Văn phòng chính phủ được phép có luật riêng?
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa ký ban hành các quyết định số 755, 756, 757, 758 quy định về chức năng nhiệm vụ của 4 đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Văn phòng Chính phủ ( theo Xa lộ tin tức).
Theo các quyết định này, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã tự cho phép mình đề ra những quy định vượt qua mọi quy định đã được Chính phủ ban hành (Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2010 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập).
Nghị định 43 đã nêu rõ: sau khi trang trải các khoản chi phí, các khoản nộp khác theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có) đơn vị được sử dụng theo trình tự:
- Trích tối thiểu 25 % để lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (đối với đơn vị đảm bảo chi phí hoạt động hoặc đảm bảo 1 phần chi phí hoạt động);
- Trả thu nhập tăng thêm cho người lao động;
- Trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ dự phòng ổn định thu nhập.
Nghị định 43 không quy định các đơn vị sự nghiệp phải lập quỹ hỗ trợ người lao động với cơ quan chủ quản nhằm tạo điều kiện tối đa để các đơn vị sự nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động.Tuy nhiên lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã tự cho mình quyền yêu cầu các đơn vị sự nghiệp phải nộp tới 40% chênh lệch thu chi về quỹ hỗ trợ người lao động Văn phòng Chính phủ, trong khi chỉ cho phép các đơn vị sự nghiệp lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập cho người lao động từ 5 đến 10%. Mặc dù Nghị định 43 đã nêu rõ các đơn vị sự nghiệp trích tối thiểu 25 % phần chênh lệch thu lớn hơn chi để lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp nhưng lãnh đạo VPCP vẫn phớt lờ để quy định Nhà khách 37 Hùng Vương trích 20% chênh lệch lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp nhưng phải nộp đủ 40 % chênh lệch cho quỹ của Văn phòng.
Với người lao động trực tiếp làm ra sản phẩm chỉ được phép trích 5 % chênh lệch thu chi để ổn định thu nhập, trong khi cán bộ cấp chủ quản lại được hưởng tới 40 % liệu có phải là quá bất công và mang tính bóc lột ? Với 40% chênh lệch thu chi của các đơn vị nộp về Văn phòng Chính phủ có phải Văn phòng Chính phủ đã ngang nhiên thành lập 1 quỹ đen và số tiền đó thực sự là bao nhiêu: 5 tỷ, 10 tỷ hay 100 tỷ ? lãnh đạo VPCP sử dụng quỹ này như thế nào ?, cán bộ VPCP đang có những đặc quyền, đặc lợi riêng ?. Nếu cơ quan nào cũng ra những quy định riêng để hưởng lợi ích như Văn phòng chính phủ thì tính nghiêm túc của các nghị định như thế nào ? là cơ quan Trung ương gần Chính phủ nhất, liệu Chính phủ có biết Văn phòng Chính phủ đang làm bậy, làm ẩu ?.
Thiết nghĩ Văn phòng Chính phủ là cơ quan siêu bộ gần Chính phủ nhất, mọi việc làm đều có tính nêu gương, vậy mà với 1 nghị định quan trọng có tính phổ biến rộng rãi như nghị định 43, Văn phòng Chính phủ lại chỉ vì lợi ích của mình tạo nên một đặc quyền riêng liệu có còn là đơn vị tham mưu giúp việc Chính phủ ? Câu hỏi này xin chuyển đến các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có biết?
Tôi đã đọc 4 quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ về các quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và chế độ quản lý tài chính của 4 đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Văn phòng chính phủ trên mạng thông tin điện tử của Chính phủ. Điều tôi không thể nghĩ ra là tại sao giữa thời buổi bùng nổ thông tin và trong khi Quốc hội đang thảo luận về việc để các đơn vị sự nghiệp được tự chủ trong hoạt động thì Văn phòng chính phủ – một cơ quan tham mưu giúp việc Chính phủ lại ra những quyết định trái luật, trái Nghị định như vậy.
