WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cuộc sát phạt ở thượng đỉnh

Tình hình trong nước đang có nhiều nét không bình thường.

Ở Hà Nội, 2 tuần nay, có những cuộc họp kín, không công bố, được canh phòng rất cẩn mật. Từ trong nước, có dự đoán rằng đảng CS đang chuẩn bị cuộc “Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ”, thường gọi tắt là “Đại hội giữa nhiệm kỳ” sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Điều chắc chắn là Bộ chính trị gồm 14 nhân vật đang có một cuộc họp dài, đặc biệt quan trọng, khi tình hình trong và ngoài nước đều có nhiều diễn biến phức tạp, dồn dập, dội vào trong nội bộ đảng độc quyền, gây nên những lo âu nặng nề, giữa lúc khả năng đối phó lại rất nghèo nàn eo hẹp, thậm chí tù túng, vì họ vẫn tự gò bó trong khuôn khổ khô cứng của bảo thủ và giáo điều, của cái gọi là “chủ nghĩa xã hội ” đã chỉ còn là bóng ma.

Chắc chắn nội dung cuộc họp ở chóp bu này sẽ “xì” ra ở 2 cuộc họp quan trọng cuối năm, đó là: họp Quốc hội lần thứ 4 khoá XII sẽ khai mạc sáng 20-10, kéo dài trong 1 tháng, và họp Ban chấp hành trung ương đảng CS lần thứ 8 khóa X, sẽ diễn ra vào tháng 11.

Mini-Đại hội?

Một vấn đề hiện đang treo lơ lửng là có “Đại hội đảng giữa nhiệm kỳ” (có người gọi tắt là mini – đại hội) như đã dự kiến hay không? Nếu có, nó sẽ diễn ra vào đầu năm 2009, và Hội nghị trung ương cuối năm nay sẽ phải bàn về cái mini-đại hội ấy.

Trước đây, đã có một lần đảng CS Việt Nam họp Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ, sau Đại hội VII để “kiện toàn nhân sự lãnh đạo”. Trước đó, cuộc họp lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương khoá VII từ 24-11 đến 1-12-1993, đã bổ sung vào Bộ chính trị có 13 người (với Đỗ Mười làm tổng bí thư) thêm 4 người nữa là Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm, Đỗ Quang Thắng và Nguyễn Hà Phan. Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ từ 20 đến 25 tháng 1-1994 thông qua việc bổ sung 4 người trên đây, còn quyết định bổ sung một lúc 20 người vào ban chấp hành trung ương, từ 146 người nâng lên 166 người; trong số này, có Phan Diễn, Nguyễn Phú Trọng về sau vào Bộ chính trị.

Nếu sắp tới có Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ thì đây là lần thứ 2 có cuộc họp loại này.

Lẽ ra cuộc họp lần thứ 7 của Ban chấp hành trung ương (tháng 7-2008) vừa qua đã ra nghị quyết về “Đại hội giữa nhiệm kỳ”, nhưng bộ chính trị chưa đạt được nhất trí. Nông Đức Mạnh cùng với Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị, Nguyễn Sinh Hùng… không muốn họp, cho là không cần thiết, muốn giữ “nguyên trạng” (statu-quo) – vì Mạnh muốn bám chặt ghế tổng bí thư cho đến Đại hội XI. Vừa có tin: cánh của Mạnh bị lép vế, buộc phải nhượng bộ, đa số trong bộ chính trị muốn đá Mạnh đi, được thêm sự ủng hộ của 2 cựu tổng bí thư Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu.

Ngày 1-10 mới đây, Nguyễn Phú Trọng thông báo kỳ họp quốc hội tháng 10 này sẽ chưa bàn đến việc sửa đổi Luật Đất Đai như dự kiến, ắt là thực hiện ý định chung của bộ chính trị đang họp, tránh né yêu cầu mạnh mẽ, rộng khắp là trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, là không chấp nhận việc sửa đổi luật Đất Đai.

Một chuỗi sự kiện nóng bỏng

Cần nhận rõ vài đặc điểm của hiện tình đất nước và hiện tình của đảng CS khi sắp bước vào những cuộc họp lớn cuối năm.

