Văn học, nghệ thuật và báo chí trong cuộc sống
Một lần, một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, Nghệ sĩ Nhân dân, vốn là bạn thân, vừa nhìn thấy tôi đã tung luôn một câu: “Bộ phim X. chẳng ra cái gì, tại sao báo chí các anh làm rùm beng lên thế? Ca ngợi hết lời. Các anh định cổ vũ, biểu dương cái gì vậy?”. Tôi chưa xem bộ phim, nhưng vẫn cứ trả lời: “Thì các anh còn lạ gì, nhà báo chúng tôi hay ăn theo nói dựa”. Phim chưa quay xong, các anh đã quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu linh đình, và khi đưa ra rạp cũng không phải ít khách. Một sự kiện văn hóa như vậy mà báo chí không thông tin là có lỗi. Làm sao chúng tôi dám không “ăn theo”? Còn tại sao khen? Toàn dựa vào ý kiến người trong giới anh cả đấy. Có nghe ai phân tích cái hay, cái dở? Và chúng tôi chỉ biết “nói theo”… Nhà văn Ngô Thảo, thời còn giữ trọng trách tại Hội Nghệ sĩ sân khấu, một lần phàn nàn với tôi các nhà báo khen chê sân khấu không trúng. Và anh gợi ý: Hai hội, Hội Nhà báo và Hội Nghệ sĩ sân khấu, nên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày cho phóng viên chuyên viết về kịch nghệ. Hội Nghệ sĩ sân khấu chịu trách nhiệm phần giảng viên… Ý tưởng của anh Ngô Thảo không thành hiện thực vì hai hội đều nghèo, mà đâu dễ tìm ra nhà tài trợ cho một công việc âm thầm. Riêng tôi vẫn nghĩ: Một ngành nghệ thuật lớn và đa dạng như sân khấu, thì tập huấn trong mươi hôm mới là vỡ vạc. Cái chính là nhà báo phải tự nâng cao, phải học suốt đời. Không ít bài báo ngày nay giới thiệu các cuộc trưng bày hội họa, điêu khắc, mà người viết dường như không có kiến thức tối thiểu về nghệ thuật tạo hình. Dựa vào mấy tờ gấp là chính. Rồi phỏng vấn đôi ba câu người này người nọ. Chẳng nhẽ chúng tôi cứ mỉa mai nhau: “Thiên hạ đời nay thẩm định hội họa bằng lỗ tai”. Hay là than thở như nhà thơ Lý Chi Lai đời Tống bên Tàu: “Trên đời có ba cái buồn. Một cái buồn là thấy những tuyệt tác nghệ thuật giảm hẳn chân giá trị vì quá nhiều lời khen thông tục”. Chúng ta ngày nay còn đau khổ hơn người xưa nhiều khi hằng ngày phải nhìn, phải nghe những thứ thô kệch, lạ lẫm mà vẫn được những ai đó nhân danh cái này cái nọ tung hô hết cỡ.
Những người làm báo luôn luôn mong chờ đón đọc nhiều bài của các nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Những bài có giá trị lý luận và thực tiễn cao không chỉ là chỗ dựa cho chúng tôi làm ăn cấp thời, đối phó với sức ép thời gian, mà còn là những “giáo trình” đích thực cho những ai tâm huyết với nghệ thuật, giúp họ làm giàu thêm kiến thức để suy ngẫm, cân nhắc trước khi hạ bút phẩm bình. Ðược vậy, tỷ lệ nói dựa nói theo dần dà giảm bớt, báo chí sẽ tìm lại được tiếng nói đích thực của mình. Ngày nay, không có bất kỳ sự kiện chính trị, xã hội, ngoại giao nào không cần sự tham gia của báo chí. Không có hoạt động văn hóa, nghệ thuật nào có thể đi sâu vào công chúng nếu thiếu sự hỗ trợ của thông tin. Chúng ta đều biết, báo chí là một kênh, và là kênh chính, kiến tạo dư luận xã hội, mà vai trò của dư luận xã hội hệ trọng như thế nào đối với đời sống, khỏi phải bàn. Chuẩn bị bước vào kỷ nguyên kinh tế tri thức, tổ chức UNESCO long trọng khẳng định trên phạm vi toàn thế giới: “Thông tin đại chúng là nền giáo dục ngoài học đường, sau học đường”.
