WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những buổi chiều trôi

Tôi hay ngồi ủ rũ cùng những người đàn bà trong xóm trên cái lề đường trước nhà, để nhìn những tia nắng cuối cùng của ngày lụi dần sau dãy nhà san sát, thấp lè tè. Để thấy đời người quày quả sống, quày quả lo toan rồi tắt lịm, chẳng biết vì điều gì.

Như khi một người hớt hải thông báo đứa trẻ xóm trên vì ăn một gói sirô nhiễm độc mà chết, tôi thấy sự đau khổ hiện rõ trên những gương mặt đàn bà xóm mình. Họ cảm thương cho đứa bé xấu số, cho gia đình nó, cho người mẹ sáng nay còn cho nó năm ngàn trước khi nó ra khỏi nhà và dặn đừng có ăn bậy, hay họ đang nghĩ đến nỗi khổ của toàn nhân loại như tôi.

Sống là đấu tranh. Con người sinh ra để đối mặt với quá nhiều hiểm họa, nên bài học đầu tiên đối với mỗi người là bài học chiến đấu. Với nghèo đói, dịch bệnh, với thiên tai, với những tai nạn bất ngờ. Với cái chết. Với nỗi buồn, sự cô đơn và nhàm chán của cuộc đời. Sao con người phải gánh trên đôi vai nhỏ bé của mình quá nhiều sứ mệnh đến thế? Tôi thường nghĩ vậy mỗi khi ngồi cùng những người đàn bà chờ đợi người đàn ông của họ trở về nhà sau khi đã ngà hơi men.

Lại có tiếng chén bát vỡ từ ngôi nhà đối diện. Anh chồng say khướt đang lôi xềnh xệch vợ mình ra ngoài đường, miệng lèm nhèm: “Mày là cái thá gì mà dám dạy ông? Hả con đĩ kia?”. Chị vợ rên khóc, kêu trời. Chuyện đã thành quen, hàng xóm chẳng ai muốn can ngăn gì nữa. Tôi bỏ vào phòng tắm, xối nước ào ào lên người. Giấc ngủ đêm nay chắc lại nặng nhọc.

Thực ra, tôi không biết mình có khác gì những người đàn bà chỉ quanh quẩn với bếp núc và những chậu áo quần bẩn. Một tấm bằng thạc sĩ và mớ kiến thức tôi học được từ sách vở có làm tôi có một thân phận khác với những người đàn bà quanh mình? Tôi cũng chỉ là sinh linh nhỏ bé trên cái hành tinh đông đúc này, cắm cúi với những nỗi lo toan của mình, rồi một ngày tan biến.

Nguyên nói tôi là một dạng con bệnh của anh. Bệnh hay nghĩ vẩn vơ, một dạng của trầm cảm. Thế chữa bằng cách nào? Tình yêu! Tình yêu sẽ cứu rỗi những con người như tôi ra khỏi nhiều ám ảnh cuộc sống. Tình yêu sẽ làm tôi thôi nhìn vào tông xe, động đất, cháy nổ, sập hầm, sóng thần hay những tẻ nhạt của đời sống. Tình yêu sẽ trải tâm hồn tôi dài trên những cánh đồng hoa thơm ngát, tôi sẽ lại thấy cuộc sống này ý nghĩa và đáng sống biết nhường nào.

Thật thế ư Nguyên? Tình yêu có phép mầu đến vậy sao? Chỉ cần yêu một ai đó là tôi có thể thoát khỏi những ám ảnh khổ đau của nhân loại. Là tôi không thấy nữa, sự u hoài trong mắt những người đàn bà xóm tôi mỗi hoàng hôn. Có thật thế không?

Mà cho dù thế thật, tôi biết tìm tình yêu ấy ở đâu? Nguyên chỉ vào ngực trái anh, đây nè! Em hãy thử yêu anh đi, rồi mọi điều sẽ tốt đẹp. Nguyên cứ thích đùa, tôi chẳng thấy tim mình lạo xạo vì anh, chưa bao giờ tôi nghĩ đến anh với bất kỳ niềm xao xuyến nào. Tôi chỉ xem Nguyên như một người bạn cà phê của mình. Ra khỏi quán cà phê, chẳng còn sợi tình cảm nào vấn vít.