Nạn lạm phát phi mã lên đến gần 30% kể từ đầu năm, giáng vào mỗi người dân, gia đình lao động và công chức; khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới phơi bày thêm những yếu kém vốn có của kinh tế – tài chính trong nước; qua 8 tháng nhập siêu hơn 16 tỷ US$; chứng khoán VN index rơi tự do từ 1.200 xuống dưới 500; vốn đầu tư FDI và viện trợ quốc tế ODA đưa vào khá nhiều, nhưng khả năng thực hiện quá yếu, chỉ giải ngân được dưới 1/4 (12 tỷ trên 57 tỷ US$) trong 9 tháng đầu năm, do hành chính quan liêu, tham nhũng, thiếu nhân lực có chất lượng; nông thôn trì trệ, ô nhiễm nặng, thành bãi rác của công nghiệp; đầu tư lệch lạc, nặng về hào nhoáng, ăn xổi, tập trung vào khách sạn, nhà hàng, nhà ở loại sang, khu nghỉ mát, du lịch, sòng bài, sân golf, coi rất nhẹ đời sống xã hội, như nước sạch, hệ thống tải điện trong đô thị, hệ thống cống rãnh, giao thông; chống tham nhũng lãng phí vô hiệu, nói nhiều làm ít; vấn đề dân oan vì mất đất, bất công dai dẳng, vấn đề tự do tôn giáo thành vấn đề chính trị phức tạp, bế tắc; xã hội xuống cấp nghiêm trọng về văn hoá, đạo đức: cờ bạc, nhà thổ, nghiện hút, giết người, buôn lậu, hàng giả, bằng giả, thuốc giả, buôn người, buôn phụ nữ, trẻ em, buôn người lao động, trò giết thầy, thầy đánh trò, xã hội đảo điên.

Đặc điểm tình hình hiện nay là những kết quả ban đầu của đổi mới kinh tế, phát triển nông nghiệp, tăng xuất khẩu, không khí phấn chấn khi được tham gia Tổ chức thương mại thế giới WTO cuối năm 2006… tiêu tan dần, nhường chỗ cho khủng hoảng kinh tế – tài chính – xã hội – tâm lý đang mở rộng. Đà phát triển hụt hẫng, tỷ lệ phát triển tụt xuống chỉ còn 6%, vụ án tham nhũng số 1 PMU18 bị lật ngược, gây nên một không khí bi quan, bực bội, giảm hẳn niềm tin ở bộ máy lãnh đạo và cầm quyền.

Nét nổi bật trong tâm lý xã hội là người dân bình thường ngày càng nhận rõ rằng hệ thống lãnh đạo và cầm quyền hiện nay không ngang tầm với trách nhiệm, thiếu cả tài năng và đức độ, ở dưới mức trung bình của thế giới về thực thi pháp luật nghiêm minh, về thực hiện công bằng và bình đẳng trong xã hội, về xây dựng nền văn hoá mới, về xây dựng nền báo chí năng động thành mũi nhọn tiền phong trong đổi mới.

Những tiếng nói ngay thẳng, khảng khái trong xã hội ngày càng vang lên mạnh mẽ, công khai, chỉ rõ ban lãnh đạo độc đoán là bộ chính trị 14 người hiện nay đã thất bại rõ rệt trong công việc ưu tiên chống tham nhũng, nuốt lời hứa long trọng chống tên “giặc nội xâm” cực kỳ nguy hiểm này; phó giáo sư Trần Đình Thiên phó Viện trưởng Viện kinh tế VN, trong trả lời phỏng vấn của TTCT, chứng minh rằng: tham nhũng lãng phí đã làm giảm đến 4 % GDP/năm, chi phí “bôi trơn” quá lớn làm mệt mỏi các nhà đầu tư, qui hoạch đầu tư nhiều sai lầm như hàng loạt nhà máy đường phá sản; 30% vốn xây dựng cơ bản bị thất thoát; hệ thống chính trị coi làm quan chức là con đường làm giàu duy nhất, không có liêm sỉ, không trau dồi đạo đức, không bị luật pháp đủ nghiêm để chế tài.

