WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hạt Ươm Hư [4]

Chương 11.

Những gì mọi công dân mong đợi, cũng như không mong đợi, nó đã đến. Và đến – không lành – như một dự báo!

Trước ngày 30 tháng tư hai hôm, ngay bến xe Diên Khánh, gần rạp hát Tân Tiến, nơi gã Bảy Rắn thỉnh thoảng biểu diễn màn nhào ra con Quốc lộ 1, nằm xuống đường, miệng trào bọt mép trắng sủi, chận xe nhà binh, đãxảy ra một sự kiện ghê tởm. Mới sáng sớm, đất còn dậy mùi ngai ngái của bùn non, đất đá… vừa sực lên từ những cánh đồng lúa và cỏở ngoài ngoại ô, bởi bình minh vừa thức giấc sau cơn ngủ dài qua đêm. Lão Tôn cùng giáo Sinh, tay đeo băng đỏ, khí thế đằng đằng, dẫn mười mấy tên du kích xã, xông vào cửa Đền của giáo phái đạo Cao Đài. Lão Tôn dùng cây gậy “thị oai”, gõ gõ cái cổng sắt đang khóa kín, nghe loảng xoảng, gai người.

Ông Từ giữ Đền, nghe tiếng động ló đầu nhìn ra, hoảng sợ.Ông ở trần, nhìn dáo dác quanh nhà.Dường như, ông đang tìm kiếm cái gì đó, nên vô cùng lúng túng và hoảng loạn.

Giáo Sinh không chờ được nữa, nôn nóng cầm cái búa to kình, bắt đầu đập ổ khóa. Tiếng đập “ầm ầm” vào cánh cửa sắt giữa sáng tinh sương, đánh thức mọi cư dân chung quanh, hốt hoảng giật mình choàng thức. Chiến tranh đang là ma, quỷ như đe dọa mọi người. Họ cứ tưởng, đó là những tiếng pháo đạn bắt đầu “mọc-chê” đâu đó bắn vào, của sự chém giết chiến tranh đang thành hình. Gần cả tháng, trong chờ đợi sợ hãi, họ ép mình, sẳn sàng chờ đón mọi tai ương trút xuống cuộc đời. Một phút trôi qua, họ mới định thần trở lại và biết đó không là thứ tiếng

động của bom đạn, họ bắt đầu tràn ra lề đường nhìn dò dẫm.

Mấy ông tài xế xe lam thì khác. Họ đang ngồi lim dim, ngủ gục chờ khách, trước đầu xe, giật mình choàng thức, dụi mắt nhìn. Họ bỏ xe chạy ra, ngơ ngác nhìn.

Đây là cái Đền duy nhất của đạo Cao Đài ở Diên Khánh.Nó được xây từ thời thực dân Pháp.Họ đạo Cao Đài không đông lắm, nhưng dân chúng vẫn kính trọng đạo lẫn nhau.Ở miền Nam, về lãnh vực tôn giáo, mạnh ai nấy thờ cúng đạo mình và vẫn qua lại thăm hỏi nhau rất thân tình.

Chẳng hạn, ông Năm chủ tiệm hình “Bóng Tối” tuy theo đạo Vô Vi, nhưng qua lại vô cùng thân thiết, với ông Từ giữ Đền tên Tâm. Họ thường đàm về Đời và Đạo rất tương đắc.Dân trong phố Thành và ngoài ngoại ô, cũng vậy.Tuy khác đạo, nhưng thỉnh thoảng, họ vẫn gửi biếu quà bánh, cây trái trong vườn để cúng Đền.

Mấy ông tài xế xe lam rất bất bình. Họ định xông vào Đền che chở cho ông Từ, nhưng thấy bọn du kích xã lăm le mấy cây a-ka, làm họ chùn xuống. Họ được ông Từ, cho đậu xe miễn phí ngang hông Đền từ bao đời nay, nên rất kính mến ông Từ Tâm.

- Đứng ra xa.Đền đang bị phong tỏa. Ai lại gần, bắn ngay! Lão Tôn quơ quơ cây gậy “thị oai” hách dịch, nói.

