Gãy cánh uyên ương [2]
Nguyễn Ước dịch từ truyện Broken Wings, 1912 của Kahlil Gibran
7
Trước ngai Thần chết
Thuở đó, hôn nhân là một phỉ báng, nằm trong bàn tay xử lý của thanh niên và bậc cha mẹ. Tại hầu hết các xứ sở, người chiến thắng là thanh niên và kẻ thua cuộc là cha mẹ. Thiếu nữ bị nhìn như một món hàng, được mua và giao từ nhà này sang nhà khác. Phải thực hiện đúng thời điểm vì một khi sắc đẹp tàn phai, nàng trở thành một thứ đồ đạc đã cũ, bị bỏ xó trong một góc nhà tối tăm.
Văn minh hiện đại khiến phụ nữ khôn ngoan hơn một chút nhưng nó tăng thêm đau khổ cho nàng vì lòng thèm muốn của đàn ông. Đàn bà hôm qua là người vợ hạnh phúc nhưng đàn bà hôm nay là người tình khốn khổ. Thời trước, nàng bước đi mù lòa trong ánh sáng còn giờ đây nàng mắt mở nhưng bước đi trong bóng tối.
Phụ nữ trước kia xinh đẹp trong mông muội, đức hạnh trong chất phác và mạnh mẽ trong yếu đuối của mình. Ngày nay, về mặt thông minh và óc sáng tạo, nàng càng càng ngày xấu xí và về mặt am hiểu nàng càng lúc càng nông cạn và vô tâm. Bao giờ sẽ đến ngày nhan sắc và kiến thức, tài hoa và đức hạnh, yếu đuối thể xác và mạnh mẽ tinh thần hiệp làm một trong người nữ?
Tôi là một trong những kẻ tin rằng tiến bộ tinh thần là qui luật của sự sống con người, nhưng quá trình tiến đến sự toàn mãn ấy thì chậm và đau đớn. Nếu người nữ tiến bộ ở khía cạnh này và chậm tiến ở khía cạnh khác chẳng qua vì lối đi gập ghềnh dẫn lên đỉnh núi bị vướng mắc các ổ mai phục của bọn thảo khấu và nhiều hang ổ lang sói.
Thế hệ lạ lùng hôm nay hiện hữu giữa đang ngủ và đang thức. Nó nắm trong lòng tay đất của quá khứ và hạt mầm của tương lai. Tuy thế, trong mỗi thành phố, chúng ta có thể tìm thấy một phụ nữ tiêu biểu cho tương lai.
Tại thành phố Beirut này, Selma Karamy là một biểu tượng cho phụ nữ phương Đông tương lai. Nhưng giống với nhiều người đi trước thời đại, nàng trở thành nạn nhân của hiện tại. Và giống với đóa hoa bị ngắt lìa cuống rồi nước sông cuốn trôi, nàng bước đi trong cuộc diễu hành khốn khổ của những kẻ bại trận.
Thiếu gia Bey Galib và Selma cử hành hôn lễ và sống với nhau trong một biệt thự xinh đẹp ở Ras Beyrouth, khu gia cư của những kẻ thế giá và giàu có. Ông cụ Farris Effandi Karamy bị bỏ lại lủi thủi trong ngôi nhà ở đơn độc giữa hoa viên và vườn cây ăn quả, như kẻ chăn bầy đứng hiu quạnh giữa bầy súc vật của mình.
Những ngày và những đêm hân hoan hôn lễ qua đi nhưng tuần trăng mật để lại hồi ức về những lần khổ não đắng cay, như chiến tranh để lại xương và sọ người trên trận địa. Phẩm cách hôn lễ phương Đông tạo cảm hứng cho tâm hồn của đôi tân hôn nhưng tới khi kết thúc, họ bị thả như cục đá cối xay rớt xuống đáy biển. Cơn hồ hởi của họ giống các dấu chân trên cát chỉ tồn tại cho tới khi sóng triều xóa sạch.
Mùa xuân ra đi và rồi mùa hạ với mùa thu cũng lần lượt ra đi nhưng tình yêu của tôi dành cho Selma tăng thêm không ngừng cho tới khi nó trở thành một loại tôn thờ câm nín như cảm giác của đứa con côi cút đối với linh hồn mẹ nó đang ở trên trời. Cơn khao khát ấy hóa thành khổ não mù lòa tới độ tôi chỉ còn trông thấy một mình nó. Nỗi niềm đam mê từng làm tôi ứa nước mắt được thay thế bằng tâm trạng bối rối tới độ hút kiệt máu tim tôi. Và những tiếng thở dài đầy thương cảm của tôi trở thành lời nguyện cầu triền miên cho Selma với chồng của nàng được hạnh phúc và thân phụ của nàng được bình an.
Những hi vọng và nguyện cầu ấy của tôi đều không tác dụng, vì khốn khổ của Selma là tâm bệnh, một căn bệnh đau tận trong lòng mà chỉ có cái chết mới cứu chữa nổi.