Chỉ trong vài tháng nay, một chuỗi sự kiện nghiêm trọng xảy ra làm nổi bật sự yếu kém của lãnh đạo và quản lý, phơi bày sự bất lực và hèn kém của bộ chính trị, khi hàng loạt cầu cống lớn gãy đổ, rạn vỡ, vụ án PCI Pacific Consultant Nhật bản và vụ án Nexus Technologies Hoa kỳ bị tiết lộ, dòng sông Thị Vải bị bức tử từ 13 năm nay trong sự vô cảm của chính quyền và ngành bảo vệ môi trường, rồi vụ đàn áp trí thức và sinh viên yêu nước biểu tình trước sứ quán, lãnh sự quán Trung quốc phơi bày sự ươn hèn của lãnh đạo trước bọn bành trướng; cho đến gần đây là việc uỷ viên bộ chính trị Phạm Quang Nghị ra quân đàn áp các linh mục và giáo dân sau khi cướp đất của họ ở khu Nhà Chung và xứ Thái Hà, với thủ đoạn đen tối liên kết với bọn du côn, lưu manh chuyên nghiệp, cho chúng uống rượu để lao vào hành hung giáo dân tay không, rồi dùng báo chí kể cả báo Nhân Dân của đảng CS làm việc đê hèn vu cáo, xuyên tạc, cắt cụt câu nói của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt để rồi họ nhận được những bài học làm người nhớ đời (mời các bạn đọc bài “Tự trọng” của anh Đỗ Mạnh Tri trên mạng).

Trên đất nước ta, chưa thời nào, chưa lúc nào có nhóm cầm quyền chóp bu hạ cấp, mất hết tự trọng, phản dân tộc, vô trách nhiệm, tệ hại quá đáng, bị nhân dân khinh ghét đến thế.

Ai dậy ai đây?

Khi nhóm cầm quyền độc đoán vốn cao ngạo tự phụ là không bao giờ phạm sai lầm, đang dẫn đất nước đến gần thiên đường (!) trên trần thế, làm cho dân Việt trở nên dân tộc tiền phong (!) mở đường cho nhân loại… bỗng bị chỉ mặt và chứng minh là nói phét, nói láo, nói ngược, thì điều gì ắt sẽ xảy ra?

Khi nhóm cầm quyền từng leo lẻo rằng họ là lương tâm của thời đại (!), luôn đề cao đạo đức làm người, tự thề thốt ”đi trước thiên hạ trong hy sinh, đi sau thiên hạ trong hưởng thụ” (!), nhưng trên thực tế lại bỏ mặc dân đen trong lầm than và bất công, hàng chục vạn chị em rơi vào cảnh nối đuôi nhau kiếm sống bằng “lấy chôn nuôi miệng” (mà bọn trùm đường dây ma cô hầu hết là quan chức cộng sản), hàng trăm nghìn nam nữ thanh niên rơi vào cảnh nghiện ngập, bọn trùm buôn lậu phân phối ma tuý lớn nhất cũng lại là các quan chức cộng sản trong các ngành hải quan, an ninh, chống ma tuý (!)… thì điều gì ắt sẽ xảy ra?

Thưa rằng theo tôi, thì trong lòng nhân dân sẽ nảy nở dần nỗi buồn thê thảm cho đất nước, rồi sự khinh bỉ, căm giận của mọi tầng lớp nhân dân, từ người có học, có hiểu biết, nhà văn hoá ưa cái đẹp, cái thiện, cái thật, đến sinh viên, học sinh yêu dân mình, yêu nước mình cho đến người dân thường luôn có tính bản thiện, ghét dối trá; cho đến cả vô vàn đảng viên thường, không có quyền cao chức trọng, không lao vào ăn bẩn, cướp đất của dân, ăn cắp công quỹ của toàn xã hội, cũng dần dà tự tách mình khỏi bọn quan chức thối nát, khinh ghét nhóm lãnh đạo tài đức đều bệ rạc ở thượng đỉnh.

