WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mổ xẻ bức tranh Văn Học Nghệ Thuật VN hiện thời

Ảnh Nguyễn Hàng Tình: GSTS Đinh Xuân Dũng báo cáo để dẩn cho hội thảo

Ở bất kỳ xã hội nào, thời nào, thì Văn chương và Nghệ thuật cũng là nhân tố trực tiếp xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội, và  làm con người phát triển toàn diện. Vì lẽ đấy, bất luận trong điều kiện thế nào, VHNT cũng phải nhận lấy bổn phận ấy với xứ sở, dân tộc,  phản chiếu  được hiện thực đời sống, hơi thở và tâm hồn con người vào thời mình đang sống, xã hội mình đang đồng hành… Hội thảo ” Văn học Nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay” (do Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương – HĐPBLLTW – tổ chức vào hai 12 và 13/7  ở phố núi Đà Lạt) đã diễn ra khá cởi mở, chân thành, khi hàng chục nhà khoa học, phê bình, quản lý có uy tín trong cả nước mạnh dạn nhìn thẳng, “giải phẫu”  hiện trạng và gợi lối cho tương lai nền VHNT của đất nước này…

Có mặt tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu văn chương, nghệ thuật đã đưa ra nỗi day dứt  rằng: tại sao xã hội VN ngày càng hỗn độn, cái tốt đang vật vã, còn  cái xấu, cái ác trỗi dậy, lan tràn; thói gian dối, tệ hình thức, quan liêu, thoái hóa, tiêu cực, tham nhũng phổ biến; thiện – ác lẫn lộn, cái cao thượng – cái thấp hèn  đều mong manh và chông chênh. GDP bình quân đầu người tăng liên tục từ 500USD (năm 2004) lên gần 1.200USD (năm 2010), nhưng sao cõi người chênh vênh, lòng người bấn loạn thế, niềm tin?,  hạnh phúc không?, và nữa: các giá trị ở đời? Khi chiến tranh khép lại trên đất Mẹ, cả nước giáp  mặt với nền kinh tế tập trung quan liêu, rồi cơ thể gầy gò của xã hội này bỗng “nạp” ngay vào một nền kinh tế Thị trường theo kiểu cách của riêng ta (mà không qua tập dượt!), và những thách đố từ hội nhập… Hiện thực vui buồn, sáng tối đó dù gì cũng  phải hiển nhiên được xem là “chất liệu” của văn chương, nghệ thuật. Thế nhưng…

Cuộc sống than trách Văn hóa Nghệ thuật ra sao?

Và loạt Nhà Nghiên cứu, phê bình, lý luận VHNT thừa nhận đã trải qua nhiều thập kỷ thống nhất rồi, nhưng Văn chương lẫn các lĩnh vực Nghệ thuật ở VN vẫn  không theo kịp, phát triển song hành, tương xứng với kinh tế, nhìn nhận thẳng thắng là tụt lại đằng sau, và có vẻ ngày càng tụt lùi hơn; không có được tác phẩm “đỉnh cao”, đạt giá trị đẳng cấp. Và như thế là thiệt thòi cho nhân dân, cho dân tộc, cho đất nước, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào với thiên hạ, thế giới.