Thiếu gia Bey Galib là người đàn ông có được mọi xa hoa của cuộc sống, chẳng chút nhọc công, nhưng dù thế y vẫn chưa hài lòng và rất tham lam. Sau khi thành hôn với Selma, y bỏ mặc thân phụ nàng sống trong quạnh quẽ và cầu nguyện cho ông cụ sớm qua đời để y có thể thừa hưởng tất cả gia tài còn lại.
Cá tính của Bey Galib tương tự của ông chú y. Khác biệt duy nhất giữa hai người là Giám mục lấy mọi thứ ông muốn một cách kín đáo, dưới sự bao che của tấm áo chùng thâm giáo sĩ và chiếc thánh giá bằng vàng ông đeo trước ngực trong khi cháu của ông làm mọi chuyện một cách công khai. Buổi sáng, Giám mục tới thánh đường và suốt ngày còn lại ông ăn cắp vặt của các quả phụ, trẻ mồ côi và người tâm trí đơn giản.
Còn Thiếu gia bỏ ra hết ngày này qua ngày khác đuổi theo cơn thỏa mãn nhục dục. Ngày Chủ nhật, Giám mục rao giảng Phúc âm của ông nhưng rồi suốt tuần lễ, ông không bao giờ thực hành lời giảng của mình.
Đầu óc ông bận rộn với những mưu đồ chính trị trong địa phận. Và nhờ vào thế giá cùng ảnh hưởng của ông chú ấy, Thiếu gia Bey xúc tiến công việc làm ăn bằng cách bảo đảm món lại quả chính trị rất hời cho kẻ nào có thể cống hiến của đút lót thỏa đáng.
Giám mục Bulos là tên trộm cắp ẩn mình trong sự che chở của bóng tối ban đêm trong khi cháu của ông, Thiếu gia Bey, là kẻ lừa đảo kiêu hãnh bước đi trong ánh sáng ban ngày. Tuy thế, dân chúng tại các quốc gia phương Đông lại đặt niềm tin vào loại người như thế, những con sói và những tên đồ tể hủy hoại xứ sở của họ bằng lòng tham và bóp nát người bên cạnh họ bằng bàn tay sắt.
Tại sao tôi lại để những lời về các kẻ phản bội quốc gia nghèo khó choán chỗ trên trang giấy này thay vì giữ hết mọi chỗ ở đây cho câu chuyện về một phụ nữ khốn khổ với trái tim đang rạn vỡ? Tại sao tôi chảy nước mắt cho các dân tộc bị áp bức thay vì dành tất cả nước mắt của mình cho hồi ức về một phụ nữ yếu đuối bị cuộc đời cắn chặt trong hàm răng của sự chết?
Thế nhưng, các độc giả thân mến của tôi ơi, các bạn có nghĩ rằng phụ nữ ấy giống với một quốc gia bị bức bách bởi các linh mục và bị đàn áp bởi các nhà cai trị? Các bạn có nghĩ rằng tình yêu bị ngăn trở đưa dẫn người nữ ấy tới huyệt mộ giống với nỗi niềm tuyệt vọng đang xâm nhập dân chúng trên khắp quả đất này? Phụ nữ đối với dân tộc thì giống như ánh sáng đối với ngọn đèn, liệu ánh sáng có sẽ le lói nếu dầu trong ngọn đèn đang cạn?
Mùa thu qua đi. Gió thổi lá vàng rời cây, dọn đường cho mùa đông tới với tiếng hú và tiếng gào thét. Tôi vẫn ở trong thành phố Beirut không người bầu bạn ngoài các giấc mộng nâng tinh thần tôi lên tới trời cao và rồi chôn nó rất sâu dưới lòng đất.
Tinh thần khổ não tìm thấy nguôi ngoai trong trạng thái cô đơn. Nó ghét cay ghét đắng người đời, như con hươu bị thương, lìa xa bầy đàn, sống một mình trong hang cho tới khi lành vết thương hoặc chết.
Ngày nọ, tôi nghe tin Farris Effandi lââm bệnh. Rời nơi trú ẩn cô độc của mình, tôi đi bộ tới nhà ông, theo một lộ trình mới, một lối đi vắng vẻ giữa các cây ô-liu, để tránh tiếng bánh xe ngựa nghiến rộn ràng.
Tới nhà của ông cụ, tôi đi vào, thấy Farris Effandi nằm trong giường, yếu ớt và xanh xao. Hai mắt ông trủng xuống như hai thung lũng sâu hoắm đầy bóng tối và bị ám bởi những hồn ma sầu khổ. Nụ cười vốn luôn luôn làm sinh động khuôn mặt ông lúc này tắt nghẻn vì phiền muộn và đau đớn. Xương bàn tay mềm mại của ông trông giống những cành khô không lá run rẩy trước cơn bão. Khi tôi tới gần và vấn an, ông cụ đưa bộ mặt tái nhợt về phía tôi. Trên đôi môi run run xuất hiện một nụ cười, và ông nói với giọng yếu ớt:
“Con trai ơi, hãy qua phòng bên an ủi Selma và đem nó sang đây ngồi bên cạnh ta.”