Một nét đẹp chưa từng có của tình hình là tâm lý xã hội chuyển động khá nhanh, nỗi sợ hãi đôi với chính quyền hung bạo giảm đi trông thấy, người dân thường vốn có lương tri, quen ăn nói bộc trực nay dám mạnh dạn nói lên những tiếng nói phê phán. Hàng loạt văn nghệ sỹ và trí thức truyền tay nhau tán đồng ý kiến của nhà văn Nguyễn Khải trong bài “Đi tìm cái tôi đã mất”, tự phủ định toàn bộ sáng tác văn học của chính mình, vì đã bị đảng cộng sản đánh lừa. Một số báo chí (dù là của đảng và các tổ chức của đảng và nhà nước) tỏ ra ương bướng, cãi lại bộ chính trị, công khai bênh vực các nhà báo bị bắt giam. Có thể nói khẩu khí của xã hội được nâng cao lên đến 5, 10 bậc, khác hẳn trước kia, thường hay nói theo, nói dựa, hoặc giữ im lặng. Khẩu khí của Lê Thị Công Nhân, của Dương Thị Xuân, của Võ thị Hảo, của Nguyễn Huệ Chi, của Trần Đình Thiên, của Trần Thị Hồng Sương… ôn tồn, có lý có tình, có sức thuyết phục cao; hàng trăm bạn trẻ, dân đường phố và nông thôn được các đài RFA, RFI, BBC, VOA… phỏng vấn, trả lời thẳng thắn, không chút sợ hãi cường quyền, có tác dụng xã hội quý báu, khuyến khích mọi người dân ngẩng cao đầu, xét đoán bằng tư duy độc lâp của mình, hiểu rằng chỉ có sự thật và lẽ phải nói lên công khai minh bạch mới cứu vớt đất nước này khỏi thảm hoạ của lừa dối và độc quyền tư tưởng.

Cuối tháng 9 vừa qua, xã hội ta chứng kiến cảnh khác thường. Khi Phạm Quang Nghị chỉ đạo việc đàn áp giáo dân Hà Nội, vu cáo lăng nhục Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, còn yêu cầu Hội đồng giám mục thi hành kỷ luật vị giáo phẩm này, yên chí rằng xã hội và cả Hội đồng Giám mục sẽ nghe theo mình như trước đây, thì kẻ vu cáo bị vạch mặt ngay là chơi trò bẩn, Giám mục Nguyễn Văn Nhơn chủ tịch Hội đồng giám mục phản pháo ngay rằng Tổng giám mục Kiệt không phạm giáo luật nào cả, bộ chính trị bị tẽn tò, bị hố to, bị dạy cho một bài học cay đắng về tôn trọng pháp luật, tôn trọng sự thật.

Chuổi sự kiện nóng hổi trên đây cho thấy tình hình không còn như trước. Nhóm độc quyền có tài thánh để bịt miệng cả triệu con người đã và đang nói lên sự thật; 14 kẻ độc quyền sức mấy mà bắt bớ và bỏ tù một lúc hàng trăm ngàn con người nói to sự thật họ nhận ra. Sự thức tỉnh của hàng triệu con người thời mở cửa và hội nhập vượt xa tầm kiểm soát của nhóm thiểu số chóp bu. Điều này làm cho bộ máy tay sai, bộ hạ vốn đông đảo của họ giảm bớt hung hăng, thưa thớt dần và phân hoá thêm.

Tôi dự cảm thấy từ nay đến cuối năm, nhũng kẻ xưa nay chỉ quen đi huấn thị, lên lớp, chỉ thị, dạy bảo người khác sẽ tha hồ được dạy dỗ lại bởi nhân dân, qua những bài học sống, dù họ không muốn. Dân trí trung bình thời mở cửa và hội nhập đang cao hơn “quan trí”, đặc biệt là “quan trí ” ở chóp bu còn mù quáng vì phe phái, tư lợi. Sắp đến, 14 vị lãnh đạo cao nhất theo dõi chặt chẽ việc xử án 2 nhà báo Nguyễn Việt Chiến Và Nguyễn Việt Hải, nghe kỹ lời buộc tội của công tố, lời bào chữa của bị cáo và luật sư, tìm hiểu nhận xét của báo chí trong ngoài nước, dư luận của dân thường. Để xem họ họ sẽ lãnh đạo vụ xử án ra sao, vẫn theo thói cũ kiểu ” tiền chế, hay theo luật?

