Chiếc “Két sắt” đựng tài liệu cho các nhà đấu tranh
Những năm vừa qua, công luận quốc tế đã chứng kiến nhiều phiên tòa bất công vô nhân đạo, phản pháp luật của nhà cầm quyền Việt Nam dành cho các nhà đấu tranh chính trị ôn hòa trong nước. Cái gọi là “tòa án” của chế độ Cộng Sản, rõ ràng chỉ là một công cụ đàn áp của nhà cầm quyền, vì vậy những bản án họ dùng để kết tội con người đều đã được “tuyên” từ trước khi chính thức xử án.
Những bằng chứng kết tội cho các nhà đấu tranh trong nước mà cơ quan tố tụng Cộng Sản đưa ra, đôi khi chỉ là một hai bài viết của họ trên mạng Internet. Điển hình là trường hợp kỹ sư Phạm Văn Trội, trong phiên tòa xét xử Anh tại Hà Nội ngày 08/10/2009, Viện Kiểm Sát Hà Nội đã đưa ra chứng cớ chỉ là một bài viết đấu tranh ôn hòa của anh. Theo chị Huyền Trang vợ anh Phạm Văn Trội, thì anh bị buộc tội đã viết bài “tố cáo công an hành hung”. Và với bài viết đó, anh đã bị kết án 4 năm tù…
Như vậy, việc cất giấu tài liệu cá nhân nhờ áp dụng các dịch vụ công cộng trên mạng Internet, là rất cần thiết trong việc tự bảo đảm an ninh cho các nhà đấu tranh trong nước. Trước hết, máy tính cá nhân của các nhà đấu tranh nên cài đặt một “Phần Mềm Đóng Băng Tài Khoản” mà bất cứ một nhân viên kỹ thuật sửa chữa lắp đặt máy PC nào cũng làm được, để sau một phiên làm việc hoặc có sự cố công an bất ngờ ập đến kiểm tra máy tính, thì máy tính đã tự xóa sạch mọi dữ liệu của buổi làm việc ấy, (kể cả địa chỉ các trang Web mà ta vừa mới truy cập). Tất nhiên là nếu chúng ta kịp thời tắt máy khẩn cấp, hoặc đơn giản là rút ổ cắm điện của máy tính ra…
Với những tài liệu là các bài viết, hình ảnh, và Video, nơi tốt nhất hiện nay để cất giữ nó an toàn, không phải mang theo người bằng USB, và cũng không phải lưu trong máy tính, hay phải áp dụng Password khóa dữ liệu cầu kỳ, dễ quên mật khẩu (thông thường mỗi tập tin phải có một mật khẩu riêng). Các nhà đấu tranh trong nước hãy cất giữ tài liệu ngay trên mạng Internet, vừa tiện dụng lại dễ lấy ra, vì hầu như bất cứ nơi nào có sóng điện thoại di động thì đều có sóng Wireless Internet (chỉ cần có một Modem nhỏ xíu kết nối), chưa kể đến mạng có dây.
Như tác giả bài viết này đã giới thiệu cách giấu tài liệu ngay trong hộp thư (Email) ở loạt bài “Đối mặt với công an an ninh Việt Nam – Một số kinh nghiệm”. Nhưng cách này có khó khăn đối với những ai có nhiều File dữ liệu khác nhau, khi tìm để lấy ra tài liệu mình cần sẽ tốn rất nhiều thời gian. Hiện nay có một loại “két sắt” ảo, miễn phí rất tiện lợi và dễ sử dụng nhờ dịch vụ của Google, đó là blog. Xin giới thiệu dịch vụ cung cấp blog của Google vì đây là nhà cung cấp có uy tín về độ bảo mật nhất hiện nay. Có người sẽ hỏi: Blog là một trang mạng công khai, có gì là bí mật? Xin đọc tiếp sẽ có câu trả lời…
Trước hết, muốn lập một blog dạng http://abc.blogspot.com ta cần phải có một tài khoản của Google, cụ thể là phải có một địa chỉ Emai của Google. Theo kinh nghiệm, ta nên lập một Email mới, không nên dùng địa chỉ Email mà mình đang dùng liên lạc hàng ngày, vì như vậy không an toàn lắm. Với những khả năng cài Virut gián điệp vào bàn phím máy vi tính người khác, của công an mạng, thì việc tìm ra Password của Email mà ta dùng hàng ngày là điều không khó khăn nhiều.