Trong cả đời người, thời gian chúng ta được ngồi trên ghế nhà trường tổng cộng được bao lâu? Còn lại bao nhiêu năm tháng lăn lộn với đời, tìm tòi trải nghiệm, kể từ ngày chập chững ở lớp mẫu giáo đến khi đã cạn kiệt sức lao động, cả đời người có ai không tiếp nhận thông tin từ báo chí, phát thanh, truyền hình, ít ra cũng qua cái loa phát thanh nơi bản làng heo hút? Nói khác đi, thông tin đại chúng ngày ngày tiếp tục đến với mọi người bằng lối này hay lối khác. Tri thức dạy trong nhà trường là tri thức đã được tổng kết, tri thức đã qua, cho dù khoa học có cập nhật đến bao nhiêu thì những tri thức ấy vẫn là tri thức thuộc về quá khứ. Nó là cái nền. Còn những tri thức hằng ngày chúng ta tiếp nhận qua các phương tiện thông tin là tri thức đang diễn ra, đang tiến triển, tri thức chưa có lời kết. Nếu chúng ta muốn khẳng định và quảng bá một nền văn hóa đúng là văn hóa, làm định hướng cho năng lực thẩm mỹ và nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật của đại đa số nhân dân, cũng như muốn xây dựng lối sống Việt Nam hiện đại và đậm đà truyền thống cho mọi người, không thể không thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, không thể không phát huy các thế mạnh của chúng. Người Mỹ đã tổng kết: Nhờ biết dựa vào nền thông tin đại chúng (mass media) hết sức hùng hậu của họ, thực hiện với công nghệ cao, gắn kết văn hóa với thông tin, hài hòa lợi ích các bên, họ đã mau chóng tạo dựng một nền nghệ thuật đại chúng, và rộng hơn, một nền văn hóa gọi là văn hóa đại chúng (mass culture) phát triển rộng khắp, từ đó hình thành lối sống Mỹ và thông qua văn hóa, thông tin, họ áp đặt lối sống Mỹ cho một phần thế giới.
Nhìn vào thực tế nước nhà: Có đúng là những cái gọi là mới mẻ nhất chúng ta nắm bắt được trong cuộc sống ngày thường, đâu phải chúng ta tiếp nhận được từ trường học. Dù ta có để ý đến hay không, thông tin đại chúng ngày ngày vẫn nhồi nhét kiến thức vào đầu óc ta, hay có dở có. Dù ai có muốn hay không, thông tin đại chúng ngày ngày vẫn chi phối nếp sống, nhào nặn cách nghĩ của chúng ta. Cái khác ở giáo dục học đường so với giáo dục sau học đường, là ở phần sau, mọi người vừa là thầy vừa là trò, những cái đang dạy, đang học có thể đúng có thể không. Ở nước ta từ lâu đã có một thực tế là điện ảnh, sân khấu, vũ đạo, và cả hội họa nữa, gắn bó chặt chẽ với truyền hình, thông qua truyền hình mà biểu hiện, thông qua màn ảnh nhỏ để đến thẳng với công chúng. Ðến ngành phát thanh chỉ biết dựa vào giọng nói và âm thanh thôi, cũng đã hơn nửa thế kỷ nay có sân khấu truyền thanh, trở thành cái cầu thưởng ngoạn nghệ thuật của đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có ánh điện, vắng bóng sách báo. Sân khấu, truyện phim nhờ vậy đến với những con người cả đời chưa một lần nhìn thấy ánh đèn bục diễn hay cái màn bạc. Và sân khấu truyền thanh đã tự khẳng định là một loại hình nghệ thuật không riêng ở nước ta. Không đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật mà tôi ngoại đạo, xin được bàn đôi điều về mối quan hệ giữa văn học với thông tin. Văn học và báo chí vốn sinh ra từ một cội nguồn. Ngôn từ, văn tự xưa nay vẫn là phương thức biểu đạt văn chương. Ðến thời đại tin học, thông tin bùng nổ, báo chí ngày càng đa dạng, vậy mà chưa một loại hình nào dám không sử dụng đến ngôn từ. Báo in vẫn là cái trục của truyền thông, cho dù tác động của nó có thể bị thu hẹp so với thời độc diễn.