Trước hết các quyết định này đã vi phạm luật ngân sách, vi phạm Luật cán bộ công chức, vi phạm nghị định 43-các luật, nghị định này đều đã quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm, việc thực hiện các khoản thu chi, lập các quỹ của đơn vị sự nghiệp. Lãnh đạo Văn phòng chính phủ đã không đọc, không hiểu hay ở Văn phòng chính phủ vẫn tồn tại cơ chế xin cho vì trong 4 quyết định này việc trích quỹ của các đơn vị sau khi trừ chi phí cũng khác nhau :
- Quỹ ổn định thu nhập áp dụng 5% đối với nhà khách La thành và Hội trường thống nhất, 10% đối với Nhà khách Tao đàn và 37 Hùng vương
- Quỹ phúc lợi và khen thưởng là 30% đối với Nhà khách La thành, 37 Hùng vương và Nhà khách Tao đàn, 45% đối với Hôị trường thống nhất;
- Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Nhà khách La thành và Hội trường thống nhất là 25%, 37 Hùng vương và 20%, Nhà kháchTao đàn là 40%.
- Nộp quỹ hỗ trợ người lao động của Văn phòng chính phủ: 40% đối với Nhà khách La thành và 37 Hùng vương, 30% đối với Nhà khách Tao đàn và 45% đối với Hội trường Thống nhất.
Điều đặc biệt là mức trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi của các đơn vị sự nghiệp này tối đa không vượt quá 3 tháng lương thực tế bình quân hàng năm của người lao động trực tiếp trong khi lương của người lao động ở các đơn vị sự nghiệp thường rất thấp nhưng mức nộp về quỹ hỗ trợ người lao động của Văn phòng chính phủ lại trung bình là 40%. Với cơ sở vật chất được đầu tư như hiện tại, mức 40% chênh lệch thu chi của các đơn vị sự nghiệp này hàng năm nộp về Văn phòng Chính phủ cũng phải đến 50 đến 70 tỷ đồng. Vậy lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã làm gì với quỹ này ? ******
Căn cứ nội dung các quyết định này thì lãnh đạo Văn phòng chính phủ đã dựa trên 2 nghị định là nghị định 10 và nghị định 43 để ban hành. Tuy nhiên lãnh đạo Văn phòng chính phủ không biết hay cố tình không biết nghị định 43 đã thay thế nghị định 10 vì vậy việc ban hành quy định dựa trên nghị định đã bãi bỏ nhằm tạo lợi ích cho riêng mình là không thể chấp nhận được đối với cơ quan cấp bộ quan trọng như Văn phòng chính phủ.
Các quy định về trách nhiệm của Giám đốc và Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp cũng không được rõ ràng và mang tính song trùng. Luật cán bộ công chức đã quy định tại đơn vị sự nghiệp chỉ có Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng là công chức nhà nước còn các chức danh khác đều do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định. Tại các quyết định này, Văn phòng chính phủ vẫn yêu cầu giám đốc các đơn vị phải trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm phê duyệt biên chế cán bộ, viên chức, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức trưởng phòng, Phó trưởng phòng sau khi có ý kiến thẩm định của Vụ Tổ chức cán bộ. Chính từ điều này đã tạo nên cơ chế xin cho, mua bán đối với các chức danh lãnh đạo của các đơn vị sự nghiệp, bởi với tầm bao quát rộng như vậy liệu vụ Tổ chức cán bộ Văn phòng chính phủ có thực sự nắm được tư cách đạo đức, khả năng quản lý, điều hành của người sẽ bổ nhiệm, miễn nhiệm hay phụ thuộc hoàn toàn vào đề nghị của các đơn vị nhưng vẫn ôm đồm nhằm tìm kiếm lợi ích riêng. Tại các quyết định này Văn phòng Chính phủ quy định “các Phó Giám đốc và Kế toán trưởng các đơn vị sự nghiệp chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm và trước Giám đốc về lĩnh vực công tác được phân công”. Điều này đã thể hiện rõ nhất sự ôm đồm, cơ chế xin cho, trục lợi cá nhân đối với từng chức danh được bổ nhiệm.
Việc xây dựng các quy chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp của Văn phòng chính phủ đã thể hiện rõ năng lực yếu kém của cán bộ, chuyên viên bởi mỗi một quyết định khi ban hành đều phải căn cứ trên các quy định của pháp luật và nghị định của Chính phủ để đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài. Là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước nhưng Văn phòng Chính phủ vẫn ban hành các quy định sai phạm như thế thì các cơ quan khác sẽ như thế nào? Văn phòng chính phủ đã được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho phép ban hành các quy định trái luật như vậy ? Thật đáng tiếc đối với một cơ quan tham mưu đã có bề dầy thành tích như Văn phòng chính phủ nhưng đang dần đánh mất đi uy tín của mình.
(LuatNhan gửi cho ĐCV)