WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Gãy cánh uyên ương [1]

Nguyễn Ước dịch từ truyện Broken Wings, 1912 của Kahlil Gibran

Kahlil Gibran (1883-1931)

Kahlil Gibran (1883-1931) là thi sĩ và họa sĩ người Mỹ gốc Liban. Cùng gia đình di dân sang New York năm 1895, tới năm 15 tuổi ông quay về học ở quê hương và trở lại Mỹ năm 1902. Ba mươi năm sau, thi hài của ông được đem về an táng tại thị trấn chôn nhau cắt rốn.

Gibran để lại hàng trăm bức họa và khoảng 30 tác phẩm viết bằng tiếng Arập hoặc tiếng Anh. Với cung giọng ngôn sứ đầy chất thơ, tác phẩm của Kahil Gibran như một dòng chảy tổng hợp các suối nguồn Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Các bài trường đoản cú hay các bài thơ xuôi của ông cao nhã, ngôn từ trang trọng, với hình ảnh con người hướng thượng, chiêm nghiệm, và dấn thân, kèm theo những cái nhìn thấu suốt vào các chủ đề của cuộc sống, được diễn tả bằng thuật ngữ tâm linh.

Tuyệt phẩm The Prophet (Ngôn sứ) của Gibran xuất bản lần đầu năm 1923, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và là một trong các sách bán chạy nhất tại Mỹ trong thế kỷ 20. The Prophet gồm 26 tiểu luận bằng thơ xuôi, ứng xử chuyên biệt với các chủ đề trong cuộc sống. Nó đặc biệt nổi bật trong thập niên 1960 với hai trào lưu Thời đại Mới (New Age) và Phản Văn hóa (Counter-culture), đồng thời tinh thần Biên cương mới góp phần tạo cảm hứng cho các phong trào thiện nguyện viên quốc tế, các tổ chức bất vụ lợi (NGO) hoạt động văn hóa, xã hội, y tế… trên khắp thế giới.

Với Kahil Gibran, “Lịch sử chỉ lặp lại chính nó trong tâm trí những kẻ không biết lịch sử” (History does not repeat itself except in the minds of those who do not know history), và “Một nửa những gì tôi viết là vô nghĩa, nhưng tôi nói nửa ấy ra để nửa kia có thể với tới bạn” (Half of what I say is meaningless, but I say it so that the other half may reach you).

***

Tặng người nhìn thẳng mặt trời với đôi mắt ngây dại, nắm bắt lửa với những ngón tay không chút run rẩy và nghe giai điệu tinh thần của Vĩnh cửu đằng sau tiếng la hét chát chúa của người mù. Tôi tặng M.E.H cuốn sách này.
Gibran

Lời mở đầu

Tôi được tình yêu mở mắt năm mười tám tuổi với những tia sáng kỳ diệu của nó, và tinh thần tôi được nó chạm tới lần dầu tiên bằng những ngón tay nồng nàn. Selma Karamy là người nữ đầu tiên đánh thức tinh thần tôi bằng vẻ đẹp của nàng và dẫn tôi vào khu vườn thương cảm cao ngất nơi ngày ngày đi qua như những giấc mộng và đêm đêm như những tối tân hôn.

Selma là người dạy tôi thờ phượng cái đẹp bằng gương mẫu của nhan sắc nàng và vén lộ cho tôi bí mật tình yêu bằng lòng thương cảm của nàng. Nàng là người đầu tiên hát cho tôi nghe những bài thơ của cuộc đời chân chính.

Người tuổi trẻ nào khi nhớ lại mối tình đầu của mình và ra sức nắm bắt trở lại giờ khắc lạ thường ấy thì hồi ức đó làm thay đổi cảm xúc sâu xa nhất của y khiến y cảm thấy quá đổi hạnh phúc, bất chấp mọi đắng cay trong bí nhiệm của nó.

Cuộc đời người tuổi trẻ nào cũng có một “Selma”, kẻ hốt nhiên xuất hiện với y giữa mùa xuân cuộc đời, chuyển biến nỗi cô đơn của y thành những khoảnh khắc hạnh phúc và làm những đêm dài tịch mịch của y chan chứa âm nhạc.

Thuở đó, trong khi tôi đang mê mải với ý nghĩ và miệt mài với trầm tư, tìm cách thấu hiểu ý nghĩa của thiên nhiên cùng sự mặc khải của sách vở và sách thánh thì nghe tiếng TÌNH YÊU thầm thì bên tai qua đôi môi của Selma. Cuộc sống của tôi là một cơn hôn mê trống rỗng, như cuộc sống của A-đam trong vườn Địa đàng, và rồi tôi bỗng thấy Selma đứng ngay trước mặt mình như một cột ánh sáng. Nàng là Eva của trái tim tôi, một Eva làm cho tâm hồn tôi tràn ngập những bí ẩn cùng những kỳ diệu và làm cho tinh thần tôi thấu hiểu ý nghĩa của cuộc đời.

Nàng Eva đầu tiên của loài người dẫn A-đam ra khỏi vườn Địa đàng bằng ý muốn của chính nàng, ngược lại Selma, nàng Eva của tôi, khiến cho tôi tự nguyện đi vào vườn địa đàng tình yêu thuần khiết và đức hạnh bằng sự dịu ngọt và tình yêu của nàng. Tuy thế, điều xảy ra cho người đàn ông đầu tiên cũng đã xảy ra cho tôi, và thanh gươm sáng loé xua đuổi A-đam ra khỏi vườn Địa đàng cũng giống với cái đã làm tôi kinh hãi các cạnh sắc lấp lánh của nó và bức bách tôi phải ra khỏi vườn địa đàng tình yêu cho dẫu tôi không bất tuân mệnh lệnh nào và không nếm vị trái cấm nào.

Giờ đây, sau nhiều năm trôi qua, tôi chẳng còn lại gì của giấc mộng tuyệt diệu ấy ngoài những hồi ức đau đớn dồn dập như những chiếc cánh vô hình đang vỗ chung quanh mình, làm mọi chốn sâu thẳm trong tâm hồn tôi tràn ngập khổ não và mang nước mắt đến trên đôi mắt tôi. Selma xinh đẹp, người tôi thương yêu, đã chết mà không để lại gì cho tôi tưởng niệm ngoài con tim tan vỡ của tôi và nấm mồ của nàng với những cây bách bao quanh. Nấm mồ ấy và con tim này là tất cả những gì lưu lại để làm chứng về Selma.

Không khí tịch lặng canh gác nấm mồ không vén lộ bí mật của Thượng đế trong chốn áo quan mịt mùng, và âm thanh sột soạt của những cành cây mà rễ chúng hút các thành tố của hình hài ấy không kể cho nghe những bí ẩn của huyệt mộ; chỉ có tiếng thở dài áo nảo của con tim tôi báo cho người đang sống biết một thảm kịch thể hiện tình yêu, cái đẹp và sự chết.

Hỡi các bằng hữu thời thanh xuân của tôi, những kẻ giờ đây người một nơi trong thành phố Beirut, mỗi khi các bạn đi ngang nghĩa trang gần rừng thông đó, xin hãy thinh lặng ghé vào và đi chầm chậm để tiếng chân bước không làm rộn giấc ngủ của người đã qua đời. Và xin khiêm tốn dừng lại bên mồ của Selma, nghiêng mình chào mặt đất đang khép kín hình hài nàng, và hãy nhắc đến tên tôi với tiếng thở rất dài rồi nói với mình rằng:

“Đây là nơi chôn cất mọi hi vọng của Gibran, kẻ đang sống như người tù ở chốn bên kia biển. Tại nơi này, hắn đã đánh mất hạnh phúc, khô cạn nước mắt và quên hết nụ cười.”

Bên nấm mồ ấy, khổ não của Gibran cùng lớn lên theo với các cây bách. Trên nấm mồ ấy, tinh thần của Gibran hằng đêm lung linh tưởng nhớ Selma, đau đớn hiệp cùng cành bách cất tiếng than khóc thương tiếc sự ra đi của Selma, kẻ hôm qua là giai điệu tuyệt trần trên đôi môi cuộc đời và hôm nay là niềm bí mật thinh lặng trong lòng đất.

Hỡi các bằng hữu thời thanh xuân của tôi! Nhân danh những trinh nữ được con tim các bạn yêu thương, tôi thỉnh cầu các bạn hãy đặt vòng hoa lên nấm mồ hoang lạnh của người tôi yêu thương. Vòng hoa ấy của các bạn sẽ như hạt sương đang rơi từ những con mắt rạng đông trên các cánh hồng đang héo úa.

1
Khổ não thầm lặng

Hỡi những người từng sống bên cạnh tôi, các bạn hồi tưởng bình minh của tuổi trẻ với hoan lạc và nuối tiếc sự trôi qua của nó, còn tôi, tôi nhớ tới nó như người tù nhớ lại những chấn song và xiềng xích trong ngục tối của y. Các bạn nói tới những năm tháng thời thơ ấu và thời thanh xuân như một kỷ nguyên bằng vàng, không vướng mắc tù túng và không chút âu lo, còn tôi, tôi gọi những năm tháng ấy là kỷ nguyên của khổ não thầm lặng, như hạt mầm gieo xuống tâm hồn mình. Và cùng với nó tôi lớn lên, không tìm thấy lối ra khỏi thế giới của tri thức và minh triết cho tới khi tình yêu đến mở cánh cửa tâm hồn tôi và soi sáng các xó xỉnh của nó.

Tình yêu cho tôi tiếng nói và nước mắt. Các bạn hẳn còn nhớ các hoa viên và các cây hoa lan, các nơi họp mặt và các góc phố, tất cả làm chứng cho những trò chơi cùng những tiếng thì thầm hồn nhiên của các bạn, và tôi cũng thế, tôi nhớ chốn xinh đẹp ấy tại Bắc Li-băng. Mỗi lần nhắm mắt, tôi lại thấy các thung lũng ấy, tràn ngập kỳ diệu và đầy phẩm cách, và các ngọn núi ấy, phủ đầy vẻ lộng lẫy và vĩ đại, đang vươn hết sức mình lên bầu trời.

Mỗi lần khép đôi tai trước âm thanh rộn ràng của thành thị, tôi lại nghe tiếng thì thầm của các con lạch nhỏ ấy, tiếng xào xạc của các cành cây ấy. Tất cả những vẻ đẹp ấy – mà giờ đây tôi khao khát được thấy như trẻ con thèm bầu ngực mẹ – đã gây chấn thương cho tinh thần tôi và bị giam nhốt trong bóng tối thời thanh xuân tôi, như chim ưng khổ sở trong lồng khi thấy có đàn chim đang bay tự do giữa bầu trời cao rộng. Các thung lũng ấy, các ngọn đồi ấy đã chết trong trí tưởng của tôi ngoại trừ các ý nghĩ cay đắng dệt thành tấm lưới vô vọng vây phủ tâm hồn tôi.

Lần nào ra tới cánh đồng tôi cũng thất vọng quay về mà không hiểu rõ tại sao mình thất vọng. Lần nào nhìn lên khung trời xám tôi cũng cảm thấy trái tim quặn thắt. Lần nào nghe tiếng hót của đàn chim và tiếng róc ránh của con suối tôi cũng cảm thấy khổ sở mà không hiểu cái gì làm mình khổ sở. Người ta nói rằng biện luận làm con người thành trống rỗng và trống rỗng ấy làm con người ra hồn nhiên. Điều đó có thể đúng với những ai vừa sinh ra đã chết và những ai hiện hữu như những thây ma đông cứng, tuy thế một cậu bé đa cảm mà ít am hiểu là sinh vật bất hạnh nhất dưới ánh mặt trời vì nó bị xâu xé giữa hai sức mạnh. Sức mạnh này nâng nó lên cao để thấy vẻ đẹp của cuộc hiện sinh qua đám mây trong giấc mộng, còn sức mạnh kia cột nó xuống đất, làm mắt nó phủ đầy bụi và chế ngự nó bằng sợ hãi và bóng tối.

Cô đơn có những bàn tay mềm mại và mượt mà như lụa nhưng túm lấy trái tim bằng các ngón tay mạnh bạo, làm nó nhức nhối với khổ não. Cô đơn là bạn đồng minh của khổ não và cũng là bạn đồng hành với sự thăng hoa tâm linh.

Linh hồn cậu bé ấy trải qua cơn vùi dập của khổ não, như đóa huệ trắng mới nở. Nó run rẩy trước gió nhẹ, mở trái tim ra với hừng đông và khép cánh lại khi bóng đêm tới. Nếu cậu bé không có thú tiêu khiển hoặc bạn hữu hoặc đồng đội trong các trò chơi chung, cuộc đời đối với nó sẽ giống một nhà tù chật chội trong đó nó hoàn toàn chỉ thấy lưới nhện và chỉ nghe tiếng côn trùng đang bò.

Khổ não ám ảnh tôi suốt thời trai trẻ không do bởi thiếu thú tiêu khiển vì tôi có thể có chúng. Cũng không do bởi thiếu bạn hữu vì tôi có thể kiếm ra họ. Khổ não ấy gây nên bởi trăn trở nội tâm khiến tôi yêu thích cô đơn. Nó giết trong tôi sở thích giải trí hoặc tiêu khiển. Nó gỡ mất đôi cánh thanh xuân trên hai vai tôi và nó làm cho tôi trở nên như một chiếc ao tù đọng với nước yên lặng trên bề mặt, phản chiếu các hình bóng, sắc màu của mây trời và cây cối chung quanh nhưng không thể tìm được lối để qua đó vừa hát ca vừa thoát ra biển.

Đó là cuộc sống của tôi trước khi tới năm mười tám tuổi. Năm đó như một đỉnh núi trong đời tôi vì nó đánh thức trong tôi sự am hiểu và nó làm tôi thấu hiểu cuộc thăng trầm của loài người. Năm đó tôi được tái sinh, và nếu con người không được sinh ra lần nữa, cuộc đời của y sẽ vẫn là một trang trắng trong cuốn sách của cuộc sinh tồn.

Trong năm đó, tôi thấy các thiên thần thiên đàng nhìn tôi qua đôi mắt một người nữ xinh đẹp. Tôi cũng thấy các quỉ dữ hỏa ngục nổi cơn thịnh nộ trong trái tim của một người đàn ông độc ác. Kẻ nào không thấy thiên thần và quỉ dữ trong vẻ đẹp và trong tâm địa ác độc của cuộc đời sẽ còn rất lâu mới đạt tới sự am hiểu, và tinh thần của y sẽ trống rỗng lòng thương cảm.

2
Bàn tay định mệnh

Mùa xuân năm kỳ diệu ấy tôi ở Beirut. Các khu vườn tràn ngập hoa tháng Nisan và cỏ xanh lục trải thảm phủ kín mặt đất, tất cả như thể bí mật của địa cầu được vén lộ cho Thiên đàng. Những cây cam cây táo trỗ lộc trông giống các tiên nga Houri hay các cô dâu trong y trang trắng nõn nà, được thiên nhiên phái tới để truyền cảm hứng cho thi sĩ.

Khắp nơi mùa xuân đều đẹp nhưng đẹp nhất ở Li-băng. Xuân như một thần linh lang thang khắp mặt đất nhưng lơ lửng trên Li-băng, đàm đạo với các vua chúa và các ngôn sứ, ca hát với dòng sông bài Nhã ca Salomon và lặp lại với những cây Tuyết tùng Thiêng liêng của Li-băng hồi ức về một thời cổ huy hoàng. Beirút không bao giờ bị lầy lội mùa đông và bụi mù mùa hạ. Nó như cô dâu trong mùa xuân hoặc như thiếu nữ ngồi bên bờ suối hong khô làn da mịn màng dưới ánh mặt trời.

Ngày nọ giữa tháng Nisan, tôi ghé thăm một người bạn nhà ở cách thành phố Beirut đẹp say đắm ấy một quãng khá xa. Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, có một người cao niên tướng mạo phương phi, khoảng sáu mươi lăm tuổi, đi vào. Khi tôi đứng lên chào, bạn tôi giới thiệu với tôi ông ấy là Farris Effandi Karamy và kế đó nói cho ông biết tên tôi, kèm theo vài lời tán tụng. Ông cụ nhìn tôi một lúc, đưa tay lên bóp bóp trán như cố nhớ ra điều gì. Rồi ông mỉm cười bước tới gần tôi và nói:

“Anh là con trai của một người bạn rất thân với tôi. Tôi sung sướng được thấy lại người bạn ấy trong con người của anh.”

Những lời nói ấy của ông làm tôi rất xúc động và tôi bị cuốn hút vào ông như con chim theo bản năng tìm về tổ trước giờ giông bão đến. Sau khi chúng tôi cùng ngồi xuống, ông cụ kể cho tôi nghe tình thân hữu của ông với cha tôi và nhắc lại thời gian cả hai cùng trải qua bên nhau. Người cao niên thích hồi tưởng những ngày thanh niên của mình giống người tha hương khao khát trở về quê cũ. Ông cụ cảm thấy thú vị khi kể những chuyện thời quá khứ chẳng khác nào thi sĩ sảng khoái khi đọc lại bài thơ hay nhất của mình.

Về mặt tinh thần, Farris Effandy Karamy sống với quá khứ vì hiện tại lướt đi lẹ làng và đối với ông, tương lai càng lúc càng tới gần sự quên lãng. Một giờ đầy ắp những hoài niệm thời cũ trôi qua rất nhanh như những chiếc bóng của hàng cây trên mặt cỏ. Khi sắp sửa ra về, ông cụ đặt bàn tay trái lên vai tôi, tay phải bắt tay tôi và nói:

“Hai chục năm nay, ta không gặp cha của anh. Ta hi vọng anh sẽ thay chỗ của ông ấy để thường xuyên đến thăm ta.”

Với lòng biết ơn và cảm giác dễ chịu, tôi hứa sẽ thực hiện nghĩa vụ con cháu đối với một người bạn thân thiết của cha tôi.

Khi Farris Effandy ra khỏi nhà, tôi yêu cầu anh bạn kể cho tôi nghe thêm về ông cụ. Bạn tôi nói:

“Tại Beirut này tôi không biết có người đàn ông nào khác mà giàu có khiến cho nhân từ và nhân từ làm cho giàu có. Ông cụ Ferris Effandy là một trong vài kẻ đến với thế giới này rồi từ biệt nó mà không làm thiệt hại ai. Tuy thế, loại người ấy thường khốn khổ và chịu áp bức vì họ không đủ khôn ngoan để tự cứu mình thoát khỏi móng vuốt nham hiểm của kẻ khác. Ông cụ có một đứa con gái tính nết y như cha, với nhan sắc và duyên đáng không sao tả hết. Và cô ấy cũng sẽ bị khốn khổ vì sự giàu có của người cha đang đặt con gái bên bờ vực kinh hoàng.”

Khi người bạn thốt ra những lời ấy, tôi để ý thấy vẻ mặt anh ám bóng mây. Và anh nói tiếp:

“Farris Effandi là một ông cụ lương thiện tốt bụng với tâm hồn cao thượng, nhưng ông ấy thiếu sức mạnh ý chí. Ông bị người đời dẫn đi như một người mù. Con gái của ông, dẫu kiêu hãnh và thông minh, nhưng hoàn toàn nghe theo lời cha. Và đó là bí mật sâu kín trong cuộc sống của hai cha con. Bí mật này bị một kẻ hiểm độc phát hiện. Kẻ đó là Giám mục Bulos Galib, một con người quỉ quyệt ẩn núp đằng sau cuốn Phúc âm. Ông ta là nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương này và là kẻ biết cách làm cho người đời tin rằng mình nhân từ và cao thượng. Dân chúng nghe lời ông và bị ông dẫn đi như đàn cừu tới lò sát sinh.

“Giám mục ấy có một đứa cháu lòng đầy hận thù và hư đốn. Trước sau gì cũng sẽ tới ngày ông ta dàn dựng cho cháu trai của mình ở bên phải và con gái của Farris Effandi ở bên trái còn bàn tay độc dữ của ông cầm vòng hoa cưới đặt lên trên đầu hai đứa, để cột chặt nàng trinh nữ thuần khiết vào gã bại hoại ô uế kia, và đưa tâm điểm của ngày vào giữa lòng đêm.

“Tôi chỉ có thể cho anh biết như thế thôi về Farris Effandi và con gái của ông cụ ấy; anh đừng hỏi tôi thêm câu nào nữa.”

Nói xong những lời đó, anh bạn tôi quay mặt về hướng cửa sổ như thể đang dự tính giải quyết vấn đề của cuộc sống con người bằng cách chú mục vào vẻ đẹp của vũ trụ.

Khi rời ngôi nhà của người bạn, tôi nói với anh ấy rằng vài ngày nữa, tôi sẽ tới thăm Farris Effandi để hoàn thành lời hứa và vì tình bằng hữu đã kết hợp ông cụ ấy với thân phụ tôi. Nghe vậy, anh nhìn tôi một chốc. Và tôi để ý thấy vẻ mặt anh bỗng biến sắc như thể mấy lời đơn giản của tôi vén lộ cho anh một ý tưởng mới.

Kế đó, với động thái lạ lùng, anh nhìn thẳng mặt tôi với ánh mắt đầy tình yêu, thương cảm và sợ hãi, cái nhìn của một ngôn sứ thấy trước những gì không kẻ nào khác có thể dự báo. Rồi môi anh run run nhưng anh vẫn im lặng khi đưa tôi ra cửa. Cái nhìn lạ lùng của anh đi theo tôi và tôi không thể nào hiểu nổi ý nghĩa của nó cho tới khi tôi trưởng thành trong thế giới của trải nghiệm, nơi các con tim hiểu nhau bằng cảm nhận và là nơi tinh thần chín chắn nhờ am hiểu.

Kế đó, với động thái lạ lùng, anh nhìn thẳng mặt tôi với ánh mắt đầy tình yêu, thương cảm và sợ hãi, cái nhìn của một ngôn sứ thấy trước những gì không kẻ nào khác có thể dự báo. Rồi môi anh run run nhưng anh vẫn im lặng khi đưa tôi ra cửa. Cái nhìn lạ lùng của anh đi theo tôi và tôi không thể nào hiểu nổi ý nghĩa của nó cho tới khi tôi trưởng thành trong thế giới của trải nghiệm, nơi các con tim hiểu nhau bằng cảm nhận và là nơi tinh thần chín chắn nhờ am hiểu.

3
Đường vào điện thờ

Suốt mấy ngày, tôi bị cô đơn khống chế và thấm mệt với bộ mặt ảm đạm của sách vở. Tôi thuê chiếc xe ngựa và khởi sự đi tới nhà của Farris Effandi. Khi tới rừng thông dân chúng thường ra cắm trại, xa phu quành xe theo một lối đi riêng phủ bóng những hàng cây cao mọc hai bên đường. Trong lúc xe chạy ngang đó, chúng tôi có thể ngắm vẻ đẹp của các bãi cỏ xanh thẩm, các vườn nho và nhiều cây hoa tháng Nisan vừa kết nụ.

Vài phút sau, xe dừng bánh trước một toà nhà đơn độc tọa lạc giữa một hoa viên xinh đẹp. Hương thơm hoa hồng, hoa sơn chi và hoa lài tràn ngập không khí. Tôi thấy Farris Effandi bước ra đón tôi. Kế đó, với lời chào mừng nồng nhiệt và chân thật ông dẫn tôi vào nhà. Ngồi bên tôi và nhìn tôi như người cha sung sướng thấy con trai của mình, ông hỏi tôi dồn dập những câu hỏi về đời sống, tương lai và việc học hành của tôi.

Tôi sốt sắng trả lời bằng giọng chứa chan hoài bão vì tôi nghe âm vang trong tai mình một điệu nhạc vinh quang và thuyền tôi đang dong buồm trên mặt biển lặng chan hòa những giấc mơ hi vọng. Đúng lúc ấy, từ đằng sau màn cửa bằng nhung, xuất hiện một thiếu nữ xinh đẹp trong áo dài lụa trắng, và bước về phía tôi. Farris và tôi cùng đứng lên.

“Đây là Selma, con gái ta.”

Ông cụ mở lời như thế rồi giới thiệu tôi với nàng và nói thêm:

“Con ạ, số phận đã mang trở lại cho cha người bạn cũ thân thiết qua con trai của ông ấy.”

Trong một chốc, Selma nhìn thẳng mặt tôi như thể nghi ngờ việc có một người khách đã có thể vào nhà họ và viếng thăm họ. Bàn tay nàng, khi tôi chạm vào, tựa đóa huệ trắng, và tôi chợt thấy tim mình như bị xuyên thấu bởi một cảm giác đau nhói lạ thường.

Chúng tôi ngồi bên nhau thinh lặng như thể Selma vừa mang theo nàng vào căn phòng này một tinh thần siêu phàm mà chỉ có sự trang trọng không nói nên lời mới xứng đáng tiếp nhận. Cảm nhận được sự im lìm ấy, nàng mỉm cười với tôi và nói:

“Cha tôi kể tới kể lui cho tôi nghe hoài câu chuyện thời trai trẻ của ông và những ngày ông cùng phụ thân anh trải qua với nhau. Nếu thân phụ anh từng nói với anh theo cách giống y như của cha tôi thì đây không phải là lúc chúng ta gặp nhau lần đầu.”

Thấy thái độ của con gái và nghe lời ấy, ông cụ tỏ vẻ hài lòng. Ông nói:

“Selma tình cảm lắm. Nó nhìn mọi sự qua con mắt tinh thần”.

Kế đó, ông tiếp tục cuộc trò chuyện với vẻ ân cần và cư xử lịch thiệp như thể ông vừa tìm thấy trong tôi một sức cuốn hút kỳ bí mang ông bay trên đôi cánh ký ức về lại những ngày xưa cũ.

Trong khi tôi suy ngẫm các lời ông nói và mơ màng tới những năm về sau của mình, Farris Effandi nhìn tôi như một cây cổ thụ cao ngất từng chịu đựng bão tố và lúc này ánh mặt trời rủ bóng mát của nó lên một cây non nhỏ bé đang run rẩy trong gió nhẹ hừng đông.

Còn Selma giữ mình im lặng. Thỉnh thoảng nàng nhìn tôi rồi nhìn sang thân phụ mình, như đang đọc chương đầu tiên rồi chương cuối cùng của vở kịch cuộc đời. Ngày trôi qua nhanh trong vườn hoa. Qua cửa sổ, tôi có thể thấy chiếc hôn ma quái vàng vọt của mặt trời đang lặn trên núi non Li-băng. Farris Effandi tiếp tục kể về các trải nghiệm của ông còn tôi lắng nghe và đáp ứng với thiện cảm tới độ nỗi khổ não của ông biến thành niềm hạnh phúc.

Selma ngồi bên cửa sổ, tiếp tục nhìn với đôi mắt não nùng và không nói tuy thế, nhan sắc có ngôn ngữ tuyệt trần của chính nó, cao ngất hơn những giọng nói của lưỡi của môi. Nó là thứ ngôn ngữ vượt thời gian, chung cho toàn thể loài người, như mặt hồ yên lặng quyến rũ những con lạch nhỏ đang hát ca tìm tới đáy sâu thẳm của nó và rồi làm cho chúng im tiếng.