Mọi người lùi lại nhìn lão Tôn và giáo Sinh căm tức. Ngôi Đền mà bao năm họ sùng kính. Tuy khác đạo, nhưng cửa Đền luôn mở rộng, đón khách thập phương lỡ bước… mấy ông tài xế xe lam, hoặc mấy bà đi buôn bán ở chợ, thường ghé vào sáng sớm, buổi trưa uống ly trà nóng, lạnh do ông Từ Tâm tùy hỉ rót ban.

- Nhìn gì mà nhìn. Không thấy lạ à?Thờ gì không thờ, đi thờ chỉ một con mắt. Đạo quái đản! – Giáo Sinh gầm tiếp, hầm hầm đi vào, khi cái khóa bị đập bung ra.

- Tại sao, tôi gõ cổng ầm ầm, mà không mở cổng, ông Tâm. Ông muốn chống đối chính quyền quân quản?

Ông Từ đứng trên bực thềm cao, giọng run run.

- Tôi chưa kịp mở, vì còn mặc quần áo, tìm xâu chìa khóa, thưa cán bộ. – Ông Từ Tâm run run đi xuống bực thềm, cài cái nút áo cuối cùng, chưa kịp bỏ áo vào quần như cái tánh của ông hàng ngày.

- Ông đừng ngụy biện. Một mắt như các ông là chúa láo toét!

- Còng ngay ông Tâm cho tôi. – Lão Tôn phụ họa.

- Nhưng tôi làm gì để các ông bắt, thưa cán bộ?

- Tôi ra lệnh bắt! – Giáo Sinh nói.

- Lệnh bắt đâu? – Ông Từ Tâm bắt đầu phản kháng.

- Lệnh trong tay tôi, ông nghe chưa! Tôi là lệnh, là luật của chính quyền quân quản này. Còng. Các đồng chí nghe rõ!!!

Họ còng tayông Từ Tâm, bằng cái còng số 8, do quân đội Mỹ để lại.

Lão Tôn giơ gậy, chọc vào mắt ông Thiên ở trên cao, ra lệnh:

- Phá Đền!

Bọn du kích, lúc bấy giờ là lũ thanh niên ít học, trốn hoặc bị bắt lên núi, cùng đám thanh niên du côn trong quận, thức thời theo cộng sản, tha hồ lập công. Chúng lao vào Đền như những con thú hai chân, đập phá điên cuồng. Nơi bệ thờ, chúng nạy những tấm ván, đem ra ngoài lấp kín mọi cánh cửa lớn nhỏ, bằng một thứ đinh lớn đem theo. Chúng niêm phong Đền lại bằng hai tờ giấy đỏ choét, chéo ngang.

Ông Từ Tâm đứng nhìn ngôi Đền bị tàn phá, trong chốc lát đã tan hoang.Ông khóc ròng, chân dậm đùng đùng, uất ức. Ông giật tay gã du kích, định lao đầu vào cánh cổng sắt tự tử, nhưng không được, vì cái còng dính chung tay gã du kích. Gã du kích bực mình vì đau khi cái còng nghiến chặt cổ tay, gã thốc báng súng a-ka vào bụng ông Từ Tâm cật lực, làm ông ngã té qụy xuống lòng đường, máu mũi chảy ra.

Vừa khi ấy, ông Năm tiệm hình “Bóng Tối”, nghe tin chạy tới.

- Các đồng chí làm gì vậy? Ông Tôn, sao ông đánh ông ông Từ, mặt mày đầy máu me?

Ông Năm tiệm hình “Bóng Tối”, tuy theo đạo Vô vi, nhưng cũng bất bình sự vi phạm và trấn áp tôn giáo, trước mặt dân chúng, do lão Tôn và giáo Sinh cầm đầu. Lão Tôn ngước nhìn ông Thiên, khinh khỉnh.

- Mọi thứ tôn giáo, thánh thần… cần phải triệt để triệt tiêu. Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ mọi công dân!