Những người đàn bà xóm tôi lại bàn tán xôn xao về chuyện cô gái trẻ xóm dưới thắt cổ tự tử vì bị người yêu bỏ rơi. Người bảo ngu, mình chết, nó càng sướng, chắc thằng đó đang cặp con khác đi ngoài đường, mà có khi á, đang vui vẻ ở nhà trọ nào đấy. Người bảo tội nghiệp thằng con trai kia, chắc cả đời sống không yên. Người đàn bà áo quần nhàu nhĩ đang ngồi nhặt rau thì tặc lưỡi chết là hết, chỉ thương cha mẹ con nhỏ, nuôi con hai mấy năm, giờ vớt được rổ ê chề.

Cô gái trẻ nhất, mới về xóm làm dâu không nói gì, chỉ đôi mắt thất thần như vừa lạc đến từ một hoang vu nào đó. Tôi bất giác nghĩ hay một quá khứ nào đó đang sống dậy, ví dụ như cô cũng đã từng bị bỏ rơi và từng định nhảy sông hay uống thuốc ngủ. Ôi, cái đầu hay liên tưởng của tôi. Thảo có lần đã nói: sao mày không thử viết tiểu thuyết, tao thấy trí tưởng tượng của mày… quá kinh!

Dạo này tối nào ngủ tôi cũng mơ. Những giấc mơ kỳ quặc. Lúc thì tôi tay trong tay với một ông già đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác. Lúc thì tôi thấy tóc tôi rụng từng mảng, từng mảng đến lúc đầu tôi trọc lóc, lở lói. Tỉnh rồi tôi vẫn còn bị cảnh tượng ấy làm cho buồn nôn. Nhưng thường thì tôi không nhớ mình đã mơ gì đêm qua, chỉ cần sau khi mắt nhắm mắt mở đánh răng súc miệng là mọi thứ tan biến hết. Tôi chỉ còn nhớ hình như mình đã mơ về một ai đó, một việc gì đó rất lạ, thế thôi!

Vài ngày mẹ lại gọi điện hỏi thăm tôi ăn uống thế nào, có mệt mỏi gì trong người không, này con không được bỏ ăn đâu đấy nhé, mập thì có gì mà sợ, sức khỏe mới là điều quan trọng nhất. Tôi cười hì hì trong điện thoại, mẹ ơi con vẫn béo tốt mà, mẹ đừng lo. Tôi từng cảm thấy sung sướng vì mẹ không bao giờ can thiệp vào những chuyện riêng tư, những nghĩ suy vớ vẩn và rắc rối của tôi.

Mẹ để tôi vượt qua tất cả những chuyện đó một mình. Nhưng đôi lúc, tôi đã thầm ước, giá mà mẹ có thể hiểu tôi được một chút nữa, tôi có thể thầm thì về những bất an, những hoảng loạn trong lòng với mẹ, biết đâu những điều ấy sẽ vơi đi phần nào và tôi sẽ bớt lo âu về cuộc sống. Nhưng hình như tôi tham lam, mẹ đã dành cho tôi cả cuộc đời mà tôi có hiểu gì về mẹ đâu.

Tôi có biết mẹ chất chứa những thảng thốt nào, những bấn loạn nào và những khát khao nào trong tấm thân héo quắt kia? Rồi tôi lại nghĩ, có ai hiểu ai giữa cuộc đời rộng lớn này không. Hay cũng chỉ cắm cúi sống cho đến hết đời?

Phố bắt đầu trở lạnh. Mùa đông. Những người đàn bà xóm tôi, những tiếng thở dài lại gặp nhau khi chứng kiến cảnh hai vợ chồng trẻ nhà cuối xóm bị mẹ của anh chồng đuổi ra khỏi nhà. Cô vợ đang mang bầu đứa thứ ba. Con đầu đang gửi bà ngoại nuôi ở quê tận đâu ngoài Bắc, thằng cu thứ hai mới mười sáu tháng. Cả hai vợ chồng đều không việc làm, anh chồng thỉnh thoảng được kêu đi làm thợ hồ. Mùa này mưa gió, sự thỉnh thoảng ấy càng ít ỏi, thưa thớt hơn.

Tôi bỗng thấy không khí ngột ngạt quá, thật khó thở, đành dắt xe máy chạy xuống phố, tìm chút gió biển.

Nguyên bảo trông em có vẻ căng thẳng quá, sao em cứ trầm trọng hóa vấn đề lên như vậy. Người ta vẫn sống ào ào đấy thôi. Ô nhiễm môi trường thì đã sao, biến đổi khí hậu thì đã sao, chiến tranh, khủng bố thì đã sao, đại dịch lan tràn thì đã sao, đói nghèo thất học thì đã sao? Con người ở khắp mọi nơi vẫn yêu và sống, như sứ mệnh mà Thượng đế đã giao cho mỗi người. Tại sao em cứ phải nhất quyết tìm bằng được cứu cánh? Em không hồn nhiên yêu, hồn nhiên sống được sao?

