Nhân Đại hội Nhà văn VN: “Nhà văn nghệ phải phát thệ cái yêu thương”
Ngày 4 tháng 8 vừa qua, Đại Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 đã diễn ra tại Hà Nội, ở một nơi được coi là cực kỳ hoành tráng. Đó là Học viện Nguyễn Ái Quốc, hay còn gọi là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đảng Cao Cấp Nguyễn Ái Quốc.
Khi được ông Hoàng Ngọc-Tuấn trên Talawas đặt câu hỏi với các nhà văn trong và ngoài nước, rằng cuộc tụ họp hành tráng ở một nơi rất ư là hoành tráng của văn giới VN, anh/chị nghĩ gì về sự kiện “hoành tráng” này? Ông Hoàng Xuân Sơn đã trả lời: “Lùa nhà văn vào cái rọ ‘trường đảng’ e rằng sự hoành tráng này khá ‘chửi cha thiên hạ’?!” Nhà văn hội viên Tạ Duy Anh cho rằng “…Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hóa cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.” Nhà thơ Thận Nhiên cho rằng nó “tốn kém và vô bổ như vô số hội hè trên đất nước Việt Nam. … ‘Goành cháng’, trong vụ này, tôi có thể chiết tự tếu rằng ‘goành’ là ‘quanh co, vòng vèo’, còn ‘cháng’ là ‘choáng váng’, tóm lại là ‘một màn rửng mỡ quanh co, vòng vèo’ làm cho nhân dân ‘choáng váng’.” Ông “tuyệt nhiên không nghe một ai bàn bạc hay kỳ vọng về những thay đổi hay đường hướng xây dựng cái Hội đó.” Thận Nhiên nhận định rằng đây là một Hội “’hết thuốc chữa,’ không gì khác hơn một tổ chức vô ích, ăn hại và ăn bám vào ngân sách nhà nước, hay cụ thể hơn, tiền của của nhân dân.”
Đặt câu hỏi tại sao Đảng lại quan tâm đến văn chương trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN với các nhà văn, ông Hoàng Ngọc Biên trả lời nếu hân hạnh “bị” là một trong 150 nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội tham dự và dù có đem bia ra dụ khị, ông cũng không đi. Ông thêm, “Đơn giản, là vì nhà văn và chính quyền là hai thứ khác nhau: không choảng nhau thì thôi, làm gì có chuyện mất thì giờ… gặp gỡ.” Hoàng Xuân Sơn lại nhấn mạnh, “Không vuốt ve sợ bị mấy ông nhà văn ngứa ngáy phang bậy [cũng đã bị phạng nhiều lần rồi].”
Năm 2007, nhà thơ Phạm Tiến Duật kể ra bốn tài sản lớn của Hội Nhà văn VN, trong đó có “sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Đảng, của nhân dân”; lấy “tôn vinh học thuật đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo riêng biệt” là công việc hàng đầu; và “xây ngôi nhà của mình thành ngôi đền lớn của văn học dân tộc,” Hoàng Ngọc Biên nhìn nhận, “nếu ‘đoàn kết’ là chuyện cười, thì ‘vì sự nghiệp’ phải nói là không cười không được” và “hãy tự hỏi, khi có bàn tay chính quyền nhúng vào, người ta làm sao còn ‘tôn vinh học thuật đỉnh cao’, làm sao có ‘cá tính sáng tạo riêng biệt’?” Ông tiếp, “từ ‘ngôi nhà’ đến ‘ngôi đền’? lại ‘long trọng’ nữa rồi… Nhưng, ta vẫn nên để ý từ ‘văn học dân tộc’ – một thứ dây xích leng keng lịch sử.”
Khi được hỏi Hội Nhà văn Việt Nam muốn trở thành “ngôi đền lớn của văn học dân tộc”, thế nhưng trong phóng sự “Các nhà văn về nguồn” trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam thì “cuộc ‘về nguồn’ do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Chiêm Bình, huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng Sản Đông Dương lần thứ I. Không lẽ cái ‘bản sắc dân tộc đậm đà’, cái nguồn của ‘văn học dân tộc’ nằm ở cái chỗ đó?” Vẫn ông Hoàng Xuân Sơn trả lời cái logic này là “Không có ‘đảng’, đố mầy làm văn!” Nguyễn Quỳnh cho rằng đó “là sự kiện đáng để nhà văn hiểu zã-tâm của đảng. Trong đầu của Đảng chỉ có Mác-Lenin – những thứ đã bị tẩy chay ở Nga thì Đảng làm jì có quốc-ja, văn-hóa, zân-tộc.”
