WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Vài suy nghĩ về tập truyện Sợi Khói Bay vòng của Phạm Ngọc Lư

Cũng như âm nhạc, văn học miền Nam sau 1975 chính quyền càng cố tình hủy diệt, thì dường như sức sống của nó càng dẻo dai và lan tỏa. Bởi, đó là thứ âm nhạc và văn chương đích thực đi vào lòng người. Nó được sống, nuôi dưỡng không chỉ trong lòng độc giả, dân chúng miền Nam, mà còn quay ngược về nơi đất Bắc, rồi cùng dòng người vượt sang bên kia bờ đại dương.

Nói dại, nếu chúng ta không có những Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh…hay chẳng còn những Võ Phiến, Túy Hồng, Nguyễn Thụy Long, Du Tử Lê, Luân Hoán…mà chỉ có những “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái bình…“ và “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm…“ thì phần hồn như đã mất và cuộc sống chẳng tẻ nhạt, khô cứng lắm sao.

Chỉ với hình ảnh nhà văn người lính Trần Hoài Thư ngồi khâu từng trang sách nơi xứ người, gìn giữ những giá trị ấy, đã cho ta hiểu rõ sức sống, và sự trường tồn của nó.

Khi đọc và nghiền ngẫm văn học miền Nam trước 1975, tôi thường chia, khoanh vùng các tác giả. Điều đó, giúp cho người đọc thấy được, tuy cách hành văn khác nhau, nhưng các nhà văn gốc gác cùng một vùng miền thường có sự biểu cảm, từ ngữ phảng phất với những nét đặc trưng giống nhau. Cho nên, tuần vừa rồi, tôi nhận được tập truyện Sợi Khói Bay Vòng, viết trước 1975 của nhà thơ Phạm Ngọc Lư, do Thư Ấn Quán (Hoa Kỳ) in ấn và gửi tặng. Đọc nó, tự nhiên tôi nghĩ đến Túy Hồng, một nữ sĩ tài năng của văn học miền Nam. Dù văn của Túy Hồng phóng khoáng (dữ dội nhưng chiều sâu thăm thẳm) khác hẳn văn phong Phạm Ngọc Lư. Nhưng dường như, đọc họ, tôi vẫn nhận ra diễn biến tâm lý nhân vật có một cái gì đó… rất gần nhau, khi miêu tả. Bởi có lẽ, họ cùng sinh trưởng ở Thừa Thiên- Huế chăng?

Phạm Ngọc Lư

Phạm Ngọc Lư

Cũng như thơ, văn Phạm Ngọc Lư viết không nhiều, nhưng truyện ngắn nào của ông cũng hay, lời văn sáng và đẹp. Cùng với bút pháp khi hiện thực, lúc siêu hình, nỗi buồn của chiến tranh và tình yêu, đã được Phạm Ngọc Lư dàn trải, xuyên suốt tập truyện này.

*Thân phận tình yêu và con người trong chiến tranh.

Khi bút ký Phan Nhật Nam đang rực lửa chiến trường, Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh trở lại đề tài giang hồ nơi phố thị, Nguyễn Thị Hoàng mải mê với Vòng tay học trò… thì Phạm Ngọc Lư tìm tòi, khám phá viết về đất và con người miền Trung, Cao Nguyên. Có thể nói, đây là đề tài ít được các nhà văn quan tâm trong thời gian đó. Nếu có, chỉ là nhật ký chiến trường, hay truyện về những người lính. Còn viết những người dân bình dị nơi đây, dường như rất hiếm?

Thực vậy, cũng là người chịu khó tìm đọc văn thơ miền Nam trước 1975, nhưng tôi chỉ được biết đến sinh hoạt, tình yêu cuộc sống của con người trên mảnh đất miền Trung, Cao Nguyên trong thời chiến lần đầu tiên từ tác phẩm Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư… Và với tôi, không có Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long, thì Văn học miền Nam đã có Dũng Đakao của Duyên Anh, và ngược lại. Nhưng nếu không có Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư thì Văn học miền Nam sẽ để lại một lỗ thủng, một khoảng trống.

Tuy gói trọn trong mười lăm truyện ngắn, với 223 trang viết, vậy mà Phạm Ngọc Lư đã đưa người đọc trở về với mọi khía cạnh cuộc sống miền Trung, Cao Nguyên, từ ngày đầu cho đến hết cuộc nội chiến tang thương nhất của dân tộc. Và trong cái mịt mù không lối thoát của chiến tranh ấy, dường như tình yêu, cuộc sống xuyên suốt Sợi Khói Bay Vòng cũng cùng đường và tịt lối.

