng hơn tranh luận với bọn Cần Lao Nhân Vị và Bắc 54.
Nữ ký giả Marguerite Higgins (1920-Jan,1966), giải Pulitzer phóng viên quốc tế 1951, sinh ở Hương Cảng. đã 10 lần đến Việt Nam.
Nhận xét và cảm nghĩ của Đại sứ HK Frederick Nolting trong lá thư tháng 7 năm 1965 gửi cho bà Higgins : “Ông Diệm là người đi đường không biết mệt. Ông rời Saigon đi về các tỉnh hai ba ngày mỗi tuần. Ông làm chúng tôi mệt lả, tả tơi để theo kịp ông. Ngoài những bộ tư lệnh quân đội và các tiền đồn, ông còn đi tới tận các quận huyện xa xôi, thôn xã hẻo lánh, ở Cà Mau, những làng Thượng trên cao nguyên và những trại huấn luyện người Thượng, những hải đảo ở ngoài khơi, tới sát vĩ tuyến 17 v.v.. Như cô biết đó, Diệm đã từng là tỉnh trưởng thời Pháp thuộc (một tỉnh trưởng cực tốt.) Và ông ta rất thích những vấn đề nông nghiệp địa phương—như các điều kiện sinh sống, trường học, nước uống, đường xá, sông lạch, hạt giống, phân bón, thâm canh, vấn đề chủ điền, tá điền, gia cư v.v.. Ông ta có đầy dẫy ý kiến và những đề xuất tại chỗ để cải tiến. Ông ta đặc biệt thích thú và tự hào về những trạm cải tiến nông nghiệp mà chính phủ ông đã thành lập, dạy bảo nhiều điều từ việc trồng cây ăn trái và cây có củ, đến các hồ nuôi cá, cách làm bột sắn và ngay cả cách làm nấm rơm nữa.
“Tôi đã theo ông Diệm trong nhiều, rất nhiều chuyến đi (và cũng đi nhiều chuyến riêng khác để biết phản ứng.) Và tôi chắc chắn là ông ta thực sự và thành thực cố tìm ra sự thực về các điều kiện nông thôn và các nhà chức trách ở miền quê, khuyến khích mọi người nêu lên những vấn đề khó khăn, những khiếu nại, và giải quyết nhiều việc ngay tại chỗ. Ông ta không phải nhà hùng biện trước đám đông, nhưng cực kỳ công hiệu đối với những toán nhỏ dân quê và dân làng, ông không câu nệ lễ nghi, thực sự thích dân, có cảm tình với họ, gây được thiện cảm và thường đi đến những biện pháp sửa chữa thực tế. Ông ta chắc chắn và hoàn toàn không phải là người xa rời quần chúng như nhiều người mô tả. Ông ta hay than phiền về những nghi lễ mà các quan tỉnh đặt ra cho ông và thích được nói chuyện tự do với những toán nhỏ dân chúng, ăn uống đơn sơ với ít bô lão trong làng và bàn luận với họ những vấn đề thực tiễn. Sự kiện ông Diệm không bắt tay hay vỗ lưng người khác mà chỉ cúi đầu đáp lễ, dĩ nhiên là do phong tục của giới bình dân Việt Nam. Chứ chẳng phải là phản ứng của một người sống tách biệt hay một thái độ thiếu quan tâm đến người khác (như một số nhà báo đã nói lên ý nghĩ của họ).
“Trong những chuyến đi chung với ông Diệm, chương trình của chúng tôi thường là: khởi hành từ Saigon vào lúc 5 giờ sáng, bay tới một bãi đáp gần nơi phải tới nhất. Rồi lên xe con, xe jeep hay trực thăng tuỳ theo con đường, thỉnh thoảng phải đi bộ hay thuyền tới một ấp hay xã. Đối với một người đàn ông lùn, mập, thì ông Diệm là một người đi bộ rất nhanh và không có ngọn đồi hay bụi rậm nào có thể làm ông chùn bước.