Tôi đi vào căn phòng kế cận và thấy Selma đang nằm sấp trên đi-văng, hai tay ôm đầu, mặt vùi sâu trong gối để cha không nghe ra tiếng sụt sùi của nàng. Chầm chậm tới gần, tôi thì thầm kêu tên nàng với giọng nhẹ hơn tiếng thở dài. Selma sợ hãi trở mình như bị làm gián đọan một giấc mộng hãi hùng. Nàng ngồi dậy, đưa mắt đờ đẫn nhìn tôi với vẻ ngờ vực không biết tôi là bóng ma hay người đang sống.
Sau khi được không khí im lặng sâu xa mang trở lại trên đôi cánh hồi tưởng những giờ phút chúng tôi cùng nhau ngây ngất men rượu tình yêu, Salma lau khô nước mắt và nói:
“Anh xem, thời gian đã làm chúng ta thay đổi biết bao! Thời gian đã biến đổi dòng chảy cuộc đời của chúng ta và để lại cho chúng ta những tàn phá này! Tại chỗ này, mùa xuân từng hiệp nhất chúng ta trong sợi dây tình yêu, và cũng tại chỗ này, chúng ta được mang tới bên nhau trước ngai của tử thần. Mùa xuân ấy quá đổi tươi đẹp và mùa đông này cực độ kinh hoàng!”
Nói xong những lời ấy, Selma đưa tay lên ôm mặt như thể che cho mắt mình khỏi thấy bóng ma của quá khứ đang đứng trước mặt. Đặt nhẹ bàn tay lên đầu nàng, tôi nói:
“Nào, Selma, tỉnh lại. Chúng ta hãy như những ngọn tháp vững vàng trước bão tố. Chúng ta hãy đứng như hai chiến binh dũng cảm trước kẻ thù, đối mặt với vũ khí của chúng. Nếu bị giết, chúng ta sẽ chết như người tuẩn tiết; nếu chiến thắng, chúng ta sẽ sống như kẻ anh hùng. Đương đầu với chướng ngại và sống với gian khổ thì cao nhã hơn im lặng rút lui. Con bướm lượn quanh cây đèn cho tới chết thì đáng kính phục hơn loài chuột nhũi sống trong ống cống tối tăm.
“Nào, Selma, chúng ta hãy bước trang trọng trên con đường gập ghềnh này, với đôi mắt hướng tới mặt trời để sẽ không thấy sọ người cùng lũ rắn đang nằm giữa đá và gai. Nếu để cho sợ hãi chận lại giữa đường, chúng ta sẽ chỉ còn nghe tiếng chế nhạo từ những giọng nói của ban đêm, nhưng nếu can trường lên tới đỉnh núi, chúng ta sẽ hiệp đoàn với các tinh thần trên trời cao trong khúc hát khải hoàn và hân hoan.
“Vui lên Salma! Hãy lau sạch nước mắt và xua tan khổ não trên mặt mình. Hãy đứng dậy, chúng ta sẽ sang ngồi bên giường của cha em và chỉ có nụ cười của em mới cứu chữa được ông ấy.”
Ân cần và đầy thương cảm, Selma nhìn tôi và nói:
“Có phải anh đang yêu cầu em phải nhẫn nại trong khi bản thân anh đang cần tới nó? Liệu một người đói có đem khúc bánh mì của mình cho một người khác đang đói? Hoặc một người bệnh sẽ cho người khác thuốc điều trị mà y đang rất cần?”
Nói xong, nàng đứng lên, đầu hơi chúi tới trước. Chúng tôi đi sang phòng của ông cụ và cùng ngồi bên giường ông. Selma gượng nở nụ cười, giả vờ nhẫn nại. Thân phụ nàng cũng cố làm cho con gái tin rằng ông đang cảm thấy khá hơn và trong người khỏe hơn, nhưng cả hai cha con đều biết tường tận cơn khổ não của nhau và cùng nghe rõ hơi thở dài không thành tiếng của nhau. Họ giống như hai sức lực ngang nhau và đang trong thinh lặng mất dần nhau.
Trái tim người cha tan chảy vì tình cảnh của con gái. Họ là hai linh hồn thuần khiết, linh hồn này đang ra đi và và linh hồn kia thống khổ với đau thương, đang ấp ủ trong tình yêu và sự chết. Và tôi ở giữa cả hai với tâm hồn tán loạn của mình. Nơi đây, ba người chúng tôi quây quần và bị bàn tay định mệnh bóp nát. Một người cao niên như ngôi nhà đang điêu tàn vì lũ lụt; một thiếu nữ với biểu tượng như đóa hoa bị cạnh sắc của cây liềm bứt lìa cành, và một thanh niên như cây non ẻo lả cong mình dưới tuyết rơi, cả ba chúng tôi là trò chơi trong bàn tay của số phận.