Cái thời văn chương, nghệ thuật nói cùng một “giọng”, vì tất cả cho mấy chức năng cơ bản bắt buộc đã cần phải “tư duy thêm”. Vì nền văn chương của dân tộc lớn mạnh, Giáo sư Phong Lê ở Viện Văn Học trần tình: … Trong suốt thế kỷ XX lịch sử vẫn đi tiếp con đường Chủ nghĩa yêu nước để giành độc lập cho dân tộc, cùng với hai mục tiêu là dân chủ và văn minh để đưa dân tộc vào nhân loại…. Còn bây giờ mục tiêu quyết liệt là: Dân giàu, Nước mạnh, xã hội Công Bằng, Dân Chủ, Văn Minh”. Vị giáo sư Văn chương khả kính này đánh đố mọi người hãy chỉ ra giùm: Con người của hiện thực hôm nay ở VN có diện mạo và số phận như thế nào?”. Ngay GS.TS Đinh Xuân Dũng (và cũng là một quan chức ngành Tư tưởng, thuộc HĐLL, PB VHNT TW – thành viên chủ trì Hội thảo) trong tham luận đề dẫn cho Hội thảo, cũng thừa nhận: hiện thực hôm nay của đất nước là những cuộc đụng độ âm thầm quyết liệt, diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong xã hội và trong từng con người, giữa cái mới và cũ, tiến bộ và lạc hậu, cao thựợng và thấp hèn, tốt và xấu, ánh sáng và bóng tối. Chính ông Dũng cũng bảo đặc trưng hiện thực biến động và phức tạp kia lẽ ra phải là nguồn cảm hứng dồi dào của VHNT, và người nghệ phải “ngắm bắn” những mục tiêu di động đó bằng bản lĩnh, tài năng, và lương tâm của mình. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện Văn học) cũng cho là: “Sự xuống cấp về đạo đức, đảo lộn giá trị, thói vô cảm và hiện trạng xã hội suy kiệt về nhân tính, giảm sút về lý tưởng như thế.. Nhưng không hiểu sao các cây bút hiện nay vẫn mải mê chạy theo những đề tài thời thượng, giải trí dễ dãi, hoặc bị cuốn vào xu hướng thương mại hoá…”.

Và phần nào câu trả lời đã có: Văn nghệ sĩ thiếu bản lĩnh, không vượt qua được những khó khăn đời thường, không gian của sáng tạo. PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Hà Nội) cho rằng, “Nhà văn cần dám nhìn thẳng vào sự thật, hướng sự quan sát vào bản chất đời sống hiện thực, tránh phản xạ làm xiếc giữa hai yêu cầu “không tô hồng” và “không được bôi đen”. Lại Giáo sư Phong Lê: Hiện trong xã hội,  “Đã là số đông các ông chủ doanh nghiệp, các doanh nhân biết làm giàu mà không lạm dụng sự bóc lột, sự tướt đoạt và huỷ hoại môi trường? Hàng ngàn nam nữ công nhân trong các khu chế xuất đã giảm nhẹ được đến đâu những cực nhục mưu sinh? Những nông dân trong quá trình đô thị hoá vẫn còn đất, hoặc mất đất đã sống như thế nào ?… Số lượng những người thay mặt dân trong bộ máy công quyền, kể từ cấp xã phường lên các cấp cao giữ được nhân cách, mà không sa vào quan liêu, thoái hóa, tham nhũng; theo được tấm gương Hồ Chí Minh ?”…  Và như thế, Nhà văn, cùng nghệ sĩ ở các lĩnh vực nghệ thuật khác đã ở đâu trong mớ chất liệu đời sống, trong ngồn ngộn tiếng lòng của người sống cùng thời này?

Nghệ sĩ cũng “hư”

Ở lĩnh vực ” hoàng đế” Văn chương như thế, còn ở những “mặt trận” văn nghệ khác?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến (thuộc Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN) thì than phiền chính văn nghệ sĩ: thời chiến tranh giữa sống chết, khổ ải thế mà người làm nghệ thuật nhiếp ảnh hết thảy đều sáng tạo tâm huyết và nghiêm túc, thật sự vì nghệ thuật, đóng góp nhiều những tác phẩm có giá trị. Còn hôm nay, không thiếu nghệ sĩ nhiếp ảnh nhờ vào phần mềm máy tính để bịa ra nhiều cảnh mới lạ, bằng kỹ nghệ thêm bớt, bịa đặt, lắp ghép cảnh, thêm bớt người. Ông Huyến nói: Thế đó, những điều tối kỵ với nghề ảnh cả nhân loại đáng buồn lại diễn ra ở VN. Vì sao “nghệ sĩ” họ làm thế? Ông Huyến: “Vì những ảnh giả tạo ấy dễ được đang trên báo, tạp chí, và … vẫn được trao giải thưởng, tính điểm để phong tước hiệu này, danh hiệu khác!”. Còn hoạ sĩ Lê Mậu Tựu (Chủ tịch Hội VHNT Thừa Thiên – Huế) chỉ ra làn sóng xuất hiện ngày càng nhiều những hoạ sĩ đã lợi dụng ngược lại nghệ thuật, khi làm nghề sáng tạo ra giá trị tinh thần cho người đời, nhưng lại có thể  tự PR cho mình. Đó là hiện trạng: muốn nổi tiếng bèn tự triển lãm rồi tự đấu giá tranh, gắn nơ giá thật cao (hôm sau chở về nhà cất). Hay như căn cơ hơn, nền tảng hơn cho tương lai xã hội, ngay hội hoạ cho thiếu nhi, giờ đây các em học vẽ thay vì để tiếp cận, nhận thức và yêu nghệ thuật thì vẽ chỉ cốt “có được tranh”, thậm chí cũng nhắm vào thi thố, kiếm giải thưởng… Ông Tựu bảo cả hội hoạ hiện nay cũng “vàng thau lẫn lộn, biết tin ai bây giờ?”. Còn ở nghệ thuật múa, TS.NSND Ứng Duy Thịnh lo ngại trước hiện trạng ở các lễ hội, hội thi, sàn diễn…ngày càng nhiều, nhưng hay thấy các màn múa, cảnh múa giống nhau: lao vào ăn cắp của nhau ý tưởng, hình tượng… Và bản sắc nền nghệ thuật múa VN ra sao không rõ, nhưng nơi này, chỗ kia ngày nó càng… giống, ảnh hưởng nhiều hơn, “photo” nhiều hơn nghệ thuật múa nước ngoài.