- Tôi cùng làm chính quyền với ông, sao tôi không nghe ai nói gì cả. Ông bắt ông Tâm có lệnh của Huyện đội không?

- Ông Năm. Bây chừ tôi nói cho ông biết! Ông là người của Cách mạng, mà còn mê tín dị đoan. Tại sao ông theo đạo Vô vi. Đạo gì, mà có tên lạ vậy? Tôi khuyến cáo ông, đây là việc của chính quyền cách mạng quân quản tạm thời, ông không nên nhúng tay vào. Ông nên nhớ, tôn giáo sẽ không có đất sống, dưới chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa!

- Ông bảo sao? Ông hù dọa tôi ấy à, ông Tôn?

- Tôi không hù dọa ông, đó là chính sách của đảng!

Ông Năm tiệm hình “Bóng Tối”, mặt tím tái, đưa tay chỉ vào mặt lão Tôn, hét lên.

- Tôi nói cho mọi người đứng đây, được biết. Ông Tôn không phải là người của cách mạng, và chính ông đã giết chết ông Xã trưởng Bé để bịt miệng, nhầm dấu kín về nhân thân của cá nhân ông, chứ ông Bé không chết vì bom như ông ta kể!

Lão Tôn điên lồng lộng, kết hợp cùng giáo Sinh đưa ra kỷ luật tại chỗ.

- Chúng tôi: Đại diện Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, tuyên bố: ông Phan Năm, chủ tiệm hình “Bóng Tối” bị đuổi ra khỏi Uỷ ban Quân quản, vì theo đạo Vô vi, chống lại chính quyền đang thi hành bản án!

&

Cũng như nhiều người, Tuấn bàng hoàng, khi điềm báo…

Như điềm báo thời mạt vận đã tới, khi ngôi Đền Cao Đài, duy nhất và là tôn giáo đầu tiên ở Thành bị phá nát.

Hai ngày sau, miền Nam đã rơi vào tay quân đội Bắc Việt. Đa số người dân miềm Nam vui mừng nhiều hơn là đau khổ.Cũng có thể, dân trí người dân ở những vùng nông thôn thấp cũng có, nhưng cái lý lẽ chính đáng nhất, là mọi người đã sợ chiến tranh tàn phá và chết chóc quá nhiều.

Buổi sáng hôm ấy, buổi sáng của định mệnh ngày 30/04/1975 miền Nam đang chết, Tuấn ngồi bần thần trên căn gác xép. Anh khóc như một đứa trẻ. Một “Trại Đầm Đùn”, một tác phẩm nói về chế độ lao tù của CSVN ở miền Bắc, Tuấn từng đọc qua, cứ ám ảnh anh mãi.

- Có chăng, nhiều “Trại Đầm Đùn” sau thời chiến tranh?

Tuấn hoang mang cao độ. Dù là một thanh niên 17 tuổi, nhưng Tuấn hiểu rõ thời cuộc như một người lớn trưởng thành, nhờ đọc qua sách báo thời còn rất trẻ. Anh hy vọng rằng: Cuộc Cải cách ruộng đất và Nhân Văn Giai Phẩm sẽ không lập lại trên quê hương này, khi hòa bình vừa vãn hồi. Bao nhiêu triệu sinh linh đã chết, đủ để cho một thiểu số người Việt Nam, nắm vận mạng tổ quốc và dân tộc, thấm thía cái giá của độc lập xứ sở, quê hương.

Một Cải cách ruộng đất, là một sai lầm tai hại và tồi tệ, mà chính Hồ Chí Minh từng tuyên bố, chả nhẽ sẽ lập lại sau hòa bình và thống nhất đất nước? Một Thụy An, Nhà văn nữ miền Bắc, đã tự đâm vào một con mắt của mình – như một sự trừng phạt chính bản thân – khi nhìn ra, độc lập, tự do… của VNDCCH, chỉ là một cái bánh vẽ to tướng, trong phong trào “diệt khẩu văn chương” qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm!

- Anh Tuấn ơi.Có anh Đại dưới nhà, cần gặp anh.