Farris Effandi cử động chầm chậm. Ông chìa tay cho Selma và nói với giọng dịu dàng, đầy thương yêu:
“Con thương yêu ơi, hãy nắm tay cha.”
Selma cầm tay cha. Kế đó ông nói:
“Cha dã sống đủ lâu, và cha đã thưởng thức hoa trái các mùa của cuộc đời. Cha đã kinh qua những giai đọan thăng trầm của nó với lòng thanh thản. Cha mất mẹ con khi con ba tuổi và mẹ con đểâ lại con trên lòng của cha như một kho tàng quí báu. Cha trông chừng con, ngắm khuôn mặt con tái hiện vẻ mặt mẹ mình như các ngôi sao được phản chiếu trên nước mặt hồ yên tĩnh. Cá tính, trí thông minh và sắc đẹp của con là của mẹ con, thậm chí cách nói và điệu bộ của con. Trong cuộc đời này, con là nguồn an ủi duy nhất của cha vì con là hình ảnh của mẹ con trong mọi cử chỉ, mọi lời nói.
“Giờ đây, cha già rồi. Nơi an nghỉ duy nhất của cha là giữa những chiếc cánh êm đềm của sự chết. Con gái của cha ơi, đừng nặng lòng, vì cha đã sống đủ lâu để thấy con thành một phụ nữ. Con hãy hạnh phúc vì cha sẽ sống trong con sau cái chết của cha. Cha ra đi hôm nay hay ngày mai ngày mốt cũng thế thôi vì ngày đời của cha đang tàn rụng như lá mùa thu. Giờ chết của cha đang lẹ làng tới gần và linh hồn cha khao khát được đoàn tụ với linh hồn của mẹ con.”
Trong khi nói những lời ấy một cách dịu ngọt và đầy thương yêu, mặt Farris Effandi bừng sáng. Kế đó ông cụ thò tay xuống dưới gối, lấy ra một bức hình lồng trong khung bằng vàng. Đưa mắt ngắm rất lâu người trong ảnh, ông nói:
“Nào, Selma, tới đây nhìn mẹ của con trong bức hình này.”
Selma vội lau khô nước mắt. Sau khi nhìn chằm chặp bức hình, nàng hôn lên nó nhiều lần và kêu lớn:
“Ôi mẹ, mẹ thương yêu của con! Mẹ ơi!”
Rồi nàng áp đôi môi run rẩy lên bức hình như thể muốn trút linh hồn vào người trong ảnh.
Tiếng tuyệt diệu nhất trên cửa miệng loài người là tiếng “Mẹ”, và tiếng gọi tuyệt trần nhất là “Mẹ ơi”. Đó là tiếng chan chứa hi vọng và tình yêu, lời ngọt ngào và ân cần nhất đến từ những chốn sâu thẳm của trái tim.
Mẹ là mọi sự – mẹ là niềm an ủi của ta khi khốn khổ, là sức mạnh của ta khi yếu đuối. Mẹ là nguồn cội của tình yêu, lòng thương xót, thiện cảm và tha thứ. Kẻ mất mẹ là mất một linh hồn thuần khiết triền miên ban ân sủng và canh giữ mình.
Vạn vật trong thiên nhiên nói cho biết về người mẹ. Mặt trời là mẹ của quả đất, cho đất sức nóng làm dưỡng chất; nó chỉ rời vũ trụ lúc đêm tới sau khi đã đưa quả đất vào giấc ngủ với khúc ca của biển, điệu hát của đàn chim và các con suối. Quả đất này là mẹ của cây cối và hoa; nó sản sinh chúng, nuôi sống và không thôi cho bú mớm. Cây cối và hoa trở nên những người mẹ nhân từ của quả và hạt mầm tuyệt vời. Và người mẹ, nguyên mẫu của toàn bộ hiện hữu, là tinh thần vĩnh cửu, đầy cái đẹp và tình yêu.
Selma không bao giờ biết tới mẹ mình vì bà qua đời lúc nàng gần như chưa biết gì, nhưng Selma bật khóc khi nhìn thấy hình ảnh mẹ và kêu lên: “Ôi mẹ ơi!” Tiếng mẹ ẩn mật trong trái tim con người, trên môi chúng ta trong giờ phút đau thương hoặc hạnh phúc, như hương thơm từ tâm điểm đoá hoa hồng quyện với không khí quang đãng hoặc mờ mây.
Selma tiếp tục nhìn chằm chặp hình ảnh mẹ và hôn liên tục bức hình cho tới khi gục xuống bên giường của cha nàng.
Ông cụ đặt cả hai bàn tay lên đầu con gái và nói:
“Con yêu thương của cha, cha đã cho con thấy hình ảnh của mẹ con trên giấy. Bây giờ, con hãy lắng nghe cha. Cha sẽ kể cho con nghe những lời mẹ con nói.”