Có lẽ, không có cái đau nào bằng nỗi đau, phải cầu nguyện cái chết cho chính người mình yêu. Và quả pháo kích ấy, không chỉ giết chết tình yêu, giết chết con người, mà còn đeo bám ám ảnh cả linh hồn người còn sống. Cái Sao Chổi, tuy không phải là truyện hay nhất của Phạm Ngọc Lư, nhưng làm cho người đọc không khỏi bùi ngùi xúc động:
“…Đã gần hết tháng 5 âm lịch, máu đã xối xả chảy, lênh láng dờn dợn, ở đâu tôi cũng nhìn ra màu đỏ sẫm hung hãn đau nhức cảm giác. Cả thị trấn bị nung chín sốt nhiệt với các câu sấm truyền đồn đãi. Vết thương bỏng rát mưng nước đâu dưới da, sắp lở loét thối rữa, lắm lúc tôi cầu nguyện cho Nhan chết đi còn hơn sống tật nguyền….Cả đêm tôi không bình thản ngủ được ngon giấc dù đã uống nhiều thuốc an thần. Tôi ngước lên, trí nhớ khựng lại, đồng thời một đỗi ghê sợ đến nhanh khiến hai bàn tay lạnh cóng trong thau nước: sao chổi! Cái đuôi xòe dài lấp lánh gần hết khung trời, nó đang múa lượn rồi lao vọt bắn xẹt đi như mũi tên lửa. Tôi bỏ chạy vào phòng ngã sấp xuống giường, mồ hôi vã ra dọc sống lưng ớn lạnh. Phút chốc tôi nghe tiếng cười ken két của lão lính điên gằn lên trong đầu, hàm răng lão nhe ra nhọn hoắt cắm phập vào trí óc tôi như cắn một miếng dưa hấu.“

Nếu Một Chuyện Tình Phải Quên Đi là câu chuyện tình trớ trêu, cấm cản giữa một văn nhân với một tiểu thư tỉnh lẻ, không đi đến hồi kết, thì truyện ngắn Sợi Khói Bay Vòng hằn đậm thêm nỗi buồn đổ vỡ của tình yêu, như một vòng tròn luẩn quẩn của tuổi trẻ buộc phải đi qua thời chiến loạn. Có thể nói, Sợi Khói Bay Vòng là một trong những truyện ngắn hay, sâu sắc nhất của Phạm Ngọc Lư. Sự sâu sắc ấy, không phải chỉ có đắng cay dày vò, mất mát trong tình yêu, mà người đọc còn thấy được, tác giả không hề che đậy hành động, tâm lý của tuổi trẻ đối với chiến tranh và thời cuộc. Cuộc trốn chạy ấy, tuy không đại diện cho tuổi trẻ miền Nam, nhưng nó đã nói lên nỗi sợ hãi, chán chường ở một bộ phận không nhỏ trong dân chúng lúc đó:

“Tao đang bị quân cảnh truy tầm… Thế nầy chứ. Thằng con bác lớn tồng ngồng mà sửa khai sanh còn mười bốn tuổi. Tụi lính tóm được, lột quần nó lắc đầu chửi thề, đ.m.14 tuổi gì mà… khó coi quá. Nhưng tụi chúng không bắt nó đi quân dịch lại nghịch ngợm bảo nó phải nhổ sạch lông mới được tha về. Thằng nhỏ cắn răng khóc ngất... “ (trang 117-118)

Nếu ta đã từng đọc Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy, Truyện Từ Văn của Trần Hoài Thư, hay Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam, hoặc nhìn sang: Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, thì chắc chắn không bị bất ngờ, ngạc nhiên về nỗi đau, thân phận người lính, khi đọc Cái Đuôi Sao Chổi của Phạm Ngọc Lư. Cái sự mất mát, nỗi ám ảnh thường trực dày vò trong những cơn điên loạn ấy, không chỉ hủy hoại thể xác, mà còn xé nát tâm hồn người lính trận. Một ước mơ nhỏ, một tiếng kêu vô vọng lọt thỏm giữa không gian vắng lặng, sau tiếng bom, tiếng súng. Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây, để thấy rõ hơn về nỗi đau của người lính già có con chết trận:

“…Tôi ngồi chờ người lính già xuất hiện. Chiều nay sao lão đến muộn. Mọi khi lão đã bi bô khật khưỡng nghiêng ngả trên bãi đất, sau lưng là cái đuôi con nít vỗ tay cười rộ, khuyến khích lão đang cố bò lên cái bệ xi-măng, leo qua những tầng cấp cao cố níu cho được bốn tấm bia đá gắn quanh bốn mặt thép. Lão la hét vùng vẫy: “Tên con tao đâu, con ơi! Đồ sát nhân dã man. Trời ơi!” Khi tôi đứng dậy định rời quán, bỗng lão từ phía hông chợ từ từ bước ra, dáng đi xiêu vẹo lạng quạng muốn ngã. Lão đội mũ vành án vằn vện, quần ka-ki vàng và mang một đôi giày bố xộc xệch đứng lại ngó quanh láo liên, đôi mắt đỏ ké nhìn chòng chọc như con thú sắp vồ mồi. Rồi lão chạy vụt lên bệ đài tử sĩ quỳ gối

chắp tay rên ư ử. Người chủ quán đứng cạnh nói chõ ra:

- Khổ quá, cảnh sát mới tóm chiều qua đó, giờ lại xổ chuồng …“ (Cái Đuôi Sao Chổi)

Khi tiếng gào thét của người lính già vẫn còn vọng lại, thì Phạm Ngọc Lư cho ta thấy, đằng sau nó còn có một nỗi đau thầm lặng khác, với những tiếng nấc lặn vào trong đêm. Vâng! Cuối Ngày Cuối Đường là một truyện ngắn như vậy. Xuyên suốt câu chuyện là hành trình người cha già đưa trộm hài cốt người con tử trận trở về quê. Chúng ta không nghe thấy tiếng súng, tiếng bom và cả tiếng thét gào, nhưng đọc lên, ai cũng quặn thắt trong lòng:

“- Tui có thằng con đầu đi Sư đoàn 22.
- Chắc bác đi thăm về?
Đôi mắt người đàn ông bỗng mờ đi, xa vắng:
- Nó vô phúc chết hồi Tết Mậu Thân rồi. Tui vô viếng mộ.
- Bác chôn anh ấy trong nầy?
Người đàn ông rơm rớm nước mắt :
- Chôn với cất chi. Hồi đó cả nhà tui chạy giặc bán sống bán chết có biết chi mô. Một tháng sau mới có tin con tử trận. Khi tui vô tới nơi, người ta chỉ cho nắm đất xanh cỏ và miếng bia trơ trụi. Thảm lắm anh…Cô gái khẽ thúc vào hông cha như ra dấu giữ im lặng. Chấn cúi đầu. Giọng người đàn ông còn mếu máo gì đó nghe không rõ…

Chấn trở về phòng ngủ với chai Napoleon mới mua. Bỗng, anh đứng khựng lại ở cầu thang, đôi mắt rướn cong lên như một cặp dấu hỏi. Cô gái bỡ ngỡ nhìntrân trối:

- Anh…
- Đường đèo Hải Vân bị kẹt, xe quay lui hết. Không biết sáng mai đi được chưa?
- Bác đâu?
Cô gái bước lại mở hé cửa và bối rối xô Chấn lui. Nhưng anh cũng vừa kịp thấy cảnh tượng trước mắt: người đàn ông đang gục đầu trên cái rương gỗ khóc tức tưởi, bên cạnh bó nhang đang tỏa khói và mấy ngọn đèn cầy cháy leo lét, buồn thảm. Cô gái chảy dài nước mắt, nói mếu máo:

- Tội nghiệp anh tui phải nằm lại dọc đường đêm nay… Cái rương gỗ ấy đựng hài cốt anh tui!“
Là nhà giáo, do vậy Phạm Ngọc Lư thường viết về thân phận những người thày, người bạn gần gũi quanh mình. Đi sâu vào đọc, nghiền ngẫm Phạm Ngọc Lư, tôi nhận ra, ông chỉ viết những gì đã, đang xảy ra quanh mình, khi thật hiểu sâu về nó. Có thể nói, Phạm Ngọc Lư là người cẩn trọng, và với ông không có đề tài lớn, nhỏ. Đó là nguyên nhân chính trả lời thắc mắc của một số độc giả, tại sao cây bút tài hoa Phạm Ngọc Lư viết rất ít.

Với tôi, Tàn Đông là truyện ngắn đặc sắc nhất của Phạm Ngọc Lư. Bởi, ông đã xây dựng thành công diễn biến tâm lý nhân vật, (ở đây là cô y tá và người thày giáo tên Kiền) cũng như giải quyết tình huống một cách hợp lý, nhân văn. Hơn thế nữa, thông qua nhân vật người thày tên Kiền, ta tìm thấy cuộc đời, thân phận của chính tác giả (nhà thơ, thày giáo Phạm Ngọc Lư). Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã phê phán thái độ dửng dưng trước cái chết của người học trò đi theo nẫu (VC) của thày giáo Kiền. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Khi đi sâu vào nghiên cứu, ta có thể thấy, phải sống trong vùng núi rừng chiến sự, ngày Quốc gia, đêm Cộng sản, sự chối bỏ không nhận (ra) người học trò của thày giáo Kiền, là thái độ chính trị cũng như tư tưởng yêu ghét rõ ràng của tác giả. Và thông qua hình ảnh cái chết của người học sinh ấy, tác giả còn muốn gửi thông điệp đến người đọc, sự tàn nhẫn của những kẻ dụ dỗ, mua chuộc trẻ em, phụ nữ làm bia đỡ đạn, trong cuộc nội chiến thảm khốc này. Ta hãy đọc lại đoạn trích trong truyện Một Dòng Sông Miệng Ngậm để chứng minh thêm cho điều đó:

“…Không đâu, hai thằng còn nhỏ lắm, cỡ bằng đứa con út của tôi thôi. Đâu như chúng ở làng ngoài bị đuổi rát nên trốn qua đây, cùng đường rồi, lúc ấy lính mình đã bao vây cả hai phía, dưới đánh lên trên ập xuống kiểu bủa lưới ví cá đó thì một sợi tóc còn chưa chun lọt, huống gì cả cái đầu bờm xờm lớn rành rành hai đứa đang rúc vào nách nhau. Tôi nài nỉ chúng ra đầu hàng nhưng cái thằng có vết sẹo bên khóe miệng nhăn mặt (thật đau đớn khó ngó) nói tui sợ họ giết mất. Vẫn giọng van lơn thuyết phục, tôi bảo không đâu, chú xin chiêu hồi
đàng hoàng không ai làm gì đâu….

… tôi hoảng lên, tức giận và lo sợ nữa, rồi tôi nghĩ tới việc đi tìm lính kêu tới bắt chúng cho xong. Nhưng, có lẽ hắn đoán trước được chuyện đó nên đưa ra trước mặt một trái lựu đạn chày (không biết cất giấu chỗ nào) dọa dẫm, nhất định tui nằm đây với bác, chết thì chết chung…

Xóm Ven Rừng cũng là một truyện ngắn hay của Phạm Ngọc Lư. Câu chuyện đơn giản, mộc mạc kể về những sinh hoạt thường nhật ở một làng thuộc miền Trung Cao Nguyên. Tuy chỉ là những chuyện vặt, không có mâu thuẫn, kịch tính cao độ, nhưng đằng sau nó để lại nhiều điều phải suy ngẫm về thế thái và tình người.

Có thể nói, đọc tập truyện Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư đã cho thế hệ sinh sau đẻ muộn như chúng tôi hiểu sâu hơn về chiến tranh, về tình yêu, và con người miền Trung Cao Nguyên của trên, dưới nửa thế kỷ đã qua. Và hơn thế nữa, người đọc cũng được hiểu thêm về nhân cách, cũng như tài năng sáng tạo của thi sĩ Phạm Ngọc Lư.

*Nghệ thuật viết truyện ngắn của Phạm Ngọc Lư.

Gần đây, tôi đã đọc khá nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, văn xuôi do các nhà thơ viết. Để lại nhiều ấn tượng nhất trong tôi, có lẽ là truyện ngắn và những bài tản văn, chính luận của nhà thơ Trần Trung Đạo. Văn Trần Trung Đạo giầu chất thơ, chất trữ tình. Và có một điều thú vị, khi đọc văn Phạm Ngọc Lư, tôi gặp lại chất thơ, chất chữ tình ấy, dù Sợi Khói Bay Vòng đã được ông viết cách nay cả nửa thế kỷ.

Với bút pháp khi hiện thực, lúc siêu hình, kỹ thuật bố cục giầu kịch tính, đậm chất điện ảnh, mở đầu đến kết thúc một cách bất ngờ, Phạm Ngọc Lư luôn bỏ ngỏ câu chuyện, buộc người đọc phải suy nghĩ. Do vậy, truyện ông đem đến cho người đọc có suy nghĩ khác nhau, và thường gây ra những tranh luận. Nếu Tàn Đông với kết thúc bằng thày Kiền bỏ đi, trước cái chết của người học trò, thì truyện Tình Hoài cũng được kết thúc cũng bằng sự ra đi, và để rơi chiếc hộp, lại là một ẩn số, làm người đọc phải ngơ ngác. Ta hãy đọc lại đoạn kết đậm chất điện ảnh ấy, của truyện Một Chuyện Tình Phải Quên Đi, để suy ngẫm: Đó là tên truyện, hay mối tình buộc phải chấm dứt, phải quên đi của người đàn bà góa bụa?:

“Mươi hôm sau tôi tìm lại được những trang bản thảo viết về mối tình của tôi và Xuyên ba năm trước, ngậm ngùi đọc. Xong, tôi gởi đến Xuyên kèm một cái thư rất ngắn :

“Xuyên, anh vẫn yêu em như ngày nào. Ngày nào, tình ta thơ ngây tuyệt vời quá, em nhớ? Cònnhững dòng chữ nầy làm chứng. Em hãy đọc để hiểu lòng anh, cái tốt cái xấu của anh. Câu chuyện chỉ tạm thời kết thúc, anh nghĩ mình còn viết tiếp được bởi vì Trời đã cho hai nhân vật trong truyện tái ngộ và họ có lý do để gần nhau, sống hạnh phúc bên nhau. Em đồng ý?”

