Người nối nhịp cầu giữa hai bờ đại dương
Hay tin ông vừa trở về và có chuyến đi dài qua các tỉnh miền Trung để triển khai hàng loạt chương trình giúp những phận đời không may bởi hậu quả của chiến tranh, rồi xây trường học, khám bệnh cho người dân nơi các làng quê khó nghèo. Tôi đã hẹn ông nhiều lần qua điện thoại chập chờn ở những vùng sóng yếu, cuối cùng tôi cũng gặp được ông sau một đêm thức trắng chạy suốt đêm từ Quảng Bình về Đà Nẵng để kịp cuộc hẹn vào sáng hôm sau…
Lòng thành của đứa con lưu lạc
Họ tên đầy đủ của ông là Trần Văn Ca, sinh ra ở làng Thăng An, xã Bình An, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Ông là người sáng lập và chủ tịch Hội Hỗ trợ Người tàn tật Việt Nam (Vietnam Assistance for the Handicapped- VNAH) và Hội Thiện nguyện Y tế-Giáo dục (Health and Education Volunteers- Health Ed) được thành lập tại Hoa Kỳ để giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh tại Việt Nam suốt gần hơn 20 năm nay.
Không biết có phải vì cái duyên, hay định mệnh trời xui đất khiến mà tôi gặp được ông để nghe câu chuyện mà như lời ông bảo là cả cuộc đời ông bị ám ảnh bởi chiến tranh với bao chuyện buồn quá khứ. Nhưng tất cả ông đã vượt qua bằng sự cần mẫn, kiên trì suốt hơn 35 năm qua để bắt một nhịp cầu nối giữa hai bờ đại dương cách nhau hơn 12 giờ bay.
Cái nhịp cầu vô hình ấy ông đã âm thầm bắt nhịp hơn 20 năm qua đã góp phần xoa dịu nỗi đau của chiến tranh tàn khốc, giúp cả hai dân tộc xích lại gần nhau để tạm quên đi quá khứ đau buồn để hướng đến tương lai phía trước.
Sang Mỹ định cư vào buổi chiều tắt nắng ngày 30-4-1975 mà như lời ông bảo là không có ý định ra đi. Nhưng vì thấy khỏi lửa chiến tranh bao trùm Sài Gòn nên ông phải dắt vợ chạy tránh nơi hòn tên mũi đạn.
Quá khứ cùng nỗi ám ảnh của chiến tranh chợt ùa về khi người đàn ông 58 tuổi này nhớ về những ngày gian khó của đêm trước chiến tranh và mãi những ngày sống vất vưởng nơi xứ người.
Sang Mỹ với hai bàn tay trắng cùng người vợ chân yếu tay mềm, lại không nghề nghiệp. Ông Ca kể: Ngày ở Việt Nam tôi chỉ có cái nghề duy nhất là làm phiên dịch tại khu căn cứ Chu Lai, Núi Thành, Quảng Nam rồi vào Sài Gòn tiếp tục làm phiên dịch cho cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Ra đi trên chuyến tàu di tản cuối cùng của Chính phủ Mỹ với hai bàn tay trắng lại không nghề nghiệp. Lòng tự trọng không cho phép ông phải sống nhờ trợ cấp khi ông nghĩ rằng mình còn có sức khoẻ.
Để kiếm miếng ăn những ngày lưu lạc nơi đất khách, công việc đầu tiên cả hai vợ chồng ông chọn là dọn dẹp vệ sinh ở một trung tâm mua sắm của bang Virginia. Ông bảo, đó là những ngày khủng khiếp nhất của cuộc đời ông. Bởi không phải cực khổ mà ông cố làm việc cật lực để cố quên đi nỗi ám ảnh của chiến tranh.
Hơn 8 tháng làm việc cần mẫn, không nhà cửa, cả hai vợ chồng ông chọn khu nhà kho để ở tạm và suốt ngày đêm làm việc.
Nhờ cần mẫn, ông lọt vào mắt của một ông chủ cửa hàng ăn uống người Mỹ, và sau đó được mời về làm việc. Hơn 6 năm làm việc cho nhà hàng, nhờ sự năng động, cần mẫn ông đã xây dựng và được người chủ cất nhắc đề bạt lên làm quản lý chuỗi nhà hàng do người Mỹ đứng tên.