Tuấn lau vội nước mắt, chạy ào xuống cầu thang, ra lề đường ôm thằng Đại. Anh nén khóc, rít lên trong kẽ răng:

- “Thằng” Dương Văn Minh đầu hàng bọn Cộng rồi! Mày nghe tin này chưa?

- Tao nghe rồi, nên mới ra đây. Ông già tao, kêu mày vào Vườn Trầu.

Tuấn nhìn thằng Đại, ngồi trên chiếc xe hon-da của ba nó thường dùng, đi lên Chi khu Cảnh sát hàng ngày làm việc. Nhìn cái bao bố to cộm cột sau lưng yên xe, Tuấn hỏi.

- Cái gì đây, Đại?

- Đừng hỏi. Vào đó khắc biết!

Tuấn trèo lên ngồi sau yên xe, ôm lấy cái bao bố to cộm trước bụng. Đại nôn nóng, rú ga. Chiếc hon-da lao vút.

&

Bọn Tuấn bốn thằng, kéo vô nhà từ đường của thằng Đại trong Vườn Trầu, nhờ mấy đứa em của Đại phân tán ra đi gọi từng đứa về.

Thằng Tấn và thằng Khiêm ở bên kia Đại Điền Đông, là bạn rất thân của Tuấn và Đại. Hằng đêm, bên kia Đại Điền Đông, Tây… thanh niên khi đến tuổi trưởng thành, thường qua Thành ngủ vì sợ bị bắt lên núi như đã trình bày. Họ lại cùng học chung một lớp, nên càng thân nhau. Ông bố thằng Đại, là Trung sĩ nhất Cảnh sát, thương lũ học trò như con của ông. Làm Cảnh sát, ông biết hoàn cảnh của đất nước thời chiến tranh, ông càng thương bọn thanh niên cũng đã bắt đầu biết sợ cộng sản. Ông coi chúng như con cháu trong nhà. Có những cuối tuần, ông đãi

chúng những bữa ăn hoan hỉ và vui vẻ. Hơn nữa, là một Cảnh sát tâm lý chiến, ông lại càng muốn phát huy nghề nghiệp mình, nên lúc nào ông cũng khuyên răn cái đám thanh niên ưa bùng phát nhiều tính dị căn cuộc đời, nhất là những đứa sống trong vùng: ngày Quốc gia, đêm Cộng sản thao túng mọi điều.

Ông trung sĩ nhất cảnh sát, đưa tay vẫy khi bốn thằng thanh niên bước vào vườn. Cuối tháng tư, ngoài kia như đổ lửa, nhưng ở đây gió thật mát, dù đã gần trưa.

- Ngồi xuống, các con. Ta có điều muốn nói!

Họ ngồi vòng tròn, xếp bằng đôi chân, im lìm dưới những tán lá vú sữa trắng và tím bao cả bầu trời chói chang trên cao. Ông trung sĩ, đưa mắt ra hiệu, thằng Đại lấy từ trong cái bao bố một can rượu nếp than 4 lít. Nó đưa răng cắn cái nắp đóng bằng lá chuối khô, kêu cái “bụp” nho nhỏ. Nó trịnh trọng rót vào mấy cái chén nhỏ, rồi ngồi xuống kính cẩn như một tín đồ cao đạo.

Bọn trẻ ngơ ngác nhìn nhau. Chú Tám, bố thằng Đại nâng ly, bảo.

- Uống nào!

- Chúng cháu, không dám uống ạ. Chúng cháu, chưa bao giờ uống!

- Vậy, bây giờ uống nhé!

- Bố, Mẹ chúng cháu biết được, đánh chết mất ạ. – Thằng Tấn lí nhí.

Chú Tám đập cái “bộp” vào đùi, nói.

- Nước đã mất, Nhà đã tan đàn xẻ nghé, cái thân tụi bây còn giữ được không? Hả… hả…

Nói xong, chú Tám ôm mặt khóc rưng rức.Bốn thằng thanh niên mới lớn, ngơ ngác nhìn nhau.Chú Tám chỉ mặt từng đứa, nói trong nước mắt.