Ít hôm sau, Xuyên gởi trả lại tôi xấp bản thảo, không bày tỏ ý kiến gì ngoài ba chữ ngắn ngủn nàng viết thêm vào sau cái tựa đề của truyện. Thành ra: MỘT CHUYỆN TÌNH PHẢI QUÊN ĐI!“

Có thể nói, xuyên suốt Sợi Khói Bay Vòng, Phạm Ngọc Lư đã sử dụng ngôn ngữ sống, ngôn ngữ điện ảnh, làm cho lời văn sinh động. Ông luôn tạo ra tình huống, mâu thuẫn, tuy nhẹ nhàng, nhưng hành động nhân vật luôn đẩy tới kịch tính, và những thắt nút ấy, được cởi mở một cách đột ngột, bất ngờ. Trích đoạn trong truyện Tình Hoài đưới đây, là một trong những đoạn văn hay nhất, mà tôi đã được đọc trong thời gian gần đây. Ngoài lời văn đẹp, trong sáng, ta còn thấy được tài năng sáng tạo và xử lý những tình huống của Phạm Ngọc Lư:

“Tố Nương bước ra ngồi bên cạnh hồi nào không hay, mãi khi dứt “khúc sáo xuất thần”, tôi mới nghe tiếng thở dài và giọng chị nói:
- Buồn quá!
- Ừ, buồn nhỉ!
- Tiếng sáo kia.
– Sao?
- Não nề thống thiết nghe… rụng tim!
- Xạo.
Tố Nương cười lên một tiếng nhỏ. Tôi nhìn sững chị, mắt chạm mắt, như thôi miên hớp hồn, như soi bóng mình trong lòng đồng tử của nhau. Im lặng. Ánh
trăng vụt lu mờ rồi tắt câm. Hồ như đêm ngưng thở, thời gian khẽ đứng sững lại. Lặng thinh. Bỗng, cái ống sáo rơi xuống nền gạch vang lên một tiếng khô khan, hoảng hốt…“

Đã hơn một lần tôi viết, nếu văn chương không đi thẳng vào cuộc sống, xã hội đương thời một cách trung thực nhất, thì những trang viết đó chỉ những trang sách chết. Thật vậy, đọc Phạm Ngọc Lư, không chỉ thấy những mặt phải, mà ta còn thấy được cả mặt trái của xã hội đương thời, trên từng trang viết của ông. Một thiếu phụ có chồng là lính chiến chơi đêm, một làng ven rừng với hỉ, nộ, ái, ố, hay những thanh niên trốn lính…tất cả hiện lên một cách trung thực dưới ngòi bút của Phạm Ngọc Lư. Cái tính hiện thực đó làm cho văn của ông sinh động, giá trị và chân thật hơn. Đoạn trích trong Xóm Ven Rừng dưới đây, sẽ chứng minh cho điều đó:

“…Nhưng chị để dành nước mắt đợi ba bốn tháng sau mới khóc ào một trận, khóc ré như trẻ thơ bị giật ra khỏi vú mẹ: anh Trợ đi dân vệ ở luôn dưới quận và đã lấy một chị hàng xén giàu tiền giàu tuổi hơn anh. Chị Bòng đập vỡ ly chén, đá tung nồi xoong vẫn chưa hả giận cái “thằng phụ bạc, đểu giả”. Chị đóng cửa quán mấy ngày liền nằm tủi thân ấm ức. Tính ra anh Trợ ba-xị-đế đã ăn lường non hai chục kí lô bánh bèo, uống gạt cả mười lít rượu, nuốt luôn năm mươi gói
Ruby…“