Chúng ta đều biết, báo chí ra đời muộn hơn so với văn học thành văn. Thoạt đầu hai anh em dựa vào nhau mà sống. Trong quá trình phát triển, đứa em trưởng thành. Văn học và báo chí trở thành hai ngành riêng biệt. Một phân thành hai. Phân nhưng không cắt. Và phân rồi lại hợp. Ðây không phải là lô-gích triết học mà là thực tế hiển nhiên. Cuối thế kỷ 20, loài người bắt đầu chứng kiến quá trình tích hợp mạnh mẽ của nhiều ngành. Trong cuộc sống hằng ngày, văn học và báo chí không thể không hội tụ, không thể không gắn bó với nhau, nương tựa vào nhau mà phát triển.
Xin dẫn kinh nghiệm nước ngoài, một nước có nền báo chí ra đời rất sớm và từ lâu đã có nhiều liên hệ văn hóa với ta, là Pháp. Sau thời kỳ Phục hưng, văn học Pháp phát triển ngoạn mục lần lượt qua các trường phái cổ điển, lãng mạn, tả chân, v.v… Tuy nhiên, thời ấy sinh hoạt văn chương quan trọng nhất vẫn quây quần trong vài chục cái salon văn học. Nhà văn viết cho công chúng hẹp. Sang thế kỷ 18, chú em báo chí đã trở thành một thanh niên cường tráng và bước vào thời hoàng kim, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Lần đầu xuất hiện cái gọi là công chúng (public) và công luận (opinion publique).
Công chúng của báo chí ngày càng bổ sung đông đảo các tầng lớp bình dân. Về khách quan, có nhân tố quyết định là cách mạng dân quyền tước đoạt nhiều đặc quyền, đặc lợi của giai cấp quý tộc và tầng lớp tăng lữ; mặt khác tỷ lệ người biết đọc biết viết trong dân chúng tăng lên. Các nhà văn nổi tiếng rời khỏi các thính phòng sang trọng để đến với công chúng của báo chí, nói là họ “ăn theo” báo chí cũng chẳng phải quá lời. Trên báo chí lần đầu xuất hiện thể loại feuilleton đăng tải tiểu thuyết nhiều kỳ. Mấy tên tuổi nổi bật thời gian này là Alexandre Dumas (bố) với Ba người lính ngự lâm và Eugène Sue với Những bí mật thành Balê. Công chúng thưởng thức văn học ngày càng đông. Tại Pa-ri, sáng sáng nhiều người xếp hàng dài chờ mua báo mới dưới tuyết lạnh, nôn nóng đọc tiếp câu chuyện dở dang vào kỳ trước. Văn học quảng bá nhờ báo chí. Báo chí phát tài nhờ văn học. Vậy là đến lượt mình báo chí “ăn theo” văn học, báo chí nhờ văn học mà cuốn hút thêm độc giả.
Ðương nhiên, báo chí cũng có chi phối văn học trên nhiều mặt, từ văn phong, ngôn từ,… đến nhịp độ hành văn và tình tiết câu chuyện. Hình thành thể loại truyện ngắn đăng báo, mỗi kỳ gọn một truyện. Nếu các tiểu thuyết tràng giang dựa chủ yếu vào tình tiết ly kỳ để cuốn hút độc giả, thì khuôn khổ mỗi kỳ báo đòi hỏi truyện ngắn đăng báo phải gọn gàng, cô đọng, khúc chiết, tiết tấu phải nhanh, ngôn từ súc tích. Nhà văn Guy de Maupassant thành danh bằng con đường này. Người ta bảo các truyện ngắn của ông viết càng về sau càng hay hơn, một phần là do sự thúc bách của khuôn khổ trang báo. Trên báo chí, xuất hiện những cây bút chuyên theo sát đời sống nghệ thuật để viết bài giới thiệu, nuôi sống những chuyên mục định kỳ giới thiệu sân khấu, âm nhạc, hội họa… Báo chí làm xuất hiện nhiều nhà phê bình nghệ thuật. Ở nước ta, đầu thế kỷ 20, các tác phẩm đầu tiên của văn học hiện đại đến được với công chúng chủ yếu thông qua báo chí. Ở Mỹ, những năm 50, tác phẩm Ông già và biển cả của Ernest Hemingway công bố lần đầu trên tạp chí Life, làm tăng đột biến số lượng phát hành. Ngược lại, qua kênh báo chí, Ông già và biển cả mau chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng, và một phần nhờ vậy chỉ hai năm sau, giành Giải Nô-ben Văn học (1954).