Selma ngườc mặt lên như chim non trong tổ vừa nghe tiếng vỗ cánh của chim mẹ, và nàng nhìn cha chăm chú.
Farris Effandi mở miệng và nói:
“Trong khi nuôi dưỡng con, mẹ con bị mất thân phụ của bà ấy. Bà khóc lóc gào la khi ông ngoại của con ra đi, nhưng mẹ con là người khôn ngoan và chịu đựng. Sau khi xong tang lễ, bà ngồi bên cha, ngay trong phòng này, cầm tay cha và nói: ‘Farris ơi, lúc này cha của em đã chết và anh là nguồn an ủi duy nhất của em trên thế gian này’. Tình cảm của con tim bị chia thành từng nhánh như các cành của cây tuyết tùng. Nếu bị mất một cành mạnh mẽ, cây sẽ đau đớn nhưng không chết. Nó sẽ dồn tất cả sức sống vào cành kế đó để cành ấy lớn mạnh, điền vào chỗ khuyết’. Đó là những gì mẹ con nói với cha khi ông ngoại của con từ trần, và con cũng nên nói giống y như thế khi cái chết đem thể xác cha tới nơi an nghỉ của nó và mang linh hồn cha tới nơi chăm sóc của Thượng đế.”
Selma trả lời cha với dòng nước mắt chảy và trái tim tan tác:
“Khi mẹ con mất ông ngoại, có cha thay vào chỗ đó, nhưng ai sẽ thay vào chỗ của cha khi cha đã ra đi? Mẹ con được để lại trong sự chăm sóc của một người chồng đầy yêu thương và đáng tin cậy. Mẹ tìm được nguồn an ủi trong đứa con gái bé bỏng, và ai sẽ là nguồn an ủi cho con khi cha qua đời? Cha là cha, là mẹ và là bạn tri kỷ của con suốt tuổi thanh xuân.”
Nói xong lời ấy, Selma quay qua nhìn tôi, nắm một bên áo tôi và nói:
“Đây là người bạn duy nhất con có sau khi cha ra đi mãi mãi, nhưng làm sao anh có thể an ủi con khi bản thân anh ấy cũng đang đau khổ? Làm sao một tâm hồn tan vỡ có thể tìm thấy ủi an nơi một linh hồn tuyệt vọng? Người đàn bà khổ não không thể được an ủi bởi cơn khổ não của người bên cạnh mình, cũng như chim không thể bay với đôi cánh gãy.
“Anh là bạn của linh hồn con nhưng con đã đặt gánh đau khổ rất nặng lên trên anh ấy, nước mắt của con đã làm mờ mắt anh, tới độ anh không còn có thể thấy gì ngoài bóng tối. Anh là người anh em con tha thiết thương yêu nhưng anh ấy giống như mọi anh em đang chia sẻ khổ não của con và giúp con chảy những giọt nước mắt làm tăng thêm cay đắng của con và đốt cháy trái tim con.”
Những lời của Selam đâm thấu trái tim tôi và tôi cảm thấy mình chẳng thể nào chịu đựng thêm nữa. Ông cụ lắng nghe với tinh thần phiền muộn, run rẩy như ngọn đèn trước gió. Rồi ông dang hai tay ra và nói:
“Con của cha ơi, con hãy để cha ra đi bình an. Cha đã bẻ gãy những chấn song cuối cùng của chiếc lồng. Hãy để cha bay đi và đừng ngăn cha lại, vì mẹ của con đang gọi cha. Bầu trời quang đãng, biển lặng và thuyền đã sẵn sàng dong buồm, đừng trì hoản chuyến du hành. Hãy để thể xác cha an nghỉ với những kẻ đang an nghỉ. Hãy để giấc mộng của cha kết thúc và linh hồn cha thức dậy với bình minh.
“Con hãy để cho linh hồn con ôm ấp linh hồn cha và hãy cho cha một nụ hôn hy vọng. Đừng để khổ đau và cay đắng nhỏ từng giọt lên thân thể cha kẻo hoa cỏ không chịu tiếp nhận các thành tố thể xác cha làm dưỡng chất của chúng. Đừng chảy những giọt nước mắt khốn khổ lên bàn tay cha vì chúng có thể nuôi lớn những cây gai trên mồ cha. Đừng vạch thống khổ thành nét lên trán cha vì gió có thế lướt ngang và đọc chúng rồi không chịu mang tro bụi cùng xương cốt của cha tới các đồng cỏ xanh.
“Con gái của cha, cha đã yêu thương con khi cha còn sống, cha còn yêu thương con khi cha đã chết và linh hồn cha sẽ luôn luôn canh chừng và bảo vệ con.”