Chịu đựng gian khổ, cần mẫn và lấy công việc để cố quên đi ám ảnh của chiến tranh. Đến năm 1982, vợ chồng ông bắt đầu ra riêng mở nhà hàng ăn uống. “Bây giờ ngồi kể lại chắc mọi người không bao giờ tin, suốt những tháng năm ở Mỹ, tôi không biết đi đâu, đoạn đường tôi thuộc nhất là từ nơi làm việc ra siêu thị và từ siêu thị về nhà hàng…” ông Ca kể.
Nhờ cần mẫn, chịu thương, chịu khó, hơn 4 năm sau, vợ chồng ông đã xây dựng được 5 nhà hàng chuyên bán thức ăn nhanh cho người Mỹ. Cuộc sống bắt đầu thay đổi khi lợi nhuận từ nhà hàng mang lại cho vợ chồng ông cuộc sống sung túc, ông bắt đầu mua nhà, mua xe. Tích góp bằng những đồng tiền kiếm được sau 15 năm lưu lạc xứ người, ông đã là triệu phú.
Cứ tưởng cuộc sống sung túc đủ đầy sẽ làm ông quên đi nỗi ám ảnh của chiến tranh. Nhưng ngược lại, những đêm xa xứ, chiến tranh cứ mãi ám ảnh ông. “Tôi tự hứa với lòng mình là sẽ mãi mãi không quay trở về…” ông Ca tâm sự.
Thế nhưng, vào một ngày cuối năm 1989, ông nhận được điện tín từ quê nhà gửi sang cho biết người cha già ở quê bệnh nặng, khó qua khỏi, muốn nhìn mặt đứa con trai út lần cuối.
Ông vứt bỏ tất cả để trở về Việt Nam mà như lời ông tâm sự là để nhìn mặt người cha của mình lần cuối. “Sau 15 năm ra đi và trở về, khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi nhìn thấy những trảng cỏ cao lút đầu người, kinh tế kiệt quệ, những làng quê xơ xác, ruộng đồng tiêu điều. Người dân đói ăn, thiếu mặc. Những gì tôi mang về, tất cả đều cho tặng hết bà con…” Thêm một cú sốc đối với ông trong chuyến trở về quê.
Ông Ca kể: Khi đặt chân đến quê, nhìn cảnh bà con đói ăn, thiếu mặc. Những người bạn cùng trang lứa thuở nào hom hem già trước tuổi… Lúc đó cảm giác tội lỗi dằn vặt, bởi suốt 15 năm ra đi, tôi chỉ biết lo vun vén cho mình, không muốn nghĩ về Việt Nam, ở đó còn có bao người thân của mình đang sống lay lắt.
Tôi hỏi ông khi quyết định về Việt nam giữa lúc khó khăn nhất, có phải ông đã quên đi lời thề ngày ra đi? Ông Ca bảo: Lời thề ấy chỉ là cảm thức của ám ảnh chiến tranh. Tôi không muốn trở về vì sợ sẽ gợi lại cho tôi những nỗi buồn.
“Nỗi đau chiến tranh luôn ám ảnh gia đình tôi. Ngay cha tôi là đảng viên đảng cộng sản từ những năm 1950. Anh trai đầu là tiểu đoàn trưởng Việt Minh hy sinh năm 1953 trong kháng chiến chống Pháp. Đất nước chia cắt năm 1954, cả 3 người anh trai và 5 người anh rể đều phải tham gia chế độ cũ. Nhưng do thành phần gia đình phức tạp, nên tất cả anh em tham gia chế độ cũ đều không được tín nhiệm.
Đau xót nhất là trên bàn thờ gia đình không dám để di ảnh người anh cả. Bởi tấm ảnh duy nhất trước khi hy sinh còn lại anh chụp đội mũ cối, mặc quân phục quân giải phóng.
Nỗi đau thứ 2 quá lớn sau ngày thống nhất đất nước là gia đình anh thứ 8 và người chị ruột tổng cộng 13 người đã lên tàu chạy trốn ra nước ngoài vào năm 1978. Chuyến đi định mệnh ấy, cả 13 người thân của tôi vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi vì bị chìm tàu.
Chiến tranh là vậy, cứ mãi ám ảnh suốt những tháng năm lưu lạc xứ người. Tôi làm việc như điên như dại để không còn thời gian mà suy nghĩ, làm để cố quên đi quá khứ. Nhưng rồi, quá khứ cũng không thể quên và chuyến trở về Việt Nam sau 15 năm xa quê lại dằn vặt tôi một nỗi đau khác: tội lỗi của sự ích kỷ.
