Dân chủ trong đảng và dân chủ ngoài xã hội
Vấn đề mở rộng dân chủ trực tiếp trong bầu cử của Đảng đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa X chính thức chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng và thực hiện thí điểm Đề án thực hiện chủ trương Đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban thường vụ và Bí thư, Phó Bí thư.
Đến nay, hầu hết các địa phương cơ bản đã hoàn thành việc tổ chức các Đại hội cấp cơ sở thí điểm bầu trực tiếp Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư và Đại hội cấp trên cơ sở bầu trực tiếp Bí thư. Việc bầu trực tiếp đã mang lại không khí dân chủ, thẳng thắn không chỉ trong đại hội mà trước đại hội đã được đảng viên và người dân rất mong chờ. Không những thế, không khí dân chủ trong Đảng là điều kiện quan trọng để tạo sức lan tỏa ngoài xã hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi công việc khó khăn của cách mạng”. Người cũng chỉ ra rằng “cán bộ là gốc của công việc, mọi việc thành bại là do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, dân chủ trong công tác cán bộ là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước đang ra sức xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ trong Đảng và trong nhân dân, việc Bộ Chính trị quyết định thí điểm tổ chức bầu cử trực tiếp tại Đại hội Đảng bộ các cấp được coi là một bước tiến quan trọng nhằm mở rộng dân chủ trực tiếp trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của Đảng viên, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy.
Có thể khẳng định, chủ trương thí điểm đại hội bầu trực tiếp Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư đã nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Quy trình bầu trực tiếp tại Đại hội Đảng các cấp lần này tạo ra những điểm mới. Đáng chú ý là danh sách ứng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh chủ chốt đã được Đảng viên đóng góp ngay từ chi bộ.
Ngay tại đại hội, trong phần thảo luận tổ, các đại biểu tiếp tục được quyền giới thiệu những người mới nếu thấy xứng đáng. Và sau khi Đại hội bầu ra Ban Chấp hành mới, Ban Chấp hành mới tiến hành họp và cũng có quyền được giới thiệu những người ứng cử vào Ban Thường vụ, vào chức danh Bí thư hay Phó bí thư. Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ giới thiệu nhân sự cấp ủy dự kiến của cả Ban Chấp hành khóa mới và khóa cũ để đại hội bầu trực tiếp. Qua cách làm này, việc đề cử và bầu cử đều dân chủ, công khai hơn, góp phần hạn chế được các biểu hiện dân chủ hình thức hay tư tưởng cục bộ, bè phái…
Đây là một bước đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chuyển dần từ bầu cử gián tiếp sang bầu cử trực tiếp, từ dân chủ gián tiếp sang dân chủ trực tiếp. Việc Đại hội bầu trực tiếp bí thư sẽ dân chủ hơn ở chỗ, số lượng người tham gia bầu bí thư nhiều hơn số lượng cấp ủy như trước đây. Từ đó sẽ ngăn chặn được cán bộ cơ hội, không đủ tiêu chuẩn lọt vào vị trí lãnh đạo chủ chốt, khắc phục được sự thiên vị, cảm tính, không khách quan.
Việc trực tiếp bầu này cũng đề cao trách nhiệm của cấp ủy, của người được bầu và của từng Đảng viên. Một mặt, do được cả Đại hội tín nhiệm và giao trọng trách, nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Bí thư, Phó Bí thư sẽ cảm thấy vinh dự, trách nhiệm hơn và làm việc hăng hái, quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, những lá phiếu bầu trực tiếp cũng nhắc nhở rằng các đồng chí vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhất định, phải tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Có thể nói, đại hội điểm và thí điểm Đảng bộ cơ sở bầu trực tiếp Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư nhiệm kỳ lần này là một bước tiến dài trên lộ trình dân chủ hóa sinh hoạt trong Đảng ta, thể hiện ở không khí phấn khởi, đầy sinh khí và độ đồng thuận rất cao trên các diễn đàn đại hội. Điều đó cho thấy Đảng ta, đảng viên của Đảng ta thực sự trưởng thành và bản lĩnh hơn, tạo đà cho việc mở rộng hơn nữa các hình thức phát huy dân chủ trong Đảng thông qua cơ chế bầu cử trực tiếp.
Đúng theo nghĩa “dân chủ vừa là mục đích, vừa là động lực”, việc thí điểm lần này có sức mạnh rất lớn, sinh hoạt dân chủ trong nội bộ Đảng sẽ sôi động lên rất nhiều. Và điều quan trọng nhất, không khí dân chủ trong Đảng sẽ lan tỏa ra ngoài xã hội, tạo đà cho việc thực hành quyền dân chủ rộng rãi của nhân dân trong bước đường xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh.
DÂN CHỦ TOÀN DIỆN VÀ DÂN CHỦ NỬA CHỪNG
Dân chủ nửa chừng ở đây muốn nói dân chủ lửng. Tức chỉ lửng lơ con cá vàng. Không có ý dân chủ nửa mùa, vì chữ nửa mùa hàm ý xấu, dè bỉu, chê trách.