Với âm nhạc, nhạc sĩ Cát Vận ( Hội nhạc sĩ VN) đặt quan tâm vào nhạc trẻ, và cho rằng nó đã “nóng” suốt hai ba thập niên nay, nghĩa là nóng nối hai thế kỷ (XX và XXI). Ông cho là ngoài ngoài một số cái được khiêm tốn của nhạc trẻ, vẫn tràn ra đấy nhạc chỉ quẩn quanh với mỗi đề tài tình yêu, mà toàn uỷ mị, sầu thảm, vội vàng, vô cảm. Rồi chuyện nhạc sĩ lại đi viết chuyện “tình yêu” theo đặt hàng (ca sĩ). Chưa hết, nhạc nhái nhạc các nước Thái, Hàn, Nhật, Hoa… cũng đã phổ biến. ” Đúng là nhạc trẻ “nóng” như bản chất cuồng nhiệt, đam mê, và đôi lúc cũng bốc đồng, đoạn tuyệt với quá khứ, và coi như họ sinh ra từ… chính họ. Và nó nóng với cả các đề tài mà chính các thế hệ nhạc sĩ đàn anh né tránh hoặc ít quan tâm; họ chỉ viết về đề tài họ cần, còn trách nhiệm với đời sống, xã hội ? “Và rồi, nhạc trẻ nó “nóng” với cả các người chỉ quen nghe nhạc cũ, sang “nóng”  luôn với các nhà quản lý văn hoá.”, ông Vận nhận xét. Còn tham luận của một nhà nghiên cứu âm nhạc đang lên, Nguyễn Thị Minh Châu, thì chỉ ra:” Công chúng khoái giải trí bằng chuyện đời tư nghệ sĩ hơn là bị “dạy dỗ” ba cái thứ nhạc hàn lâm. Còn các ngôi sao ca nhạc thì chỉ để ý đến những bài quảng cáo, lăng xê. đánh bóng hình ảnh mình”…

Còn ở lĩnh vực điện ảnh, theo PGS.TS Trần Luân Kim (chủ tịch Hội Điện ảnh VN) chỉ ra: Phim đề tài tình cảm lứa đôi, sinh hoạt xã hội thường chiếm tỉ lệ lớn trong các hệ thống đề tài của phim truyện VN… Phim thương mại tuy không còn là loại “mì ăn liền” như một thời trước đây, nhưng lại vẫn quá nghiên lệch tâm sức vào hình thức bên ngoài, sính chạy theo cái đẹp không có nội dung, cố ý chọc cười một cách khiêng cưỡng, nên trống rỗng, dễ quên.”…

“Rơi tự do”, biến mất phê bình

Và ai cũng nhận ra, giới phê bình âm nhạc ở đâu, khi mà hoạt động phê bình mờ nhạt, nếu không muốn nói là chẳng có. Mà không chỉ ở âm nhạc, ngay ở múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, rồi kiến trúc… hoạt động phê bình đều trở thành thứ “xa xỉ”: không thấy mấy  người làm nghề phê bình, không mấy người chịu phê bình… Và không có phê bình, lý luận nghệ thuật, thì tất nhiên không có nền phê bình, và do đó cũng sẽ không có sự thúc đẩy cần thiết ở từng lĩnh vực nghệ thuật để nó phát triển bền vững, hướng tới giá trị cao cả. Ai đó bảo phát triển kiểu đó, giống như lần mò, hoặc “rơi tự do”.

