WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hạt Ươm Hư [3]

Chương 9.

Mặc dù đã xuống sống hoà lẫn cùng người Kinh, nhưng H’nia vẫn đeo bên người một báu vật khó ly thân từ truyền kiếp núi rừng, đó là con dao quắm. Khi con dao quắm chặt đứt cái lưỡi mụ Bốn Cao, mụ biết mình sẽ chết. Mụ vái thầm.

- Hãy tha tao H’nia ơi. Vì lòng tham của tao, mà mày phải chết! Tao sẽ cúng vái mày, đưa độ mày về miền tiên cảnh.

Tuy nghĩ vậy, nhưng cái bẩm sinh từ đói nghèo và lòng tham, ác hằng bám vào máu quá lâu; mụ vẫn cố đưa đôi chân dài thường leo núi trước kia, đạp mạnh vào hạ bộ H’nia. Có lẽ, câu vái thầm, đi trước hành động đá vào hạ bộ gã Dân tộc, nên H’nia đã rút rui.

Dù trong cơn mơ, mụ Bốn Cao cũng biết có một cái gì đó linh thiêng mách bảo mụ: hãy coi chừng lão Tôn nguy hiểm, mà H’nia hiển lộng trong mộng!

Mụ ngồi bẹp dí sát tường, ôm đầu khóc thút thít, nhớ lại từ thời ấu thơ.

Mụ ở đâu, sinh ra ở quê quán tỉnh, làng nào trên cái đất nước chiến tranh triền miên này, mụ không nhớ nỗi. Khi có trí óc, mụ biết rằng đang sống cơ cực trong một cái lò mổ heo, ngoại ô phố Thành, gần con sông Cái, bên kia xã Diên Thủy.

Mụ sống lừng lững như một dây leo hoang dại mạnh mẽ, vươn cao theo ánh mặt trời, như một định luật: sự sống còn của muôn loài! Và lớn dần,theo thời gian khổ cực. Mụ trổ mã con gái và có thân hình khá cao, gợi cảm.

Hai Heo là một gã sống bạt mạng, coi trời bằng vung.Sướng hôm nay, khổ ngày mai gã chẳng bao giờ để ý tới.Gã chỉ sống cho ngày hôm ấy.Ăn như heo. Ngủ như heo. Dơ bẩn như heo. Làm tình như heo.Đó là cung cách sống cũa gã, khi mới 16 tuổi, suốt ngày quần quật trong cái lò mỗ heo.

Khi cái Cao vừa tròn 16 tuổi, gã thường dẫn con bé ngu ngơ, vào những chuồng nhốt những con heo sắp bị đưa đi hành hình nay mai, vẫn còn rậm rực gieo giống. Ở thời thơ ấu của cái Cao, là giao giống và gieo giống! Nó bám vào não trạng mụ suốt cuộc đời đang đi sau này.

Mụ lấy Hai Heo. Khi giàu lên, Hai Heo bắt đầu cuộc sống sa đọa và chết trên bụng con đàn bà nào đó. Mụ oán Hai Heo không cho mụ một mụn con nào, trước khi chầu Diêm vương. Mụ thường nghĩ, làm đàn bà mà không đẻ đái sinh con, nó có cái gì đó bất thường. Từ đó, là cái ác bắt đầu nảy sinh trong con người mụ.Mụ thường nghĩ, người đàn bà sinh con, để có cái nối tiếp tộc dòng là điều quan trọng nhất.Nhưng cái quan trọng nhất, của người đàn bà, là, muốn làm thiên chức của một bà mẹ, biết thương yêu con.

Mụ Bốn Cao không có những cái thiêng liêng làm người đó.Mụ hận đời và muốn phá toanh hoanh cuộc đời này.Gã đàn ông nào thích ong bướm, mụ sẽ làm những gì đã nghĩ.Mụ đi qua nhiều gã đàn ông trong phố. Ai dèm pha, xiên xỏ, mụ bất cần! Mụ cần một đứa con, chứ mụ không cần một lời chê trách: con đĩ dâm loàn.

Gã H’nia, đáng tuổi con mụ. Những ngày đầu, được nó dắt vào bản làng buôn bán, mụ cũng thương nó như con.Sau này, khi nhận nó làm con nuôi, cả phố ai cũng biết. Càng làm ăn với người Dân tộc thiểu số, mụ khám phá ra nhiều cái lợi, cái giàu có từ núi rừng. Mật ong, mật gấu, trầm hương, kỳ nam… Đó là chưa nói đến những loài sinh vật quý hiếm, kiếm ra vàng –đổi từ muối. Chỉ bốn, năm ký trầm và kỳ nam đeo trong xách tay mụ và trong cái gùi đeo trên lưng gã H’nia xuống núi, cùng cái dao quắm luôn đeo ngang hông của gã Dân tộc cao lớn, chở che

trên suốt đường rừng Khánh Vĩnh, xuôi đồng bằng.

