Hạt ươm hư [8]
Chương 23
Buổi trưa, trời đứng gió.
Tuấn ngồi trên lan can hành lang, nhìn những ngọn trúc đào, cánh lá nhỏ như lá tre và dày, đang trổ hoa đỏ chóe. Một màu đỏ đang khoe màu trên ốc đảo chơi vơi trong lòng vịnh Cam Ranh, thật ảm đạm làm sao! Nắng vàng rựng, tỏa ra sức nóng, làm không một người lính nào có thể ngủ được giữa buổi trưa hè gần cuối tháng tư. Bọn lính cởi trần trùng trục, phân chia hai nhóm Nam, Bắc ngồi đấu láo và đánh cờ cho qua buổi trưa hanh nóng. Ở nơi hoang vắng này, công an vũ trang không có việc gì để làm. Tăng gia sản xuất cũng không được, vì đây là một đảo đá, không có đất đai trồng trọt. Họ chỉ ăn bám vào dân và dựa dân để sống, bằng cách thu thuế những mùa đi biển của làng chài.
Chỉ có ban đêm là công an bắt đầu làm việc. Họ chia nhau tỏa ra đi khắp làng Bình Ba, rình rập cuộc sống về đêm của người dân.Trong tâm thức của người CSVN, không dường như, mà, chắc chắn, người dân là một cái gì đó, họ không bao giờ tin tưởng. Người CS thường rêu rao: Quân với dân như cá với nước! Đó là một điều bố láo vô cùng trầm trọng! Cũng như, họ thường nói: Mọi tài sản, đất đai là của nhân dân, nhưng do nhà nước quản lý và đảng lảnh đạo, quyết định. Về đêm, họ trở thành những con cú đi lang thang, nhỏng nhảnh hai tên một nhóm xộc khắp xóm làng, ném đôi mắt cú vọ vào tận ngóc ngách đời sống riêng tư của người dân. Họ xét soi, nghe lén từng hành động lời nói để báo cáo lên cấp trên lập công trạng. Họ tương phản những gì mà hàng ngày người dân thường thấy họ vào làng dân vận, dân trí, làm quen thật thân thương. Họ gọi những người đàn bà lớn tuổi bằng Mẹ một cách ngọt ngào trơn tru. Như trong làng Bình Ba này, có gia đình bà Bảy Hòa là một ngư dân có của ăn của để, giàu nhất làng. Bà là tâm điểm, mà lão thiếu tá trưởng đồn luôn để mắt tới. Lão thường cảnh báo bọn lính.
- Vợ chồng con mụ Bảy Hòa là tư sản đấy nhá các đồng chí. Con mụ này, trước sau gì cũng chạy theo liếm đít bọn sen đầm đế quốc Mỹ ăn bơ thừa. Các đồng chí hãy luôn cảnh giác và đề phòng con mụ này thật chặt chẽ nhễ. Mụ có tàu lớn, thế nào cũng vượt biên mà thôi.Các đồng chí nì, phải bám chặt mụ.
Gã trung sĩ Quang là kẻ sốt sắng nhất trong vấn đề này.Đêm nào, gã cũng đi mấy vòng, quanh nhà bà Bảy Hòa rình rập, nghe lén, thì đêm ấy gã ngủ mới yên giấc. Thậm chí, gã mang mùng mền, súng đạn xuống một trong hai chiếc tàu của công an vũ trang, neo ở cầu tàu ngủ hàng đêm để tiện theo dõi. Nhưng ngày lên, khi gặp bà Bảy Hòa trong làng, hoặc ngoài cầu tàu, gã gọi Mẹ Bảy ngọt sớt! Lính chả ai ưa thói nịnh bợ của gã, nhưng gờm gã ra mặt…
Tiếng máy tàu nổ “xình xịch” đang dần cập cái bến cảng sâu hun hút ngoài kia không xa lắm hơn trăm thước. Gã Quang cùng đi vào với anh lính.Tiếng kẻng báo động chợt đánh lên từng hồi một. Đây là báo hiệu tập trung cả đồn công an. Nếu là kẻng dồn dập, công an phải trình diện với đấy đủ súng ống quân trang, chỉnh tề.
Tuấn vào hàng, sau khi khoát vội áo quần.
- Ô, kìa. Thằng tân binh Hưng, từ đâu chui ra, sau hai tuần vắng mặt, nay đi cùng gã Quang? – Tuấn nhìn Hưng thắc mắc. Anh giơ tay chào Hưng, cười. Hưng tháo cái ba lô con cóc, ném cho Tuấn rồi đứng im nhìn ông thiếu tá trưởng đồn. Lại không chào theo quân kỷ như mọi loại quân đội trên thế giới. Cả hai lỏ đôi mắt ra nhìn nhau.
- Nghiêm! Đồng chí tên chi?