Mà điển hình cho sự mò mẫm đó là Kiến trúc. KTS. Nguyễn Hữu Thái (Hội KTS Tp.HCM) cho rằng, đến hôm nay, nền Kiến trúc VN dường như vẫn chưa ra khỏi trạng thái chập chững tìm đường.” Kiến trúc hiện nay chưa có định hướng rõ rệt mà mới chỉ dừng lại ở xu thế, chiều hướng…. Trong khi đó, qui hoạch đô thị cũng như nông thôn mới dừng lại ở qui hoạch kỹ thuật thô thiển, và chưa kết hợp các yếu tố văn hoá xã hội nên rất mờ nhạt.Trong khi đó, phổ biến là hiện trạng kiến trúc chạy theo nhái cổ, rồi xu hướng “quốc tế hoá” kiến trúc vội vã”.

“Thực trạng phổ biến chỉ chuộng bản thiết kế kiến trúc nước ngoài ở các chủ đầu tư, thả nổi tự phát kiến trúc nông thôn, qui hoạch manh mún khắp nơi, duy ý chí… sẽ còn tạo nên hỗn loạn trong nghệ thuật kiến trúc”. Và KTS Thái bảo rằng, tất cả vì nhận thức về qui hoạch, về kiến trúc không hướng đến tạo ra bản sắc nền Kiến trúc, diện mạo đô thị, nông thôn quốc gia, tức là xa rời hiện thực để có trách nhiệm với tương lai. Tất cả những cái đó, KTS Thái bảo rằng do: Lý luận và phê bình kiến trúc của chúng ta còn trong thời kỳ thai nghén, chưa rõ hình hài trong thực tiễn đất nước… Một số nhà khoa học khác cũng thừa nhận rằng, ngay cả ở Văn chương, hoạt động lý luận, phê bình của ta cũng còn lạc hậu, tụt hậu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò, chức năng của chính nó. TS. Chu Thái Thành (Hà Nội) nhận xét: “chất lượng khoa học, tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thông tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm…”. Trong bối cảnh đó, ví như ở lĩnh vực âm nhạc, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu chỉ thẳng rằng: “Nhà quản lý chỉ chợt nhớ đến cái anh phê bình(dù phê bình âm nhạc ở VN hiện rất nghiệp dư), lý luận âm nhạc khi cần chữa cháy vụ nào đó…”. Đi trước thành kẻ thừa vô duyên, như thế chẳng tội gì, nhà phê bình hay nhà quản lý âm nhạc xuất hiện.

Một nền Văn nghệ mà không có phê bình, lý luận thì dĩ nhiên sinh ra ảo tưởng ở mọi cá thể sáng tác, và như thế làm sao thúc đẩy nó tiến lên, tạo ra giá trị thật, và được thừa nhận ở bên ngoài. Bởi như quan điểm của một nhà nghiên cứu tại hội thảo: “Nhà phê bình chẳng những là đồng hành với sáng tác, mà còn biết lùi lại phía sau canh chừng, hoặc vượt lên phía trước dẫn đường”.