-Tụi bây có biết lý do vì sao, tao để cho thằng Đại sống ngoài phố Thành với một tủ sách đồ sộ, cùng những con vật nuôi làm cảnh? Để làm gì?Nó không là lợi nhuận để tụi nó sinh sống. Mà tao muốn rằng, thằng Đại cùng lũ thanh niên chúng mày trong phố, phải hiểu thế nào là nhân sinh cuộc sống. Sống phải biết thương yêu đồng bào mình và ngay cả loài côn trùng, chứ làm sao thằng Đại nó sống nổi với những cuốn sách cho thuê với vài con cá lia thia, bảy màu…

Chú tợp ngụm rượu, tiếp.

- Tội ác đang dần leo thang, khi Việt cộng khủng bố khắp mọi nẻo đường đất nước. Thanh niên bọn bây, nếu không hiểu cộng sản là gì, rất dễ dàng theo. Chúng tuyên truyền rất giỏi! Những thành phố lớn, thanh niên không hiểu cộng sản nhiều – đã đành – vì bọn chúng còn có cả một hậu phương vững mạnh che chở. Ở những thành phố nhỏ, lại cận kề nông thôn, luôn bị rập rình chủ nghĩa cộng sản, còn bị bắt bớ lên núi, nên tao mới cho thằng Đại, mở ra cái tiệm thuê sách này, để mở mang đầu óc tụi bây. Tao vui, khi biết bốn đứa mày, là những thằng mọt sách, đọc không tốn tiền, trong tiệm sách của tao!

Thì ra là vậy! Tuấn cầm chén rượu nhỏ, dâng hai tay.

- Con kính chú Tám một ly rượu đầu đời!

- Cháu cũng uống, như một… – Thằng Khiêm ú ớ. Thằng Tấn cũng vậy, nó lắp bắp…

- Như gì? – Chú Tám hỏi rán tới.

- Cháu không biết nói làm sao…

- Như một tri kỷ! Nghen cháu. Ha… ha…

Năm tên đàn ông, vừa già, vừa trẻ, nâng chén, uống rượu nếp than, nhìn nhau rồi khóc ngất lên. Họ uống say, đến nỗi không tưởng tượng được, là trưa hôm sau, bị bà mẹ thằng Đại tạt những xô nước lạnh vào những bụi chuối sau vườn. Đó là lần đầu tiên, bọn thanh niên biết uống rượu và biết thế nào là mất đi một chính quyền Tự do, Dân chủ còn non trẻ vừa mới thành hình bị bóp chết, bởi một sắp sếp ổn định toàn cầu của chính quyền Mỹ!

Tuấn lan mán nhớ nhất, lúc đã say, đầu óc quay cuồng, anh nhìn thấy: Ông bố cảnh sát của thằng Đại, khi cơn say ngất trời, ôm bốn thằng thanh niên, vừa mới lớn, khóc rống lên.

- Chúng mày phải sống cho ra hình hài con người Việt Nam. Tụi nó đã thắng rồi! Cả cái Đông Dương này sẽ bị phủ đỏ bởi làn sóng CS! Tao chấp nhận tù tội vì làm một người lính VNCH cho một miền Nam tự do, no ấm! VNCH muôn năm!

- Việt Nam Cộng Hòa muôn năm!

Năm cánh tay dơ lên và bật khóc.

Họ tiếp tục uống.Uống cho đến khi, đi không nổi, mỗi đứa lủi vào những bụi chuối ngủ mê mệt.

&

Diên Khánh trở lại sinh hoạt bình thường.

Học sinh trở lại nhà trường, sau hai tuần của biến cố.Tuấn hình dung, có lẽ lớp học sẽ vơi đi nhiều người bạn, sau cuộc di tản khủng khiếp ở mọi miền đất nước, vì ai ai cũng có thân nhân là những người lính VNCH.Nhưng, không thiếu một khuôn mặt nào ở lớp 11c ban toán.

- Xếp ngay vào hàng, các bạn!

