Phiếm luận: Văn hóa chửi
Thành ngữ Pháp có câu: “Le style, c’est l’homme”, văn là người. Con người như thế nào đều thể hiện rõ qua những gì mà người đó viết ra. Do đó, đọc văn thì hiểu được người. Khi phân tích một bài văn, người ta để ý đến hai phần, một là nội dung tư tưởng, hai là hình thức thể hiện. Vấn đề tác giả nêu ra nhằm mục đích gì ? Có hướng đến Chân, Thiện, Mỹ không ? Có xây dựng những giá trị phổ quát, lâu dài hay chỉ để đả phá, phục vụ cho ý đồ riêng tư, nhỏ nhen trước mắt ? Nhận định dựa trên nguyên tắc được công nhận, dữ kiện có thật hay chủ quan, mơ hồ hoặc quá khích nhằm quy chụp, phủ nhận chân lý, bóp méo sự thật ?
Tự điển định nghĩa chửi là dùng lời lẽ thô tục để mắng người khác. Thật ra từ “chửi” phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không hẳn là dùng lời lẽ thô tục mà là độc ác, xấu xa để làm nhục đối phương. Có khi người ta dùng từ “chửi” để chỉ sự phê phán gắt gao mà không có yếu tố thô tục hay độc ác. Ta thường nghe nói: “Chửi cha không bằng pha tiếng.” Chỉ pha tiếng, nhại giọng thôi đã xem là chửi rồi, huống hồ chi nói người ta “mặt người nhưng óc chó”, là “trí thức chồn lùi”! Chửi là một hình thức biểu hiện thấp kém của văn phong. Vậy thì, “chửi” có thể hiện được văn hóa hay không ? Nếu văn hóa được hiểu là những gì tốt đẹp thì “chửi” không thể nói là văn hóa, văn minh được. Nhưng đối với người Việt Nam, từ rất lâu đã hình thành một nền văn hóa, gọi là “Văn hóa chửi”.
Điểm đặc biệt của thứ văn hóa này là nó hình thành từ nông thôn, lại do những người đàn bà nhà quê ít học, thậm chí một chữ bẻ làm đôi cũng không có. Không biết do ai sáng tác nhưng đã để lại cho đời những áng văn chương độc đáo, như một phần của văn học dân gian. Nếu hiểu văn hóa là những gì tồn tại qua sự sàng lọc của thời gian thì chửi mất gà chính là văn hóa vì nó thể hiện một khía cạnh của đời sống nông thôn ngày trước, cô đọng trong văn bản, tồn tại cho tới bây giờ.
Sở dĩ gọi là văn chương độc đáo vì đó là lối văn xuôi theo lối biền ngẫu nhưng có ca có kệ, có vần có điệu, lúc lên bổng, lúc xuống trầm, xướng lên như xướng ký âm pháp, đọc mà như hát, lại có nhạc nữa, nhất là có đối ý, đối lời không thua gì những vần thơ Đường luật hoàn chỉnh nhất, dặc biệt, khi bài chửi được thực hiện bởi giọng Bắc kỳ, có tiếng là chanh chua, đanh đá!
Trong bài Chửi Mất Gà có những câu: “Bố cái thằng chết đâm, cha cái con chết xỉa! Mày day tay mặt, mày đặt tay trái, nỡ ăn cắp của bà đây con gà. Này bà bảo cho chúng mày biết: Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn…”
Không riêng kẻ cắp bị chửi mà cả dòng họ ông tổ năm đời, mười đời đều bị lôi cổ ra chửi tuốt: “Cao tằng tổ tỉ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông cả ông cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội họ ngọai, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà đi lên, trên thiên đàng xếp hàng đi xuống, hãy vén mái tai, gài mái tóc, đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe bà chửi đây này…”.
Chửi mất gà gọi là chửi đổng, chửi bông lông, chửi khống, không nhắm vào một đối tượng cụ thể, rõ rệt nào. Một lối chửi khác gọi là chửi nhau. Có khi nào bạn nghe hai vợ chồng chửi nhau mà dùng toàn ca dao chưa ? Đây lại là một hiện tượng độc đáo của văn hóa Việt Nam, chỉ người Việt Nam mới có:
Chồng chửi vì nghi ngờ vợ ngọai tình, đi lấy trai :
Đàn bà má đỏ hồng hồng
Thấy trai thì lấp, thấy chồng thì lơ.
