WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngày bầu cử: Bình tĩnh đừng vội đoán, ai thắng, ai thua

Ảnh của TheNewsTribe

Ảnh của TheNewsTribe

Thử tưởng tượng sáng hôm nay, thứ Ba mùng 8 tháng Mười Một 2016, người dân Hoa Kỳ gặp nhau trên đường phố, ở trạm đón xe buýt hay tại sở làm. “Khỏe không” là câu hỏi đầu tiên, “đi bầu chưa” là câu hỏi thứ nhì, “nghĩ ai thắng” là câu hỏi thứ ba.

“Ai thắng” chính là câu hỏi cả nước Mỹ đang đặt ra từ nhiều tuần lễ trước đó. Cuộc tranh cử được nhiều người xem là “kỳ quái” “khủng khiếp” đã đi đến lúc kết thúc, hoặc ông tỷ phú Cộng Hòa Donald Trump hoặc bà Cựu Ngoại Trưởng Dân Chủ Hillary Clinton sẽ trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nếu chiến thắng, ông Trump sẽ được nói tới vì trong lịch sử bầu cử cận đại, ông là người đầu tiên không hề sinh hoạt chính trị nhưng thắng tất cả những nhân vật nổi bật của chính trường; nếu thành công, bà Clinton sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên làm chủ Tòa Bạch Ốc, tiếp nối sự nghiệp của vị tổng thống da màu đầu tiên là ông Barack Obama.

Không những thế, người sẽ chiến thắng cũng là người đa số dân chúng Hoa Kỳ cho rằng “không đủ tư cách” để lãnh đạo quốc gia. Trong suốt thời gian cuộc vận động diễn ra, truyền thông Mỹ liên tục đưa tin cho thấy một nửa nước Mỹ “không tin tưởng” cả ông Trump lẫn bà Clinton: ông tỷ phú Cộng Hòa bị nửa nước chê trách là người ăn nói vung vít, chẳng ngần ngại đưa ra những lời phát biểu vô lối, gây chia rẽ thay vì phải tạo đoàn kết; bà Clinton thì nửa nước nghi ngờ, cho rằng thiếu thành thật, đồng thời chuyện bà sử dụng email cá nhân lúc làm ngoại trưởng tiếp tục được mọi người nói tới, cộng với hoài nghi bà từng lợi dụng chức vụ quan trọng này để làm lợi cho tổ chức từ thiện mang tên Clinton Foundation của gia đình, và cáo buộc cho rằng vì quyết định sai trái của bà khiến khủng bố có cơ hội giết hại 4 nhà ngoại giao Mỹ ở Benghazi, Lybia hồi giữa tháng Chín 2012.
Nói ngắn gọn: rõ ràng cử tri không ưa bà Clinton, nhưng họ cũng chẳng mặn mà gì lắm với ông Trump. Nhưng dù “không thích Hillary Clinton” hay “không hài lòng với Donald Trump”, khoảng 12 giờ đêm nay, nước Mỹ sẽ có tân tổng thống, có thể đó là người một nửa nước “không ưa”, cũng có thể đó là người một nửa nước Mỹ “không hài lòng”.

Câu hỏi vẫn được đặt ra: giữa ông Trump và bà Clinton, ai là người sẽ cầm chìa khoa mở cửa Phòng Bầu Dục? Câu trả lời nghe được từ nhiều người khác nhau: bình tĩnh, đừng vội đoán ai thắng, ai thua, chờ đến khi cuộc bỏ phiếu hoàn tất rồi hẵng nói.

“Cả ông Trump lẫn bà Clinton đều có cơ hội thành công”, quan sát viên độc lập Paul Green làm việc tại Denver, Colorado nói. “Hai tuần trước đây tôi nghĩ cuộc bầu cử kể như xong, bà Clinton chắc chắn đắc cử, nhưng sau đó xảy ra chuyện FBI thông báo xem xét chồng email mới tìm được, tạo cơ hội cho ông Trump vùng lên”. Tình hình trước ngày bầu cử ra sao? “Dĩ nhiên bà Clinton có nhiều đường thắng hơn, nhưng đừng vội nói là ông Trump đã thất bại, vì ông Trump đang dẫn trước ở Ohio, vẫn sát nút với bà Clinton ở Michigan, North Carolina và Florida, bà Clinton chỉ dẫn trước ở Pennsylvania thôi”. Năm tiểu bang ông Paul Green nêu ra là những tiểu bang ông Trump phải thắng để trở thành tổng thống.