Rồi còn vụ PCI Nhật bản và vụ Nexus Hoa kỳ, ếm nhẹm không xong, sẽ xoay sở ra sao? 14 vị như ngồi trên lửa.

Cuối năm nay, vào tháng 12, toàn thế giới sẽ kỷ niệm lớn nửa thế kỷ “Bản Tuyên ngôn lịch sử về Nhân Quyền” (12-1948), Việt Nam sẽ ở trong danh sách chẳng vẻ vang gì – còn ô nhục nữa – là một trong số ít nước nhân quyền bị chà đạp nặng nề bởi chính nhóm cầm quyền. Họ ăn nói ra sao, khi chính họ đã tự nguyện công nhận và cam két tôn trọng bản Tuyên ngôn này; hay vẫn kiểu lưỡi gỗ, rằng Việt Nam có đặc điểm riêng, lo ăn đã, lo nhân quyền sau. Nói lấy được, nuốt lấy nhục mà không biết ngẹn.

Chưa hết đâu, còn việc cắm hơn 2 ngàn cột mốc biên giới Việt – Trung sẽ hoàn thành trong năm nay, với bản đồ rất chi tiết tỷ lệ 1/5.000 sẽ được 2 bên công bố (đến nay bản đồ tỷ lệ 1/25.000 đính theo Hiệp định tháng 12 năm 1999 vẫn bị Hà Nội giấu kỹ). Lúc ấy Bắc kinh sẽ càng lên mặt, sỉ nhục nhóm lãnh đạo Hà Nội không chút nể nang, như tháng 9 vừa qua họ chơi khăm họp báo giữa Hà Nội để công bố lại cái công hàm tháng 9 năm 1958 của Phạm Văn Đồng, “kỷ niệm tròn 50 năm sự kiện đáng nhớ này “(!). Một cái tát vào mặt nhóm lãnh đạo Hà Nội, vậy mà ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm vẫn cúi rạp đầu gọi Hồ Cẩm Đào là “đồng chí”(!).

Đấu đá nhân sự

Theo tin từ Hà Nội, chưa bao giờ vấn đề nhân sự lãnh đạo lại căng thẳng và nóng bỏng như hiện nay. Nhớ lại các khoá trước, các quan lớn đại thần cộng sản còn chỉ mặt nhau: “có gì đâu, nó từng hạ ta, nay ta hạ nó”; “kẻ này có 7 tội”, “kẻ kia có 10 tội” ; “những tên này là tay sai Mỹ, có bằng chứng bán mình cho CIA”; rồi khi Lê Duẩn hấp hối, Lê Đức Thọ mò đến, chìa bút giấy ra yêu cầu Lê Duẩn viết lời chúc thư giao chức tổng bí thư cho mình, bị Lê Duẩn đuổi cổ:”cút khỏi đây! tên vô lại!”

Nông Đức Mạnh được tiết lộ là rất kiên trì “xin được phục vụ đến Đại hội XI” vì tự thấy còn sức(!), vì xem ra chưa chọn được ai nổi vượt lên để thay mình. Thế là nhiều vị phải thuyết phục Mạnh, còn vạch đủ nhược điểm và sai lầm của Mạnh, tuổi cao (69 tuổi), tính nhu nhược, trình độ lý luận kém, ăn nói dở, không có nội dung, quá thu vén cho cá nhân và gia đình, bênh che tham nhũng vì con gái và con rể dính vào bộ máy PMU 18, ép trung ương cho con trai Nông Quốc Tuấn học hành yếu kém vào ban chấp hành trung ương không thành, lại cố đưa lên Sơn la để được bầu vào quốc hội, thành nghị gật, chưa nói một câu nào ở quốc hội…

Nguyễn Minh Triết hy vọng được kiêm chức chủ tịch nước với tổng bí thư, nhưng mức tán thành quá thấp vì kém toàn diện, ý kiến ngèo nàn, lý luận thấp, giao thiệp vụng về, ngoại ngữ yếu kém; lại yếu đau, ho suyễn, ung thư phổi; sức làm việc kém trong khi phải xử lý rất nhiều tình huống.