Kế đó, Farris Effandi nhìn tôi với ánh mắt hé mở và nói:
“Con trai của ta, con hãy là người anh em chân chính của Selma như thân phụ của con đối với ta. Con hãy giúp đỡ nó và là người bạn thật sự khi nó cần tới. Chớ để nó than khóc vì khóc than thương tiếc người chết là một lỗi lầm. Con hãy lặp lại với nó những câu chuyện thú vị và hãy hát cho nó nghe những khúc ca cuộc sống để nó có thể lãng quên khổ não. Khi gặp lại cha của con, hãy nhắc đến tên ta; con hãy yêu cầu ông ấy kể cho con nghe những câu chuyện thời trai trẻ của cả hai, và nói với cha con rằng ta yêu thương ông trong con người con trai ông cho tới giờ cuối của cuộc đời ta.”
Im lặng lan toả. Tôi có thể thấy vẻ xanh xao tái nhợt của sự chết trên khuôn mặt ông cụ. Rồi ông đảo mắt nhìn chúng tôi và thì thầm:
“Đừng gọi bác sĩ vì ông ấy có thể kéo dài bản án của ta trong nhà tù này bằng thuốc men. Năm tháng nô lệ đã chấm dứt và linh hồn ta đang tìm kiếm sự tự do trên các tầng trời. Và đừng gọi linh mục tới bên giường ta vì những lời kinh cứu rỗi của ông ấy không cứu được ta nếu ta là kẻ tội lỗi, cũng không làm ta chóng lên Thiên đàng hơn nếu ta là người vô tội. Ý muốn của loài người không thể làm thay đổi ý muốn của Thượng
đế, giống với một nhà chiêm tinh không thể thay đổi đường đi của các ngôi sao. Nhưng sau khi ta chết, hãy để các bác sĩ và các linh mục lằm những gì họ thích làm vì thuyền của ta tiếp tục dong buồm cho tới khi nó tới điểm đến của nó.”
Tới nửa đêm, Farris Effandi mở đôi mắt mệt lữ của mình lần cuối và tập trung ánh mắt vào Selma lúc này đang quì bên giường. Ông cụ cố gắng cất tiếng nói nhưng không thể vì thần chết đã làm nghẻn giọng của ông; cuối cùng ông cũng rán sức thốt lên:
“Đêm đang qua… Ôi Selma… Ôi, ôi, Selma…”
Rồi ông gục xuống. Khuôn mặt ông ra trắng bệch. Và tôi có thể thấy nụ cười trên môi khi ông thở hơi cuối cùng.
Selma sờ bàn tay cha. Nó lạnh. Và nàng ngước lên nhìn khuôn mặt ông. Nó bị phủ tấm mạng của sự chết. Selma nghẹn ngào tới độ không ứa nước mắt, không thở dài, và thậm chí không nhúc nhích. Trong một chốc, nàng nhìn cha với đôi mắt bất động như hai mắt một pho tượng. Rồi nàng chúi mình xuống cho tới khi trán chạm sàn nhà, và kêu lên:
“Ôi Chúa ơi, xin thương xót và cứu chữa đôi cánh gãy của chúng con.”
Farris Effandy Katamy qua đời. Linh hồn ông được Vĩnh cửu ôm ấp và thể xác ông trở về đất. Thiếu gia Bey Galib tiếp nhận quyền sở hữu tài sản của ông, và Selma trở thành người tù của cuộc đời – một cuộc đời phiền muộn và khốn khổ.
Tôi thất lạc trong khổ não và mộng mị. Ngày ngày đêm đêm săn bắt tôi như chim ưng rúc rỉa nạn nhân của nó. Nhiều khi tôi cố quên bất hạnh của mình bằng cách vùi đầu vào sách vở và thánh thư của các thời đại quá khứ, nhưng nó như thể dập tắt lửa bằng cách tưới thêm dầu. Và tôi không thể thấy gì trong cuộc diễu hành của quá khứ ngoài thảm kịch, và không thể nghe gì ngoài tiếng khóc than thương tiếc.
Cuốn Sách Gióp làm say mê tôi hơn Thánh vịnh, và tôi thích Ai ca của ngôn sứ Giêrêmia hơn Nhã ca của vua Salomon. Hamlet gần gũi tôi trái tim tôi hơn hết thảy những vở kịch của các nhà văn phương Tây. Như thế, tuyệt vọng làm suy yếu tầm nhìn của tôi và khép kín đôi tai tôi. Tôi không thể thấy gì ngoài những bóng ma đọa đày và chỉ có thể nghe tiếng đập của con tim đang bồi hồi của mình.
8
Giữa Đức Kitô và Ishtar
Ở giữa những hoa viên và các ngọn đồi nối liền thành phố Beirut với Li-băng, có một ngôi đền nhỏ, rất cổ, được đục trong đá trắng, vây quanh là các hàng dương liễu, ô liu và hạnh nhân. Dù ngôi đền ấy chỉ nằm cách xa lộ chính nửa dặm nhưng vào lúc xảy ra câu chuyện này, rất ít người quan tâm tới các di tích và tàn tích cổ đại chịu bỏ công thăm viếng nó. Nó là một trong nhiều địa điểm đáng chú ý, kín đáo và bị quên lãng tại Li-băng. Vì sự khuất lấp ấy, ngôi đền thành nơi nương náu của những kẻ thờ phượng và đền thờ cho những người tình cô đơn.