Để tránh được sự kiểm duyệt và đạt được hiệu quả chuyển tải cao nhất, một số nhà văn ở trong nước đã buộc phải sử dụng bút pháp siêu thực, khi dựng truyện. Lấy những chất liệu có thật nhất ngoài xã hội đưa vào đằng sau của sự sống, tạo nên “bức tranh“ siêu thực. Gần đây, ta có thế thấy như: Dạ Tiệc Qủi của Võ Thị Hảo, hay Cò Hồn Xã Nghĩa của Phạm Thành…Đọc Phạm Ngọc Lư, ta có thể thấy gần nửa thế kỷ trước ông đã sử dụng thủ pháp này. Và ông đã dựng lại cái chết và sự hủy diệt Huế vào tết Mậu Thân 1968. Tuy nhiên, cũng như những trang viết hiện thực, lời kể của bức tranh siêu thực Phạm Ngọc Lư vẫn mộc mạc, trình tự và mạch lạc. Sự hình tượng hóa, không chỉ trong thơ, mà trong văn của ông một cách sâu sắc. Đoạn trích trong truyện Mộng Thấy Mình Đã Chết dưới đây, là một trong những đoạn văn đẹp và giầu hình tượng của Phạm Ngọc Lư:

“Tôi đã chết? Con đò đưa linh hồn thả về bên kia bờ quá khứ cháy bùng lên, chìm xuống mặt biển sóng gió trùng trùng nô giỡn nhẫn tâm giữa nỗi quên lãng mông mênh ngút ngàn thiên địa tận. Đêm nay, trí nhớ chết đuối, cõi sống rã rời như những mảnh ván còn lại trong một vụ đắm tàu còn nổi lêu bêu dập dềnh. Nhưng tôi là con chim đen bay hoài trên mặt nước động không tìm ra khúc gỗ trôi nổi nào sà xuống trú chân.“Anh đã chết vào sáng sớm ngày mồng 7 Tết dưới gốc cây nêu trước ngõ. Em còn về ngoài đó, nhớ hôm giỗ anh ghé lại thắp giùm một nén nhang và hạ luôn cây nêu xuống.“

Để lý giải, tại sao Phạm Ngọc Lư đã phải mượn cõi ảo, để nói về cõi thực như vậy? Ta có thể thấy, dù chứng kiến sự dã man và hãi hùng đó, nhưng ông vẫn không tin đó là sự thật. Bởi nó chỉ có thể xảy ra ở một thế giới vô hình, ở bên kia cuộc sống của con người. Và chỉ có thể lấy cõi âm để viết về cái chết, thì mới chuyển tải hết sự dã man và nỗi đau tột cùng của con người. Tôi nghĩ, khi viết những truyện này, Phạm Ngọc Lư trong trạng thái bị tổn thương, xúc động mạnh, và bị kích động tâm lý. Và đã đứng trước cái hố chôn sống ba, bốn chục người, một sự thật rõ ràng, nhưng không một ai (dám tin) có thể tin. Vâng! Có lẽ, chỉ người có thần kinh thép mới chấp nhận được sự thật kinh khủng đó:
“…Bọn cán bộ biết thế nào cũng thất trận nên đã vội giết tụi chúng (thành phần đắc lực) trước khi rút lui… Anh hỏi vì sao hả? Dã man thật, làm vậy cốt phòng ngừa việc mấy thằng ấy hồi chánh khai toạc những bí mật cơ sở, chính mấy tên bị bắt nói trắng trợn như thế. Cũng đáng đời. Những người trong làng bị chôn sống đều do tay thằng Mộc cả, bây giờ hắn chết rồi còn ai biết chỗ lấp xác mà đi tìm. Ghê quá anh à, hồi kháng chiến cũng có chôn tươi tụi Tây bắt được (chính mắt tôi chứng kiến) nhưng đâu có tàn nhẫn ba bốn chục người một hầm bằng thời nầy…” (Một dòng sông trong miệng ngậm)

Điều tất nhiên, cuốn sách nào cũng vậy, có hay chắc chắn sẽ phải có dở. Tuy lời văn sáng và đẹp, nhưng có khá nhiều câu dài, làm cho người đọc như bị hụt hơi. Những đoạn văn này, có thể ngắt làm hai, ba câu hoàn chỉnh, chắc chắn làm cho câu văn, đoạn văn rõ ràng và mạch lạc hơn. Không rõ, những nhược điểm này, của tác giả hay thuộc về những người sưu tầm đánh máy? Nhưng với tôi, dù thế nào đi chăng nữa, lỗi chính này vẫn thuộc về khâu biên tập cuối cùng. Ta đọc đoạn trích dưới đây, để thấy rõ điều đó:

“…Chuồi chiếc xe vào gốc trứng cá, Dành ngả lưng nằm phịch xuống võng, kẹp chân tuột đôi giày, kéo bựt cặp vớ đầy dăm cát, những mạch máu nơi chân vụt bò lên cồn cộn, tê buốt, Dành nhăn mặt duỗi ra từ từ cho đến khi xuôi hẳn thoải mái…”