“Tôi chưa bao giờ biết chắc thế nào là “người QUAN CÁCH”, nhưng nếu ông Diệm mà là quan-cách thì tôi thích thứ quan cách đó. Ông ấy là một lãnh tụ tốt, trung thực, qủa cảm và đáng kính, theo sự quan sát kề cận của tôi suốt hơn một năm rưỡi. Mặc dầu tôi đã gặp khó khăn và tốn thì giờ trong nhiều lần thương luợng với ông, tôi vẫn luôn luôn kính trọng ông về sự kiên trì trong mục đích và, lạ thay, ông còn có cả một sự nhã nhặn và thương cảm trong khi nói những điều trái ý tôi. [Ông ta thường dùng kỳ nghỉ một ngày rưỡi trong dịp Lễ Giáng Sinh, là kỳ nghỉ duy nhất của ông, để đến ở với binh sĩ tại những tiền đồn xa xôi nhất mà ông có thể tìm thấy…..”.
Mấy vị cứ trích dẫn mấy ông Tây bà Đầm. Mấy ông Tây bà Đầm chỉ nói chuyện ngoại giao, mời mọc đón đưa, thì đương nhiên ói tốt chẳng những ông ông Diệm mà tất cả các chính khách khác. Chỉ khi nào quyền lợi của họ bị đụng chạm thì họ mới thẳng tay như vụ 1963. Mấy ông T6ay bà Đầm đâu có bị thủ tiêu như Nguyễn Bảo Toàn, Võ Tam Anh, bị giam Chín Hầm (Huế), bị đàn áp. Trích dẫn Tây Đầm chẳng thực tế chút nào. Ông Diệm bội tín, đàn áp đối lập, bà Higgins có bị mất sợi lông nào đâu. Bà khen ông Diệm là phải.
TS
Thành tích triệt hạ “cách mạng” là đây :
Trong cuốn ‘Về Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước’, tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng, trên trang 16, đã thú nhận: ”Chỉ tính trong 4 năm từ 1955-1958: Cả miền Nam tổn thất 9 phần 10 số cán bộ, đảng viên. Ở Nam Bộ, khoảng 7 vạn cán bộ, đảng viên ta bị địch giết, gần 90 vạn cán bộ bị bắt… Riêng Trị-Thiên chỉ còn 160 so với 23.400 đảng viên trước đó”
Trong tài liệu Phản Bội Hay Chân Chính do cán bộ cộng sản Lê Văn Chấp soạn thảo có đoạn viết như sau:
“Thành tích chống Cộng của mật vụ Ngô Đình Cẩn/Dương Văn Hiếu (Đoàn Công Tác Đặc Biệt) thật kỳ diệu. Chúng đánh thẳng vào cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên Khu Ủy 5, Tỉnh ủy Thừa Thiên, Thành ủy Huế, rồi Đà nẵng. Tiến xuống miền Nam, chúng tấn công Đặc Khu ủy Sài gòn Chợ lớn, Thủ biên, Cần thơ. Nổi bật nhất là mật vụ miền Trung đánh bắt gọn các lưới Tình Báo Chiến Lược (TBCL) của ta trải suốt từ Bến Hải đến Sài gòn chỉ có một năm” .
Ngô triều mang “nợ máu” với “nhân dân” như vậy nên ngày nay được tự do ngôn “loạn” trên các trang mạng hải ngoại, bọn du kích nằm vùng “trăm hoa đua nở” chửi rủa “bọn đồ tể ngày xưa”.
NDD đã thủ tiêu, giam cầm gần 1 triệu người, chế độ VNCH II là chế độ Diệm mà không Diệm được giới giáo sĩ giáo gian Bắc kỳ nắm quyền, tham nhũng, đặc quyền đắc lợi, chỉ biết an ninh vật chất và sự sống còn của mình. Đám này chỉ biết đổ thừa Mỹ và phật giáo, tuân lệnh ngoại bang, sau khi qua Mỹ, tiếp tục bắt thiên hạ mang ơn mình và đổ thừa.
Chạy trước thiên hạ nhưng giỏi đổ thừa và tự khen là mình anh hùng.
Chúng đối xử nhân dân MN tàn tệ nhưng bắt dân chúng không được phản đối.