- Báo cáo đồng chí trưởng đồn, tôi, Trần Hưng trình diện ạ!
- Đồng chí không phải trình diện, mà, đồng chí bị bắt về tội đào ngũ hơn hai tuần! Tôi đã cử đồng chí Quang về xã nhà đồng chí, bắt đồng chívề đồn.Nhớ nhé.
- Báo cáo đồng chí trưởng đồn. Tôi có được thưởng hai tuần, sau sáu tháng quân trường học tập, như những gì ông đại đội trưởng đồn 301 hứa, nếu tôi là một tân binh xuất sắc trong suốt khóa học sáu tháng. Tôi đã đạt tiêu chuẩn ấy, nhưng khi khóa học kết thúc, ông đại đội trưởng làm như… không nhớ mà lờ đi. Vì thế… tôi tự được thưởng phép ạ!
- Không có cãi mà nì! Đồng chí đi phép vô nguyên tắc như thế, mà còn cãi chầy nhễ!
- Báo cáo đồng chí! Quân lệnh đã nói ra, trước cả 300 tân binh đồng chí, lại là đùa sao ạ?
- Không có cãi mà nì!!! Nhốt đồng chí Hưng vào “cô-nét” đồng, cho tôi.
“Cô-nétttt…”
Lão thiếu tá gào to đến đỏ mặt. Gã Quang, chỉa ngang hông Hưng cây P.38 dẫn ra cái container gần mé giếng, mở cửa bằng sợi dây kẽm to, đẩy Hưng vào.
- Tôi phản đối! – Hưng gào to. Gã Quang đóng mạnh cánh cửa container bằng sắt, nghe một cái “rầm”, rồi móc sợi dây kẽm, khóa lại.Hưng đá cánh cửa ầm ầm.Lão thiếu tá nói.
- Nhốt hắn 48 giờ cho tôi mà nì! Không cho ăn, uống gì cả.Quân lịnh.Nghe chửa?!
Trời nóng bức, đến oi ả. Tuấn nghĩ đến cái lò bánh mì, thầm lo lo cho Hưng.
Thì ra câu chuyện là thế! Ngày còn học trong quân trường, bộ chỉ huy đại đội có ra thông cáo: Trong suốt 6 tháng quân trường, tân binh nào học giỏi về võ thuật và bắn giỏi nhất đại đội, sẽ được thưởng hai tuần phép trước khi về nơi công tác mới. Trong quân trường, Hưng có tiếng giỏi võ, hắn đánh ngã và thắng tất cả mọi tân binh. Ngày thi bắn hai loại súng AK. 47, và CKC, sáu viên đạn của Hưng đều ghim điểm hồng tâm của bảng bắn ở cự ly 150 mét. Đến ngày ra trường, không nghe thông báo gì ở ban chỉ huy đại đội, khen thưởng; Hưng đã tự động… thưởng mình bằng cách đi phép hai tuần trước khi về nhận nhiệm sở mới.
Cu cậu cũng liều và lỳ thật! – Tuấn nghĩ.
&
Trong quân trường, Tuấn và Hưng có nhiều kỷ niệm của thời tân binh.Tuấn ở A.6, Hưng ở A.7. Hai A lại cùng ở chung một “láng”, vì thế những ca trực về đêm, cả hai A cùng cử tân binh cùng nhau trực. Tuấn thường trực cùng Hưng rất nhiều lần, nên dần thân nhau đến tin tưởng. Tuấn nhớ, có một đêm trực khoảng từ 2 đến 4 giờ sáng, hai đứa đói quá, vì thiếu ăn triền miên của tuổi đang lớn. Hưng ôm cái bụng đang sôi ọt ẹt, nhăn mặt rên.
- Đói quá, Tuấn ơi. Có gì ăn không mày?
- Có!
- Đâu nào?
Tuấn chỉ đám rau xanh, ngang hông đồn, (đại đội bắt lính trồng bất cứ thứ cây cỏ gì có thể ăn chống đói, trồng quanh khung huấn luyện, cũng như cả miền Nam này, cuốc đất trước sân nhà trồng khoai lang, mì và nuôi heo, gà… trong nhà) nói.
- Cứt của tui nè. Ông ăn hông?
- Đ.M. thằng xỏ lá!
- Tại ông không chịu ăn thôi, chứ cả 300 thằng tân binh trong quân trường này ngày nào, không ăn cứt… của chính mình, ông nhỉ. Này nhé, mảnh đất trồng rau sau các láng, quanh đồn… ngày nào mà tân binh chẳng múc cứt của chính mình tưới lên rau cải, để cải thiện thức ăn hàng ngày. Nếu có cứt, mà ăn được tui cũng ăn, chứ chẳng từ!