Hoặc có thể thấy, ngay dòng đầu tiên của truyện ngắn Sợi Khói Bay Vòng, cũng là tựa đề của tập truyện, cho ta cảm giác gờn gợn khi đọc:

“Buổi sáng Bồng đi trời âm u đổ bụi mưa lay bay, nàng bâng quơ ngước nhìn màu mây trộn lỏng hơi nước đục mù nền trời và bước lững thững ra ngõ…” (trang 110). Và có lẽ, người biên tập kỹ tính, đoạn văn trên sẽ phải chấm, ngắt phảy như sau: “Buổi sáng Bồng đi, trời âm u đổ bụi mưa lay bay. Nàng bâng quơ ngước nhìn màu mây trộn lỏng hơi nước, đục mù nền trời và bước lững thững ra ngõ…”

Có thể nói, Sợi Khói Bay Vòng là tập truyện viết về tình yêu, con người thời chiến ở nông thôn miền Trung Cao Nguyên hay nhất mà tôi đã được đọc. Thường đọc những truyện viết trước đây vài, ba chục năm đã cho người đọc cảm giác có một khoảng cách. Nhưng đọc truyện Phạm Ngọc Lư viết cách nay đã nửa thế kỷ, vẫn thấy mới, và có những nét riêng biệt, kể cả văn phong đến từ ngữ sử dụng. Thật vậy, với ngòi bút hiện thực tài hoa, ông đã đóng dấu vào lòng người đọc bằng tác phẩm của mình.

Rồi đây, chế độ xã hội, con người sẽ phải trở về với cát bụi, nhưng tôi tin, cùng với văn học miền Nam, tên tuổi và những tác phẩm của thi sĩ Phạm Ngọc Lư vẫn sống mãi trong lòng người đọc.

Leipzig ngày 24-9-2016

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

3 Phản hồi cho “Vài suy nghĩ về tập truyện Sợi Khói Bay vòng của Phạm Ngọc Lư”

  1. NON NGÀN says:

    VĂN NGHỆ VÀ CHÍNH TRỊ XÃ HỘI

    Văn nghệ bao gồm chung mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật của con người trong đời sống xã hội thực tế. Sinh hoạt đó là sự sống, là sức sống, có khi hết sức mãnh liệt và thiết yếu. Văn học chủ yếu là thơ ca và văn xuôi mọi loại. Nghệ thuật chủ yếu có âm nhạc, hội họa, mỹ thuật, sân khấu hoặc phim ảnh nói chung. Nhưng tất cả đều có nguồn gốc sáng tạo và mục đích sáng tạo. Sáng tạo là tạo nên cái gì đó mới trước đó chưa có để nhằm phản ảnh mọi hiện thực cuộc sống và xã hội mà người nghệ sĩ có nhu cầu hay mục đích quan tâm đến.

    Điều đó cũng có nghĩa văn nghệ luôn luôn không thể không gắn với chính trị xã hội. Bởi tồn tại của con người luôn là tồn tại kiểu xã hội, và chính trị là cơ chế quyền lực mà xã hội luôn luôn phải có. Tuy nhiên vì sáng tác hay sáng tạo là tự do không thể bó buộc được. Do đó văn nghệ đích thực phải luôn là sự tự do dân chủ mà không bao giờ có thể cưỡng chế hay độc tài được. Có nghĩa mọi sản phẩm văn nghệ trong cơ chế xã hội độc tài thực chất chỉ là văn nghệ giả, văn nghệ dỏm mà không bao giờ là văn nghệ chân chính, tức văn nghệ có giá trị khách quan và ý nghĩa thật.

    Do vậy mọi quan niệm ấu trĩ như văn nghệ phục vụ xã hội, phục vụ chính trị theo nghĩa là công cụ cưỡng chế đều phản văn nghệ, phản văn học nghệ thuật. Đó là điều tai hại nhất cho con người và cho xã hội, thậm chí còn gây thiệt hại cho cả lịch sử nói chung. Bởi nó chỉ làm cùn nhụt con người, cùn nhụt xã hội, làm vật hóa con người, vật hóa xã hội, vật hóa cả văn hóa, và khiến lịch sử trở thành khoảng trống mọi mặt cho chính các cơ chế xã hội độc tài mang lại trong những giai đoạn dài ngắn khác nhau nhất định.