Khi vào trong ngôi đền, ta sẽ thấy trên vách mé đông có một bức phù điêu cổ Phoenicia tạc trong đá, mô tả Ishtar, nữ thần của tình yêu và cái đẹp, ngồi trên ngai của nàng, vây quanh là bảy trinh nữ khỏa thân đứng theo các tư thế khác nhau. Trinh nữ thứ nhất cầm đuốc; cô thứ hai cây đàn; cô thứ ba lư hương trầm; cô thứ tư choé rượu; cô thứ năm cành hoa hồng; cô thứ sáu vòng nguyệt quế; và cô thứ bảy cây cung và mũi tên. Cả bảy cô đều đưa mắt kính ngưỡng nhìn lên Ishtar.
Trên bức tường thứ hai có một bức phù điêu khác, thời điểm sau bức thứ nhất, diễn đạt theo cách tượng trưng Đức Kitô bị đóng đinh trên giá chữ thập. Bên cạnh ngài đứng mẹ của ngài đầy sầu bi, cùng Mary Magdalena và hai phụ nữ đang khóc. Bức khắc nổi kiểu Bizantine này cho thấy nó được chạm vào thế kỷ 17 hoặc 16.
Trên bức tường mé đông có hai ngách hình vòng cung theo đó ánh mặt trời chiếu vào ngôi đền, hắt lên các bức phù điêu ấy và làm chúng như thể được tô bằng kim nhủ. Ở chính giữa ngôi đền có một tảng cẩm thạch vuông mỗi mé có một bức điêu khắc cổ. Một vài bức khó nhận ra vì trên mặt có những cục máu hóa thạch chứng tỏ người cổ đại đã tế lễ cùng đổ trầm hương, rượu và dầu lên trên bệ đá này.
Không còn gì khác trong ngôi đền ngoài sự tịch lặng thẳm sâu, vén lộ cho người đang sống những bí mật của các thần nữ, và qua vô ngôn, nói tới những thời đại đã qua cùng cuộc tiến hóa của các tôn giáo. Cảnh tượng ấy mang thi sĩ tới một thế giới xa rất xa thế giới y đang nương náu và khiến các triết gia tin rằng con người bẩm sinh mang tính tôn giáo; loài người cảm thấy có nhu cầu đáp ứng cái họ không thể trông thấy và vẽ thành biểu tượng ý nghĩa của những cái thố lộ các bi mật ẩn giấu và các khát vọng của họ trong cuộc sống và cái chết.
Trong ngôi đền không tên đó, tôi gặp gỡ Selma mỗi tháng một lần và ở bên nàng trong nhiều giờ, ngắm các bức tranh lạ thường ấy, ngẫm nghĩ về Đức Kitô chịu đóng đinh và trầm tưởng tới những thanh niên Phoenicia cùng những phụ nữ đã sống, đã yêu và thờ phượng cái đẹp trong con người của Ishtar bằng cách đốt trầm hương trước tượng của nàng, rưới nước hoa lên bệ thờ nàng, những kẻ không lưu lại gì để nói tới ngoài một cái tên được nhắc lại bởi cuộc diễu hành của thời gian trước bộ mặt của Vĩnh cửu.
Thật khó có thể ghi thành hồi ký những giờ tôi gặp gỡ Selma – những giờ tuyệt trần, chan chứa đau đớn và ngập tràn hạnh phúc, khổ não, hi vọng và khốn khổ.
Chúng tôi thầm lén gặp nhau trong ngôi đền cổ ấy, ôn lại những ngày cũ, thảo luận về hiện tại của mình, sợ hãi tương lai và dần dần làm lộ rõ các bí mật ẩn giấu trong những chốn sâu thẳm của linh hồn chúng tôi, ra sức ủi an nhau bằng những hi vọng tưởng tượng và những giấc mộng tiếc nuối.
Thỉnh thoảng lòng chúng tôi lắng đọng, lau khô nước mắt và bắt đầu mỉm cười, lãng quên mọi sự, chỉ còn biết đến Tình yêu. Chúng tôi ấp ủ nhau cho tới khi trái tim tan chảy. Kế đó Selma in dấu một nụ hôn thuần khiết lên trán tôi khiến tâm hồn tôi chan chứa ngất ngây. Tôi đáp trả chiếc hôn ấy lúc nàng nghiêng cổ màu ngà xuống với đôi má ửng hồng và mịn màng trông như tia nắng mai đầu tiên trên trán các ngọn đồi. Chúng tôi lặng im nhìn chân trời xa xa nơi các đám mây nhuộm tia nắng màu da cam thành ráng chiều mặt trời lặn.