Đó cũng là những tiểu bang cả ông Trump lẫn bà Clinton liên tục xuất hiện trong 72 giờ qua, nhất quyết giành phần thắng về cho mình. Đi tới đâu, bà Clinton cũng kêu gọi những người ủng hộ giúp bà xây dựng “một nước Mỹ đầy hy vọng và vững mạnh hơn”, ông Trump cũng kêu gọi “đừng bỏ lỡ cơ hội để triệt hạ một cơ chế chính trị thối nát”. Cũng trong những cuộc vận động tranh cử, bà Clinton không bỏ lỡ cơ hội hứa hẹn “trở thành vị tổng thống của mọi người”, trong khi ông Trump chê bai đối thủ là “khuôn mặt tiêu biểu cho thất bại”. Điều duy nhất giống nhau: cả hai nhắc đi nhắc lại lời kêu gọi những người ủng hộ đi bầu, bà Clinton nói cuộc tranh cử năm nay “là cuộc tranh cử cho những thế hệ nối tiếp, cho con cháu của chúng ta”, ông Trump dặn dò những người ủng hộ “chúng ta đang có khí thế, bỏ phiếu là cơ hội để lấy lại công bằng”, không thể tiếp tục ngồi yên nhìn một “hệ thống thối nát” đang bảo vệ kẻ phạm pháp “mang tên Hillary”.

Cuộc vận động giờ chót của hai ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa còn được sự tiếp tay của nhiều người, trong đó được chú ý nhất là sự xuất hiện của Tổng Thống Barack Obama để giúp bà Clinton kiếm phiếu. Trước cử tri North Carolina, Tổng Thống Hoa Kỳ nói rằng bất kể sự tín nhiệm mọi người dành cho ông trong 8 năm qua, “tôi chỉ xin các bạn tin tưởng ở tôi điều này: tôi bỏ phiếu chọn Hillary Clinton làm tổng thống”.

Phía đảng Cộng Hòa, ông Chủ Tịch Điều Hành Reince Priebus cũng sát cánh với ứng cử viên của đảng, nhắc lại điều nhiều lần nói trước đây “ông Trump sẽ thay đổi chính trường, ông Trump sẽ làm những điều đã hứa với cử tri”. Ông Chủ Tịch Priebus cũng không ngần ngại nhìn nhận ông Trump “đôi lúc” ăn nói không hay, nhưng “điều khác biệt quan trọng nhất là ông Trump không hề nói láo”.

Quyết định cuối cùng luôn luôn nằm trong tay cử tri, những người sẽ đến phòng phiếu chọn người lãnh đạo quốc gia cho 4 năm tới. Trong số báo phát hành hôm thứ Hai, tờ USA Today trích dẫn lời ông Pat Bullock nói “tôi mến mộ ông Trump vì ông ta không phải là một chính trị gia. Tôi mến mộ ông ta vì ông ta là một doanh nhân”, tức biết cách làm lợi cho nước Mỹ và người Mỹ. Với bà Katie McGinty, ứng cử viên tranh chức thượng nghị sĩ tiểu bang Pennsylvania, ngày bầu cử mùng 8 tháng Mười Một “là ngày cử tri bỏ phiếu chọn người đứng đắn”, tức phải chọn bà Clinton, không thể ủng hộ một người có tật ăn nói bạt mạng như ông Trump.

Điều cần nhắc lại: mọi người phải bình tĩnh, đừng vội đoán ai thắng, ai thua, chờ đến khi cuộc bỏ phiếu hoàn tất rồi hẵng nói. Cũng nên nhớ: sau khi kết quả được công bố, tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ là người một nửa nước “không ưa”, hoặc sẽ là người một nửa nước “không hài lòng”.

 

© Nguyễn Văn Khanh

© Đàn Chim Việt

Phản hồi