Dân chủ toàn diện là dân chủ không có mức hạn chế bên ngoài. Dân chủ lửng là dân chủ lửng thửng, phải ở trong cái khung bên ngoài tất yếu hoặc cố định nào đó. Cũng giống như một người tùy ý vẽ bao nhiêu loại hình tròn cũng được, không bị khống chế. Trái lại, nếu chỉ được phép vẽ mọi hình dạng, nhưng phải nội tiếp trong một hình tròn có bán kính cố định nào đó, chỉ là thứ dân chủ nửa chừng.
Nên dân chủ toàn diện là dân chủ chỉ đặt con người là tối cao, dân tộc là tối cao, đất nước là tối cao.
Dân chủ lửng là dân chủ phải khung vào trong một ý thức hệ, một lý thuyết nào đó. Lửng là nó không phải cái gì có trước nhất, còn toàn diện, nó là cái gì có trước nhất. Tập hợp các ý tưởng trước là những tiền đề hoàn toàn có trước. Nhóm các khái niệm sau là cái gì có sau, do các cá nhân nào đó tạo thành, không phải là cái gì nguyên thủy trong cuộc đời.
Thế nên dân chủ phải đi đôi với tự do. Không có tự do cũng không thể có dân chủ. Tự do đây là tự do suy nghĩ, tức tự do ý thức, tự do nhận định, phát biểu, tức tự do ngôn luận. Không có hai thứ tự do này, chỉ có nghĩa là các hính nội tiếp trong một hình khác, tức là lưng lửng, nửa chừng xuân, không phải tuyệt đối toàn diện.
Cũng vậy, tự do trong tập thể nào đó và tự do trong xã hội là hoàn toàn khác nhau. Không có tập thể nào lớn hơn xã hội. Nên chỉ có tự do của toàn thể xã hội mới là tự do toàn diện duy nhất. Đó là tự do tổng thể, tự nhiên, khách quan, không bị bất kỳ thứ chủ quan nào ức chế, o ép, hay quản lý hết.
Có nghĩa tự do trong nhóm chỉ là thứ tự do tương đối. Nó chỉ có ý nghĩa trong nhóm mà không thể có ý nghĩa của toàn xã hội. Không có nhóm nào lớn hơn, bao gồm cả cái toàn bộ, tức là cái tổng thể duy nhất. Vậy thì dùng cái tự do thành phần để thay thế cho cái tự do toàn thể, là phi tự do, phản tự do theo ý nghĩa tổng thể. Có nghĩa lấy cái cục bộ thay cho cái toàn thể chỉ có nghĩa là ngụy biện, lệch lạc, thiếu chính xác và không khách quan.
Bởi tự do dân chủ có cơ sở tối hậu của nó là sự bình đẳng của mọi con người khi sinh ra. Nên nếu có sự phân biệt nào đó giữa con người và con người một cách chủ quan, tự ý, tùy tiện, là phản nhân bản, phản con người, phản xã hội. Điều đó chẳng khác phận biệt thượng dân và thứ dân, phân biệt dân Tây và dân Việt, phân biệt ông chủ và người thừa hành. Nếu thế, chỉ là phản dân chủ, cho dầu có thuyết minh hay lý giải bằng hàng ngàn cách giả tạo nào đó.
Nên nói chung lại, chỉ thật sự yêu con người, yêu xã hội, hay nói cụ thề là yêu dân, yêu nước, mới thực sự có tinh thần, ý thức dân chủ. Còn chỉ yêu bản thân mình, yêu cái gì đó không phải là những điều tự nhiên như trên thì không thể nào có tinh thần dân chủ, ý thức dân chủ và mục đích dân chủ. Bởi dân chủ là tôn trọng tất cả mọi người. Không thể nói tôn trọng con người mà không dân chủ. Đó chỉ có thể là điều ngược lại. Nên dân chủ cũng có hai phương diện. Phương diện ý thức, tinh thần, và phương diện thực tế. Phương diện ý thức, tinh thần, như trên đã nói, và phương diện hiện thực, hay phương diện cụ thể, thực tế. Ví dụ tự do ở ngoài sân là khác, còn tự do trong phòng đóng kín lại là khác. Có nghĩa người yêu dân chủ tự do thật sự thì không bao giờ ngụy biện về tự do dân chủ. Còn người không yêu thì hoàn toàn ngược lại. Người ta có thể ngụy biện cho cái phản tự do dân chủ và mệnh danh đó là tự do dân chủ. Đó là người chỉ yêu mình mà không yêu người hay không yêu xã hội. Tính ngụy biện luôn luôn là sự sai trái, ích kỷ, hạn hẹp, kém cỏi. Trái lại những người có tâm hồn khách quan, quãng đại, vì người khác, không phải chỉ vì mình mới luôn luôn yêu thích sự tự do, dân chủ. Tình yêu thương chân chính thì không thể bao giờ ngụy biện, vì không cần tới yêu cầu của sự ngụy biện. Bởi trong khái niệm ngụy biện tự nó đã chứa hai khái niệm con là ngụy và biện rồi. Tức là việc nói cho người khác tin cái nói vậy mà không phải vậy. Đó cũng chính là ý nghĩa tại sao chân lý thì không cần tuyên truyền. Còn tuyên truyền thông thường chỉ phản chân lý, phủi chân lý, hay ngụy tạo chân lý.
Võ Hưng Thanh
(02/8/11)