Thằng “Ban bò” vẫn như ngày nào, miệng ngậm cái còi thổi toe toe, bắt xếp hai hàng dọc trước khi vào lớp. Bọn học sinh nghịch ngợm đến mấy đi chăng nữa, khi nghe tiếng thổi còi của nó, phải vào hàng ngay! Thằng này mà ra tay, đố thằng học trò nào dám chống. Ban không hung dữ, cộc cằn; có thể nói, hắn hiền, nhưng rất quy tắc. Thằng học trò nào không tuân lệnh, Ban chỉ đi đến, nắm hai vai gã học trò đó nhấc bổng lên, khiêng, đặt vào hàng đầu, với lời đe dọa.

- Bạn nào lạng quạng, tôi ném vào lớp học ngay!

Chả thằng nào ngu, chống Ban, bởi chúng đã từng nhìn thấy, trong khu vườn nhà Ban bên Đại Điền Đông, khi mà cả bọn được Ban mời thăm vườn cây trái rộng lớn. Hôm đó, hai con bò đen, vàng chọi nhau xé nát một mảnh vườn chuối ngoài rẫy, giữa lúc bọn học trò vui vẻ bên vườn xoài mít. Thằng Ban đã chạy ra, hai tay nắm mỗi cái sừng của bò, quặt ngược chúng lên té chỏng gọng, đá vào đít mỗi con một phát thật lực. Chúng hoảng sợ chạy đi.Bọn học trò, chừng ấy, mới biết Ban là Hạng Võ ở Việt Nam. Ban có thể múa võ, đi quyền đến khi nào các bạn chán mới thôi.

Ban hiền như cục đất. Hắn chỉ dọa, nhưng tên học sinh nào cũng luôn tôn trọng. Ai cũng biết, Ban có vợ và một đứa con trai, nhưng trong khai sinh, gã mới… 17 tuổi với hàm râu quai nón của Hạng Võ!

- Hôm nay, đội nào trực lớp quét dọn, a? Ban hỏi, nhìn vào lớp, tiếp.

- Úi chao! Bàn ghế chỏng gọng, rác rưới khắp nơi.Đội nào trực. Nói nghe nàào!!!

- Hé… hé… Thằng Ban đầu bò, quên mất là, nó đã nghỉ học gần ba tháng, ở nhà ôm con dzợ phẻ re. Hớ hớ!!! Sướng cu ba tháng, đã hông Ban?

Ban ngớ ra, chợt nhớ ba tháng không đến trường. Hắn than lên.

- Ôi chiến tranh sao dài, mà lại ngắn ngũn trong 3 tháng!

- Vậy, đội nào tình nguyện? – Hắn tiếp.

- Không có tình nguyện! – Bọn học trò la ré lên.

- Bắt đầu làm lại, bồi thường chiến tranh! Hé… hé… – Một thằng nào đó cuối hàng, rú lên.

- Tại sao phải từ 1, mà không là cuối? Cuối đội mới công bằng! Ba tháng trước đang dỡ chừng nay bắt làm lại; có phải hai lần?

- Đúng. Đội 5 là đội cuối, phải bắt đầu! – Nhiều tiếng lao xao.

- Đúng! Đội 5 bắt đầu. Ai, là đội trưởng đội 5, giơ tay lên! – Ban nhìn quanh.

- Thằng Ban lú rồi! Mày là trưởng lớp, ngồi cuối dãy, đầu bàn, nên mày là đội cuối cùng. He… he… thằng Ban có mêdzợ qué, nên lú lẫn!

- Cái bánh “bỉm” hại nó! He… he…

- Ban! Cái bánh “bỉm” hình thể nó thế nào? – Thằng Đại, cười rú lên.

- Nó, như cái bản mặt Cảnh sát thằng cha Ngụy của mày! – Ban nói nhưng không nhìn một ai, vì hắn biết tiếng cười rất quen thuộc này.

Thằng Đại tím tái cả mặt. Hắn im re!

Ngoài bốn đứa, Ban là một trong những khuôn mặt khá thân trong phố Thành.