- Mà quả thật, bây giờ nhớ lại, tui vẫn còn rùng mình. Những cây cải, trái cà, củ khoai… được tưới lên bằng phân người còn hừng hực nóng hổi khi vừa phóng uế! Chế độ ưu việt, nướng trên cả triệu thanh niên miền Bắc, suốt dãy Trường Sơn; bây giờ đói nghèo đến thê thảm, miếng ăn không có, phải trộn với cứt mà ăn và nợ đầy đầu! Cái nợ to đùng này, ai phải trả đây, mày nhỉ?Mẹ kiếp nó.Tao, mày, nhân dân cả hai miền đất nước, biết trả đến bao giờ mới xong?
- Mẹ kiếp, thuộc bài dữ há. Nè. Có cái này ông dám ăn không? – Tuấn hỏi nhỏ.
- Đừng đùa nha. Tao cho một báng A.K vào bụng thật đấy!
- Hồi chiều, tui thấy dưới nhà hậu cần, có nhốt mấy con gà nhỏ bằng nắm tay trong lồng tre. Tui nghĩ, mấy thằng “anh Nuôi” nuôi gà, để “cải thiện” đời sống. Dám bắt ăn không?
- Hừm… Tụi nó cũng như tụi mình! Đói cũng phải “cải thiện” chứ!
- Mẹ. Bọn “anh Nuôi” này, cũng biết ém tiền lính khi đi chợ chớ.
- Ừ nhỉ!
- Vậy thịt nhé!
- Ừ, thịt!
- Dám không?
- Hừ. Hỏi ngu. Đói bỏ mẹ. Sao không dám!
Tuấn đi về phía hồ bơi tập thể, móc một dúm bùn thật to, đưa cho Hưng.
- Mẹ. Ăn bùn à? Đừng đùa nữa Tuấn.
- Ông canh gác cho kỷ. Tôi đi bắt gà đây. Có gì báo động cho biết!
- Bằng cách nào?
- Mẹ. Chỉ được cái to con, mạnh bạo hơn người. Ho, hay khạc nhổ cho to lên là báo động đó cha!
- Ờ, hén… mày thông minh.
- Ăn cứt riết rồi mới nghĩ đến ngu sách chôm chỉa này đó cha nội. Tui cũng đói lắm rùi.
Tuấn vòng qua bể bơi tập thể, len lén nhập vào khu hậu cần, nơi nấu ăn tập thể cho lính. Nơi đây, lúc nào cái bếp Hoàng Cầm cũng luôn giữ lửa. Tuấn nâng hai con gà bé tẻo, bẻ quặt cổ ra sau, im lìm rút về bót gác. Anh lấy bùn, trét hai con gà bé tí, chạy trở lại nhà bếp, vùi hai cục đất vào lửa đỏ.
Đêm ấy, cả hai có một bữa ăn chống đói. Mặc hậu quả ngày hôm sao, ai lãnh trách nhiệm.
Đói quá chính quyền ơi!!!
&
Một đêm, vào khoảng hai giờ sáng, đang gác, Hưng nói.
- Đêm nào cũng gác như thế này, tao hổng an tâm chút nào.
- Sao vậy?
- Tao nghe phong phanh, ngoài Vạn Giã, gần nơi tao ở, có ông thiếu tá ngụy bị bắt cùng gần chục ông khác, vì nổi dậy chống chính quyền cách mạng, bị bắt và bị xử tử hôm tao về phép ở Dốc Ké gần Đại Lãnh. Mẹ, tụi mình gác vào ban đêm, mà súng thì mấy ông ở bộ chỉ huy không phát cho một viên đạn, thì làm sao chống quân thù, nếu họ tấn công ta ở đây. Cầm cây AK.47 như cầm khúc cũi, không hơn kém.
- Tui cũng nghĩ hoài về vấn đề này, nhưng biết giải quyết làm sao?
- Chả lẽ, cứ cầm khúc củi mà dọa dân sao? Tao nghĩ, mấy thằng Bắc kỳ, chắc chưa tin tụi miền Nam chúng mình lắm đâu, mày ạ. Có lính nào gác về đêm để bảo vệ đồng đội mình đang ngủ, mà súng lại không có đạn! Chế độ gì kỳ vậy! Mạng chúng mình chắc mạng… chó à?
- Cũng đành chịu thua số mạng thôi, ông ạ.
- Không được. Tao không chịu thua đâu.Tao có cách rồi.
- Sao?
- Phải đi tìm đạn phòng thân mày ạ.
- Ở đâu mà có?
- Tụi Bò vàng, gác ở mấy cái bót nhỏ quanh thành phố Nha Trang.
- Ý, không được đâu! Tụi nó có súng và có đạn thật. Mình cũng có súng mà không có đạn, làm sao cướp được?
- Nó có súng và mình cũng có súng, phải không?