Để đơn giản hóa, kể từ khi ta chưa có tài khoản Email của Google, xin bắt đầu bằng cách gõ vào địa chỉ: http://blogger.com để có thể đến được trang Blogger. Trang này chỉ dẫn cho ta có thể tạo một blog đơn giản chỉ qua ba bước: 1. Tạo một tài khoản – 2. Lựa chọn tên Blog – 3. Lựa chọn template.
Nếu ta đã đăng nhập vào một tài khoản Gmail nào đó và chưa Sign out, thì mặc định của Google sẽ cho tài khoản Blogger lấy Username (tên địa chỉ Email) ấy. Tiếp theo, chỉ việc nhập password vào ô Password là hoàn tất bước này. (trong trường hợp chưa đăng nhập vào Gmail thì ta cần nhập phần Username sau đó nhập password hộp thư của mình vào phần password của trang này). Sau đó ta nhấp chuột vào nút: “Tạo Blog” đối với giao diện có sẵn tiếng Việt. Hoặc nhấp chuột vào mũi tên sổ xuống bên phải của giao diện để chọn ngôn ngữ tiếng Việt. Có thể không cần nhấp chuột vào “đăng nhập”, mà nhấp thẳng vào “tạo blog”
Ta cần điền đầy đủ Địa chỉ Email, tên, tên hiển thị (tùy ý), đánh dấu vào “tôi chấp nhận các điều khoản dịch vụ”. Tiếp theo là nhấp vào ô “tiếp tục”.
Bước “Đặt tên cho blog của bạn”. Tiêu đề, ta hãy chọn một tiêu đề, ví dụ: “Két Sắt Của Tôi” chẳng hạn (tiêu đề này bắt buộc phải có). Tiếp đến là điền địa chỉ URL (địa chỉ blog), sẽ có dạng: http://abc.blogspot.com. Sau khi điền địa chỉ theo ý mình, nếu nhà cung cấp dịch vụ không chấp nhận địa chỉ đó vì có thể đã có người dùng chọn trước chúng ta. Hãy nhấp chuột vào “kiểm tra tính sẵn có” và lựa chọn một trong những URL đã có sẵn. Sau cùng thì nhấp chuột vào ô “tiếp tục”
Sau khi nhấp vào “tiếp tục”, dịch vụ sẽ hiện lên trang báo cho chúng ta rằng blog đã được hình thành, với những thông tin dưới đây:
“Blog của bạn đã được tạo!
Chúng tôi vừa tạo một blog cho bạn. Bạn có thể bắt đầu đăng bài ngay bây giờ hoặc tuỳ chỉnh giao diện blog của mình”.
Tiếp theo ta có thể nhấp chuột vào ô “Bắt đầu viết blog” để vào cài đặt các tính năng tùy chọn của Google như: Đăng bài, cài đặt, thiết kế vv… Nếu ta chọn “đăng bài” thì có thể chép tài liệu bằng văn bản lên trang blog này ngay lập tức mà chưa cần cài đặt gì thêm. Trong trường hợp người sử dụng blog muốn thiết kế cho blog của mình đẹp đẽ một chút và có nhiều “trang con” như: “bài viết mới”, “lưu trữ”, “trang trình chiếu”, “nhận xét” vv… Ngoài ra còn có sẵn hàng loạt mẫu blog mới mà ta có thể tùy ý chọn lựa. Đó là đối với những người muốn công khai blog của mình.
Đối với những người muốn cài đặt trang blog trên thành một trang cá nhân để lưu giữ tài liệu đấu tranh (không ngoại trừ đối với cả những người muốn lưu giữ những tài liệu “nhạy cảm” cần bí mật), chúng ta chỉ việc nhấp chuột vào “cài đặt”, tìm đến ô có chữ “quyền” nhấp chuột vào chữ “quyền”, một giao diện mới sẽ mở ra. Nhà cung cấp có các ô cho chúng ta chọn lựa, đó là câu hỏi “ai có quyền truy cập blog này?”, “tất cả mọi người”, “chỉ những người đăng ký” và “chỉ tác giả blog”. Nhấp chuột vào “chỉ tác giả blog” một dòng cảnh báo sẽ hiện lên: “Bạn chuẩn bị giới hạn blog của mình nên chỉ tác giả của nó mới có thể đọc”. Nhấp chuột vào ô “chỉ cho phép tác giả” lúc này hiện ra có màu vàng, tức là ta đã xác nhận (đóng blog hoàn toàn với bất kỳ một người thứ hai nào ngoài người biết địa chỉ URL, Username, Password).