Chúng lòng lành vô cùng.
Méo à,
Dóc vừa thôi Méo. giam cầm cả triệu người, chổ đâu nhốt hả Méo? Nuôi ăn cả triệu người bộ chuyện dể như…bóp cái miệng tròn thành méo hả Méo?
Bài nào có Diệm, là có…Méo. Méo hát…bền, hát đều chi bài tình ca Ngô đình Diệm.
Miền Nam giả sử như không có Diệm, ai có khả năng mang lại an vui, học sinh như thầy Cường được đi học đàng hoàng, không bị dạy láo, dân Bắc di cư chạy nạn cs được an cư lạc nghiệp…
Ai đâu Méo nói nghe coi?
Cứ chổng khu hát tình ca Diệm gia đình trị, độc tài, công giáo, khơi khơi như Méo với các đồng chí…điếm giao điểm, thì ai hát không được?
Ca tụng Ngô Đình Diệm là ai?. Là giáo gian Bắc kỳ cuồng tín, dư đảng Cần lao Công giáo chứ ngoài ra không có ai hết. Cho dù các ông tự bơm, tự nổ, láo, bịa về Ngô Đình Diệm cũng không che mắt được ai.
Bằng chứng còn đầy trong văn khố ngoại quốc, Ngô không có phản đối Mỹ váo MN gì hết.
Bắc kỳ Công giáo sạo láo, đổ thừa trong khi bản thân chạy thục mạng trước 30 tháng tư.
Lợi dụng xương máu nhân dân phi Cato làm lợi cho mình.
Cứ mỗi lần có bài viết về cố tổng thống Ngô Đình Diệm thì ngay lập tức có những người nặng lời chửi bới và miệt thị ông Diệm…khiến tôi ngạc nhiên tự hỏi: những người này là “nạn nhân” của ông Diệm, hay chỉ là những kẻ “nghe hơi sủa hùa”?
Nhưng khi đọc những bài viết của ông Trần Gia Phụng và Đại Nghĩa thì tôi “có thể” nhận ra vấn đề. Vì rằng những người trí thức nổi tiếng như “LS Vũ Văn Mẫu, là một học giả lớn về Luật Việt Nam, một chính trị gia nổi tiếng trước năm 1975 ở Sài Gòn” mà còn mù mờ, viết lách sai lạc thì nói gì đến ông Phụng, Nghĩa, hay bạn đọc khác…Thật đáng buồn!
Theo Wiki…Ông Vũ Văn Mẫu từng là Thượng Nghị sĩ trong Liên danh Hoa Sen, Khối Dân tộc, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao rồi Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa. Ngoài ra ông còn là Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, giáo sư thực thụ Đại học Luật khoa Sài Gòn. Thời Đệ Nhật Cộng Hoà ông là Bộ Trưởng, ngày 22 tháng 8 năm 1963 ông đã cạo đầu và xin từ chức…
Hãy đọc bài viết dưới đây của ông Lê Văn Ấn để hiểu rõ vấn đề hơn:
Phản hồi bài của Gs Vũ Văn Mẫu
Cám ơn ông Lê Văn Ấn đã có bài viết, như một ngọn nến sáng rọi soi lịch sử!
Thật đáng tiếc!
Nhân tài mà thiếu cái “TÂM”, mang trong người tích ích kỷ hẹp hòi, để lòng ghen tị, thù hằn che lấp lương tâm… thì chỉ gây hại cho xã hội và đất nước!
Chửi người viết cho sướng miệng, nhưng chưa ai đi vào nội dung chính: tổng thống Ngô Đình Diệm hứa trên Đài phát thanh Sài Gòn, rồi lại nuốt lời hứa. (Người ta gọi rằng nhổ ra rồi liếm vào.) Điều đó có đúng tư cách của một người đứng đầu quốc gia hay không? Có tiết trực tâm hư hay không?Tinh thần Ngô Đình Diệm mà như thế hả? Xin trả lời trực tiếp chứ đừng có tức giận mắng chửi thiếu tư cách.
Nguyễn Dư