Hạt ươm hư [8]
Chương 22
Ngày đầu tiên về cái đồn công an vũ trang (còn gọi là biên phòng) trên một ốc đảo hoang vắng, giữa sóng nước trùng khơi, Tuấn ngửi thấy một không khí trầm lạ đến lạnh lùng. Bọn lính cũ và mới nhìn nhau như dò xét từng hành động, đi đứng của nhau.
Bữa cơm đầu tiên trên đảo là món đầu cá thu kho mặn và cũng đầu cá thu nấu canh bí đỏ. Đó là một bữa tiệc lớn trong đời lính của bọn tân binh như Tuấn, sau 6 tháng quân trường đói rét, thiếu ăn đến thảm thương. Nó ngon tuyệt. Những miếng bí đỏ đến ngọt ngào tận chân răng. Nhưng chỉ đến tuần sau, Tuấn nhìn thấy những cái đầu cá đủ mọi loại đã ớn đến tận óc. Sau này, Tuấn biết, số cá này được thu thuế của người dân làng chài đảo Bình Ba, do công an vũ trang chủ quản. Lão thiếu tá trưởng đồn đã lấy số cá thu thuế hàng ngày này, làm chiến lợi phẩm cho chính lão và một số sĩ quan miền Bắc, đem thân cá phơi khô rồi chia chác cho nhau gửi về đất Bắc. Dĩ nhiên, bọn lính thừa hưởng những cái đầu, cái đuôi, cái mang cá… còn thừa lại cho những bữa ăn nhàm chán đến khốn khổ! Sáng, trưa, chiều… cá cá cá, bí đỏ, bột mì, mì sợi, cùng hai chén cơm, cho xong đời lính. Thủ trưởng và sĩ quan, dĩ nhiên ăn cơm đại táo, có anh nuôi phục vụ ân cần.
Buổi chiều đầu tiên, sau cuộc họp, Tuấn về phòng nằm miên man suy nghĩ.
Chẳng lẽ, đời anh sẽ nằm mãi trên cái ốc đảo hoang vắng này, không lối thoát ra? Anh đã quyết hy sinh đời học trò của mình, để đi tìm một chân trời mới đầy tự do, nhân bản hơn. Anh không muốn là Hạt Ươm Hư trên một đất nước đã hòa bình mà sự thù hận còn tràn đầy có chủ mưu rõ ràng của những kẻ nắm vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Chợt anh nghe tiếng quát và tiếng khóc từ xa vọng lại bởi gió đưa về.Tuấn ngồi bật dậy, nhìn ra ngoài, thấy trời đang thấp dần. Lính đang tụ tập ở tầng lầu trên trong phòng giải trí. Tuấn bước ra khỏi phòng, ngóng tai nghe. Đúng là có tiếng quát từ xa vọng lại đâu đây. Tuấn đi ra hành lang ngó dáo dác. Anh nhìn ra tòa nhà đầu tiên, thấy có ánh đèn lù mù, lấp lánh. Tò mò, Tuấn lần theo con lộ đá nhấp nhô. Anh nghe những tiếng quát lớn hơn. Tuấn khum người đi lần theo tiếng quát, anh đi lẩn trong những lùm cây um tùm trong buổi chiều trời chạng vạng. Tiếng quát, càng lúc càng lớn hơn, thôi thúc óc tò mò.Anh bò toài trên đá, nhè nhẹ trườn người.
Trong tòa nhà hoang phế, đổ nát sau chiến tranh, còn soát lại cái nền nhà cement, đập vào mắt anh, là những con người ngồi tụm nhau một chỗ, đôi mắt hãi hung, nhìn ông thiếu tá trưởng đồn, truy vấn. Trên cả trăm con người, ăn mặc nheo nhóc, dơ bẫn đang ngồi bệt dưới thềm cement ôm nhau sợ sệt. Nồi niêu, xoong chảo đổ tung tóe, cùng với gạo trắng, thực phẩm vươn vãi khắp nơi. Một mùi khai nồng, đến lợm giọng khi nơi đây chứa hơn trăm con người bị nhốt chung một chỗ, có lính canh.
Tuấn chợt hiểu! Thì ra, đây là những con người VN đang trốn chạy khỏi cái đất nước đã sinh ra mình, để tìm một cuộc sống khác, không có nhà tù, trại cải tạo, trả thù và đói khổ vừa thành hình sau chiến tranh.
Chỉ hai năm, người dân miền Nam đã nhìn ra chế độ tồi tệ này; không như miền Bắc, phải hằng trên hai chục năm họ mới nhìn ra! Vì sao? Tuấn nghĩ: người CS đã quáng mắt trước một miền Nam trù phú, giàu có, nên lòng tham dấy mạnh, mà quên đi chính sách “tầm thực” dần dần cai tri dân, như miền Bắc trước kia. Giờ đây, ở miền Nam, sau khi thống nhất đất nước, không còn kẽ thù để ứng phó, họ rãnh tay hơn, cướp công khai: vào – vê – vét – về… mặc nhân dân ta thán bị đánh đập, bắt bớ một cách tùy tiện.