Trở lại Mỹ sau chuyến về thăm cha, tôi bắt đầu suy nghĩ phải làm một cái gì đó cho bà con quê hương mình. Nhìn những nạn nhân chiến tranh đang hàng ngày hàng giờ sống lay lắt trong đói nghèo, trong khổ đau. Nhiều nạn nhân chiến tranh gần như bị cộng đồng, xã hội bỏ rơi khi cuộc chiến kết thúc, tôi thấy đau nhói trong lòng. Lúc đó, cảm giác tội lỗi lại dằn xé tâm can mình. Tại sao mình may mắn sống sót sau cuộc chiến, lại chỉ biết lo vun vén cho riêng mình? Câu hỏi ấy cứ dằn vặt suốt những tháng năm sau chuyến trở về Mỹ…”
Làm một việc gì đó để giúp đỡ bà con nơi quê nhà. Nhưng làm cái gì, và làm như thế nào luôn là câu hỏi giữa thời khắc khó khăn nhất khi giữa hai đất nước chưa bình thường hoá quan hệ.
Và ông đã hành động mà nói đúng hơn là ông đã tự mình đốt lên que diêm giữa đêm đông băng giá nơi xứ người để tìm đường trở về đất nước cùng chia xẻ một phần nỗi đau của chiến tranh luôn ám ảnh ông mà như lời ông bảo: Nhiều lúc cố quên, nhưng càng cố quên thì nỗi nhớ quê hương, sự dằn vặt lại trỗi dậy. “Có lúc tôi có mặc cảm tội lỗi vì mình sống quá phung phí, ở nhà cao cửa rộng, xe hơi tiện nghi. Trong khi đó, bà con quê nhà lại quá khó khăn”.
Nhịp cầu hoà giải để yêu thương
Sau chuyến trở về Việt Nam vào cuối năm 1989, hơn 2 tháng sau ông quyết định thành lập Hội Hỗ trợ Người khuyết tật Việt Nam (Vietnam Assistance for the Handicapped – VNAH) vào tháng 2/1990. Nhớ lại những ngày đầu thành lập hội, ông như người sống giữa 4 làn đạn của cuộc chiến tranh tàn khốc không tiếng súng giữa lòng nước Mỹ.
Quyết định của ông đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính những người thân trong gia đình, bạn bè. Ai sẽ quán xuyến hệ thống năm nhà hàng mà ông gây dựng từ hai bàn tay trắng? Sự an nguy của ông và gia đình? Thành lập một tổ chức hỗ trợ Việt Nam, dù cho đó là những người khuyết tật, trong một cộng đồng người Việt vẫn còn nặng tư tưởng oán thù của kẻ thất bại và hai quốc gia chưa nối lại bang giao. Việc làm đó của ông như tự lấy dây cột vào cổ mình để tự sát.
Nhưng ông bảo: Tại thời điểm đó, vẫn biết là hiểm nguy chực chờ phía trước. Nhưng tôi tin mọi người sẽ hiểu, bởi đó là việc làm bắt đầu từ cái tâm. Nếu thành tâm, thì tôi nghĩ trời cũng sẽ ủng hộ. Có chi mà sợ…!
Kể từ ngày thành lập, ông giao toàn bộ công việc cho vợ quản lý, và bắt đầu cuộc hành trình đầy gian nan để xây dựng VNAH. Bắt đầu việc tìm cách tiếp cận và tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ và Hội Thương phế binh Hoa Kỳ (Disabled American Veterans – DAV).
Ông kể: trong tổng số khoảng một triệu hội viên của DAV thì có đến 400 ngàn người đã để lại một phần thân thể tại chiến trường Việt Nam. Lý do tôi đưa thuyết phục thành lập VNAH là hỗ trợ những thương phế binh dưới chế độ cũ và những người dân bị thương tật do chiến tranh gây ra.
Lý do đó khiến ông tìm được sự đồng thuận của nhiều giới tại chính nước Mỹ. Sự ủng hộ của DAV là một thắng lợi lớn bởi lãnh đạo của tổ chức này là những tướng lĩnh, cùng ngồi xe lăn, mang chân giả được xem là một trong những “con cưng” của chính phủ Mỹ.
Song song với việc vận động chính phủ Hoa Kỳ, ông Ca bay về Việt Nam gõ cửa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam trình bày nguyện vọng. Sự kiên trì và lòng nhiệt tâm trong sáng của ông cuối cùng cũng xóa tan những nghi ngại từ hai phía.