Với câu hỏi về những điều thú vị trong nội tình của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay (đạo văn, mạo danh, bao che, quỵt tiền…) được nhà báo Trang Hạ đề cập đến trong bài “Em không phải là nhà văn”, thì những điều thú vị và ngoạn mục đó đã phản ánh đúng mức cái “bản sắc dân tộc đậm đà” chưa? Nguyễn Quỳnh bảo rằng “Trang Hạ đã cho mọi người thấy rõ bản chất tôi tớ và hèn hạ của Hội Nhà văn Việt Nam…” Ông Thận Nhiên tâm sự “…Đọc xong bài viết của nhà văn Trang Hạ, tôi thấy thật là khó mà cười được anh à, đau nhất ở cái thái độ hèn nhược trước Trung Quốc của họ”.
Giả sử nếu có một vị tiên cho ba điều ước về Hội Nhà văn VN, Nguyễn Quỳnh mong ba điều này:
- “Toàn zân tẩy chay Hội Nhà-văn Việtnam
- Jải tán Hội Nhà-văn Việtnam
- Mỗi hội-viên của Hội Nhà-văn Việtnam fải đọc và học cuốn Văn-chương là jì? của J.P. Sartre để hiểu sứ-mệnh và trách-nhiệm của nhà-văn trong jai-đoạn tối-tăm ở Việtnam hiện-tại”
Ông Hoàng Ngọc Biên cho rằng “tôi không tin có một vị tiên nào làm một việc ‘bất nhân’ là ban cho ta một ân huệ để cầu ước cho hội ấy ‘sửa sai’.”
Những lời phát biểu trên cho thấy Hội Nhà văn Việt Nam chưa “thể nghiệm được yêu thương trong sinh mệnh lịch sử, hiện tại và tương lai… trong sống thật, sống máu và sống đấu tranh của loài người. Nhà văn nghệ phải ca tụng những cuộc đắc thắng vô ngã” (Muses, Lý Đông A). Nói theo ý đảng, tôn vinh đảng, chối từ dân tộc, họ chỉ làm mõ chợ, làm tiếng “chó sủa,” mà không là “tiếng kèn đánh thức lên” (P. Shelley). Hội Nhà văn phải thấy rằng họ phải nói lên tiếng nói của lương tri, của đại đa số tầng lớp nhân dân bị trị để không trở thành con rối, đồ đùa cho giai cấp đặc quyền (Tolstoi), không thể làm “đồ chơi của bọn tục. Nó là tiếng đau khổ thực ảm đạm và nghiêm nghị” (Chu Xuyên Bạch Thôn), là tiếng lòng của quốc dân.
Văn nghệ là để giáo dục, phục vụ quần chúng, không là trò chơi của bọn chính khách xôi thịt.
Ngôi đền văn hóa nào, bản sắc dân tộc nào nằm ở chỗ tôn vinh một tư tưởng đã bị nhân loại chối bỏ, bị chính nhân dân nơi sản sinh ra nó chà đạp và quăng vào sọt rác?
Nhà văn nghệ chỉ có thể nói được tiếng nói của lương tâm xã hội khi họ hòa mình vào đời sống đấu tranh quốc dân, đau niềm đau và nhục nỗi nhục của nhân dân khi lòng yêu nước phải cúi đầu nhường bước trước cường quyền bạo lực nội và ngoại xâm. Hơn thế nữa, họ còn phải trở thành những người góp phần dẫn lối xã hội, ngọn đuốc soi đường, là những “giáo sĩ tiên tri và dùi mài” (Fichte).
Khêu gợi lên thân phận nô bộc, hèn kém của dân tộc trong cộng đồng nhân loại, cho mọi người ý thức rằng những chủ nhân đất nước lại phải cam tâm nhục nhằn làm đầy tớ, là nghĩa vụ thiêng liêng của những nhà văn nghệ, trong đó có nhà văn nhà thơ VN. Họ “phải làm cho loài người tự hiểu mình, tự tin mình và càng khát mơ chân lý” (Gorky), khát mơ sự thật. Sự thật sẽ giết chết dối trá và thù hận, cho tình yêu thương con người nở hoa trên sỏi đá nghi kỵ ganh ghét, trên tham lam độc tài, trên thói hư tật xấu đam mê quyền lực, danh vọng bạc tiền hôi tanh của hệ thống cai trị thối nát và tàn bạo.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo trong bài “Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước,” cho rằng: “con người trên mặt đất này sợ nhất sự thật! Vì vậy, ngạn ngữ Việt Nam từng nói: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Người Trung Hoa từ thượng cổ đã nói : “Trung ngôn nghịch nhĩ”. Người Ba Tư cổ khuyên: “Nếu nói ra sự thật, anh sẽ chết”. Người Ai Cập xưa cảnh cáo: “Khi sự thật bị bỏ quên quá lâu, một hôm nó thức dậy thành ngày tận thế”. Ngạn ngữ Tây Tạng tiền Phật giáo khuyên: “Mày chỉ được phép nói ra sự thật, nếu mày làm vua”. Thổ dân Úc bảo: “Ai nhìn thẳng vào sự thật sẽ bị mù mắt”. Lịch sử nhân loại đã ghi nhận hàng triệu con người từng dám cả gan nói lên sự thật mà bị mất mạng, bị tù tội hay bị quản thúc tại gia.