Trước mặt lão thiếu tá, là cái nón cối lật ngữa, trong đó có những lượng vàng lá và đô-la Mỹ, gần như đầy ắp.Lão gằn giọng trước một ông trung niên, áo quần tả tơi.
- Những lượng vàng, do dân vượt biên nộp để đi, mày để chỗ mô, khai cho mau, tao tha!
- Thưa ông cán bộ. Con đã khai hết rồi ạ.
- Thằng này láo nhễ. Không có cãi mà nì! Trên trăm người vượt biên, mà chỉ có ngần này tiền và vàng nhễ. Chúng mày tưởng tao không biết bọn miền Nam giàu có đến mức nào nhễ?Tao đánh cho lòi hết vàng và đô la ra nhé. Bọn chúng mày, là lũ vô quốc gia, vô tổ quốc, vô gia đình, chỉ biết bám chân bọn đế quốc Mỹ, thằng sen đầm quốc tế. Chúng mày, là bọn ăn canh thừa cơm cặn, phản bội dân tộc, tổ quốc bỏ quê hương xứ sở. để đi theo chúng!
Lão tát người đàn ông, là chủ tàu – người tổ chức vượt biên, té chúi.
- Phản quốc nì. Phản quốc cầu vinh nì.Đồng chí Quang đâu? Tra tấn tụi này, cho lòi vàng ra nhễ!
Tên Quang to lớn dềnh dàng như con báo, sáng nay Tuấn từng gặp, bước ra từ một ngóc ngách nào đó, trong tòa nhà đổ nát. Gã nhìn người đàn ông, lớn tuổi, mà gã có thể gọi bằng cha ở ngoài đời, không chớp mắt, đe dọa.
- Đến giờ phút này, mà mày không khai ra hết à?Này nhé.Mỗi một đầu người, chúng mày lấy ít nhất là 2, 3 cây vàng. Sao có chừng ni? Nói tao nghe thử! – Gã đập đập cái nón cối xuống nền.
- Thưa cán bộ. Bọn con nghèo, chỉ gom tiền nhau, mua dầu mà đi, làm gì có vàng mà nộp nữa ạ!
- Thằng láo nì! Thằng láo nì! Mày còn chối hỉ? – Cái giọng Quảng Nam của gã vang lên the thé. Gã bắt đầu nổi điên.Gã rút đôi dép “lốp” dày cợm, vả tận lực vào mặt ông chủ tàu liên tục. Máu đổ ra, rồi từng chiếc răng rớt lộp cộp xuống nền cement. Người đàn ông, đổ cả người xuống nằm bất động trên vũng máu.Một ông khác bị kéo ra khỏi hàng, tra tấn tiếp.
- Bây giờ đến thằng ni! Tao đánh đến khi nào bọn mi phải khai ra, vàng giấu ở mô, hè.Mày liệu cái thần hồn hỉ. Muốn còn răng ăn cơm mô?
- Thưa cán bộ, con không biết gì. Con chỉ đi ké thôi ạ.
- Tao bất biết. Chúng mày cùng xuồng, đi chung nhau thì phải biết thằng chủ tàu nó giấu vàng ở mô.Khai không hỉ?
Người đàn ông, mắt thất thần nhìn tên Quang cầm đôi dép lốp cao su to cợm trong tay, run lập cập.
- Con thật không biết ạ.
“Bốp. Bốp!”
- Không biết nì. Không biết nì…
Gã Quang, quật đôi dép râu xối xả vào mặt người đàn ông đi vượt biên. Máu đổ và những cái răng rớt ra.
Tuấn nhắm mắt lại, không muốn nhìn cảnh đánh người vô cùng dã man của tên lính từng được gọi là lo cho dân và vì dân! Là một thiếu niên bước vào đời khi còn rất trẻ vì mồ côi cha, Tuấn chỉ khóc một lần khi rời bà Mẹ điên để đi ở đợ người thân.Từ đó, anh sống một cuộc đời gần như tự lập.Có khóc, anh khóc vào những đêm khuya cho số phận hẩm hiu của mình, trong một đất nước chiến tranh và tàn phá nhân phẩm con người.Anh nhìn cuộc đời này, như nhìn chính anh, nó tàn nhẫn dường nào; nhưng anh chưa hề khóc trước mặt mọi người. Anh chỉ khóc, khi nhìn những đứa trẻ lai Mỹ, lớn lên trong một trại mồ côi do chính quyền VNCH lập nên, bị CSVN pháo kích và tàn sát. Anh chỉ khóc, cho cái ngày Nha Trang, Diên Khánh của anh, rơi vào tay quân Bắc Việt; và bây giờ anh khóc cho thân phận bèo bọt của những thuyền nhân VN bị bắt trong cuộc vượt thoát, trốn ra khỏi một đất nước có Quỷ và Người sống chung nhau, cướp bốc nhau và hành hạ nhau!