Nhịp cầu của lòng nhân ái góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh đã được nối kết giữa hai bờ đại dương!
Những ngày đầu thành lập VNAH, gặp muôn vàn khó khăn. Nguồn kinh phí chi tiêu từ tiền túi của ông bỏ ra. Toàn bộ hệ thống 5 nhà hàng đang ăn nên làm ra lần lượt sang tên đổi chủ để lấy kinh phí ban đầu lo cho hội. Cũng may, vợ và con ông hết lòng ủng hộ giúp ông hoàn thành ý nguyện..
Năm 1992, ông được phép đưa hai đoàn cựu chiến binh Mỹ sang Việt Nam, thăm Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng tại Cần Thơ – một cơ sở sản xuất chân, tay giả dành cho người khuyết tật thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Chuyến đi thực tế đã đánh thức tình người giữa những con người từng đứng ở hai chiến tuyến.
Sau hơn hai năm được Bộ LĐ-TB&XH cho phép hợp tác với Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng Cần Thơ để thực hiện chương trình làm chân tay giả tặng miễn phí cho người khuyết tật là nạn nhân của chiến tranh, Hội VNAH được tổ chức DAV tặng ba chục ngàn USD.
Vào cuối năm 1993, Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh Leahy (The Leahy War Victims Fund – LWVF) tài trợ cho VNAH 275.000 USD cho việc đào tạo và nâng cao tay nghề của đội ngũ nhân viên của Trung tâm Phẫu thuật và Chỉnh hình Cần Thơ.
Ông Ca bảo, lúc đầu ông nghĩ cứ thành lập VNAH rồi sau đó chuyển giao cho người khác điều hành. Nhưng công việc cứ thế cuốn hút ông. Con số thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Sau chiến tranh, tại Việt Nam có khoảng 250.000 người bị cụt chi. Nếu áp dụng các tiêu chuẩn mới về người khuyết tật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì hiện Việt Nam có khoảng 15 triệu người khuyết tật cần giúp đỡ.
Với số lượng nạn nhân quá lớn, ông nghĩ: Nếu nhập chân tay giả từ nước ngoài rất đắt, VNAH không kham nổi vì tìm đâu ra nguồn kinh phí hàng triệu USD? Để giảm giá thành, giúp được nhiều nạn nhân chiến tranh, ông quyết định thành lập xưởng sản xuất tay giả tại Việt Nam.
Để tìm nguồn tài trợ, ông gõ cửa xin tài trợ của tổ chức LWVF là một “quỹ” từ thiện đặc biệt của Quốc hội Hoa Kỳ do thượng nghị sĩ Patrick Leahy (bang Vermont) thành lập từ năm 1989 và được giúp đỡ. Cho đến nay, LWVF đã tài trợ gần 200 triệu USD cho các dự án hỗ trợ nạn nhân chiến tranh tại 20 quốc gia đã có chiến tranh trên toàn thế giới.
Theo ông Ca, LWVF thường tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) có dự án hỗ trợ nạn nhân chiến tranh và sự tài trợ được thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) giám sát chặt chẽ. Tại Việt Nam, LWVF đã tài trợ cho sáu tổ chức phi chính phủ, duy chỉ có VNAH duy trì được sự tín nhiệm và ủng hộ của quỹ này.
Sức mạnh của lòng nhân ái
Tháng 7/2009, ông đại diện cho những chương trình thụ hưởng từ nguồn tài trợ của LWVF chuyên hỗ trợ nạn nhân bom mình điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ.
Trong lần điều trần ấy, ông cùng với 4 nạn nhâm bom mìn của Việt Nam được ông đưa sang. Trong đó có một người là binh sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam, một người là lính chế độ cũ, hai người còn lại là thường dân bị nạn do cuốc phải bom mìn sau chiến tranh để lại.
Bằng những nhân chứng sống, ông khẳng định trước phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ rằng: Đây là nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc để lại. Những thiệt thòi mà bản thân họ đã gánh chịu suốt hơn 35 năm qua tại Việt Nam đã nói lên tất cả. Chỉ có tình người, lòng nhân ái, đạo lý mới có thể sớm hàn gắn, xoa dịu được vết thương của cuộc chiến tranh tàn khốc tại Việt Nam để lại.