    Nói chung lại, cách mạng luôn phải mang lại cái gì mới mẽ, có ích, có lợi cho xã hội. Nếu ngược lại cái gọi là cách mạng mà thực chất chỉ làm cùi đày con người, cùi đày xã hội, cùi đày đời sống và văn hóa nói chung, đó không phải là cách mạng thật mà chỉ là ngụy cách mạng hay phản động, phản cách mạng. Cho nên xét sự vật không phải xét hình thức bề ngoài hoặc xét danh nghĩa hay danh từ mệnh danh cho sự vật mà phải xét chính bản thân, kết quả mang lại, cũng như giá trị thực chất của nó. Xét văn nghệ và chính trị xã hội cũng hoàn toàn như thế. Hễ vế này tốt đẹp thì hẳn vế kia cũng phải tốt đẹp hoặc ngược lại. Mục đích của xã hội là đời sống chính trị tốt và nền văn hóa tốt. Tất cả những điều đó đều tạo nên chất lượng của văn học nghệ thuật nói chung, và chất lượng cái này được phản ảnh qua chất lượng của cái kia mà không gì khác.

    ĐẠI NGÀN
    (07/10/16)

  2. Thiến Heo says:

    Thôi em, chớ liều thân cô phụ
    Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
    Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
    Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
    Há một mình ta xuôi biên tái
    “Nhất khứ bất phục phản” là thường !
    (trích Biên Cương Hành, PNL, 1972)

    Phạm Ngọc Lư học Hán Văn nên thơ của ông xử dụng văn học Hán Việt hơi nhiều. Từ vựng, và cả giọng điệu, tâm cảnh đều chịu ảnh hưởng thơ phú Trung Hoa. Kiểu “Tiếng địch thu phong”. Điều này khiến PNL khó có thể nổi bật hoặc độc sáng. Bởi vì, sáng tác như PNL làm người ta dễ liên tưởng tới Đông Hồ, Quách Tấn, Đinh Hùng đã đi trước. Ngoài ra, thơ của PNL vào thời điểm chiến trường miền Nam dữ dội nhất, nhưng bài Biên Cương Hành được coi như tiêu biểu của PNL cũng chỉ nói xa xăm một không gian hiu hắt biên tái một “hào khí” nào đó chứ không gần gũi hình ảnh đất nước điêu tàn VN lúc đó.

    Trong khi đó cũng làm thơ 7 chữ và cũng dùng Hán Việt nhưng thơ của Tô Thuỳ Yên đọc lên nghe Việt hơn và hình ảnh chiến tranh con người VN rõ nét hơn, do vậy, TTY có một vị trí độc sáng rất riêng. Thử đọc vài câu thơ sau của TTY:

    Sóng thiên cổ khóc biển tang chế
    Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
    Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
    Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

    Mùa gió xoay chiều gió khốc liệt
    Bãi Đông lở mất bãi Tây bồi
    Đám cây bật gốc chờ tan xác
    Có hối ra đời chẳng chọn nơi
    (Trường Sa Hành, TTY, 1974)

    • Tudo.com says:

      @Thiến Heo: “Trong khi đó cũng làm thơ 7 chữ và cũng dùng Hán Việt nhưng thơ của Tô Thuỳ Yên đọc lên nghe Việt hơn và hình ảnh chiến tranh con người VN rõ nét hơn, do vậy, TTY có một vị trí độc sáng rất riêng.”

      Rất đồng ý với Thiến Heo,
      Tô Thuỳ Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền. . . là một trong nhóm Sáng Tạo vang danh ở miền Nam. Bài Chiều Trên Phá Tam Giang được Trần Thiện Thanh phổ nhạc được giới văn thơ ca ngợi hay.
      Và bài Tôi Về được viết sau hơn mười năm TTY bị đài đọa bởi người “anh em” Bắc Cộng để khi về thấy cảnh nhà cửa rêu phong, để thấy. . . “Ta hoá thân thành vượn cổ sơ”.

      “Ta Về” khá dài, sợ chiếm nhiều “đất” của độc giả, xin trích vài đoạn mà tôi rất thích:

      Ta về – một bóng trên đường lớn
      Thơ chẳng ai đề vạt áo phai…
      Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?
      Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay

      Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
      Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
      Mười năm, mặt xạm soi khe nước
      Ta hóa thân thành vượn cổ sơ
      . . . . .
      Ta về qua những truông cùng phá
      Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
      Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
      Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

      Ta về cúi mái đầu sương điểm
      Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
      Cảm ơn hoa đã vì ta nở
      Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

      Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
      Làng ta, ngựa đá đã qua sông
      Người đi như cá theo con nước
      Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

      Ta về như lá rơi về cội
      Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
      Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
      Giải oan cho cuộc biển dâu này
      . . . . . . .
      Vâng!
      Những người miền Nam bị đài đoạ oan ức, những người VN chân chính bị chết một cách oan uổng, hãy giải oan cho họ bởi những ai đã gây ra cuộc biển dâu nầy!

Leave a Reply to NON NGÀN