- Ta là Quỷ hay là Người? – Tuấn tự hỏi chính anh!
Dĩ nhiên, giờ này Tuấn đang là một con Quỷ, khoác bộ cánh áo công an của… nhân dân! Nhưng anh biết, anh là… một con Quỷ biết khóc cho thân phận người.
Ôi thân phận con người VN sau hòa bình lập lại, sao mà não nề!
Người ta nhân danh một chính quyền do dân và vì dân, tra khảo tội nhân bằng những chiếc dép lốp, cắt ra từ bánh xe cao su, vả vào mặt người dân rụng từng chiếc răng, mà mặt tỉnh bơ đến lạnh lùng. Những cây vàng 999 đã làm mờ mắt tình đồng chủng máu đỏ, da vàng.
Hèn chi, cả ngày hôm nay khi nhập lên cái ốc đảo nhỏ bé này, Tuấn thấy cái không khí nó lạnh tanh mang mùi hôi hám. Đã bao nhiêu chuyến vượt biên bị bắt sau hai năm đất nước hòa bình?Chắc rất nhiều.Và lão thiếu tá trưởng đồn, đã cướp vàng của dân chừng ấy chưa đủ thấm lòng tham?Nhìn những người đàn bà và những đứa trẻ mắt hoang dại vì sợ, Tuấn nhói lòng lên.Anh không muốn nhìn sự dã man giữa người và người, còn thua loài thú vật, đành rút lui trong im lặng.
Quê hương, đất nước… ta đó, người ơi. Chỉ là một bọn người xảo ngôn, máu lạnh hơn loài quỷ dữ!!!
Anh quay người định đi về “láng”. Một bóng người, đứng trước mặt Tuấn sừng sững, làm anh rụng rời tâm can!
&
- Cậu ra đây làm gì? Chúng nó mà biết được, là khổ thân cho cậu đó, biết không! Chúng là lũ cướp biển tân thời, đang có mặt trên khắp địa đầu lãnh hải của đất nước ta đấy.
- Ôi, anh Thăng ơi. Anh làm tôi hết hồn.
- Suỵt, nói nho nhỏ thôi. Đi ra khỏi đây mau, chúng mà biết được…
Thăng kéo tay Tuấn đi nhanh về căn lầu. Cả hai chạy chập choạng, trên con đường đá nhấp nhô, bóng tối đang bắt đầu chụp xuống.Khi đến cái giếng con con của đồn, Thăng thở phào ngồi dựa vào vách giếng, nói.
- Sao cậu dại thế, thằng lính. Tò mò làm chi, khi vừa mới về cái đồn này.Tôi coi cậu như em, có gì thắc mắc gặp tôi mà hỏi, chứ đừng có đi quanh quẩn ở đây. Thằng Quang, là thằng tối nguy hiểm nhất trong cái đồn này. Mày nhớ nhé. – Thăng đổi giọng. Nó sẽ làm bất cứ cái gì, mà lão thiếu tá sai bảo. Nó là một thằng thiên lôi và là cánh tay phải đắc lực của lão trưởng đồn. Lão bảo gì nó cũng dám làm, như một thằng đầy tớ trung thành.
- Tại sao bọn chúng có quyền đánh người và ăn cướp đến tự tiện như vậy?
- Bởi, chúng là chúa đảo. Chúng ăn cướp từ địa phương, rồi chia chác lên đến trung ương, mà ít người biết, vì không nằm trong chăn, nên không biết có rận.
- Anh Thăng. Anh tin tôi đến dường nào mà nói những điều không nên nói, khi chúng mình chưa hiểu nhau nhiều?
- Trong ánh mắt mày. Thằng khờ ạ! Tao nghĩ, nếu mày còn ở lâu trong ngành công an này, rồi cũng có ngày bóc lịch mau thôi cậu nhóc ạ. Là công an vũ trang, mày phải biết giấu cái ánh mắt và lời nói của mình. Tao đây, đã hai năm lính, từ tháng tư 75, vì ông già là xã đội trưởng sau hòa bình. Tao cứ nghĩ, con cái đảng viên, là rường cột của đất nước nên tha hồ phát biểu, để đến nỗi sau khóa học hạ sĩ quan hàng hải ở Vũng Tàu, chúng “đì” tao ra cái đảo “khỉ ho cò gáy” chết tiệt này.
- Anh đi từ đầu tháng tư 75 à?
