Tìm thấy hài cốt 8 phi công Phi Đoàn Tinh Long 821 ở Sài Gòn
Phi vụ cuối cùng, 29 tháng 4, 1975
Tin tám bộ hài cốt, được cho là của tám vị anh hùng tử sĩ thuộc Phi Ðoàn Tinh Long 821, bị thiệt mạng trong Phi Vụ Tinh Long 07, vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, được tìm thấy và chôn cất tử tế tại nghĩa trang An Khánh, Thủ Thiêm, ngày 24 tháng 7 vừa qua, đã làm nhiều cựu nhân viên của Phi Ðoàn Tinh Long 821 xúc động.
Ðó là hài cốt của những chiến sĩ đã tử nạn khi chiếc phi cơ AC-119K, danh hiệu Tinh Long 07, đã nổ tung và rơi xuống trong vòng đai hướng Bắc của phi trường, vì trúng hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 của quân đội Bắc Việt, do Liên Xô viện trợ, lúc đang bay để bảo vệ thủ đô Sài Gòn và phi trường Tân Sơn Nhất vào khoảng 7 giờ sáng ngày 29 tháng 4, năm 1975, trước sự chứng kiến đau lòng của đồng đội.
“Tình chiến hữu và lòng tri ân với các vị anh hùng tử sĩ này đã khiến chúng tôi, một nhóm cựu Không Quân trong và ngoài nước tìm hết cách để truy tìm hài cốt cũng như danh tánh của phi hành đoàn.”
Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại và email, Trung Úy Trương Nguyên Thuận, một nhân viên của Phi Ðoàn Tinh Long 821 thời đó, một thành viên của nhóm người “không bao giờ quên phi vụ cuối cùng của quân lực VNCH” chia sẻ.
Trung Úy Trương Nguyên Thuận cho biết sau 3 năm trời kiếm tìm ròng rã, và biết bao nhiêu nỗ lực, ông và đồng đội mới tìm được địa điểm, rồi phải nhờ đến sự giúp đỡ của những nhà ngoại cảm, mới bốc được 8 hài cốt mà họ quyết đoán chính là tám người trong phi vụ Tinh Long 07 đã tử nạn cách đây 35 năm.
Tìm ra những hài cốt đã vùi sâu trong lòng đất cách đây hơn 35 năm đã khó, mà tìm ra danh tánh của toàn thể phi hành đoàn này còn khó hơn. Cho đến nay, hài cốt của 3 trong 8 vị anh hùng tử sĩ này vẫn chưa được xác nhận.
Ðó là lý do tại sao Trung Úy Trương Nguyên Thuận, một nhân viên của Phi Ðoàn Tinh Long 821 thời đó, cùng một số bạn bè, đang nhờ sự hỗ trợ của giới truyền thông để truy tìm cho ra tên tuổi và gia đình của những nhân viên phi hành trong phi vụ lịch sử này.
Sự kiện phi cơ AC-119K bị bắn nổ tung trên không trung và rơi xuống đất, làm thiệt mạng nguyên cả phi hành đoàn (trừ một người nhẩy dù ra được), đã được rất nhiều người chứng kiến.
Cựu Trung Tá Không Quân Nguyễn Văn Ức kể:
“Lúc chiếc phi cơ AC-119K nổ tung trên không gian thì chúng tôi đang ở bên ngoài Bộ Tư Lệnh Không Quân đều nhìn thấy.”
“Chúng tôi đứng đó đau đớn khóc cho số phận nghiệt ngã của đồng đội.”
Ký giả Lê Thụy của nhật báo Người Việt nhớ lại là lúc đó ông đang thơ thẩn ngoài cửa Việt Tấn Xã ở đường Hồng Thập Tự, vì “không còn tâm trí nào để làm việc.”
“Tôi nhìn thấy một chiếc phi cơ hai đuôi bay thấp trước mặt, rồi một xẹt lửa màu đỏ từ hướng Tây Ninh bắn lên, rồi thì chiếc phi cơ nổ tung lên.
Rồi thấp thóang thấy có một chiếc dù.”
“Tôi nhớ rõ dân chúng la lên, ‘thôi chết chúng đã vô tới đây rồi!’”
Nhưng tại sao là một phi vụ hẳn hòi mà danh tánh của phi hành đoàn lại không có?
Câu trả lời, theo Trung Úy Trương Nguyên Thuận, nằm trong bối cảnh lịch sử của đất nước lúc đó.
Qua những lần tiếp xúc, câu chuyện được ông tóm lược như sau:
Càng gần những ngày cuối tháng 4 năm 1975, phi trường Tân Sơn Nhất càng hoảng hốt, nhốn nháo với những chuyến bay do chính phủ Hoa Kỳ hối hả tìm cách di tản một số người dân Việt Nam và những nhân viên của họ.
Sáng 28 tháng 4, khi SÐ3KQ Biên Hòa được lệnh di tản về Tân Sơn Nhất, thì tình hình càng trở nên hỗn loạn. Thế nhưng đa số các nhân viên trong phi Ðoàn Tinh Long 821, thuộc SÐ3KQ vẫn cố gắng duy trì hoạt động bình thường cho đến giây phút cuối của cuộc chiến.
AC-119K được Trung Úy Trương Nguyên Thuận mô tả là “một loại phi cơ vận tải chiến đấu tối tân nhất thời bấy giờ”, với “một hỏa lực hùng hậu gồm: 4 cây miniguns MXU-470/A 7.62 ly với 21,500 dây đạn; 2 cây súng M61-A1 20 ly với 3,000 dây đạn.” Ngoài ra còn có “24 trái sáng loại MK 24 và ống phóng LAU-74/A. Tất cả hệ thống được điện toán hóa và do phi công chính điều động.”