Hy vọng

Tốc độ phát triển kinh tế xã hội diễn ra chóng mặt ở nhiều mặt đã đánh úp, làm choáng cả hoạt động VHNT? Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học cho là hệ quả trên ngoài lý do khách quan còn có cả chủ quan, “con hư tại mẹ”. Như trong tham luận của Nghệ sĩ nhân dân Trọng Khôi (lĩnh vực Sân Khấu): “Không chỉ đổ lỗi cho khách quan mà chính là những nhà quản lý còn bị động, và có phần buông lỏng trách nhiệm, còn lúng túng tháo gỡ”.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Hà Nội) vừa nhận xét vừa như đặt hàng: “Chỉ khi nào cái nhìn hiện thực được tôn trọng, ngòi bút nhà văn có được tính khách quan, dân chủ trong sáng tạo thì khi đó mới có thể nảy sinh được những tác phẩm lớn, tạo được mối quan tâm của dư luận và có sức sống thật sự bền lâu trong lòng bạn đọc.” Nếu như TS.Nguyễn Đăng Điệp (Viện Văn học) đề ra hướng để nền VHNT lớn mạnh, hội nhập tự tin với thế giới là: “Nhà văn cần tự do trong lựa chọn và sáng tạo”, thì Nghệ sĩ nhân dân Trọng Khôi cho rằng: “..những nhà quản lý, hoạch định chính sách và giới văn nghệ sĩ nên cởi mở, đoàn kết chân tình để xoá dần những mặc cảm, định kiến hẹp hòi… thì bầu trời văn nghệ sẽ thêm thoáng đãng và trong lành hơn, và theo đó những xao động đời thường sẽ dễ nhận thấy rõ hơn bởi nó chứa khát khao, ước mơ, tâm hồn…”. Và như thế, không chỉ phản ánh được hiện thực: “Văn học có thể  miêu tả cuộc sống như nó vốn có, đang tồn tại, hoặc như nó sẽ tồn tại và phải tồn tại. Khả năng đón đầu, dự báo của văn học nhiều lúc đi trước thời đại cả hàng vài chục, ba chục năm, có khi hàng thế kỷ… là chuyện thường tình trong văn học từ trước đến nay” (tham luận của Nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà (Đại học Huế), khẳng định.

“Trách thì cứ trách, người bị trách có ra sức xoay sở, thì kết  quả vẫn chẳng được bao nhiêu nếu như không có môi trường thỏa đáng khuyến khích hoạt động phê bình ở mọi vị trí”, Nguyễn Thị Minh Châu lập luận thế. Văn nghệ VN hiện nay có phải đang đi trên dây không (kiểu cách nói của Albert Camus-NV), nhưng như GS.TS Đinh Xuân Dũng (cũng là một chính khách) nói, phải : “ vừa tâm huyết , vừa tỉnh táo…, nếu không sẽ bắn trượt và buồn hơn là lúng túng, bất lực, hoặc lẩn tránh đứng ngoài cuộc chơi”… là điều đáng để suy nghĩ.

Và lời lẽ nhẹ nhàng nhưng thâm hậu của GS Trần Thanh Đạm đâu phải có thể dửng dưng: “Tách rời nghệ thuật khỏi đạo đức, cái đẹp khỏi cái thiện là cội nguồn của các xu hướng văn học nghệ thuật suy đồi, khởi đầu với các chủ nghĩa hình thức…”. Tôi nhớ quan điểm hùng hồn của vị giáo sư Văn chương danh tiếng này: “Không thể có cái đẹp, có nghệ thuật, văn chương nếu không có đạo đức, tư tưởng, lý tưởng”. Vậy nên, nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà ở Huế mong muốn cho Nhà văn (có lẽ không chỉ văn chương): “ Những tác phẩm của họ – dù sáng tác theo khuynh hướng nào, kiểu tư duy nào cũng phải được chấp nhận, miễn là tác phẩm ấy phải hay, phải mang chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, vì sự sống và khát vọng cao đẹp của con người, vì giá trị chân-thiện-mỹ của từng thời đại…”

Mổ xẻ bức tranh Văn Học Nghệ Thuật VN hiện thời

Tất cả phải cùng nỗ lực cho một nền Văn chương, Nghệ thuật dân tộc VN thật nồng nàn, bản sắc, kiêu hãnh, nhân từ, đủ sức trình làng, hội nhập, và quảng bá cho được hình ảnh huyền nhiệm của xứ sở vốn đã chịu nhiều ngọt bùi lẫn đắng cay này thôi.

Nhưng biết đâu đó có thể vẫn còn có những tác phẩm đáng đọc, đáng xem, phải nhớ, thậm chí lớn lao, cao cả, hiện thực nhất của xã hội VN hôm nay đang còn lưu lạc,  rơi rụng, hay chôn cất ở đâu đó chăng? Bởi lẽ, sự thật cũng rất khoa học rằng: các nhà khoa học tại hội thảo trên cũng đang nhìn bề mặt, bề chính thống, chính thức, văn nghệ lề phải ở VN hiện nay để mổ xẻ, và mong ước!

© Nguyễn Hàng Tình

Phản hồi