- Đúng. Ông già tao, bắt tao đi, để động viên đám thanh niên trong làng. Ban đầu tao cũng nghĩ: quê hương đất nước thanh bình rồi, thì làm thằng công an vũ trang canh giữ biển đảo cho tổ quốc là điều đương nhiên của một công dân yêu nước. Nhưng hai năm trong ngành công an, tao đã nhìn ra cái chính quyền này nó thối tha đến dường nào. Đây là chính quyền ăn cướp đúng nghĩa nhất! Mày thấy đó, mới hai năm mà dân chúng không thể sống dưới chế độ, xã hội này.Người ta phải tìm trong cái chết để sống, để thoát đi khỏi đất nước này. Đã biết bao con tàu bị bắt ở cái đồn công an Bình Ba này. Chiếc này mới bị bắt hôm qua, trên cả trăm mạng người già trẻ.Rồi mày sẽ thấy, chỉ vài ngày nữa họ như những thân tàn ma dại.Thằng Quang nó đánh đến khi nào khai ra vàng mới chịu thôi.Sau đó, trả về Cam Ranh nhốt.Chúng giữ vàng chia chác cho nhau.Thế là ỉm mọi đàng.Chỉ có bọn lính mình hẩm hiu giữ đảo cho chúng làm giàu trên xương máu nhân dân miền Nam.Với cái đà này, dân chúng ngày sẽ càng vượt biên nhiều hơn. Tao nói thiệt, tao cũng…
Thăng ngưng ngang.
- Sao anh Thăng?
- Thôi, không có gì. Đi ngủ sớm, tối còn trực ca đêm. Này Tuấn, nhớ đừng nói cho ai biết vụ này nghen.
&
Cuộc sống ở đảo thật quạnh quẻ, đìu hiu. Đây là một đảo đá nằm chơi vơi trong lòng vịnh Cam Ranh, trong hàng trăm đảo đá khác. Cũng may, đảo này có lập làng vì tương đối lớn với số cư dân trên dưới ngàn người, đa số sống về chài lưới. Buôn bán thì tuyệt không có gì cả, ngoài một cửa hàng mậu dịch mới lập ra sau này. Dân chúng trên đảo muốn mua thứ gì, đều phải vô thị xã Cam Ranh, có công an đi kèm kiểm soát.
Trong làng có một ngôi chùa cổ, có hai vị ni cô, một già, một trẻ trông nom nhang khói.
Khi Tuấn về đảo Bình Ba, ni cô trẻ đã hoàn tục trước đó không lâu, vì bị dò xét đến trắng trợn của gã Quang. Gã bảo, tôn giáo là thuốc phiện cần phải dẹp đi.Cứ cuối tuần, gã đi loanh hoanh quanh chùa, như cấm cửa các phật tử muốn đến cúng chùa.Riết dần, ngôi chùa lạnh lẽo khói hương. Chỉ cò đám công an vũ trang thường bám quanh chùa… dân vận vị ni cô già.
Một cuối tuần được nghỉ, Thăng kéo Tuấn vào làng, anh nói.
- Vào cho biết chỗ này!
Hai đứa đi loanh hoanh, dọc bờ biển rồi vào làng, đến trước ngôi chùa.Thăng chỏ miệng gọi.
- Bà ơi. Con, Thăng đây.
Vị ni cô già, ra mở cổng và trao gáo dừa đựng nước như thường lệ cho Thăng, nhìn Tuấn nhỏ nhẹ, hỏi.
- Con là lính mới à?
- Thưa, Sư bà, vâng ạ!
- Mô phật. Đừng gọi tôi là Sư bà nữa.Hãy gọi tôi là bà Năm giữ chùa.
- Sao vậy ạ?
- Đó là ý muốn của ông trưởng đồn. Còn Thăng, con ra làm sao rồi? À, hai con ăn gì chưa? Bà có cặp bánh tráng nướng, để trong kệ với đòn bánh tét chay.Để bà lấy nhé.
Thăng bước vào chùa, nằm trên chiếc võng đong đưa, một cách tự nhiên. Anh nói.
- Bà ạ. Tuần tới, con về Nha Trang công tác, bà gửi mua gì không ạ?
- Cũng như lần trước. Con mua cho bà hương, ít bánh trái để bà cúng chùa nhé.
Vị Sư già cầm đòn bánh tét, hai cái bánh tráng nướng, đã nhúng nước cùng chén tương bằm ớt đặt xuống võng, cười móm mém.
Tuấn ngạc nhiên, nhìn vị Sư già và Thăng đối đáp, như tình mẹ con. Anh không tin ở con mắt mình! Một tên hạ sĩ quan cộng sản như Thăng, lại ăn nói điềm đạm với vị sư già như anh chưa từng thấy ở xã hội này trong hai năm qua. Lý do gì, Thăng dẫn Tuấn vào đây như một tình cờ có chủ kiến?
Một thắc mắc lớn trong anh!