- Ờ, ờ… nhưng…
- Nhưng cái gì… Tụi nó làm sao biết mình có súng nhưng không có đạn!
- Ờ nhỉ.
Bọn tân binh, dù có nhiều thành phần lý lịch khác nhau: con ông cháu cha, gia đình liệt sĩ cách mạng, hoặc lý lịch trong sạch ba đời… cũng gờm nhau; đấu trí, phê bình nhau để tiến thân… nhưng an toàn mạng sống cho những đêm về sáng canh gác mà súng không được phát đạn để tự bảo vệ mình là điều vô lý. Vì thế, họ thông đồng cho nhau, chia nhau gác và canh chừng nhau, cho đồng đội đi cướp đạn để tự bảo vệ mình.
Một hôm, Hưng rủ Tuấn đi tìm đạn quanh thành phố Nha Trang. Hai giờ sáng hôm đó, hai đứa đi từ quân trường, bọc qua đường Hai Chùa, đi thẳng xuống đường Độc Lập sát mé biển (nay đổi tên Trần Phú), nơi trước kia có những snack bar sầm uất buôn bán, giờ vắng teo như chùa bà đanh. Hai thằng vác hai “khúc củi” trên vai đi nháo nhác, dọc con lộ biển, mắt lấm léc.
- Mẹ. Trời về khuya không một bóng người, thì làm gì có công an? – Tuấn rên lên.
- Có!
- Chỗ nào? – Tuấn háo hức.
- Tao và mày. He he…
Tuấn định thúc báng súng vào hông Hưng, nhưng chợt thấy một cái bóng người núp lun lúp trong một bụi dương, nhìn ra phía bờ biển. Anh dí đầu súng vào hông Hưng, đưa mắt ra hiệu. Cả hai, dừng lại vừa nôn nao lẫn hồi hộp.
- Thằng cha này làm gì, lấp ló nữa đêm về sáng ở đây nhỉ? – Tuấn nói và nhìn xuống hướng biển, thấy ba bốn người, đang núp sau những đụn cát nhân tạo. Anh nói.
- Thằng cha này định vượt biên đó Hưng.
Hưng ra dấu cùng Tuấn đi đến bụi dương.Khi chỉ còn cách hơn thước, Hưng ra lệnh.
- Lên đạn, đồng chí. Coi chừng quân địch!
“Xoạch”. – Tuấn kéo cơ bẩm cây AK.
Gã đàn ông giật mình xoay người lại, lắp bắp.
- Chào hai đồng chí. Tôi đang theo dõi đám người vượt biên.
- Đứng yên.Đứng yên, không nói… kẻo tôi bắn. Giọng Tuấn run run. Hưng kéo cái cầu vai áo công an, có cái ngôi sao, chức vụ binh D của Tuấn, nói.
- Không nên đứng gần địch, đồng chí. Này anh kia, làm gì ở đây trong đêm khuya thế này?
- Hai đồng chí là ai, ở đơn vị nào, mà lại đi tuần ở đây không báo trước? Tôi là thiếu úy công an nhân dân, đang theo dỏi đám vượt biên dưới kia…
Gã thiếu úy công an mặc cái poncho che mưa đen thùi lùi, vén áo lộ ra khẩu AK bá xếp đeo xệ bên hông và cây P.38 trước ngực,như báo cáo lý lịch của mình.
- Tui đéo biết, anh là công an hay không. Tui chỉ biết, công an không đi một mình khi đi trinh sát, hoặc bắt vượt biên! Cho coi giấy tờ!
Gã thiếu úy công an, rút cái thẻ ra trình. Dưới những ngọn đèn lù mù, Tuấn nhìn thấy một tấm ảnh mờ, có cái hình ngôi sao của bộ công an chính giữa thẻ. Anh nói nhỏ vào tai Hưng.
- Thứ thiệt đó ông!
- Tịch thu hai cây súng cho tôi, đồng chí. Anh kia, nhúc nhích, tôi bắn!
- Nhưng tôi đang quá trình công tác cơ mà!
- Anh công tác, định “ăn mãnh” một mình à?
Tuấn lấy hai cây súng, sau lời hăm dọa.
- Nhúc nhích, tao bắn!
Cả hai đi nhanh như chạy về quân trường.Chạy một khoảng, gần tới quân trường, Hưng đứng lại thở phào nói.
- Mẹ. Sao mày ngu vậy, Tuấn? Súng không có đạn, mà mày dí sát cái nòng súng vào ngực nó, lỡ nó giật lại bắn vào tụi mình sao đỡ nổi!?
- Ông cũng ngu không kém gì tôi! Ông từng nói: trong súng có đạn hay không, làm sao chúng nó biết được?!
Quả thật, tuổi trẻ có nhiều cái ngu mà họ không thể hiểu nổi khi chưa… già!
(Còn tiếp)
© Đàn Chim Việt