Ðó là chuyện ngày xưa. Ngày nay, vào thời đại của truyền hình, báo mạng thì sao? Hồi còn công tác, tôi có nhiều dịp sang Pháp. Một lần, tôi đọc trên tờ nhật báo Le Figaro số ra ngày thứ sáu cái tin giật gân với dòng tít lớn trải suốt chiều ngang trang báo: “Giã từ Vua đọc”. Số cuối tuần của một tờ báo khác đăng xã luận, mở đầu: “Thôi thế là hết, Bernard Pivot ra đi và cả nước Pháp nức nở…”. Các đài phát thanh, truyền hình lớn đều có đưa tin và bình luận sự kiện này.
Bernard Pivot được gọi là “Vua đọc”. Ông là nhà báo phụ trách tiết mục phê bình tác phẩm văn học mới trên Ðài Truyền hình Antenne 2 (A2). Suốt mười lăm năm, cứ đến 20 giờ 30 phút ngày thứ sáu hằng tuần, Bernard Pivot tổ chức và dắt dẫn một chương trình dài hai tiếng đồng hồ, giới thiệu một cuốn sách vừa xuất bản. 15 năm, 724 tuần, 724 chương trình, không vắng một buổi nào. 724 buổi đối thoại với tác giả (có khi là tác giả nước ngoài vừa có sách dịch ra tiếng Pháp), tranh luận với khách mời (mỗi tuần vài ba người, đều là nhà văn hoặc nhà phê bình), trao đổi với khán giả trong trường quay (mỗi kỳ khoảng bảy, tám chục người). Tất cả đều truyền hình trực tiếp, tất cả rất sống động, đôi khi tác giả và khách mời tranh luận, nóng nảy cắt lời nhau trước ống kính của nhà quay phim. Tất cả đều làm tại phim trường. Trong 15 năm, chỉ có vài, ba trường hợp thu trước tại nhà, vì tác giả quá cao tuổi lại ốm đau, như trường hợp nữ văn sĩ Marguerite Yourcenar. Trong khoảng thời gian làm MC cho truyền hình, Bernard Pivot còn viết cho tờ Le Figaro Văn học 227 bài phê bình văn học. Ước tính trong 15 năm hành nghề, ông đã đọc chừng 5.000 cuốn sách. Lần diễn ra chương trình chia tay Bernard Pivot, nhân vật được mời không ai khác: “Vua đọc”. Quy tụ khoảng 80 văn nhân, nghệ sĩ sáng giá của Pa-ri. Nhà viết tiểu thuyết Jean d’Ormesson, viện sĩ Viện Hàn lâm Văn học Pháp, phát biểu: “Bernard Pivot đã thành công với mức độ cao nhất cuộc hôn phối giữa truyền hình và văn học”. Nhà văn, nhà báo Philippe Labro, từng làm Tổng Giám đốc Ðài Phát thanh Truyền hình RTL, người vừa có tác phẩm mới được dịch ở nước ta, nhận xét: “Ðó là một trong những chương trình truyền hình hiếm hoi, có thể nói chương trình duy nhất, mà tôi theo dõi không bỏ sót buổi nào”. Theo tin tức báo chí, qua thăm dò hơn 1.000 người từ 18 tuổi trở lên, 77% ý kiến cho là chương trình giới thiệu sách mới của Bernard Pivot trên truyền hình rất thú vị hoặc khá thú vị. Mỗi tuần có chừng 12 triệu người theo dõi.
Chúng ta có thể làm như họ được hay không? Nhà văn và tác phẩm mới chắc không khó kiếm, song tìm được nhà báo trình độ ngang tầm người mình đối thoại để làm công việc gọi là MC, thì chắc chắn khó. Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa, kiên trì hơn nữa việc bồi dưỡng, đào tạo những cây bút chuyên trách văn học, nghệ thuật.
Nguồn: Phan Quang, Nhân Dân