Vợ cũng không vừa, bèn chửi lại, nói rõ lý do tại sao mình lơ chồng, chạy theo kẻ khác :
Chồng người ăn gạo thì khôn
Chồng tôi ăn cám ngu hơn con lừa.
Hạ thấp nhân phẩm người khác xuống bằng con vật hoặc thấp hơn con vật là một cách chửi không riêng gì của người Việt. Mỹ có câu chửi rất ác: “Son of the Bitch ” là con của con chó cái. Ngôn ngữ tiếng Việt có câu chửi tương đương nhưng ngắn gọn, hay và độc hơn là “Đồ chó đẻ ”.
Có một loại chửi khác hình như dành cho người trên chửi kẻ dưới, như ông chủ chửi người làm công hay người đày tớ. Người bị chửi không hề phản ứng mà để cho người kia chửi như tát nước vào mặt.
Từ lâu tại quê nhà, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã phát động phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới. Đi đâu cũng thấy nhan nhãn khẩu hiệu, từ gia đình văn hóa, nhà văn hóa, cho đến phường, khóm, khu phố văn hóa. Vậy mà khi bạn ra Hà Nội hỏi đường một cậu bé, sẽ được trả lời “Đéo biết ! Có biết cũng đéo chỉ!”. Người ta gọi đây là văn hóa Hà Nội (thời thổ tả), hay là “văn hóa” chửi thề ” .
Cũng tại Việt Nam trước đây không lâu, chánh quyền và phe Phật giáo của thượng tọa Đ Nghi trụ trì chùa Bát Nhã tỉnh Lâm Đồng ra sức khủng bố bằng cách cho công an đội lớp du đãng hành hung, nhục mạ, chửi bới và đuổi ra khỏi chùa 400 tăng sinh theo pháp môn Làng Mai của thiền sư Nh Hạnh bên Pháp, đang tu học tại đây khiếp đảm đến nỗi một tín đồ Phật giáo địa phương phải nói : “ Em thấy đạo Phật của chùa Bát Nhã chửi bới đạo Phật Làng Mai chợ búa quá, em chán bỏ đạo Phật luôn ”.
Trở lại cộng đồng người Việt sống ở Mỹ và nước ngoài có nét đặc trưng là tỵ nạn và chống Cộng. Nét đặc trưng này ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của người dân cũng như trong giới truyền thông, báo chí. Cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông điện tử vi tính thời hiện đại thì việc sử dụng ngôn ngữ giữa người Việt với nhau đã được upgrade rất kịp thời! Có nhiều tờ báo nhân danh tự do ngôn luận, thông tin đa chiều, đăng những bài viết tuyên truyền cho chế độ Cộng sản, ca ngợi lãnh tụ Cộng sản, trong khi họ chính là tội đồ của dân tộc. Điều này đã xúc phạm đến tâm tư, tình cảm cộng đồng người Việt hải ngoại. Có kẻ nhân danh quyền phát biểu, nhân danh nghệ thuật, triển lãm những bức tranh không hề có tính nghệ thuật mà chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến những biểu tượng của Cộng sản, đồng thời nhục mạ lá cờ vàng ba sọc đỏ, là biểu tượng của đồng bào tỵ nạn. Những trường hợp đó đều bị cộng đồng viết bài, hội thảo, lên án gắt gao, kể cả tổ chức biểu tình phản đối nhiều tháng liền. Phản ứng trong những trường hợp này là việc cần làm và nên làm. Ngược lại, có những trường hợp lợi dụng nguyên tắc tự do báo chí, tự do phát biểu để đánh phá, chửi bới và nhục mạ người khác dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này lại được thực hiện bởi những người được xem là có trình độ văn hóa cao như giáo sư, nhà văn, nhà báo, bình luận gia… Nhưng cách chửi của họ không hề có tính văn hóa mà thua xa những người đàn bà nhà quê ít học của chúng ta ngày trước !