Thằng Ban, là dân bên kia Đại Điền. Năm lên lớp Đệ ngũ, hắn không dám ngủ đêm ở quê. Ban có người chú ở Thành, nên đêm nào cũng qua đây ngủ vì sợ Việt cộng bắt lên núi. Thi thoảng, Ban, Tuấn cùng hai thằng bạn nữa thường kéo nhau về Vườn Trầu nhà thằng Đại chơi: học bài chung, làm thơ, sáng tác nhạc… nên rất thân nhau. Ban cũng biết, ba thằng Đại làm cảnh sát ở Chi khu Diên Khánh với cấp bậc Trung sĩ nhất.

Lúc tan hàng, ông cũng chạy vào Cam Ranh như mọi người lính khác, để tử thủ. Nhưng đến Suối Tiên bị đám du kích, lẫn bộ đội chính quy, tràn ra đánh, cắt đôi đoàn quân di tản, ông phải chạy trở về ngay hôm đó trên chiếc xe jeep, bỏ trong Vườn Trầu.

Nhà thằng Đại giầu lắm. Ba nó có ba căn nhà ở phố Thành của nội, ngoại để lại. Hai căn kia để Cô, Dì nó buôn bán hàng tạp hóa và tiệm bánh Trung thu. Nó chiếm một căn, với mấy đứa em trai. Gia đình ông Thuận Thanh có 10 cô con gái, thì gia đình nó có 10 thằng con trai. Năm thằng lớn, sinh năm một, sống ở phố, năm thằng còn lại sống với bà mẹ Công chúa giàu sang, có kẻ hầu trong vườn cây ăn trái lớn ở Vườn Trầu, mà đa số là trồng cây vú sửa. Như đã nói, Vườn Trầu là đất mất an ninh về đêm, nên Ba nó bắt nó ra Thành sinh sống và đi học, vì sợ mấy ông du kích trên núi xuống bắt đi.

Mỗi mùa vú sửa ra trái, đến gần cuối mùa thu hoạch, nhìn năm anh em nhà nó dẫn bạn về hái ăn, Tuấn xón cả tâm can. Bọn học sinh vừa tìm kiếm những trái vừa chín tới ăn, vừa đạp những nhánh vú sửa gãy gập xuống, chờ. Hai ba hôm sau, những trái vú sửa chín dấm ấy, được bọn học trò nghịch ngợm kéo cả cành xuống ăn tiếp.

Đại là con mọt sách trên mọi con mọt sách. Nhìn tủ sách cho thuê của nó không thua gì thư viện nhà trường, ai cũng nể nó. Tuấn, may mắn được đọc tủ sách của nó, cộng tủ sách gia đình ông Năm, đó là nền tảng căn bản để vào đời của anh.

- Thằng Ban bò, sao kỳ vậy?

Tuấn bỏ nhỏ tai Đại. Hắn đứng im re. Cái cảnh ông bố hắn, đang nhấp nhỏm từng ngày, trong vườn cây ăn trái thênh thang ở Vườn Trầu, làm Đại lo ra.

- Dường như thằng Ban đã thay đổi? Đôi mắt là biểu hiện cho một linh hồn trong sáng! – Đại rên rỉ.

&

Đọc những sách báo ở miền Nam tự do, Tuấn biết: Trong cách tổ chức guồng máy chính quyền, có lẽ không một tổ chức chính trị nào hoàn hảo bằng người Cộng sản.

Đó là tuyên truyền!

Đi đến đâu, họ cài cắm đến đó, dù có bị giết chết, hoặc cơ sở tan hoang, họ vẫn làm.Chưa chắc họ hiểu biết, hoặc thông suốt, vì thường khi ở núi rừng hoặc sống chui rút nhiều hơn ngoài đời.Cái máu “cướp” của họ là tiêu chí đầu tiên. Cán bộ chết, sẽ có người khác thay thế!

Trong giáo dục cũng vậy.Suốt ba tháng trong trận chiến cuối, từ Bắc vào Nam, họ cài cắm những nơi đã từng đi qua.Giữa tháng 5, 1975, trường Trung học Diên Khánh đã có 5 giáo viên từ ngoài Bắc vào chiếm đóng.