Khi blog đã được đóng lại, giống như một chiếc két sắt, chỉ có chủ nhân của chiếc két này có mật mã là Username và Password thì mới mở ra được. Bất kỳ ai, dù là biết địa chỉ URL chính xác của ta cũng sẽ không vào đọc blog được. Khi trang blog được gõ tìm kiếm đúng URL thì một tin nhắn sẽ hiện ra, yêu cầu người muốn truy cập phải nhập đúng Usename và Password thì blog mới mở…
Như vậy chiếc “két sắt” của chúng ta đã thiết kế xong. Chúng ta chỉ việc nhớ địa chỉ URL của mình, nhớ Username và Password cho cẩn thận, vì nếu quên 1 trong 3 dữ liệu trên thì coi như ta đã “ném chìa khóa của két sắt xuống sông”.
Trong trường hợp người dùng muốn đề phòng tin tặc tấn công phá hoại trang blog (nếu là công khai) của mình, sẽ có một cách rất đơn giản để đối phó. Đó là tận dụng tính năng Xuất khẩu và Nhập khẩu blog (tức là nhân bản hoặc chép nhanh tài liệu sang trang blog khác). Trong phần Cài đặt, chúng ta tìm ô có dòng chữ: “Xuất khẩu và Nhập khẩu blog”. Nếu muốn nhân bản blog, chúng ta chỉ việc nhấp chuột vào ô “xuất khẩu blog”, máy tính sẽ tự động Download toàn bộ mọi tài liệu có trong blog ấy vào một ổ cứng (do người dùng chọn hoặc mặc định là chép vào Document của máy tính). Như vậy là đã xuất khẩu xong.
Nếu chúng ta muốn nhập khẩu, tức là sao lưu toàn bộ blog sang một blog khác, ta cần phải tạo một blog mới, hoặc cần có sẵn một blog dạng Blogger. Mở blog này ra rồi vào phần “Xuất khẩu và nhập khẩu blog”, rồi nhấp chuột vào ô “nhập khẩu blog”. Trang blog sẽ hỏi chúng ta muốn sao chép tài liệu nào (Browser), ta chỉ việc nhấp chuột vào nơi có chứa tệp tin mà ta vừa xuất khẩu, nhấp tiếp “ok”, chờ ít phút là trang blog có thể sao chép hàng chục ngàn trang tài liệu cần thiết. Như vậy là người dùng đã hoàn toàn yên tâm, không sợ bị “mất gốc” các tài liệu quan trọng.
Cùng với hàng tỉ người sử dụng dịch vụ Internet của Google trên khắp thế giới, những thành viên đấu tranh ôn hòa chống Cộng Sản trong nước, tại Việt Nam, vô cùng biết ơn nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu thế giới này. Đặc biệt là đối với gói dịch vụ blogger miễn phí của Google. Ngày nay Internet đã chính thức thực sự trở thành một vũ khí quan trọng của những người đấu tranh.
Tuy dung lượng của loại blog miễn phí của Blogger chỉ khoảng 1 GB, nhưng cũng là quá đủ để cho một nhà đấu tranh cất giấu những tài liệu cá nhân quan trọng, nếu muốn có dung lượng lớn hơn thì cần phải đóng thêm tiền. Vì vậy, nếu là trang blog bí mật, ta không cần cài đặt thêm nhiều tiện ích, như vậy sẽ tốn dung lượng của trang. Nhưng có một cách rất đơn giản để giải quyết khó khăn này, đó là lập thêm nhiều blog khác. Hy vọng rằng chiếc “két sắt” này sẽ giúp một phần bảo đảm an toàn cho các dữ liệu riêng của những nhà đấu tranh trong nước.
Qúy độc giả có thể tham khảo blog mẫu tại: http://nguyenhong8406.blogspot.com
© Lê Nguyên Hồng
© Đàn Chim Việt