Đánh giá vai trò lãnh đạo của Tập Cận Bình
Lịch sử dân tộc luôn bị đe dọa mỗi lần Trung Hoa có được những nhà trị nước hùng tâm thao lược mang giấc mộng bành trướng thế lực Đại Hán, thách thức lại càng thêm nghiêm trọng nếu Việt Nam chỉ có một tầng lớp lãnh đạo… tồi (như Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà). Cho nên việc theo dõi đánh giá tài năng và tham vọng của các lãnh tụ Bắc Kinh luôn là một vấn đề quan trọng cho đất nước.
Chính trị gia lão thành Lý Quang Diệu nhận xét về Tập Cận Bình “lúc nào cũng có nụ cười trên gương mặt; là người không để hoàn cảnh cá nhân chi phối lý trí (ý muốn nhắc đến tuổi trẻ cơ cực khi cha ông bị thanh trừng); nhân vật lãnh đạo đầy bản lãnh”.
Chỉ một năm sau khi lên chức Chủ Tịch nước Tập Cận Bình đã thu tóm quyền lực nhiều hơn tất cả các vị tiền nhiệm khác kể từ sau Đặng Tiểu Bình. Chính sách của ông gồm cả nhu lẫn cương, đưa ra nhiều chương trình cải tổ sâu đậm về kinh tế và chống tham nhũng nhưng vẫn kềm giữ yên cương không cho bộc phát thành phong trào thách thức vai trò độc tôn của đảng Cộng Sản. Về đối ngoại ông liên minh với Nga và lợi dụng khủng hoảng kinh tế toàn cầu để làm hao mòn vị thế của Tây Phương; tận dụng ưu thế mậu dịch làm món mồi nhử tiến công mãnh liệt vào các khu vực đang phát triển ở Đông Nam Á, Trung Á và Phi Châu; mặt khác tăng cường áp lực thương mại, quân sự và chính trị để bành trướng lãnh hải và địa vị tại các khu vực bị xem là thuộc vùng ảnh hưởng truyền thống của Trung Hoa. Những thách thức cho Tập Cận Bình vô cùng nghiêm trọng nhưng người ta bắt đầu thấy rõ nền móng mà ông đặt cho chín năm còn lại của nhiệm kỳ để thực hiện tham vọng trở thành một trong ba nhà lãnh đạo lớn của lịch sử cận đại: Mao Trạch Đông thống nhất Hoa Lục, Đặng Tiểu Bình canh tân Trung Quốc, Tập Cận Bình bành trướng thế lực để đứng ngang hàng hay qua mặt Hoa Kỳ chỉ sau 1/4 đầu của thế kỷ 21. Ông gọi đó là “Giấc mơ Trung Quốc” – hùng tâm thao lược, nhưng lại là mối đe doạ vô cùng lớn cho đất nước Việt Nam.
Nền tảng cho chính sách của Tập Cận Bình là duy trì ổn định để phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trung Quốc một mặt đang phải đối diện với mâu thuẫn giàu nghèo và tình trạng tham nhũng bè phái vốn đang làm rạn nứt xã hội; mặt khác không thể tiếp tục canh tân mà thiếu tự do tư tưởng, sáng tạo và quyền công dân được tôn trọng theo trào lưu ý thức hiện đại. Thay vì đa dạng hoá theo mô hình dân chủ Tây Phương ông càng tập trung quyền lực trong khi tiến hành cải cách. Mao Trạch Đông đã chọn con đường này (và đã thất bại) nhưng ít nhất còn có chủ nghĩa Mác làm cơ sở; Lý Quang Diệu thành công nhưng Singapore chỉ bằng một thành phố trung bình 3 triệu dân; còn vai trò của Tập Cận Bình giống như nhà điều khiển một giàn đại hoà tấu khổng lồ gồm 1.3 tỷ người mà không được một lý thuyết xã hội nào hướng dẫn. Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc đang lội ngược dòng thác khổng lồ, nhưng nếu thành công đưa Hoa Lục lên hàng đầu thế giới ắt hẳn nhiều nhà nghiên cứu phải soạn lại các bộ sách về kinh tế.
Hiện còn quá sớm nhưng sẽ đến lúc Tập Cận Bình quan tâm đến di sản chính trị của mình sau 10 năm cầm quyền: các tiến trình cải cách một bên khai phóng tinh thần dân tộc Đại Hán, mặt khác va chạm đến quyền lợi của nhiều khối lợi ích khổng lồ. Tập Cận Bình như người trên lưng cọp không thể xuống mà khỏi bị cọp vồ. Những nạn nhân đối thủ của ông như Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai lại chính là các bài học mà ông không thể quên rằng thế lực thù địch cũ – hay những quyền lực mới sẽ trổi lên sau này – vẫn ngấm ngầm chờ cơ hội trả thù. Bài báo của tờ Business Week vào năm 2012 sáu tháng trước ngày Tập Cận Bình lên chức Chủ Tịch Nhà Nước cho thấy gia đình dòng họ ông đang nắm giữ tài sản trị giá 376 triệu USD giống như bản án treo chờ ngày ông xuống chức.
Bi kịch của Tập Cận Bình và của Hoa Lục là sẽ không tìm ra con đường trung đạo, nhưng hoặc tan rã hay phải tập trung quyền hành tuyệt đối cho đến cuối cuộc đời của nhà lãnh đạo.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt