WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trao đổi ý kiến về bản Hiến pháp 1946

Gần đây, trong một bài viết gửi đăng trên Bauxite Vietnam[1], tác giả Phan Thành Đạt đã trình bày một số luận điểm nhằm biện hộ cho bản Hiến pháp 1946, đồng thời đưa ra một số đề nghị để bổ sung cho những thiếu sót của bản Hiến pháp đó. Vì bài viết có nhắc đến bài Những khuyết điểm nghiêm trọng của Hiến pháp 1946 đăng trên blog Pro&Contra[2], tôi cũng xin mạn phép nhân dịp này trình bày lại một vài khía cạnh để nêu rõ những chỗ giống nhau và khác nhau giữa quan điểm của tôi và quan điểm của tác giả nói trên. Vì nội dung bài viết của tác giả Phan Thành Đạt đề cập đến khá nhiều phương diện có liên quan đến các chế độ dân chủ hiện đại, nhằm tránh cho độc giả khỏi bị lạc hướng khi phải lan man theo dõi quá nhiều vấn đề, trong phạm vi của bài này tôi chỉ đề cập đến một số luận điểm có liên quan trực tiếp đến việc xác định giá trị của bản Hiến pháp 1946. Những vấn đề còn lại sẽ được dành cho những bài viết khác – khi có dịp thuận tiện.

I. Những điểm tương đồng giữa hai bài viết

So với nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu trước đây, bài của Phan Thành Đạt thể hiện một cái nhìn tương đối khách quan hơn, không sa vào kiểu ca ngợi một chiều hoặc lập luận nặng về cảm tính, thiếu dẫn chứng về luật học và chính trị học.

Điểm nổi bật của bài viết là trong khi phản biện để bảo vệ giá trị của bản Hiến pháp 1946, tác giả đã thừa nhận một số thiếu sót, khuyết điểm của bản Hiến pháp và cũng nhận định rằng không thể áp dụng nguyên xi văn bản đó vào tình hình hiện nay.

Trong phần 2 (kỳ 2) của bài viết, tác giả dành hẳn một mục có tên “Những khuyết điểm của Hiến pháp năm 1946”, qua đó thừa nhận những khiếm khuyết mà tôi đã nêu ra, như: Hiến pháp năm 1946 dành nhiều quyền hạn cho ban thường vụ Quốc hội (điều này hoàn toàn sai về nguyên tắc), vấn đề kiêm nhiệm của các đại biểu Quốc hội không được nêu cụ thể, vai trò của Phó chủ tịch nước quy định không rõ ràng, mối liên hệ giữa Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ không được quy định cụ thể, nhiệm kì của các đại biểu Quốc hội chỉ có 3 năm trong khi nhiệm kì của Chủ tịch nước là 5 năm (hoàn toàn không hợp lý), v.v.

Trong phần 3 (kỳ 3) của bài viết, tác giả đề nghị giải pháp “Nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch nước”; điều này cũng phù hợp với luận điểm của tôi về tính chính danh của một nguyên thủ quốc gia trực tiếp nắm quyền hành pháp . Chỉ có một khuyết điểm chưa được đề cập trong bài viết của tôi: đó là việc “Hiến pháp năm 1946 không bàn đến việc thành lập Tòa bảo hiến, vai trò và cách thức hoạt động của Tòa án đặc biệt này, cũng không hề nêu ra cơ chế kiểm soát các đạo luật vi hiến”.

Chỗ khác nhau quan trọng nhất là trong khi thừa nhận Hiến pháp 1946 có những khuyết điểm, tác giả nhận định: “ Chúng ta sẽ quá nghiêm khắc khi cho rằng Hiến pháp năm 1946 có những khuyết điểm nghiêm trọng. Tuy nhiên, bản Hiến pháp này có những thiếu sót cần phải khắc phục”.

Nghiêm trọng hay không nghiêm trọng, đó chính là vấn đề chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần cuối của bài viết này.

II. Những điểm bất đồng giữa hai bài viết

1. Hiến pháp 1946 VNDCCH thiết lập một chế độ chính trị kiểu nào?

Theo Phan Thành Đạt, “Hiến pháp năm 1946 xây dựng thể chế nghị viện mạnh và cơ quan hành pháp yếu”. Tác giả lập luận: “Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 thực ra không có nhiều ảnh hưởng, vì Chủ tịch nước vẫn bị Quốc hội chi phối. (…) Trong thể chế nghị viện, Chủ tịch nước có nhiều quyền mang tính nghi lễ, còn thực quyền tập trung trong tay Nghị viện và Thủ tướng. Với chế độ nghị viện có quyền lực tuyệt đối, Thủ tướng và toàn bộ nội các chỉ là những người thừa hành mệnh lệnh của Quốc hội (hoặc Thượng viện và Hạ viện). Hiến pháp năm 1946 thiết lập thể chế nghị viện mạnh với cơ quan hành pháp yếu. Chủ tịch nước cho dù giữ vị trí độc lập, nhưng không có nhiều thực quyền”.

Luận điểm này không những khác với quan điểm của tôi mà còn đối nghịch với nhận định của một số nhà nghiên cứu trong nước trước đây như Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), v.v. Các nhà luật học này cho rằng Hiến pháp 1946 nghiêng về phía thiết lập một Chủ tịch Nước có thực quyềnđộc lập đối với Nghị viện, khác hẳn với nguyên thủ quốc gia trong các chế độ đại nghị.

Để có thể thấy rõ chế độ chính trị dựa trên Hiến pháp 1946 có phải là thể chế nghị viện (tức chế độ đại nghị) hay không, trong bài viết này tôi sẽ so sánh hai bản hiến pháp hình thành gần như đồng thời: Hiến pháp ngày 27-10-1946 của nước Pháp (tạm gọi tắt là HP 1946-Pháp) và Hiến pháp ngày 9-11-1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tạm gọi tắt là HP 1946-VN). HP 1946-Pháp là hiến pháp của nền Đệ tứ Cộng hòa, được coi là một chế độ đại nghị (régime parlementaire) trong đó quyền lực của Tổng thống chỉ mang tính chất nghi lễ, thực quyền nằm trong tay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Président du Conseil des ministres) – thường được gọi tắt là Chủ tịch Hội đồng (Président du Conseil), một chức vụ tương đương với chức vụ Thủ tướng (Premier ministre) về sau này.

a) Chủ tịch Nước có thực quyền hay không có thực quyền?

Mặc dù trong HP 1946-Pháp có ghi những quyền hạn bề ngoài có vẻ rất quan trọng của Tổng thống Pháp, nhưng với những quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được ghi rất cụ thể, quyền hành của Tổng thống trong thực tế chỉ còn là danh nghĩa, mang tính hình thức (tương tự trường hợp của Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ sau này).

Có thể lấy vài ví dụ:

- Điều 32 của HP 1946-Pháp ghi: “Tổng thống Nước Cộng hòa chủ tọa Hội đồng Bộ trưởng. Ông chỉ đạo việc thiết lập và giữ gìn các biên bản của các cuộc họp”. Thoạt nhìn, chúng ta  có cảm tưởng Tổng thống trực tiếp điều hành Hội đồng Bộ trưởng, nhưng trong thực tế không phải như thế. Nếu đọc kỹ tất cả các quyền hạn dành cho Chủ tịch Hội đồng (tức Thủ tướng) ghi tại điều 47 và các điều khác, chúng ta thấy chính nhân vật này mới là người nắm thực quyền. Đó cũng là lý do người đứng đầu chính phủ được gọi tên là “Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng” (Président du Conseil des ministres). Việc chủ tọa Hội đồng Bộ trưởng suy cho cùng chỉ là hình thức, vì thế Tổng thống Pháp thường được coi là “ký ức của Nhà nước” (mémoire de l’État), do chỗ ông chủ tọa và lưu giữ biên bản các cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng.

- Căn cứ vào điều 33, Tổng thống Pháp chủ tọa Hội đồng tối cao và Ủy ban Quốc phòng (Conseil supérieur et Comité de la défense nationale) và giữ danh hiệu chỉ huy trưởng quân đội. Nhưng điều 47 lại quy định quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng như sau: “Chủ tịch Hội đồng bảo đảm sự lãnh đạo các lực lượng vũ trang và phối hợp việc thực hiện chính sách quốc phòng.” Điều đó có nghĩa là thực quyền về lĩnh vực quốc phòng vẫn nằm trong tay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

- Một trong những thủ tục đặc biệt của chế độ đại nghị tại Pháp dưới thời Đệ tứ Cộng hòa là thủ tục tiếp ký (contreseing). Điều 38 của HP 1946-Pháp ghi: “Mỗi hành động của Tổng thống nước Cộng hòa phải được tiếp ký (contresigner) bởi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và một bộ trưởng”. Điều đó có nghĩa là Tổng thống Pháp không thể làm bất cứ điều gì mà không thông qua Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trong khi đó, điều 53 của HP 1946-VN lại ghi: “Mỗi sắc lệnh của Chính phủ phải có chữ ký của Chủ tịch nước Việt Nam và tuỳ theo quyền hạn các Bộ, phải có một hay nhiều vị Bộ trưởng tiếp ký. Các vị Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện”. Điều đó có nghĩa là Chủ tịch Nước VNDCCH chỉ cần thông qua một hay nhiều bộ trưởng là có thể ký sắc lệnh, không cần đến Thủ tướng.

- Trong khi HP 1946-Pháp quy định rõ Chủ tịch Hội đồng (tức Thủ tướng) là người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính phủ) thì trong bản HP 1946-VN, chúng ta thấy xuất hiện ba khái niệm liên quan đến nhánh hành pháp: Chính phủHội đồng Chính phủ và Nội các.

Theo định nghĩa của điều 44: “Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phó chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó thủ tướng”. Căn cứ vào điều 49 thì Chủ tịch Nước “chủ tọa Hội đồng Chính phủ” và trong trường hợp Chủ tịch từ trần hay từ chức thì người thay thế là “Phó chủ tịch tạm quyền Chủ tịch” (điều 46). Điều 47 quy định sau khi Chủ tịch Nước chọn một thành viên trong Nghị viện để giới thiệu vào chức vụ Thủ tướng thì sau khi được Nghị viện tín nhiệm, Thủ tướng có quyền chọn các bộ trưởng trong số các thành viên của Nghị viện để “đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách”. Riêng về các Thứ trưởng thì Thủ tướng có thể chọn những người ngoài Nghị viện, nhưng “duyệt y” chức vụ Thứ trưởng lại là quyền của “Hội đồng Chính phủ” chứ không phải của “Nội các”. Điều 51 quy định “mỗi khi truy tố Chủ tịch, Phó chủ tịch hay một nhân viên Nội các về tội phản quốc, Nghị viện sẽ lập một Toà án đặc biệt để xét xử. Việc bắt bớ và truy tố trước Toà án một nhân viên Nội các về thường tội phải có sự ưng chuẩn của Hội đồng Chính phủ”.

Như vậy là trong khi quyền hạn của Hội đồng Chính phủ – mà người đứng đầu là Chủ tịch Nước, được ghi rõ trong một số điều khoản thì HP 1946-VN lại không ghi bất cứ quyền hạn cụ thể nào của Thủ tướng và Nội các.

Từ những điểm nói trên, chúng ta có thể hiểu là Thủ tướng và Nội các mặc dù phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện, có thể bị Nghị viện truất chức nhưng hoàn toàn không có thực quyền. Thực quyền nằm trong tay Chủ tịch Nước VNDCCH và nhân vật này mới thật sự là người đứng đầu Chính phủ.

Nhìn vào thực tế lịch sử của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn 1946-1959, chúng ta có thể thấy rõ ai là người đứng đầu Chính phủ. Chính phủ Liên hiệp Quốc dân được chính thức thành lập ngày 3-11-1946, sáu ngày trước khi thông qua Hiến pháp 1946. Chính phủ này có nguồn gốc từ Chính phủ Cách mạng Lâm thời thành lập vào cuối tháng 8 năm 1945 và đã trải qua vài lần cải tổ nhân sự. Điểm đặc biệt là người đứng đầu chính phủ này không phải là một Thủ tướng, mà là một Chủ tịch Chính phủ. Mặc dù Hiến pháp 1946 thiết lập chức vụ Thủ tướng, từ 1946 đến 1955 Chính phủ VNDCCH không có chức vụ Thủ tướng, do đó có thể coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Chủ tịch Nước kiêm Thủ tướng”. Trong những giai đoạn quan trọng (từ 28-8-1945 đến 2-3-1946, và từ 3-11-1946 đến tháng 3-1947), vị Chủ tịch Nước kiêm Thủ tướng này còn kiêm nhiệm cả chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Mãi đến tháng 9 năm 1955, chức vụ Thủ tướng được dự kiến trong Hiến pháp 1946 mới được thiết lập, và người được phân công giữ chức vụ này (kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) là Phạm Văn Đồng. Nhưng ngay trong giai đoạn này, Thủ tướng cũng không phải là người nắm thực quyền vì từ khi Đảng Lao động Việt Nam xuất hiện công khai tại Đại hội lần thứ II (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng, còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị.

Vì thế không thể khẳng định như tác giả Phan Thành Đạt: “Chủ tịch nước cho dù giữ vị trí độc lập, nhưng không có nhiều thực quyền”. Mặt khác, cũng không thể coi chế độ chính trị mà HP 1946-VN dự kiến thiết lập là một chế độ đại nghị, vì cũng chính tác giả này đã thừa nhận: “Trong thể chế nghị viện, Chủ tịch nước có nhiều quyền mang tính nghi lễ, còn thực quyền tập trung trong tay Nghị viện và Thủ tướng”.

b) Nghị viện mạnh hay yếu?

Để chứng minh cho luận điểm “Hiến  pháp 1946 thiết lập thể chế nghị viện mạnh với cơ quan hành pháp yếu”, tác giả Phan Thành Đạt viết: “Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 thực ra không có nhiều ảnh hưởng, vì Chủ tịch nước vẫn bị Quốc hội chi phối. Ví dụ để phản đối người đứng đầu cơ quan hành pháp, Quốc hội tuy không thể phế truất, nhưng vẫn có cách gây sức ép hiệu quả, bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm với Chính phủ, buộc Chủ tịch nước phải chọn một Chính phủ được Quốc hội ưng thuận, và Chính phủ nếu muốn tồn tại, buộc phải thi hành các chính sách của Quốc hội, thay vì tuân thủ mệnh lệnh của Chủ tịch nước.”

Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với quan điểm của chính tác giả về những khuyết điểm của Hiến pháp 1946: “Hiến pháp năm 1946 dành nhiều quyền hạn cho ban thường vụ Quốc hội. Ban thường vụ có thể thay mặt Quốc hội, kết hợp với Chính phủ thực thi và đưa ra các quyết định quan trọng như tuyên bố chiến tranh hay đình chiến. Điều này hoàn toàn sai về nguyên tắc, vì khi Quốc hội không họp, không có bất cứ tổ chức hay cơ quan nào có quyền quyết định thay cho Quốc hội. (…) Vấn đề kiêm nhiệm của các đại biểu Quốc hội cũng không được nêu cụ thể, (…) Do đó tính chuyên nghiệp của Quốc hội và hiệu quả công việc của các đại biểu sẽ không cao”[3].

Một Nghị viện hoạt động không chuyên nghiệp, hiệu quả không cao, quyền hành thực tế rơi vào tay một nhóm nhỏ có tên là Ban Thường vụ Nghị viện; một cơ quan lập pháp như thế làm sao có thể đươc coi là một “nghị viện mạnh”?

Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh một đặc điểm hết sức quan trọng của các Nghị viện Pháp từ 1875 cho đến trước năm 1958 mà các nhà soạn thảo Hiến pháp 1946 đã không sẵn sàng tiếp thu: đó là thời gian hoạt động của Nghị viện.

Căn cứ vào Luật lập hiến ngày 16-7-1875 về quan hệ giữa các quyền lực công (Loi constitutionnelle du 16 juillet 1875 sur les rapports des pouvoirs publics), Thượng viện (Sénat) và Viện dân biểu (Chambre des députés, tức Hạ viện) của nước Pháp “phải họp ít nhất 5 tháng mỗi năm. Kỳ họp của một viện bắt đầu và chấm dứt đồng thời với kỳ họp của viện kia.” (điều 1) Như vậy, ngay từ cuối thế kỷ 19, Nghị viện Pháp chỉ họp mỗi năm một kỳ (session annuelle), nhưng mỗi kỳ họp kéo dài ít nhất là 5 tháng.

Điều 9 của HP 1946-Pháp quy định: “Quốc hội nhóm họp với trọn quyền bằng kỳ họp hàng năm (session annuelle) vào ngày thứ ba thứ hai của tháng 1 (le second mardi de janvier). Thời gian tổng cộng của những lần ngừng họp (interruption) không thể vượt quá 4 tháng. Những lần hoãn họp (ajournement) dài hơn 10 ngày được coi như ngừng họp. Hội đồng nước Cộng hòa họp đồng thời với Quốc hội.” Dưới thời Đệ tứ Cộng hòa, Quốc hội (Assemblée Nationale) là tên gọi của Hạ viện và Hội đồng nước Cộng hòa (Conseil de la République) là tên gọi của Thượng viện. Thời gian ngừng họp (interruption) tức là thời gian giữa hai kỳ họp (session), đó là lúc Nghị viện ngừng làm việc. Còn thời gian hoãn họp (ajournement) là thời gian giữa hai phiên họp, nghĩa là Nghị viện chỉ tạm nghỉ vì vẫn còn đang trong thời gian của kỳ họp. Căn cứ vào quy định trên, chúng ta có thể hiểu là Nghị viện Pháp dưới thời Đệ tứ Cộng hòa họp mỗi năm một kỳ, mỗi kỳ họp kéo dài tối thiểu là 8 tháng.

Trong khi đó, điều 28 của HP 1946-VN quy định: “Nghị viện nhân dân mỗi năm họp hai lần do Ban thường vụ triệu tập vào tháng 5 và tháng 11 dương lịch. Ban thường vụ có thể triệu tập hội nghị bất thường nếu xét cần. Ban thường vụ phải triệu tập Nghị viện nếu một phần ba tổng số nghị viên hoặc Chính phủ yêu cầu.” Như vậy, Nghị viện VNDCCH mỗi năm làm việc tối đa chỉ vào khoảng 2 tuần hay 2 tháng.

Một Nghị viện hay Quốc hội hoạt động quá ít như thế sao có thể gọi là một Nghị viện mạnh? Nó chỉ có thể đóng vai trò hình thức, mang tính chất trang trí nhằm hợp pháp hóa các quyết định của Chủ tịch Nước (với sự thỏa thuận của Ban Thường vụ Nghị viện), chứ không thể làm chức năng kiếm soát Chính phủ, còn nói gì đến việc “gây sức ép hiệu quả, bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm với Chính phủ”?

Như tôi đã phân tích trong bài Những khuyết điểm nghiêm trọng của Hiến pháp 1946, cơ quan lập pháp có thực quyền dựa theo HP 1946-VN không phải là Nghị viện mà là một “Nghị viện nhỏ” bên trong, tức là Ban Thường vụ Nghị viện, gồm có 12 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Nước chỉ cần thỏa thuận với Ban Thường vụ Nghị viện là có thể quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước, Nghị viện chỉ làm công việc hợp pháp hóa các quyết định đã có trước. Trong thực tế, Ban Thường trực Quốc hội (tức Ban Thường vụ Nghị viện) trong giai đoạn 1946-1959 hiếm khi hội đủ con số quy định như trên.

Có một chi tiết ít người lưu ý: Ban Thường trực Quốc hội khóa I đã hình thành ngay tại kỳ họp thứ I của Quốc hội khóa I (kỳ họp này chỉ tiến hành trong một ngày duy nhất: ngày 2-3-1946). Theo lời của ông Nguyễn Văn Tố – Trưởng ban Thường trực đầu tiên của Quốc hội khóa I, vào ngày 2-3-1946 Quốc hội đã thông qua một nghị quyết quy định rằng “… khi muốn tuyên chiến hay đình chiến, Chính phủ bắt buộc phải hỏi ý kiến Ban Thường trực Quốc hội.”[4] Điều đó có nghĩa là Ban Thường trực Quốc hội đã hình thành hơn 8 tháng trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946. Một số điều khoản trong Hiến pháp 1946 liên quan đến vai trò của Ban Thường vụ Nghị viện (như điều 38 quy định quyền tuyên chiến hay đình chiến trong thời gian Nghị viện không họp) thật ra không phải là ý tưởng xuất phát từ các chuyên gia soạn thảo hiến pháp mà là sự hợp pháp hóa một nguyên tắc đã được các nhà lãnh đạo Việt Minh định hình từ trước.

Có thể nói Hiến pháp 1946 đã hợp pháp hóa việc tước đoạt quyền lực của toàn thể Quốc hội để giao cho một “Quốc hội thu nhỏ” – tức là Ban Thường trực Quốc hội. Chỉ có các thành viên của Quốc hội thu nhỏ đó mới được phép tham gia ít nhiều vào việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Lý do ban đầu được nêu ra để biện minh cho nguyên tắc đó là do hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng trong thực tế, kể từ năm 1946 cho đến tận ngày nay, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện nguyên tắc nói trên: Ủy ban Thường vụ Quốc hội (hậu thân của Ban Thường trực Quốc hội) mới thật sự là cơ quan lập pháp, còn Quốc hội chỉ là một tổ chức hình thức, mang tính chất trang trí, không có thực quyền.

Cần nhấn mạnh một đặc điểm của chế độ đại nghị: đó là sự tín nhiệm của Nghị viện đối với chức vụ Thủ tướng. Xét về lý thuyết, nguyên thủ quốc gia (Nữ hoàng, Quốc vương hay Tổng thống) có quyền chọn Thủ tướng để giới thiệu với Nghị viện. Nhưng vì Thủ tướng muốn thành lập được chính phủ phải được sự ủng hộ của Nghị viện cho nên trong thực tế, nguyên thủ quốc gia không thể chọn bất cứ người nào khác ngoài lãnh tụ của đảng hay liên minh chính trị chiếm đa số ghế tại Nghị viện. Vì thế, ngay sau mỗi kỳ tổng tuyển cử, người dân có thể biết ngay ai sẽ là người nắm chức vụ Thủ tướng. Đó chính là nguyên nhân khiến cho quyền lực của nguyên thủ quốc gia trong chế độ đại nghị bị giới hạn.

Khác với các quốc gia dân chủ theo đại nghị chế, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Minh – và sau đó là Đảng Lao động, nắm tuyệt đại đa số ghế trong Quốc hội; do đó quyền lựa chọn Thủ tướng hoàn toàn thuộc về người đứng đầu tổ chức Việt Minh và sau này thuộc về Chủ tịch Đảng Lao động. Việc bầu tín nhiệm chỉ còn là vấn đề thủ tục, thuần túy mang tính hình thức. Trong tình hình thực tế đó, không thể có tình trạng “Quốc hội…vẫn có cách gây sức ép hiệu quả, bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm với Chính phủ, buộc Chủ tịch nước phải chọn một Chính phủ được Quốc hội ưng thuận, và Chính phủ nếu muốn tồn tại, buộc phải thi hành các chính sách của Quốc hội, thay vì tuân thủ mệnh lệnh của Chủ tịch nước.” Những suy diễn đó hoàn toàn sinh ra từ tríc tưởng tượng của tác giả Phan Thành Đạt, dựa trên thực tiễn của các quốc gia dân chủ phương Tây chứ không dựa trên hoàn cảnh thực tế của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Có một sự nhầm lẫn tai hại vẫn tồn tại mãi cho đến ngày nay: đó là ý tưởng cho rằng “Hiến pháp 1946 là một sản phẩm của một Quốc hội đa đảng”. Trong thực tế, chế độ đa đảng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, từ cuối tháng 8 năm 1945 cho đến khoảng tháng 7 năm 1946, nghĩa là từ khi có cuộc đàm phán giữa Chính phủ Cách mạng Lâm thời của Việt Minh với các đảng phái khác (như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội) để thành lập Chính phủ Liên hiệp. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và nhất là sau “vụ án Ôn Như Hầu” (tháng 7 năm 1946), nhiều lãnh tụ của các đảng phái đối lập (như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh) rời bỏ Chính phủ Liên hiệp và kể từ đó Chính phủ và Quốc hội chỉ bao gồm các thành viên của Việt Minh và một số thành viên độc lập đồng ý cộng tác với Việt Minh. Cho nên có thể nói bản Hiến pháp 1946 (được thông qua vào ngày 9-11-1946) hoàn toàn là sản phẩm của Việt Minh – một tổ chức biến tướng của Đảng cộng sản. Các đảng còn lại như Đảng Dân chủ, Đảng xã hội thực ra chỉ là những tổ chức mang tính hình thức, nhằm để trang trí cho chế độ chứ không có thực lực, không có tác dụng gì trong việc “kiểm soát và làm cân bằng” cán cân quyền lực. Các đảng này cũng tương tự như các “đảng liên minh” (alliance parties) tồn tại ở Cộng hòa Dân chủ Đức sau khi Đông Đức rơi vào vòng kiểm soát của Liên Xô sau Chiến tranh Thế giới thứ II hoặc các “đảng bạn” (friendly parties) hiện đang tồn tại bên cạnh Đảng cộng sản Trung Quốc mà thôi.

Tóm lại, xét về cả lý luận lẫn thực tế, không có căn cứ gì để có thể đi đến kết luận: “Hiến  pháp 1946 thiết lập thể chế nghị viện mạnh với cơ quan hành pháp yếu”. Một khẳng định ngược lại: “Hiến pháp 1946 thiết lập thể chế hành pháp mạnh với cơ quan lập pháp yếu” có lẽ phù hợp hơn với nội dung của bản hiến pháp nói trên cũng như với thực tế lịch sử.

2. Gọi tên chế độ chính trị tại Pháp hiện nay như thế nào?

Về vấn đề này, tác giả Phan Thành Đạt phê phán cách gọi tên “chế độ nửa-tổng thống” của Maurice Duverger như sau: “Cách gọi “chế độ nửa nghị viện, nửa tổng thống” (nhận xét của nhà luật học Maurice Duverger) đối với một số nước như Pháp cũng không chuẩn, vì về cơ bản thể chế của Pháp vẫn là chế độ nghị viện vì hai phương tiện của thể chế này (bỏ phiếu trừng phạt và giải tán Quốc hội) vẫn tồn tại cho dù ít được sử dụng. Chỉ có thể gọi là thể chế nghị viện, quy định tổng thống có quyền lực lớn “le régime parlementaire à correctifs présidentiels”.

Theo Wikipedia (bản tiếng Pháp), khái niệm “chế độ nửa-tổng thống” của Maurice Duverger đã bị một số nhà luật học người Pháp (như Jean Gicquel, Jean-Louis Quermonne, Olivier Duhamel) chỉ trích vì họ cho rằng chế độ chính trị ở Pháp thời Đệ ngũ Cộng hòa thực ra là một biến thể của chế độ đại nghị. Có những đề nghị gọi tên mô hình chính trị đó là “chế độ đại nghị lưỡng đại diện” (régime parlementaire bireprésentatif) – nghĩa là quyền đại diện biểu hiện đồng thời bởi nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, hoặc “chế độ đại nghị tổng thống hóa” (régime parlementaire présidentialisé), hay “cách đọc Hiến pháp theo kiểu tổng thống” (lecture présidentielle de la Constitution.)[5]

Đây là vấn đề học thuật còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng điều đáng nói là trong khi thuật ngữ “chế độ nửa- tổng thống” (régime semi-présidentiel) bị nhiều nhà hiến pháp học của nước Pháp chỉ trích thì tại các quốc gia ngoài nước Pháp, nó lại được sử dụng ngày càng rộng rãi, đặc biệt là trong khoa chính trị học đối chiếu (comparative politics):

- Trong giáo trình Cơ sở của khoa chính trị học đối chiếu,[6] hai giáo sư Kenneth Newton (Đại học Southampton, Anh) và Jan W. Van Deth (Đại học Mannheim, Đức) phân loại các chế độ chính trị dân chủ ra làm 3 loại: tổng thống chế (presidential system), đại nghị chế (parliamentary system) và chế độ nửa-tổng thống (semi-presidential system). Chế độ chính trị của Pháp được xếp vào loại thứ ba, và các đặc điểm của nó được phân tích trong các trang 96-99.

- Trong cuốn Nhập môn Khoa chính trị học đối chiếu[7] của một tập thể tác giả, giáo sư Mark Kesselman (Đại học Columbia, Hoa Kỳ) cũng xếp chế độ chính trị của Pháp dưới chế độ Đệ ngũ cộng hòa vào loại hình nửa-tổng thống. Tại sao nền Đệ ngũ cộng hòa được xem là một hệ thống nửa tổng thống (semipresidential) chứ không phải là nửa đại nghị (semiparliamentary)? Câu hỏi này được Kesselman giải thích như sau: “Bởi vì bất cứ lúc nào nền Đệ ngũ Cộng hòa đi chệch ra khỏi một kiểu mẫu thuần túy đại nghị hay thuần túy tổng thống, kết quả vẫn là củng cố nhánh hành pháp. Sự trộn lẫn giữa quyền hành pháp và quyền lập pháp – đặc trưng của các chế độ đại nghị, tạo khả năng cho hành pháp kiểm soát chương trình nghị sự của nghị viện và giải tán nghị viện. Thế nhưng, ngược lại với các chế độ đại nghị, nghị viện Pháp không thể biểu quyết khiển trách tổng thống. Do vậy, tổng thống – chức vụ then chốt trong nhánh hành pháp có hai đầu – không chịu trách nhiệm trước nghị viện. Đặc điểm này phản ánh sự phân lập về quyền lực mà chúng ta tìm thấy trong các hệ thống tổng thống” (op. cit., chapter 3, section 3, p.123).

Trong một bài viết công bố trên tạp chí West European Politics vào năm 2009, giáo sư Robert Elgie (Đại học Thành phố Dublin, Ireland) – một chuyên gia hàng đầu về chế độ nửa-tổng thống, đã nhận xét: “Thuật ngữ này vẫn chưa được chấp nhận trong cộng đồng của các luật sư hiến pháp (constitutional lawyers) ở Pháp. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học chính trị quốc tế hầu như nhất trí thừa nhận nước Pháp có một hệ thống nửa-tổng thống. Hơn thế nữa, nước Pháp thường được coi là một ví dụ nguyên mẫu (archetypal example) của một hệ thống như thế”[8].

Như vậy là từ giữa thế kỷ 20 đến nay, ngoài hai mô hình cổ điển (tổng thống chế và đại nghị chế) đã phát sinh một loại mô hình hỗn hợp mà người ta có thể gọi bằng nhiều tên: nửa-tổng thống (semi-presidential system), lai ghép (hybrid system), hỗn hợp (mixed system). Riêng tại Pháp, mô hình mới xuất hiện từ sau năm 1958 đã tồn tại hơn nửa thể kỷ và đã chứng tỏ khả năng trở thành một hệ thống chính trị bền vững, ổn định. Đó chính là lý do nhiều quốc gia hậu-cộng sản (như Ba Lan, Bulgaria, Romania,…) đã chọn mô hình này. Ngay cả nước Nga hậu-cộng sản cũng đang học tập mô hình này, mặc dù thực hiện không thành công do chưa cởi bỏ được những di sản nặng nề của quá khứ.

3) Về những khuyết điểm của HP 1946-VN so với các hiến pháp tiến bộ

a. Những khuyết điểm của các bản Hiến pháp tiến bộ

Tác giả Phan Thành Đạt đã bỏ ra rất nhiều công sức để liệt kê “những khuyết điểm của các bản Hiến pháp tiến bộ”, trong đó hai bản hiến pháp được chọn là Hiến pháp Hoa Kỳ và Hiến pháp 1958 của Pháp. Phần dẫn chứng dài dòng và có hơi lạc đề này có lẽ nhằm chứng minh rằng “những thiếu sót” của bản Hiến pháp 1946 của nước ta là “tất yếu”, là “thiếu sót trên bước đường phát triển” và tuy có thiếu sót, hiến pháp này vẫn có thể được coi là “«bản Hiến pháp không hề thua kém bất kỳ bản Hiến pháp nào trên thế giới»[9].

Thật ra, giá trị căn bản của một bản hiến pháp không phải là “có khuyết điểm hay không” mà là: khuyết điểm (hay những khuyết điểm) đó có tính chất nghiêm trọng hay không? Nói cách khác, các khuyết điểm đó có ảnh hưởng xấu đến việc thực thi các quyền công dân và quyền con người hay không, có nguy cơ dẫn đến chế độ độc tài hay không?

Xét theo quan điểm đó, Hiến pháp Hoa Kỳ cho dù còn có một số khuyết điểm, vẫn là một hiến pháp ưu việt, rất đáng cho chúng ta học hỏi. Ưu điểm lớn nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ là đã thiết lập một hệ thống các thiết chế chính trị dân chủ bảo đảm được nguyên tắc tam quyền phân lập, tạo ra được một cơ chế “kiểm soát và làm cân bằng” (checks and balances), bảo đảm thực hiện được các quyền tự do căn bản của người dân – nhất là các quyền ghi trong Tu chính án số 1. Kể từ khi ra đời vào cuối thế kỷ 18, Hiến pháp Hoa Kỳ đã trở thành căn cứ pháp lý vững chắc để người dân và các nhà hoạt động dân chủ dựa vào đó đấu tranh chống lại các bất công xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, xậy dựng một chế độ pháp trị (rule of law) trong đó tất cả mọi người – kể cả những người cầm quyền, đều phải tôn trọng pháp luật.

Vào năm 1787, khi Hiến pháp Hoa Kỳ ra đời, chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại và những người da đen vẫn chưa được công nhận là công dân Hoa Kỳ. Công cuộc giải phóng người da đen chỉ bắt đầu khoảng bảy thập niên sau đó, đặc biệt là sau khi Tổng thống Abraham Lincoln công bố bản Tuyên bố giải phóng nô lệ(Emancipation Proclamation, 1863). Năm 1865, tu chính án số 13 mới được đưa vào Hiến pháp nhằm luật hóa việc xóa bỏ chế độ nô lệ và sang năm sau (1866), tu chính án số 14 mới chính thức trao quyền công dân cho các nô lệ cũ nhằm bảo vệ họ khỏi nạn kỳ thị chủng tộc trong tất cả các bang.

Tuy nhiên, mặc dù công cuộc giải phóng người da đen đã được hợp pháp hóa, cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau khi nội chiến chấm dứt, tình trạng phân biệt đối xử với người da đen vẫn tiếp tục diễn ra – đặc biệt là tại các tiểu bang miền Nam.

Điều đáng chú ý là ngay từ khi chế độ nô lệ chưa bị xóa bỏ, Tổng thống Abraham Lincoln đã nhìn thấy sức mạnh tiềm tàng của Hiến pháp Hoa Kỳ, đánh giá đúng khả năng đấu tranh bằng con đường ôn hòa để giải quyết các bất công xã hội được chứa đựng trong các điều khoản của hiến pháp. Vào ngày 19-1-1860, trong lá thư viết cho Alexander H. Stephens, một lãnh tụ của miền Nam, ông đã viết: “Quyền hội họp một cách ôn hòa, quyền kiến nghị và quyền sửa đổi (hiến pháp) bằng điều 5 của Hiến pháp, là sự thay thế con đường cách mạng bằng con đường của hiến pháp[10]. Đây là bản Magna Carta của chúng ta – không phải do các Nam tước đã giành được từ tay Vua John, mà là món quà miễn phí các tiểu bang đã trao tặng cho quốc gia mà họ đã thành lập…”[11].

Ý kiến đó của Tổng thống Lincoln thật sự là một lời tiên tri. Mặc dù vào thời của ông, con đường đấu tranh ôn hòa đã không thể trở thành hiện thực, nước Mỹ đã không tránh được một cuộc nội chiến đẫm máu, nhưng sau khi nội chiến chấm dứt, người dân Hoa Kỳ đã rút ra được bài học đắt giá và dần dần tập cách sử dụng Hiến pháp như một vũ khí đấu tranh. Vào giữa thế kỷ 20, người da đen ở Hoa Kỳ đã dựa vào những vũ khí pháp lý tiềm tàng trong Hiến pháp để đấu tranh một cách ôn hòa, giành quyền bình đẳng thật sự cho người Mỹ gốc Phi. Tiêu biểu cho con đường đấu tranh bất bạo động này là Phong trào Quyền dân sự của người Mỹ gốc Phi (African-American Civil Rights Movement) trong giai đoạn 1955–1968 dưới sự lãnh đạo của mục sư Martin Luther King, Jr.. Vào giữa thập niên 1960, phong trào này đã giành được những thành quả vang dội như Đạo luật về Quyền dân sự năm 1964 (Civil Rights Act 1964) được ban hành dưới thời của Tổng thống Lyndon B. Johnson và các đạo luật khác nhằm xóa bỏ tình trạng kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. Sự kiện Tổng thống Barack Obama, một người Mỹ gốc Phi (African American) trở thành tổng thống Hoa Kỳ vào đầu năm 2009 đánh dấu một cột mốc lịch sử qua đó thể hiện sức mạnh của nền dân chủ Mỹ.

Như vậy, bất chấp những lời phê phán cực đoan của các trí thức cánh tả, Hiến pháp Hoa Kỳ đã trở thành điểm tựa của phương thức đấu tranh ôn hòa trong phạm vi của một thể chế dân chủ. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho các xu hướng đấu tranh cách mạng, bạo động, lật đổ không hấp dẫn được người dân Mỹ.

Một ví dụ khác thường được nhắc đến là sức mạnh của nhánh tư pháp tại Hoa Kỳ, một nhánh quyền lực có tính độc lập rất cao và có quyền thẩm tra pháp lý (judicial review). Điều ít người chú ý là quyền này không phải đã được minh định ngay từ đầu. Xét về mặt văn bản, không có điều khoản nào của Hiến pháp Hoa Kỳ quy định quyền của các tòa án được phép giải thích Hiến pháp và vô hiệu hóa các hành động vi hiến. Quyền này là do các thẩm phán đấu tranh giành được. Vào năm 1803, qua án lệ Marbury chống Madison, thẩm phán John Marshall của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng: nhiệm vụ của các tòa án là “nói rõ nội dung của luật là gì” và nếu một đạo luật của Quốc hội đi ngược lại hiến pháp thì tòa án phải bác bỏ đạo luật không phù hợp đó. Kể từ đó, Tòa án Tối cao mới xác lập được một cách chắc chắn thẩm quyền của mình trong việc thẩm tra tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành.

Trong bài viết của mình, tác giả Phan Thành Đạt phê phán Hiến pháp năm 1958 của nước Pháp là “tấm áo vá víu các quyền tự do dân chủ” vì “không nêu rõ các quyền cơ bản của công dân”, và coi đó là “thiếu sót rất lớn của bản Hiến pháp này, so với 14 bản Hiến pháp trước đó”. Nhưng không ai có thể kết luận rằng bản Hiến pháp 1958 đã thủ tiêu các quyền tự do căn bản được khẳng định trong Bản Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền năm 1789. Cũng không ai có thể chứng minh được Tổng thống De Gaulle xây dựng bản Hiến pháp đó nhằm tiến đến một chế độ độc tài. Thành công lớn nhất của bản Hiến pháp 1958 là ở chỗ nó tạo ra một cơ chế hữu hiệu nhằm giải quyết tình trạng bất ổn về chính trị do các xu hướng cực đoan gây ra, từ phía cánh hữu lẫn phía cánh tả. Tính hữu hiệu của Hiến pháp 1958 đã được thực tế kiểm nghiệm qua hơn nửa thế kỷ áp dụng. Mặc dù lúc đầu bị cánh tả công kích, hệ thống nửa-tổng thống do Hiến pháp 1958 thiết lập đã thể hiện được sức sống của nó, nhất là từ khi cánh tả ôn hòa cũng tìm thấy lợi thế của họ trong mô hình này. Việc Francois Mitterand đảm nhiệm hai nhiệm kỳ tổng thống và gần đây, François Hollande trở thành tổng thống thứ hai của nền Đệ ngũ Cộng hòa xuất thân từ cánh tả cho thấy khả năng mô hình này sẽ trở thành bền vững, có thể chịu đựng được thử thách qua thời gian.

Dù sao thì trong khi đánh giá các bản Hiến pháp, không thể chỉ dựa vào những quyền tự do được ghi trong văn bản mà quên đi thực tế. Nếu chỉ dựa vào việc công bố các quyền công dân và quyền con người trong một bản hiến pháp để đánh giá tính dân chủ của một chế độ thì nước Nga hiện nay có thể được coi là một quốc gia vô địch về dân chủ. Trong phần mở đầu của Hiến pháp Nga hiện nay, những người soạn thảo đã dành đến 48 điều (từ điều 17 đến điều 64) để trình bày chi tiết về các quyền công dân và quyền con ngýời. Thực tế cho thấy phần lớn các quyền tự do được ghi trong Hiến pháp Nga chỉ là “tự do trên giấy tờ” chứ không phải là “tự do trong thực tế”.

Sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa các nhánh quyền lực – nghiêng hẳn về phía hành pháp, cũng như hệ thống đảng phái cực kỳ mất cân đối của nước Nga hiện nay đã là nguyên nhân chủ yếu khiến cho các quyền tự do căn bản của người dân Nga bị vi phạm một cách nghiêm trọng.

b. Những khuyết điểm của HP 1946-VN: nghiêm trọng hay không nghiêm trọng?

Trở lại với bản Hiến pháp 1946 của nước VNDCCH, chúng ta dễ dàng thấy rõ những khuyết điểm của bản Hiến pháp này là thật sự nghiêm trọng:

- Việc thiết lập một hệ thống chính trị tập trung quyền lực quá đáng vào tay một cá nhân (Chủ tịch Nước) tạo ra nguy cơ dẫn đến một chế độ độc tài cá nhân. Đặc biệt nghiêm trọng là việc một Chủ tịch Nước trực tiếp nắm quyền hành pháp lại có thể tham gia từ đầu đến cuối quá trình lập pháp: vừa tham gia soạn thảo và đệ trình dự luật – với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, vừa được phép tham gia thảo luận và biểu quyết dự luật với tư cách thành viên Nghị viện; sau khi Nghị viện thông qua lại được quyền phủ quyết. Điều này cho thấy quyền lực của Chủ tịch Nước không kém một vị Hoàng đế, một “nhà vua giấu mặt” khoác chiếc áo “dân chủ cộng hòa”. Điều khó hiểu là tác giả Phan Thành Đạt đã bỏ qua, không hề nhắc đến khuyết điểm này.

- Sự hình thành một nhóm nhỏ bên trong Nghị viện có tên là Ban Thường vụ Nghị viện và việc cho phép cơ quan này thay mặt Nghị viện quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã ảnh hưởng nghiệm trọng đến tính chất đại diện nhân dân của cơ quan lập pháp. Với một Nghị viện như thế, không có gì bảo đảm việc thực thi các quyền tự do căn bản được ghi trong hiến pháp vì thiếu vắng các thiết chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực của cơ quan hành pháp, và do đó, không thể xây dựng một Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Những người cầm quyền có thể viện dẫn bất cứ lý do nào (từ tình trạng chiến tranh cho đến âm mưu của thực dân đế quốc, nguy cơ “diễn biến hòa bình”, v.v.) nhằm trì hoãn hoặc thủ tiêu các quyền tự do căn bản của người dân.

- Việc Hiến pháp 1946 cho phép Ban Thường vụ Nghị viện được cùng với Chủ tịch Nước quyết định một số vấn đề hệ trọng của đất nước “trong thời gian Nghị viện không họp” đã tạo ra một điều kiện thuận lợi để cho các nhà lãnh đạo có thể tùy tiện quyết định mọi vấn đề quan trọng của đất nước mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào. So với chế độ quân chủ tập quyền, cơ chế này còn nguy hại hơn, bởi lẽ Nhà vua phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về tất cả những quyết định của mình – kể cả lời khen lẫn tiếng chê, còn Chủ tịch Nước VNDCCH thì tuy quyền hạn không kém gì Nhà vua nhưng mỗi khi làm sai lại được các “đại biểu nhân dân” (tức Ban Thường vụ Nghị viện) đứng ra gánh giùm trách nhiệm!

Những người ca ngợi Hiến pháp 1946 thường cố tình quên đi một sự thật là các quyền tự do căn bản của người dân được ghi trong hiến pháp này đã không trở thành hiện thực trong suốt thời gian 1946-1959. Ngược lại, có những bằng chứng cho thấy các quyền tự do đó đã bị xâm phạm một cách nghiêm trọng:

- Vào ngày 4-12-1953, Quốc hội khóa I của VNDCCH đã thông qua Luật cải cách ruộng đất, vi phạm nghiêm trọng “quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam” được ghi tại điều 12 của Hiến pháp 1946. Điều kỳ lạ là văn bản này không phải là một sắc lệnh của Chủ tịch Nước, cũng không phải là một dự luật “được Chủ tịch Nước và Ban Thường vụ Nghị viện thông qua trong thời gian Nghị viện không họp”, mà là một Luật “do Quốc hội thông qua”. Người ta có thể đặt câu hỏi cho các nhà sử học và các nhà luật học: một kỳ họp Quốc hội như thế, được tiến hành giữa lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, liệu có bảo đảm đủ số lượng đại biểu cần thiết (quorum) để có thể thông qua luật một cách hợp lệ?

- Vào năm 1956, một vụ đàn áp quy mô đối với giới trí thức và văn nghệ sĩ đã diễn ra khốc liệt, thường được gọi là vụ Nhân văn-Giai phẩm. Từ trước đến nay đã có nhiều tài liệu viết về đề tài này, nhưng hình như chưa có ai đặt vấn đề về phương diện pháp lý: chiến dịch đàn áp này có vi phạm vào điều 10 của Hiến pháp 1946 (quy định quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, v.v.) hay không?

Cần ghi nhớ rằng mặc dù bản Hiến pháp chưa được toàn dân “phúc quyết” để có thể trở thành chính thức nhưng vào ngày 9-11-1946, sau khi thông qua Hiến pháp 1946, Quốc hội khóa I của Nước VNDCCH đã ra “Nghị quyết Uỷ nhiệm Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội thi hành Hiến pháp” trong đó long trọng tuyên bố: “Trong thời kỳ chưa thi hành được thì Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật”[12].

Cũng có người biện hộ rằng nếu gặp hoàn cảnh thuận lợi hơn thì Hiến pháp 1946 đã được đưa vào thực hiện và được sửa đổi theo hướng thật sự dân chủ, những khiếm khuyết chắc chắn sẽ được sửa chữa, bổ sung. Lập luận này thật ra chỉ là sự suy luận thuần túy không dựa trên cơ sở lý luận cũng không phù hợp với thực tế, bởi lẽ:

- Những người chủ trì việc soạn thảo Hiến pháp 1946 chưa hề có ý định thực hiện nghiêm túc những gì được ghi trong Hiến pháp. Ngay cả về danh xưng, mặc dù Hiến pháp ghi rõ cơ quan lập pháp là Nghị viện, cơ quan thường trực của nó là Ban Thường vụ Nghị viện, nhưng các tên gọi Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội (có từ trước khi thông qua Hiến pháp) vẫn được giữ nguyên cho đến khi bản Hiến pháp 1946 bị hủy bỏ. Chức vụ Thủ tướng bị bỏ trống trong gần 10 năm, chức vụ Phó Chủ tịch Nước cũng bị bỏ trống trong suốt thời gian tồn tại của Hiến pháp 1946. Các nhà lãnh đạo cộng sản chỉ lợi dụng những điều khoản có lợi cho họ và hoàn toàn bỏ quên, không thi hành những điều khoản có lợi cho nhân dân.

- Ngay sau khi hòa bình lập lại tại miền Bắc, thay vì đưa vào áp dụng bản Hiến pháp 1946 và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với xu hướng dân chủ hóa, Đảng Cộng sản (lúc đó mang tên Đảng Lao động Việt Nam) đã xé bỏ văn bản lập hiến đó và thay thế bằng bản Hiến pháp 1959. Hành động này cho thấy những người cộng sản Việt Nam chỉ coi Hiến pháp 1946 là một phương tiện tạm thời mang tính “sách lược” (tactic) chứ không phải “chiến lược” (strategic), theo đúng phương pháp của Lenin.

Hiến pháp 1946 suy cho cùng chỉ là một công cụ tuyên truyền để biện minh cho các hành động của Đảng cộng sản chứ không có ý nghĩa pháp lý hay tác dụng thực tế nào cả. Có thể nói dưới sự lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” của Đảng cộng sản, toàn bộ đời sống chính trị của đất nước đều được quyết định trong bóng tối, trong phòng họp kín của Ban chấp hành Trung ương Đảng và nhất là của Bộ chính trị. Và đó chính là di sản tệ hại nhất mà cả dân tộc phải thừa hưởng từ tinh thần cốt lõi của bản Hiến pháp 1946.

Mặt khác, để có thể tiến hành sửa đổi một bản hiến pháp theo hướng dân chủ hóa, cần có hai điều kiện căn bản: (1) Quốc hội (hay Nghị viện) phải thật sự đại diện cho dân và có đủ quyền lực để quyết định trong công tác lập pháp và lập hiến, (2) chế độ chính trị đa đảng, trong đó phe đối lập có đủ sức mạnh để kiềm chế đảng hay liên minh chính trị cầm quyền, chống lại mọi sự lạm dụng quyền lực và bảo đảm thực thi các quyền tự do căn bản của người dân, tạo điều kiện phát triển một xã hội dân sự lành mạnh. Cả hai điều kiện này đều không tồn tại tại miền Bắc từ năm 1954 và trên phạm vi cả nước kể từ tháng 4 năm 1975 cho đến ngày nay.

Cuối cùng, để kết thúc bài viết này, có một vài câu hỏi cần đặt ra, không phải dành cho những người cộng sản đang cầm quyền mà dành cho những người được mệnh danh là trí thức yêu nước: Tại sao lại phải cố níu kéo một bản hiến pháp mà ngay cả những người làm ra nó cũng không hề xem trọng, thậm chí còn thẳng tay xé bỏ nó một cách không thương tiếc để thay thế bằng một bản hiến pháp khác mà họ đánh giá là phù hợp hơn, có giá trị hơn? Tại sao lại phải bám víu vào một bản hiến pháp nhiều khuyết tật trong khi thế giới có biết bao nhiêu bản hiến pháp đáng giá khác mà chúng ta có thể tham khảo, học hỏi?

Về phía những người cộng sản, họ có lý do để bám víu vào bản Hiến pháp 1946, bởi vì “ăn mày dĩ vãng” là cách duy nhất để biện minh cho việc Đảng nắm giữ địa vị cầm quyền, bất chấp tình trạng tham nhũng và sự suy đồi nghiêm trọng của hệ thống chính trị, bất chấp nguyện vọng của nhân dân. Nhưng về phía những người trí thức, lý do gì khiến một số người vẫn tiếp tục duy trì ”huyền thoại về một Nhà nước dân chủ cộng hòa” của thời kỳ 1945-46, nuôi dưỡng niềm hy vọng viển vông về một chế độ “cộng sản-dân chủ” trong tương lai?

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng “xưng tội” với nhân dân bằng bài thơ “Bánh vẽ”. Bài thơ ấy mở đầu bằng những câu:

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

Cầm lên nhấm nháp

Dù sao thì “cùng với bạn bè nhấm nháp cái bánh vẽ” vẫn chưa phải là lầm lỗi nghiêm trọng nhất. Nghiêm trọng hơn nữa là vẫn còn có nhiều bậc trí thức uyên bác chẳng những sẵn sàng nhấm nháp những cái bánh vẽ mà còn tìm cách mời gọi người khác cùng ăn, thậm chí còn tham gia vẽ thêm nhiều chiếc bánh mới. Lỗi lầm ấy – dù vô tình hay cố ý, mới thật sự là lỗi lầm không thể tha thứ!

Đà Lạt, 3-10-2012

(Tác giả gửi đăng)

—————————————————————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Hiến pháp 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:

http://www.na.gov.vn/sach_qh/vkqhtoantap_1/nam1946/1946_24.html

- Constitution de 1875, IIIe République:

http://www.conseil-constitutionnel.fr/conseil-constitutionnel/francais/la-constitution/les-constitutions-de-la-france/constitution-de-1875-iiie-republique.5108.html

- Constitution de 1946, IVe République:

http://www.conseil-constitutionnel.fr/conseil-constitutionnel/francais/la-constitution/les-constitutions-de-la-france/constitution-de-1946-ive-republique.5109.html

- Robert Elgie, “Duverger, semi-presidentialism and the supposed French archetype”,  West European Politics, Volume 32 (2), 2009, pp. 248-267:

http://doras.dcu.ie/4513/1/Elgie_WEP_2009_Duverger_and_semi-presidentialism.pdf

- Kenneth Newton and Jan W. Van Deth, Foundations of comparative politics, Cambridge University Press, 2010.

- Mark Kesselman, Joel Krieger, William A. Joseph (General Editors), Introduction to Comparative Politics: Political Challenges and Changing Agendas, Fifth Edition, Wadsworth, Cengage Learning, Canada, 2010,

- Quốc hội Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập I, 1945-1960, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006:

http://www.na.gov.vn/sach_qh/vkqhtoantap_1/nam1946/1946_23.html

 


[2] Mai Thái Lĩnh, Những khuyết điểm nghiêm trọng của Hiến pháp 1946, Pro&Contra 13-7-2012: http://www.procontra.asia/?p=743
[3] Trong bài viết, tác giả Phan Thành Đạt thường lẫn lộn giữa các tên gọi. Cần phân biệt cách gọi tên trong Hiến pháp 1946 (Nghị viện, Ban Thường vụ Nghị viện) và cách gọi tên trong thực tế (Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội). Các tên gọi trong thực tế có từ đầu năm 1946, nghĩa là trước khi thông qua Hiến pháp 1946, và vẫn không thay đổi cho đến khi có Hiến pháp mới (1959). Từ 1960 đến 1980, cơ quan lập pháp có tên là Quốc hội, còn bộ phận thường trực có tên là Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[4] Báo cáo về hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, trình bày tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, ngày 30-10-1946; Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập I, sđd:http://www.na.gov.vn/sach_qh/vkqhtoantap_1/nam1946/1946_12.html

[5] “Régime semi-présidentiel”, Wikipédia bản tiếng Pháp.

[6] Kenneth Newton and Jan W. Van Deth, Foundations of comparative politics, Cambridge University Press, 2010.
[7] Introduction to Comparative Politics: Political Challenges and Changing Agendas, Fifth Edition, General Editors: Mark Kesselman, Joel Krieger, William A. Joseph, Wadsworth, Cengage Learning, Canada, 2010.
[8] Elgie, Robert (2009) Duverger, semi-presidentialism and the supposed French archetype. West European Politics, Volume 32 (2), 2009, pp. 248-267:http://doras.dcu.ie/4513/1/Elgie_WEP_2009_Duverger_and_semi-presidentialism.pdf
[9] Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam tự khen bản hiến pháp này như sau: “ Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta, là một bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản hiến pháp nào trên thế giới. Nó là bản hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện.”; trích theo bài “Ý nghĩa của bản hiến pháp đầu tiên” đăng trên trang mạng của Quốc hội Việt Nam:http://www.na.gov.vn/60namqhvn/www.na.gov.vn/60namqhvn/noidungynghia/ynghia-hp46.html
[10] Nguyên văn: “the Constitutional substitute for revolution”.
[11] Some Lincoln Correspondence with Southern Leaders before the Outbreak of the Civil War – from the collection of Judd Stewart, New York, 1909, Original from Library of Congress: http://hdl.handle.net/2027/loc.ark:/13960/t3pv6ks5g
[12] Nghị quyết của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I Nước VNDCCH ngày 9-11-1946 Uỷ nhiệm Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội thi hành Hiến pháp, Văn kiện Quốc hội Toàn tập, tập I:http://www.na.gov.vn/sach_qh/vkqhtoantap_1/nam1946/1946_23.htm

Phản hồi