Nguyễn Tấn Dũng trong thế thủ, cố giữ nguyên chức thủ tướng, bị chiếu tướng nặng nề: lạm phát quá cao, lãnh đạo tài chính nhiều sơ hở, đầu tư lệch lạc, cải cách hành chính ỳ ạch, nhiều bộ quá kém như bộ kế hoạch và đầu tư, bộ tài nguyên môi trường, bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ khoa học và công nghệ…

Cuối cùng có 3 người được nêu lên để chọn:

- Trương Tấn Sang (60 tuổi) hiện là thường trực bộ chính trị, vốn ở thành uỷ Sài gòn, hơn 10 năm trước sống buông tuồng, gây bi kịch gia đình, mất uy tín, đưa lánh ra Hà nội làm trưởng ban kinh tế trung ương nhưng kém hiểu biết về mặt này. Nổi tiếng là công tử bột Bạc liêu (tuy quê ở Long An), là playboy, rất thích nhậu nhẹt và mê gái;

- hai là Phạm Quang Nghị, 60 tuổi, quê Thanh Hoá, được đưa lên thời Lê Khả Phiêu, làm bộ trưởng văn hóa; chính cán bộ trong bộ văn hoá hồi ấy tố cáo Nghị ăn bẫm trong vụ chính phủ Pháp viện trợ tân trang Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội, Nghị lập 5 công ty của bộ (về ốp tường, lợp mái, thiết bị sân khấu, ghế ngồi, trang trí, thảm, an ninh…) để nhận thầu công trình này, riêng bộ trưởng nuốt 15% giá thầu. Bộ công an cử đoàn điều tra nhưng Nghị cầu cứu Phiêu để ếm nhẹm. Báo Pháp từng nói về vụ bê bối này. Gần đây Nghị mất uy tín vì chỉ đạo quá kém vụ Thái Hà và Toà Khâm sứ ;

- ba là Hồ Đức Việt, 62 tuổi, quê Nghệ An, tốt nghiệp tiến sĩ môn toán lý ở Praha (Tiệp). Việt nổi tiếng là con người khép kín, không nói, không phát biểu, không giao du, ngậm miệng ăn tiền. Khi làm chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghiệp và Môi trường của Quốc hội, có biết bao chuyện quan trọng và khẩn cấp, Việt vẫn ngủ gật dài (theo một thành viên của ủy ban này). Làm trưởng ban tổ chức trung ương, tự cô lập mình thì làm sao tìm kiếm phát hiện người tài giỏi được! làm tổng bí thư thì càng gay.

Vậy thì ai sẽ là Tổng bí thư, là nhân vật số 1, là chóp bu của chóp bu của chế độ độc đoán, độc đảng, độc quyền giữa thời khủng hoảng toàn diện này? Ai sẽ làm vua giữa 14 ma vương?

Điều phi lý, trớ trêu, mang tính bi thảm là nhân dân ta, cử tri nước ta không hề có một tiếng nói nào trong việc phát hiện, đề cử, kén chọn người lãnh đạo cao nhất của nước mình. Ngay cả 3 triệu đảng viên CS cũng đứng ngoài cuộc gọi là lựa chọn kỳ quặc, quái đản này.

Sắp đến nhân vật ngồi trên đầu 86 triệu dân ta chỉ là con đẻ của một cuộc sát phạt nhau giữa 14 nhân vật, không có một sự uỷ nhiệm nào của nhân dân, trong một căn phòng nhỏ được canh phòng cực kỳ cẩn mật, cách ly khỏi xã hội; 14 ngôi sao mờ ảo mà tài đức đều đã phơi bày ra sự không ngang tầm với trách nhiệm, khi “quan trí” tỏ ra thấp lè tè, dưới xa dân trí trung bình; không thể có sự lực chọn nào khác chăng! Bỗng nhớ thời bao cấp xa xưa, ra cửa hàng gạo, chỉ có gạo mốc, không có lựa chọn đành chịu, nuốt gạo mốc vậy.