Đã có bao nhiêu lý thuyết chính trị thề bồi giải phóng con người, bao nhiêu cuộc lật đổ, cuộc cách mạng tuyên thệ giải phóng con người, giúp con người hoàn toàn tự do, sau khi đã giết hàng triệu triệu sinh mạng. Rút cuộc, con người hình như vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng, chưa hoàn toàn được tự do, con người vẫn còn sợ hãi vì bị sự dối trá thống trị? Một số đất nước, một số dân tộc trên hành tinh vẫn còn bị nhốt trong nhà ngục có tên là dối trá. Cần phải làm một cuộc cách mạng của sự thật mới mong giải thoát cho nhân dân khỏi ngục tù kia.
Nếu đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam thử một lần hợp tác với đất nước, với dân tộc Việt Nam mở “HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG CHỐNG GIẶC NÓI DỐI” để tìm ra con đường cứu nguy dân tộc đang trên đà suy vong, thì công này của quý vị rất lớn. Ông cha chúng ta đã đánh thắng giặc Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… để bảo tồn đất nước. Tất cả các thứ giặc trên cộng lại cũng không ghê gớm bằng giặc nói dối đang tàn phá Tổ Quốc ta, giống nòi ta. Lần này, nếu nhân dân ta không vùng lên đáng tan BỌN GIẶC CÓ TÊN LÀ DỐI TRÁ, chắc chắn đất nước ta sẽ bị kẻ thù phương Bắc nuốt chửng, như mấy nghìn năm trước chúng đã nuốt chửng toàn bộ các dân tộc Bách Việt từng định cư lâu dài phía nam sông Dương Tử.”
Ông còn đưa ra ba sự thật:
- “chưa bao giờ, số phận dân tộc ta, đất nước ta có nguy cơ tiêu vong như hôm nay: nước nhà đang bị giặc ngoại bang xâm lấn bằng cuộc chiến tranh ngọt ngào, chiến tranh ôm hôn thắm thiết và tặng hoa, tặng quà anh anh chú chú, bằng cách chiếm dần hai quần đảo chiến lược Hoàng Sa và Trường Sa, lấn chiếm dần dần biên giới đất liền và hải đảo, khiến nguồn lợi biển vô cùng tận của ta rồi sẽ mất hết, dân tộc ta không còn đường ra đại dương, coi như tiêu…
- Chưa bao giờ như hôm nay, trên đất nước ta, giặc nội xâm có tên là tham nhũng lại hoành hành ngang nhiên, kinh hãi như dịch hạch đến thế. Dân có tham nhũng không? Không! Thế thì ai là giặc nội xâm, là giặc tham nhũng? Thưa, chính quyền! Chỉ kẻ có chức có quyền mới tham nhũng được mà thôi…
- Đảng, Nhà Nước Việt Nam nói thì rất hay, nhưng làm thường ngược lại. Những nguyên tắc, nguyên lý, luật pháp, chính sách, đường lối của đảng cầm quyền và nhà nước Việt Nam hiện nay hầu hết đều không chính danh…”
Những điều này được ông Hà Sĩ Phu trong “Tâm tình với nhà văn Trần Mạnh Hảo” hoàn toàn đồng ý và ủng hộ. Hà Sĩ Phu bộc bạch: “Ông (TMH) đã nói được nhiều, nhất là vạch ra cái đại bản doanh của những kẻ đã gây ‘nguy cơ tiêu vong dân tộc’ ấy nằm ở đâu, nó lớn cỡ nào, khiến ta ‘phải làm một cuộc cách mạng của sự thật mới mong giải thoát cho nhân dân khỏi ngục tù’, đây cũng là một nét mới so với mấy vị trước kia. Và rằng, “Nhưng nước mình có điều lạ: Chuyện nhỏ thì cãi nhau đến cùng, mà việc đại sự, khi cần tìm cho đến ngọn nguồn lạch sông thì cứ nửa đường dừng lại. Định tìm con vi trùng để diệt mà chỉ đi nửa chừng, sắp chạm trán với vi trùng là cài số lùi để dĩ hòa vi quý.”
Ông Nguyễn Trọng Tạo nhận định về Đại hội: “Các khu vực đại hội giới thiệu người vào BCH. Giới thiệu thì nhiều nhưng chả thấy ai dám ứng cử. Ứng cử phải trả lời câu hỏi: ‘Tại sao tôi ứng cử’ thì thấy nhà văn không biết trả lời câu hỏi này.