Mụ có thể tậu vài căn nhà trên phố.

Gã Dân tộc thiểu số H’nia, chỉ ranh mãnh trên thân xác của mụ Bốn Cao, khi xuống đất người Kinh làm người.Cánh rừng bạt ngàn Khánh Vĩnh đã khép lại vì thời cuộc và chiến tranh.H’nia đành chịu thua. Sự trung thành và lòng biết ơn, đã cột chặt gã với mụ Bốn Cao, với miếng mồi nhục dục!

Thế nhưng, vì lòng tham vô độ, mụ Bốn Cao đã để H’nia chết thê thảm dưới những bao gạo 50 ký, chỉ viền xanh.

Bây giờ, mụ mới thấy sợ sự cô đơn bủa quanh, một mình trong căn nhà, lúc nào cũng có bóng dáng trước kia của H’nia đứng tắm ở truồng, sau giếng; hoặc, mặc khố đi quẩn quanh trong nhà, hông đeo con dao quắm theo thói quen rừng núi không rời được.

Mụ chợt òa khóc lên.

- H’nia… H’nia ơi.Tao thương mày như con. Tao đã lầm rồi!

Mụ Bốn Cao vấn tóc, cột cao lên, bó một túi sau ót. Mụ xách cái rổ, trong đó đựng: trầu, câu, vôi, dăm mớ rễ, nhúm thuốc lá… kẹp vào nách. Mụ ngần ngừ, nhìn, ngó trước sau trong nhà, tiếc rẻ…

Sau cùng, mụ tặc lưỡi, quả quyết… đi xuống chùa Sư Nữ

&

Lão Tôn cầm cây gậy vừa mới “xin mượn” hôm qua ở cửa hàng mụ Bốn Cao, sau màn kêu khóc nhớ ơn bác Hồ. Cây gậy thật đặc biệt.Nó màu đen mun. Cái cán khắc hình người Dân tộc nam, hông đeo con dao quắm, một cái gùi nho nhỏ sau lung, vừa tầm tay nắm. Đầu gậy thật to, như cái gậy bóng chày, tụi Mỹ dùng để đập trái bóng nhỏ xíu, thỉnh thoảng, chiếu trên kênh truyền hình VN.Lão quơ quơ như người sành điệu, bước ra khỏi nhà. Lão nhìn quanh, bước qua bên kia đường, nơi tiệm phở của ông A Ùi đã đóng cửa hai hôm nay. Lão bắt đầu đi từ đầu phố, đôi mắt láo liêng.

Dân trong phố, bây giờ càng ngán lão hơn. Ai ai, cũng nghĩ tới cuốn nhật ký của lão, không biết khi nào được tung ra “thị trường chữ nghĩa dân gian”! Bấy giờ, cuốn nhật ký ấy, nó không còn đút trong túi quần của lão như trước. Nó nằm chình ình trong túi áo của lão, nghênh ngang, chìa một nữa ló ra, như dằn mặt mọi người!

Lão Tôn khoái chí, mỉm miệng cười, đưa tay vò cái mũi “ó đâm” gãy gập, đến đỏ choét. Lão dừng lại suy nghĩ thoáng chốc.

- Đi đâu đây?

Đoạn, lão bước đến nhà ông Thái An người Hoa.

Quả thật, ông Thái An là người nghiện thuốc phiện lâu năm, như trong nhật ký lão Tôn hằng ghi. Thuốc phiện, đại khái từ rất lâu, xuất phát ở các xứ quanh vùng Ấn Độ. Nó được nhập vào Hoa Lục thời: “Người Trung Quốc và Chó, không được vào công viên”! Thực ra, thuốc phiện như một thứ cần sa sau này. Nếu biết dùng nó, (ít) vô hại, là sử dụng đầy đủ và có tiền. Nhiều người Hoa dùng thuốc phiện, chủ ý cho sự kích thích ăn uống, no, ngon và sống lâu. Người Việt lại cho rằng, thuốc phiện là một thú độc hại, nên tránh. Nó cũng gây kích thích trí tưởng tượng đi xa hơn của con người, nhất là ởnhững nghệ sĩ.

Ông Thái An là chủ một tiệm vàng người Hoa, lớn nhất phố Thành.

Lão Tôn bước vào nhà ông Thái An, tay quơ quơ cây gậy như thị oai.

- Nị hủ mạ!