Kết luận

Trước sự phi lý như vậy, trước cuộc khủng hoảng về nhân sự lãnh đạo ở chóp bu, trước nhu cầu cần kíp một tập thể lãnh đạo đủ đức và tài, ngang tầm dân tộc và thời đại, giải pháp duy nhất chỉ có thể là một đồng thuận dân tộc về một chế độ chính trị hiện đại dựa trên nền tảng đa nguyên đa đảng của một bản Hiến pháp mới, thể hiện trong một cuộc trưng cầu dân ý, chấm dứt thời kỳ độc quyền lãnh đạo của một đảng duy nhất đang kìm hãm quá lâu sức sống quật khởi của dân tộc. Chắc chắn đây là tâm nguyện của đa số dân ta, nhưng chưa có cách nào biểu lộ.

Từ trong nước, anh Đặng Quốc Bảo mong có một dàn lãnh đạo có tầm nhìn xa (viễn kiến- vision), có tư duy đột phá, khai phá mở đường; anh Phan Đình Diệu cho rằng một chế độ khoa học, tiến bộ ắt phải là một chế độ đa nguyên đa đảng, hợp qui luật phổ biến của tự nhiên, xã hội và tư duy; anh Nguyên Ngọc đề xuất một chế độ chính trị đặt trên nền tảng văn hoá là tôn trọng con người, nhân phẩm, tâm linh, quý trọng môi trường tự nhiên, rừng suối cỏ cây; anh Nguyễn Trung cảnh báo rằng nếu lãnh đạo không ngang tầm, không biết tận dụng tối ưu các thời cơ vàng thì đất nước ắt sẽ rơi vào thảm họa đen của bất công, bất ổn xã hội, của lạc hậu, lẻ loi giữa thế giới phát triển bền vững; anh Nguyễn Huệ Chi mong rằng vốn liếng xã hội ta được nhân lên trong môi trường chính trị dân chủ, làm điều kiện để cải tạo mọi môi trường kinh tế – kinh doanh – đầu tư – văn hóa – xã hội – tâm linh; từ Singapour, anh Vũ Minh Khương giảng dạy ở Đại học quốc gia cho rằng Việt Nam cần gia cố gấp nền móng lâu bền của phát triển là cải cách thể chế chính trị, nghĩa là đổi mới có hệ thống, nếu không thì phát triển vẫn trì trệ, hụt hẫng, kiểu manh mún và chắp vá như hiện nay; anh “cảm thấy xót xa cho hiện tại và lo ngại cho tương lai, vì chúng ta không chứng minh được rằng Việt Nam là một dân tộc có thể lớn lên từ thất bại, mạnh lên từ khó khăn, thách thức”.

Những lời tâm huyết chí tình đạt lý trên đây cần cho nhóm lãnh đạo nghiền ngẫm, tiếp thu sâu sắc và thực hiện nghiêm chỉnh. Thế nhưng họ đâu có cần nghe. Họ đang lo việc khác. Họ đang lo sát phạt nhau, đấu đá nhau để giành ghế, và giành ghế cho người thân, họ hàng, bộ hạ tin cẩn. Nhân sự bao giờ cũng là mục chính của mọi đại hội đảng.

Chúng ta phải đi con đường khác, nâng cao tiếp dân trí đang thức tỉnh để qua thông tin sắc bén kiên trì dạy cho các quan chức cộng sản những bài học “làm người” từ thấp đến cao, buộc họ thực hiện những điều họ cam kết: thực thi pháp luật nghiêm minh; chống tham nhũng như chống giặc, xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng, văn minh, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ai mất dạy thì ta phải dạy. Chứ sao nữa, thưa các bạn.

Paris 1-10-2008


Bài do tác giả gửi đến Đàn Chim Việt

Phản hồi