Tuy nhiên vẫn thấy bóng gió có nhiều người thích vào BCH nhưng chả biết để làm gì.
Tôi nghĩ: Trong việc làm lãnh đạo mà không dám nói thật tôi muốn làm lãnh đạo, thì liệu khi cầm bút, nhà văn có dám nói thật không? Hay sau mỗi tác phẩm viết ra lại ngồi thanh minh: Tôi muốn viết thế này thế nọ nhưng vì thế này thế nọ? Đó là bi kịch nhà văn không dám làm theo ý mình.”
Vì thế, trách nhiệm của nhà văn đối với dân tộc, không chỉ cho Hội Nhà văn, to lớn và nặng nề lắm.
Ai sẽ thức tỉnh lương tri xã hội, nếu không là nhà văn nhà thơ?
Ai sẽ nói lên tâm tư nguyện vọng quần chúng, nếu không là phóng viên, nhà báo?
Ai sẽ góp phần đào tạo tri thức quảng đại quần chúng, nếu không là ca nhạc sĩ, nhà trình diễn?
Gọi chung, là những nhà văn nghệ. Họ phải đại biểu cho lương tri thời đại, họ là những “kỹ sư xã hội.”
Nhà văn nghệ hãy khước từ thân phận nô lệ và sự đóng cũi tâm hồn khiến lương tâm bị thui chột héo mòn mà khẩn trương hồ hởi, chung tay góp sức cùng nhân dân phá tan băng giá và tăm tối tuyệt vọng hôm nay, để hạt giống yêu thương hy vọng được cội nguồn dân tộc chiếu sáng ấm áp, thấm đượm sương mai và không khí nhân bản trong lành ấp ủ, nảy lên những mầm sống mãnh liệt tròn đầy, thăng hoa hướng thượng, góp mặt sinh động hòa hài cùng toàn thể cộng đồng nhân loại, cho nhân dân được ngước mặt nhìn đời, mỉm cười ngạo nghễ cùng nhân gian.
Vinh quang một lần và mãi mãi.
Vị nhân sinh hay vị nghệ thuật, “Văn nghệ phải là sống.” (LĐA)
Văn nghệ là khơi mở, là dẫn lối soi đường, là đấu tranh ngẩng đầu, là không lòn cúi tuân phục.
“Văn nghệ là lương tâm của loài người.” (Herbert).
“Văn nghệ là hoa của đạo lý, huyết hoa.” (LĐA)
Và trên hết,
“Nhà văn nghệ phải phát thệ cái yêu thương.” (Lý Đông A).
© Tạ Dzu
© Đàn Chim Việt
“Đỗ Trung Quân: Nghe kinh thật! Tôi cũng là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam mà chẳng nhận ra mình có cái tài sản lớn đến thế. Cũng nói thật ý nghĩ này: nhà thơ Nguyễn Duy, trong một buổi trò chuyện, giao lưu với một vài nhà văn Mỹ cách đây chưa lâu được tổ chức ở Việt Nam, có nói đại ý “Vấn đề gì chính trị chưa giải quyết được thì văn hoá sẽ giải quyết… Nuôi nấng thù oán, nhỏ nhen không phải là thái độ của nhà văn…” (Không nguyên văn – ĐTQ). Nghe có lý đấy chứ, nhưng nghĩ kỹ mà xem. Họ có thể bắt tay hoà giải hoà hợp với những nhà văn Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, nhưng việc họ bắt tay hoà giải hoà hợp với những tác phẩm, những nhà văn đích thực của một nền văn học của miền Nam, của Sài Gòn cũ, đồng thời là của đồng bào mình thì sao? Nền văn học ấy không thiếu những tác giả, tác phẩm và dịch thuật quan trọng cho sự hội nhập với những trào lưu mới cần thiết của nửa đầu thế kỷ trước. Chính trị không giải quyết thì văn hoá hãy giải quyết việc này đi nào? Những vấn đề như thế chắc chắn không bao giờ được đặt ra ở Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Đại hội chỉ xoay quanh bầu bán và… hết. Tài sản ấy làm sao mà “lớn” mà “giàu” cho được.”
(http://www.talawas.org/?p=23106)
(Đỗ Trung Quân trả lời Hoàng Ngọc Tuấn trong cuộc phỏng vấn trên).
Bao MOM bao VIET ba DAI
Ca ba THU BAO trong ngoai NHU NHAU
La BAO HAI truoc sau da thay
La BAO THU phai trai BAT PHAN
Nha BAO noi LAO danh PHAN
Buon vui LONG NHUNG CUOI THAM
May ai NHA BAO CHAN TAM bao gio
(Toà soạn: Mời bạn vào VPS Keys.org tải phần mềm gõ tiếng Việt miễn phí)