- Dà… hủ… hủ… Mời ông cán bộ ngồi!

Lão Tôn khoái chí, làm mặt nghiêm.

- Ông An nè. Tôi biết, ông hút thuốc phiện từ bao nhiêu năm nay. Nhưng tôi là người không nhặt cọng tóc nhỏ, chỉ nghĩ đến điều lớn lao. Chẳng hạn… góp sức với đất nước, chính quyền cách mạng, tạo lập xã hội an bình, đuổi quân Ngụy ra khỏi bờ cõi, như ngày hôm nay. Nhưng tôi lại không ngờ, đến ngày hôm nay, ông vẫn còn muốn làm hư hỏng cộng đồng dân tộc tôi. Ông vẫn hút thuốc phiện như ngày nào. Đó là một thứ quốc cấm!

- Ôi. Ông Tôn ơi! Tôi đã bỏ rồi!

- Bỏ! Sao mùi thơm vẫn còn?

Ông Thái An, rên.

- Ôi. Mấy cái sái, nó hại tôi, ông Tôn ơi. Sái hai, sái ba còn lại, cho để nhớ… buồn ấy mà!

- Ông An, không được. Tôi không muốn nghe cái… để nhớ mà buồn của ông! Cách mạng là đi về phía trước, là đạp đổ cái hủ lậu, tha hóa, xây dựng cái mới hơn, đẹp hơn. Chớ… không để nhớ mà buồn! Ông hiểu không?

Lão gõ, gõ mấy ngón tay ngắn ngũn trên mặt gương cái bàn dài, không còn bao vàng bạc đá quý. Lão kêu lên.

- Á, à. Sao trống trơn vậy? Nhật ký tôi viết cho ông nè!

Khỏi cần đọc nhật ký của lão Tôn, ông Thái An biết phải làm gì.

- Ông chờ tôi chút!

Lão Chệt già đem ra một gói vải màu đỏ khá nặng, biếu lão Tôn. Đôi mắt lão Tôn sáng hực lên, như đôi đèn pha của chiếc xe jeep, sáng sớm hôm qua dẫn đoàn xe tăng từ Cải lộ tuyến vào phố Thành.

- Cám ơn… Cám ơn, ông. Sự thành tâm của ông, với cách mạng, chúng tôi sẽ ghi vào số!

&

Lão Tôn dợm hơn mươi bước chân, đã tới nhà ông Thuận Thanh.

Ông Thuận Thanh, có mười cô con gái. Cả mười cô con gái này, từ Tiểu học tới Trung học, đều học ở Nha Trang cách Thành 10 cây số, cuối tuần mới về.

Dân trong phố, chả mấy ai ưa ông.

Hai vợ chồng ông Thuận Thanh, xuất thân từ miền Bắc vào, sau cuộc di cư Cộng sản khủng khiếp. Họ làm giàu trên hai chiếc xe bán nước mía, đi khắp Thị trấn Diên Khánh. Khi phất lên, thoạt đầu, ông Thuận Thanh mua một chiếc xe “ca”, chạy tuyến đường Sài Gòn-Nha Trang. Sau đó, con số xe mỗi lúc một nhiều hơn. Ông lập ra hãng xe “Thuận Thanh”. Ông phất lên nữa từ đó. Rồi mở cửa tiệm đại lý nhiều hãng xe máy ở Nhật. Càng lúc ông càng giàu thêm.

Dường như, con người nghèo khổ từ lúc sinh ra, đến khi có của nã thông thường, bắt đầu hợm hĩnh về nhân sinh quan cách sống.Mụ Bốn Cao cũng vướng vào cái nghiệp tục lụy này. Ông Thuận Thanh nói rằng:

- Nền văn hóa, giáo dục ở Diên Khánh không bằng Nha Trang!

Lão Tôn ghi vào nhật ký. Để đó!

Lão bước vào nhà ông Thuận Thanh.

- A. Chào ông Thuận.(Thanh, tên bà vợ).

- Chào đồng chí Tôn! – Ông Thuận Thanh riu ríu.

Lão Tôn vờ sụ mặt xuống.

- Ai là đồng chí của ông?

- Thôi mà anh Tôn. Chúng ta là dân ngụ cư, nên bênh vực che chở cho nhau!

- Ngụ cư? Đúng! Che chở cho nhau? Đúng! Nhưng ngụ cư mà phách lối như ông, ai ưa!? Che chở cho nhau? Mà ông chê khinh ngành giáo dục quận nhà, cho con đi học tận dưới Nha Trang! Ông có đọc nhật ký của tôi, bị một thằng khốn nào đó tán phát trong phố, làm… lộ sự nghiệp hoạt động cách mạng của tôi. Trong đó tôi có ghi: Ông. Là chủ của tám chiếc xe“ca” mười bánh, đường Sài Gòn – Nha trang, có hơn 50 chiếc xe máy vừa Honda, Suzuki… và vô khối những chiếc xe đạp, cùng đồ phụ tùng.