Không hiểu thấu đáo chủ trương, đường lối của người khác, thì chửi. Không đồng quan điểm với người khác, thì chửi. Phương thức hành động của người khác với mình, cũng chửi. Áp đặt tư tưởng của mình cho người khác, rồi chửi. Tệ hại hơn là bịa đặt, phịa ra những điều không có thật, gán cho người ta để lấy cớ mà chửi. Trong khi phê phán quan điểm của người lại đem vợ con người ta ra chửi, dùng lời lẽ độc ác, châm biếm các khuyết tật thể chất và hoàn cảnh không may của người để chửi.
Đồng hóa một cá nhân với một tổ chức để chửi. Thí dụ người ta phê phán, lên án một nhà sư, một linh mục có tên tuổi, có địa chỉ hẳn hoi, hủ hóa với phụ nữ thì kết án người ta là bôi bác tôn giáo. Một cán bộ Cộng sản đội lốt tôn giáo, mặc áo cà sa, hoạt động phá hoại, chống nhà nước, chống chế độ bị bắt trong thời chiến thì bây giờ bịa đặt, vu khống, chụp mũ người thi hành nhiệm vụ, nói việc bắt bớ này là chống Phật giáo, xem Phật giáo là Cộng sản, là tội đồ dân tộc! Một cựu chiến sĩ Hải Quân làm điều không đúng thì chửi anh này là làm nhục binh chủng Hải Quân. Người ta phê phán một cá nhân lợi dụng chức vụ, lũng đoạn một hội đoàn thì chửi người ta là chống Hội đoàn và chống cộng đồng !
Phương pháp thông thường là quơ đũa cả nắm để chửi : Trong một nhóm người, có một cá nhân không làm vừa lòng ai đó thì cả nhóm đều bị lôi ra chửi ! Siêu đẳng hơn nữa là chửi không chừa một ai, nhất là đối với những người thiện nguyện, đứng ra gánh vác chuyện cộng đồng. Một hiện tượng rất phổ thông bây giờ là mình không làm nhưng người khác làm thì chê và chửi, chửi cho sướng miệng.
Trong đời sống hằng ngày, có rất nhiều chuyện khó tin mà có thật. Thì đây là những chuyện thuộc lọai đó. Anh X nhờ Y làm một việc có lợi cho mình nhưng lại là chuyện bất hợp pháp. Y sợ quá nên từ chối, thế là bị chửi! Cũng lại là X, viết bài chửi người khác, nhờ Y đăng báo. Y từ chối, lại bị chửi nặng hơn, không những cá nhân bị chửi mà cả cha mẹ không liên can gì cũng bị lôi ra chửi ! Thấy mình bị chửi một cách vô duyên và oan ức, Y đem chuyện này phân bua với mọi người thì lại bị chửi thêm một lần nữa: “Chuyện này chỉ có tao và mày biết, tại sao bây giờ thằng A, thằng B cũng biết ? Đồ nhiều chuyện!”
Sống ở xứ tự do, nơi có phong trào chống Cộng và tranh đấu cho tự do dân chủ ở quê nhà rất cao mà không cho người khác được quyền phân bua, quyền bày tỏ thì thật là mâu thuẫn và khó hiểu. Cái hay của bạn tôi là bị chửi mà không bao giờ chửi lại, không hề có một phản ứng!
Trong nghề báo chí có một nguyên tắc là tránh tối đa việc nêu tên người ta trên mặt báo, trừ khi đó là sự việc chung, liên hệ đến nhân vật của quần chúng. Người viết chủ trương ai cũng có thể là bạn vì ai cũng có mặt tích cực, những điều tốt để mình học hỏi. Tôi không bao giờ tranh chấp quyền lợi hay chọc ghẹo gì ai, vậy mà vẫn bị nêu tên trên báo và bị hài tội là “Cõng rắn cắn gà nhà.” Kinh khủng chưa? Không hiểu sao tôi được tha cái tội “Rước voi về giày mả Tổ” vì hai tội này thường đi đôi với nhau lắm. Gà nhà chắc ai cũng hiểu là đồng hương người Việt của mình. Còn rắn là ai? Tôi đố bạn biết! Nếu tôi nói rắn là người Mỹ thì bạn không thể nào tin được, nhưng đó lại là sự thật, theo sự ám chỉ của chính tác giả, người chửi tôi. Việc này nhắc lại để… cười chơi, như một giai thoại vui, thuộc loại phi lý, khó tin mà có thật!