Những chuyện vãn của chúng tôi không giới hạn trong tình yêu. Thông trường chúng tôi lan man trên các vấn đề đang xảy ra và trao đổi ý kiến. Xuôi theo dòng chuyện trò, Selma nói tới địa vị của phụ nữ trong xã hội, vết hằn các thời đại đã qua để lại trên cá tính của người nữ, mối quan hệ giữa chồng và vợ, các bệnh hoạn tinh thần và sự băng hoại đe dọa cuộc sống hôn nhân. Tôi nhớ lời nàng từng nói:
“Các nhà thơ và nhà văn cố tìm cách thấu hiểu thực tại của người đàn bà nhưng cho tới nay, họ vẫn không hiểu những bí mật ẩu giấu trong tâm hồn nàng vì họ nhìn đàn bà từ đằng sau tấm mạng tính dục và chỉ thấy vẻ bên ngoài của nàng. Họ nhìn người nữ qua chiếc kính oán hờn phóng đại và chẳng tìm thấy gì ngoài yếu ớt và vâng phục.”
Vào một dịp khác, Selma đưa tay lên chỉ tới các bức phù điêu trên vách ngôi đền và nói:
“Trong lòng của đá này có hai biểu tượng mô tả cái cốt tủy trong khát vọng của phụ nữ và vén lộ những bí mật ẩn giấu của linh hồn đàn bà, đó là chuyển động giữa tình yêu và khổ não, giữa thương cảm và hi sinh, giữa Ishtar đang ngồi trên ngai và Đức mẹ Maria đang đứng bên cây thánh giá. Người nam mua vinh quang và danh tiếng nhưng người nữ trả giá.”
Không ai biết những cuộc gặp mặt kín đáo của chúng tôi ngoài Thượng đế và lũ chim lượn vòng trên ngôi đền. Selma thường dùng cổ xe ngựa của nàng đến một chỗ có tên là Công viên Pasha. Từ chỗ đó, nàng đi bộ tới ngôi đền và tìm thấy tôi đang khắc khoải ngóng từng giây.
Chúng tôi không sợ con mắt quan sát của người đời, cũng không sợ lương tâm của cả hai chúng tôi. Tinh thần được thanh tẩy bằng lửa và rửa sạch bằng nước mắt thì cao hơn cái người đời gọi là hổ thẹn hay ô nhục. Nó được giải phóng khỏi các lề luật nô lệ và những phong tục lỗi thời ngược với tình cảm của tâm hồn con người. Tinh thần ấy có thể kiêu hãnh đứng không chút xấu hổ trước ngai của Thượng đế.
Xã hội loài người trong suốt bảy mươi thế kỷ đã đầu hàng những luật lệ băng hoại tới độ ngày nay nó không thể hiểu luật lệ tối thượng và vĩnh cửu. Con mắt loài người đã ngày càng quen thuộc với ánh sáng le lói của ngọn nến và không thể nhìn ánh sáng của mặt trời. Bệnh tật tinh thần đã trở nên thành phần của người đời khiến họ nhìn nó không phải là bệnh tật mà như một tặng phẩm tự nhiên được Thượng đế ban cho A-đam. Nếu thấy có ai đó thoát khỏi các mầm mống của bệnh tật ấy, họ sẽ nghĩ về y với sự hỗ thẹn và ô nhục.
Những kẻ nào nghĩ xấu về Selma Karamy vì nàng rời nhà chồng đến gặp tôi trong ngôi đền là kẻ bệnh hoạn và là một loại tâm trí bạc nhược, một kẻ nhìn người lành mạnh và tráng kiện như một tên nổi loạn. Những kẻ ấy giống như côn trùng bò trong bóng tối vì sợ người qua đường dẫm lên mình.
Tù nhân bị áp bức nào có thể phá vỡ ngục tù của mình mà không làm, đều là kẻ hèn nhát. Selma, một tù nhân vô tội và bị áp bức, không có khả năng giải thoát mình khỏi cảnh nô lệ. Nàng có đáng trách vì đã qua cửa sổ nhà tù, nhìn cánh đồng xanh và bầu trời bao la? Người đời có xem Selma là không chung thủy với chồng vì nàng từø nhà mình tới đây để ngồi bên tôi giữa Đức Kitô và nữ thần Ishtar?
Cứ để người đời nói điều họ thích nói, Selma đã vượt qua những đầm lầy nhận chìm các tinh thần khác và đã đặt chân lên đất liền trong một thế giới không bị tiếng hú của lang sói và tiếng rì rào của rắn với tới. Người đời có thể nói điều họ muốn nói về tôi vì một tinh thần từng thấy bóng ma của sự chết thì không thể bị bộ mặt của kẻ cắp hăm dọa. Người lính nào từng thấy thanh gươm lấp lánh trên đầu và suối máu dưới chân thì không thèm đếm xỉa những viên đá trẻ con trên đường phố ném tới.