Ông Thuận Thanh bắt đầu run. Lão Tôn giáng tiếp một đòn thật mạnh.

- Ông từ miền Bắc di cư vào. Ông cũng từng đọc báo của bọn Ngụy Sài Gòn. Chúng rêu rao viết rằng, trong đợt Cải cách miền Bắc, gần hai trăm ngàn dân bị giết oan uổng.Ông nghĩ sao, khi miền Nam không cùng một hệ thống chính trị của họ?

- Tôi biết. Tôi nghe mà anh Tôn! Gia đình tôi có ai còn sống sót sau vụ Cải cách ruộng đất ở giáo xứ Quỳnh Lưu.Là dân cùng ngụ cư, anh giúp tôi nhé.

- Dĩ nhiên, tôi sẽ giúp ông! Là người của Cách mạng, tôi khuyên ông, nên giải quyết những chiếc xe máy.

- Giờ phút này biết giấu ở đâu, ông Tôn? – Ông Thuận Thanh gào lên.

Lão Tôn gãi gãi cái tai chuột bên phải, tay kia vò cái mũi “Ó đâm” đến đỏ choét. Chợt lão reo lên.

- Trong khu vườn cây ăn trái nhà tôi!

Ông Thuận Thanh mừng lắm, dúi vào tay lão Tôn, một bọc vải khá nặng.

&

Lão Tôn bước ra khỏi cửa hàng xe máy, xe đạp, định bước qua bên kia đường cho nhân vật thứ ba, như lão đã sắp xếp trong đầu.

Chợt lão thấy mụ Bốn Cao, tay cắp rỗ trầu cau, lủi thủi bước nhanh về phía chùa Sư Nữ, mắt đỏ kè vì khóc.

Lão ngoắc tay.

- Cô Bốn, đi đâu?

Mụ Bốn Cao đang đi chợt khựng lại. Thấy lão Tôn đưa tay vẫy, mụ co rúm người. Giấc mơ buổi trưa, trở lại nơi mụ.

Bây giờ, mới đúng là giấc mơ!

Sau giấc mơ, người ta thường nghĩ hoảng bởi giấc mơ gây ra tình tiết! Người nằm mơ, thường hành động trong hỗn loạn. Muốn đi cho mau, nghĩ cho mau rồi đi, để trốn tránh những gì họ làm, để trốn thoát sự dằn vặt bi ai chốc lát trong lòng. Nghe lão Tôn gọi một cách nhỏ nhẹ và thân thiện, mụ Bốn Cao như hả tấm lòng, quên đi giấc mơ và lời cảnh cáo của gã Dân tộc H’nia.

Mụ Bốn Cao kéo cái đầu lùn chủn lão Tôn vào ngực, hôn lên trán, giống như khi chiến thắng của đoàn quân xe tăng hôn vào cái mũi “ó đâm” của lão. Mụ thỏ thẻ.

- Gì vậy anh Tôn?

- Nè. Nhà Bốn có thể chứa 50 chiếc xe máy hon-da?

- Chi vậy Tôn?

- Đừng hỏi! Bao nhiêu chiếc?

- Cả trăm chiếc, còn được!

- Nghe này. Tối nay, anh và lão Thuận Thanh, sẽ chuyển sang nhà Bốn 20 chiếc xe hon-da. Số xe này là của anh và Bốn đấy nhá!

Mụ Bốn Cao rung rung đôi chân, muốn khụy.

- Trời ơi. Mười chiếc xe máy hon-da của Nhật sắp là của tôi!

- Ừ! – Lão Tôn cười.

Mụ Bốn Cao cũng: “Ừ”, một tiếng thánh thót, khỏe re.

Mụ quên rằng: mụ đang giằng xé tâm can trong lòng, để xuống chùa Sư nữ… cắt tóc đi tu! Mụ quên luôn cái giấc mơ của H’nia báo mộng!

Lão Tôn cười bí hiểm, vuốt cái mũi ó đâm liên tục đến đỏ choét!

(Còn tiếp)

© Đàn Chim Việt

Hạt Ươm Hư [1]

Hạt Ươm Hư [2]

Hạt Ươm Hư [3]

Hạt Ươm Hư [4]

Hạt Ươm Hư [5]

Hạt Ươm Hư [6]

Hạt Ươm Hư [7]

Pages: 1 2 3

Phản hồi