Nói tới các nhân vật của quần chúng, những nhân vật đại diện cộng đồng thì cũng lắm chuyện. Theo đúng chức năng, họ là những người phục vụ cộng đồng, vậy mà không ít người vỗ ngực, tự xưng mình là lãnh đạo cộng đồng. Có ai phê phán cung cách và khả năng lãnh đạo của họ thì họ không cần biết nội dung những phê phán đó đúng, sai chỗ nào, họ liền phản ứng. Họ giẫy nẩy lên và chửi lại những ai dám phê phán họ. Khổ nỗi, những người kém bản lĩnh và bất tài như vậy lại không chịu từ chức, mà cứ bám chặt cái ghế đang ngồi và tìm cách ứng cử hoài để “ lãnh đạo ” người khác. Không hiểu sao trên đời này lại có hạng người thích “ lãnh đạo ” người khác như vậy, để có chức vụ mà ghi trên danh thiếp, rồi gặp ai cũng chìa ra, hay để làm một việc gì khác, nào ai biết được ! Thành ngữ “ Cố đấm ăn xôi ” được dùng trong trường hợp này, phải chăng là thích hợp ?
Những người có trình độ, có văn hóa bao giờ cũng “ xưng khiêm, hô tốn.” Riêng một số người Việt hải ngọai vừa được mô tả như trên thường dùng những từ như thằng, tên, lũ, bọn họ, mấy tên, bọn này, cái đám, hoặc gọi tên trống không mà bỏ đi họ và chữ lót khi chửi người khác. Kế đó, họ tìm những chữ hoặc nhóm chữ bẩn thỉu nhất, độc ác nhất để gán cho người ta như: đi bóc cứt gà, ỉa, bôi, chà, lanh mưu, cao tặc, chồn lùi, thổ tả, ngu xuẩn, ngậm miệng ăn tiền, tên vô liêm sỉ, con giun, con kiến, con bò không có chân đứng, lũ đầu trâu, mặt người nhưng óc chó, vân… vân… Ngón đòn hạ cấp mà thâm độc nhưng dễ dàng nhất và thông dụng nhất hiện nay là vu vạ cho người ta là Cộng sản, chụp lên đầu người ta cái nón cối. Thấy người ta chụp nhiều hình thì nói chụp nhiều vậy chắc chuyển cho Việt Cộng ! Sau năm 1975 đồng bào ta, trong đó có nhiều trí thức còn kẹt lại ở Việt Nam, có dịp làm trong các cơ quan chánh quyền ( dĩ nhiên là của Cộng Sản ) là chuyện rất bình thường mà cũng vu vạ người ta là Cộng sản mà không hề có bằng chứng ! Việc vu vạ cho người khác là Cộng sản cũng có nhiều cấp độ : Thấp nhất là: không phải là người quốc gia, đi xa hơn thì là thân Cộng, tay sai Cộng sản, hoặc là tên Cộng sản hạng bét… Trong một bài viết. có tác giả không ngần ngại dùng luôn cái khẩu hiệu của Cộng sản, được trang bị cho cán binh Cộng sản khi ra trận đánh nhau với người lính VNCH ngày trước để chửi ! Trường văn trận bút đâu phải là chiến trường, tác giả cũng không phải là Việt Cộng, sao lại dùng danh từ Việt Cộng (Viet Cong terminology) ở đây ? Tệ hại thay, có những người cao niên nhưng thấp trí không biết dùng từ lịch sự, nhã nhặn mà chỉ biết lôi cha mẹ, ông cố nội, ông tổ nội của nhau ra mà chửi. Thật là hết ý.
Trong cuộc sống tự do nhưng phức tạp ở xã hội ngày nay, việc xung đột, va chạm nhau là sự thường. Rất tiếc, người ta không giải quyết những dị biệt và mâu thuẫn theo phương cách có văn hóa là đối thoại, mà lại đi chửi nhau còn tệ hơn là kẻ thù. Việc này xảy ra hàng ngày gần như là tập tục, là truyền thống, cho nên người ta gọi nó là “văn hóa chửi ”. Nhưng văn hóa chửi này nó hoàn toàn khác với văn hóa chửi mất gà. Việc chửi bới này không nhằm mục đích gì cao thượng mà chỉ nhằm nhục mạ người khác để thỏa mãn tự ái cá nhân, chửi cho sướng miệng, đồng thời để lộ nguyên hình cái nhân cách ( không mấy tốt đẹp ) của mình. Đặc biệt, còn có những người chuyên đi chửi giùm cho người khác.