Chỉ tinh thần của chúng ta mới có thể thấu hiểu cái đẹp hoặc sống chung và tăng trưởng với nó. Cái đẹp làm tâm trí chúng ta bối rối. Chúng ta không có khả năng diễn đạt nó bằng ngôn từ. Nó là một cảm giác mắt chúng ta không thể thấy; nó phát nguồn từ người ngắm nhìn và kẻ được ngắm nhìn. Cái đẹp chân chính là một tia sáng phát sinh từ chốn cực thiêng liêng của tinh thần; nó soi chiếu thể xác, như sự sống đến từ chốn sâu thẳm của đất và cung cấp hương sắc cho hoa.

Cái đẹp chân chính nằm trong sự hòa điệu tinh thần, được gọi là tình yêu, và nó chỉ có thể hiện hữu giữa người nam và người nữ.

Có phải tinh thần của Selma và của tôi đã vươn tới nhau trong ngày đầu gặp mặt, và có phải lòng khát khao khiến tôi thấy nàng là người nữ xinh đẹp nhất dưới ánh mặt trời? Hoặc có phải vì cơn ngất ngây men rượu thanh xuân khiến tôi tưởng tượng ra cái không bao giờ hiện hữu?

Có phải tuổi trẻ đã làm mù quáng con mắt tự nhiên của tôi khiến tôi tưởng tượng ánh rạng rỡ trong đôi mắt nàng, vị dịu ngọt trên đôi môi nàng và vẻ duyên đáng của khuôn mặt nàng?  Hoặc có phải rạng rỡ, dịu ngọt và duyên dáng ấy đã mở mắt tôi, cho tôi thấy hạnh phúc và khổ não của tình yêu?

Trả lời các câu hỏi đó không là việc dễ làm nhưng tôi chân thành nói rằng vào giờ khắc ấy, tôi cảm thấy lòng xúc động như chưa bao giờ cảm thấy trước đây, một nỗi niềm thương cảm mới mẻ an nghỉ tĩnh lặng trong tâm hồn tôi, giống như tinh thần lơ lửng trên mặt nước lúc bắt đầu cuộc sáng thế. Và từ nỗi niềm thương cảm đó ra đời hạnh phúc của tôi cùng khổ não của tôi. Như thế, kết thúc giờ gặp gỡ đầu tiên giữa Selma với tôi, và như thế, ý muốn của Trời đã giải phóng tôi khỏi tình trạng câu thúc của tuổi trẻ và cô đơn, để tôi đi trong đám rước của tình yêu.

Tình yêu là sự tự do độc nhất trên thế giới này vì nó làm thăng hoa tinh thần tới độ luật lệ của loài người và các hiện tượng thiên nhiên không thể nào làm lệch dòng chảy của nó.

Khi tôi đứng lên để từ giã, Farris Effandi tới gần tôi và nói nhã nhặn:

“Giờ đây, hỡi con trai của ta, vì anh đã biết cách tới ngôi nhà này nên anh phải thường xuyên tới đây và xem như đang về nhà của thân phụ anh. Anh cứ xem ta như một người cha và Selma như chị em gái của anh vậy.”

Nói như thế xong, ông quay sang nhìn Selma như yêu cầu xác nhận lời ông vừa phát biểu. Nàng gật đầu tán thưởng và nhìn tôi như nhìn một người quen biết cũ vừa tìm lại được.

Những lời Farris Effandi vừa thốt ra đã đặt tôi vai kề vai với con gái của ông nơi bàn thờ của tình yêu. Những lời ấy là khúc hát tuyệt vời, bắt đầu với phơi phới rạng rỡ và kết thúc trong đau thương sầu thãm. Chúng nâng tinh thần chúng tôi lên cao tới cảnh giới của sự sáng và ngọn lửa nồng cháy. Chúng là chiếc ly trong đó chúng tôi cùng uống hạnh phúc và cay đắng.

Tôi rời tòa nhà. Ông cụ đi với tôi tới cuối hoa viên trong khi con tim tôi đập theo nhịp run rẩy của đôi môi kẻ đang khát.

4
Ngọn đuốc trắng

Tháng Nisan sắp hết, tôi tiếp tục đến thăm ngôi nhà của Farris Effandi và gặp gỡ Selma trong hoa viên xinh đẹp, ngắm vẻ đẹp của nàng, kinh ngạc về trí thông minh của nàng và lắng nghe sự tịch lặng đầy đau xót. Tôi cảm thấy có bàn tay vô hình đang kéo mình tới với nàng.