Sau cuộc điều trần ấy, người dân và chính phủ Mỹ cũng như các nghị sỹ Hoa Kỳ thấy rõ tính hiệu quả và thiết thực của các dự án trực tiếp giúp đỡ nạn nhân chiến tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới, mà đặc biệt là Việt Nam mà ông cùng VANH đã triển khai thực hiện hiệu quả hơn 15 năm qua.
Ngay cả Thượng nghị sỹ Patrick Leahy đã từng nhấn mạnh trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng: Những nỗ lực giúp đỡ người tàn tật do bom mìn gây ra của VNAH không chỉ hàn gắn những vết thương chiến tranh mà còn là cầu nối thúc đẩy việc bình thường hoá quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Giữa những ngày tháng 6 đầu tháng 7 này, ông Ca cùng đoàn của tổ chức VNAH lại lặn lội ra Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, lên Tây Nguyên triển khai hàng loạt chương trình nhân đạo.
Đầu năm 1993, ông Trần Văn Ca thành lập thêm tổ chức Thiện nguyện Y tế và Giáo dục (Health and Education Volunteers – HealthEd)
Chính tổ chức này sau gần 15 năm hoạt động song hành cùng VNAH đã thu hút các bạn trẻ, chủ yếu là Việt kiều, về nước tham gia các chương trình thiện nguyện như xây nhà tình nghĩa, khám bệnh miễn phí, dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo… Phần lớn những tình nguyện viên của HealthEd mang dòng máu Việt nhưng đều sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ.
HealthEd phối hợp với các hoạt động của VNAH, thực hiện các dự án chuyên về giáo dục và y tế như xây dựng trường tiểu học ở vùng sâu vùng xa, tổ chức đưa các đoàn bác sĩ, nha sĩ, sinh viên trong cộng đồng người Việt ở Mỹ về tham gia các hoạt động nhân đạo tại nhiều nơi trong nước. Chính phủ Mỹ khuyến khích phong trào tình nguyện xã hội (volunteer, community services). Bởi chương trình tình nguyện phục vụ xã hội là một bộ môn bắt buộc trong hầu hết hệ thống giáo dục ở Mỹ từ tiểu học trở lên.
Bắt đầu từ đầu năm 2006, ông Ca đã vận động Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân chiến tranh Leahy tài trợ cho VNAH trên 3 triệu USD để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai soạn thảo bộ luật dành cho người khuyết tật.
Để thực hiện chương trình này, VNAH đã và đang mời nhiều chuyên gia Mỹ có kinh nghiệm về xây dựng luật và chính sách cho người khuyết tật đến Việt Nam để góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm với ban soạn thảo luật về người khuyết tật do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì.
Trong 17 năm kể từ ngày ra đời, ông Ca đồng hành cùng VNAH đã sản xuất được hơn 30.000 xe lăn, 80.000 dụng cụ chỉnh hình; hơn 100.000 NTT VN được sử dụng những phương tiện hữu ích này.
Mục tiêu của VNAH đặt ra trong những năm đến là sản xuất và cấp miễn phí 30.000 dụng cụ chỉnh hình, 15.000 xe lăn, đưa vào sử dụng 100 trường tiểu học ở nông thôn VN, tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các cơ quan ban ngành của Chính phủ VN tập huấn, nâng cao năng lực cho NTT.
Với những đóng góp của mình, ngày 13/11/2007, ông Trần Văn Ca, được tổ chức The Foundation for the Encouragement of Social Contribution (FESCO) của Nhật Bản trao tặng giải thưởng đặc biệt do những việc làm nhân đạo giúp những người khuyết tật tại Việt Nam mà chính ông làm cầu nối.
Hơn 35 năm đặt chân lên đất Mỹ, lặng lẽ làm việc. Rồi trở về âm thầm, làm việc không ngừng nghỉ. Ông Trần Văn Ca đã đốt lên que diêm giữa đêm đen băng giá nơi lòng nước Mỹ để thắp lên ngọn lửa yêu thương và nối nhịp cầu hoá giải thương đau giữa hai bờ đại dương bằng lòng từ tâm, đạo lý đã từng bước xoa dịu vết thương của cuộc chiến tranh tàn khốc để lại ngay chính trên quê hương mình. Là cầu nối vĩnh cửu để hai dân tộc xích lại gần nhau hướng đến tương lai mà chính ông đã âm thầm xây đắp suốt mấy chục năm.
© Vũ Trung
Nguồn: Tuần VN