Hậu quả là tình đồng hương sứt mẻ, mâu thuẫn càng nghiêm trọng, cộng đồng bị suy yếu vì phân hóa và chia rẽ, phúc lợi chung bi thiệt hại, uy tín chung bị mất mát. Do đó, cái sự chửi bới của chúng ta ở Mỹ này như vừa nói, không hề có chút văn hóa và thua xa cái việc chửi mất gà của mấy bà nhà quê nữa. Mấy bà nhà quê chửi để tự vệ, dùng nó như vũ khí duy nhất của kẻ yếu chống kẻ mạnh, kẻ bất lương để đòi lại công bằng xã hội. Có thể mấy bà nhà quê biết rằng có chửi cũng không bao giờ tìm lại được con gà của mình nhưng vẫn phải chửi để làm thức tỉnh, để đánh động lương tâm con người về tình thương và công lý. Do cái sự chửi mất gà có tính nhân bản và mục đích cao cả như thế nên nó hoàn toàn có tính văn hóa, rất cao.
Nhân bàn về “văn hóa chửi”, ta hãy xem lại các tôn giáo chủ trương như thế nào về việc sử dụng ngôn từ để cùng suy ngẫm. Nho giáo có câu “Hàm huyết phún nhân tiên ô ngã khẩu”. Ngậm máu phun người thì miệng mình dơ trước. Phật giáo cho rằng vọng ngôn, ác khẩu làm cho nghiệp chướng của con người nặng nề thêm. Chúng ta chửi vì cái tâm không yên. Cứ mỗi lần chửi chẳng khác nào tự bỏ thêm một cục đá vô dụng vào hành trang của mình trên đường đi đến niết bàn. Thánh kinh Thiên Chúa giáo có đoạn (James 3:9-12): Tại sao chúng ta lại dùng chính cái miệng đã đọc kinh cầu nguyện vinh danh Chúa để chửi những lời thô tục ? Nước mặn và nước ngọt đâu có thể nào chảy ra từ cùng một con suối ?
Sẽ có người nói: “Mặc dầu tôi là con Phật, là tín đồ của Chúa nhưng tôi chỉ là người bình thường với tất cả lục dục thất tình hỷ, nộ, ái, ố nên nghe những chuyện trái tai, thấy những điều gai mắt, biết những sự việc hèn hạ, xấu xa có hại cho cộng đồng thì làm sao bỏ qua cho được ?” Là tín đồ một tôn giáo lại không theo giáo lý của tôn giáo thì sai rồi, biện minh làm sao đây ? Phê phán để xây dựng thì không phải là chửi. Tại sao ta không bắt chước Cao Bá Quát xem một trăm (100) năm cuộc đời, nếu người ta sống được tới đó, thì cũng sẽ qua đi rất nhanh, chớ nên uổng phí mà vận vào mình những chuyện thường tình không đâu, để khi gặp nhau thì tay bắt mặt mừng, khề khà với nhau vài chung rượu, uống với nhau vài chai bia, nhấm pháp với nhau tách cà phê nóng cho lòng ấm lại mà vui hưởng cái thú cuộc đời và thấy cuộc đời có ý nghĩa :
Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo.
© Duy Nhân
© Đàn Chim Việt
chưa đầy đủ lắm, có thể sưu tầm thêm để tài liệu được phong phú và phát huy nền văn hóa dân tộc kẻo mai một dưới một chính quyền không bao giờ thấy được phát triển về văn hóa trong tương lai của thế hệ mới văm minh, một chính quyền nhìn lại chỉ thấy trọn vẹn một hạng người chỉ biết có tiền là trên hết, một thành phần lãnh đạo dốt nát cầm trong tay những bằng cấp “dõm” mà họ không biết./-
Không thể xếp bài viết trên vào loại Phiếm Luận!