Mỗi lần đến thăm lại cho tôi một ý nghĩ mới về nhan sắc của Selma và một cái nhìn thấu suốt mới về tinh thần dịu dàng của nàng cho tới khi nàng thành một cuốn sách với những trang tôi có thể thấu hiểu cùng những lời ngợi ca tôi có thể hát lên mà không bao giờ có thể thôi đọc. Một người nữ mà Thiên ý quan phòng đã ban cho vẻ đẹp của tinh thần và thể xác, là một chân lý vừa phơi mở vừa ẩn mật, chúng ta chỉ có thể am hiểu bằng tình yêu và chỉ có thể chạm tới bằng đức hạnh. Và khi chúng ta tìm cách mô tả một người nữ như thế, nàng biến mất như làn hơi.

Salma có vẻ đẹp thể xác và tinh thần nhưng làm sao tôi có thể mô tả nàng cho kẻ không bao giờ quen biết nàng? Làm sao một người đã chết có thể nhớ tiếng hót của chim sơn ca, hương của hoa hồng và tiếng thở dài của con suối nhỏ? Làm sao một người tù mang xiềng xích nặng nề có thể đi theo ngọn gió hiu hiu thổi lúc rạng đông? Phải chăng im lặng không đau đớn hơn cái chết? Phải chăng lòng kiêu hãnh ngăn không cho tôi mô tả Selma bằng ngôn ngữ trần trụi vì tôi không thể diễn đạt trung thực nàng bằng những sắc màu rực rỡ? Người đói trong sa mạc sẽ không từ chối ăn bánh mì khô nếu Trời không mưa xuống man-na và chim cút.

Trong áo dài luạ trắng, Selma mỏng manh như ánh trăng xuyên qua khung cửa sổ. Nàng bước đi duyên dáng và nhịp nhàng. Giọng nàng trầm lắng và ngọt ngào; lời rơi trên môi như giọt sương rơi trên cánh hoa khi bị gió khua động.

Còn khuôn mặt của Selma! Không lời nào có thể diễn tả vẻ mặt ấy; nó phản ánh trước tiên cơn ray rứt cực độ trong lòng và rồi thanh thoát tuyệt trần.

Khuôn mặt Selma không mang vẻ đẹp cổ điển; nó như giấc mơ mặc khải không thể đo lường hoặc giới hạn hoặc sao chép bằng ngọn bút lông của họa sĩ hay đục chàng của người tạc tượng. Nhan sắc của Selma không cư ngụ trên mái tóc vàng của nàng nhưng trong đức hạnh và sự thuần khiết bao phủ mái tóc ấy. Không ở trong đôi mắt to của nàng nhưng trong ánh sáng tỏa ra từ chúng. Không ở trên đôi môi hồng của nàng nhưng trong vị dịu ngọt các lời nàng nói. Không ở trong chiếc cổ màu ngà của nàng nhưng trong vẻ thanh tú nghiêng mình tới trước. Cũng không ở trong vóc dáng hoàn hảo của nàng nhưng trong cao nhã của tinh thần nàng, bừng cháy như ngọn đuốc trắng giữa mặt đất và bầu trời. Sắc đẹp của Selma như một tặng phẩm bằng thơ. Nhưng thi sĩ không là kẻ hạnh phúc cho dẫu tinh thần họ có vươn lên cao vút tới mấy đi nữa vì họ sẽ vẫn bị phong kín trong vòng nước mắt bao phủ.

Selma ít nói và nghĩ ngợi sâu lắng. Im lặng của nàng là một loại âm nhạc mang con người tới thế giới các giấc mộng, làm ta lắng nghe nhịp đập trái tim mình, thấy các hình bóng của ý nghĩ và cảm xúc đang đứng trước mặt và đang nhìn vào mắt ta.

Selma mặc chiếc áo choàng khổ não thăm thẳm một đời; chiếc áo ấy làm tăng thêm một cách lạ thường nhan sắc và phẩm cách của nàng, như cây trổ lộc yêu kiều khi ta nhìn qua sương sớm.

Khổ não ấy nối kết tinh thần của Selma và của tôi như thể kẻ này thấy trên khuôn mặt kẻ kia những gì con tim mình đang cảm nhận và nghe vọng lại từ kẻ kia tiếng nói bị ẩn giấu trong đáy lòng mình. Thượng đế đã làm cho hai hình hài nên một mà chia lìa sẽ không để lại gì ngoài thống khổ.

Tinh thần khổ não tìm thấy nơi nghỉ ngơi khi được hiệp nhất với một tinh thần tượng tự. Chúng kết hiệp với lòng đầy thương cảm, như người xa lạ này mừng rỡ khi gặp người xa lạ khác trên miền đất xa lạ. Các tâm hồn được hiệp nhất qua trung gian của khổ não sẽ không bị tách rời vì sự lộng lẫy của hạnh phúc. Tình yêu được rửa sạch bởi nước mắt sẽ vẫn thanh khiết và mãi mãi đẹp tuyệt trần.

Pages: 1 2 3

Phản hồi