Kinh tế Mỹ đang phục hồi hay chậm lại?
Nền kinh tế Mỹ mang nhiều chỉ dấu trái ngược nên có một câu hỏi trị giá 65 ngàn đô-la * vẫn không được trả lời: liệu những biện pháp cứu vãn kinh tế từ năm 2007 đến nay có giúp Hoa Kỳ trên đà phục hồi, hay chỉ tạo ra một quả bóng khổng lồ đang chờ ngày bùng nổ trong tương lai?
Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ cao điểm 10% vào tháng 12-2009 xuống còn 6.3% tháng 4-2014. Thị trường chứng khoán tăng 150% cũng trong khoảng thời gian này, trong lúc tại nhiều địa phương giá nhà khôi phục trở lại gần mức cao điểm của năm 2006. Tất cả đang là những dấu hiệu rất đáng khích lệ khiến Ngân Hàng Trung Ương (Federal Reserve) dự trù sẽ chấm dứt các khoản kích cầu vào cuối năm và sẽ tăng lãi xuất ngân hàng vào đầu năm tới.
Nhưng ngược lại GDP tăng trưởng rơi xuống chỉ còn 0.1% trong quý một – một phần do mùa Đông giá buốt năm nay; rồi vọt lên 4% vào quý hai. Lương bổng lại tăng chậm, điều này hoặc do năng suất đứng khựng hoặc các việc làm màu mỡ tiếp tục chảy ra nước ngoài. Thị trường nhà đất chậm lại, trong lúc chứng khoán vốn đã tăng trưởng liên tục từ 5 năm liệu có sẽ mất giá hay không?
Nổi thắc mắc là tại sao giá địa ốc và chứng khoán đang ở mức cao trong khi mức thu nhập của dân chúng không tăng thì làm sao có tiền mua nhà và cổ phiếu? Câu trả lời do Ngân Hàng Trung Ương kềm giữ lãi xuất ngân hàng đồng thời tung hàng ngàn tỷ USD vào thị trường để kích thích nền kinh tế. Mức lời quá thấp khiến người có tiền không thể tiết kiệm mà phải đầu tư vào địa ốc hay chứng khoán để kiếm lời cao hơn, tức là gián tiếp Ngân Hàng Trung Ương đã bơm ra hai quả bóng mới. Nay đến lúc Ngân Hàng Trung Ương phải ngưng các gói kích cầu thì liệu nhà đất và chứng khoán có còn đứng vững hay không vì chỉ dựa trên lãi xuất thấp hơn là giá cả mà lương bổng có thể gánh vác?
Trước đây Ngân Hàng Trung Ương phải bơm tiền vào nền kinh tế vì các ngân hàng tư nhân siết chặt tín dụng không dám cho mượn tiền vào năm 2007-11 trong giai đoạn khủng hoảng. Thất nghiệp lên cao, giá nhà và cổ phiếu rơi xuống tận đáy nên Ngân Hàng Trung Ương phải tung ra các gói kích cầu, mục tiêu khi giá nhà và cổ phiếu tăng sẽ tạo ra nhu cầu tiêu thụ; mức cầu tăng nên hãng xưởng sẽ mướn thêm nhân viên để nâng mức cung. Vòng xoáy nói trên tiếp diễn đến lúc nền kinh tế có đủ trớn phục hồi mà không cần sự trợ giúp của Ngân Hàng Trung Ương nữa – cũng giống như đẩy chiếc xe đang hư cho đến khi máy nổ.
Nhưng cũng có lúc xe ngừng đẩy thì… khựng luôn. Nếu Ngân Hàng Trung Ương chấm dứt kích thích trong khi lương bổng và năng suất không tăng thì bong bóng địa ốc và chứng khoán phải xì hơi. Khi đó Ngân Hàng Trung Ương lại phải tiếp tục kích cầu dài hạn để tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
GDP tăng chậm tức là Mỹ khó trả núi nợ hiện thời, trong khi Ngân Hàng Trung Ương cứ tiếp tục in bạc sẽ đến một lúc thế giới không còn tin vào đồng đô-la cũng như khả năng trả nợ của nước Mỹ. Thế giới (nhất là Tàu) sẽ ngưng không cho Mỹ vay tiền trong lúc tiền đô-la mất giá. Khi đó Hoa Kỳ có thể bị phá sản và lạm phát phi mã để rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Để hiểu mức độ trầm trọng của vấn đề: cuộc Đại Suy Trầm 2007 xảy ra do 1500 tỷ bong bóng tín dụng trong địa ốc. Nhằm thoát khỏi khủng hoảng nên Ngân Hàng Trung Ương bơm 4000 tỷ vào nền kinh tế từ đó đến nay. Chẳng ai biết liệu đây có sẽ là một bong bóng kinh hoàng nhất hay không.
Phái lạc quan dẫn chứng nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang hồi phục, trong lúc cánh bi quan phân tích các mâu thuẫn trong những con số chứng minh nước Mỹ sắp rơi vào khủng hoảng. Ai đúng hay sai, ngay cả Ngân Hàng Trung Ương cũng không có câu trả lời mà phải dựa vào những chỉ số hàng ngày để đối phó. Đây không chỉ là cuộc tranh luận giữa các kinh tế gia mà sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình và hàng tỷ con người trên hành tinh.
***
* Câu hỏi trị giá 65 ngàn đô-la dịch từ tiếng Mỹ là “65 thousand dollar question”. Đây là lối nói đùa khi đưa ra câu hỏi quan trọng nhưng không có trả lời
© Đoàn Hưng Quốc
Chỉ có “$64,000 question” chứ không phải là “$65,000 question”.
Tôi thắc mắc có một số câu hỏi xin tác giả Đoàn Hưng Quốc : ” căn cứ vào những yếu tố nào mà người ta có thể xác đinh được mức thất nghiệp tăng hay giảm ? ” , HỎI : 1) – Giả dụ tháng 1 có 100 người khai xin ăn thất nghiệp, chưa chắc đã là đúng 100 người, vì rằng thực tế có thể là 105 người , 5 người thất nghiệp này vì lý này lý do kia không khai thất nghiệp, như vậy tỉ số thất nghiệp đưa ra đúng hay sai ? . 2) – Rồi tháng 2 số người thất nghiệp còn 90 . Có thể nào xác đinh là tỉ số thất nghiệp giảm, vì rằng so với tháng trước giảm đi 10 người, 10 người này có thể không được lãnh thất nghiệp nữa, rồi cũng có thể có thêm 20 người nữa thất nghiệp mà không khai . Vậy xin hỏi giáo sư ĐHQ có phải người ta căn cứ vào GDP và tiền thu thuế ( IRS ) tiền An sinh Xã hội để tính tỉ số thất nghiệp hay vào các yếu tố nào khác nữa . Như vậy khi tỉ số khai thất nghiệp tăng chưa chắc đã là điều đáng lo ( kinh tế giảm ? ), rồi khi số thất nghiệp giảm chưa chắc đã là điều đáng mừng ( cho là kinh tế đi lên ? ) . Như nghững thí dụ trên, 5 người không khai thất nghiệp hay những người hết hưởng tiền thất nghiệp, nhưng họ lại hưởng tiền xã hội ( bệnh phí v.v… tốn gấp trăm tiền thất nghiệp) . Vậy xin giáo sư ĐHQ nói sơ qua, rất cảm ơn GS .