Vào một ngày dường như lạnh nhất mùa đông, Thảo giới thiệu với tôi một bạn trai mới, người thứ năm. Thảo quả quyết chị sẽ lấy chàng này đấy, chị sẽ lấy chồng nhỏ à. Bố chị sẽ vui lắm đấy, em có biết không, bố chị bảo đàn bà con gái không có sự nghiệp nào to lớn, vĩ đại hơn việc lấy chồng sinh con đâu. Giờ thì chị nghe lời bố vậy, mà chị cũng hiểu ra rồi, chị thấy mình trưởng thành rồi, chị mong được làm mẹ của trẻ con, ôi, con của chị cũng sẽ xinh như chị em nhỉ?

Vậy là Thảo đã quyết định chấm dứt những cuộc đi triền miên để khám phá những vùng đất mới, mà theo chị nói trước đây thì đấy mới chính là cuộc sống, mới chính là sự tận hưởng, còn như những người đàn bà kia, coi như đời bỏ đi rồi. Sống gì mà như thế, uổng phí quá!

Thảo lấy chồng nghĩa là tôi sắp phải ở một mình trong căn nhà trọ mấy chục mét vuông lạnh lẽo, tôi chơ vơ lại càng chơ vơ. Nhưng nghĩ lại, những ngày ở với Thảo thực ra tôi cũng khác nào ở một mình. Chị trải tuổi xuân trong những chuyến đi không dứt. Bây giờ thì dừng lại rồi, ít ra chị cũng đang cố gắng để làm tốt điều đó. Tôi thấy Thảo hình như quyết tâm.

Tôi hỏi lại lời Nguyên trong ngày cưới Thảo. Có thật là tình yêu sẽ cứu rỗi được con người tôi không? Nguyên không trả lời, gắp thức ăn bỏ vào chén tôi. Em nhìn xem, Thảo lộng lẫy và hạnh phúc chưa kìa? Đúng là tôi, đi đám cưới còn lôi chuyện không đâu của mình ra vặn vẹo. Mà Thảo đẹp thật, đẹp đến phát ghen!

Nguyên chở tôi về, phố xá lung linh đèn điện. Tháng chạp. Rét chui vào chân, lạnh tê tê. Hai bên đường, những shop quần áo nhộn nhịp đông đúc. Dãy quán nhậu người ngồi chen chúc, ồn ào. Một chiếc xe cứu thương vụt qua, hú còi inh ỏi. Đến ngã tư, đèn đỏ, Nguyên dừng xe, tôi kịp nhìn thấy cô gái hôn vội vào má chàng trai đang chở mình, anh này cười hạnh phúc, siết chặt vòng tay cô người yêu vào bụng mình. Nguyên tủm tỉm cười phía trước. Tôi đọc được suy nghĩ của Nguyên, đấy thấy chưa cô gái rắc rối, cuộc sống giản đơn thế đấy! Sao em chỉ nhìn vào những muộn phiền để tự hành hạ mình?

Ngay lúc này, ngay khi ngồi sau Nguyên trên chiếc xe phân khối lớn của anh, tôi biết tôi sẽ vẫn có những buổi chiều ngồi cùng những người đàn bà xóm mình trên cái nền gạch cũ.

Chỉ có điều, không biết tôi có làm được như Nguyên nói, sẽ không chỉ nhìn vào những nặng nề, buồn bã, chán chường mà còn nhìn thấy những thứ khác sáng tươi, lóng lánh. Sẽ không chỉ còn phiền muộn, hoang mang.

Trong khi chờ đợi một tình yêu vĩ đại cứu rỗi, tôi phải tự vạch lối để thoát ra khỏi khu rừng rậm rạp, tăm tối mà có lúc tôi đã nghĩ đó mới chính là cuộc đời mình.

Mà hình như mùa xuân cũng đang lấp ló. Chiều qua, những người đàn bà xóm tôi đã vui vẻ rủ nhau cùng làm dưa món vào ngày nắng gần nhất.

Những buổi chiều, từ nay sẽ trôi qua nhẹ nhàng hơn. Tôi âm thầm nghĩ thế…

Nguồn: Tuổi Trẻ

Phản hồi