Cũng theo cựu Trung Úy Trương Nguyên Thuận thì Phi Ðoàn Tinh Long 821, gồm 300 nhân viên gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ; từ nhân viên phi hành đến nhân viên hành chánh, là một Phi Ðoàn “Gunship” hoạt động khắp 4 vùng Chiến Thuật, từ Cà Mau đến Vĩ Tuyến 17. Phi đoàn chỉ đánh trận vào ban đêm, từ trời sập tối đến lúc mặt trời ló dạng. Mỗi đêm, tại đại bản doanh phi đoàn, có 6 phi vụ chính và 2 hoặc 3 phi vụ túc trực hành quân, tùy theo tình hình và nhu cầu chiến trường. Các phi hành đoàn túc trực có thể bị điều động bất cứ lúc nào.
Lệ thường tất cả nhân viên có tên trong phi vụ lệnh hàng đêm phải có mặt tại phi đoàn trễ nhất là 5 giờ chiều trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo và phải ngủ tại phòng hành quân suốt đêm. Tinh Long có 6 phi hành đoàn chính được đánh số từ Tinh Long 01 đến Tinh Long 06, và 3 phi hành đoàn túc trực là Tinh Long 07 đến Tinh Long 09.
Vào đêm 28 rạng ngày 29 tháng 4 năm 1975; Phi Hành Ðoàn Tinh Long 07, được điều động vào sáng sớm, khi mặt trời đã ló dạng, vào lúc đó Cộng quân đã tràn ngập chung quanh vòng đai phi trường.
Mặc dù đã bay phi vụ đầu tiên trong đêm nhưng Trung Úy Trang Văn Thành cùng Trung Úy Tào Thuận gom một số đoàn viên còn ngủ tại phòng túc trực hành quân cất cánh để bảo vệ phi trường và thủ đô Saigon ở giờ phút hấp hối.
Vì tình trạng hỗn tạp trong buổi sáng hôm đó nên không ai biết chắc ai đã có mặt trên phi vụ định mệnh này ngoài hai pilot và người cơ khí phi hành Phan Quốc Tuấn. Người sĩ quan IR có tên trong phi vụ lệnh hiện ở Orange County vì đã ra về lúc trời hừng sáng, trước khi bị điều động.
Khi cánh trái phi cơ bị bắn gẫy, khoảng hơn 7 giờ sáng, phi cơ bị rơi xoắn trôn ốc, ở cao độ 2000 bộ, dù có muốn nhảy dù cũng không có cơ hội; vì thế, toàn thể phi hành đoàn đã tử nạn trừ một nhân viên trái sáng – Trung Sĩ Nguyễn Văn Chín – đã kịp nhảy dù sống sót nhưng đã bị trọng thương vì dù không bung kịp. Nguyễn Văn Chín đã đến báo hung tin cho gia đình Trang Văn Thành tuần lễ sau đó rồi biệt tích cho đến ngày nay vẫn không ai biết tin tức, mặc dù chúng tôi đã truy tìm mấy chục năm qua bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng không có kết quả.
Như vậy cho đến giờ phút này thì danh tánh đã được xác định của phi hành đoàn Tinh Long 07 gồm có:
1. Trưởng phi công: Trung Úy Trang Văn Thành.
2- Phó phi công: Trung Úy Tào Thuận.
3. Cơ khí phi hành: Phan Quốc Tuấn.
4. Ðiều hành viên: Thiếu Úy Phạm Tấn Ðức.
5. Quan sát ban đêm: Thiếu Úy Trương Ngọc Anh.
Theo Trung Úy Trương Nguyên Thuận thì danh tánh của những người còn lại, được người ngoại cảm liệt kê dưới đây, cần được thân nhân của đại gia đình Phi Ðoàn Tinh Long 821 xác định.
KQ Nguyễn Văn Chánh
KQ Nguyễn Tiến Cường
KQ Phan Văn Quốc
KQ Phan Văn Duy
KQ Trần Tiến Mạnh
Em của Trung Úy Phạm Tấn Ðức là bà Nguyệt Ðiểu là người duy nhất có mặt trong buổi bốc hài cốt. Gia đình của Trung Úy Trang Văn Thành và Trung Úy Tào Thuận, cũng như Thiếu Úy Trương Ngọc Anh đã được báo tin.
Buổi bốc hài cốt đầy thương cảm. Tám hài cốt được chứa trong 6 chiếc lọ và chôn cùng một nấm mồ. Lý do là vì “có hai chiếc lọ mỗi chiếc chứa hài cốt của hai người, vì xương cốt của họ lẫn lộn không thể phân biệt được.”
Theo kết luận của Trung Úy Trương Nguyên Thuận thì “còn danh tánh của 3 vị anh hùng tử sĩ khác vẫn chưa được xác định.”
Ông tâm sự là ở đâu đó, thân nhân của 3 vị anh hùng tử sĩ này, mà chúng tôi biết chắc chắn là đồng đội của mình trong Phi Hành Ðoàn Tinh Long 821, cũng đang mong tìm được hài cốt của họ.
“Chúng tôi muốn phổ biến tin này rộng rãi với niềm hy vọng là thân nhân của 3 vị anh hùng tử sĩ còn lại ở đâu đó được an lòng khi biết thân nhân của mình đã được yên mồ đẹp mả.”
Ðộc giả cần biết thêm chi tiết có thể liên lạc với Trung Úy Trương Nguyên Thuận ở thanphongkingwood@yahoo.com hay số điện thoại 281-443-1015; hoặc liên lạc với email nguyentoaichi@gmail.com.
Nguồn: Hà Giang/Người Việt
tai sao quy bao khong cho biet ten hai nha ngoai cam da giup tim ra hai cot