Ông Hiệu trưởng: một gã nhà quê nói ngọng, l thành n và ngược lại. Chính trị viên học đường là một gã vô cùng khó hiểu đến quái dị: Gã luôn đeo kính đen dù vào trong lớp học, và bên hông cái đài nho nhỏ, bật, tắc tùy thích mỗi khi hứng.

Và một cô giáo dạy toán cấp ba, 21 tuổi, với cái quần vải đen nhăn nhúm, áo vải màu xanh của lính đến thảm hại, ngực chùn thẳng xuống như đeo yếm đào, của thế hệ trước.

Không hiểu bằng cách nào, lão Tôn bây giờ là Giám thị trường trung học Diên Khánh.

&

Thằng Ban ở đội 5, cắm cúi dọn lớp học sau ba tháng nghỉ học vì chiến tranh đến hồi kết thúc.Ở đội 5 có 5 nam và 5 nữ. Ban toán, thường rất ít nữ sinh. Nhưng đã là nữ sinh ban toán, thì khỏi chê! Các cô luôn vượt qua các bạn nam sinh, gần như dẫn đầu, ngoại trừ Tuấn. Thằng Ban vừa dọn, quét, vừa rên.

- Mẹ. Có năm bà Công chúa cũng như không! Chỉ bọn con trai là thiệt thân.

Đám con trai học sinh nghe vậy cười khoái chí vỗ tay. Thằng Ban ngừng tay quét dọn, lõ mắt nhìn ra hăm dọa.

- Cười. Cười gì? Muốn tôi ném, như ném bò!

- Ném đi, ném đi! Ném thằng nào có tên Ban bò trước nhất! He he…

Ban bò uất ức đi vào lớp.

- A ha. Các bạn nhìn kìa. Bên A1, có hai tiểu thư áo dài…

- Ê, thằng kia! Giờ này, con nào dám áo dài?

Quả thật, chỉ sau một trận “cuồng phong” rất ngắn, lớp lớp “ngoài kia” tràn vào với mũ tai bèo và áo bộ đội xanh dành cho mọi tầng lớp, không hơn hai tháng, mọi áo dài cổ truyền Việt Nam, dường như mất biến vĩnh viễn không một lời chay tịnh, bái đưa vĩnh biệt. Đàn bà, quần lãnh đen hoặc xám xỉnh, nhăn nhúm xuất hiện ngày càng phổ thông hơn. Cái áo dài mất biến trên những thân hình thuôn thả của các giáo sư trẻ kính mến trước kia.

Mọi thứ đều đảo ngược. Trong sân trường ngày ấy, không còn là: nam sinh, áo trắng quần xanh, nữ sinh áo quần dài trắng. Giờ là mọi thứ màu hổn độn, đập vào mắt mọi người.Một thứ vô trật tự, cố ý, làm bung xung lên. Thậm chí không còn một chiếc xe máy nào, đậu ở nơi dành riêng cho các giáo sư lúc trước. Chỉ xe đạp, sau hai tháng cách mạng thành công!

Điều đó cho biết rằng: Người dân miền Nam, rất nhạy bén với thời cuộc!

Pages: 1 2 3

2 Phản hồi cho “Hạt Ươm Hư [4]”

  1. Idebenone says:

    “Trần lão Tam, liền ngươi kia tính tình còn muốn khuê nữ, cũng không sợ nhà các ngươi kia lão mẫu ngưu vắt sữa chết đuối ngươi……” Gầy tử cười nhạo nói, người chung quanh cũng đi theo cười ha ha, trần lão Tam lão bà là cái mập mạp, kia thể trọng là lão Tam gấp hai, kia chuyện phòng the…… Ha ha…… Đoàn người hiểu lòng không tuyên đều nở nụ cười.

  2. Chim Gõ Kiến says:

    Đọc chưa đến cùng, nhưng thật tê tái nỗi lòng.
    Từ những “hạt ươm hư”, mà “thời đểu cáng” đang lên ngôi!

Phản hồi